Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Đêm chạy trốn (kỳ 9)

Tiểu thuyết của Thái Sinh

11.

Con tàu giảm tốc độ từ từ trườn qua một vạt đồi, phía trước là cánh đồng, mấy người đi đào vàng chợt tỉnh giấc hỏi nhau.

- Tàu sắp vào ga nào đấy?

- Chả vào ga nào cả - Có tiếng người trả lời - Phía trước đang sửa cầu, chỗ này tháng trước tàu patilê, giữa đồng không mông quạnh không nhà cửa, quán xá tao bị một trận đói mờ mắt, nhớ đời…

Cô gái chạy theo chàng trai khi nãy giờ mới quay lại, nét mặt buồn rượi ngồi xuống bên Sao, chị ngước đôi mắt u buồn nhìn cô bé thở dài. Hai bên đường tàu những chiếc lều lụp xụp dựng vội vã của những người công nhân đường sắt, trông giống như những đống đá hiện lờ mờ trong bóng đêm qua ánh sáng từ các toa tàu hắt xuống, nom nhớp nhúa, hiu quạnh. Ngọn đèn vuông bốn mặt của người gác đường lắc lư theo nhịp bước chân của họ. Tàu đã vượt qua đoạn đường có chiếc cầu đang sửa nó lại rùng rùng lao đi. Phía trước hừng đông đang lên. Cô gái chợt nắm bàn tay Sao, giọng thổn thức.

- Thế là anh ấy đi rồi cô ạ…

- Dù sao chăng nữa cháu cũng chẳng nên nuối tiếc làm gì - Sao im lặng cảm thấy mình lỡ lời, chị thở dài - Còn bây giờ cháu xuống đâu?

- Cháu cũng xuống ga Rừng cô ạ…

Cô gái gục đầu vào ngược Sao khóc nức nở, dường như tiếng khóc đã bị ghìm nén từ lâu nghe vừa uất ức vừa xót xa. Sao im lặng đặt bàn tay giá lạnh của mình lên vai cô gái, chị hiểu chỉ có tiếng khóc mới làm vợi đi nỗi đau trong lòng cô gái. Cô bé vẫn còn may mắn lắm, bởi nước mắt cô còn chảy được, thế có nghĩa là nỗi đau khổ của cô sẽ vơi đi cùng với những dòng nước mắt. Còn Sao đã bao nhiêu năm rồi, nước mắt của chị không còn chảy được nữa, nó đã lặn vào trong tim, vào mỗi nếp nhăn vào từng sợi tóc bạc trên đầu. Con tầu vẫn phầm phập lao đi, dường như nó không biết được nó đang chở trên mình bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận. Sao tiếp tục nối lại dòng hồi ức vừa đứt.

Năm ấy sau Tết âm lịch được ít ngày một đợt rét kéo dài chưa từng thấy ở Ta Khao, thung lũng Hua Lanh chìm ngập trong mưa phùn và gió bấc, đống lửa trong lều của những người chăn bò không lúc nào tắt lửa. Sao lấy thêm cỏ khô trải lên giường thành một cái nệm dày khá ấm áp. Đàn bò tuy đã có cỏ khô dự trữ cho suốt cả mùa đông nhưng Sao vẫn phải đuổi bò ra bãi cho chúng đỡ cuồng cẳng. Quanh lều ngập ngụa bùn đất lẫn với phân rác, rét tê tái mỗi lần bước chân ra khỏi lều đôi chân của Sao như muốn rụng rời, cô trùm áo mưa ngồi thu lu trên tảng đá khuất sau lùm cây tránh gió nhìn đàn bò co ro dầm mình trong mưa bụi, chúng kiên nhẫn gặm nốt những cọng cỏ già còn sót lại. Đêm nào Sao cũng ôm cỏ cho chúng, nhưng nom chúng cóm róm thảm hại quá, mấy con bò già không chịu nổi rét lần lượt đổ, giám đốc lâm trường đã lên tiếng phàn nàn, nhưng còn cách nào nữa đâu? Sao đang lo nếu mưa rét kéo dài thêm vài ngày nữa mấy con bò đang chửa trông có vẻ xuống dạ kia sẽ như thế nào đây? Chị Tơn hướng dẫn Sao cách đỡ đẻ cho bò, đỡ cho mấy con rồi nhưng cô vẫn còn lúng túng lắm. Nhìn con bò khoang già đi lặc lè sau cùng Sao luống cuống, cô lùa bò về sớm hơn mọi hôm,vừa vuốt ve con bò già Sao vừa nói:

- Trông mày mệt mỏi lắm, trở dạ rồi phải không? Trời còn mưa rét thế này tao lo cho con mày lắm khoang ạ…

Sao ôm cỏ cho suốt hai dãy chuồng, lúc bước vào lều thấy Tơn đứng vịn vào chiếc cột cái giữa nhà, lưng vặn vẹo một cách đau đớn, cô khẽ vạch áo chị lên.

