Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Những bài hát rong đương đại (kỳ 1)

Trường ca

Nguyễn Thanh Hiện

Văn Việt vừa nhận được Trường ca Những bài hát rong đương đại của nhà thơ Nguyễn Thanh Hiện.

Hy vọng, chia sẻ của nhà thơ sẽ phần nào giúp bạn đọc trong việc tìm hiểu bản trường ca giàu suy tưởng và tràn đầy cảm xúc này:

Ánh sáng và bờ vực tối. Hai cảnh giới luôn bày ra trong cuộc hành trình tự hoàn thiện mình của con người. Ngay tự buổi chưa có một giọng nói riêng, con người đã nỗ lực tìm kiếm tự tạo những năng lực vượt trội để loài giống mình vượt khỏi giới hạn của một động vật bình thường. Những nền văn minh của con người, thứ ánh sáng vụt sáng lên trong quá khứ, như những bài tình ca về sự bùng nổ trong nhận thức thế giới. Đồng hành với những khám phá làm ra thức ăn, nền văn minh lớn nhất của con người trong quá khứ, là những nghệ thuật hang động: thi ca, hội họa và nhảy múa. Thi ca nghệ thuật mang trọng trách đẩy lùi sự man rợ vẫn luôn diễn ra trong những tháng năm chưa có lịch sử. Nhưng man rợ như thứ tính cách có tính định mệnh luôn tồn tại trong cuộc hành trình đi tìm cái có thể của con người. Những man rợ thời văn minh đương đại còn man rợ hơn cả những man rợ thời tiền sử. Nghĩ ngợi về cuộc tiến hóa đầy khắc nghiệt của loài giống mình, người viết bỗng thấy mình như đang lưu lạc giữa cuộc tuần hoàn. Từ đó thi ca cất lên thứ tiếng nói thành thật về thế giới người viết đang sống. Một bài ca thật dài như những giả định về những sự thật lịch sử người viết đã nhìn thấy trong cuộc rong chơi giả định của mình.”

Giã, tháng ba 2017

NTH

Văn Việt

 

CHƯƠNG MỞ ĐẦU

TA VẪN LÀ HẠT BỤI 

Nguyên sơ là chẳng muốn để cho mình

trở nên hoen ố giữa cuộc đọ sức sinh tử

giữa bóng tối và minh triết, nhưng con

người thì vẫn kẹt giữa hai nửa trần gian,

cuối cùng thì thi ca đã dấy lên, nhưng

đấy cũng mới chỉ là những mảnh vụn

của khôn ngoan, mà con người là cần đến

những dòng chảy của cảm hứng trí tuệ…

ta vẫn cố làm cho em hiểu ta là hạt bụi

từ làng Cù ra đi ta chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi, nhưng trong tâm tưởng em ta không phải hạt bụi, trong tâm tưởng em ta là người đã đặt vào đôi mắt em viễn cảnh của tình yêu, từ ngôi làng quê nhỏ bé của mình, ta đã ngang qua những lâu đài của lũ ếch nhái tổ tiên chúng đã dựng lên tự buổi rứt ruột ra khỏi biển khơi, những lâu đài được làm bằng lòng nhẫn nại lấy từ những ước muốn dai dẳng, vào những lúc có cơn mưa bất chợt, nghe ếch nhái hát ca ta cứ thấy nhớ tiếng hát của em, là em hát về viễn cảnh của tình yêu, còn lũ ếch nhái là hát về niềm hoài nghi thuở rứt ruột ra đi, là vẫn muốn trườn lên nơi mặt đất nhưng là vẫn chẳng tin, hay đúng hơn là vẫn chưa tin chốn xa lạ là mặt đất này sẽ mang lại niềm vui cho loài giống của chúng, ta là hạt bụi nhỏ nhoi trong trời đất nên ta vẫn luôn mang trong mình niềm hoài nghi như niềm hoài nghi của tổ tiên lũ ếch nhái, từ làng quê nhỏ bé của ta ra đi, ta đã ngang qua ngôi làng của lũ ong hút mật được dựng lên ở bên dưới những tán lá nơi khu rừng ấy, trù phú như được trợ giúp từ hào phóng của núi rừng, cửa ngõ và những con đường mở ra dưới vòm cây lá là luôn được làm cho mới ra bởi lá cây rừng là luôn thay đổi sắc màu, xin chào hạt bụi, lũ ong đi lấy mật cất tiếng chào hỏi khi trông thấy ta say mê nhìn những ngôi nhà được kiến trúc theo phong cách như đùa như thật của loài ong, những ngôi nhà có vẻ như là đang gá lên những cành cây của rừng nhưng thật ra đấy là thứ công trình rút ruột nhả tơ, chính là lũ ong hút mật đã từng ngày đặt từng chút từng chút sức lực lên cành cây, sự kết họp của cẩn trọng và niềm cảm hứng vô bờ bến là được truyền lại từ những tổ tiên xa xưa của chúng, ta đi, và mang theo niềm kính phục, những con vật biết tạo dựng cho loài giống mình một thứ sắc thái, một cõi tồn sinh, ta đi, và một hôm bỗng muốn quay lại để hỏi lũ ong cho rõ cái cách tạo dựng niềm tin cho loài giống, vào một sáng mùa thu ta quay lại khu rừng ấy, thì ngôi làng tấp nập lũ ong ấy không còn, xin chào hạt bụi, ta nghe có tiếng một con ong cất lên đâu đó, mật đã bị con người lấy sạch, và trước khi đi bọn họ đã đốt cháy những ngôi nhà giết hết lũ ong trong làng, hình như đấy là ong chúa, ta như nghe thấy niềm kinh hãi trong thứ giọng nói yếu ớt của vị trưởng làng của loài ong, cứ muốn hỏi có phải là đã trải qua cuộc tử chiến với con người và còn sống sót hay không, nhưng chưa kịp hỏi thì ong đã chết, từ ngôi làng nhỏ bé ra đi, ta vẫn muốn em gọi ta là hạt bụi, ta muốn nói với em ta chỉ là hạt bụi, ta chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi trong trời đất nên ta vẫn mang theo trong mình niềm kinh hãi loài ong đã truyền sang hôm nào…

