Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Thơ Võ Chân Cửu

Võ Phiến


Võ Chân Cửu

Võ Phiến bảo trong tâm hồn một số văn thi nhân Bình Ðịnh có nét “u huyền” khó hiểu. Ông “mời họ ra cho ai nấy thử tìm hiểu”. “Họ” đều đã nổi tiếng, trừ một người, người trẻ nhất. Vì trẻ, người ấy thuộc vào “Văn Học Miền Nam”. Ðây lời mời nhà thơ Võ Chân Cửu (theo gocnhin.net)

Bài trích từ Văn học Miền Nam, Tập IV - Thơ (trang 3167-3171) NXB Văn Học, California 1998:

Hoài Thanh nhân đọc Yến Lan nhận thấy các nhà thơ Bình Ðịnh (Yến Lan là người Bình Ðịnh) thường bị vầng trăng ám ảnh.
Quả cái vầng trăng ở bến My Lăng nọ là một kỳ bí. Trăng ấy gây bất an, gây đến sợ hãi. Không riêng trăng My Lăng mà thôi. Từ trăng của Yến Lan, trăng động Chua Me ở Sa Kỳ hay trăng đầy miệng của Hàn Mặc Tử, “trăng ma lầu Việt” của Quách Tấn, cho đến những “trăng ghì trăng riết cả làn da” của Chế Lan Viên..., tất cả đều là thứ trăng quái đản, làm ta rợn cả người.
Nhưng bảo rằng ở Bình Ðịnh chỉ có cái trăng là đáng khiếp, không đúng. Có trăng, lại có ma: ma lầu Việt, ma Hời, và yêu tinh, và quỉ quái... Và cả những khi không có ma quỉ gì ráo, chỉ có mấy chiếc lá rơi, thi nhân Bình Ðịnh cũng dựng nên cảnh hãi hùng:

“Ai đổi đầu lâu trong nấm mộ,

Tiếng khu vang rạn khới đầu ta?

Có ai rên rỉ ngoài thôn lạnh

Như tiếng xương người rên rỉ khô?

Mơ rồi! Mơ rồi! ta mơ rồi!

Xào xạc chỉ có lá vàng rơi

Quanh mình bóng tối mênh mang cả

Thấp thoáng đôi hồi lửa đóm soi.”

(Mơ Trăng - Chế Lan Viên)
Chỉ có sao in đáy giếng, thi nhân Bình Ðịnh cũng ghê người:
“Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?”
(Ta - Chế Lan Viên)
Chỉ có đám mây in hình xuống dòng nước, thi nhân Bình Ðịnh trông thấy cũng làm ta nổi da gà:
“Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng
Trôi thây về xa tận cõi vô biên.”
(Thơ Ðiên - Hàn Mặc Tử)
Vậy đó. Cho nên sau này có những người lấy làm nghĩ ngợi về cái con người ở vùng đất này. Vâng, cái lạ lùng là của người, chứ không phải của trăng của ma. Không phải riêng trăng có sức ám ảnh như ông Hoài Thanh đã nói, mà cái gì cũng ám ảnh được người Bình Ðịnh: cái lá, cái sao, đám mây v.v. Mọi thứ, kể từ những thứ hiền lành nhất.

Ông Lại Nguyên Ân chẳng hạn, nhân bàn về Hàn Mặc Tử, ông luận luôn đến khí chất người miền Trung. Theo ông, người Việt miền Trung thì “khắc nghiệt, riết róng, quyết liệt, táo bạo, cực đoan”, thì “sôi máu, táo tợn, liều lĩnh” hơn người Việt ở cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Tiếng nói ở miền Bắc (kể từ ngữ âm đến từ vựng, ngữ pháp) vốn sáng và rõ. Tiếng nói miền Trung thì tối và đục, hoang dã; nó “chuyển” tải những cảm quan điên dại, siêu thực tế của con người trong những dò tìm về những cõi hư huyền, vô hình, vô ảnh trong những diễn tả về thế giới âm u”. Ngôn ngữ như thế, tuồng hát cũng thế. Ngoài Bắc có chèo, ở Trung có tuồng. Ở chèo không có gươm có giáo, không có giặc giã, chính biến; trên sân khấu chèo toàn giọng nhẹ nhàng, đằm thắm, trong trẻo. Trái lại ở tuồng (hát bộ) thường có gào có thét, có giết chóc dữ dằn, rộn rịp đầy những hùng binh dũng tướng. Do khí chất mà khác nhau cả (1) .

