Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2017

Nghệ sĩ Việt Nam cũng có thể tạo ra những khuynh hướng nghệ thuật trường tồn

(Tuệ An* thực hiện phỏng vấn, 5/2017)

Nhà thơ Giáng Vân (Tuệ An)

Thứ Ba, 23/05/2017, 20:02:23

NDĐT - Nhà thơ Mai Văn Phấn, tác giả của 13 tập thơ đã ấn hành tại Việt Nam, và rất nhiều trong số đó đã được dịch ra các ngôn ngữ khác. Mới đây, sau giải thưởng dành cho nhà thơ Ý Nhi, giải Cikada đã tiếp tục trao cho nhà thơ Việt Nam thứ hai là anh. Nhà thơ đã có cuộc trao đổi về sự hội nhập của các nhà thơ Việt Nam với thế giới.

- Thưa nhà thơ Mai Văn Phấn, sau nhà thơ Ý Nhi, Giải thưởng Cikada dành cho các nhà thơ Đông Á, do nhà thơ Thụy Điển Harry Matinson (1914-1978) sáng lập đã được trao cho anh, điều đó cũng có nghĩa thơ Việt đang có những tiếng nói chung với những nền thơ của thế giới. Anh suy nghĩ thế nào về câu chuyện này?

- Đời sống văn học chúng ta, đặc biệt thơ đang phân hóa rất mạnh. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy, văn học Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, hướng tới tự do, dân chủ hơn trong sáng tạo. Rõ nét nhất từ sau 1986, một khuynh hướng thơ Việt đổi mới, cách tân đã hình thành và được khẳng định, hòa nhịp với thơ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để thơ của chúng ta đến được với bạn đọc quốc tế, cá nhân tôi cho rằng, điều tiên quyết là cần có những bản dịch chất lượng, truyền tải đúng tinh thần của văn bản gốc. Nói nôm na, đó là những bản dịch sát nghĩa nhất dù được thể hiện dưới bất kỳ hình thức ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, các nhà thơ vẫn nên chấp nhận có sự vênh lệch về ý nghĩa ngôn từ, thậm chí có sự cải biên về hình thức giữa các văn bản ngôn ngữ trong cùng một bài thơ. Giống như một vài dịch giả Việt Nam từng dịch thơ của A. S. Pushkin, P. Neruda sang thể thơ “lục bát”(!). Nhà thơ Agata Tuszynska (Ba Lan) từng nói: "Tôi thực sự tôn trọng công việc gian nan, đơn độc và ít được khích lệ mà dịch giả phải gánh chịu".

Bản thân việc tiếp cận văn bản thơ cũng là một quá trình dịch. Người dịch phải dịch được tinh thần, chủ ý của nhà thơ trước khi dịch ngôn ngữ để truyền đạt lại tinh thần của bài thơ đó. Vì thế, nhiều người cho rằng, tác giả và dịch giả cần đồng điệu, đồng cảm, chung tiếng nói mới có thể cho ra được tác phẩm dịch đồng nhất với tác phẩm gốc. Cũng chính vì vậy, thật khó khăn và hiếm hoi khi nhà thơ tìm gặp được dịch giả đồng cảm, hiểu thấu tác phẩm của mình. Dịch giả tiếp cận văn bản gốc của thơ không chỉ đơn thuần trên bình diện ngôn ngữ, nội dung tác phẩm, mà cần có sự thông hiểu văn hóa, lịch sử, tâm lý, xã hội nơi nhà thơ đã sống và trải nghiệm để viết nên tác phẩm đó. Nhà văn Anthony Burgess (Anh quốc) có viết: "Dịch thuật không chỉ là vấn đề ngôn ngữ, đó là vấn đề tạo ra nhận thức về một nền văn hóa."

- Nếu dõi theo hành trình sáng tạo của Mai Văn Phấn, sẽ thấy những chặng rất khác nhau, về hình thức biểu hiện, về quan niệm thẩm mỹ, về ngôn ngữ thơ… Vậy hẳn đã có những đổi thay rất ghê gớm bên trong? Và điều gì đã xảy ra với sự đổi thay này?