thì ta vẫn là hạt bụi của đời em

nhưng có một hôm em gọi ta là hạt bụi, xin chào hạt bụi của đời em, vào cái hôm em đem thứ hạt bụi nhỏ nhoi là ta gắn vào cuộc đời em, thì ta trông thấy thế giới như đang nổ tung lên, lả tả những mảnh trần gian, biển lớn vỡ ra, những dòng sông lớn vỡ ra, lềnh bềnh xác của đủ loại người, những kẻ hung hăng, giả dối, những nhà chính trị mặc áo giấy, những vị thầy cãi bọt mép còn khô đọng trên môi, những vị thuyết pháp túi còn đầy ắp những kinh điển, những nhà trị nước, thông thái có không thông thái có, nhưng khi chết đều nghe toát ra từ thân thể họ mùi vàng và mùi đàn bà, xác người và các thứ rác rưởi là đang bị cuốn đi, những dòng nước là đang cuồn cuộn cuốn đi, xin cho chúng tôi một thế giới khác, ta nghe đâu đó như vang lên tiếng gào của những kẻ còn sống, và lạ thay, vào lúc ta nhìn vào đôi mắt em, một thế giới hoàn toàn mới mẻ là đang hiện ra trong ánh mắt lúc nào cũng ánh lên thứ màu đen kỳ diệu, lộng lẫy huy hoàng là đang bày ra trên khắp mặt đất, người ta đang hôn nhau ở trên ruộng đồng, hôn nhau ở trên đường phố, hôn nhau ở trên núi đồi, những bài hát ngợi ca về tình yêu là đang vang lên khắp nơi, em sẽ chờ anh cho đến cuối thế kỷ, không phải chỉ có thế, người ta còn cam kết về một thứ tình yêu lớn hơn, tình yêu đồng loại, và, bỗng như một cú huých vào nhận thức của ta, em kêu là vừa nhìn thấy như có một cuộc chiến nào đó là đang diễn ra, lập tức ta nhìn thấy một thứ mặt đất lở lói là đang bày ra ở bên ngoài mắt em, có mùi xác người thoảng lên đâu đó, hậu quả của một cuộc chiến nào đó chẳng rõ, lũ quạ từng lũ sà xuống mặt đất, đánh thẳng vào cơ quan đầu não, những người trông coi nghĩa địa vừa gào to, vừa giơ cuốc dọa lũ chim xâm lược, và, ở cuối con đường trước mắt dường như đang có cuộc đuổi bắt ai đó, là lũ con nhà ai đang chơi trò trốn tìm, em nói, nhưng không phải, thì ra là người ta đang đuổi bắt những kẻ đánh cắp tự do, hãy bắt lấy nó, là tiếng gào của một ông lão, ông lão thì vừa chạy vừa gào vừa vấp ngã, và cái đám người đánh cắp tự do ta không nhìn rõ mặt, nhưng là đông lắm, chúng vừa chạy vừa cười khúc khích, có tiếng dế hát, giữa lúc ấy thì cuộc đuổi bắt đương đại lại làm em nhớ về thời tuổi thơ của ta và em, em kêu là vừa nghe thấy tiếng dế hát, phải, là có tiếng dế hát, ta nói là mình cũng nghe có tiếng dế hát, nhưng ông lão, sau khi không đuổi kịp bọn kẻ cắp, đã hối ta và em hãy mau đi khỏi nơi ấy, hãy mau đi khỏi cái thế kỷ nhiễu nhương này đi, ông lão hối, nhưng khi ông lão đã đi khuất em nói với ta dù gì thì chúng ta cũng đã nghe được tiếng dế của tuổi thơ.

