Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Phan Khôi: Khổ nạn và công tích

Lại Nguyên Ân

 

Tại Lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ X (diễn ra tối 24.3.2017), học giả - nhà thơ - nhà văn - danh nhân văn hóa Phan Khôi được vinh danh vào “Dự án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”. Dịp này, nhà phê bình - nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đã có bài nghiên cứu công phu về học giả Phan Khôi. Người Đô Thị Online giới thiệu cùng bạn đọc bài viết nói trên.

 

Tác gia Phan Khôi (1887-1959) là một tên tuổi lớn trong hoạt động báo chí, văn học, tư tưởng Việt Nam ở thời hiện đại.

Quê tại Quảng Nam, sinh trưởng trong gia đình nhà nho, đời ông và đời cha đều đỗ đạt, làm quan, Phan Khôi theo Nho học từ nhỏ. Năm 1906 ông dự thi hương, đỗ tú tài. Cũng từ cuối năm 1906, Phan Khôi tham gia phong trào duy tân, vận động cắt tóc ngắn, đi quyên tiền và chọn người cho Đông du; đầu năm 1908 Phan Khôi là một trong số những thành viên trẻ được phong trào duy tân Quảng Nam cử ra Hà Nội học tiếng Pháp.

Cũng thời gian đó tại Quảng Nam nổ ra vụ “xin xâu”, chính quyền Pháp ra tay đàn áp. Phan Khôi bị bắt đưa về Quảng Nam, bị kết án tù ba năm. Năm 1911 ra tù, Phan Khôi còn tiếp tục hoạt động trong “ám xã” thêm vài năm nữa; sau đó, ông xin ra khỏi tổ chức bí mật, để chuyển hướng đời mình sang “phụng sự Tổ quốc về mặt văn hóa”. Ông tìm học chữ Quốc ngữ, học tiếng Pháp, lại cũng tìm tòi học hỏi từ các nguồn sách báo từ Trung Hoa, từ Pháp đưa đến xứ ta.

Phan Khôi và vợ. Ảnh :TL

Về nghề nghiệp mưu sinh, sau thời gian dạy học tại nhà, Phan Khôi bắt đầu viết báo (chữ Hán và chữ Việt) từ năm 1917 cho tạp chí Nam Phong ở Hà Nội với bút danh Chương Dân. Nhưng chính hoạt động báo chí những năm 1928-1933 ở Nam Kỳ đã khiến tên tuổi Phan Khôi trở nên nổi bật trên trường dư luận văn chương báo chí tiếng Việt khắp cả ba miền, làm nên tên tuổi nhà văn, nhà báo, học giả Phan Khôi. Ông xứng đáng được coi như một trong những tên tuổi hàng đầu của văn học và báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Phan Khôi có lúc nói ông tự xem mình là “viên tiểu tưởng của đạo quân bình dân tư tưởng”. Bút danh Chương Dân được sử dụng từ 1917 nói khá rõ sự tự xác định ấy của ông.

Xây dựng nền quốc văn mới

Thời kỳ từ cuối thế kỷ XIX, nhất là từ đầu thế kỷ XX là một giai đoạn phát triển mới của văn học tiếng Việt, gắn với việc sử dụng chữ quốc ngữ. Ý thức về nhiệm vụ chung của các giới làm văn làm báo là xây dựng nền quốc văn mới, đã thúc đẩy Phan Khôi bắt tay vào một loạt công việc, một loạt đề tài về ngữ học, khởi đầu là vận động công chúng viết đúng chuẩn chữ quốc ngữ. Phan Khôi cũng bắt tay vào những công việc thiết thực như mở mục “Vai ngự sử trên đàn văn” để góp ý sửa sai cho các đồng nghiệp cầm bút trong viết văn viết báo.