- Chị đã thấy bụng xuống không?

Mặt Tơn nhợt nhạt, chị gật đầu khẽ đáp.

- Hơi xuống thôi, nhưng còn lâu mới đẻ em ạ. Bữa nay chị thấy mỏi ở hai bên hông, mỏi ghê lắm, đứng như thế này thấy đỡ hơn.

- Con khoang già trở dạ rồi, sớm muộn tối nay là nó đẻ thôi chị ơi…

Buổi tối Sao bắc sẵn hai nồi nước, cô đi tua vài lượt suốt hai dãy chuồng bò trước lúc đi ngủ, con khoang nghếch cái mõm lên gióng chuồng đôi mắt mở thao láo mỗi lần Sao soi đèn đi tới, nó liếm cái lưỡi ram ráp, nóng hổi vào tay cô.

- Chưa ngủ à cô bạn? Vừa rét lại vừa khó ngủ phải không?

Chị Tơn đi nằm một lúc thì dậy, Sao dọn chăn sang giường Kham, mấy tháng nay không có người nằm chiếu giường ẩm mốc hôi hám một cách khó chịu, cô hơ đóm đập chiếu rồi thay một lớp cỏ khô khác. Mỗi lần Tơn trở dậy Sao lại hỏi.

- Chị thấy trong người thế nào rồi?

- Vẫn thế thôi… Ôi, mỏi lưng lắm. Sao ơi - Tơn thầm thì - Chị có linh cảm Kham sẽ trở lại đây vào một ngày nào đó…

- Xin chị đừng bao giờ nghĩ đến hắn nữa…

Sao xua tay, mặt cô hơi biến sắc, hôm về lâm trường lấy gạo, cô được biết sau khi ra viện lâm trường phiên chế Kham vào đội tự vệ. Rất có thể hắn sẽ trở lại đây, hắn sẽ làm gì Tơn và đứa trẻ sắp ra đời? Không thể biết được, nhưng nếu hắn trở lại đây đó sẽ là một tai hoạ đối với Tơn. Những ngày tháng sống với hắn Sao thừa biết hắn là kẻ luôn luôn gây ra sự căng thẳng. Nhưng rồi cô tự trấn an: Không lẽ nào hắn trở lại đây, nỗi nhục nhã chưa đủ đối với hắn sao? Cô không thể nào quên được đôi mắt của chị Tơn sớm ấy đầy vẻ hung dữ, chị đủ can đảm để bập lưỡi dao vào họng hắn nếu một lần nữa hắn đến hành hạ chị.

Sao nằm đấy nhưng cô không dám ngủ, rét ghê gớm, ngoài trời mưa gió vẫn cứ rền rĩ, tiếng chó sói tru ngoài rừng nghe man rợ hơn. Sao treo một hệ thống mõ, ống mơ, kẻng xung quanh trại, lát lát cô lại giật dây làm cả thung lũng náo động. Chừng đã khuya, Sao trở dậy một lần nữa tới chỗ con khoang già, nó vẫn đứng nghênh nghếch cái mõm lên gióng chuồng, nhìn bụng nó cô áng chừng phải sáng mai nó mới đẻ. Từ tối đến giờ chị Tơn mới chợp mắt, Sao yên tâm là chị không thể đẻ trong đêm nay, cô lên giường và giấc ngủ mau chóng đến với cô.

Suốt đời Sao nguyền rủa cái đêm khủng khiếp ấy, mấy đêm cô chập chờn không ngủ vừa bóp lưng cho chị Tơn vừa lo nếu chị Tơn và con bò khoang cùng đẻ thì biết làm thế nào. Còn đêm nay cô vừa đặt lưng xuống là ngủ, ngủ mê mệt, không nghe được tiếng kêu rên của chị Tơn, khi tỉnh dậy cô thấy chị Tơn nằm sấp trên giường tay bóp cổ đứa bé vừa chào đời còn đỏ hon hỏn. Sao lao tới gỡ tay chị ra, xốc chị ngồi dậy, mặt Tơn trắng bệch ngây thuỗn như đổ sáp. Tơn đã tắt thở, máu chảy lênh láng trên giường. Sao rú lên kinh hãi, cô không thể hiểu nổi cái gì vừa diễn ra ở đây, đứa trẻ trên tay cô còn ngọ nguậy, chị Tơn không đủ sức bóp chết đứa trẻ, bắt nó phải cùng chết với mình. Sao cuống cuồng cời lửa lên làm những việc còn lại để cứu đứa trẻ.

