Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Em có hay trời buồn trời chuyển mưa đó không...[*]

Truyện Vũ Thành Sơn

Tên nó là Đực nhưng hầu hết mọi người ở quán lẩu dê này vẫn gọi là Đực gái, rồi theo năm tháng, người ta quen miệng chỉ gọi có mỗi gái không thôi cho nó tiện. Gái ơi, Gái à, riết rồi nghe quen, chẳng mấy ai buồn để ý đến nữa, cũng như chẳng thắc mắc ai là người đầu têu ra cái vụ gán ghép tên oái oăm, cắc cớ đó, từ bao giờ và tại sao (Có phải vì Đực hiền như cục bột, hiền đến mức khù khờ chăng? Hay có phải vì nó không thuốc lá và đặc biệt hơn cả là trong lúc thiên hạ trong quán, người nào cũng hũ chìm hũ nổi thì Đực một giọt bia, giọt rượu cũng không, mà chỉ chăm chăm lo rèn luyện sức khoẻ, thỉnh thoảng đạp xe địa hình hay đi bơi? Hay có phải Đực không gái gú, bồ bịch gì hết, không thấy thì thầm chỉ chỏ khen con nhỏ này, chê con nhỏ nọ rồi chỉ cho nhau chỗ mua thuốc kích dục giá bèo chỉ một trăm đồng một lọ hiệu nghiệm như thần, như mấy thằng con trai trong quán? Có phải…? Có phải…?).

Có thể bạn ái ngại giùm cho Đực, nhưng còn chính nó, chẳng biết trong đầu nó nghĩ gì. Chẳng ai thấy nó có phản ứng gì trong cái vụ này. Hơn năm năm làm phụ bếp cho quán, quả thật, chẳng thấy nó tức giận, lớn tiếng cự cãi với ai.

Trừ một lần.

Lần đó một đám khách khoảng hơn chục người của một công ty đặt tiệc, họ ăn uống từ sáu giờ chiều qua đến chín giờ tối mà chưa có dấu hiệu kết thúc. Bia, món ăn vẫn được kêu đem ra, tiếng cười nói, hát xướng ầm ĩ hết một góc quán. Hết dê rồi chuyển sang hải sản. Khách trong bàn kêu cho thêm nước lẩu, con Hồng xách ra một cái sô. Chẳng hiểu sao lúc Hồng vừa trờ tới, một ông khách trong bàn bất ngờ đứng phắt ngay dậy, bước lui ra sau, miệng nói, tay chân vung vẩy đá phải vào cái sô làm cho Hồng trở tay không kịp. Cú va chạm chắc phải khá mạnh làm cho nước lẩu bắn ra tung toé, đổ lên người Hồng, lên hết cả hai chân ông khách và mấy bà ngồi gần đó. May là nước lẩu chỉ ấm, không nóng đến mức có thể gây thành thương tích. Nhưng như thế cũng đã đủ cho ông khách lên cơn điên, trút hết tất cả sự giận dữ lên Hồng rồi sau đó còn gọi cả bà chủ ra mắng vốn, đòi phải bồi thường. Giày và hai ống quần ông ấy dính bết vào người, trông cứ như vừa mới nhúng trong nước đem ra, đến mức chỉ cần đứng gần, người ta có thể ngửi thấy hết mùi hành mỡ. Trong lúc mọi người nhốn nháo, lời qua tiếng lại và bà chủ thì rối rít xin lỗi, xin phải, hứa sẽ tính bớt tiền cho bữa ăn, Hồng lẳng lặng rút êm.

