Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

Kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Quang Thân

(tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quang Thân nhân 100 ngày mất)[i]

PHẠM THẾ CƯỜNG

Câu chuyện 1: Gặp gỡ

Tôi đến với Nguyễn Quang Thân từ những năm 1990 qua hai tác phẩm: “ Một thời hoa mẫu đơn” và “Chú bé có tài mở khóa”. Thật sự, hai tác phẩm đó đã cuốn hút tôi đến mức tôi đọc một mạch xong trong ngày chủ nhật.

“Một thời hoa mẫu đơn” nói về một đề tài rất nhạy cảm thời đó. Đó là sự xung đột giữa những người có học và kẻ vô học nhưng được Đảng trọng dụng (vì là giai cấp bần cố nông). Những kẻ đó đã phá nát thành quả Cách mạng và đưa những người chân chính có học vào vòng lao lý. Tuy tác phẩm đó được viết cách đây 30 năm nhưng đến nay vẫn còn mang tính thời sự.

clip_image002clip_image004clip_image006

“Chú bé có tài mở khóa” thì đúng là truyện viết cho thiếu nhi đầy tính nhân văn. Nhân vật chính của tác phẩm là chú bé Hùng Lé. Một cậu bé ham chơi, lười học, nhẹ dạ nhưng dũng cảm, rất tháo vát và giàu lòng thương người. Khi chẳng may em bị sa vào ổ trộm cướp, gián điệp và bị lợi dụng nhưng khi biết được bộ mặt thật của chúng em đã dũng cảm, mưu trí phối hợp với Công an bắt trọn ổ.

Cả hai tác phẩm của ông đều mang tính thời sự, đậm chất nhân văn, giàu lòng vị tha, lí giải các tình tiết có logic.

Tôi yêu quý nhà văn từ hai tác phẩm trên và cũng từ đó tôi bắt đầu tìm đọc, sưu tầm các tác phẩm của ông.

Câu chuyện 2: Duyên phận

clip_image008

NV Nguyễn Quang Thân tọa đàm tại TV Phú Nhuận 12/3/2011

Năm 2010 CLB bạn đọc thư viện Phú Nhuận được thành lập. Trong một kỳ sinh hoạt cuối năm đó, ông Đỗ Phả đề nghị Ban chủ nhiệm CLB mời nhà văn Nguyễn Quang Thân đến giao lưu với độc giả. Là Chủ nhiệm tôi nhất trí, đồng thời nhận trách nhiệm mời nhà văn.

Sau tết Dương lịch 2011 tôi gọi điện và xin được hẹn gặp Ông.

Thật hồi hộp…may quá. Ông nhận lời, hẹn 8 giờ rưỡi ở quán cà phê đầu hồi (gần nhà Ông ở).

Mặc dù đã tìm hiểu và xem nhiều ảnh Ông cùng với vợ (nhà văn Dạ Ngân) nhưng tôi vẫn rất bất ngờ với sự trẻ trung của Ông. Ông thật trẻ trung và nhanh nhẹn với trang phục quần Jeans, áo thun (lúc này Ông đã 75 tuổi). Ông nói với giọng trầm, khàn, nhưng ấm và vang. (Tôi thầm nghĩ: Người này chắc khỏe lắm đây - Sau này khi đã quen thân với gia đình tôi thấy Ông luôn tự hào về sức khỏe của mình).

Sau khi nghe tôi trình bày lý do mời Ông đến giao lưu với CLB, Ông rất nhiệt tình ủng hộ, Ông nói:

- Thời buổi bây giờ rất ít người đọc sách. Thư viện của các bạn tổ chức giao lưu với tác giả là một việc làm tốt, mình sẽ đến. Hôm nào các bạn tổ chức chỉ cần báo cho mình ngày, giờ, địa điểm.

Rất đúng hẹn, ngày 12-3-2011 CLB bạn đọc thư viện Phú Nhuận tổ chức giao lưu với Ông về tác phẩm HỘI THỀ. (Một tác phẩm vừa được giải thưởng A của Hội nhà văn Việt nam giai đoạn 2006 – 2009, đang bị giới phê bình và các nhà văn “đánh tơi bời”).

Vẫn phong cách quen thuộc, vẫn quần Jeans, áo thun Ông nhanh nhẹn vào chỗ ngồi dành cho mình và thong thả mở laptop…sẵn sàng giao lưu.

Buổi giao lưu diễn ra thật tuyệt vời. Tất cả các bạn đọc ai nấy đều thấy thích thú và thấy bổ ích vì được Ông giải thích cặn kẽ từng ý từng câu. Ông dẫn chứng từ bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, các chi tiết lịch sử Ông đưa vào tác phẩm đều “đắt”, đều đã sàng lọc. Qua câu chuyện Ông nói tôi có cảm giác Ông đã lường trước được các phản biện để Ông sẽ phải “đương đầu” với giới nghiên cứu văn học và cả các nhà văn.

