Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Đêm chạy trốn (kỳ 7)

Tiểu thuyết của Thái Sinh

8.

Sao nhớ lại hôm ấy, cô rụt rè bước vào phòng Thân, Thân đang quay mặt vào vách, nghe tiếng bước chân người chị vội quay ra và không giấu được đôi mắt đỏ hoe, chị chỉ ghế cho Sao ngồi ra hiệu cho cô ngồi yên lặng, chị lại quay mặt vào vách, phải một lúc lâu sau chị mới ngồi dậy, nét mặt phờ phạc đượm một nỗi buồn lo âu. Kể từ sau cái đêm nhìn thấy chị Thân và Bảo trên tảng đá hôm ấy Sao cảm thấy giữa mình và chị Thân có một khoảng cách nào đó, cô lảng tránh không muốn nói chuyện với chị. Bữa nay trông chị khác quá, như người vừa ốm dậy, chị mệt mỏi đặt bàn tay lên vai Sao.

- Chị biết chuyện của em rồi, biết làm sao được, chính chị cũng đã lên tiếng phản đối mấy vị lãnh đạo trên lâm trường. Kể ra họ cũng có lý, nếu cử em đi học đợt này sẽ có người thắc mắc, dẫu sao em cũng là công nhân mới. Các vị ấy có ý đưa em lên đó vài năm, sau mới cử em đi học lớp trung cấp kỹ thuật, chắc chắn khi ấy chẳng có ai ghen tỵ với em đâu.

Sao cúi xuống miết miết những ngón tay lên mép bàn, một lát sau cô mới ngẩng lên nhìn Thân thở dài.

- Chị mệt phải không?

- Chị bị cúm em ạ, khí hậu ở đây khắc nghiệt quá! Thân lắc đầu buồn rầu - Hãy phấn đấu vài năm nữa Sao ơi, với cái tuổi của em nào đã muộn mằn gì đâu? Vài hôm nữa chị xin nghỉ phép, đang vào mùa đưa thông lên đồi lại mất hai tháng đội văn nghệ đi biểu diễn phục vụ lâm trường, chị lo lắm không biết năm nay có hoàn thành kế hoạch không, nhưng mấy năm rồi chị chưa đi phép, các cụ ở ở quê cứ trách hoài…

- Bao giờ thì chị đi?

- Có thể cuối tuần này, nếu ngày mai bàn giao xong thì ngày kia chị sẽ đi.

Mãi sau này Sao mới biết “cái sự” đi phép hồi ấy của chị Thân… Hưng được mọi người cử đi dẫn đường cho Sao, thung lũng Hua Lanh dài và hẹp nơi khởi thuỷ của dòng Hua Lanh và Nặm Pung, lâm trường đặt trại chăn nuôi ở đấy để tạo ra nguồn thực phẩm cung cấp cho lâm trường. Đàn bò của họ không đông lắm, chỉ vài chục con, hai năm nay đang bị teo dần, những chú bê non một phần chết vì rét một phần làm mồi cho lũ chó sói. Tuy nhiên họ vẫn phải để đàn bò ở trên đó, cả vùng núi Ta Khao không có chỗ nào tốt hơn thung lũng Hua Lanh. Bắt đầu vào mùa mưa cỏ lên xanh biếc trên các triền núi, Hưng khoác ba lô đi trước, họ vượt qua dốc Huổi Mèn, Pa Cheo đã tới Ngam Kha, phía bên kia là thung lũng Hua Lanh, dòng suối bắt nắng chiều sáng như bạc tuôn ra từ trong hốc núi. Họ dừng lại trên đỉnh đèo, Hưng buồn bã trao ba lô cho Sao, giọng anh hơi lạc đi.

- Sao đi nhé, ở dưới kia một mình chắc là buồn lắm Sao ơi.

- Em sẽ cố gắng chịu đựng, hôm nào rỗi anh nhớ đến thăm Sao nhé…

Hưng gật đầu, anh đứng lặng trên đỉnh đèo nhìn hút theo bóng Sao khuất dần vào con đường men theo sườn núi lô nhô những tảng đá mồ côi, anh gào lên.