những lời thành thật của loài giống

ta cứ muốn cắn vào trái tim em cho em tắt thở để em vĩnh viễn thuộc về ta,

nhưng em bảo đôi môi em là nơi đã thốt ra những ngôn ngữ của tình yêu,

không có lời dịu dàng nào là không được nói ra từ đó,

cháy bỏng những chiều thu tắt nắng,

em nói khi nghe thấy những bước chân luyến tiếc của ngày thì đôi môi em mấp máy gọi tên của người em yêu,

đêm đã xuống rồi đấy, và có phải bóng tối là đang cố ngăn cách tình yêu chúng ta,

em nói khi bóng đêm đổ xuống thì năm tháng như thừa cơ đêm tối để đánh lừa những kẻ cả tin,

chớ hoài công đi tìm những gì mong ước,

chúng nó, thứ dòng sông có tên là năm tháng cứ gào lên thế,

và bấy giờ thì đôi môi em lại mấp máy gọi tên của người mình yêu,

em nói khi đêm xuống thì dòng sông năm tháng ấy tựa hồ một lão già khó tính cứ gõ lên ý nghĩ của em,

này, con người chẳng thể trường tồn mãi với thời gian, hãy liệu thu xếp công việc cho xong trong ngày,

cái lão già khó tính cứ đưa bàn tay sần sùi vẫy về phía trước, như thể để gọi ai đó hãy đến đưa em đi,

vào những lúc ấy thì những lời kêu cứu bật thốt trên môi em, kêu cứu sự trợ giúp của ký ức loài giống,

vào một đêm mùa thu, khi bóng tối đã trùm xuống thế gian, thay vì cắn vào trái tim em, ta cắn vào đôi môi thầm lặng của em,

và nghe thấy những tiếng nói thốt ra từ trong thẳm sâu của cuộc trường tồn.

ai đi giữa tro than của năm tháng, đi giữa cuộc tử chiến, mười phần thắng là thuộc về bóng tối,

vừa bước ra khỏi cái nôi của tồn tại là lập tức rơi vào cuộc tử chiến,

lửa, nước,

và những lời thách đấu,

cuộc va chạm giữa những thế lực vốn được sinh ra ở chỗ cuối con đường,

hư vô chợt rơi vào nguy biến ở chỗ cuối con đường, từ đó là mang tai hoạ lại cho cuộc tồn sinh, không còn là trinh trắng vô ưu, không còn là uyên nguyên bất di bất dịch của thuở nguyên sơ, cái một nguyên sơ bỗng trở nên hai nửa trần gian,

con người đi giữa tro than của hai nửa trần gian,

cuộc tử chiến là cuộc tử chiến của hai nửa trần gian,

đêm tối dày đặc những ngu xuẩn, những đê tiện, những tàn nhẫn, những dối trá, lường gạt, ai khóc vì bị lường gạt và ai chết vì sự dối trá, còn thói háo danh háo sắc thì đi lại như mắc cửi trong đêm trường tăm tối,

nguyên sơ là chẳng muốn để cho mình trở nên hoen ố giữa cuộc đọ sức sinh tử giữa bóng tối và minh triết,

nhưng con người thì vẫn kẹt giữa hai nửa trần gian

cuối cùng thì thi ca đã dấy lên,

nhưng đấy cũng mới chỉ là những mảnh vụn của khôn ngoan,

mà con người là cần đến những dòng chảy của cảm hứng trí tuệ.

phải rồi, vào cái đêm mùa thu ấy ta đã nghe được những lời thành thật của loài giống con người được nói ra từ đôi môi thầm lặng của em.

