Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

43 năm dựng lại một cái nhìn

Lê Công Tư

Mới đó mà đã 43 năm rồi. Nhìn từ quan điểm lịch sử thì đây là sự kiện lớn của một dân tộc. Còn nếu phải nhìn nó từ quan điểm triết học thì nó không khác gì một giấc đại mộng, một cơn trường mộng:

Được thua một trận cười khàn

Ván cờ xí xóa theo làn bụi bay

(thơ Phạm Thiên Thư)

Đó là cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ: chủ nghĩa tư bản tự do với chủ thuyết Cộng sản mà người Việt của hai miền đã phải chịu đựng như một thứ định mệnh tàn nghiệt. Mấy chục năm sau, nhìn lại cuộc chiến tranh này trên nhiều bình diện thì ai thắng, ai thua vẫn còn là một câu hỏi còn để ngỏ. Ngoại trừ cơ cấu tổ chức chính quyền thì có lẽ còn giống với lý thuyết ban đầu, còn ăn đồng chia đều, bình đẳng như nhau, người bóc lột người, nông nô địa chủ, v.v. thì đã biến sạch khỏi trần gian, thay vào đó là tầng lớp địa chủ đỏ, không còn vực thẳm nào sâu cho bằng vực thẳm giàu nghèo. Cái ý tưởng phát triển đất nước theo đường lối tư bản nhưng phải được định hướng bởi xã hội chủ nghĩa dễ gây cái cảm tưởng đây là sự đeo bám cuối cùng trước khi biến mất. Nếu phải bầu chọn ý tưởng nào tật nguyền nhất, tôi chọn ý tưởng này.

43 năm đó là một khoảng thời gian dài bằng nửa một đời người và đó cũng là một khoảng thời gian mà đất nước được hưởng thanh bình, một thứ thanh bình không dễ chịu chút nào với cái cảm giác thường xuyên cảm thấy nặng nề như thể bị de dọa vậy. Kẻ viết bài này có một người bạn đi du học trước ngày miền Nam giải phóng sáu tháng rồi kẹt luôn ở bên Mỹ. 11 năm sau hắn về lại Việt Nam. Đây là cái cảm tưởng đầu tiên khi hắn vừa bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất: “Sao tao thấy không khí đất nước mình nặng nề quá”. Ngược lại với thằng này là những người quen sống ở trong nước có dịp ra nước ngoài, đều có cảm tưởng ngược lại ngay lúc vừa bước xuống phi trường nơi xứ lạ quê người “Không khí nơi đây sao khoáng đạt dễ thở lạ lùng”.

Nặng nề hay dễ thở, những thứ này có thể ngửi được ngay ở trong không khí.

Nhìn từ bình diện nhân sinh, chỉ sống thôi là cũng đủ mệt rồi, nói chi đến chuyện cuộc sống đó bị bức bách, giam cầm giữa một cái rọ vô hình của một thứ quyền lực rắn như đá. Nó mài mòn, làm tê liệt xơ cứng những phản ứng mà đúng ra người dân phải có trước những bức bách, bất công mà họ phải chịu đựng. Đây chỉ là hậu quả tất nhiên của một thể chế công an trị, chỉ muốn người dân phải ngoan như một bầy cừu.

Và rồi sự chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. Mọi thứ bắt đầu dần dần được phơi ra ánh sáng từ lúc nhà nước không còn đủ khả năng kiểm soát những nguồn thông tin trên mạng, những thông tin có được từ những phe nhóm trong nội bộ đấu đá nhau vì kẻ ăn người nhịn (trang Chân dung quyền lực là một thí dụ). Khá hơn một chút đó là những tiếng nói của những đảng viên còn một chút lương tâm trước sự tán tận của một cơ chế quyền lực song hành với tham nhũng. Nó bày ra những vết thương vốn đã mưng mủ lâu ngày, khuôn mặt dị dạng của một thể chế, cái xám ngắt của một thứ quyền lực. Rồi cũng không khó để nhận ra sự sợ hãi nào cũng có giới hạn của nó. Khi vượt qua được cái giới hạn mà sự sợ hãi đã từng giam nhốt con người, thì cũng là lúc những chân trời rộng mở ra, những ao tù nước đọng bắt đầu tuôn chảy, cuộc sống con người bắt đầu vươn tới những nhưng giá trị mới bên ngoài những giới hạn được cho phép trước đó. Nói cách khác sự phát triển, tiến bộ chỉ có thể có được ở những xã hội tự do. Tự do suy nghĩ, tự do sáng tạo, trên cái nền tảng này mọi thứ được đào sâu, nới rộng nhất mà chúng có thể.