- Đi nhé, đừng buồn Sao ơi…

Gần tối Sao mới tới lều của những người trong trại chăn nuôi, họ chỉ có hai người, một nam và một nữ. Người đàn bà tuổi ngoài ba mươi, thân mình đậm chắc, cằm hơi lẹm, da sạm bã chè, gương mặt buồn, chị gật đầu chào Sao vừa vung vung cái roi tiến lên mở choang cổng trại. Còn người đàn ông, thật khó mà đoán được tuổi của anh ta, mặt gãy hơi bạnh ở phía dưới, da đen bóng, còn đôi mắt nâu nom vừa hoang dã vừa dữ tợn. Anh ta mặc bộ quần áo bảo hộ lao động, nhựa cây bết vào thâm xịt dày cồm cộp như mo nang, chiếc mũ cọ bị mất vành lá toè ra rủ lủa thùa xuống hai bên vai chắc nịch. Vừa huơ chiếc gậy bằng song có bịt đồng ở hai đầu nện côm cốp xuống lưng và mông lũ bò, miệng anh ta vừa thét ầm ĩ. Đàn bò chen chúc nhau len qua chiếc cổng hẹp.

- Một, hai, ba…con quỉ này, sao lũ sói không lôi cổ mày đi?

Chiếc gậy tới tấp giáng xuống lưng con bò khoang trắng đang bị kẹt giữa lũ bò đang ùn ùn len qua.

- Mười lăm, mười sáu…vào đi, vào đi còn đủng đỉnh gì nữa hả thằng què!

Con bò đen đang tập tễnh bị một cú vụt nhảy cẫng lên rúc đầu vào những cái mông của những con đi trước rống lên thảm thiết.

- Năm chín, sáu ba… còn thiếu một con nữa, lại thằng cụt đuôi, vẫn quen thói ăn mảnh. Được rồi! Lần này thì hết thói ăn mảnh.

Người đàn ông gầm gừ đi quanh hai dãy chuồng một lượt rồi gọi hai con chó đang rũ nước trên bộ lông ướt dượt bên cửa lều quay lại con đường ban nãy anh ta vừa lùa bò về. Người đàn bà hất hàm ra hiệu cho Sao vào lều, chị lóc cóc chạy theo người đàn ông. Sao đẩy cửa bước vào lều, trong lều tối mờ mờ, giữa là bếp lửa, một làn khói vàng đục ngút lên từ gốc cây củi đang cháy dở vùi một đầu vào đống tro, xung quanh bếp lửa ngổn ngang xoong nồi, bát đũa… hai bên là hai chiếc sạp ken bằng đủ thứ cây, trên trải một lớp cỏ khô, chiếc chiếu nào cũng tã nát, khắp giường bừa bộn chăn màn, quần áo. Mùi khói, mùi ẩm mốc, mùi mồ hôi xông lên sặc sụa. Sao đặt ba lô lên chiếc giường bên này xem có vẻ gọn gàng hơn, cô thở dài ngán ngẩm: “Đêm nay mình sẽ ngủ trong túp lều này đây”. Sao không thể ngờ nhà cửa ở đây lại tồi tệ hơn ở đội ươm cây, trông mọi thứ đều vá víu, tạm bợ. Mệt mỏi và chán chường, cô có cảm giác nếu không ngửi thấy mùi khói thì túp này tưởng như đã bị người ta bỏ quên từ lâu. Sao ngồi thờ thẫn một lúc lâu rồi mới đứng lên thu dọn mọi thứ bừa bộn trong lều. Sẩm tối người đàn ông kéo lê chiếc gậy trở về, dựa nó vào xó cửa rồi ngồi xuống cạnh bếp cời lửa rít liên tục hai ba điếu thuốc, khói thuốc um lên càng làm cho căn lều trở nên ngột ngạt, chờ cho tan khói thuốc anh ta quay về phía Sao giọng hằn học.

- Người ta điều một mình cô lên đây thôi à?

Sao lúng túng.

- Cháu không rõ… Vâng, trong quyết định điều động chỉ có tên một mình em thôi…

Anh ta bật cười, hàm răng hơi hô phô ra trông cáu bẩn.

- Lần đầu tiên có người gọi mình là chú. Ô hô… Trông tao gớm ghiếc quá phải không? Cô bé ơi, cứ gọi tao là Kham xi ca vâu, Khan gàn, Kham đầu bò, bởi tao là thằng bất phục nên chúng nó mới tống tao lên đây - Kham lắc đầu chửi đổng - Mẹ kiếp! Tháng trước chúng điều hai thằng lên chưa ở được dăm ngày chúng đã tếch cả rồi. Còn cô, bị vụ gì thế, quan hệ nhăng nhít hay cãi nhau với lãnh đạo?

