Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Một năm sau vụ Formosa: thay vì tạo điều kiện cho dân kiện Formosa, nhà nước VN lại truy tố những người đòi kiện Formosa!

Một năm trước, Văn Việt đã công bố bản “Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam” do nhiều nhà văn và trí thức khởi xướng, được hàng ngàn người trong-ngoài nước ký tên hưởng ứng (http://vanviet.info/van-de-hom-nay/tuyn-bo-ve-toi-c-dau-doc-bien-mien-trung-viet-nam/). Trong bản Tuyên bố, có yêu cầu Nhà nước Việt Nam nhanh chóng điều tra tìm thủ phạm để đưa ra trước pháp luật. Sau một thời gian dài chần chừ, né tránh, Nhà nước VN đã phải thừa nhận Formosa là thủ phạm, nhưng lại nhanh chóng chấp nhận khoản tiền đền bù rẻ mạt (500 triệu USD) và dễ dàng tạo điều kiện cho Formosa hoạt động trở lại; ngược lại, tìm mọi lý do để trấn áp người dân thực hiện quyền khởi kiện Formosa, thậm chí hình sự hoá việc làm chính đáng của họ bằng những vụ “khởi tố”, “truy nã” hết sức mất lòng dân.

Trong khi đó, tận ở Washington nước Mỹ, lại diễn ra một hội thảo quốc tế về khả năng kiện Formosa ra toà án quốc tế.

Văn Việt xin chuyển tiếp đến bạn đọc mấy thông tin liên quan trong dịp kỷ niệm 1 năm Bản Tuyên bố nói trên.

Văn Việt

Phản ứng sau việc khởi tố và truy nã ông Bạch Hồng Quyền

Bằng nhiều việc đối phó vội vã, ngu ngốc thậm chí lừa dối dân trong xử lý thảm họa Formosa, chính quyền Việt Nam vô hình trung đã tự mình xác nhận một sự thật: người dân ngày càng coi thường tính chính đáng của bộ máy thống trị từ lâu vẫn mang danh cách mạng. Dân chúng ở Lộc Hà đã ngang nhiên đứng về phía người bất đồng chính kiến, công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với những người ấy.

Bà Tuyết, chủ cơ sở đông lạnh Anh Tuyết:

Ở đây giờ không chỉ riêng bản thân tôi mà hàng trăm, hàng nghìn sẽ xuống đường đồng hành cũng anh Quyền“.

Anh ấy đã giúp đỡ cả Giáo dân và những người dân khác mà không tư lợi gì cả. Nếu như ở Việt Nam ai cũng như anh ấy thì mọi việc không có đổi trắng thay đen được“.

Những cái đen tối của Formosa thì họ che giấu, còn những người tốt, giúp dân thì họ cho là có tội. Không thể để chính quyền muốn làm gì thì làm với người vô tội được“.

Ông Nguyễn Hải Hà, chủ cơ sở đông lạnh Hồng Hà:

Bắt người không có tội. Họ làm việc tốt, giúp người, mà bây giờ truy nã thì luật pháp Việt Nam không ra gì nữa!

Nếu nhà cầm quyền cứ bắt giữ người vô tội, việc [biểu tình] chắc chắn sẽ xảy ra“.

Đó là điều trước đây chưa hề thấy. Nguy cơ lớn cho thể chế đang hiện ra ngày một rõ.

Bauxite Việt Nam

Một số người dân huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh nói “sẽ biểu tình đồng hành” cho nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền sau khi nghe tin ông bị công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố.

Hôm 12/5, công an tỉnh Hà Tĩnh chính thức ra lệnh truy nã ông Bạch Hồng Quyền, thành viên nhóm Con đường Việt Nam, về tội “Gây rối trật tự công cộng” tại UBND huyện Lộc Hà vào ngày 3/4/2017.

Hôm 3/4, ông Bạch Hồng Quyền cùng nhiều người dân hai xã Thạch Bằng, Thạch Kim, đến UBND Lộc Hà yêu cầu chính quyền đối chất về vấn đề bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra và vụ nổ súng uy hiếp người dân tối 2/4.

Dân bức xúc?

Trước thông tin ông Bạch Hồng Quyền bị khởi tố và truy nã, một số người dân tại huyện Lộc Hà tỏ ra bức xúc.