CHƯƠNG MỘT

PHÁC THẢO MỘT CÁCH NHÌN

Và một hôm, vào cuối thế kỷ, con rắn đen bỗng

trườn vào làng Cù của ta, là nhà người đang mang

trong mình những nọc độc của rắn, con rắn đen

vừa trườn vào làng, vừa nói, và ta phải lập tức
thay đổi những cách nhìn bấy lâu về thế giới…

những phát hiện đầu tiên

và những đêm ta thức trắng

em lại sang

em nói là em cũng chẳng ngủ được

làng Cù của ta cũng chỉ nhỉnh hơn bàn tay con người một chút

ngồi ở nơi vườn nhà ta

em và ta như nghe thấy hơi thở của hết thảy những người trong làng

là bọn họ đang rơi vào những cơn mộng mị về cơm áo

em nói sở dĩ hết thảy đang ngủ say thế là do đang rơi vào những cơn mơ không có khúc cuối

và khi em vục đầu vào ta định bảo ta hãy cùng nằm xuống để có thể nhìn lên bầu trời sao trên đầu thì có tiếng chó nhà ai sủa

chắc không phải sủa người đi

em nói

ta nghĩ là chó chẳng phải sủa người đi

bỡi ai đang ngủ và ai đang đi

quả tình chẳng phải chó sủa người đi

từ khu gò chôn người chết của làng vẳng lại những lời trò chuyện

thì ra những người làng đã chết cũng đang thức trắng

em nói chẳng lẽ lũ chó cũng đang thức trắng

bấy giờ thì lũ chó trong làng cùng tru lên những tràng dài ảm đạm

ta và em bỗng nghe thấy như có cái gì đấy tựa âm vang của một thứ số phận đang khỏa xuống xóm làng

chẳng còn nghe thấy hơi thở của những người làng

hay là ta và em đã lầm tưởng những người làng đang say ngủ

hay là hết thảy bọn bọ cũng đang thức trắng

và từ đám cây trái trong vườn

những hoa bưởi hoa xoài bắt đầu tỏa ra thứ hương đêm quen thuộc

con người là luôn phải dự phần vào cuộc chơi dai dẳng của tạo tác

em nói

và lại tiếp tục vục đầu vào những khao khát trong ta 

ai đang nói về những người đi mở đất

những cây cày gỗ đi theo những tháng năm có tiếng trở mình của con đường đất, vào những đêm khi không còn ai ra đồng ruộng, con đường đất vào làng trở mình, nói với mình, giờ thì ta cũng bắt đầu nghỉ ngơi được rồi, vào những đêm con đường đất trở mình để nhắc nhở mình ngủ nghỉ, thì cây cày gỗ cũng đang rơi vào những giấc mơ như những người trong làng, khi các vị đã có một chỗ đứng yên lành trên mặt đất thì tổ tiên các vị, những người đi mở đất, chỉ còn là những giọt lệ đọng trên những chiếc lá rụng tự buổi nguyên sơ, trong một giấc mơ có những người đang cãi nhau trên con đường đất vào làng, cây cày gỗ đã nói cho những kẻ thích gây gổ nhau biết là tổ tiên bọn họ đã chết, mùi đất, gió, và những con chim ưa làm tổ ở đất, vào những chiều có lũ chim ưa làm tổ ở đất, lũ chim thì chờ cho cây cày gỗ lật xong những thớ đất là liền sà xuống, gió, và tiếng chim chuyện trò nhau trong khi làm tổ, còn cây cày gỗ là cứ cảm thấy như mình cũng là chim, con chim bay suốt từ buổi nguyên sơ cho đến lúc con chim ưa làm tổ ở đất có đất vỡ từ cây cày gỗ để làm tổ, vào những chiều có lũ chim ưa làm tổ ở đất, những cây cày gỗ cứ thấy nhớ buổi nguyên sơ, a mà làm sao nhớ được buổi nguyên sơ khi con người trần trụi giữa nắng gió, và cây cày gỗ thì còn nằm đâu đó ở những rừng cây nguyên sơ trên mặt đất…