Mặt Sao hơi tái, cô cảm thấy bất ngờ trước câu hỏi của Kham, giọng cô lạc đi.

- Không, em có bị thế nào đâu?

- Phàm những ai bị đẩy lên đây đều là những người mang án kỷ luật, hoặc có chuyện nọ, chuyện kia. Nhưng điều ấy có can hệ đếch gì đối với tớ, rất có thể cô bạn sắp sửa được kết nạp Đảng nên họ mới đưa lên đây thử thách. Tốt! Rất tốt! Tên cô là gì nhỉ? Sao hả? Cái tên nghe cũng được đấy, còn bây giờ thì đi nấu cơm, mụ Tơn vào rừng kiếm rau, măng lát nữa mới về…

Sao nhóm lửa bắc nồi thổi cơm, Kham vẫn ngồi lặng lẽ hút thuốc, khi cơm cạn Tơn mới trở về, chị ném ra giữa lều mấy cái măng, Sao nhặt măng lên bóc, Tơn lôi từ trên gác bếp một xâu thịt bò khô, họ hì hục làm chẳng ai nói với ai một lời. Sau bữa cơm tối Kham hút vội vàng vài điếu thuốc rồi xách súng đi ra, vừa tới cửa lều anh ta quay lại:

- Tôi đi tìm con bò cụt đuôi, hắn có thể lẻn sang khe Trám, mọi người cứ gài chặt cửa, đêm nay tôi không về đâu. Dạo này lũ sói lại về lùng sục ghê lắm. Được rồi! Mấy đêm nay tôi ngủ ở ngoài rừng, ngủ ở ngoài trời khoái hơn ngủ trong nhà…

Kham đi rồi còn lại hai người, họ lặng lẽ bên đống lửa đang tàn, ngọn lửa xanh lét hắt ra một thứ ánh sáng yếu ớt, Sao ngước nhìn Tơn, chị ngồi bó gối tóc xoã xuống che gần kín mặt, trông mặt chị lúc này xanh xanh chập chờn vừa kỳ dị vừa ma quái, bỏ thêm một cành củi vào đống lửa cô gợi chuyện.

- Chị Tơn ơi, chị lên đây được mấy tháng rồi?

- Sắp được hai năm - Tơn trả lời cộc lốc.

- Trước khi lên đây chị ở đội mấy?

- Đội hai.

- ở đây chỉ có hai người chắc là buồn lắm chị nhỉ? Sao thở dài.

- Chứ sao nữa - Tơn cười gằn - Mà sao cô có vẻ thơ ngây thế nhỉ? Không những thế mà còn cảm thấy nhục nhã nữa. Cho đáng kiếp! Tất cả đều do mình gây nên chứ còn ai nữa?

Sao im lặng, lúc này cô mới lờ mờ cảm thấy những người bị điều lên đây đều là những người đã làm những việc sai phạm gì đó, cô thở dài không biết mình sai phạm điều gì. Đêm ấy Sao thao thức mãi, cô nằm nghe tiếng chó tru ngoài rừng, còn đàn bò chốc chốc lại xô vào gióng chuồng. Sao nghĩ miên man, cô nhớ cái buổi sớm dân làng tiễn đoàn cô ra đi hôm ấy, có lẽ suốt đời cô không thể quên được những giây phút cuối cùng khi chia tay, bố mẹ cô lách mọi người đến bên cô, Sao xúc động nắm bàn tay hai người.

- Vâng, bố mẹ cứ tin ở con, chẳng bao giờ con làm những điều để bố mẹ phải xấu hổ.

Xe chuyển bánh rồi mà mọi người cứ chạy theo, họ ném vào xe bao nhiêu là bánh, hoa quả, khăn tay… Sao và những người đi đều choài người ra ngoài xe mà nắm lấy tay từng người, cô không nói được lên lời, đầu chỉ gật gật nước mắt cứ chảy đầm đìa trên đôi gò má. Cái Nhài thì đọc vang lên bài thơ “Lên miền Tây” của nhà thơ nào đó: “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi - Lên miền Tây vời vợi ngàn trùng…”. Bài thơ đọc lên nghe hay quá, Sao đã chép nó vào sổ tay của mình.