Nhìn lại lịch sử 4000 năm của dân tộc này, gần như khó có một thời kỳ nào, một chế độ nào, một thời đại nào mà sự vận hành của nó bao che cho sự tham lam, bất lực nhìn sự bất lương lên ngôi cho bằng cái thời kỳ này. Cũng không khó để nhận ra đó chỉ là hậu quả tất yếu của sự sĩ diện hão về một đường lối lãnh đạo thường xuyên chìm sâu trong cái ảo tưởng cho đó là một đường lối ưu việt nhất. Nó được che chắn, bao biện bằng đủ mọi cách cho đến lúc nó bày ra một diện mạo tơi tả.

Sáng trưa chiều tối, ngày nào cũng thế, cứ ra ngồi ở bất kỳ một quán café nào trên đất nước này cũng có thể nghe người dân xì xầm về đất đai, nhà cửa của ông này ông nọ. Cũng không khó để nhận ra ở giữa những xì xầm nhỏ to này là sự bất chính, phủ đầy bóng tối. Trước hết đó là kết quả tất nhiên của sự thiếu minh bạch, kế đó, nó cũng chỉ là hệ quả tất nhiên của một guồng máy quyền lực không chịu sự giám sát, không cho phép giám sát của bất kỳ một cá nhân tổ chức nào. Khi chúng nó “ăn của dân không từ một thứ gì”, nghĩa là chẳng ai giám sát chúng cả. Cũng may đây là phát biểu của một Phó Chủ tịch nước. Một người dân bình thường mà nói năng như thế này thì chỉ có thể là quân phản động, những thế lực thù địch, phá hoại đường lối của xã hội chủ nghĩa, bị nước ngoài giật dây nói xấu chế độ, v.v.

Cách đây khoảng hai tuần, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế bầu chọn Việt Nam đứng thứ hai về nạn tham nhũng ở Châu Á, chỉ xếp sau Ấn Độ. Tuy nhiên cũng theo tổ chức này, cho dù đứng đầu sổ, nhưng người dân Ấn còn cảm thấy lạc quan vì sự minh bạch, công khai không che đậy, giấu giếm. Tất cả người dân Ấn đều có thể biết tin này qua những phương tiện, truyền thông báo chí trong nước. Còn người dân Việt Nam thì ngược lại, họ không còn kỳ vọng gì về cái khả năng thoát khỏi cái căn bệnh trầm kha này vì mọi thứ đều được chôn trong bóng tối, quẩn quanh trong nội bộ rồi xử lý cho qua chuyện, chỉ để trấn an dư luận.

Cái thảm trạng lớn nhất của dân tộc là nợ nần thì trút lên đầu lên cổ người dân, còn tiền bạc, tài sản thì dồn đống dồn cục ở một cá nhân lãnh đạo nào đó. Vẫn chưa ngừng ở đó, trình độ quản lý yếu kém, năng lực kém vì tuy không qua một trường lớp chuyên môn nhưng chỉ cần cầm trong tay một cái thẻ đảng là đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo đã góp phần làm tiêu tán, hao mòn tài sản của đất nước với những dự án thua lỗ ngàn tỷ, những công trình đắp chiếu dãi dầu với nắng mưa.

Đây cũng là một xứ xở mà những đứa con tài hoa, những đứa du học nước ngoài về không có đất để dụng võ vì chúng phải làm việc dưới sự chỉ đạo của những người tự nhận mình là lãnh đạo mà một chút chuyên môn cũng không có. Đã thế, cái ảo tưởng mình đã là lãnh đạo rồi thì cái gì cũng phải biết. Đi thị sát những công trình thủy lợi thì dạy mấy tay kỹ sư thủy lợi cách dựng bờ đắp đập, vào nhà thương thì dạy cho y tá cách đỡ đẻ, chủ trì một hội nghị văn học thì dạy mấy thằng làm thơ cách gieo vần, chỉ bảo mấy thằng viết văn cách dùng chữ.