và ai đang nói về những thằng mặt trắng

con đường vào làng nói với ta, rằng suốt những nghìn năm qua là chưa bao giờ phải buồn phiền vì một điều gì do người làng mang lại, con đường vào làng là khúc ruột bao dung, bà mẹ bao dung rứt ra từ niềm trắc ẩn đem đặt giữa chốn thế gian phiền tạp, con đường vào làng nói với ta, rằng  khúc ruột rứt ra từ niềm trắc ẩn ấy là quyết cùng sống chết với người làng, nhưng một hôm, bỗng nghe bước chân thô bạo của ai đó dẫm trên đường, thì ra là những thằng mặt trắng, bọn chúng nói là đi thu hồi sự tự do của những kẻ đang sống trong làng, đã đủ quá rồi bởi bấy lâu là con người vẫn được đi lại dưới bầu trời cao xanh, những thằng mặt trắng nói, và tiếp tục bước đi, chúng nói là chúng theo lệnh của những vị thần trên cao đi lấy lại tự do của người làng, con đường vào làng nói với ta bấy giờ thì cả con đường gồng mình lên, hét, hỡi những thằng mặt trắng hãy thôi đi thói xu nịnh, chớ đem chữ nghĩa của con người ra ca ngợi sự tăm tối, bấy giờ thì những thằng mặt trắng cũng chường những gương mặt có chữ nghĩa ra mà cãi, rằng thật sự là chúng chỉ theo lệnh của những vị thần trên cao đi thu lại tự do của những người đã dùng bấy lâu để đem ban phát cho những nơi khác, cả con đường cứ gồng mình, hét lên, hỡi những thằng mặt trắng hãy thôi đi thói giả dối, không tự do thì ngay cả các vị thần trên cao cũng sẽ trở thành đất đá, cả con đường vào làng là cứ gồng mình lên thành những đèo, dốc, thành những hang, hố, lũ mặt trắng lớp ngoi ngóp dưới những hang hố, lớp tháo chạy trở lui, con đường vào làng nói với ta, rằng đã trừ được lũ mặt trắng ấy, nhưng giống người ấy thời nay đông lắm, nên cứ sợ một ngày nào bọn chúng lại quay lại phá nát con đường vào làng…

khi anh tư đóng chiếc cày thứ 101

khi cuộc cách mạng màu da trời xảy ra, người ta đem ông trưởng làng ra treo cổ, thì anh tư đóng cày gỗ ở làng Cù đã đóng được chiếc cày thứ 101,

cách mạng giống như cơn bão làm ngã cây cối với giết chết heo gà ở làng Cù rồi thổi sang nơi khác,

nhưng cái cày gỗ thì mãi ở lại với người làng,

anh tư nói,

lúc ta sang chuyện trò với anh tư thì người thợ đóng cày kỳ cựu ở làng Cù đã đóng được chiếc cày thứ 101,  

khi những hạt lúa nảy mầm trong đất,

cây cày gỗ nói đó là công lao những người đi chân đất,

ở làng Cù của ta người ta tôn vinh cây cày gỗ thành thi ca, có nghĩa là ngang với con người

cây cày gỗ biết nói, 

ta hỏi anh tư đóng cày, cây cày gỗ làm sản sinh thi ca hay thi ca làm sản sinh cây cày gỗ

anh ấy bảo chuyện ấy anh không biết,

chỉ nhớ rằng khi anh đóng chiếc cày gỗ thứ 101 thì cũng gần mấy chục cuộc cách mạng đã diễn ra trên mặt đất,

anh tư nói, theo lời cha của anh thì thời còn vua chúa, có cuộc cách mạng lật đổ vua, ở làng Cù khi ấy người ta đuổi ông lý trưởng ra khỏi đình làng, và bầu kẻ đứng đầu làng với một  chức tước khác, hóa ra ông trưởng làng mới cũng thích đàn bà với đất công như ông lý trưởng của làng khi còn có vua,

anh tư nói, cũng theo lời cha của anh, bấy giờ lại có cuộc cách mạng về những cái bờ ruộng, đả đảo những cái bờ ruộng, người ta đả đảo cái bờ ruộng, kẻ đã làm sản sinh tự tư và ích kỷ, cả làng Cù chỉ còn mỗi đám ruộng mênh mông trên đồng làng, nhưng đi làm chung ở trên đồng làng, người ta hóa ra lười nhác, cỏ bắt đầu mọc khắp đồng làng, rốt cuộc, lại phải đắp bờ trở lại, 

anh tư nói khi cuộc cách mạng màu da trời xảy ra thì người ta đả đảo cây cày gỗ, đem ông trưởng làng Cù thủ cựu ra treo cổ, người ta đả đảo cây cày gỗ, và đả đảo ông trưởng làng cứ khăng khăng đòi giữ cây cày gỗ vì sợ mất đi hình ảnh của những người lập đất, cách mạng màu da trời là cách mạng về cây cày gỗ, anh tư nói đả đảo cây cày gỗ, và hoan hô cái cày máy, nhưng dân làng Cù nghèo, rốt cuộc lại tiếp tục cày với cây cày gỗ,

ta nói cách mạng có vẻ như những giấc mơ

anh tư nói anh chỉ biết khi anh đóng chiếc cày gỗ thứ 101 thì đã có hằng chục cuộc cách mạng diễn ra ở làng Cù,