Sáng tinh mơ họ thấy Kham trở về, quần áo ướt dượt, nét mặt bơ phờ đầy vẻ tức giận, con bò cụt đuôi ngủng ngoẳng đi phía sau như muốn dứt ra khỏi sợi dây trên tay Kham. Buộc con bò vào gốc cây, Kham lẳng lặng chôn bốn cái cột ở trước cửa lều, chôn xong Kham lay thử từng cái xem nó có chắc không rồi dắt con bò vào khoảng giữa bốn cái cọc ấy, con bò nghênh nghếch cái đầu định lồng lên nhưng không kịp, Kham đã lồng được sợi dây da ghì cổ nó vào chiếc cột phía trước, sau đó anh ta trói hai chân trước vào hai cái cột áp cạnh hai vai, Kham trói tiếp một chân sau vào cái cột còn lại. Lúc này con bò mới biết mình bị hành tội, nó dướn người lên làm các thớ thịt trên người nó nổi cuồn cuộn, cái chân sau còn lại đạp liên hồi làm đất đá bắn tung toé. Kham xoa hai bàn tay vào nhau cười gằn.

- Chỉ lát nữa là mày hết dửng mỡ.

Ra phía sau lều Kham lấy hai đoạn cây buộc đầu hai đoạn cây đó lại với nhau, choãng ra như chiếc kẹp, rồi gã luồn cái kẹp vào chân con bò kẹp lại, vừa chống đầu buộc đó xuống đất Kham hất hàm nói với hai người.

- Các bà giữ cho tôi cái chân này lại, kéo cho rộng háng nó ra.

- Anh làm cái trò gì thế, hả? Tơn hỏi lại giọng gay gắt.

- Rồi khắc biết…

Kham vào lều lấy ra con dao thép trắng nhỏ xíu như dao bổ cau sáng loáng và cuộn chỉ khâu, lúc này thì Sao đã hiểu, người cô gai lên, một cảm giác ghê lợm khiến cô cô buồn nôn, mặt xây xẩm, mồ hôi túa ra chảy đầm đìa trên gương mặt đang tái nhợt, đôi tay Sao cố ghìm hai đầu cây lại nhưng nó cứ truội đi. Con bò bị kẹp cái chân còn lại nó lồng lên một cách dữ tợn, làm những chiếc cột kêu răng rắc, Tơn nghiến răng ghì hai đoạn cây vào bụng, đôi mắt cô bạc đi vì tức giận. Kham quì xuống tay vuốt hạt cà của con bò rồi kéo nó ra khỏi háng, bóp cho đôi hạt cà nổi bóng lên, cười nhăn nhở:

- Chỗ này của cu cậu nóng lắm, như vậy cu cậu mới dửng mỡ chứ?

Lẽ ra Kham phải buộc nốt cái chân còn lại của con bò vào chiếc cột thứ tư mà hắn đã chôn trước đó. Nhưng anh ta không làm vậy, anh ta muốn hai người phải chứng kiến việc làm của mình. Kham thổi phù phù vào đôi hạt cà của con vật, con bò chúc đầu xuống, mõm xục vào đất, bọt phè ra hai bên mép, toàn thân nó căng lên khiến các dây trói xiết vào thân cột kêu ken két như sắp sửa đứt tung. Hai người phụ nữ như đánh đu trên cây kẹp, mặt họ xạm đen câm lặng như sắp sửa hoá đá. Kham liếc lưỡi dao lên mái tóc rồi khẽ cứa vào khoảng giữa hai múi thịt, một dòng máu đỏ tươi trào ra. Sao rùng mình, cô vội quay mặt đi kinh tởm. Tơn thét lên.

- Đồ khốn! Mày hành tội nó rồi….

- Mụ câm mồm đi!

Hàm răng Kham xít lại, lưỡi dao trên tay Kham miết mạnh, một cục trăng trắng bật ra, con bò co rúm người lại rồi bất chợt toàn thân nó nở bùng ra làm hai cây kẹp bật khỏi tay hai người phụ nữ hất Kham ngã ngửa. Kham vùng dậy vớ cây gậy bịt đồng quật liên hồi lên đầu, lên thân thể con bò một cách tàn ác. Tơn nhổ nước bọt kinh tởm toan quay đi thì vừa lúc Kham luồn được cây kẹp vào chân con bò.