Nhìn ánh mắt của tôi (hình như Ông đoán được tôi nghĩ gì). Ông nói:

- A.Dumas đã từng nói về tiểu thuyết lịch sử: “Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo lên đó trí tưởng tượng của mình”. Nhưng ở đây, tác phẩm này, những nét chính của HỘI THỀ tôi đều tuân thủ lịch sử qua bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ. Phần còn lại là tưởng tượng của nhà văn.

Ông cũng nhấn mạnh:

- Bất cứ một tác phẩm văn học nào ra đời đều có sự khen chê. Có người chê đúng vì họ có kiến thức phong phú. Là nhà văn chân chính phải biết lắng nghe. Thấy đúng thì tiếp thu, thấy chưa đúng thì cũng ghi nhận. Không nên tỏ ra khó chịu tranh cãi lại.

Sau lần giao lưu ấy, mối quan hệ của tôi với gia đình Ông cũng trở nên thân thiết hơn.

Câu chuyện 3: Với CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng

Đầu tháng 7-2011 tôi tới nhà Ông xin ý kiến về việc thành lập CLB NGƯỜI YÊU SÁCH NGUYỄN HUY TƯỞNG. Ông hỏi rõ tôn chỉ, mục đích và nói:

- Việc thành lập CLB với tôn chỉ tôn vinh các nhà văn và mục đích lôi kéo người đọc đến thư viện đọc sách là rất tốt, mình ủng hộ. Nhưng Cường cần lưu ý: Các nhà văn Việt Nam chỉ bằng mặt chứ ít khi bằng lòng. Mình khen thì dễ nhưng mình chê là thế nào cũng có phản ứng. Do vậy, cần có sự hiểu biết và khôn khéo khi tổ chức các buổi tọa đàm – giao lưu.

Nhưng thật tiếc ngày ra mắt CLB NGƯỜI YÊU SÁCH NGUYỄN HUY TƯỞNG (ngày 9 -10 -2012) do bận việc Ông không tham dự được.

Tuy bận nhiều việc ít tham dự các buổi sinh hoạt thường kỳ hàng tháng của CLB nhưng những buổi quan trọng hay tọa đàm về các nhà văn mà ông quen biết, ông đều viết bài cho tập san Người Yêu Sách của CLB và thu xếp công việc đến dự và thật sự hòa mình vào các sự kiện. Như ngày kỷ niệm thành lập CLB hàng năm, sinh hoạt về Nguyễn Huy Tưởng, Á Nam Trần Tuấn Khải, Phùng Quán, Trần Dần, Bùi Ngọc Tấn… Thậm chí buổi sinh hoạt kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Nguyên Hồng ông đã là người dẫn dắt chương trình của CLB. Những buổi có Ông không khí sôi động hẳn lên vì Ông tham luận rât sôi nổi mà diễn giải thì thật sâu sắc và súc tích.

clip_image010

NV Nguyễn Quang Thân tại lễ kỷ niệm 4 năm thành lập CLB

Hơn nữa nhằm khuyến khích hoạt động và giúp CLB trong những ngày đầu thành lập vợ chồng ông cũng đã cho phép trang web nguoiyeusach.com của CLB đăng một số tác phẩm của ông bà.

Câu chuyện 4: Nhớ Chú

Từ ngày quen biết gia đình nhà văn Nguyễn Quang Thân - Dạ Ngân, tôi gọi hai người là cô-chú và được cô chú quý mến luôn mời đến nhà chơi. Những lúc “trà dư, tửu hậu” tôi và chú thường nói về những vấn đề quản lý xã hội, quản lý đất nước, tôi thấy chú rất trăn trở. Nên sau này trong câu chuyện của chú cháu hay xoay quanh những sự tiêu cực đã và đang xảy ra, cùng các bài phản biện của chú đăng trên các báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Lao Động…

Chú là người nhân hậu, rất giàu lòng vị tha, điều này thể hiện qua các tác phẩm của chú và ngay trong đời thường cũng vậy.

Tôi rất cảm động về tình cảm của chú và cô dành cho mình. Gặp nhau bao giờ chú cũng hỏi cặn kẽ sức khỏe của tôi và gia đình, chia sẻ với tôi về các biện pháp chữa bệnh cũng như cách giữ gìn sức khỏe. Chú cũng thường lấy sự luyện tập và sức khỏe của mình để tôi làm gương.

Không những thế, chú và cô luôn theo dõi, thăm hỏi động viên tôi trong hoạt động thư viện, nhắc tôi hãy thận trọng trong ứng xử. Khi có tác phẩm nào ra mắt, cô chú đều tặng Thư viện của tôi vài bản để phục vụ bạn đọc thư viện và CLB.

Trong đời sống gia đình, tôi nhận thấy chú và cô luôn thể hiện một tình yêu cháy bỏng, một sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau đáng kinh ngạc.

Cứ mỗi lần tôi gọi điện đến chú, bao giờ chú cũng nói “cô Dạ Ngân…” đang ở đâu hoặc đang làm gì, sau đó mới đến chuyện chú và tôi trao đổi với nhau.

