Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Ki-tô giáo và hành vi thế tục

Văn Việt xin đăng lại status này với lời bình của Lê Tuấn Huy:

Không ghi nhận những đóng góp lớn lao của Ki tô giáo trong lịch sử dân tộc, là sai lầm. Nhưng từ sự kiện Formosa mà cứ tách bạch Công giáo - không Công giáo ra, cũng là sai lầm. Người dân Nghê An hay bất cứ nơi nào khác biểu tình mạnh mẽ chống Formosa, có sự dẫn dắt của cha xứ, thì họ trước hết cũng là, vẫn là người Việt. Chớ có tự giăng bẫy cho mình khi cho rằng nhấn mạnh hay tách rời yếu tố Công giáo ra thì sẽ thúc đẩy toàn bộ người Công giáo đứng lên, kéo theo toàn bộ người VN đứng lên.

KI-TÔ GIÁO & HÀNH VI THẾ TỤC

Kiệt Anh Phùng

Trong lần gặp gỡ dịch giả Phạm Nguyên Trường tại tư gia của ông, với mục đích chính là thuyết phục ông cho xuất bản Công giáo Việt Nam - Từ đế chế đến quốc gia (Charles Keith), nhưng phải trong năm 2017; vì... tôi sợ trễ. Trễ so với sự phát triển hành vi thế tục của Ki-tô giáo.
.
Năm 2016, một sự kiện lớn nhất lịch sử cận đại của quốc gia đã xuất hiện: Cty Formosa xả thải huỷ diệt sinh thái 4 tỉnh miền Trung tính từ Hà Tĩnh, và hậu quả của nó vẫn còn âm ỉ trong nhiều chục năm tới nữa; sự kiện đó, lớn ở bốn mặt: Bình diện chính trị, nó là điểm lật giữa mâu thuẫn kẻ cai trị và người dân, nó khoét sâu mối quan hệ đó đến ngưỡng người dân khước từ quyền cai trị của cộng sản, hơn nữa, nó cũng là tiêu điểm mang tính then chốt giữa lợi ích nhóm đặc quyền và lợi ích quốc gia, nói cách khác, nó làm gia tăng mâu thuẫn nội tại của chính đảng cầm quyền; bình diện xã hội. từ sau nó, nhận thức người dân về sự sinh tồn quốc gia, tương lai đám cháu con lẫn nguy cơ mất hẳn sự độc lập đã nhen nhóm trong mọi tầng lớp, một hiện tượng mà trước đó không nhìn thấy rõ nét; bình diện kinh tế, nó đi kèm với hiện tượng sụp đổ ngân sách quốc gia, thuế khoá thất thu, doanh nghiệp phá sản và một viễn cảnh u ám cho bất kỳ kẻ nào đang hy vọng vào kinh tế quốc gia, đặc biệt là đám người đang kinh doanh bằng quan hệ chính trị; bình diện văn hoá, nó mở ra một cánh cửa hy vọng cho việc xây dựng văn hoá lẫn đạo đức thế tục trong một xã hội mà mọi giá trị tốt đẹp đã băng hoại đến mức không còn cứu vãn được nữa, cánh cửa đó chính là Ki-tô giáo.
.
Lịch sử Ki-tô giáo tại Việt Nam chỉ như một giấc ngủ của đêm Đoan Ngọ, giữa bối cảnh xã hội phức tạp thời hậu Lê, người Việt-Hoa đàng Trong vẫn tiếp tục mở cõi vào Nam trong lúc chúa Trịnh và chúa Nguyễn vẫn chưa nguôi hờn căm từ lịch sử, trong thời điểm thịnh trị của nền văn minh Nho giáo mà Lê Thánh Tôn đã "nhập cảng" nó từ giai đoạn Minh mạt của người Tầu, giữa lúc văn minh sáng chói nhất địa cầu đã chết theo vị hoàng đế Vĩnh Lạc, bảy chuyến hải trình của đô đốc Trịnh Hoà đã nhường ngọn gió cho người Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và cả khu vực Đông Hải Việt Nam nằm trong bàn tay của chín đời chúa Nguyễn; lịch sử đó vẫn tiếp tục khi Nguyễn Huệ cùng đám anh em của mình xây dựng một xã hội nên cái nền ký ức Trịnh-Nguyễn vẫn còn dày đặc trong tâm khảm người dân, Nguyễn Huệ chết theo cách mà chế độ đó được dựng nên, đột ngột; truyền thống tự do kinh tế, thương mại và xã hội suốt chín đời chúa Nguyễn thay bằng tư duy cai trị của người Tầu thông qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị; tệ nạn bế quan toạ cảng là bối cảnh chung cho toàn vùng Đông Á lúc bấy giờ, nhà Thanh tự khoá mình trong lục địa bằng sự cao ngạo của hoàng đế Càn Long, thật ra nhà Minh trước đó đã ban hành sắc lệnh hải cấm, và cùng lúc đó các vị tướng quân Nhật Bản ban lệnh toả quốc, cùng với Triều Tiên và Việt Nam, cả một dãi dài đường biển kéo từ khu vực Hắc Long Giang bên Tầu đến tận mũi Cà Mâu Việt Nam đều ngừng buôn bán với người Tây. Ki-tô giáo đã làm gì trong giai đoạn này?