- Tao sẽ nhét cát vào đầy cái bị kia để lũ bò cái phải khốn nạn vì mày.

- Không được làm thế! Tơn gầm gừ. Mày độc ác vừa vừa chứ, Kham ạ! Cứ liệu hồn đấy…

Kham cười nhăn nhở, làm nốt cái công việc còn lại, giọng lầu bầu.

- Mụ doạ tôi phải không? Được rồi, để xem.

Tơn ném đôi cây kẹp xuống đất quay đi, Sao bước theo, tới cửa lều Tơn dừng lại.

- Một con giống tốt nhất đàn…Thế là hết, từ nay nó sẽ trở thành con vật hiền lành và ngu ngốc.

Lát sau Kham xách đùm thịt bước vào lều, vừa giơ đùm thịt lên ngang mặt, Kham nói trống không.

- Dễ chừng đến nửa cân chứ chả ít đâu. Hừ, không có rượu thì ra quái gì nhỉ?

Sau bữa cơm sáng Kham vẫn nhìn Sao bằng con mắt hằn học.

- Đồng chí đoàn viên thanh niên cộng sản ạ, bắt đầu từ hôm nay nhiệm vụ của đồng chí là dọn phân trong các chuồng bò, cuối tháng về lâm trường vác gạo lên đây. Đấy, công việc chỉ có thế thôi, làm không hoàn thành đây sẽ cắt lương…

Tơn lôi từ trong gậm giường ra đôi ủng rách, bụi và phân bò bám két lại từ lâu đưa cho Sao.

- Khâu cái này mà dùng tạm, kêu mãi rồi người ta cứ lờ đi chẳng chịu phát thêm ủng và quần áo bảo hộ lao động. Thật quá đáng!

Loay hoay gần buổi sáng Sao mới khâu xong hai cái ủng rách, lại rộng bàn chân của cô cứ lọt thỏm, bước chân đi ỗng ễnh, nghiêng ngả như đi cà kheo. Chuồng bò ngập ngụa trong phân, có chỗ lội tới nửa ống chân, mùi nước đái khai nồng nặc, khiến cô thấy xây xẩm mặt mày, ruột gan Sao như muốn lộn hết cả lên, cô vịn vội vào gióng chuồng nôn thốc nôn tháo. Buổi sáng hôm ấy dù cố gắng đến mấy Sao cũng không thể bước chân vào chuồng bò lần thứ hai, buổi chiều cô phải dùng khăn bịt bịt kín mặt mũi chỉ chừa đôi mắt, cô lội vào đám phân với cảm giác ghê lợm và nhẫn nhục. Nước phân thấm vào ủng mỗi khi bước đi nước trong ủng kêu òng ọc, tự nhiên cô thốt lên uất ức.

- Mẹ ơi, sao thân con lại khổ thế này?

