Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (320): Nhã Ca (11)

Đêm nghe tiếng đại bác (kỳ 6)

VI.

Kim xin phép đi từ bữa trưa và dặn không ăn cơm tối.

Nhưng bữa cơm tối đã xong, tới hơn chín giờ vẫn chưa thấy Kim về nhà. Me tôi là người xướng lên đầu tiên về sự về trễ của Kim, bà lo lắng ra mặt:

“Hừ, thằng Kim đi biệt chưa về, dạo nầy giới nghiêm sớm đó. Đứa nào đi kiếm nó đi”.

Ba tôi nhìn đồng hồ nói:

“Chắc nó bận việc họp hành gì ở trên công tác hè đó mà, dạo nầy nó không ham chơi đâu”.

Me tôi gắt:

“Nhưng đi đêm hoài tôi lo lắm, nhỡ ra…”

Ba tôi cười:

“Nhỡ ra có cô gái nào bắt cóc mất thì phiền”.

“Hứ, ông tưởng nó giống tính ông chắc, con trai tôi, nó giống tôi. Phượng và Quyên đèo nhau lên trụ sở tìm nó xem”.

Tôi bàn:

“Con ngại quá, con gái mà đi đêm hôm, tụi cao bồi nó ưa doạ lắm”.

Me tôi nói lẫy:

“Thế các cô xin đi ciné thì tối mấy cũng không sợ, đi tìm em một chút cũng lười. Thôi để tôi đi”.

Chị Phượng nãy giờ ngồi im nghe cuộc bàn cãi, lúc nầy mới lên tiếng:

“Mười hai giờ mới giới nghiêm mà me. Bây giờ mới có gần mười giờ”.

Chị Phượng vừa nói tới đó thì đã có tiếng xe gắn máy của Kim nổ ngoài ngõ. Me tôi chạy ra mở cửa, một lát cả tiếng Kim và me tôi nói với nhau. Ba tôi thấy mặt Kim đã nói lớn:

“Kim, còn đi đâu mà để me con lo mất ăn mất ngủ vậy”.

Kim đưa tay vuốt mồ hôi trán, cười:

“Do mấy hôm nay ở chương trình con bận quá, có lẽ tuần tới chúng con phải đi về miền Trung”.

Me tôi kéo tuột Kim vào phòng trong:

“Thôi đi ông tướng, mời ông đi rửa mặt, thay quần áo. Me có để cho con ly chè đậu to tướng trong tủ lạnh kìa”.

Ba tôi nhìn theo me tôi và Kim, ánh mắt đầy hả hê. Tôi bỗng thấy cảm động hết sức, tôi muốn khóc ngay lúc đó, và khuôn mặt ba tôi từ bao nhiêu năm nay vẫn không hề thay đổi, nhưng vầng trán như nhiều nếp nhăn hơn, bàn tay nhiều gân xanh hơn. Tôi rạo rực muốn ôm lấy bàn tay của ba tôi mà hôn, hay ôm lấy ba tôi mà khóc. Từ khi lớn, tôi bỗng nhiên mất mọi sự trìu mến bộc lộ của ba tôi, ông không còn ôm tôi vào lòng nữa. Ngày trước, hồi tôi lên mười một, mười hai tuổi, mỗi buổi chiều ba tôi còn tắm gội cho tôi, và những đêm trời hạ, ba tôi vẫn quạt cho tôi ngủ. Khi lớn lên, tôi ngủ chung với chị Phượng, và cũng nhận đủ sự trìu mến của chị. Nhưng tôi vẫn nhớ tiếc những ngày tháng cũ, tiếc mà không thể ao ước trở lại…

Kim đã tắm xong, đã ăn hết tô chè, và cùng me tôi trở lại phòng khách. Câu chuyện gia đình mỗi tối lại được khơi hàn, và trong câu chuyện, anh Nghĩa, anh Phan lại được nhắc đến. Lúc nầy thằng Kim mới kêu lên:

“Ấy chút xíu em quên, buổi sáng em nhận được thư anh Nghĩa, em bỏ vào hộc bàn rồi quên mất”.

Chị Phượng vội vàng:

“Trời ơi. Cái thằng nầy. Vậy mà bây giờ mới nói. Đâu rồi. Thư gửi cho ai vậy?”