Bà Tuyết, chủ cơ sở đông lạnh Anh Tuyết, nói với BBC: “Ở đây giờ không chỉ riêng bản thân tôi mà hàng trăm, hàng nghìn sẽ xuống đường đồng hành cũng anh Quyền”.

“Anh ấy đã giúp đỡ cả Giáo dân và những người dân khác mà không tư lợi gì cả. Nếu như ở Việt Nam ai cũng như anh ấy thì mọi việc không có đổi trắng thay đen được”.

“Những cái đen tối của Formosa thì họ che giấu, còn những người tốt, giúp dân thì họ cho là có tội. Không thể để chính quyền muốn làm gì thì làm với người vô tội được”.

Bà Tuyết cho biết sẽ có một buổi tuần hành nhưng không cho biết rõ chi tiết.

Ông Nguyễn Hải Hà, chủ cơ sở đông lạnh Hồng Hà nói: “Bạch Hồng Quyền có làm gì đâu mà bắt!”

“Bà con nghe tin vậy thì bức xúc lắm. Bắt người không có tội. Họ làm việc tốt, giúp người, mà bây giờ truy nã thì luật pháp Việt Nam không ra gì nữa!”

Ông Hà còn nói “nếu nhà cầm quyền cứ bắt giữ người vô tội, việc [biểu tình] chắc chắn sẽ xảy ra”.

Trả tiền bồi thường ‘cá nhiễm độc’ ở Lộc Hà

Trao đổi với BBC hôm 12/5, chị Bùi Hương Giang vợ ông Bạch Hồng Quyền cho biết, hôm 11/5, công an đã đến cả gia đình bên nội và bên ngoại đề yêu cầu “ký biên bản bắt giữ anh Quyền” nhưng gia đình đã không hợp tác.

“Họ nói khích, gài bẫy tôi, nói tôi là vợ thì phải khuyên chồng ra đầu thú”, chị Giang nói.

“Tôi nói chồng tôi không có tội, không việc gì phải ra đầu thú cả”,

Chị Giang cho biết chị luôn ủng hộ chồng.

“Từ trước khi yêu Quyền rồi lấy Quyền, tôi đã xác định ủng hộ Quyền trên con đường đấu tranh này. Tôi biết sẽ có những khó khăn như đánh đập, tù đày nhưng không [nghĩ] nó sẽ xảy ra sớm như vậy”.

“Chỉ mong mọi người quan tâm, lên tiếng bảo vệ cho Quyền. Hãy giúp Quyền, ủng hộ cho Quyền, cũng như nhân quyền ở Việt Nam”.

Một Luật sư, ông Trần Thu Nam, nói rằng “bất cứ tội gì khi khởi tố mà bị can không có mặt, cơ quan thẩm quyền có quyền truy nã”.

“Tuy nhiên, việc công an bắt gia đình anh Quyền ký biên bản bắt giữ là không đúng luật. Vì chỉ ký biên bản đó sau khi đã bị bắt. Gia đình không liên quan gì đến việc bắt giữ”.

Báo Hà Tĩnh đưa tin công an Hà Tĩnh khởi tố vụ án hình sự ngày 12/4, khởi tố bị can và bắt giữ ngày 18/4 và ra quyết định truy nã ngày 12/5.

Tờ báo viết: “Những cá nhân, tổ chức nào che giấu, giúp đỡ người bị truy nã bỏ trốn hoặc biết mà không tố giác thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39893182

(dẫn theo Bauxite Vietnam)

Xem thêm:

“Việc bắt bớ không làm tôi sợ hãi”: Bạch Hồng Quyền

Hòa Ái, RFA

Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định truy nã toàn quốc đối với nhà hoạt động vì xã hội và môi trường Bạch Hồng Quyền vào hôm 12/05/2017, với cáo buộc “kích động biểu tình”.

Báo giới trong nước đưa tin về quyết định truy nã vừa nêu trong cùng ngày. Lệnh truy nã do Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Công an tỉnh Hà Tĩnh, Thượng tá Trần Hải Trung ký.

Kích động biểu tình?

Trước khi ra quyết định truy nã toàn quốc mới đây đối với nhà hoạt động vì xã hội và môi trường Bạch Hồng Quyền, vào ngày 19/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với anh Bạch Hồng Quyền về tội “gây rối trật tự công cộng” và “bắt giữ người trái pháp luật”, theo Điều 245 và Điều 123 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Nếu bị kết tội theo hai điều luật này, anh Bạch Hồng Quyền có thể phải đối mặt với án từ 3 tháng đến 2 năm tù.