Ở trong bếp, Hồng bị một trận mắng nhiếc, rủa sả nhớ đời. Bao nhiêu từ ngữ độc địa nhất trên đời này bà chủ tuôn lên hết trên đầu nó, doạ lần sau đứa nào trong quán còn làm ăn như nó nữa bà sẽ đuổi cổ lập tức. Hồng cúi gằm mặt, nói lí nhí gì đó trong cuống họng. Đứng gần đó và chứng kiến từ đầu đến cuối, Đực giận run cả người. Giận cho gã khách kia bụng dạ ác nhân, lỗi tại mình mà không chịu nhận để cho Hồng một mình chịu tội. Giận bà chủ hồ đồ, mắng người ăn kẻ ở trong nhà phũ phàng, không chút tình nghĩa. Hai chân như không thể đứng vững dưới sức nặng của cảm xúc bùng nổ đó, nó phải đứng tựa vào cánh cửa, thỉnh thoảng đưa mắt sang Hồng với một vẻ thông cảm, xót thương. Mắng nhiếc xong, bà chủ đi lên nhà. Hồng cũng nhanh chân bỏ ra với đám bạn chạy bàn ngoài sân, chẳng màng đến sự có mặt của Đực. Còn lại một mình, Đực bỗng dưng lúng túng, không biết làm sao với nỗi tức giận không được san sẻ của mình. Nó bèn vào phòng vệ sinh nam rồi qua phòng vệ sinh nữ, mở hết rô bi nê lavabo để cho nước chảy tối đa cho bõ ghét. Có lẽ đó là hành động trả thù đầu tiên của Đực từ lúc vào làm ở đây.

Ngoài sân, Hồng đứng tụm với mấy đứa con gái, thì thầm phân bua trong khi mắt không ngớt nhìn lấm lét lên phòng bà chủ. Nó chẳng hề hay biết trong bếp nãy giờ Đực còn đứng quanh quẩn, trong lòng nhấp nhổm muốn ra ngoài gặp để nói với nó mấy câu. Đực mong sao cho Hồng có một lúc nào đó ngó vô trong bếp để nhìn thấy nó vẫn đứng đó. Chỉ cần thế thôi. Thế là nó sung sướng rồi.

Sau sự cố đó của Hồng với ông khách, Đực rút ra một bài học đắt giá cho mình. Đó là sống trên đời cần phải có một sức khoẻ hoàn hảo để có thể đối phó với những tên cà chớn như gã khách nọ hay để chịu đựng những lời sỉ vả, mạt sát của bà chủ. Đực quyết định đi bơi, tuần bảy bữa, đều như vắt chanh, đến độ ông Hai Chánh đầu bếp phải thắc mắc:

Ủa! Đực, bộ mày tính chuyển nghề hả mạy? (ông Hai là người duy nhất trong quán gọi nó là Đực và cũng là người duy nhất mà Đực tỏ ra nói năng mạch lạc).

Chuyển nghề chi chú?

Thể dục thể thao.

Đâu chú...

Sao mày tập tành gì mà dữ thần vậy?

Đực cười cười lảng đi chỗ khác, như mọi lần, khi gặp phải một câu hỏi rắc rối cho cái đầu của nó.

Đực từng bị một nhóm du đãng ở hồ bơi hăm đánh, sợ quá bỏ cả tháng không dám bén mảng. Phải đổi hai, ba nơi, sau cùng mới chọn được một hồ bơi vừa ý.

Ngâm mình trong làn nước xanh, Đực như được ôm ấp, bao bọc bởi một cảm giác bình yên lạ lùng. Nước không nói mà chỉ có lắng nghe, nó dường như hiểu hết tâm trạng của Đực, những mệt nhọc, buồn nản, những hy vọng, chờ đợi… Nước không trêu chọc, chỉ trích. Nước chỉ vỗ về, vuốt ve, mơn trớn. Nước thật là bình dị, chân thật.

Đám nhân viên phục vụ, bếp núc, chạy bàn của quán trên dưới bảy chục, cả nam lẫn nữ, chia làm hai ca sáng chiều, chẳng có lấy một ai tập tành thể lực như Đực. Hết ca, một số về nhà để ngủ lấy sức cho ngày hôm sau, phần lớn là con trai; một số ở lại gầy độ nhậu tới sáng. Bia thì gom từ các bàn ăn mà khách vứt bỏ lại, có khi được hơn hai két. Đồ mồi là những đầu thừa, đuôi thẹo nhà bếp khi chế biến cắt bỏ để sang một bên, gom lại cũng được một cái lẩu xôm tụ. Đám con gái nhà xa, về khuya bất tiện, thường ở lại quán ngủ, dần dà trở thành những bợm nhậu lì lợm nhất, con trai nhiều đứa phải chắp tay đầu hàng.

Hồng có lần bị gài độ. Một nhóm bốn đứa con gái, toàn dân nhậu có số má. Bốn két bia, chưa kể mấy xị rượu. Ngồi bên trong, Đực bồn chồn lo cho Hồng phen này chắc nó chết không có cửa mà không có can đảm bước ra can ngăn. Nó chỉ chờn vờn ra đứng trước cửa ngó qua rồi quay vô trong, nghĩ làm sao Hồng uống lại được với mấy đứa đó, nhất là với con Thảo ma, một mình nó một két, uống ngọt như nước rau má.

