Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

'Đảo của dân “Đảo của dân ngụ cư': Những nàng thơ bị nhốt của Hồng Ánh

Chu, cô gái liệt, con ông chủ bị nhốt chặt trên căn phòng gỗ trên gác mái. Hai gã trai to xác, khỏe mạnh là Miên và Phước thay nhau làm tình với cô mỗi đêm.

Clip hậu trường phim Đảo của dân ngụ cư Bộ phim được Hồng Ánh ấp ủ thực hiện trong 10 năm.

Trước khi nói về Đảo của dân ngụ cư, có lẽ phải nói về nữ đạo diễn của nó trước đã. Vì bộ phim đầu tay của Hồng Ánh có một sự chuyển tiếp, một “mối nối” chặt chẽ với các vai diễn nổi bật nhất trong sự nghiệp của nữ diễn viên này trong hơn một thập kỷ trước.

Những người đàn bà, những “nàng thơ” của Hồng Ánh đều có một điểm chung: “bị nhốt”.

Tình dục là sự cứu rỗi nhưng không thể giải thoát

Trong quá trình tuyển chọn cho dự án “100 bộ phim Việt Nam”, tôi phát hiện ra là những bộ phim có Hồng Ánh diễn xuất khá nhiều, và có lẽ cô là nữ diễn viên có phim xuất hiện nhiều nhất trong dự án này. Hồng Ánh cũng là một trong 10 “nàng thơ” của điện ảnh Việt mà tôi thực hiện cho phần phụ lục của cuốn sách.

Điều khác biệt giữa Hồng Ánh và các “nàng thơ” khác của điện ảnh Việt Nam, trước và sau cô, thể hiện rất rõ qua những vai diễn mà cô đóng. Các nhân vật của Hồng Ánh, trong một vệt phim kéo dài từ Đời cát (1999) đến Tâm hồn mẹ(2011), hầu hết được đạo diễn bởi cặp vợ chồng Nguyễn Thanh Vân - Phạm Nhuệ Giang, biên kịch Nguyễn Quang Lập hay sau này có thêm đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.

Họ đều là những người đàn bà của những năm cuối cùng thời hậu chiến mà tàn dư chiến tranh vẫn còn ảnh hưởng đến họ, hoặc những năm đầu đổi mới với rất nhiều xáo trộn hệ tư tưởng và các giá trị xã hội, mà bản thân những người đàn bà vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng của một thời biến động đó.

clip_image001

Hồng Ánh chỉ đạo diễn xuất trong Đảo của dân ngụ cư. Ảnh: ĐPCC.

Những người đàn bà của Hồng Ánh trong hai thập niên này, hầu hết đều bị mắc kẹt trong sự lưỡng nan của tình thế làm người, làm đàn bà. Họ là những nàng thơ bị đày đọa, bị nhốt kín của cái thời cũ chưa qua, mới chưa tới.

Tâm của Đời cát phải rơi vào tình thế “kiếp chồng chung” với bà vợ cả bên kia giới tuyến sau khi chiến tranh kết thúc. Nữ quân sĩ Quỳ của Người đàn bà mộng du phải vật vờ với chứng mộng du hậu chiến, nơi những xác chết của những người đàn ông trong chiến tranh vẫn không ngừng ám ảnh cô.

Cô giáo Giao của Thung lũng hoang vắng (2001) bị mắc kẹt giữa bổn phận và cái khát khao bản năng nhục cảm của một người phụ nữ xuân thì. Hạnh của Trăng nơi đáy giếng (2008) mắc vào cái bẫy “Lộng giả thành chân” do chính mình tạo ra, rồi cuối cùng tự nhốt kín cuộc đời mình với một cái hình nhân trong căn nhà gỗ đóng kín.

