Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Nghiên cứu Ông Cụ (tiếp)

(s12: Thành công lớn, thất bại không nhỏ)

Nguyễn Xuân Hưng

1. Khi xem xét các sự kiện năm 1941 liên quan đến Ông cụ, vừa dễ lại vừa khó. Tư liệu cực nhiều, tuyên truyền khoa giáo cực nhiều. Nhưng đó cũng là một cái khó, những cái gì mọi người cùng biết về Ông Cụ như một lãnh tụ thông thái, sẽ là làn sương mờ ảo che mắt những người muốn dựng một chân dung văn học, nghĩa là tìm hiểu con người nhân vật trong một thời điểm quan trọng nhất. Năm 1941, Tết âm lịch thì Ông Cụ cùng mấy đồ đệ đi bộ từ Tĩnh Tây về Pác Bó. Thành phần Ông Cụ chọn, cho thấy một người có kinh nghiệm thực tiễn: Phùng Chí Kiên là cánh tay phải của Ông Cụ về các vấn đề lớn và biết bắn nhau, Lê Quảng Ba là người địa phương, cầm đầu nhóm thanh niên hăng hái bỏ Trương Bội Công theo Ông cụ, cũng máu bắn súng. Thực tế nhóm đó có 2 thủ lĩnh: Quảng Ba và Hoàng Sâm. Sâm là người Nghệ, tiểu đồng của ông Cụ thời ở Xiêm, nhưng khi về nước, Ông Cụ chọn Ba vì Ba là thổ dân. Trong đoàn còn có ông Đặng Văn Cáp, một người ít hơn Ông Cụ mấy tuổi, biết làm thuốc, có chữ nghĩa một chút, nếu ai đau ốm Cụ Cáp hái lá nhì nhằng chữa được. Ngoài ra có 2 người khác là Lộc và An là hậu cần, Osin gánh gồng. Thực tế lúc đó, nhóm đi về của Ông Cụ đơn giản là về nước bí mật, tá túc ít ngày, rồi bàn soạn mọi việc sau, chứ không đao to búa lớn như hậu thế thêu dệt. Chuyện hôn nắm đất cũng là hình tượng văn học, chứ thực tế Ông Cụ đâu có mất vệ sinh thế.

2. Hội nghị Trung ương 8 họp ở Khuổi Nậm là một thắng lợi rất lớn của Ông cụ. Lần đầu tiên, Ông Cụ đưa tư tưởng của mình thành chiến lược của một tập thể lãnh đạo cách mạng. Tư duy Luận cương năm 1930 coi như tạm cất vào một xó. Nhóm theo Trần Phú chả phải phê bình cảnh cáo, ai cũng biết họ thất bại và hi sinh hết rồi. Nay là lúc tập trung giải phóng dân tộc, đoàn kết toàn dân để hướng đến mục tiêu đó. Theo dõi diễn biến tư tưởng Ông Cụ từ năm 1919 đến 1941, thấy rõ sự nhất quán. (Sau này, cứ khi nào Ông Cụ điều chỉnh để thỏa hiệp là thất bại)

Tại Hội nghị, còn có người chất vấn Ông cụ: Thế thì những nguyên tắc Cộng sản, việc chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp bỏ đi, là phản bội chủ nghĩa cộng sản à? Ngay từ hồi đó, việc chuyển biến tư duy đã thấy cực khó, nên mới thấy hết sự thắng lợi của Hội nghị trung ương 8. Tại hội nghị này, dĩ nhiên các đệ tử đều muốn Ông Cụ đứng đầu Đảng, nhưng Ông Cụ khéo từ chối, và chỉ làm Chủ tịch mặt trận thôi. Cho đến năm 1945, khi giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương công khai, tôi ngờ rằng, Ông Cụ muốn làm đồ đệ Tôn Trung Sơn, chứ không muốn là đệ của Sit, Mao. Chết nỗi số phận dân tộc này còn nhiều bi phẫn. Ngày nay, khối người không hình dung được cái gọi là Hội nghị Trung ương, mà sách báo quảng bá rõ hoành tráng, nó diễn ra như thế nào. Chín ông ngồi quanh một cái chõng tre, trong một cái lều bé tí xíu ở gần rừng hoang suối vắng. Thế thôi. Sau này, cờ quạt um sùm, kèn trống inh ỏi, chưa ra được cái gì có tầm chiến lược bước ngoặt như Ông Cụ bảo 8 ông còn lại ở túp lều tạm.