“Không biết, em chỉ thấy thoáng chữ anh Nghĩa, rồi em vất vào hộc bàn”.

Me tôi giục:

“Vậy vào lấy đem ra ngay đây, thằng nhỏ nầy thật giống ai mà như ốc mượn hồn. Cái gì cũng quên được”.

Cả nhà đều hy vọng được đọc một lá thư dài và chắc chắn có cả thư Phan ở trong nữa. Nhưng khi Kim cầm lá thư ra, bóc bì và cầm đọc, cả nhà bu lại thì mới hay thư của Nghĩa gửi cho Kim. Me tôi là người trước tiên trườn tới chụp bức thư. Ba tôi nói để chị Phượng đọc là hợp lý nhất, nhưng Kim không chịu, nó giằng bức thư chạy núp vào sau tấm màn:

“Thư nầy anh Nghĩa gởi cho con, chỉ có con có quyền đọc thôi”.

Tôi không nín được cười. Kim vậy đó. Thư anh Nghĩa gởi cho nó, đề tên nó, mà cũng không thèm nhìn xem trước khi cất đi. Mười bảy tuổi đối với tụi em bạn tôi đã biết nịnh đàn bà, biết dẫn đào đi rước đèn. Trái lại, Kim chỉ mê có hai thứ là đá banh và hoạt động xã hội. Mấy cô choai choai hàng xóm có tới làm quen mượn sách thì Kim trợn mắt: “Uý, tui ghét tiểu thuyết lăng nhăng lắm, có mượn thì vào hỏi chị Phượng tui kia kìa.” Nói chưa dứt câu nó đã tìm cách chuồn mất.

Bây giờ Kim đứng trước mặt cả nhà, đưa lá thư ngang mắt và bắt đầu đọc.

Kim.

Anh cũng nhận được thư cả nhà, lá thư cũng dài, cũng hay, chỉ có lá thư của Kim, ngắn và nhanh như một đường banh lọt lưới. Bởi vậy anh phân vân mãi sau cùng nhất định phải viết thư cho Kim trước, bởi anh cũng hồi hộp chờ đợi cái chương trình công tác mà Kim hứa sẽ kể rất hấp dẫn ở thư sau.

Có thể trong tuần tới anh sẽ về phép, mà đã về thì phải có ngày Chủ nhật. Lần nầy anh sẽ dẫn Kim đi mua một bộ đồ sì po thật luých và mọi chuyện sẽ gác lại hết để dành cho hai anh em mình, kể cả chị Phượng…

Kim đang đọc, bỗng nhảy dựng lên rồi cầm lá thư chạy khắp phòng:

“Hay quá, lần nầy gác cả chị Phượng lại đấy nhé. Ha ha có người đêm nay ức quá nằm khóc”.

Chị Phượng đuổi theo Kim, sốt ruột:

“Thằng quỷ, có đưa thư cho người ta đọc tiếp không? Làm gì kỳ vậy”.

“Có, có đoạn nầy gửi cho chị Phượng.

Chị Phượng giằng lá thư trên tay Kim. Nhưng sau đó chị đặt xuống bàn. Tôi lượm lên xem. Chỉ có một dòng ngắn ngủi sau đoạn Kim đọc: Anh phải đi hành quân gấp, hen. Ba tôi nhìn qua lá thư nói:

“Thằng Nghĩa đi hành quân, vậy thằng Phan cũng cùng đi rồi”.

Giọng me tôi trầm ngâm:

“Chắc Chủ nhật tụi nó cùng về chung”.

“Dĩ nhiên”.

Riêng chị Phượng càu nhàu:

“Vậy là anh ấy không biên thư kịp cho con rồi”.

Nhìn khuôn mặt tiu nghỉu của chị Phượng, tôi đâm ra thương hại chị. Me tôi lại đề nghị, me tôi luôn luôn có đề nghị, luôn luôn có sáng kiến:

“Phải dời bữa chả giò lại một tuần nữa”.

Kim phản đối:

“Trời ơi, buổi chả giò ly kỳ nhất thế giới. Ăn rồi không ăn, đợi mãi mỏi cổ quá”.

Tôi nghĩ tới Hoàng:

“Con đã mời Hoàng ngày mai tới rồi mà me”.

