Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

THỜI HIỆN TẠI CỦA CÁC NHÀ THƠ TRẺ

Hoàng Vũ Thuật

Tôi lang thang trên facebook tìm kiếm sự lạ về thơ. Đột nhiên gặp trang của nhà phê bình văn học - TS Văn Giá giới thiệu thơ Nguyễn Thúy Hạnh. Trước đó không lâu trên facebook của Viet Ha Tran đã nói về tác giả này. Tôi đọc kĩ chùm 5 bài của Nguyễn Thúy Hạnh, lòng mừng thầm, vì sự thay đổi trong bút pháp sáng tạo của thế hệ trẻ. Nhưng đọc một số lời bình ở trang này, tôi vừa buồn vừa vui. Buồn vì thơ Hạnh đưa đến bầu không khí khác hẳn lệ thường. Vậy mà nhiều người không thừa nhận hay là không chưa nhận ra? Vui vì tôi nghĩ Hạnh không viết theo thi pháp nào, như cách nói của nhiều người. Cuộc sống, thời thế đã tác động vào tâm thức buộc Hạnh phải nói/ bật lên bằng thơ. Thơ đi ra từ cảm của con người, không cần ai dẫn dắt. Một số ý kiến chê bai khác gì mầm măng vừa nhú đã bị người vô tâm bẻ gãy. Thử hỏi làm sao mà phát kiến? Thơ Hạnh trong trẻo sâu kín từng chữ, mới từng chữ. Đừng nghĩ Hạnh đưa ra một mớ hành vi cuộc sống là hổn độn. Cái trật tự ngôn ngữ được sắp xếp trong ý tưởng, chứ đâu soi trên mặt bằng bài thơ.

Tôi nghĩ thơ có vẻ đang chông chênh, vì cái cũ ngự trị lâu quá chưa được phá vỡ, hoặc không dám phá vỡ. Nhưng hiện tại thơ đang trong tư thế mở. Lớp trẻ tìm tòi và đã thành công. Tôi đề nghị Văn Giá tìm đọc cháu Hoàng Thúy ở Quảng Bình, cũng một hiện tượng lạ, chẳng khác gì Hạnh. Hoàng Thúy viết rất nhiều, hay in ở VNQĐ, Sông Hương, Người Hà Nội. Tôi gửi 10 bài cho Hữu Thỉnh, khi ông đã hoàn tất nhân sự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc đầu năm 2017. Ông đọc và đánh giá thơ Thúy mới, có nhiều ý tưởng. Hữu Thỉnh đồng ý ngay, đồng thời viết giấy triệu tập ra dự, khi ban tổ chức không thể họp lại nữa. Quay lại thơ Hạnh. Cái mới là vậy, khó đọc, khó hiểu. Người làm thơ, người phê bình và bạn đọc phải biết trân trọng, nâng niu, chứ đạp đổ thì dễ quá. Thí dụ Hạnh viết "Hà Nội em/ môi hồng như vết thương he hé" (Hà Nội). Bởi Hà Nội đẹp rất đáng tự hào mà lắm đau thương. Hình tượng ấy chưa thể có ở thời suy tư của chúng ta.

Không lâu, tôi gặp cái tên mới nữa, Đời Cỏ Dại, cũng trên facebook qua bài thơ "Trong buổi chiều nhảm nhí này". Liên tiếp những câu thơ làm tôi sững sờ: Từng đám mây lao xuống dòng sông. Tuẫn nạn; Hay: Sau làn áo mỏng, những núm vú buồn/ Níu chút tàn tuổi xuân bằng nhịp thở. Hoặc: Đến những giọt nắng tàn cũng đượm mùi suy tưởng/ Bạn mặc niệm giấc mơ ban trưa. Rồi nữa: Đêm muôn đời như cuốn sách/ Viết về hành trình của nhân loại/ Bạn đọc hoài chẳng hết...Đời Cỏ Dại là ai, người đã viết những câu thơ trên? Đó là Trương Đình Phượng. Phượng trả lời tôi: Cám ơn chú, cháu sinh năm 84, quê Nghệ An. Công việc chính của cháu, làm nhân viên phục vụ quán caffe. Trương Đình Phượng học cao đẳng Du lịch. Phượng viết theo cảm hứng, ưa gì viết đó, tản văn, truyện ngắn cũng không ngán. Hình như Phượng không có thì giờ để viết, ngày kiếm sống, đêm vật ra viết. Như có người đang hối thúc trong Phượng, mà cũng không ai kiểm soát Phượng. Viết và viết, viết về thời hiện tại Phượng đang đối mặt. Câu thơ "Sau làn áo mỏng, những núm vú buồn" gợi, tạo được thân phận chua xót của người phụ nữ. Tính thơ không gợi sự nhục cảm, trái lại hình ảnh ảm đạm, xót xa, tài hoa hiếm thấy.

