Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Nghĩ về một nhà máy không có khói

Lê Công Tư

Chiều hôm qua ngồi đọc lại câu chuyện viết về Họa sĩ Bửu Chỉ của Nguyễn Tuyết Lộc trên Văn Việt. Trong đó có một đoạn viết về cái thời gian Bửu Chỉ còn làm việc với Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên năm 1976. Số tạp chí văn nghệ Bình Trị Thiên đầu tiên ra mắt, Bửu Chỉ phụ trách phần trình bày, với bìa là bức tranh nhà máy không có khói. Tờ báo bị lãnh đạo dập tả tơi.

“[T]hiệt tình mà nói, khi rời nhà tù, khấp khởi trở về quê nhà mong cùng anh em cũ mới làm được chuyện gì ý nghĩa, ai ngờ cũng từ cảnh tù nhỏ ra cảnh tù lớn hơn thôi, Tuyết Lộc ơi. Số tạp chí Văn Nghệ Bình Trị Thiên đầu tiên ra mắt năm 1976, Chỉ vẽ cái nhà máy không có khói, liền bị bọn hươu nai đó đem ra mổ xẻ một cách thô bạo, cho rằng Chỉ ám chỉ nhà máy xã hội chủ nghĩa không hoạt động nên mới không có khói. Cũng vì cái khói này mà chúng moi móc, chì chiết kể tội Chỉ, làm như hù dọa được thằng Bửu Chỉ ni. Nhưng chúng nó nhầm…

[…]

– Toàn một lũ ngu! Nghệ thuật sáng tạo phải tự do chứ, sáng tạo là phải có sự trung thực và dũng cảm ở người nghệ sĩ. Có một trăm cách sáng tạo, một ngàn lối tượng trưng, biểu tượng. Ai đời có thằng ví nhà máy Chỉ vẽ với lô cốt của thực dân Pháp. Thằng khác bảo xe lửa đi trên mấy khúc đường ray gãy khúc kiểu ni thì có mà tai nạn, lật tàu! Toàn một đám thần kinh có vấn đề…” (Nguyễn Tuyết Lộc, Bửu Chỉ – hoàng tử bé cô đơn của tôi).

Hầu hết những ai sống trong miền Nam trước 1975 đều biết Bửu Chỉ – sinh ra, lớn lên ở Huế, bắt đầu thành danh từ những bức tranh phụ bản trong những tập ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, bị bắt đi tù vì những hoạt động yêu nước trong những phong trào phản chiến dạo đó.

Đoạn văn trên khiến tôi bâng khuâng mãi. Picasso chuyên vẽ tranh lập thể, Salvador Dali chuyên vẽ tranh siêu thực, Paul Klee chuyên vẽ tranh tượng ý, nếu ba vị này ở Việt Nam thì chắc chắn là đi cải tạo sạch vì tội vẽ bậy.

Trong lãnh vực nghệ thuật, khó có một bộ môn nào mà có nhiểu trường phái như hội họa: ấn tượng, trừu tượng, lập thể, Dada, siêu thực, hiện thực… Có thể nói đó là những nỗ lực cố gắng tìm tới những cảnh giới vẫn còn bị vùi chôn đâu đó trong tâm hồn con người, vẫn còn bị lãng quên.

Chao ôi ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời (thơ Hàn Mặc Tử)

Lịch sử của nhân loại đã có không biết bao nhiêu người, nghệ sĩ có, triết gia có, tâm lý gia có, đạo sĩ cũng có, vẫn thường xuyên lảng vảng ở trong cái vũng cô liêu cũ vạn đời này để tìm báu vật. Đánh thức những thây ma dậy để nghe kể lại những câu chuyên không còn dấu vết. Một mình lặn lội đi qua bên kia những bãi trăng sao để cảm cho đầy một nỗi cô đơn. Lặn sâu vào tiềm thức để sờ mó những giấc mộng. Té ngã vào những vì sao để lôi lên từ vực sâu những khuôn mặt nhàu nát của tổ tiên với những đôi mắt vẫn còn mở trừng nhìn xuyên suốt cái cuộc hành trình không đầu không cuối của loài người băng qua mặt đất này, bầu trời này. Vớt ra từ những dải ngân hà những khối thời gian đã đóng băng, những khoảng không gian nát vụn, những cơn bão đã ngủ im, màu của gió, sự im lặng của những tiếng động.

Và nếu cuộc sống của loài người có rộng hơn một chút, sâu hơn một chút, phong phú hơn một chút chính là nhờ những con người này chứ chưa bao giờ nhờ những cha nội lãnh đạo đòi hỏi vẽ nhà máy là phải có khói, phải giống hệt cái nhà máy, không được méo mó, dị dạng, dị hình.

Không khó để nhận ra giữa nghệ thuật với chính trị khó có sự đồng cảm, khó có tiếng nói chung. Đây cũng là điều bình thường. Đúng ra thì việc ai nấy làm, chuyện ai nấy lo. Cái đám viết văn, làm thơ, vẽ tranh, nặn tượng thì ý thức chuyện này rất rõ. Còn cái đám làm chính trị thì ngược lại, nhất là khi chúng nắm trong tay vai trò lãnh đạo. Và trớ trêu nhất là càng ra vẻ mình biết nhiều chừng nào thì lại càng lộ cái ngu ra nhiều chừng đó, bởi không có cái gì trên đời này bị phát hiện nhanh cho bằng một cái đầu rỗng muốn chứng tỏ là nó đặc.

Cái u mê, dốt nát này chỉ góp phần kìm hãm sự phát triển tự nhiên. Về hội họa, nó chỉ có thể đẻ ra đám thợ khéo tay chuyên quẩn quanh với mấy cái hình lãnh tụ, mấy cái áp phích, biểu ngữ treo đây đó dọc đường, phố chợ, chẳng bao giờ dám bay bổng vì sợ lãnh đạo mắng. Nó còn hình thành một thứ nhân cách chỉ biết khuất mình, tệ hơn thế nữa nó thừa nhận cái sai là đúng.

Từ dạo đó đến nay cũng đã hơn 40 năm rồi. Đã có không biết bao nhiêu nhà máy đắp chiếu, trùm chăn không hề lấy một bóng khói, còn những dự án ngàn tỷ có khói bốc thì nợ nần ngập đầu. Biết đâu chừng với cái đầu vốn nhạy cảm của một nghệ sĩ, Bửu Chỉ đã tiên cảm rằng dù cho nhà máy có khói tỏa lên trời hay không có khói thì cũng là không có khói. Một ý như như thế này rất dễ gợi nhớ đến Picasso khi ông vẽ những khuôn mặt méo mó, dị hình; có lẽ ông cũng không nghĩ rằng mình đã vẽ chính xác gần như đến tuyệt đối khuôn mặt con người ở thời đại này.

Đà Lạt, 29-4-2017