Theo cáo buộc của cơ quan chức năng Việt Nam, anh Bạch Hồng Quyền  đã cầm đầu, kích động khoảng 2.000 giáo dân ở xã Thạch Bằng và xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà biểu tình, vào ngày 3/4/2017, ở trụ sở của Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Mình thấy rất uất ức về vấn đề này. Hôm đó có đến 7-8 nghìn người mà chỉ có chồng của mình bị khởi tố thôi – Chị Linh, vợ nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền

Theo cơ quan chức năng Việt Nam thì người biểu tình lợi dụng khiếu kiện đền bù sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra hồi đầu tháng Tư năm ngoái để gây rối an ninh trật tự và một cán bộ công an đã bị đám đông bắt giữ.

Chị Linh [Giang?], vợ anh Bạch Hồng Quyền, cho Đài Á Châu Tự Do RFA biết Công an Hà Tĩnh đến gặp thân nhân của anh Quyền trong hai ngày 10 và 11 tháng 5 để hỏi thông tin anh Quyền đang ở đâu cũng như yêu cầu gia đình khuyên anh Quyền ra đầu thú.

Chị Linh trả lời hiện chồng không có ở nhà và chồng của chị không phạm tội gì mà phải ra đầu thú. Trong khi đó phía Công an Hà Tĩnh cho là chị Linh bất hợp tác.

Vợ của anh Bạch Hồng Quyền nói với RFA:

“Mình thấy rất uất ức về vấn đề này. Hôm đó có đến 7-8 nghìn người mà chỉ có chồng của mình bị khởi tố thôi. Họ đỗ tội cho chồng mình là kích động bà con đi biểu tình.

Mình cảm thấy Quyền chỉ là một người quá nhỏ bé trong số 7-8 nghìn người đó. Làm sao một người nhỏ bé như thế có thể đi đến từng người một để thuyết phục 7-8 nghìn người đi biểu tình như thế được?”

Chúng tôi liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh để hỏi về các quy định của luật pháp Việt Nam hiện hành trong việc cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố công dân và được ông cho biết:

“Các quy định của pháp luật hiện nay là khi khởi tố một người thì người ta sẽ rất cân nhắc, làm rất cẩn trọng. Tại vì khi khởi tố thì phải đưa ra xét xử.

Quyền chứng minh người đó là tội phạm là do Cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh. Người ta sợ bồi thường vì Luật Bồi thường rất khắt khe. Người bị khởi tố mà sai thì cơ quan và cá nhân đó bồi thường”.

Đài RFA cũng trao đổi với một số người dân, ở hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim. Những người này đã đi đến Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh biểu tình vào ngày 3/4/2017 vì đã không nhận được tiền bồi thường thỏa đáng trong sự cố môi trường biển và cho đến thời điểm hiện tại các nạn nhân cũng vẫn chưa nhận được đầy đủ.

Một người dân, không muốn nêu tên, lên tiếng xác nhận:

“Người dân bức xúc thì người ta đi đòi hỏi quyền lợi thôi. Trong đó có cả Lương cả Giáo chung, không phải riêng một cá nhân ai. Cũng chẳng ai kích động ai cả”.

Thực thi quyền công dân

Qua lệnh khởi tố của Công an tỉnh Hà Tĩnh đối với nhà hoạt động vì xã hội và môi trường Bạch Hồng Quyền, những nhà hoạt động trong nước lên tiếng rằng họ chỉ thực thi quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam.

Người dân bức xúc thì người ta đi đòi hỏi quyền lợi thôi. Chẳng ai kích động ai cả – Người dân Hà Tĩnh

Hiện cộng đồng cư dân mạng bày tỏ sự ủng hộ dành cho nhà hoạt động vì xã hội và môi trường Bạch Hồng Quyền với lời tuyên bố “Bạch Hồng Quyền vô tội”.

Công an Hà Tĩnh vào hôm mùng 6 tháng 4 cũng chính thức khởi tố anh Nguyễn Văn Hóa, một thanh niên tích cực lên tiếng và đưa tin lên mạng xã hội về thảm họa Formosa, với tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân”, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới, 3 tháng 5 năm 2017, khoảng hơn 20 tổ chức nhân quyền và an ninh mạng quốc tế đồng loạt ký tên vào một bản kiến nghị thúc giục chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho anh Hóa vì cho rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do thông tin và phát biểu ý kiến của người dân.