Những người đàn bà của Hồng Ánh đặc biệt phù hợp với không gian và thời gian mà họ bị mắc kẹt vào. Sự nghiệt ngã khô cằn của vùng gió Lào cát trắng trong Đời cát, Trái tim bé bỏng; cái thung lũng miền núi xa xôi hẻo lánh trongThung lũng hoang vắng; vùng đất lễ giáo nặng nề thủ tục và gia phong của Huế trong Trăng nơi đáy giếng hay những năm tháng hậu chiến với nhiều hội chứng chấn thương tâm lý của Người đàn bà mộng du.

Vậy những người đàn bà đó tự giải thoát bằng cách nào, hay họ chấp nhận bị “nhốt” trong cái lồng của quá khứ và cả hiện tại mà họ không thể vượt thoát?

Câu trả lời: Tình dục là sự cứu rỗi. Với những cái bản năng bị kềm tỏa, bị nhốt chặt của những người đàn bà đó thì giải phóng tình dục, giải phóng những ẩn ức là một trong những lối thoát của họ.

Các bộ phim của Hồng Ánh hầu hết đều có những cảnh làm tình khá bạo liệt. Cô cũng không ngần ngại phơi da thịt trước ống kính của máy quay, từ Đời cátđến Thung lũng hoang vắng, từ Người đàn bà mộng du đến Tâm hồn mẹ.

Đây có lẽ cũng là phần khác biệt lớn nhất giữa “nàng thơ” Hồng Ánh của thập niên 90, những năm đầu 2000 so với những nàng thơ của chiến trận và hậu chiến như Trà Giang, Như Quỳnh hay Lê Vân trước đó.

Và điều đặc biệt, cho dù các nhân vật của Hồng Ánh đều giữ vai trò trung tâm trong hầu hết các bộ phim cô đóng, cho dù họ tìm đến tình dục để giải phóng, ta vẫn thấy rõ những người đàn bà đó phải oằn mình trước những lễ nghĩa hay sức ép từ muôn đời của một xã hội bảo thủ, độc đoán và nam trị.

Hai vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp của Hồng Ánh: Tâm của Đời cát và Hạnh của Trăng nơi đấy giếng đều coi chồng như những vị thánh sống và phục tùng tuyệt đối...

Đảo của dân ngụ cư: Ngột ngạt, tăm tối

Đảo của dân ngụ cư đáng lẽ ra là một bộ phim tiếp tục cái mạch những người đàn bà bị nhốt của Hồng Ánh trong những năm đầu 2000, sau thành công của Đời cátThung lũng hoang vắng.

Bộ tứ Vân - Giang - Lập - Ánh đã dự định khởi quay bộ phim này trong cái mạch sáng tạo đầy bức bối của thời điểm đó và có thể tạo thành một “bộ ba” mang được không khí ngột ngạt của xã hội Việt Nam thời điểm đó.

Đáng tiếc, những ẩn dụ mơ hồ từ chất liệu truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến khiến kịch bản này của Nguyễn Quang Lập bị gác lại ở cửa kiểm duyệt rất nhiều năm.

Hơn 10 năm sau, có lẽ vẫn còn ám ảnh bởi chất liệu của kịch bản, ám ảnh bởi nhân vật “nàng thơ bị nhốt” mà có lẽ đã bị vận vào người, Hồng Ánh quyết tâm thực hiện bộ phim này với tư cách đạo diễn, thay vì là đóng vai nhân vật chị Chu như dự định ban đầu.

Đảo của dân ngụ cư của Đỗ Phước Tiến là một trong những truyện ngắn nổi bật đầu thập niên 90, tạo dựng rất thành công cái không khí đặc quánh của một cộng đồng thu nhỏ đầy ngột ngạt, bế tắc, nhiều ẩn ức, lắm tăm tối.