Uống tới mức rồi, Thảo ma vô trong mang cái đàn ghi ta ra, vừa gẩy đàn vừa hát, giọng nó nhừa nhựa nghe buồn đứt ruột.

… Em có hay trời buồn trời đổ mưa đó không

Biết yêu em là biết nghe chmong

Chuyện tình yêu muôn ngàn kiếp đến nay

Nàng cứ quên hẹn hoài, chàng cmong chờ ai…

Mày hát hay vậy sao không đi thi Tiếng hát Truyền hình? Một đứa hỏi.

Tiền đâu mà thi mạy?

Bữa đó Hồng bị gục tại chỗ. Mấy đứa còn lại cũng chẳng nguyên vẹn gì, bò lê bò càng hết, ngủ như chết đến gần trưa mới tỉnh.

Đợi cho Hồng thức dậy, Đực thập thò mang đến tô cháo, định đặt lên ghế cạnh chiếc ghế bố Hồng nằm. Nhưng chưa kịp thì Hồng đã nghểnh cổ lên hỏi:

Gì đây má?

Cháo.

Thôi mang đi đi, bà nội

Nhưng Đực cứ đứng thộn ra đó, bối rối không biết phải làm sao.

Tôi biểu mang đi mà. Sợ bà cố.

Đực khổ sở với tô cháo trên tay, dợm quay đi thì Hồng gọi giật lại.

Nè Gái, mua giùm tôi viên thuốc nhức đầu được hông? Cám ơn nghe. À mấy giờ rồi, biết hông?

Hồng vô quán làm sau Đực, nghe nói quê đâu ở Vũng Liêm. Nó kể với mọi người mẹ bị xe tông chết năm trước, năm sau nó bỏ lên thành phố lang thang kiếm việc làm; làm đủ thứ, từ bán khoai lang, bắp nếp, bưng bê cà phê, phục vụ quán cơm… sau rồi mới trôi dạt về cái quán lẩu dê này. Ở quê chỉ còn cha và hai đứa em, đứa em gái sáu tuổi, còn thằng em trai mới lên ba. Bây giờ không ai thuê cha Hồng đi cấy mướn như trước nữa, đứa em gái đi ở cho một cửa hàng ngoài chợ. Lương tháng ba triệu cộng với tiền bo khách cho, Hồng dè sẻn, dành dụm gởi về quê cho cha.

Đực có thu nhập khá hơn vì là phụ bếp còn thấy chật vật với đồng lương của mình, chẳng hiểu Hồng xoay xở ra làm sao với chừng ấy miệng ăn dưới quê. Nhiều đứa, nhất là mấy đứa sinh viên, chuyển sang làm công ăn giờ, hết quán này chạy sô sang quán khác, tiền kiếm được có khá hơn nhưng bù lại, đầu tắt mặt tối, vất vả rất nhiều. Có đứa rủ rê nhưng Đực đều lắc đầu. Một thân một mình, không cha mẹ, anh em, Đực thấy kiếm tiền nhiều mà phải lăn lộn như thế cũng chẳng để làm gì. Triết lý của Đực là mỗi người một hoàn cảnh, thân ai người nấy giữ, bệnh hoạn nằm lăn ra đó thì chỉ mình thiệt, chứ có ai lo cho đâu.

Rất nhiều lần đứng trong bếp Đực nhìn trộm Hồng đi lại trong sân, len lỏi qua những cái bàn mù mịt khói nướng mà buồn thúi ruột gan. Sao mà Hồng xa cách quá, Hồng ơi, Đực không thể nào với tới.

Ông Hai cũng từng hỏi:

Hơn ba chục tuổi đầu rồi sao không kiếm vợ đi Đực? Mấy đứa con gái ở đây nè, kiếm chi xa. Mặt mũi, tướng tá mày coi cũng đâu có tệ.

Như thường lệ, Đực chỉ cười cười không đáp.

Mà biết trả lời thế nào với ông Hai...