Tại Hội nghị, ông Phùng Chí Kiên được chỉ định là người phụ trách quân sự. Sau đó đi nắm đội du kích Bắc Sơn. Như lịch sử công khai, ông Kiên sau đó gặp thất bại lớn. Du kích Bắc Sơn tan rã, ông Kiên hy sinh. Nói công bằng thì Bắc Sơn cũng ấp nở ra một số chỉ huy quân đội sau này. Nhưng Bắc SƠn –Cứu quốc quân vẫn là một thất bại. Đó cũng là thất bại của Ông cụ. Xem xét sự kiện khách quan, thì thấy Ông Cụ cùng các đệ muốn áp dụng kinh nghiệm TQ vào ta. Đó là quân đội công nông của họ hình thành từ một cuộc khởi nghĩa, rồi xây dựng dần lên, là tích Bát Nhất. Ông Kiên vào sinh ra tử ở khởi nghĩa Quảng Châu, chỉ huy đại đội của Hồng quân Tàu, rất thích hợp với vai trò người cầm chịch quân đội. Nhưng ông ấy thất bại. Nước ta không thể như nước Tàu. Đó là một cú chắc hẳn là cũng sốc với Ông Cụ chứ. Hồi ký các ông cốp đều nói, nghe tin ông Kiên hy sinh, Ông Cụ lặng đi hồi lâu.

3. Lại nói đến ông Kiên, tôi định lướt qua chuyện con rơi của ông ấy, vì báo mạng và báo chính thống đã nói, nhưng nhiều người hỏi quá, nên nói đôi chút. Ông Kiên hy sinh, thì sau này vai trò của ông ấy mới vào ông Giáp. Thế mà vào khoảng sau năm 2000, gia đình chật vật mới xin được cái công nhận liệt sĩ. Khi ông Giáp đã già lắm, gần đất xa trời, mới gọi con cháu đến bảo quyết tìm đứa con trai thất lạc của ông Kiên.Cũng viện đến ngoại cảm, rồi chỉ thẳng vào ông Trường Thanh ở Lạng Sơn. Đó là nhà văn Trường Thanh. Tôi quen biết ông Trường Thanh nhiều năm trước. Ông Thanh say sưa viết về mảng các cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, về Hoàng Văn Thụ, Phùng chí Kiên. Có một lý do chính đáng, vợ ông Thanh là con ông Hoàng Văn Hán, chỉ huy du kích Bắc Sơn (đã hy sinh hồi đó), có họ với Hoàng Văn Thụ. Khi tôi tìm hiểu về thời kỳ 41-45, ông Thanh tâm sự: Thấy tớ bỏ công khảo cứu các cụ, nhiều người không thích, bảo cái đảng này hỏng rồi, ông lại là người đi tù thời cộng sản, đào làm gì. Tớ bảo: Ngày xưa ông Lê Lợi lập quốc, rồi con cháu rập khuôn lề lối Tàu, đưa Nho giáo vào làm chủ đạo, đời sau đẻ ra rặt một phường Uy Mục, Tương Dực,thì thôi không tôn kính Cụ Lê Lợi nữa à? Những vị tiền bối hồi đó là anh hùng, họ thực sự hy sinh vì dân vì nước, tôi là con cháu họ, nên tôi phải viết… Khi nghe tin người ta tìm ra ông ấy là con Phùng Chí Kiên, cũng có nhiều điều tiếng, có người bảo ông Thanh nhận để cho oai. Tôi biết ông Thanh,và tôi tin câu chuyện là thật. Bao nhiêu năm, từ hồi còn sống, ông Trường Chinh là người quan tâm đến gia đình ông Thanh nhất, rồi ông Giáp cũng qua lại thân tình. Tức là họ biết, mà vì gì đó không nói thẳng ra… Nói có linh hồn ông Thanh chứng giám, ông Thanh nói với tôi, biết vì sao ông Giáp phải mượn đến ngoại cảm để chỉ ra ông. Ông Thanh cũng bảo, theo tư liệu của ông, cái ông bóng mượt đồn đại là con Ông Cụ là sai toét, mà là con một ông có tên đàng hoàng trong hồi ký ông Giáp, hy sinh thời đen tối của du kích Cao Bắc Lạng. Ông Trường Thanh gây cảm hứng cho tôi đào bới thời kỳ 1941-1945, những tiền bối hồi đó đúng là các anh hùng hảo hán, họ đã vì lý tưởng độc lập dân tộc mà không quản hy sinh xương máu. Sau này thằng nào làm láo đứa ấy chịu, sao lại bảo họ chịu trách nhiệm mấy đời sau?