Như lời tự sự của nhân vật dẫn chuyện (trong phim là Phước) khi nói về cái tình thế của bọn họ ở thời điểm đó, không gian đó: "Chẳng phải chị hay tôi, hay bất cứ một người nào khác, chúng mình như những chiếc máy cày chỉ làm mỗi một việc là lê lết mỏi mòn qua cánh đồng thời gian, và khát vọng hiện hữu có hơn gì một cái móc sắt han rỉ? Ngồi một chỗ như chị hay suốt đời di động như tôi thì có gì khác nhau. Bao giờ còn chưa quên vị trí xuất phát của mình, thì tôi với chị vẫn chưa bước nổi một bước, dù chỉ một bước, trong cuộc đời".

Khát vọng hiện hữu có hơn gì một cái móc sắt han rỉ? Đó cũng là cái cảm giác mà tối qua tôi ngồi thưởng thức và... chịu trận gần 100 phút của bộ phim này.

clip_image002

Phim có nhiều cảnh làm tình táo bạo.

Kịch bản của Nguyễn Quang Lập và đạo diễn của Hồng Ánh gần như trung thành với truyện ngắn và cái không khí thời đại mà Đỗ Phước Tiến tạo ra, nhưng tôi nghĩ giá như sau một khoảng thời gian dài như vậy để ủ mình, Hồng Ánh có thể phá cái khung của truyện gốc, phá cái góc nhìn của đàn ông để mang vào đó những dấu ấn của chính mình, một người đàn bà làm phim, thì có lẽ bộ phim đã đạt một hiệu quả cao hơn về mặt thẩm mỹ và những giá trị tư tưởng của nó.

Tôi nghĩ giá như có một hòn đảo thật sự, một không gian bị cô lập như ta thường hình dung về bối cảnh này, và như nhan đề của bộ phim, để rồi những hành xử của nhân vật, cách bọn họ đối xử với nhau phần nào lý giải được bởi cái không gian tách rời khỏi xã hội và cộng đồng chung quanh đó.

Không có một hòn đảo nào hiện hữu trong phim, “đảo” trong lý giải của Hồng Ánh có lẽ là cái “ốc đảo” của mỗi nhân vật, những kẻ tự nhốt mình hoặc bị nhốt vào đó, tự “biệt lập” với những kẻ còn lại. Đó cũng có thể là một cách hiểu, một cách lý giải, cho dù tôi không mấy thỏa mãn với cái “không gian” ốc đảo bên trong này.

Sáu nhân vật của bộ phim, không ai quá chính, không ai quá phụ. Một cái cộng đồng tứ chiếng và trôi dạt cùng tụ về đây. Bọn họ sống trong một căn nhà cổ, nhìn nhau với những đôi mắt thăm dò và đầy cảnh giác.

Một ông chủ người Hoa (Hoàng Phúc) lạnh lùng và đôi khi hơi nguy hiểm không đáng, một bà vợ nhẫn nhục và phục tùng quá mức (Ngọc Hiệp), hai gã trai làm thuê, một Miên (Nhan Phúc Vinh), một Phước (Phạm Hồng Phước) làm việc quần quật như trâu, hừng hực sức sống, một ông đầu bếp gốc Ấn sùng đạo và cuối cùng là Chu (Ngọc Thanh Tâm), cô gái liệt con ông chủ bị nhốt chặt trên căn phòng gỗ gác mái với hai chiếc cửa sổ trời.

Hãy thoát khỏi những hòn đảo và những nàng thơ bị nhốt

Phim được kể lại qua góc nhìn của Phước, một gã trai trôi dạt và dừng lại ở ngôi nhà cổ này một khoảng thời gian, chứng kiến những biến cố và thảm kịch để rồi cuối cùng nó thay đổi cuộc đời của anh ta mãi mãi, và “không bao giờ còn cảm thấy hạnh phúc nữa”.

Cái tâm thế của nhân vật dẫn chuyện trong truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến có lẽ là cái tâm thế chủ đạo của những nhân vật văn chương phim ảnh những năm đầu 90, mà như anh viết, họ như “những chiếc máy cày chỉ làm mỗi việc là lê lết mòn mỏi qua cánh đồng thời gian”.