Sống bằng nghề viết, chính Phan Khôi phải tự tìm tòi để tạo ra những lối viết hợp lý. Nếu lối viết nghị luận của Phan Khôi dựa chủ yếu trên bảng từ vựng tiếng Việt thông dụng ở cả hai miền Nam Bắc, thì khi viết “lối văn hàng ngày”, lối của một tay bút chủ trì cột báo (columnist), chủ trì các mục báo, các bài hài đàm, Phan Khôi đã chú trọng khai thác phương ngữ miền Nam, với khá nhiều từ vựng và mệnh đề khẩu ngữ thông dụng ở các vùng từ Quảng Nam vào đến Nam Kỳ.

Công cuộc đổi mới tư tưởng

Sống trong một thời đại chuyển đổi, Phan Khôi ý thức rõ rệt về tình thế thay đổi hệ hình văn hóa khi xã hội Khổng giáo Á châu tiếp nhận các luồng sóng “Âu hóa”. Phan Khôi rất chú trọng làm rõ hàm nghĩa các phạm trù xã hội của văn minh phương Tây như chủ nghĩa cá nhân, nền dân chủ (cũng gọi là dân trị).

Phan Khôi xứng đáng được thừa nhận như một trong những tác gia Việt Nam tập hợp được một lượng tri thức về giới nữ thuộc loại đa dạng nhất, phong phú nhất.

Trong khi không ít cây bút nghị luận đương thời khó tránh khỏi tâm thế mô tả xuyên tạc chủ nghĩa cá nhân (individualisme) thành thái độ vị kỷ (égoisme), thì Phan Khôi trình bày cách hiểu chủ nghĩa cá nhân Âu Tây trước hết như là sự tự chủ của mỗi con người trưởng thành trước xã hội. Phan Khôi hiểu rằng sự phát triển con người cá nhân ấy chính là điều kiện để có xã hội dân trị tức xã hội dân chủ.

Trong thời gian chủ trì các tờ báo chuyên về giới phụ nữ (với tờ Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội), Phan Khôi đã có hàng loạt bài viết nhiều loại, từ nghị luận đến khảo cứu, dịch thuật, tạp văn, nêu ra “vấn đề phụ nữ” trước xã hội Việt Nam, cho thấy một xã hội Việt Nam bước vào thời hiện đại không thể không từng bước khắc phục tình trạng bất bình đẳng nam nữ.

Các tờ báo phụ nữ do Phan Khôi chủ trì đã làm dấy lên phong trào phụ nữ bằng một loạt hoạt động xã hội, văn hóa, cổ vũ và hướng dẫn người phụ nữ tự trang bị thêm những hiểu biết và kỹ năng sống cần thiết cho bản thân và cho chức năng làm vợ, làm mẹ, làm người. Phan Khôi xứng đáng được thừa nhận như một trong những tác gia Việt Nam tập hợp được một lượng tri thức về giới nữ thuộc loại đa dạng nhất, phong phú nhất.

Phan Khôi - nhà sử học

Khả năng đọc nhiều biết rộng đã khiến ở Phan Khôi sớm hình thành con mắt sử học, quan tâm đến các tiến trình lịch sử.

Năm 1928, trên tờ Đông Pháp Thời Báo ở Sài Gòn, Phan Khôi, dưới bút danh C.D. đã khởi ra một cuộc thảo luận về việc có hay không sự kiện “nước Pháp giúp nước Nam”, tức là nhà nước Pháp giúp quân cụ và binh lính cho chúa Nguyễn Ánh trong nội chiến chống Tây Sơn, như một số tờ báo chữ Pháp ở Đông Dương đương thời rao truyền, khiến một vài tờ báo chữ Việt lặp lại.

Năm 1929, Phan Khôi đã đóng vai trò chính tổ chức Cuộc thi quốc sử trên báo Thần Chung. Bằng việc đưa công chúng vào một cuộc thi bình chọn nhân vật “bực nhất” trong quốc sử, Phan Khôi và những người tổ chức cuộc thi đã kích thích tinh thần tự do bình chọn của người tham dự, cũng tức là kích thích óc phê bình - chứ không chỉ vinh danh - nhân vật lịch sử.