Sao ném chiếc cuốc đang khơi rãnh sang bên, cô toan quay ra, gương mặt và cái nhìn hằn học của Kham chợt hiện lên trước mắt cô “Đồng chí Đoàn viên thanh niên cộng sản ạ, chỉ vài ngày nữa là đồng chí từ bỏ nơi này thôi…”. Vừa tự ái vừa tức giận bởi sự xúc phạm ấy, Sao cúi xuống nhặt chiếc cuốc lên, lúc này cô không muốn nghĩ gì nữa cuốc như điên, cho đến lúc đôi tay mỏi rã rời cô mới thôi, lê đôi ủng đi về phía suối Hua Lanh. Dòng suối chảy ra từ trong một hốc núi, nước trong vắt nhìn thấu tận đáy, những hòn cuội trắng muốt nằm rải rác trong lòng suối. Mệt mỏi và chán chường Sao ngồi xuống một phiến đá thả đôi chân đã nhợt đi xuống nước, vài con bống hoa tới đớp vào các ngón chân cô nhấp nháy, buồn buồn. Nắng chiều vàng hoe rớt lại trên đỉnh núi Ta Khao, thung lũng Hua Lanh sẫm lại, mặt đất ngời ngời gió, những tàu lá chuối mọc hai bên bờ suối gió thổi tung tẩy, từ trên sườn thung lũng Hua Lanh lúc này vỡ ra tiếng bò rống. Sao lặng lẽ cởi quần áo vắt lên cành cây mọc sát trên đầu, cô bước xuống suối, nước mát lạnh và tinh khiết dâng ngang ngực lập tức làm tan biến nỗi mệt nhọc chán chường trong người, cô choài người ra rồi từ từ ngụp xuống, lặn vào sát tảng đá bên kia bờ, đôi cánh tay trần trắng trẻo nhẹ nhà khoát nước, bất thần cô nhô lên làm nước bắt tung toé. Đã lâu lắm rồi hôm nay Sao mới được bơi lội thoả thích như thế này, cô lặn xuống nhặt những hòn sỏi trắng phau dưới đáy nước đặt lên phiến đá ven bờ, rồi cứ tồng ngồng cô chạy dọc bờ suối nhặt những hòn sỏi nằm rải rác trên bãi cát, chán chê cô lại vốc cát xoa lên người lên cổ, cho cát chảy qua các kẽ ngón tay xuống bộ ngực tràn trề tuổi thanh xuân. Cứ thế cô nô giỡn một mình cho đến khi tối sẫm mặt người cô mới trở về, miệng khe khẽ hát một bài dân ca quen thuộc. Trong lều Tơn đang lúi húi nhóm lửa thổi cơm, Sao rối rít khoe:

- Nước suối Hua Lanh trong và mát lắm chị ơi.

Tơn không đáp, nét mặt càu cạu chị nói trống không.

- Chỉ xách hai thùng nước thôi mà tới giờ vẫn chưa về…

Sao đang vui nên không để ý câu nói của chị Tơn, một lúc sau Kham mới xách nước về, anh đặt thùng nước xuống bên góc lều thẫn thờ ngồi hút thuốc. Tối ấy sau khi cơm nước xong Sao lên giường trước chị Tơn, lúc này cô mới thấm mệt, các khớp chân tay mỏi rã rời, cô thiếp đi lúc nào không biết.

Tiếng chó sủa rộ lên làm Sao tỉnh giấc, trong lều không còn ai, chị Tơn và Kham đi đâu rồi, đống lửa giữa lều đang lụi dần, chừng đã khuya, có lẽ thế, chó sói về quanh trại tiếng chúng tru nghe rờn rợn. Sao nằm im, đôi mắt mở to nhìn lên mái lều lòng ngổn ngang bao nhiêu ý nghĩ, nỗi cô đơn bây giờ mới thấm vào trong cô, Sao rùng mình tự hỏi: “Họ sẽ để mình ở đây mấy năm?” Một lúc lâu sau Sao mới nghe tiếng bước chân của hai người trở về, họ dừng lại trước cửa lều, giọng Tơn rin rít:

- Con bé ấy nó trẻ hơn tôi… Ừ, đừng có mà giở mặt, con này chẳng tha đâu…

Kham chỉ ử hự trong cổ, Sao không hiểu họ nói với nhau chuyện gì, Tơn nhẹ nhà trèo lên giường, chị khẽ lay vai Sao.

- Sao ơi, ngủ chưa em?

Sao vờ ngủ say nên không đáp, cô lật người quay mặt vào trong vách, lần này giấc ngủ đến chậm hơn, chị Tơn vừa đặt lưng xuống là ngáy pho pho. Đàn bà ngủ mà ngáy là người rất vô tâm, thẳng thắn và cũng rất hay mủi lòng.

Công việc của Sao ngày nào cũng giống như ngày nào, cô lội trong ngập ngụa trong phân bò, cuối cùng đôi bàn chân cô bị nước ăn lở loét, máu và nước vàng tứa ra nhây nhớp các kẽ ngón chân, lại bị nhiễm trùng đôi bàn chân sưng to như chân voi, mặt da rạn nứt, hạch nổi thành hai chuỗi ở háng, người Sao sốt hầm hập. Nửa đêm Tơn trở dậy soi đèn nhìn chân Sao lắc đầu:

- Chân mày bị nhiễm trùng rồi, chết thật! Tìm đâu ra thuốc bây giờ? Gắng chịu tới sáng tao tìm lá cây về sắc thuốc rửa cho…

Sớm hôm sau vừa lăn từ trên giường xuống đất Kham bảo Tơn.