- Tôi khởi nghiệp, lên đường từ những giá trị truyền thống. Những bài thơ ban đầu tôi sáng tác chủ yếu dựa vào bản năng và những hấp lực của đời sống thực tế. Sau đó, tôi sớm nhận ra, nếu cứ dậm chân mãi một nơi quen thuộc, bám vào những cái có sẵn mang tính cố hữu sẽ khó tạo cho mình một phong cách riêng, một từ trường thơ riêng. Và quan trọng hơn, sẽ khó có thể khai mở sự sáng tạo lên những nấc thang mới. Nhận ra điều này, tôi đã biết/ tìm cách chán chính mình mỗi khi kết thúc một giai đoạn sáng tác. Việc tự chán chính mình ấy cho tôi nội lực mới để chui ra khỏi những lớp vỏ cứng của tự mãn, quen thuộc, trơ ỳ… Mỗi giai đoạn bứt phá, đổi mới chính là một lần tôi tự làm đổ vỡ/ tự hủy để làm lại mình, làm khác đi hoặc thậm chí chống lại chính mình để thật mình hơn. Mỗi giai đoạn sáng tác mới tôi như được sinh lại thêm một lần vậy.

- Thực ra, anh có một cái đích cụ thể nào không? Đích đến của một nhà thơ đích thực, chung cuộc là gì?

- Tôi khao khát tạo ra một phong cách riêng biệt, cùng với một số nhà thơ xây dựng một khuynh hướng thơ Việt hiện đại khác với trước đây và hiện có. Đích đến của một nhà thơ, theo tôi, cũng giống như các nghệ sĩ ở những lĩnh vực sáng tạo khác, là tạo ra những giá trị đích thực, thậm chí khác biệt, phản ánh đúng diện mạo thời đại mình đang sống và có thể linh cảm, tiên báo được điềm lành - dữ trong tương lai.

Có lần tôi nói với một nhà thơ Pháp rằng, suốt thời gian dài tôi ngưỡng mộ những trào lưu “chủ nghĩa hiện đại” khởi xướng từ nước Pháp trong thế kỷ hai mươi vừa qua. Có những khuynh hướng nghệ thuật, xin lấy ví dụ chủ nghĩa siêu thực, đã kết thúc từ giữa thế kỷ trước, nhưng tinh thần của nó vẫn để lại đời sống văn học nhân loại một dấu ấn. Các nghệ sỹ Việt Nam chúng ta cũng có thể tạo ra những khuynh hướng nghệ thuật trường tồn như vậy chứ?! Tại sao không? Chúng ta hoàn toàn có quyền khao khát có được một trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật được bạn đọc quốc tế chú ý và dành thời gian quan tâm, tìm hiểu. Nếu làm được như vậy là chúng ta góp phần đánh dấu rõ nét hơn thơ Việt Nam vào bản đồ thơ chung toàn cầu.

- Điều quan trọng nào tạo nên đường đi sáng tạo dài lâu của một thi nhân?

- Ý thức tự học, tự rèn luyện, phản tỉnh và luôn biết nuôi dưỡng, giữ gìn cảm xúc trong trẻo, mạnh mẽ.

- Câu chuyện về dịch thuật, đặc biệt là thơ, thật quan trọng để thơ tiếp cận được với công chúng của mình. Theo tôi được biết, thơ Mai Văn Phấn hiện đã được dịch ra 24 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Đó quả là hạnh phúc lớn của nhà thơ, nhưng cũng thật choáng ngợp với bạn yêu thơ Việt. Anh có thể vui lòng chia sẻ với bạn đọc đôi điều về câu chuyện này không thưa nhà thơ?

- Như trên tôi đã nói, thơ tôi có nhiều giai đoạn ứng với từng giai đoạn tự đổi mới sáng tạo của tôi. Mỗi giai đoạn ấy đều được các dịch giả lựa chọn những bài thơ tiêu biểu để chuyển ngữ. Những phản hồi cho tôi thấy, bạn đọc các nước yêu thích những bài thơ tôi viết trong giai đoạn đổi mới, cách tân gần đây. Họ cho rằng thơ tôi đang hòa nhịp với thơ thế giới trong hình thức biểu hiện, sử dụng ngôn ngữ, cách thiết lập không gian thơ… Đặc biệt họ muốn khám phá bản sắc dân tộc Việt trong mỗi bài thơ của tôi, từ ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán, phản ứng cư xử…, đến biểu tượng, tín ngưỡng, các thiết chế cộng đồng và xã hội.

Nhà thơ Susan Blanshard (Anh quốc) đã nhận xét: "Ngôn từ của Mai Văn Phấn biểu lộ giá trị văn hóa, tinh thần, những truyền thống và tập tục của dân tộc Việt. Ở đây, nhà thơ cất tiếng nói về niềm vui và nỗi buồn mà dân tộc ông trải qua".