Năm 1936-1937, với tuần báo Sông Hương do chính ông sáng lập, ông đã biến một phần tờ báo thành diễn đàn sử học với sự góp mặt của nhiều nhà văn và học giả; ông cũng đã đưa lên báo này những sử liệu do chính ông thâu nhặt được, như xác định vị trí của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong khởi nghĩa Duy Tân (1916); sự kiện Nghĩa Hội chiếm tỉnh Quảng Nam hồi những năm 1880s được phản ánh trong vè Khâm sai; về lệ cống nạp người vàng sang Tàu v.v..

Một tác gia đa dạng

Phan Khôi tham dự văn học trong khá nhiều thể tài.

Trước hết Phan Khôi đã hoạt động như một nhà phê bình văn học, là tác giả những bài điểm bình các tác phẩm cụ thể, là người viết ra cuốn “thi thoại” đầu tiên ở Việt Nam, lại cũng là tác giả những bài báo tác động rõ rệt đến tiến trình văn học chung.

Phan Khôi cũng hoạt động như một nhà nghiên cứu văn học, thường xuyên nêu lên các vấn đề nảy sinh trên tiến trình văn học Việt Nam.

Phan Khôi là nhà thơ, là con người đã “chín” trong truyền thống thơ Hán-Việt lại có khát vọng bước ra khỏi quỹ đạo thơ cũ. Ông không là tác giả xuất sắc của Thơ mới nhưng lại được nhất trí ghi nhận là người khởi xướng.

Phan Khôi cũng là một tác giả văn xuôi tự sự. Ông đã từng viết truyện hư cấu, bằng chữ Hán hoặc chữ quốc ngữ.

Phan Khôi cũng là tác giả xuất sắc của văn tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm. Từ 1928 đến tận 1941, Phan Khôi trước sau đã viết ngót ngàn bài tiểu phẩm. Đặc tính thẩm mỹ của thể tài này còn chưa được nghiên cứu kỹ; nó rất mực văn chương, nhưng lại gắn với báo chí.

Phan Khôi cũng là một dịch giả. Trên báo chí trước 1945 ta thấy Phan Khôi dịch nhiều tác gia Trung Hoa: Tư Mã Thiên, Viên Mai, Lỗ Tấn...; dịch Kinh Thánh, chủ yếu là Tân Ước. Sau 1945 ông dịch một số tác gia văn học Diên An, dịch quan điểm ngôn ngữ của J. Stalin, dịch tác phẩm M. Gorki, dịch bài viết Chu Dương thể hiện tư tưởng văn nghệ Diên An...

Phan Khôi còn hoạt động như một nhà ngôn ngữ học. Ngay từ khi trở lại học chữ quốc ngữ để viết văn viết báo (từ 1907), ông đã bắt đầu tiếp cận tiếng Việt như một đối tượng nghiên cứu. Phan Khôi đã lên tiếng hô hào đồng bào Nam Kỳ dùng tiếng Việt theo đúng các chuẩn mực đã được Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của đưa vào sách từ điển. Sau này, trong thời gian tham gia kháng chiến tại Việt Bắc, ông đã thực hiện thêm những khảo sát về ngữ pháp tiếng Việt, được các nhà soạn sách dạy tiếng Việt tham khảo; những nghiên cứu này được ông xuất bản thành sách Việt ngữ nghiên cứu (1955).

***

Sau ngày phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản thủ đô, Phan Khôi trở về Hà Nội trong tư cách một nhân sĩ, làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam.

Ông được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957. Năm 1958, trong cao trào đấu tranh chống Nhân Văn - Giai Phẩm, Phan Khôi bị liệt vào một trong những “phần tử” hàng đầu, bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngày 6.1.1959, ông qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, sau thời gian bệnh nặng. Gia đình ông khai tử cho ông với bút danh Chương Dân; trong khi vợ, con, các cháu ông tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng thì những lời phê phán nặng nề trên báo chí vẫn nhắm vào người mang họ tên Phan Khôi.

Sự khốn khó cuối cùng ông gánh chịu nên được xem như một khổ nạn và một công tích đối với xã hội và văn hóa người Việt.

Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/van-hoa-giai-tri/nghe-xem-doc/7464/phan-khoi-kho-nan-va-cong-tich.ndt