- Hôm nay lùa bò sang khe Trám, đường xa ta không thổi cơm ở nhà nữa mà mang gạo lên đó thổi.

- Con bé Sao đang ốm, bỏ nó một mình ở nhà à? Tơn hỏi lại.

- Tôi phải cõng nó đi chắc? Nếu cô thấy cần phải ở nhà với nó thì cô cứ ở, đây sẽ cho cô ở luôn một thể.

Tơn bắc quàng lên bếp cho Sao nồi cháo, chị ra bờ suối lấy vài nắm lá cây vò nát để vào chậu nước muối rồi lay Sao đang sốt ly bì.

- Sao ơi, lát nữa đỡ sốt cố dậy ăn lưng cháo rồi ngâm chân vào chậu nước chị đặt bên bếp kia. Đời thật khốn nạn!

Tơn vội vàng đóng cửa, hớt hải chạy theo đàn bò đang khuất dần vào màn sương đục mờ trước mặt.

Dẫu có cố gắng đến mấy Sao cũng không tài nào nhấc đầu lên nổi, toàn thân cô đau ê ẩm, da mặt căng nóng hầm hập, đầu nhức nhối quay cuồng như có ai đang dùng chày gõ vào hai bên thái dương, các mạch máu như sắp sửa vỡ tung, cô điên lên mất thôi. Trước mắt cô có hàng trăm, hàng nghìn con đom đóm bay loạn xạ, mà sao cô lại khát nước như thế này nhỉ, họng bỏng rát, ước gì lúc này có một con sông để cô nhao đầu xuống uống một hơi thoả thích: “Ơi, hãy về đây với ta! Về đây với ta sông ơi. Sao lẩm bẩm và con sông quê hương bất chợt hiện ra trước mắt cô, cô không cởi quần áo mà cứ thế nhảy ùm xuống nước, cô uống ừng ực, uống no nê, vừa uống cô vừa phun nước phì phì như mưa bụi khắp mặt sông. Dòng sông đưa đẩy cô đi, cô ngụp xuống tận đáy mò những con trai trai rồi ném thia lia trên mặt nước làm bầy chim le le bơi dạt ra xa, cô ngụp xuống rồi lại ngoi lên, cứ thế cô đuổi đàn chim với sự hả hê thích thú. Đang bơi cô thấy hụt hẫng ở dưới chân, cô vội gập mình lại xoải tay ra để đổi hướng bơi, trong cái nắng chiều loang loáng còn rớt lại trên mặt sông cô nhận ra cái thành cao tám mét ở cống Xích Phông xám lạnh hiện ra sừng sững trước mặt. Cô chỉ kịp kêu lên: “Trời ơi!” Nước hút cô vào giữa luồng xoáy, đôi tay như bị trói ép vào sườn không thể nào giang ra được, cô tưởng như mình đang đứng trên bàn quay ly tâm với tốc độ khủng khiếp. Trút hơi thở cuối cùng, nước ồng ộc chảy vào dạ dày, vào phổi, dòng xoáy từ từ hẹp lại hút cô vào một dòng thác chảy xiết chưa từng thấy, người cô mất dần trọng lượng rơi vào khoảng tối vô tận, bất thần người cô nổi bùng lên như một chiếc bong bóng, ngay lập tức bị vỡ tan trên mặt nước…

Bàn tay người nào đó khẽ lay vai Sao, cô nghe như có một tiếng gọi mơ hồ ở đâu rất xa.

- Sao ơi!…

Sao cố mở mắt để xem người gọi đó là ai, nhưng hai mí mắt nặng trĩu như hai cánh cửa sắt khiến cô không tài nào mở nổi. Trước mặt cô là một màu đùng đục, khó biết được lúc này là đêm hay là ngày. Cô lại lịm đi rơi vào một mớ những cơn mơ dài khủng khiếp.

Lâu rồi Sao không có khái niệm về ngày tháng, trước mặt cô là hai dãy chuồng bò, khoang nào cũng đầy tú hụ những phân, ngày ngày cô cào phân ra đánh thành đống, mắt cô mờ đi bởi hơi phân, cho đến một hôm cô ngẩng lên thấy những đống phân cô cào ra cao như núi, cũng lúc ấy đôi chân cô bị nước ăn lở loét.