Me tôi ngẫm nghĩ:

“Ừ nhỉ. Thôi cũng được, mai cứ bảo Hoàng tới, mình ăn cơm thường vậy”.

Kim xịu mặt:

“Lại mất ăn chả giò nữa rồi. Từ nay con không thèm mong nữa”.

Me tôi cười:

“Không chả giò thì ăn món khác, mai me nấu giả cầy, Kim thích nhé”.

“Cũng tàm tạm”.

Mặc dù cả tôi, cả ba tôi và Kim phản đối, me tôi đã nói ra một điều là một điều. Ba tôi, lúc nào cũng vậy, ban đầu thì hăng hái theo phe chúng tôi, để rồi sau đó kết luận: “Ờ, me chúng mầy nói cũng có lý”. Me tôi bao giờ cũng có lý đối với ba tôi hết, chả thế mà gặp một người đàn bà nào, dù đẹp đến đâu, ba tôi cũng chặc lưỡi: “Tiếc quá, cô ấy (hay bà ấy) không được mập mạp”. Và chắc là đối với ba tôi người đàn bà đẹp phải là mẫu người như me tôi thôi. Tôi nghĩ khác, ba tôi nói thế để nịnh me tôi. Tất cả đàn ông ai cũng thích nịnh vợ một tí để yên cửa yên nhà, Hoàng cũng vậy, khi cãi với tôi xong lại cười: “Em có lý”. Hoàng nói thế để cho yên cửa yên nhà đó mà.

Chị Phượng thì không một tiếng phản đối nào hết. Chắc chị cũng đang nghĩ tới lá thư anh Nghĩa gởi cho Kim. Tôi nhìn chị hóm hỉnh cười, chị lờ đi không biết. Chị Phượng giữ lá thư đó. Kim lười biếng nói với chị: Chị trả lời hộ em đi nhé. Hay là cho em viết ké vài dòng. Ba tôi mắng Kim lười thì Kim cười: “Con bận lắm ba ạ”. “Mầy bận đi xem đá banh phỏng?” Kim trả lời: “Không phải, tuần nầy con đi trại nhiều”. Me tôi gắt: “Không công tác công tiếc gì hết. Đi suốt ngày đêm rồi người cứ gầy nhom, sao con không lo học hành, ăn ngủ gì hết”.

Ba tôi đỡ cho Kim:

“Nó cũng lớn rồi, để nó tự lo. Con trai phải hoạt động chứ?”

“Hoạt động? Tôi mong nó học hành thôi, học và ở nhà để tôi lo cho nó”.

Ba tôi cười, Kim cũng cười: “Ôi, con hết bú lâu rồi mà me”. Me tôi cũng cười theo. Kim pha trò ngay bằng cách kể tường thuật lại một buổi đá banh. Ba tôi gật gù thích thú lắm, còn chị Phượng thì gắt: “Gớm, cả ngày Rổn với Rảng”. Kim cười khà khà theo lối kiếm hiệp rồi đưa chân đá một đường banh tưởng tượng. Me tôi nhăn mặt: “Có ngày gẫy chân con ạ”. Tức thì Kim ngã ngồi bệt xuống nền nhà, ôm chân la bai bải. Cả nhà cười ầm, còn me tôi xanh cả mặt. Chị Phượng xách cổ Kim dậy: “Giả bộ hoài, lên nhà học bài không cho cái bạt tai bây giờ”. Thằng Kim chạy vù lên gác.

Ba tôi lật chồng báo đọc vài tin chiến sự. Me tôi nói: Khủng khiếp quá. Còn chị Phượng thì nhìn ra ngoài cửa sổ đầy bóng tối. Không khí bỗng buồn tẻ hẳn và trong lòng tôi xốn xang một điều buồn tủi. Giọng ba tôi đều đều:

“Mình ở đô thành không biết đó, chứ mỗi ngày biết bao tấn bom nổ có hàng trăm hàng ngàn người chết, mất tích”. Me tôi hầm hầm: “Cộng sản, trời ơi mình để nhà để cửa, ruộng nương lại cho họ hết. Đi đến đây mà còn không yên nữa”. “Me mầy lại tiếc mấy gốc trầu không ngoài Hà nội rồi”. Ba tôi cố nói cho vui mà không ai thấy vui hết.