Sự bế tắc cùng quẫn biến họ thành những kẻ mang tâm lý nhược tiểu, thụ động, phục tùng mà không một dấu hiệu phản kháng nào. Trong cả truyện và phim, ta thấy Miên và Phước, hai gã trai to xác, khỏe mạnh, cho dù thay nhau lên căn phòng gác mái để hì hụi làm tình với Chu mỗi đêm, nhưng không một ai trong số họ có ý định giải thoát, hoặc ít nhất một lần đưa Chu ra khỏi căn phòng bị nhốt kín đó như khao khát của cô.

clip_image003

Nhan Phúc Vinh vào vai gã trai làm thuê. Ảnh: ĐPCC.

Nhân vật Xiếm Hoa (Ngọc Hiệp), cũng một người đàn bà “bị nhốt”, theo một cách khác - não trạng - người hầu hạ và phục tùng chồng trong sự sợ hãi và bị đối xử thô bạo.

Chu, cô con gái bị nhốt suốt cả cuộc đời mình vì đôi chân bị liệt, tìm niềm vui bên những con vật vô tri, tìm giải thoát khỏi sự bế tắc và bất lực của mình bằng tình dục, như cách Phước nhìn ra được khát vọng của cô.

Đỗ Phước Tiến viết trong truyện: “Lúc vùi đầu vào bộ ngực mềm ấm của chị, tôi cay đắng nhận ra rằng vang sâu trong cái sinh vật dị dạng đang rệu rã kia là những cơn bùng nổ liên tục của khát vọng làm người, của những đam mê hết sức chân thành, trong trắng. Linh hồn của mỗi người, nếu quả có nó, thật ra không ăn nhập gì với các xác phàm mà nó ẩn náu cả".

Cái không khí tù túng ngột ngạt của căn nhà cổ, nỗi sợ hãi và nghi kỵ bao trùm, khiến tất cả các nhân vật trong bộ phim không có một ai được giải thoát về mặt tâm hồn.

Bọn họ như sống trong vũng lầy của sự sợ hãi và đánh mất khả năng phản kháng; như hình ảnh những chú dê trước khi bị làm thịt bị Xiêm treo lon sắt vào đuôi và đuổi đánh trong đêm khiến chúng sợ hãi đến mức toát mồ hôi và theo đó mà bay hết mùi hôi khó chịu. Đây có lẽ là một chi tiết đặc sắc được thể hiện rất tốt trong phim.clip_image004

Nhân vật trong phim là những người đàn bà "bị nhốt", chỉ biết phục tùng.

Đảo của dân ngụ cư có khá nhiều điểm sáng của một bộ phim đầu tay và của một đạo diễn nữ. Như đã nói, cho dù Hồng Ánh chưa thực sự vượt thoát được cái khung “nam trị” trong văn chương điện ảnh Việt bị đè nặng quá lâu, ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp nữ tính của cô qua chất thơ của những khung hình, qua không khí đậm mùi nhục cảm với những màn làm tình bạo liệt, như cách cô từng đóng trong các bộ phim trước đây.

Đó cũng là lý do mà tôi dẫn từ đầu, bộ phim này là cái mối nối dài những nhân vật “nàng thơ” bị nhốt của Hồng Ánh trong hơn một thập kỷ trước. Có lẽ ngoài Hồng Ánh, không ai dám mạo hiểm với dòng phim này ở thời điểm hiện tại. Đó vừa là một sự dũng cảm, vừa là một sự “bảo thủ” của Hồng Ánh.

Nhưng với bộ phim này, tôi tin chắc Hồng Ánh sẽ còn tiếp tục với nghiệp đạo diễn. Chỉ mong cô sẽ vượt thoát khỏi được những hòn đảo và những nàng thơ bị nhốt.

Lê Hồng Lâm

Nguồn: http://news.zing.vn/dao-cua-dan-ngu-cu-nhung-nang-tho-bi-nhot-cua-hong-anh-post753222.html