Đồng bào ngoài Bắc cũng như trong Nam thường xem như trên giải đất từ Thanh Hóa vào Phan Thiết mọi sự chung chung là giống nhau; giọng Huế là giọng miền Trung; ông Ngô Đình Nhu là cái thâm hiểm của miền Trung, v.v.. Thực ra, suốt giải đất dài ngoằng, quá dài ấy, có nhiều dị biệt: giọng nói Nghệ Tĩnh không hề giống giọng Phan Rang Phan Rí, tính người Nam Ngãi khác hẳn tính người Trị Thiên; cha đàng ngoài, mẹ đàng trong của Xuân Diệu, mặc dù đều là người Việt miền trung cả, vẫn khác nhau rõ rệt, v.v.. Cho đến nay, khó mà biết được thực ra những cái gì là đặc điểm chung cho các thể hiện tâm hồn của người miền Trung. Những điều mà ông Lại Nguyên Ân vừa nói, đại khái là chỉ hợp cho một vùng Bình Định thôi: Tuồng (hát bộ) gốc Bình Định, Hàn Mặc Tử và bạn bè trong nhóm ông hầu hết là Bình Định.

Tất nhiên tôi không muồn giành giật với các tỉnh khác, không muốn vơ vào cho Bình Định làm gì tất cả những cái “sôi máu”, “táo tợn”, và “hoang dã”, và ối trời! cái “điên dại nữa. Làm như thế chỉ e bị bà con đồng tỉnh trách giận thôi, ích gì? Chẳng qua phần ai nấy gánh.

Võ Chân Cửu đã gánh đủ.
Này xem: Xa làng lâu ngày, một hôm trở về ông thấy núi thấy mây ở quê mình:
“Bỗng nhiên lạnh cả hồn tôi
Khi trông thấy dáng núi ngồi co ro
................................................
Mười năm làng cũ không về
Ðăm đăm mây trắng lê thê mái đầu.”
(Ðăm đăm mây trắng)
Trên đất nước này, bạn có từng bắt gặp cái núi ở nơi nào nó ngồi như vậy không? Bạn ngờ rằng thứ núi co ro đáng hãi nọ ngẫu nhiên là đặc cảnh địa phương chăng? Không phải vậy đâu. Không cần nhìn cảnh làng mình Võ Chân Cửu mới thấy ra vậy; ngay lúc đi giữa thành phố Sài Gòn ông cũng thấy những cái khó có người thấy:
“Ngã ba ngã bảy xe đi khuất
Cơ khí xen cùng nhịp gió mưa
Tiếng ma thiên cổ vong u uất
Vắng lặng buồn xo suốt bốn mùa.”
(Sài Gòn)
Những mây lê thê, những ma thiên cổ nọ là ở trong hồn người, không ở ngoài cảnh vật. Trong tâm hồn chàng thi sĩ trẻ tuổi người Bình Ðịnh cách xa trường thơ “loạn” một thế hệ, vẫn cứ còn chất chứa đầy những “hư huyền, âm u”.
Cái gì đã phủ xuống cuộc sống tâm linh của nơi này màn u huyền ấy? Tôi không hiểu nổi đâu, không dám lạm bàn tới đâu. Có lúc tôi thấy quanh mình toàn thị những bà con chất phác thàn hậu. Có lúc khác lại đối diện với những con người quằn quại dị thường. Biết nói sao, ngoài việc mời họ ra cho ai nấy thử tìm hiểu, suy nghĩ?


1 - 1993
-------------------

(1) Lại Nguyên Ấn - “Khí chất người miền Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử”, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 1 tháng 12-1991.


VÔ TÌNH

Nàng đội nón cời

Đi về phương bắc

Thẳng đứng mặt trời

Soi không thấy mặt.


SÁNG THINH KHÔNG

Một con chó con, một vừng trăng sáng

Hai cõi trời im, một vùng biển cạn

Một con đường đèo sương đục lô nhô

Một chiếc hồn ma quẩn quanh vạn cổ.


Đường im hoa cỏ ngủ mê say

Cửa mở ban mai đợi nắng ngày

Nàng đi đất khép mưa năm cũ

Hơi hàn thiên cổ chực trên mây

Nghìn năm, sao chưa về cố xứ

Quanh quẩn trần gian mặt đất này

Bước xuống, ba bề mưa gió tụ

Nàng ôm tro bụi kín hai tay.


Sáng thinh không, sáng chói một vùng

Cung đàn xưa cũ phím ai rung

Sáng mênh mang hai bờ cỏ khóc

Lệ nàng tôi biết giữa thanh xuân.