Trời bỗng chuyển giông ì ầm rồi tiếp đến những tiếng sấm chớp. Một tiếng sét nổ lớn dữ dội, chúng tôi giật mình. Tôi nghĩ tới những tiếng đạn réo ngoài mặt trận chắc còn dữ dội hơn thế. Và anh Phan, và anh Nghĩa, đang đi trên những bước may rủi của vận mệnh. Nhưng thật có sự may rủi không? Có số mệnh không? Số mệnh nào trùng hợp nhau cho cả nghìn người như thế? Hay là tất cả chịu chung một số mệnh?

Tôi nghĩ rất miên man cho tới lúc cơn mưa trút xuống ào ào. Tiếng mưa thật săn hạt, dội bần bật trên mái tôn, trên đất rồi thưa dần. Ba me tôi uể oải đứng lên đi vào phòng. Chị Phượng kéo tôi lên gác, chúng tôi đóng hết các cửa sổ, nhưng tiếng mưa vẫn lọt vào, rì rầm thủ thỉ. Chị Phượng hỏi tôi tới thăm Hoà chưa? Tôi sực nhớ là tôi chưa tới thăm Hoà.

Đêm mưa làm tôi nhớ lại những kỷ niệm nôn nao, kỷ niệm của tôi và Hoàng, của tôi và gia đình, học đường. Dạo còn ở Hà Nội, tôi còn bé tí xíu, gầy lóc chóc. Anh Phan thường cõng tôi lên vai, trùm kín mít hai anh em bằng chiếc áo dạ của ông nội tôi, chạy băng trong mưa tìm mua những gói lạc rang. Kỷ niệm thuở nhỏ trong gia đình tôi đầm ấm, nhưng anh Phan đã đi xa và không có kẻ nào thay thế nổi. Còn Hoàng, Hoàng thân thiết với tôi từ thuở nhỏ, dạo còn ở Bắc, cho tới khi di cư vào Nam, chúng tôi lớn lên và như bây giờ. Kỷ niệm như khơi dậy bởi những giọt mưa nỉ non, mang qua thật nhanh từng khuôn mặt. Khuôn mặt của bà ngoại tôi bị dội bom chết sau vườn cau. Dạo đó tôi chưa được sinh ra, nhưng qua lời kể lại của những người thân, tôi có thể tưởng tượng ra được. Khuôn mặt của chị họ tôi bị Tây đen hiếp. Chị đẻ ra một đứa tây đen con, tuổi hắn cũng hơn tôi, và bây giờ không biết làm gì ngoài Bắc. Khuôn mặt của chú bác tôi, họ hàng trong gia phả theo lời của ba tôi kể lại, kẻ đã đi theo kháng chiến chết, người sang Tây sang Tàu biệt dạng, và nhiều khuôn mặt của bà con tôi ở Hà Nội nữa. Có những đứa em con các chú tôi, bây giờ chúng như thế nào, tôi cũng có thể tưởng tượng rất phong phú. Tôi nói với Phượng. Chị có biết mặt chị Vạn không? Có phải chị Vạn đẻ ra thằng Đen? Tôi nói phải. Chị nói có gặp một hai lần thằng Đen rặt dòng giống Tây đen. Và chị còn kể thêm nhiều giai thoại về thằng Đen và chị Vạn. Chị Vạn đẻ xong, hổ thẹn bỏ đi tu. Sau nầy, chính thằng Đen cầm đầu bọn tới phá chùa. Chị ra khóc lóc, hắn chỉ nhe răng cười. Tôi hỏi sao chị ấy không đi di cư. Chị Phượng trả lời chị ấy ở lại để đi tìm thằng Đen. Tôi bực tức: Tìm, đồ bất hiếu vậy mà còn tìm làm gì. Chị Phượng đặt tay lên vai tôi: Tụi mình đã làm me đâu mà biết được, phải không. Nhưng tôi cứ tức giận và cố không nghĩ tới chị Vạn nữa. Tôi lại nghĩ tới Đông, tới Mẫn, tới chuyến tàu đi qua buổi trưa với đoàn lính. Những khuôn mặt trên dưới hai mươi đó cũng ra khỏi nhà trường. Vậy mà bây giờ họ đã tới một trận tuyến nào đó. Tôi lười biếng nhặt tờ báo của chị Phượng vừa ném xuống để đọc những dòng tin từ thành tới tỉnh. Tin một vụ bắt cóc trẻ em, chọc thủng mắt bắt đi ăn xin, mụ đàn bà đã bị tóm cổ. Tin trộm cướp, tin chiến sự.