Riêng, anh Bạch Hồng Quyền, thành viên của Tổ chức xã hội dân sự “Con đường Việt Nam”, đã khẳng định với RFA ngay sau khi Công an Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố anh rằng việc bắt bớ không làm anh sợ hãi hoặc chùn bước trên con đường anh dấn thân vì xã hội được tốt đẹp hơn.

H.A.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bachhongquyen-not-afraid-of-persecution-05122017115743.html

Formosa - Thấy gì qua vụ Hà Tĩnh khởi tố biểu tình ở Lộc Hà?

Kiện Formosa trước tòa trọng tài quốc tế?

clip_image002

Người dân biểu tình ở Hà Nội sau khi công ty thép Formosa của Đài Loan xả thải làm cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Một hội nghị quốc tế vừa được tổ chức ở Washington để bàn thảo những khía cạnh pháp lý nhằm đưa vụ việc này ra công lý.

Làm thế nào đưa thảm họa môi trường biển liên quan tới công ty thép Formosa của Đài Loan, ra trước tòa án trọng tài quốc tế để mang lại công lý cho người dân 4 tỉnh miền Trung Việt Nam? Đó là nội dung được các diễn giả quốc tế mổ xẻ tại một hội nghị tổ chức tại trụ sở Thượng viện Hoa Kỳ hôm 10/5.

Hội nghị quốc tế đầu tiên để bàn thảo các khía cạnh pháp lý của thảm họa cá chết hàng loạt diễn ra hơn 1 năm sau khi hàng trăm tấn cá chết, trôi dạt trên biển miền Trung, tác động nặng nề tới các cộng đồng ngư dân địa phương. Múc đích của hội nghị là tìm phương thức tốt nhất để đưa một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất từng xảy ra ở Việt Nam, ra giải quyết trên bình diện quốc tế.

Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, một trong những diễn giả có mặt trong ban tổ chức, nói bà hy vọng hội nghị sẽ “trang bị kiến thức cho những người Việt ở nước ngoài và cả trong nước để đi những bước kế tiếp, để giúp những nạn nhân của Formosa cũng như giúp nền kinh tế và môi trường Việt Nam phục hồi lại sau thảm họa này, và để tránh, không để xảy ra tác hại đối với môi trường vì những vụ xả chất thải độc hại như vậy nữa.”

clip_image004

Hình ảnh nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh. Công ty này đã thừa nhận xả thải độc ra biển và đồng ý đền bù 500 triệu đô la cho nạn nhân của thảm họa môi trường biển này.

"Đây là một trong những bước đầu tiên để chính phủ Việt Nam có thể tham luận với các chuyên gia ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Họ cũng có thể mời chuyên gia, luật gia của quốc tế tới để tham khảo những trường hợp, những khía cạnh nào có thể tố tụng được về công ty Formosa. Những công ty đã xả thải độc tố sẽ là những người mang trách nhiệm nặng nề nhất và sau đó những phần tử đồng lõa cũng sẽ bị kết tội liên đới," theo bà Bình.

Giáo sư Malaika Bacon-Dusseault thuộc khoa luật, Đại học Moncton của Canada, trình bày khả năng khởi kiện vụ Formosa về khía cạnh liên quan tới tội ác chống nhân loại. Bà nói “vấn nạn xả chất thải độc hại ra môi trường vẫn tiếp diễn” và nếu chứng minh được là hoạt động này tác động trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của con người, thì đây có thể được coi như một “tội ác đối với nhân loại.”

Tuy nhiên, giáo sư Dusseault nói muốn khởi kiện thì cần thu thập bằng chứng rõ ràng và “thuyết phục chính phủ Việt Nam công nhận quyền tài phán của tòa.”

​"Tôi nghĩ là có khả năng để tiếp cận và hợp tác với Đài Loan một cách có ý nghĩa. Vì Formosa là công ty Đài Loan nên chính quyền Đài Loan có thể điều tra để đưa ra nhiều thông tin hơn, cho nên Đài Loan có lẽ là một lựa chọn tốt hơn để đi đến một giải pháp vững chắc cho những nạn nhân đang chịu đựng thảm họa."