Sáng thinh không, sáng chói một vùng

Mái đầu nhuốm bạc cúi soi chung

Nghìn năm thiên địa chia đôi ngả

Khoảnh khắc phù du lửa bập bùng.


Nghìn năm đâu nát cánh phù dung

Đứng lặng sông xuôi nước lạnh lùng

Một chiếc thuyền con lơ lửng mái

Sáo trời, cánh nhạn đã về đông.


Sáng thinh không, sáng dưới chân nàng

Trong lòng vạn đại đã tan hoang

U minh rờn rợn lên vai tóc

Bóng tà vạn thuở mới bay ngang.


Sáng thinh không, sáng lặng ngát hương

Êm ả trần gian chợ phố phường

Một bàn tay vẫy trên non tuyết

Một tiếng cười vang cả bốn phương.

Một con chó con, một vừng trăng sáng

Hai cõi trời im, một vùng biển cạn

Một chiếc hồn đơn mấy bè mây nổi

Hai con ngựa trắng một chiếc xe tang.


Nghe kia mây kéo trên hè phố

Những dấu sao đi với gót người

Vòng hoa trắng đã lên sắc đỏ

Hồn ai mới nhập đóa hồng tươi

Hay là máu của thiên thu trước

Soi bóng nàng đi rước lễ đời

A ha ta sống thêm lần nữa

Ném giày lững thững bóng trăng chơi

Nghìn năm dâu bể bao nhiêu đợt

Rớt xuống hang sâu cũng lại trời

A ha chén rượu nồng ai rót

Sao mà ta uống mãi không vơi

Gió ơi thêm lửa cho nàng đốt

Vàng tro rớt xuống sẽ cùng soi.

Nàng ơi, ngày xuống tắm bên hoa

Sáng linh thiêng ước cõi ta-bà

Dưới nấm mồ sâu, luồng khí lạnh

Đất trời quay lại cả bên ta.


Một con chó con, một vừng trăng sáng

Hai con ngựa trắng, một chiếc xe tang

Đất lành gió phủ mây trong mát

Vạn cổ nghe chăng, dưới gót nàng.


NGƯỜI ANH ĐIÊN

Tôi gặp lại người anh

Cụm mây bay buổi sớm

Hoa tàn cuối đêm thanh

Bao nhiêu người lẩn trốn


Tôi đứng vin mái nhà

Côn trùng chết đêm qua

Đất vi vu điệu nhạc

Ngó lên trời bao la


Tôi gặp lại người anh

Bỏ nhà đi bữa trước

Người anh tôi hóa thành

Sương bình minh đổ trút


Bình minh sương bình minh

Ngang mái nhà thâm thấp

Giữa khi tôi ngã sấp

Đỡ tôi người em anh.


BÀI CA TÚP LỀU

Tặng Huỳnh Hữu Hạnh

Nhà ta xưa dại bán gỡ tôn

Về lại phố dựng túp lều mái lá

Ai hỏi đến cũng dễ tìm em ạ

Nhà ta ngay đường xe lửa - mặt tiền


Đêm dầm dề cơn mưa dột triền miên

Anh chống mái che cho con khỏi ướt

Máng xối rách cũng hứng đầy lu nước

Nơi em thèm viên gạch đứng rửa chân


Nửa đời người lỡ đeo mộng vào thân

Nay gió núi mây trời thôi lỗi hẹn

Đêm thức dậy vẫn không ngừng xao xuyến

Tiếng còi tàu thúc giục nỗi vu vơ.


Nơi túp lều ta sống trọn bài ca

Kẻ nối khố đắc thời nay ngoảnh mặt

Bạn hành khất chiều mang đờn đến hát

Giở nắp vung chia chén gạo vơi đầy.


Dựng túp lều ta còn đủ hai tay

Điều may mắn đâu dễ gì có được

Cũng có lúc anh mơ mình chức tước

Để thẹn thùng giấu mặt tựa vai em.


Nơi túp lều ta đã sống bình yên

Muối dưa cải đùa câu: sông có lúc

Niềm ảo diệu chỉ mình em hay được

Khi gió lùa vách trống dội lòng thơ.