em cúi xuống những ý tưởng chẳng vui

mùa thu lặng lẽ đến giữa lúc cây lá trong vườn nhà ta chưa kịp chuyển màu

lũ chim di trú bảo mùa thu đến sớm quá chúng đã kịp sửa soạn gì đâu

rồi rủ rê bay đến một nơi nào đó khá xa làng Cù để lấy sức

cho cuộc di chuyển dài ngày

em nói mùa thu năm này tựa hồ kẻ lơ đễnh tháng ngày

chúng ập đến khi những đám mây xám màu nắng chết chưa bắt đầu những cuộc rong chơi chẳng định hướng luôn mang lại phiền muộn

cho lũ chim di trú

hay em cũng như lũ chim di trú

mong mùa thu đến để đi tìm một chốn khác không còn nghe thấy

lời lẽ bọn giả nhân giả nghĩa

em nói làm sao lại có một chốn khác như thế

cái thế kỷ này là chẳng có chỗ nào là không có lũ giả nhân giả nghĩa

em nói mùa thu là một cuộc thể nghiệm vĩ đại của tạo tác

cây cối thể nghiệm về cái chết của lá

úa vàng

rụng

lặng lẽ rữa mục

dẫu biết lá chết là sẽ trở lại lá xanh

nhưng mùa thu vẫn là cuộc thể nghiệm về một chân lý bất dịch

“chắc chắn sinh ra là để chết”

mùa thu năm này đến sớm quá

em nói em đâu đã kịp xua đuổi những bực dọc trong lòng

và một ngày mùa thu có kẻ đi ngựa vào làng

hay là mùa thu muốn phái đến làng Cù của ta vị sứ giả đương đại

người kỵ sĩ già vừa bước xuống khỏi lưng con ngựa già đã reo lên

a, ngôi làng của thế kỷ, những tiếng khóc trẻ thơ, thông điệp của thời chưa qua gửi cho thời chưa đến, ta, kẻ lữ khách chẳng bao giờ cô độc như nghe thấy những lời lẽ chân thành vừa được gửi đi, phải rồi, đây là  thế kỷ của rất nhiều tiếng khóc, rất nhiều tiếng khóc, nhưng làng chỉ gửi cho mai sau tiếng khóc trẻ thơ

người kỵ sĩ già  có vẻ như thông thuộc hết mọi ngóc ngách của thế kỷ

ở một khúc quanh vào làng, ông dừng chân đứng ngắm lũ chim cu trên bờ tre, lũ chim cu trên bờ tre đang gù tình, người kỵ sĩ già vừa ngắm bờ tre vừa nghe lũ chim gù tình, trong khi con ngựa già của ông như đứng ngồi chẳng yên, vung vẩy cả đuôi lẫn bờm

này, ngươi biết không, hạnh phúc là lúc nào cũng bất chợt đến và bất chợt đi

người kỵ sĩ già nói với con ngựa của mình

và dường như ông thuộc hết mọi ngóc ngách của làng Cù

ở một khúc quanh vào làng, ông lại dừng lại, và bắt đầu hát

bài hát dường chỉ dành cho những kẻ không cô độc

trái tim em sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt đang làm ướt hết nửa phần mặt đất

và nghe thấy những nụ cười trên môi những kẻ đang hạnh phúc

vào một ngày chót cùng của năm tháng,

trái tim em sẽ  phán quyết ai sẽ tiếp tục sống và ai sẽ chết

hay là mùa thu phái sứ giả đến làng Cù ta nói về sự kết cục của thế giới

ta nói

nhưng em nói đấy là vị học giả đến từ phía bên kia tồn tại

hay là em hãy sang nghe ta nói về những bí ẩn của mùa thu

ta có nói với em nghìn lời cũng không nói hết về mùa thu

trong tĩnh lặng đất trời

có tiếng gì như nước mắt ai rơi

sao lại đi khóc mùa thu

hay là thấy sự ngắn ngủi của lá

nên không kiềm giữ được nuối tiếc về những ước mơ không thành

ở làng Cù của ta

vào lúc này người ta bắt đầu nghĩ đến việc thu dọn xác những lá xoài lá bưởi trong vườn

đám lá trong vườn không thể nào không ra đi

khi mùa thu đến

và người ta không thể nào cầm giữ được sự nuối tiếc khi nhìn thấy đám lá rơi rụng trong vườn nhà của mình

không sao đâu

các bạn cứ yên lòng ra đi

khi trông thấy những đám mây màu tro từ phương bắc kéo đến

hình như đấy là lời an ủi của mùa thu đang an ủi đám lá trong vườn nhà ta

hay là em hãy sang nghe ta nói về những bí ẩn của mùa thu 

và thằng cu đáo bạn ta…

thằng cu đáo, bạn ta, chết tự lúc lên mười

ở làng Cù có biết bao nhiêu là kẻ sinh ra và chết lúc lên mười, chứ đâu phải chỉ mỗi thằng cu đáo, bạn ta