Thằng Núi ra đời trong cái đêm như thế.

Con bò khoang cũng trở dạ đẻ trong cái đêm ấy, bầu sữa của nó một phần dành nuôi thằng Núi…

12.

Mùa đông rồi cũng đã qua, cái lạnh chẳng còn nấn ná được bao lâu nữa khi mặt trời chọc thủng lớp mấy mù đặc quánh trong các thung lũng, lòng khe. Mõi sớm ngủ dậy Sao đều hướng về phía thung lũng Hua Lanh, mùa khô cây cỏ khô xác, lửa cháy nham nhở, sau mấy trận mưa mặt đất trở nên nhuần nhị, hơi nước bốc lên nghi ngút khi mặt trời trải những tia nắng vàng tươi xuống mặt đất ẩm ướt. Bắt đầu từ những chấm xanh thưa thớt, mỗi sớm những chấm xanh non ấy dày hơn, từng đám từ thung lũng Hua Lanh tràn lên khắp các triền núi. Lũ bò bị tù chân trong những ngày mùa đông rét mướt, giờ chúng mới lồng lên chạy nhông nhổng khắp nơi khi mỗi sớm Sao tới mở các gióng chuồng. Lâm trường vẫn chưa điều được người lên thay Kham và Tơn, bởi vậy Sao vẫn phải đảm đương công việc của cả ba người, chẳng còn cách nào khác cô phải địu thằng Núi ra bãi chăn thả. Sang Xuân lũ bò chịu khó gặm cỏ hơn, chúng dàn hàng gặm rào rào, mải mê như thể bù lại mùa đông chúng nhai những cọng cỏ già. Bởi thế trông chúng mỗi ngày càng mượt lông, thắm da hơn. Con khoang già mỗi ngày Sao nấu cho nó một nồi cháo, tuy vậy nó vẫn không thể béo lên được, bởi mỗi ngày Sao vắt của nó gần một lít sữa để nuôi thằng Núi. Hôm nào cũng thế sau khi lùa bò ra bãi thả, Sao chọn một chỗ kín gió cô buộc túm hai đầu chiếc chăn chiên vào hai thân cây làm võng rồi đặt thằng Núi nằm đó, xong xuôi đâu đấy cô mới hì hụt nổi lửa nấu cháo vừa hong hóng canh giữ đàn bò. Có nhiều con mải ăn chúng tách ra khỏi đàn ra ngoài bãi thả, lúc ấy Sao lại phải hộc tốc đi tìm, khi quay lại thằng Núi khóc lặng cá, đái ỉa ướt sũng cả võng. Sao vội ôm lấy con vào lòng nước mắt của cô tự nhiên túa ra, giọng cô xót xa.

- Mẹ cha anh, hư vừa chứ, dào ồi… chỉ nỏ mồm thôi…

Rồi một hôm cô lùa được đàn bò quay lại bãi thả, trở lại chỗ gốc cây buộc võng thằng Núi cô chợt thấy vị “người rừng” đang đứng cạnh đấy, hắn cúi xuống mắt nhìn đăm đăm vào mặt thằng bé, mái tóc đốm bạc cùng bộ râu dài lủa thủa như rễ tre của hắn xoã xuống che gần kín gương mặt nửa người nửa thú của hắn, cái dáng cao lớn của hắn lao về phía trước như sắp sửa cắn xé thằng bé.

Sao chững lại, giơ chiếc gậy đuổi bò lên như ý thức thường trực của người mẹ luôn sợ con mình bị kẻ khác làm hại toan bổ xuống đầu tên “người rừng” kia. Như trấn tĩnh được, cô lùi lại một bước, đầu chiếc gậy trên tay chúc xuống, cô ngơ ngác nhìn tên “người rừng” nửa kinh ngạc nửa mừng rỡ: Hắn chui lủi ở đâu giờ mới lại xuất hiện ở đây làm gì? Hắn có thù hằn cô không mà hắn đến đây như thể sắp sửa bắt đứa bé kia đi? Còn hắn có nghe được tiếng gọi của cô trong cái ngày cô lặn lội đi tìm hắn? Vị “người rừng” chợt ngẩng lên, nó bắt gặp cái nhìn hoảng hốt của cô, nó vội lùi lại, bàn tay khẽ đẩy chiếc võng về phía trước rồi mới quay gót lặng lẽ bước đi. Sao đứng lặng như hoá đá, cô không thể tin vào mắt mình được nữa nhìn hút theo cái bóng cao lớn của hắn khuất vào sau những đám cây lúc đó cô mới vùng đuổi theo.