Luke Wilson, giáo sư khoa luật trường Đại học George Washington

Việc thu thập bằng chứng là một thách thức đối với giới hoạt động vì môi trường ở Việt Nam bị đàn áp và giam cầm. Nhà báo công dân Nguyễn Văn Hóa là trường hợp gần đây nhất bị khởi tố về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” sau khi ghi nhận và đăng tải thông tin và hình ảnh về thảm họa môi trường Formosa.

Ông Stephen Rapp, quan chức đặc trách các vấn đề tội phạm chiến tranh của bộ Ngoại giao Mỹ, nói “bằng chứng phải là những tài liệu với các con số cụ thể chứ không đơn giản là những bức ảnh.”

Theo bà Malaika, Việt Nam không phải là một thành viên ký kết công ước tội phạm quốc tế (ICC hay Rome Statute), Hoa Kỳ cũng không ký kết Rome Statute cho nên cộng đồng người Việt ở Mỹ muốn khởi kiện cũng không thể làm được.

Giáo sư Luke Wilson thuộc khoa luật trường Đại học George Washington đề xuất một giải pháp gọi là “cơ chế bêu xấu” (shaming mechanism), một cách để nêu tên và bêu xấu trước cộng đồng quốc tế “những hành vi đáng xấu hổ” của một chính quyền nào đó, với mục đích đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Giáo sư Wilson nói xã hội dân sự có thể giúp trong việc này.

clip_image006

Người dân biểu tình tại Đài Loan yêu cầu chính phủ nước này điều tra tập toàn công nghiệp lớn nhất của họ, Formosa Plastics Group, vì những cáo buộc liên quan tới ô nhiễm môi trường. Giáo sư Luke Wilson của đại học George Washington nói hợp tác với chính phủ Đài Loan là phương thức tốt nhất để giải quyết vấn nạn này.

"Xã hội dân sự ở Việt Nam đương nhiên đóng 1 vai trò trong việc giao tiếp với chính quyền bằng tiếng nói của những công dân và cho họ “biết đây là điều mà chúng tôi muốn”. Tất nhiên là không dễ để có được tiếng nói nhưng có thể làm bằng cách gắn kết xã hội dân sự bên ngoài Việt Nam, từ khắp nơi trên thế giới để mở rộng thêm thông điệp đó. Do đó ở Việt Nam, điều mà họ cần làm là trở thành một công dân tốt hơn để có thể sử dụng hiệu quả một trong những cơ chế đó (shaming machanism) nhằm yêu cầu chính phủ phải hành động và mặt khác, cần tham gia vào những việc lớn hơn trên toàn cầu để thực hiện được mục tiêu."

Tuy nhiên, giáo sư Wilson khuyến cáo “đây là một trường hợp khó đưa ra tòa. Chúng ta cần có nhà nước hành động và chúng ta cần có ý chí của tất cả mọi người để mang vụ này ra công lý.”

Ông gợi ý về một giải pháp hợp tác quốc tế. ​"Tôi nghĩ là có khả năng để tiếp cận và hợp tác với Đài Loan một cách có ý nghĩa. Vì Formosa là công ty Đài Loan nên chính quyền Đài Loan có thể điều tra để đưa ra nhiều thông tin hơn, cho nên Đài Loan có lẽ là một lựa chọn tốt hơn để đi đến một giải pháp vững chắc cho những nạn nhân đang chịu đựng thảm họa."

Formosa đã đồng ý đền bù 500 triệu đô la cho nạn nhân thảm họa môi trường ở 4 tỉnh miền Trung nhưng theo một nhà hoạt động nhân quyền trong cuộc trao đổi với VOA, người dân không hài lòng với mức đền bù này và vẫn tiếp tục đòi chính phủ đóng cửa nhà máy Formosa- Hà Tĩnh.

Đại diện cho Vietnam For Progess, bác sĩ Nguyễn Thể Bình nói hội nghị này được tổ chức ở Hoa Kỳ để những người Mỹ gốc Việt có thể làm gì để thay đổi bằng cách đưa vấn đề này lên tới tầm ảnh hưởng của quốc tế. Bà hy vọng hội nghị ở Washington, có thể được xem như một cái nôi chính trị của thế giới, sẽ thúc đẩy những nỗ lực tương tự để tổ chức các hội nghị ở Canada, Úc hay châu Âu.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/a/kien-formosa-ra-toa-trong-tai-quoc-te/3848259.html