nhưng thằng cu đáo, bạn ta, thì dường như  chẳng chịu rời khỏi trí nhớ của ta

vào những chiều có ngọn nồm thổi ngọt ta lại nhớ đến thằng cu đáo, bạn ta

khi những cơn nồm buổi ban chiều thổi ngọt

cuộc đỏ đen lại diễn ra trên con đường vào xóm

nhà thằng cu đáo, bạn ta, là ở chỗ đầu con đường vào xóm

nên cuộc đỏ đen là luôn diễn ra chỗ đầu con đường vào xóm

kẻ luôn chiến bại trong những cuộc đỏ đen là ta

nên ta luôn đi tìm thằng cu đáo, bạn ta, chỗ đầu con đường vào xóm

cái lỗ và đồng xu

tài năng có nghĩa là làm sao cho đồng xu luôn rơi vào cái lỗ

lòng căm hận đã theo ta suốt thời thơ ấu

bỡi tài năng là thuộc về thằng cu đáo, bạn ta

và vào những năm tháng có cuộc đỏ đen của hai kiểu bầy đàn

cuộc đỏ đen có súng đạn gươm đao

thằng cu đáo, bạn ta, đã chết ở chỗ đầu con đường vào xóm vào buổi chiều có gió nồm thổi ngọt

ta đã đổi được căm hận thành niềm thương tiếc

cả thời thơ ấu của ta và của thằng cu đáo, bạn ta, là một cuộc đỏ đen

mà hình như cả cuộc trần gian cát bụi này cũng là cuộc đỏ đen

cuộc đỏ đen trước có cái lỗ và đồng xu

nhưng cuộc đỏ đen sau là có cả cái lỗ, đồng xu, và cái chết của thằng cu đáo, bạn ta 

những câu kinh không vần

em nói trong giấc mơ đêm hôm ấy, em đã nhìn thấy người đàn bà cột ngựa ở gốc cây nơi đầu làng, và đi vào làng rao giảng những câu kinh không vần,

hay những giấc mơ cổ đại đã lây lan sang em, trong những giấc mơ cổ đại thì người đàn bà cột ngựa ở cuối làng, và đi vào làng đọc những câu kinh có vần, cột ngựa ở cuối làng chứ không phải đầu làng, và  vào làng đọc cho người làng nghe những câu kinh có vần chứ chẳng phải là rao giảng, quả là em đã mơ giấc mơ đương đại, ta nói,

nhưng sao lại là người đàn bà, chứ không phải là đàn ông, em nói,

ta nói điều ấy thì ta không biết, chỉ đồ chừng rằng, có thể là một vị nữ anh hùng nào đó của nòi giống chúng ta đã hiện ra trong giấc mơ em như một thứ ký ức nòi giống, không phải đọc, mà là rao giảng những câu kinh không vần, ta nói,

những con tàu cứ nhe hai hàm răng trắng muốt và nuốt lấy những cánh đồng nuốt lấy những ngôi nhà nuốt lấy những khoảng trống ở phía trước, ôi những con tàu lắc lư chạy qua những miền thời gian có tiếng la ó của lũ ốc sên ở trên rừng, chúng nó là những con tàu nhe hai hàm răng trắng muốt, là đang mưu toan cướp lấy những vỏ ốc sên vô cùng bền chắc để làm những trạm dừng chân, ôi những con tàu cứ nhe hai hàm răng trắng muốt,

trong khi em đọc những câu kinh không vần của người đàn bà đi ngựa mà em còn nhớ, thì ta lại cứ mường tượng ra một thứ học thuyết về sự ăn lang của những bọn ăn lang trong lịch sử con người, người đàn bà đi ngựa trong giấc mơ đương đại của em là cảnh báo về một thứ học thuyết của sự tàn bạo đương đại, ta nói,

nhưng vì đâu lại có cả những con tàu to lớn lẫn những con ốc sên nhỏ bé ở trên rừng, em nói,

ta nói điều ấy thì ta nghĩ chưa ra, chỉ thoáng nhìn thấy trong giấc mơ của em hình bóng của một loài bò sát đương đại, ta nói,

và thi ca khốn khổ của thời khốn khổ

ở làng Cù, những người bảo ta là kẻ hay lang thang ở thế giới người chết đang ra sức diễn tả chú bảy làm rừng bằng thi ca

đây là thời thi ca dành cho chú bảy làm rừng

bọn họ nói

vào những sớm tinh mơ, bầu trời sao còn nguyên trên đầu, con người của thời đại trí tuệ lại ra đi

những buớc chân của con người của thời đại trí tuệ là chẳng còn dẫm lên những lối mòn