- Cốn ơi, người ơi…

Thằng Núi giật mình bởi tiếng gọi của cô, nó khóc thét lên, Sao vội quay lại nhào tới bên chiếc võng bế thốc thằng Núi lên tay, trong tâm trí của cô lại hiện lên câu chuyện về nàng Ban- Ma Cà Rồng, cô hấp tấp vạch áo nhìn khắp thân hình thằng bé như thể tìm vết lạ. Chợt cô bật cười.

- Thằng cún con, giật mình hả? Mày có biết ai vừa đến đây thăm mày không? Bố mày đấy, lão làm tao chết khiếp, tao ngỡ lão xé xác mày như lũ chó sói xé con bò non ấy. Ừa, ừa… nín đi, nín đi nào, hỡi thằng cún con của mẹ…

Sau hôm ấy Sao không dám rời thằng bé đi xa, biết đâu lũ chó sói chẳng đánh hơi thấy, chúng lẻn tới… chỉ nghĩ thế thôi cũng đủ làm cô rùng mình. Nhưng cũng từ hôm ấy lũ bò dường như chẳng con nào lén ăn xa, con nào tách ra khỏi đàn tự nó quay lại như có kẻ nào đó đuổi chặn đầu. Một hôm cô phát hiện ra hắn dồn những con bò ăn xa đàn quay trở lại, một ngày, hai ngày rồi những ngày tiếp theo, hắn trở thành kẻ trông nom đàn bò một cách tận tuỵ. Tuy vậy, Sao không thể nào tới gần hắn được, hắn chỉ xuất hiện khi còn ở cách xa cô. Đã mấy tháng rồi giữa bốn bề núi rừng hoang vắng Sao không được cùng ai trò chuyện, giãi bày nỗi niềm lòng mình, bao lần cô chạy theo hắn, nhưng hắn vội trốn ngay đi. Rồi một hôm thằng Núi bị sốt, bực với hắn và bực với cả chính mình suốt một tuần cô không bước ra khỏi lều, cô mặc cho đàn bò ra sao thì ra. Bò của lâm trường chứ có phải bò của cô đâu, bao nhiêu lần cô đề nghị lâm trường cử người lên thay, nhưng họ tảng lờ như không nghe thấy, họ muốn đày đoạ cô đấy phải không? Mới đây họ còn phàn nàn về đàn bò đang bị teo dần, họ hăm doạ cô ư? Thì đấy, ai làm tốt hơn thì lên đây, cô chỉ làm được như vậy thôi. đủ rồi, cô không phải là hạng người để họ muốn làm sao thì làm. Bây giờ thì cô lại cầu cho lũ chó sói hãy về thung lũng Hua Lanh này bắt hết những con bò mà cô đã ra công chăm sóc bấy lâu. Có lẽ vì chúng mà cô bị đày lên đây? Dẫu đàn bò kia có bị lũ sói lôi đi hết thì cô cũng chẳng thiệt gì. Khi cô bỏ mặc đàn bò thì tên “người rừng” lại tận tuỵ với công việc, sớm hắn lùa đi chiều hắn lùa bò về. Một chiều hắn vác nửa con bê bị lũ sói ăn thịt đặt ngoài cửa lều, nửa đêm hắn quay trở lại với một con chó sói đã bị hắn đập vỡ sọ. Nhìn thân hình cao lớn nhưng quần áo hắn rách tả tơi Sao thấy nghèn nghẹn ở trong cổ. Cô nhào tới níu lấy cánh tay hắn, giọng cô gần như lạc đi.

- Người ơi, sao người cứ trốn chạy tôi, tự đày đoạ và làm khổ mình như thế? Hãy vào đây, về với con người, đừng phải trốn chạy nữa…

Tên người rừng ngơ ngác, hắn không hiểu Sao nói gì, nó nhìn Sao gương mặt đầm đìa nước mắt, vừa gỡ bàn tay cô hắn vừa ấp úng một thứ tiếng nghe như tiếng vọng của núi, Sao không thể nào hiểu nổi, nhưng nhìn gương mặt của hắn cô đoán hắn không dám ở đây, hắn sợ, nỗi sợ mấy chục năm trốn chạy con người. Sao chỉ vào con sói lắc đầu rùng mình, hắn cười rồi bỏ đi. Từ hôm ấy hắn lởn vởn quanh lều của Sao, giúp cô chăn dắt đàn bò, Sao nấu cơm đặt bên gốc cây thông già mà đêm đêm hắn về đấy ngủ. Rồi một hôm cô bị sốt rét, thế là hắn phải thay cô nuôi thằng Núi, không biết hắn theo dõi cô nuôi thằng Núi từ bao giờ, hắn cũng biết vắt sữa bò, nấu cháo cho thằng Núi ăn, ru thằng Núi bằng một thứ tiếng rất lạ.