Có một lần đến thăm cô chú nhưng tôi chỉ gặp cô. Tôi hỏi thì cô nói vui:

- Cô “đuổi” chú đi Vũng Tàu rồi, chú ở nhà chú “quấy” cô không viết được. Chú thích biển, yêu biển lắm con à.

Cô Dạ Ngân sống chu đáo, thẳng thắn và trung thực. Có điều gì cảm thấy không phải cô nói liền (không chỉ với mọi người mà ngay cả với chú). Không ít lần tôi thấy chú cô tranh luận; nhưng nếu không đi đến thống nhất thì sẽ tôn trọng ý kiến riêng của mỗi người.

clip_image012

NV Nguyễn Quang Thân thăm NV Bùi Hồng

Nhớ nhất ngày 14/11/2011, tôi đến thăm cô chú, chú hỏi:

Cường có biết ông Bùi Hồng, ngày trước làm ở Kim Đồng không?

Tôi chưa kịp nghĩ ra thì chú nói thêm:

Nhà văn Bùi Hồng, phó giám đốc Kim Đồng.

Dạ, cháu đã nghe tiếng nhưng chưa gặp lần nào.

Ông Bùi Hồng đang ốm, Cường cùng chú đến thăm ông ấy nhé.

Nghe vậy cô Dạ Ngân liền phản đối và không muốn Chú đi. (Chả là khi tác phẩm HỘI THỀ ra đời, ông Bùi Hồng đã có bài báo phê phán mà theo Cô là không thỏa đáng).

Cô nói:

Là bạn bè với nhau có gì thì gặp gỡ trao đổi, đây lại viết báo phê phán bạn!

Tôi hiểu ý cô: trong quan hệ xã hội nói chung, tình bạn nói riêng sống phải có đạo lý, tôn trọng lẫn nhau, nhất là trong tình bạn phải thương yêu, quí trọng bạn, có gì thì thẳng thắn góp ý chứ không thể mang bạn lên báo chí phê phán. Tôi rất quí cô và học cô về tính thẳng thắng trung thực ấy.

Chú Thân nói lại với cô:

- Em chấp làm gì, mỗi người có một quan điểm riêng, ông ấy viết vậy cũng không ảnh hưởng gì!

Sau một hồi phân tích mà không đồng thuận, cô ở nhà còn tôi và chú cùng đi.

Trên đường đi chú mua ba quả bưởi và nói:

Bùi Hồng thích ăn bưởi lắm.

Chúng tôi đến, thấy nhà văn Bùi Hồng đang nằm nghỉ trên ghế bố. Chú Quang Thân để quà lên bàn và ân cần hỏi thăm sức khỏe của bạn. Chú khuyên bạn yên tâm tĩnh dưỡng nhưng vẫn phải thường xuyên đọc sách báo, và nếu có thể thì viết thêm những bài báo để đầu óc luôn tỉnh táo, minh mẫn.

Lời căn dặn ân cần của chú với bạn khiến tôi cũng nhớ lại hồi tháng 11/2012 khi CLB chuẩn bị tổ chức tọa đàm về nhà văn Phan Tứ. Chú đã gọi điện cho cô Phương Thảo (vợ nhà văn Phan Tứ) nói giúp tôi về mục đích của buổi tọa đàm và đề nghị cô giúp đỡ tư liệu về nhà văn Phan Tứ để buổi sinh hoạt đạt kết quả tốt. Chú cũng hỏi thăm căn kẽ về bịnh tình của cô Phương Thảo. Chú cũng khuyên cô học thêm ngoại ngữ để cải thiện trí nhớ.

clip_image014

NV Nguyễn Quang Thân chụp ảnh lưu niệm với các thành viên CLB nhân kỷ niệm một năm thành lập CLB NYS NHT

*

Vào khuya ngày 4/3/2017 điện thoại reo. Đang ngủ, điện thoại khuya, linh cảm chuyện chẳng lành. Tôi ngó máy thấy cuộc gọi của cô Dạ Ngân, liền giật mình nghĩ ngay đến chú. Cầm nghe máy, cô báo rất ngắn gọn: “Cường ơi, chú Thân đi rồi!” Cô giục tôi đến nhà giúp đỡ cô. Tôi nghe sự bấu víu của một người thân dành cho ruột thịt mỗi khi hoạn nạn. Sau này cô bảo, lúc ấy cô chỉ nghĩ tới Cường, một đứa con trai tin cậy.

clip_image016

Cô chú thật hạnh phúc

Tôi bàng hoàng một lúc mới đứng dậy để đi đến với chú ngay. Suốt dọc đường đi tôi không kìm được nước mắt.

Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi thấy nhớ chú thật nhiều. Tôi sẽ làm tốt tất cả những gì chú đã mong muốn ở tôi - tôi thầm hứa với chú như vậy.

P.T.C


[i] Buổi tưởng niệm diễn ra vào sang 10/6/2017 tại Thư viện Tư nhân Phạm Thế Cường – CLB Người Yêu Sách mang tên Nguyễn Huy Tưởng, Gò Vấp, SG.