ĐÊM CÀ MAU

Tưởng tượng có người nhận ra anh

Giữa một chốn ồn ào xa lạ

Lời hoa mỹ giăng màn đêm óng ả

Vẫn không ngăn gió cuốn trước tia nhìn


Có nghĩa là - như hiển hiện trong đêm

"Anh có phải…" lời bên tai thầm thĩ

Đêm trần trụi như không hề che đậy

Trái tim ta như sống dậy …lâu rồi


Tôi đã đi nơi cuối đất cùng trời

Để tìm gặp - tưởng chừng như có thể

Một tiếng gọi vang lên trong lặng lẽ

Một nét nhìn như tự cõi hư vô


Em là ai - tôi không biết từ đâu

Một thoáng hiện rồi đi, tan biến mãi

Cho trĩu nặng lòng tôi khi nhớ lại

Đêm Cà Mau đêm Cà Mau đêm rất lâu.


CHUYỆN CŨ

Ta đợi em về trong gió

Bao nhiêu ông sao đã tàn

Chuyện cũ ngày xưa không có

Mà nay lạnh lẽo mênh mang


Khi theo trăng vào bóng núi

Quên đi chuyện cõi ba ngàn

Chuyện cũ giờ đây ai nói

Để trời đất hiện sương tan


CHUYỆN HÃO

Nằm kể bao đêm chuyện hão

Nghe trăng xuống nước khua đò

Khuya khoắt sương về ướt áo

Cùng em chung bóng trăng mờ

Ôi ngàn năm xưa chẳng có

Mây còn phiêu phưởng vu vơ

Mộng ba ngàn đêm cỡi gió

Ta về đây giữa ban sơ


KHÔNG ĐỀ

Tiếng quàu quàu thành phố tai ương

Xe chở tù rồi xe cứu thương

Trăng gầy như dáng thu năm trước

Muối xát dồn lên nửa đáy hồn


CHIỀU

Chiều nay lại nhớ thương người

Còn không lọn tóc chẻ đôi xuống cằm

Đã từng ôm mộng xa xăm

Người ơi sao chẳng lại cầm tay nhau

Nếu tin có phép nhiệm màu

Rằng em sẽ bước lên cầu nhớ thương

Con chim khản giọng bên cồn…


HOA MÓNG CỌP

Chiều tím hoa móng cọp

Tiền kiếp nào hóa thân

Mắt xanh ngày mới chớp

Đêm xa đã về gần


Chiều tím hoa tia chớp

Anh tìm em. Âm thầm


NHẬT KÝ

Những lưng áo in dòng “Love is blind”

Cho anh hỏi: tình yêu sao mù quáng

Trời bữa ấy mây trôi thanh thản

Sao nét nhìn như nứt rạng vầng trăng

Qua lối xưa ta đến cõi thường hằng

*

Những cô gái ngồi xe để chân trần

Ai nỡ hỏi: bao giờ cô giẫm lại ?

Chén trà nóng trong chiều sương ấm mãi

Nơi phố phường tia suối vọng về ngân


Mãng cầu gai dú nước

Nhành mai hơ lửa vàng

Mảnh tình anh cô độc

Dú trong lòng thời gian


Ở ĐẠI LÀO

Anh tìm em trong hư vô

Gió tắt màn hình khua nhẹ

Cát soi thêm màu nước khẽ

Ngân nga trăng chửa xuồng hồ


Anh tìm em trong hư vô

Sao như sương chẳng sang bờ


MỒ HOANG - ĐÁ VỤN

Ngoài quê tôi có đụn đá vun vuông

Nằm mấp mé lưng đèo qua bãi Sậy

Thuở còn nhỏ tôi từng nghe kể lại

Tại nơi này có một nấm mồ hoang


Người qua đường quen gọi: “mả ông Năm”

Lão hành khất không biết từ đâu tới

Biển tung bọt xô gành chao bụng đói

Lão lăn ra trút hơi thở cuối cùng


Hai bên đèo đều không biết tên ông

Nên cứ gọi tên “Năm” cho dễ nhớ

“Năm” là năm cả làng vào “tiêu thổ”

Thiếu cơm ăn, trẻ nhỏ phải ở truồng


Đã chôn ông như chất đá lên vồng

Người qua đó lại quăng thêm hòn cuội

Ai thành tâm. dừng. lâm râm khấn vái

Thì ông Năm sẽ phù hộ vận may


Ông Năm ơi nằm lại ở nơi này

Chắc ông thấu lòng người dân xứ Vũng

Tiên tổ vốn người tám phương tứ hướng

Tìm tụ về nơi hiểm hóc sinh nhai


Dựa núi Bà, ôm biển, chẳng cần ai

Quan ăn lớn, sá gì nơi hẻo hút

Băng vượt đèo còn phải lo gấu, cọp

Mưa trắng đồng thì lấy củ thay cơm


Cứ yên bình như đẻ cái sinh con

Như cu đá, cá trừng… tre uốn gió

Không vớ vẩn chuyện có không, không có

Mỗi hòn đá, gốc cây cũng có một linh hồn…


Ông Năm chắc cũng tự một miền đói khát

Lại đến đây hứng thêm cảnh não nùng!