Tôi bực tức tới tưởng phát điên. Chị Phượng cầm tay tôi nhỏ nhẹ: “Quyên, Quyên thật trẻ con”. Tôi vùng vằng nôn nao. Anh Hoàng rồi anh cũng phải đi, nhất định đi chứ?

“Khóc đó hả Quyên?”

Tôi đưa tay lên để lau một giọt lệ chực rơi. Tôi nói với chị Phượng:

“Em sợ quá”.

Chị Phượng ôm lấy tôi, cả hai chị em ngã xuống giường. Tôi vùi mặt trong tóc chị Phượng.

Có tiếng ba tôi ho ở phòng dưới. Ba tôi chưa ngủ. Tôi đoán chừng ba tôi đang đứng ở mái hiên, nhìn mưa rơi. Tiếng đại bác càng về khuya càng giòn giã. Một cuộc vui nào trong đêm? Một đám cưới? Không, tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Tiếng đại bác vẫn đều, thân ái, nghẹn ngào. Bây giờ anh Phan tôi đang làm gì? Anh Nghĩa đang làm gì? Hoàng có nghe thấy không? Ba me có nghe thấy không? Tiếng đại bác. Tiếng đại bác. Hãy nói cho tôi nghe đi mưa ơi, tiếng đại bác từ phương nào? Nó đang nói gì? Đang nghĩ gì? Và đang đi tới nơi nào vậy?

VII.

Ngày Chủ nhật, Hoàng đến với gia đình tôi để ăn một buổi cơm thường, có món giả cầy me tôi nấu. Ba tôi ăn rất nhiều và nói rằng thức ăn me tôi làm càng ngày càng ngon. Hoàng nói: “Con tưởng hôm nay sẽ được ăn món chả giò”. Me tôi nói: “Món đó me chờ Phan và Nghĩa về mới nấu”. Me đã nói để dành là để dành. Me tôi xưng me với Hoàng làm tôi muốn khóc. Lúc đó Hoàng nhìn tôi, tôi cúi mặt xuống. Tôi cũng thoáng thấy mặt Hoàng âm u hẳn lại.

Hoàng đã nhận lệnh gọi đi Thủ Đức. Và thời gian còn lại là thời gian riêng của chúng tôi. Ngoài thời gian Hoàng đi lo giấy tờ, ăn ngủ, chúng tôi không rời nhau nửa bước. Một đôi khi Kim bắt Hoàng chở nó đi một vài nơi, rủ Hoàng dự một cuộc hội thảo sinh viên, Hoàng cũng đưa tôi theo. Kim cho thế là không được. Nó nói ra thế nhưng chúng tôi không giận. Đến hồi Kim biết yêu, nó sẽ nhớ lại và buồn cười nó. Ba me tôi và ba me Hoàng lại gặp nhau thường hơn. Chắc về cuộc hôn nhân của tôi và Hoàng. Các cụ muốn trước khi đi Thủ Đức, chúng tôi làm đám cưới. Nhưng chúng tôi, cả tôi cả Hoàng đều không muốn, chưa muốn thế? Kéo dài tình nhân hoài cũng không được. Nhưng lấy nhau giữa lúc nầy chả hơn gì? Ba me tôi và ba me Hoàng cũng tuỳ ở chúng tôi. Trong lúc nầy, trong hoàn cảnh nầy, không ai nỡ nói với chúng tôi một câu nào ép buộc. Tôi mua cho Hoàng một bộ kiếm hiệp. Hoàng hỏi tôi rằng tặng chàng thứ đó với ý nghĩ gì? Tôi nói với Hoàng để anh giết những thời giờ phiền nhất. Hoàng nói thì giờ buồn phiền nhất là của tôi, tôi cần phải giết hết thì giờ phiền muộn. Tôi hứa với Hoàng là tôi sẽ bỏ hết thì giờ vào việc học hành. Tôi nói thế nhưng không mấy tin tưởng ở lời hứa của mình.