.
Đó là câu hỏi gây phiền lòng người Việt vốn có hệ thống tín ngưỡng đa thần, cảm tình với Phật giáo trên phương diện chiều dài lịch sử; họ đã từ chối biết đến những đóng góp của Ki-tô giáo, hoạ hoằn một vài người trong đám trí sĩ Bắc Hà công nhận là chữ quốc ngữ.
.
Thật ra đóng góp của Ki-tô giáo đã hình thành bốn cuộc cách mạng quan trọng trong tư duy người Việt: Một, chữ quốc ngữ giúp gia tăng tri thức ở mọi tầng lớp và cũng giúp thoát ly văn hoá Hán tộc vẫn gieo vào đầu đám Nho sĩ thích làm nô tài cho kẻ cầm quyền; hai, tư duy khoa học tại Việt Nam thoát thai từ những trường dòng và nền giáo dục từ nhà thờ đã sản sinh hàng loạt trí thức bách khoa như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Bá Tòng, Ngô Đình Nhu v.v. và gián tiếp sản sinh ra thế hệ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn; ba, kỹ nghệ in ấn từ nhà thờ đã lan ra khỏi phạm vi của nó, Lương Văn Can đã phổ biến tri thức cho người Hà Nội và trước đó là tờ Gia Định báo của Trương Vĩnh Ký; và bốn, ít người nhận ra, đó là nền đạo đức thế tục thừa hưởng từ Ki-tô giáo.
.
Ki-tô giáo, ca ngợi quyền tư hữu và tự do kinh doanh, nó được phát triển trong cộng đồng Công giáo miền Nam trước khi thực chế hoá qua bàn tay Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu; Ki-tô giáo chống lại những hủ tục truyền thống, trong đó có cả nạn đa thê và sự thân phận phụ nữ trong xã hội phong kiến, ngày nay chắc ít ai nhận ra là cộng sản miền Bắc giải phóng vai trò phụ nữ và nạn đa thê thật ra xuất phát từ Ki-tô giáo trước khi được chấp nhận như là một chân lý trong xã hội Xô Viết; Ki-tô giáo bảo vệ tri thức nhiều hơn bất kỳ một chế độ cai trị nào trước đó, những tu viện mọc lên khắp Việt Nam bảo lưu nền tri thức non yếu của nước Việt trước nạn tàn phá của chiến tranh và sự ngu xuẩn của đám vua chúa cai trị.
.
Vai trò Ki-tô giáo ở Việt Nam liệu đã chấm dứt? Tôi tin là không, nhất là sau sự kiện Formosa, tôi biết năm 2017 sẽ là năm của Ki-tô giáo. Ki-tô giáo sẽ tiến hành một cuộc cách mạng tư tưởng cho người Việt lúc này: Chống chế độ toàn trị. Khi mà những nỗ lực xã hội dân sự phần lớn thất bại. Và chỉ có Ki-tô giáo lúc này mới đủ kiên cường và cả sự bền bỉ như cách thức truyền đạo, nhằm khôi phục lại nền đạo đức thế tục bị suy đồi bởi thể chế cai trị.
.
Thánh kinh ngân lên, "Hãy trả cho Ceasar những gì thuộc về Ceasar và, trả cho Chúa những gì thuộc về Người." (Matthew 22:21). Lời kinh bay ra giữa lúc nhà nước thế quyền với niềm tin vô thần đã xây dựng đảng phái của mình thành một tôn giáo, với vị giáo chủ được gán ghép cho mọi đức tính phi thường, nếu có thể, ban tuyên giáo còn gán cho Minh giáo chủ những phép lạ, nhưng họ không làm thế, họ dành phép lạ cho Lê Văn Tám.
.
Ki-tô giáo phát triển hơn Phật giáo vốn đang bình dân hoá lúc này trong nỗ lực cải tạo xã hội; quan điểm Ki-tô giáo về xã hội là: Nỗi đau khổ của con người là không thuộc về Ceasar mà thuộc về Chúa. Do đó, kẻ gây ra nỗi đau phải bị tiêu diệt, trong trường hợp này chính là thể chế cai trị. Khi thế quyền đã đứng ngoài vai trò của họ thì thần quyền sẽ chiếm vào vị trí đó.
.
Tôi tin chắc rằng, năm 2017, hành vi thế tục sẽ thay đổi từ nhà thờ Công giáo Việt Nam. Đó là lý do chính trong nỗ lực xuất bản những quyển sách cho đại chúng, những người vô đạo và ngoài khu vực ảnh hưởng tâm linh của Ki-tô giáo, tôi đưa những quyển sách này đến cho các bạn không phải vì Ki-tô giáo, mà vì đó là giá trị căn bản cần có trong xã hội Việt Nam lúc này.
.
Xin cầu nguyện cho mọi kẻ chăn chiên lúc này đang bị quỷ dữ hành hạ và xin Chúa hãy đỡ đần tâm hồn họ.
(Thay cho lời giới thiệu Công giáo Việt Nam: Từ đế chế đến quốc gia).

FB Kiệt Anh Phùng