Rồi cho tới một ngày của tháng bảy…

Đực đi làm ca tối bắt đầu từ bốn giờ chiều. Gần đến quán nó trông thấy mấy tốp hai, ba người đứng lố nhố trước cửa xì xào bàn tán. Chẳng ai buồn để mắt đến Đực khi nó đạp xe vô. Bên trong, nó cảm thấy một không khí khác lạ. Mọi ngày mọi thứ đã được bày sẵn hết lên các bàn, giấy ăn, đồ chấm, chén đũa; mỗi người một việc đâu vào đó. Bữa đó bàn ghế còn chưa kê dọn ra hết, lác đác trong sân chỉ thấy mấy đứa chạy bàn đi tới đi lui như những cái bóng ma.

Linh tính như xảy ra việc chẳng lành, Đực đi thẳng vô bếp kiếm ông Hai hỏi chuyện, mới biết Hồng đã bị công an bắt.

Khoảng hai giờ trưa, hai chiếc xe công an, hình như của 113, ông Hai không nhớ rõ, một chiếc chạy thẳng vô trong sân, còn chiếc kia đậu ở trước cửa. Cảnh sát khu vực cùng với hai ông công an khác xộc vô trong quán tìm con Hồng, dẫn nó ra phòng ăn lớn trong nhà. Bà chủ cũng được mời ra để chứng kiến họ đọc lệnh bắt khẩn cấp. Rồi sau đó họ đưa con Hồng lên xe chạy đi. Không ai biết nó bị bắt về tội gì vì lúc đó chỉ có mỗi mình bà chủ đứng nghe, trong khi đám nhân viên đều sợ hết hồn vía đứng tản ra xa dòm vào. Người thì đoán nó trong đường dây buôn bán ma tuý, hoặc buôn người qua biên giới. Người thì cho là thủ phạm cướp của giết người đang đào tẩu. Không ai có thể xác quyết được cái gì ra cái gì. Mọi người sau đó chỉ nghe bà chủ hứ một tiếng thật mạnh rồi nói với họ, nửa như răn đe nửa như mắng mỏ: Thiệt là đời bây giờ mà, không tin nổi được một ai.

Đực còn nhớ lúc đó, vừa nghe ông Hai nói mà vừa thấy mình trải qua nhiều trạng thái cảm xúc hoàn toàn trái ngược cùng một lúc. Vừa bất ngờ thảng thốt vừa không tin, vừa bán tín bán nghi rồi vừa hoang mang, tuyệt vọng. Như cái dây đàn, sau khi đã căng lên hết cỡ thì nó bắt đầu chùng xuống. Đực thấy mình trống hoác như một trái dưa đã bị moi hết ruột, như bầu trời bị vét sạch không một bóng mây che.

Chiều hôm đó trời đổ cơn mưa to, sấm sét đì đùng. Ông Hai kêu Đực cột lại cái dây bạt để cho nước không chảy tràn vô đằng sau bếp. Người nó ướt đẫm nước mưa mà cứ loay hoay mãi vẫn không làm sao cột được. Cái dây như con rắn trơn nhẫy không làm sao cầm chắc ở trong tay. Ông Hai phải ra phụ một tay, miệng lầm bầm chửi thề không ngớt.

Đến ba giờ sáng lại một cơn mưa lớn nữa. Đực đứng ngó nước ngoài sân chảy tuôn ra đường lộ, nơi có một cái hố ga từ lâu không nắp đậy. Hình như có một lúc dòng nước chuyển hướng chảy, như thể nó gặp phải một nhánh cây hay chướng ngại vật nào đó nhưng rồi sau đó lại chảy vào lối mòn có sẵn. Đực còn thấy một chiếc lá sa kê, chiếc lá hẵng còn xanh, quay mòng mòng một hồi thì bị nước cuốn trôi đi.

Nó cứ đứng như thế cho tới khi thấy ngoài trời cơn mưa bắt đầu ngớt, mới lấy xe đạp đến hồ, bơi xuất đầu tiên trong ngày.

Sáng hôm đó, bơi được chừng vài vòng, Đực bỗng dưng buồn ngủ nhíp mắt không cưỡng nổi. Nó đứng bên cạnh cái thang dẫn xuống hồ bơi, lưng tựa vào tường, nhắm mắt ngủ ngon lành, vào lúc mưa đã tạnh.


[*] Lời bài hát “Chuyện hẹn hò” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.