Tôi rủ Hoàng đến thăm bà mẹ già và cô em gái của Phụng, người bạn của anh Nghĩa. Đúng như tôi đoán mẹ của Phụng rất già, tuổi trên năm mươi nhưng khắc khổ và đầy phiền muộn. Sự xuất hiện của chúng tôi ban đầu đã làm cho bà cụ và Thu ngạc nhiên, nhưng sau đó khi hiểu ra, chính bà cụ lại vui mừng rơi lệ: “Thằng Phụng”, bà cụ nói, “nó đi biền biệt ít khi về lắm. Mỗi kỳ lương nó đều gửi về để nuôi tôi và em nó. Mẹ con tôi sống thui thủi buồn lắm cô cậu ạ”. Bà kể một hồi về đứa con trai rồi lại nói về quê hương: “Tôi muốn chết mà chưa chết được. Tôi đợi thằng Phụng đưa tôi về Bắc cái đã. Hoà bình đã sắp tới chưa cô cậu”. Hoàng và tôi không biết trả lời sao, bà cụ lại thở than rằng đánh nhau hăng để kết thúc đó. “Tôi tưởng vào đây mẹ con sống yên, ai ngờ nó phải đi lính đánh giặc. Rồi họ vào đây mình biết chạy đâu”. Lý luận của cụ già khiến tôi vừa xót xa vừa tức cười. Hoàng nói chuyện với bà cụ, còn tôi lân la trò chuyện với Thu. Thu năm nay mười sáu tuổi, dáng gầy, buồn bã. Nhưng Thu có đôi mắt thật long lanh, tôi đoán Thu thông minh lắm. Nói chuyện với Thu, tôi hiểu tâm trạng Thu và thương Thu như chính em gái mình.

Ngày Chủ nhật rồi cũng qua, rồi ngày thứ Hai cũng qua nốt. Nhưng ngày tháng còn lại nhắc nhở luôn luôn sự xa cách. Sáng thứ Ba, Hoàng phải đi lo giấy tờ một mình. Tôi ngồi ở nhà với chị Phượng. Hai chị em đọc lại một bài một bài thuộc lòng cũ từ thời lớp tư, tả cảnh chiều quê thanh bình. Trong bài có nói tới mái tranh, khói chiều, con đường làng với những trẻ chăn trâu. Cảnh đó làm gì còn trên quê hương chúng tôi lúc nầy nữa... Chị Phượng đem rổ may ra. Tôi thấy chị ấy ngồi thêu những chiếc khăn tay. Tôi nghĩ tới công việc đó do tôi làm. Ừ, sao tôi không ngồi thêu cho Hoàng những chiếc khăn tay như chị Phượng thêu cho anh Nghĩa. Nhưng tôi buồn nản và lười biếng lắm. Chị Phượng thấy tôi nhìn thì chị cười nói là chị định thêu cho Hoàng đó, có hơn hai tá khăn thêu cho anh Phan và anh Nghĩa vẫn còn nguyên chưa gửi ra mặt trận được. Tôi cảm động nhìn chị ngồi thêu, dáng cắm cúi chịu đựng. Tôi thắc mắc hoài không hiểu hai chị em tôi có điểm nào hợp nhau không? Nhưng dù có không giống nhau về tâm tính, tôi vẫn thương mến chị Phượng mãi mãi. Tôi nghĩ là sau nầy tôi có chồng có con, tôi vẫn thương chị Phượng như thế. Chị Phượng thật chu đáo, còn tôi, tôi không nghĩ mua gì cho Hoàng sao? Chắc tôi thua chị Phượng về công việc làm vợ hiền mất rồi. Ý nghĩ đó làm tôi muốn ra phố chọn quà cho Hoàng, tôi thật vô vị, chỉ biết mua thôi. Tôi nói với chị Phượng rồi thay áo đi lên phố. Khi đi qua dãy hàng Tax, tôi mới phân vân không biết nên mua cho Hoàng thứ gì? Một chiếc cà vạt? Một bộ khuy áo? Một áo mưa? Đúng rồi, áo mưa của Hoàng đã bỏ quên trong một hiệu kem chiều hôm trước. Tôi quyết định đi chọn cho Hoàng một cái áo mưa. Và trong khi đi quanh các gian hàng, tôi đã gặp Đông đang đi ngược chiều trở lại. Đông trông thấy tôi thì tươi cười, rồi chào tôi theo kiểu nhà binh:

“Xin trình diện Quyên”.