4. Sau này, ông Hoàng Văn Thụ chết, lại một đòn nữa đánh vào “công tác cán bộ” của Ông Cụ. Rõ ràng, 2 người đồ đệ đầy hy vọng của Ông Cụ đều không thành. Ông Thụ là tướng rừng xanh, về thành phố, thì thành con hổ rời rừng xanh. Nhiều người cứ thổi lên Ông Cụ biết Nho nhe, biết tướng số, biết xem người. Có thể cũng biết, nhưng trường hợp ông Thụ và ông Kiên là một thất bại, nếu biết số phận con người như thánh thì chả thế. Đặc biệt là trường hợp ông Kiên hy sinh, chính sách mô phỏng chiến đấu của Tàu bị vỡ tan tành. Từ đây, Ông Cụ phải tìm cách khác, mà từ đó bật ra ông Giáp. Đó là chính trị giành dân đi trước một bước, chứ không du kích chiến. Vấn đề này đến nay, còn khối bạn nói về vai trò ông Giáp, ông Tấn, rồi này nọ khác kia. Nếu xem xét nghiêm túc khách quan giai đoạn này, không có thắc mắc như vậy.

5. Hội nghị trung ương 8 có 9 ông dự. Bây giờ cái tranh ở bảo tàng Pác Bó vẽ có 8 ông. Đó là một bí ẩn, mà gần đây mới được bạch hóa. Phía bắc có Ông Cụ và 5 ông: Thụ, Kiên, Khu, Vũ Anh, Việt. Phía Nam cử ra 3 ông: Bùi San, Trần Quốc Thảo (tên sau này là thế) và Nguyễn Thành Diên. Khi 3 ông trở về Nam, thì đi đến gần Hà Nội đã bị tóm. Sau đó Nguyễn Thành Diên khai tuốt tuột. Như vậy, nghị quyết trung ương chua triển khai, mật thám Pháp đã biết rõ hết. Việc Pháp tập trung quân đánh Bắc Sơn chắc chắn cũng có lý do chính yếu của nó, còn Pác Bó vì sao Pháp không làm gì đươc? Một là, các Cụ nhanh chóng bỏ Pác Bó, phân tán đến vùng núi Lam Sơn của mấy huyện lân cận Hà Quảng. Hai là, rừng núi âm u, sức đâu mà càn. Nhưng cái chính là các ông ấy theo lý thuyết của Ông Cụ mà thực hành, đó là lấy lòng dân. Cứ được dân thì được cả. Lòng dân thiên la địa võng, núp đâu chả được. Dân miền núi chân chất, được lòng cũng không khó, còn dân miền xuôi hơi khó hơn, đến mức phải đồng ý cử chú Thụ đầu lĩnh đi, thì biết Ông Cụ tin cẩn ai. Đó cũng là một điều dở của Ông Cụ, khi nghiên cứu việc bài binh bố trận thời kỳ trứng nước. Tôi tự hỏi, tại sao người ta phải xóa cái lịch sử 9 người, sao không để đủ như thế, bảo với hậu thế đàng hoàng là ông Diên đầu hàng. Từ đó, việc xem xét tình hình thời đó có dữ kiện quan trọng nhất là mọi thứ bị lộ, thì lại giấu biến đi. Sợ bảo đảng ta kém ư? Thật là một kiểu tư duy dở. Tôi tự trả lời: Bởi vì bảo tàng và tuyên truyền người ta làm trên cơ sở “Đảng ta”, “Bác của chúng ta”, chứ không dạy lịch sử, không làm lịch sử. Đảng ta thì không có sai, Bác của chúng ta thì vĩ đại. Bao giờ được là Đảng của Đảng, Bác của Bác thì có khi lịch sử mới thiêng được.

FB Nguyễn Xuân Hưng