“Phải đưa hắn về với xã hội loài người”. Sao nung nấu cái ý nghĩ ấy, cô tìm mọi cách để dụ hắn về ở gần với mình, cô may một bộ quần áo cho hắn, nhưng hắn lắc đầu không nhận, cô ra hiệu cho nó cắt tóc cạo râu, hắn bỏ chạy. Cô dạy hắn tập nói, hắn chỉ bập bẹ nói được vài ba câu, cô mừng lắm mong hắn chóng biết nói để trò chuyện, chỉ có tiếng nói may ra hắn mới thực sự trở về hoà đồng với xã hội loài người…

Nhưng một hôm Kham bất thần trở lại thung lũng Hua Lanh với khẩu súng săn do đội tự vệ lâm trường trang bị vào một buổi chiều mưa, bóng tối loè nhoè lẫn lộn với những ánh chớp xa vời, lúc đó tên “người rừng” đang giúp Sao xua đuổi lũ bò từ bãi thả trở về. Chợt tiếng súng chói tai vang lên, đàn bò xô nhau chạy náo loạn, Sao sững lại chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì tiếp theo là phát súng thứ hai, cô quay nhìn về phía “người rừng”, trong ánh chớp cô chợt nhận thấy hắn lảo đảo rồi khuỵ xuống, rú lên một tiếng kinh hãi. Sao sững lại, rồi bất thần lao về phía đó. Kham cười nhăn nhở chỉ vào tên “người rừng” thân mình đẫm máu đang nằm sõng soài trên mặt đất.

- Thế là cuối cùng ta cũng tiêu diệt được hắn, con quái vật đã thành tinh ở núi rừng Ta Khao. Hắn đốt bao nhiêu cánh rừng, phá bao nhiêu lúa và hoa màu của nhân dân, bắt bao nhiêu lợn gà và bò của lâm trường…

Sao quì xuống bên cạnh cái xác tên “người rừng”, đôi bàn tay run rẩy của cô đặt lên ngực hắn, từ đó một dòng máu đang phun ra, không thể cứu được nữa, viên đạn đã phá nát ngực hắn, Sao cởi dây địu xoay thằng Núi từ phía sau lưng lại, cô cầm bàn tay nhỏ xíu của nó đặt vào bàn tay của tên “người rừng”, hắn gật đầu, từ đôi mắt hắn ứa ra đôi giọt nước rồi từ từ nhắm lại, miệng lắp bắp mấy tiếng Sao mới dạy cho hắn.

- Mẹ… con người…

Sao oà khóc, cô gục đầu vào ngực hắn.

- Phải, con người là giống thú… giống thú…

Một lúc sau Sao mới ngẩng lên, cô hỏi Kham:

- Lâm trường cử anh lên đây săn đuổi con người này?

- Đúng! Kham gật đầu - Nhưng ai bảo nó là con người?

Vụt đứng dậy, một tay cô bế thằng Núi một tay cô túm lấy cổ áo Kham giật liên hồi, Sao nghiến răng gầm lên.

- Chính anh mới không phải là giống người, anh là tên khốn nạn, khốn nạn! Bao nhiêu tháng nay anh bỏ mặc nơi này, bây giờ anh về đây để gây thêm tội ác. Cút đi! Cút ngay đi, kẻo tôi đập vỡ sọ anh bây giờ…

Kham hoảng hốt rứt khỏi tay Sao, hắn lao mình vào trong bóng tối biến mất. Đêm ấy Sao bê xác vị “người rừng” vào trong lều, cô tắm rửa cắt tóc rồi mặc bộ quần áo mới cho hắn, đặt hắn lên chiếc giường của Kham trước đây, suốt đêm ấy cô thắp đèn ngồi bên hắn. Nhìn gương mặt già nua của hắn Sao bật khóc nức nở.

- Đến lúc này người mới được làm người… Nhưng con người cũng chỉ là giống thú…

Sớm hôm sau Sao chôn con người khốn khổ ấy bên cạnh nấm mộ của Tơn, cô đẽo một mảnh gỗ thông rồi viết lên đó một dòng chữ “Đây là nấm mộ của một con người”.

Hai tháng sau lâm trường điều cô về đội tu bổ rừng, khi ấy thằng Núi đang tập bò.

T.S.