Tôi đứng dừng lại nói: “Chào anh Đông”. Đông hỏi sao tôi lại đi có một mình. Ý Đông muốn hỏi Hoàng. Tôi trả lời Hoàng bận đi lo giấy tờ. Đông nói: “Giấy tờ để vào Thủ Đức phải không”. Tôi đáp phải và nói thêm gia đình tôi, kể cả con và rể đều đi lính hết. Đông nói:

“Phải để cho hắn đi chứ. Trai thời loạn mà. Đi lính mới lớn ra được”.

Tôi cười:

“Bộ anh bảo không đi lính là trẻ con à?”

“Chứ sao, Quyên coi tôi nè. Trước đây tôi có lớn như giờ đâu?”

“Anh phải đệm đế giầy cho cao hơn tí nữa kia”.

Đông cười, xoay xoay cái mũ trên tay rồi hỏi tôi đi đâu. Tôi nói đi mua áo mưa cho Hoàng. Đông nói thật là người đẹp ngây ngô, mua áo mưa để vào quân trường là một chuyện khôi hài không tưởng được. Đông cho tôi biết vào đó người ta phát đủ hết, từ giầy mũ, quần áo. Tôi hỏi Đông nên mua gì cho Hoàng. Đông bày tôi mua một hộp kim chỉ, dao cạo râu, khăn tay chẳng hạn. Những thứ Đông kể tôi không bao giờ nghĩ tới. Nhưng Đông nói đàn ông, nhất là đàn ông chưa vợ, cần những thứ đó lắm.

Câu chuyện vui dần. Đông đi với tôi qua các cửa hàng. Và khi tôi cùng Đông từ trong một cửa tiệm tạp hoá bước ra tôi gặp Mẫn. Mẫn nhìn tôi rồi Đông ngơ ngác. Tôi vui vẻ giới thiệu Đông với Mẫn. Tôi mời Đông với Mẫn đi uống nước nhưng Mẫn từ chối: “Chị cho khi khác, tôi còn hẹn với mấy người bạn đứng kia”. Tôi nhìn theo tay Mẫn, một nhóm ba bốn thanh niên trạc tuổi Mẫn, đang đứng nhìn về phía chúng tôi. Tôi nói lớn: “Hôm nào Mẫn dẫn các bạn đến nhà chị chơi nhé”. Không hiểu sao tôi bỗng nhiên xưng chị với Mẫn và nói xong tiếng đó tôi ngượng chín người. Còn Mẫn hình như không nghe thấy tiếng tôi nói với. Đông hỏi tôi quen với Mẫn như thế nào. Tôi kể trường hợp gặp Mẫn cho Đông nghe. Đông chịu tôi là gan cùng mình. Tôi nói lúc đó tôi không kịp suy nghĩ, nhưng nếu có suy nghĩ tôi cũng làm thế. Đông đùa: “Mấy chàng Hải quân lãng mạn lắm nghe, hiền cũng như biển mà dữ dội cũng như biển”. Tôi nói: “Còn Đông thì sao?” Đông bảo chứng cớ Đông sợ đàn bà, sợ đến nỗi chừng ấy tuổi chưa dám lấy vợ. Giọng Đông hết sức đùa cợt: “Nhiều lúc tôi cũng muốn được một cô để yêu thành thật, nhưng con gái bây giờ ghét lính lắm”. Tôi nói nghĩ như vậy là sai, bởi anh Phan tôi cũng lính, anh Nghĩa của chị Phượng cũng lính và Hoàng cũng sắp làm lính nữa. Tôi nói không suy nghĩ: “Ai rồi cũng lính hết. Tôi yêu lính lắm”. Đông nói: “Hoàng hắn không ghen sao?” Tôi trả lời hết sức nghiêm trang: “Không bao giờ anh ấy ghen như thế. Anh ấy cũng yêu lính như tôi”. Câu chuyện lại vòng quanh. Đông nói về chiến tranh, về những người vợ trẻ, những đứa con mồ côi. Đông nói nhiều lắm và tôi nghe như chưa bao giờ nghe. Nhưng những điều nầy anh Phan, anh Nghĩa và Hoàng cũng đã nói nhiều lần. Cả Kim nó cũng biết và nhắc tới. Tôi nghĩ tới Kim, tuổi nó mà phải biết nhiều quá, tôi thương nó tới bàng hoàng. Đông vẫn nói bên tai:

“Cái chết đối với chúng tôi thường quá, như ăn, như ngủ. Đôi lúc tôi nhìn thằng bạn chết nằm bên cạnh. Tôi cầm tay hắn thấy lạnh ngắt và ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên thấy mình chưa chết hay chưa chịu chết”.

Câu nói của Đông làm tôi nhớ tới lời nói của Xuyến:

“Anh ấy dạo nầy hết nói tới chuyện tình yêu. Thư anh ấy chỉ tả chuyện đánh nhau, chuyện bạn bè. Chắc khi anh ấy viết thư, một tay vẫn còn cầm súng”.

Mọi chuyện đã tới lúc buồn bã, tôi cắn môi mà không còn cảm giác nào hết. Hoàng rồi cũng sẽ viết cho tôi như thế? Sẽ mở đầu bằng: Em yêu, ở đây là mặt trận, ở đây là rừng lá và đồng sình… anh bắn hết sáu băng đạn. Hoặc: Em yêu, một viên đạn ghim vào cánh tay của anh… vào đầu anh… vào tim anh…

“Quyên, Quyên nghĩ gì mà hoảng hốt vậy?”

Tôi giật mình, chắc dáng điệu tôi lúc đó đang buồn cười lắm:

“Không, tôi đang…”

“Chắc tại tôi nói chuyện ghê quá làm Quyên sợ phải không?”

“Không phải vậy đâu”.

Đông cười:

“Ă, thì ra Quyên nhớ Hoàng. Thật ai được Quyên yêu người đó hạnh phúc nhất đời”.

Tôi chua chát nghĩ thầm là tôi đâu có thể đem lại hạnh phúc cho Hoàng. Chính chúng tôi dù muốn đem lại hạnh phúc cho nhau cũng không được nữa. Hoàng sẽ phải đi. Đêm còn nghe tiếng đại bác, ngày còn chém giết, còn dội bom. Không, tôi dù cố gắng cũng chỉ đến thế, và biết tới phiên ai mới là kẻ hy sinh cuối cùng? Anh Phan, anh Nghĩa, Hoàng hay con cái tôi, cháu chắt tôi?

Tôi nhìn đồng hồ, đã mười một giờ. Tôi mời Đông về nhà gặp ba me tôi. Nhưng Đông nói: “Thôi xin Quyên”.

Đông bỏ lửng câu nói. Thấy tôi băn khoăn, Đông đưa ngón tay làm bộ lảy cò, cười:

“Tôi bây giờ chỉ có lảy cò súng làm vui. Vắng nghe tiếng súng thấy nhớ hơn nhớ người yêu. Thôi Quyên về nhé. Thỉnh thoảng tôi sẽ biên thư thăm hai người”.

Đông gọi xe cho tôi, khi đóng cửa xe Đông nói:

“Sáng mai tôi về đơn vị sớm, chắc không gặp Hoàng được. Nói với Hoàng sẽ gặp nhau ngoài mặt trận”.

Xe chạy rồi, Đông còn nhìn theo, vẫy vẫy cười. Nụ cười Đông thật dễ dàng và khi cười hai mắt Đông tít lại, đôi mắt lá răm của Đông làm tôi nghĩ tới khuôn mặt của một người đàn bà như chị Vạn chẳng hạn có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt cười tít và đôi môi ăn trầu cắn chỉ. Chắc đó là hình ảnh thân yêu nhất của Đông, và người ta nói rằng người đàn bà có mắt lá răm lao đao về chuyện tình lắm. Về tới nhà, tôi thấy chị Phượng vẫn còn lúi cúi ngồi bên rổ may.

Nguồn: Sách xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1966, Sống Mới tái bản tại Hoa Kỳ. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10467&rb=08