Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Về ý kiến đòi khôi phục khẩu hiệu "tiên học lễ" của bạn đọc Nguyễn Văn Nghệ ở Khánh Hòa

Lại Nguyên Ân

Cuối ngày cá tháng Tư (01.4.2017) đọc trang tin Anh Ba Sàm (31/3/2017) thấy có bài ký tên Nguyễn Văn Nghệ ở địa chỉ Diên Khánh, Khánh Hòa. 

Ông so sánh trường học miền Bắc Việt Nam và miền Nam Việt Nam trước 1975, một nơi có dùng khẩu hiệu "tiên học lễ hậu học văn", một nơi (miền Bắc) không dùng, rồi dẫn giải dài về sự suy thoái đạo đức xã hội gần đây và cho rằng: nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức xã hội ấy là do xã hội Việt Nam hiện tại đã bỏ không dùng khẩu hiệu "tiên học lễ" nữa.

Vì tác giả Nguyễn Văn Nghệ có trích dẫn ý kiến tôi (từng đăng trên vietnamnet hồi 2012) về chuyện này, nên tôi cần nói vắn tắt ý kiến tôi.

Đây là đoạn ý kiến ông Nguyễn Văn Nghệ:

“Đạo đức xã hội hiện nay được Giáo sư, Tiến sư Nguyễn Thế Hùng kết luận là “dột từ nóc dột xuống”, ấy vậy mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại đề xuất: “Khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” – vốn có xuất xứ từ Khổng tử – càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại, để từ nay chỉ được nên ghi nhận như một trong những thứ ta đã vay mượn, thời quá khứ xa xưa”. Có lẽ nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chưa bao giờ nghe những cụm từ như: “giao thoa văn hóa”; “tiếp thu văn hóa”; “tiếp biến văn hóa” … hay sao mà lại có đề xuất ấu trĩ như vậy?"

(Nguyễn Văn Nghệ: Bỏ "tiên học lễ" thì đạo đức xã hội sẽ ra sao? // Anh Ba Sàm, 31/3/2017)

1/ Theo tôi, đạo đức xã hội đang thoái hóa hiện nay có nguồn từ việc xã hội Việt Nam đang trong thời đại phát triển kinh tế tư bản – một kinh tế tư bản nhà nước, tư bản thân hữu, trong đó các động lực phát triển không được kiềm chế và kiểm soát bởi luật pháp công bằng, chính trực, mà lại được phát triển bởi quyền lực độc tài, bởi các quan hệ thân hữu giữa kẻ kinh doanh với kẻ có quyền thế. Chính động cơ chạy theo tiền tài không hề được kiểm soát đã khiến các giá trị đạo đức xã hội bị suy thoái ngày một trầm trọng.

2/ "Tiên học lễ" là phương châm có nguồn từ Nho giáo. Nho giáo đã kìm hãm xã hội các nước Đông Á từ các thế kỷ 19, 20, điều ấy đã được đương thời các nhà hoạt động duy tân chỉ rõ. Xin mời đọc lại; còn nếu quý vị thấy các chí sĩ duy tân sai lầm về nhận định ấy, xin tranh luận lại với họ.

Khẩu hiệu "tiên học lễ" chỉ là một trong các nguyên tắc của Nho giáo, không phải là toàn bộ tư tưởng Nho giáo. 

Với thời gian, các khẩu hiệu như thế, dù có nhiều mặt tích cực, không khỏi có những giới hạn. giới hạn lớn nhất: nó là của quá khứ, thích hợp với quá khứ, khó thích ứng với hiện tại. 

3/ Nếu nhìn rộng sang giáo dục các nước Mỹ, Nhật, Canada, Singapore, Hàn Quốc, v.v. quý vị sẽ thấy ở đó không nêu hàng đầu "tiên học lễ" nhưng học trò vẫn vừa khôn vừa ngoan hơn học trò xứ ta, con người ở đó văn minh tử tế hơn con người xứ ta. 

4/ Vậy, xin đừng nghĩ rằng đạo đức xã hội Việt Nam dang thoái hóa CHỈ VÌ ở Việt Nam đã bỏ khẩu hiệu "tiên học lễ"! 

Ví thử ở Việt Nam bây giờ các giới chức nêu cao lên khẩu hiệu "tiên học lễ" đến mức người ta "quán triệt" nó cả trong giới quan chức đảng viên CS nữa (?!) thì diện mạo sự thực hành sẽ là gì? Không khó đoán đó là sự khúm núm gấp nhiều lần hiện nay của kẻ làm dân trước kẻ làm quan, kẻ ít tiền trước kẻ nhiều tiền. 

Quý vị có thấy rất nhiều hoa tại những nghi lễ, những giao tiếp quan phương hay không? Hoa trên cao, hoa lưng chừng, hoa ở tầm thấp, v.v. Rồi các thứ biển đề tên quan chức, đề trên bàn trước chỗ họ ngồi, đề cả trên các cây to cây nhỏ họ trồng chỗ này chỗ kia – chính là hóa thân của Lễ đấy ạ! 

Tóm lại, nếu bắt xã hội này đề cao "tiên học lễ" thì nó sẽ hợp thức hóa những bất bình đẳng, bất công, những sùng bái đang thịnh hành trong cuộc sống đầy bất công và ngang trái bây giờ, chứ nó không giúp xã hội tử tế thêm một ly nào cả đâu, thưa bạn đọc ở Diên Khánh, Khánh Hòa.

Nguồn: FB Lại Nguyên Ân