đi là sẽ mang về vinh quang cho làng

là kẻ hay lang thang nơi thế giới những người chết

nhưng ta cũng hiểu được là bọn họ đang ca ngợi chú bảy làm rừng

ở làng Cù ta có nhiều người đi làm rừng

nhưng bọn họ đã trích ra mỗi chú bảy làm rừng để đưa vào thi ca

ôi cái bắp cày
ôi cái trạnh cày
ôi cái ách cày

hết thảy là đều lấp lánh trí tuệ của thời đại

ở làng Cù

có năm người ca ngợi chú bảy làm rừng bằng thi ca

thì phải đến mười người hai mươi người ngợi ca, cũng bằng thi ca, về những người ngợi ca chú bảy làm rừng bằng thi ca

đây là thời thi ca của những người đang sống

những kẻ bảo ta là kẻ hay lang thang ở thế giới người chết

nói

và bọn họ cứ tiếp tục ngợi ca nhau

thi ca của bạn là những hào quang ánh lên từ nơi hố thẳm

bạn là vừa mới bước chân ra từ miền hư vô điên đảo…

là bọn họ ca ngợi nhau

thì ta biết là bọn họ đang ca ngợi nhau

ta

kẻ hay quen nhìn thế giới những người chết

nên khi nhìn thi ca của những người bảo ta là kẻ hay lang thang ở thế giới người chết

ta cứ thấy như ở đó là đang xảy ra sự tê liệt trí não

ta lại muốn hôn lên đôi môi phiền muộn của em

ở ngôi làng, cứ sáng ra lại nghe thấy tiếng lũ heo kêu đói, lũ gà kêu lạc mẹ, lũ bò nhớ gò cỏ hoang ù be khắp xóm, lũ súc vật dường sáng ra là chỉ nghĩ đến chuyện ăn, đấy là chưa nói người mẹ ra đồng tự lúc sao còn sáng trên đầu để lại nhà đám trẻ sơ sinh khát sữa khóc thét lên, như thể làng xóm là đang có đám ma,

ở ngôi làng, trưa đến, cứ có ngọn gió thổi lại là đám tre già nơi các bờ rào lại tựa vào nhau, xương cốt của chúng cứ như sắp bung ra, cứ trưa đến là nghe xương cốt của đám tre già cựa quậy,

ở ngôi làng, cứ đêm đến thì nghe như hết thảy đều biến khỏi mặt đất, kỳ diệu thay, con người cùng với đám trâu bò sau một ngày cặm cụi trên đồng ruộng, lũ gà heo sau một ngày đòi hỏi những người nuôi nấng mình phải cho ăn đầy đủ, giờ thì hết thảy như đã biến khỏi mặt đất, con người và lũ súc vật sau một ngày tham gia vào cuộc trần thế, giờ thì chẳng thèm nói năng nửa tiếng, hết thảy là đang lặng đi, cái cách lặng im tựa như đang giữ trong lòng niềm căm giận nào đó đối với cuộc trần thế,

ta nói, ở một nơi như thế thì làm sao không phiền muộn

em nói, ở ngôi làng, vào những ngày có mưa bão, lũ chim cu đồng, loài chim dường sinh ra là để gù tình nơi các bờ tre làng nên đâu thể bay xa, mỗi khi có mưa bão là lũ chúng chỉ còn biết vùi mình theo cuộc phong ba, làm như thể phải có hiểm nguy chúng mới có cơ hội để gìn giữ bản lai diện mục loài giống của mình,

em nói, ở ngôi làng, đêm đến, cái loài giống chỉ nghe có tiếng nói, và chưa ai trông thấy mặt bao giờ, cứ kêu ra rả khắp các bờ rào, lũ chim kéo chỉ, là người ta cũng tặng cho lũ sinh vật khôn ngoan ấy cái tên mang âm hưởng của cuộc cơm áo của con người, lũ chim kéo chỉ,

em nói, ở ngôi làng, vào những đêm không trăng sao, khi mọi người đều yên nghỉ, thì bầu trời đêm trên đầu như cứ nới rộng ra, nới rộng ra, ngôi làng nhỏ bé như đang lọt thỏm vào chốn vô tận, em nói mỗi lần em sang ta, đứng trên con đường vào làng, thấy đèn nhà ai ngủ muộn, leo lét sáng, em cứ cảm thấy nơi em sinh ra chỉ còn là thứ ánh sáng leo lét sắp tắt,

em nói, đất chôn nhau cắt rốn của mình lại làm cho mình cảm thấy thế, thì làm sao không phiền muộn,

nghe em nói ta lại muốn hôn lên đôi môi  phiền muộn của em,