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Mỹ Raymond Keen đã viết trong một tiểu luận: "Mai Văn Phấn mang đến một ngôn ngữ thơ nguyên chất và sinh động ngay từ lúc khởi đầu cho toàn bộ thực tại về cuộc sống con người trong bối cảnh rộng lớn hơn của thiên nhiên và vũ trụ đến mức nó bất chấp cả sự định giá và phê bình khi chúng ta đón nhận sự kỳ diệu của nó".

Qua việc “lan truyền” những bài thơ của tôi đến nhiều ngôn ngữ trên thế giới, tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm rằng, trước hết, mỗi tác giả cần có những bản dịch sang ngôn ngữ khác thực sự có chất lượng, đặc biệt, không bị thất thoát về nội dung so với văn bản gốc. Mỗi nhà thơ nên có những bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, bởi đây là những ngôn ngữ được nhiều người sử dụng trên thế giới. Vừa qua, hai nhà thơ, dịch giả Erik Bergqvist và Maja Thrane của NXB Tranan (Thụy Điển) đã lựa chọn những bài thơ của tôi, dịch từ tiếng Việt sang tiếng Thụy Điển, có tham khảo các bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Theo dự kiến của NXB, tập thơ của tôi sẽ được phát hành vào dịp lễ hội sách tại thủ đô Stockholm vào tháng 9 tới.

- Là một nhà thơ, nhưng có thể thấy rất rõ, anh luôn dõi theo hành trình thơ Việt, những bước thăng, trầm, các thành tựu, những gương mặt trẻ… Tập tiểu luận phê bình văn học “Không gian khác” của anh cách đây hai năm đã gây được một tiếng vang với lối phê bình độc lập, mới mẻ, với những mỹ cảm khác biệt trong đánh giá, thẩm định về thơ Việt đương đại. Anh có thể có một lời tâm huyết nào với các nhà thơ trẻ hôm nay?

- Thật vui khi biết chị có cách nhìn đồng điệu, thiện cảm về “Không gian khác”. Qua cuốn sách này, tôi khẳng định một khuynh hướng thơ mới, cách tân đã hình thành trong đời sống văn học chúng ta, tuy nó vẫn đang trong tâm điểm của những luồng dư luận trái chiều. Trước khi viết tập phê bình tiểu luận này, tôi đã đặt ra các câu hỏi: Thơ đương đại chúng ta đang ở đâu trong lộ trình thi ca thế giới? Nhà thơ Việt Nam cần làm gì và làm như thế nào? Tôi đã nghiên cứu và lý giải một số gương mặt thơ cách tân toàn triệt và cả những tác giả mới cách tân từng phần. Ngoài ra, tôi lựa chọn khảo sát, phân tích thêm bốn nhà thơ nước ngoài, gồm: Gjekë Marinaj (Hoa Kỳ gốc Albani), Rati Saxena (Ấn Độ), Metin Cengiz và Müesser Yeniay (Thổ Nhĩ Kỳ). Họ là những tác giả tiêu biểu cho các khuynh hướng thơ hiện đại trên thế giới hiện nay. Những tác giả tôi đề cập trong cuốn sách đã tạo ra những bước sóng lớn nhỏ khác nhau để bạn đọc nhận diện một mặt biển đang sôi động.

Về lời chia sẻ với các tác giả mới đến với thơ, tôi thường tâm niệm, để có thêm năng lượng sáng tạo, nhà thơ phải không ngừng tích lũy kiến thức, có trải nghiệm phong phú. Các tác giả trẻ chắc cũng đồng lòng với tôi rằng, chúng ta nên kiên nhẫn đọc lại tác phẩm của các nhà thơ tiêu biểu cho từng khuynh hướng thơ hiện nay và của thế kỷ vừa qua. Đọc không phải để cố làm theo họ, mà thấy được cách họ bật lên giữa bối cảnh thời đại họ thế nào. Đọc để làm giàu có bản thân mình và cũng để tránh con đường mà họ đã đi.

- Xin cảm ơn nhà thơ Mai Văn Phấn đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này!

________
* Tuệ An là bút danh khác của Nhà thơ Giáng Vân.

Nguồn: http://maivanphan.com/default.aspx?sname=MaiVanPhan&sid=32&pageid=398&catid=779&id=11038&catname=Sang-tac-moi&title=Nghe-si-Viet-Nam-cung-co-the-tao-ra-nhung-khuynh-huong-nghe-thuat-truong-ton---Nha-tho-Giang-Van-thuc-hien-PV