Của để dành dân phải nộp sung công

Trai lớn lên bị lùa theo hai ngã


Kỳ diệu là mặc bom rơi, trái phá

Đống đá hoang vẫn lưu dấu trên đèo

Tới cái ngày thôi súng đạn, suối trong veo

Mồ vô chủ tưởng cùng người thanh thản


Nhưng giờ lại có dân lén tìm ra biển vắng

Từ bục gành theo dốc mả ông Năm

Lầm lũi ôm, xếp từng viên đá lớn

Tạo nên cầu nối ra chiếc thuyền con


Nhổ neo lên, kể chi chuyện sống còn

Ngoảnh lại Vũng, cầu ông Năm phù hộ

Nghe nói có khá nhiều người xấu số

Gặp muôn trùng sóng dữ, chẳng tăm hơi


Mả ông Năm vẫn cô quạnh một mình

Và vẫn đón thêm những hòn đá vụn

Mỗi viên giờ chất chứa một sinh linh


VỀ RẪY

Sầu riêng rụng trái mùa

Ủ hoài hương vẫn nhạt

Em đi lấy chồng xa.


BÊN DÒNG COLUMBIA

Cho ta quẳng tất cả những gì khinh ghét căm giận tủi hờn mưu mô xảo quyệt xuống lòng ngươi.

Ơi dòng sông chảy xiết.

Đã qua bao thác ghềnh,

Ta biết người còn uốn khúc thong dong

Trước khi về với biển

Nơi cửa đập đã chặn dòng, vẫn dành một bên làm cửa cho cá bơi lên

Những xẻo lầy

                          thong dong mùa đẻ trứng

Một mẩu giấy vo tròn cũng không ném xuống dòng sông


Những thiếu nữ bỏ giày đi tìm bụi hoa tươi đứng chụp hình

Những đám cỏ khuất sau lùm không dấu dao mà vẫn phẳng

Êm mượt như thời gian

Không nghe lời rao giảng trước những tượng đồng

Cuộc chiến tranh đi qua không ai muốn nhắc

Kẻ chiến thắng và người bại trận

Đều thả hồn ngây ngất trước dòng sông

*

Ta đến từ một xứ sở phương đông

Những họng súng biến hình những tượng đài chiến thắng

Những mơ ước trong đầu đều trở thành hoang tưởng

Những cặp mắt soi dò từng nhánh rễ trong tim

Mốt mai kia muốn tới cửa thiên đường

Hãy ném hết vào sông những gì dơ bẩn nhất

Ũi lấy nốt những rễ bàng rễ cọc

Sức người vắt đất ra làm nước

Không xếp hàng đâu thể đứng khoan thai

Những dòng chảy đen điu tan mọi kiếp hình hài

Sông hứng trọn cho đất ngầm lên tiếng:

Sông Tranh

*

Cho ta ném vào sông bóng dáng của riêng mình

Xin cất giữ

                   có ngày ta trở lại…



THƠ VIẾT TRÊN ĐẤT MỸ


Westminster

Vậy là em không hẹn
Như chưa từng thấy anh
Cây cọ dầu đứng lặng
Bông hải đường nín thinh
Tách trà đêm hoa huệ
Cho ta gọi riêng mình
Westminter tịch mịch
Kia màn sương lung linh
Vầng trăng đêm mười một
Đi mãi chưa thấy hình


Đêm Bờ Tây

Ở đây trăng là sương
Không như trời Bảo Lộc
Bóng núi in mặt đường
Biển gầm khua lộc cộc

Một mình anh chảy dọc
Xe quét ánh đèn xa
Trán em in sợi tóc
Vuốt mãi chắc không nhòa


Las Vegas

Đường xuống Las Vegas
Trăng lặn giữa ban ngày
Xương rồng nhắc hoang mạc
Phố dựng khum lòng tay
Xưa ai đi đãi vàng
Coi đời như canh bạc
Nay có kẻ tha hương
Không nhận mình “homeless” *
Vui thôi, đừng bắt chước
Nhưng tránh khỏi nơi nào ?
Trông kỳ quan lộn ngược
Sao mắt mình đỏ au.