Bên cạnh cái chuyện thích chỉ dạy, bảo ban là cấm đoán. Đã 43 năm rồi, xương cốt của tất cả những người chết của cả hai miền trong cuộc chiến tranh dạo đó chắc cũng đã tìm sự bình an trong lúc hóa thành bụi đất. Âm nhạc, thi ca, văn học, nói chung là nghệ thuật lúc nào cũng có một đời sống dài hơi hơn, bởi đơn giản chúng là tinh hoa chắt lọc của cả một đời người. Thời gian vẫn là cái thước đo khách quan nhất về cái giá trị một tác phẩm nào đó. Nói cách khác tất cả những tác phẩm có một chút giá trị nào đó đều phải trải qua sự đãi lọc, gạn lọc của thời gian cùng sự thẩm định, đánh giá của quần chúng. 43 năm rồi mà chúng vẫn còn sống đây đó trong lòng mỗi người chắc hẳn chúng phải có được một giá trị nào đó. Khi cấm lưu hành những bài hát, những ca khúc của bất kỳ một ai với bất kỳ một lý do gì thì điều này cũng đồng nghĩa với SỢ.

43 năm rồi mà vẫn còn sợ một vài ca từ trong một vài bài hát nào đó, thì thú thật tôi không còn biết nói gì nữa. Không ai không nhận ra cấm cản một cái gì là vô tình đánh bóng nó lại một lần nữa, đồng thời nó cũng đánh bóng luôn nỗi sợ hãi của một cơ cấu quyền lực, của một guồng máy cai trị.

Cũng khó có thể tìm được một quốc gia nào trên thế giới mà luật pháp lại ưu ái đến độ lạ lùng khi xử lý cái đám tham ô, trộm cướp này. Hầu hết đều hạ cánh an toàn sau khi kiểm điểm, rút kinh nghiệm, cảnh cáo, cho về hưu. Nhìn tấm ảnh chụp bà Park Geun Hye cựu Tổng thống Hàn Quốc ăn bữa cơm đầu tiên trong tù với tương cà đủ khiến tôi nghĩ đến đất nước này ở chiều ngược lại. Cứ nhìn những giọt lệ trào trên khuôn mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Đồng chí X nào đó thì đủ rõ. Ngay cả đến cái tên của Đồng chí này cũng không dám nói ra. Dễ có cảm tưởng luật pháp xứ này chỉ để trị dân. Chỉ cần lấy cắp hai ổ bánh mì là đã đủ để chui vào khám.

Nếu chẳng có gì ở trên đời này đẹp cho bằng sự quang minh chính đại, thì cũng chẳng có gì chó chết cho bằng mọi thứ cứ u u minh minh. Khó tìm thấy một chế độ nào mà các cấp lãnh đạo lại sợ sự thật, sợ đối mặt với sự thật, không dám nhìn thẳng vào sự thật cho bằng chế độ này. Tệ hại hơn thế nữa, họ không muốn nghe, chính xác hơn là họ rất sợ nghe một điều gì đó có chứa đựng sự thật nói về họ. Để thánh hóa một lãnh tụ, họ không ngần ngại vùi lấp tất cả những sự thật có liên quan đến nhân thân lý lịch con người này. Họ quên mất một điều là ủ một sự thật lâu ngày cũng như là ủ một hủ mắm vậy, càng lâu nó càng dậy mùi. Vẫn chưa ngừng ở đó, họ sẵn sàng dựng lên giữa lịch sử những tượng đài không hề có thật. Lê Văn Tám chẳng hạn, hay những tượng đài mà hư thực vẫn chưa rõ ràng như Võ Thị Sáu là một trường hợp điển hình khác. Lịch sử chỉ có cơ may trung thực, khách quan khi cái guồng máy dựng lên những tượng đài đó không còn nữa. Nói cách khác một đánh giá khách quan vẫn còn ở phía trước.