Trong diễn từ Nobel đi tìm thời hiện đại O. Paz đọc ngày 8/12/1990, ông viết; "Sáng và tối, tối và sáng liên tục thay đổi cho nhau, đó là thời hiện tại. Thời hiện tại là một hành tinh (theo tôi có lẽ chữ "hành trình" đúng hơn, do lỗi Nxb?) đã thống nhất hai mặt đó lại, đã thống nhất hành động và chiêm quan" (Nguyễn Trung Đức dịch từ tiếng Tây Ban Nha, theo Octavio Paz: Thơ văn và tiểu luận, Nxb Đà Nẵng, 1998). Cái gì đối với Phượng cũng rất lạ. Thực tại quanh mình là môi trường cho Phượng "chiêm quan", chiêm quan về mặt trái cuộc đời. Phượng kể rất thật, cháu mới viêt hồi 2010, lúc đó cháu có tập "Màu"(*) của chú. Cháu mượn của họ, bác ấy đã mất. Nghe đâu bác ấy mượn của bác Xuân Chuẩn và một ít thơ khác, đó là vốn liếng ban đầu. Cháu viết nhảm nhí ấy mà...Vậy mà cả một số lượng khổng lồ tôi không thể kể. Phượng gửi cho tôi mười chín bài có tên "Sến khúc". Cuộc sống quanh ta, nhiều cái trong trẻo, cao thượng, nhiều giá trị thẩm mỹ, nhưng cũng phải thừa nhận rằng không thiếu những thứ vô bổ, hình thức, màu mè thứ người ta gọi: Sến! Việc ấy sến, câu nói ấy sến, cả cậu ấy sến...Thôi khỏi phải bàn. Tôi chia làm nhiều đêm để đọc. Có đêm ba giờ sáng tôi dựng Phượng dậy để nghe điện thoại, thì ra Phượng không ngủ. Tôi bảo thơ cháu mới là thơ. Cháu có con mắt và trái tim nhìn cuộc sống sắc sảo. Dưới ánh nhìn của cháu cuộc sống đã bay lên thành thơ. Hay nói cách khác cuộc sống đã sinh ra và trao cho cháu ngôn ngữ để biến thành thơ. Chú đọc mà rưng rưng muốn khóc:

Tại sao người ta lại đem chôn những giấc mơ

Sáng nay trước khi mùa đông ập đến

Lũ chim còn kịp cất giấu tiếng hót mình dưới mái hiên

Ngôi nhà cũ kĩ

Như ký hiệu đánh dấu lãnh thổ để quay về

Sau chuyến di cư

Một câu hỏi không thể trả lời, nó cứa vào lòng ta nghiệt ngã cay đắng của thế giới hiện hữu. Con người điềm nhiên không hay biết sự tàn phá của chính bàn tay mình: Nhưng con người lại cứ hả hê/ Trước những con phố dài bị hãm hiếp/ Và họ sợ hãi lấy tay che khi nhìn thấy mặt trời (Sến khúc 1 - Tang lễ)

Hình tượng thơ trùng điệp, nối dài như một bức tranh gam nóng phả vào mặt chúng ta. Và cũng những câu hỏi không để trả lời ấy lại vang lên: Tại sao càng ngày hành tinh này càng nhiều sa mạc/ Sa mạc trên đất liền sa mạc ngoài biển khơi/ Và sa mạc ngay cả trong trái tim mỗi con người (Sến Khúc 4 - Xếp hàng). Văn học từ lâu đã gánh trên vai tính dự báo. Phượng đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh. Một sự cảnh tỉnh vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia. Càng đọc lòng thẩn thờ, tôi muốn quay mặt đi để khỏi đối diện với những câu thơ rùng mình, buốt lạnh: Những người đàn bà tự lót ổ/ Và tự đỡ đẻ cho mình/ Những đứa trẻ được sinh ra trên nền đất lạnh/ Những đứa trẻ được cắt rốn bằng chiếc răng của mẹ (Sến khúc 11 - Tiếng khóc). Điều gì đã giúp Phượng có cái nhìn nhân văn, tương phản về người đàn bà chửa hoang đầu thế kỷ văn minh 21? Tôi chân thật với cháu, càng đọc cháu, chú thấy mình chưa là gì cả. Chú học ở cháu rất nhiều. Đã thơ ắt phải tư duy bằng hình tượng, thơ không thể lấy kể lể làm chính. Một thời văn học chúng ta dây cà dây muống, thử hỏi làm sao trình bày với thế giới đang hội nhập cái gọi là chững chạc không thua kém ai?

Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ trong Sến khúc là một câu, một bài mở lòng văn chương thời ta sống thực sự. Tôi dùng chữ "mở lòng", khi nhận ra hồn vía con người ẩn trong dó. Tôi biết mình cực đoan khi đưa ra một nhận định. Nhưng tôi quả quyết không sai khi đi săn lùng báu vật giữa chợ đời hiện có. Phượng không có ý niệm thao tác ngôn ngữ. Ngôn ngữ của Phượng chính là để trình bày cái biểu cảm. Thí dụ ở bài Sến khúc 19 - Tự vấn, Phượng viết: Này ngôn từ/ Đã đến lúc chúng ta cởi bỏ/ Những y phục lòe loẹt trên người/ Và khoác vào tấm áo/ Đẫm mồ hôi nước mắt/ Con Người! Như vậy ngôn từ không đủ để tạo ra cốt cách bài thơ. Lớp trẻ ngày nay có nhiều kiến văn rộng rãi, đủ khả năng tiệm cận với thế giới văn minh nhân loại. Với Phượng, dường như ngược lại, Phượng bảo cháu không hiểu gì một chút gọi là hiện đại, thủ pháp văn chương... Cháu viết cái quanh mình, như hơi thở, thức ăn nước uống hàng ngày, thiếu nó không thể được chú ạ. Vâng, đúng vậy Phượng đang khai thác thì hiện tại... Thơ khác nhiều so với các lĩnh vực nghệ thuật. Thơ là sản phẩm của trời cho. Độc giả lúc nào cũng tìm thấy gương mặt buồn vui của mình trong từng câu thơ. Kiến văn chỉ là yếu tố cần thiết, không tạo ra được tài năng. Tài năng như một định mệnh!

Lớp trẻ hội nhau trước đó và dưới mái nhà facebook bây giờ khá đông. Lãng Thanh (Giải thưởng Hội nhà văn 2004, đã mất), Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Hoa Níp (Giải thưởng Hội nhà văn TP. HCM, cũng đã mất), Đời Cỏ Dại (Trương Đình Phượng), Lưu Mêlan, Chiêu Anh Nguyễn, Hoàng Thúy, Chíp Chíp (Hoàng Thụy Anh), Nguyễn Thúy Hạnh...Trong đó, Trương Đình Phượng là con chim đang bay đầu mũi hình chữ V, giữa bầu trời mặc gió mưa, nắng táp. Chúng ta sẽ không hỗ thẹn với ai cả. Nhưng chúng ta phải biết tìm vàng trong cát, chắt lọc lấy hạt quý. Coi lớp trẻ non nớt là tâm thái không đáng có. Đọc họ, tôi không lý giải được vì sao họ nhìn cuộc sống tinh tường bằng ngôn ngữ trí tuệ, giàu biểu tượng như vậy? Câu trả lời chỉ có thể thời thế sinh ra thế. Tôi tin thời "hiện tại" (chữ dùng của O. Paz) đã phác thảo nên gương mặt thơ Việt. Một cuộc cách mạng sau phong trào Thơ Mới. Niềm tin cực đoan, có cơ sở.

Cuối cùng tôi muốn dành riêng cho Phượng một lời nhắn nhủ chân thành. Chú không hề tâng bốc cháu, Phượng ạ. Tâng để làm gì, nhưng cháu phải nghe chú, mình càng khiêm tốn bao nhiêu ngày mai cao lớn bấy nhiêu, như cháu đã làm và nghĩ hơn mười năm nay. Cháu viết, sống an lành, chăm sức khỏe mẹ cho tốt, bởi bố đã mất. Tôi nhất trí với Phượng cái biểu đạt mà cháu đeo đuổi, như phép mầu nhiệm đầy ma lực của thơ:

Mọi lời hứa

Mọi sự ngợi ca

Rồi sẽ thành vô nghĩa

Chỉ tình yêu chân thành là vĩnh hằng

Bài thơ vĩ đại nhất

Là bài thơ được viết nên bởi những kẻ khốn cùng.

(Sến khúc 14 - Bài thơ vĩ đại)

29/4/2019

______

(*) Nxb Lao Động - Hà Nội, 2010

FB  Hoàng Vũ Thuật