Tham nhũng là một hiên tượng đã từ lâu nổi lên trên bề mặt xã hội, không ai không biết. Thế thì đâu là cái gốc, cái cội rễ của tham nhũng? Đặt lên câu hỏi như thế này dễ liên tưởng đến một câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng “Đập chuột nhưng không được làm vỡ bình”.

Tôi có thể xác quyết mà không sợ sai lầm là chính những yếu tố, những chất liệu, vật liệu đã cấu tạo cái bình, đã định hình cho cái bình một cơ chế nào đó vốn đã hàm chứa, nuôi dưỡng cái bầy chuột này. Chính xác hơn chính cái bình đã che chắn dung dưỡng cho bầy chuột này

Một đất nước thanh bình với một chút mưa thuận gió hòa, còn người dân thì cần cù siêng năng thì sự phát triển gần như là một lẽ đương nhiên, không nhất thiết cái kết quả đó được như vậy là nhờ sự lãnh đạo của bất kỳ một ai, một đảng phái nào cả. Nếu phải cám ơn, thiết nghĩ người dân có thể cám ơn sự tiến bộ của khoa học trên những lãnh vực chăn nuôi, hạt giống, cây trồng, phân tro. 43 năm người dân đã quá quen với chuyện người ta gom hết thành tích vốn không phải của mình.

Cái nền văn minh thực dụng của Tây phương chỉ biết sản xuất, tiêu thụ, mua sắm, ăn xài kết hợp với “vật chất quyết định tinh thần” của cộng sản đã thay đổi, hủy táng không biết bao nhiêu giá trị. Cũng không khó lắm để nhận ra rằng lợi ích nhóm là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai trào lưu, quan điểm trên, sự kết hợp giữa kẻ có tiền với kẻ có quyền, nó sẳn sàng đạp đổ tất cả mọi thứ trên đường nó đi qua, bất kể đạo đức, luân lý.

Chưa có thời đại nào mà con người lại quay quắt với đồng tiền cùng những cách thức kiếm cho được tiền bằng thời đại này. Cái ám ảnh duy nhất có giá trị như là ý nghĩa cuộc đời là Tiền. Cứ như thể có tiền là có tất cả. Và cuộc sống của cả một thời đại là một cuộc rượt đuổi mệt nhừ với cái nỗi ám ảnh này. Hệ quả tất yếu của nó là xói mòn niền tin, đạo đức băng hoại, rệu rã nhân luân, lười suy nghĩ, háo danh, thích tiện nghi, hưởng thụ, rời xa thiên nhiên. Cái khả năng cảm thụ cuộc sống chỉ còn là hình thức, bề ngoài. Chẳng còn ma nào đọc văn thơ gì nữa cả. Khó có một thời kỳ nào mà những giá trị của phù phiếm được sùng thượng cho bằng thời kỳ này. Tôn giáo là nơi chốn cuối cùng mà con người có thể tìm đến an trú giữa những cơn bão đời cũng dậy mùi nhơ nhớp. Cứ nhìn đạo Phật trước 1975 với sau 1975 thì đủ rõ. Trước 1975 là đạo Phật của Thích Minh Châu, Tuệ Sỹ, Ngô Trọng Anh, Ni cô Trí Hải, Thích Mãn Giác, Trần Xuân Kiêm, Phạm Thiên Thư, Thích Thanh Từ, Nhất Hạnh… Đó là những khuôn mặt đủ để nhớ đời. Sau 1975 có đi vào chùa chỉ thấy mấy ông thầy xem sao giải hạn, bói toán, xem chỉ tay, phong thủy … đó là ở trong Nam, còn ngoài Bắc thì không còn gì để nói. Tất cả những tinh hoa của tôn giáo này đã rời khỏi chùa, miếu. Những gì còn lại trong đó chỉ là rác rưởi.

Thanh bình là một chuyện, còn có cảm thấy bình yên trong sự thanh bình đó không lại là chuyện khác. Không dễ gì cảm thấy bình yên khi phải thường xuyên sống cày cuốc, khóc cười dưới cái bóng mát của miệng núi lửa có thể hoạt động trở lại bất cứ lúc nào.

Đà Lạt, 17-4-2017