Nhân ngày Chủ nhật cộng với mấy ngày nghỉ bù Hưng tranh thủ đến thăm Sao, anh đẩy cửa bước vào thấy Sao nằm sốt ly bì trên giường, lật chăn ra Hưng hoảng hốt nhìn đôi chân mưng mủ của cô, anh chợt hiểu, lập tức anh quay lại lâm trường đấm vào cửa phòng từng vị lãnh đạo.

- Các ông là những kẻ tàn ác, những tên giết người! Sao các ông nỡ đày đoạ một con người như thế, nó có tội tình gì? Những người các ông đẩy đi chăn bò họ có tội tình gì? Không thể coi việc đưa họ lên thung lũng Hua Lanh như là một hình thức kỷ luật, đó là sự đày đoạ, một kiểu giết người. Tại sao các ông không tạo cho họ những điều kiện sống cần thiết, nhà ở như hang chuột, ốm không một viên thuốc, làm sao họ có thể sống nổi với những điều kiện sống như thế?

Một gương mặt nhờn nhợt ló ra ngoài cửa sổ, Hưng không nhận ra người ấy là ai, nhưng giọng nói đầy quyền uy.

- Anh làm cái trò gì ầm ĩ giữa đêm hôm khuya khoắt thế này? Có phải anh là bố chúng tôi hay anh là kẻ mất trí?

Hưng chạy khắp lâm trường, cuối cùng anh cũng tìm được thuốc cho Sao. Anh ở bên cô gần hai tuần lễ chạy chữa thuốc men, nấu cơm, giặt giũ cho cô, cho đến hôm Sao đi lại được anh mới về đội. Sao đâu ngờ đó là những ngày cuối cùng ngắn ngủi cô được sống bên anh, dù đã hơn hai chục năm rồi hình ảnh của Hưng vẫn in đậm trong tâm trí cô. Giá ngày ấy Sao không ốm và tại sao anh lại đến thăm mình đúng vào những ngày ấy, để rồi khi trở về, lâm trường lấy cớ: Vô tổ chức, vi phạm ngày công lao động, vu cáo lãnh đạo để họ chuyển anh sang tổ phát tuyến phòng hoả. Hôm nhận được tin anh là lúc Sao đang cùng chị Tơn đóng cỏ khô vào chiếc xe quệt, vừa quăng cho Sao cuộn dây thừng để cô kiền nốt bó cỏ còn lại, chị dùng chiếc gậy đuổi bò phất những búi cỏ lùa thùa rủ xuống hai bên thành xe chị vừa nói:

- Thế là chị ở đây gần ba năm rồi Sao ạ, có thể sau Tết chị có quyết định trở về đội, không biết họ cho chị về đội mấy? Nghĩ mà cực, tại sao ngày ấy chị lại đâm đầu yêu cái gã đàn ông ấy, hắn có vợ ba con. Biết gã như vậy mà mình vẫn cứ yêu, để rồi một trận đánh ghen kịch liệt, cánh tay trái của chị bị mụ phang gãy, phải đi nằm viện gần ba tháng trời. Chị thù mụ vợ gã, nhưng rồi lại cứ yêu gã chẳng hiểu ra làm sao cả. Gã bảo chị thế này: “Anh rất yêu em, nhưng anh không thể bỏ vợ anh được, cô ấy là người tốt, đã đẻ cho anh những đứa con xinh xắn. Còn em, dĩ nhiên anh yêu em hơn tất cả những ai có mặt ở trên đời này…”. Thế đấy, chị đã bị tình yêu làm cho mụ mị như kẻ mất trí, chị đã bị tình yêu lường gạt. Người ta ném chị lên cái thung lũng chết tiệt này để giáo dục, để thử thách…Chị căm ghét mình, căm ghét tất cả bọn đàn ông, chúng là một lũ đểu. Biết thế, nhưng rồi chị cứ thích đến gần họ, thích được họ vuốt ve, ôm ấp mà không tài nào cưỡng nổi. Tại sao lại như thế? Chị cũng không biết nữa, dường như tạo hoá bắt bọn đàn bà chúng mình phải như thế, phải khổ đau với những gì mình không có…

Tơn dựa người vào thành xe cỏ, mặt hơi ngước lên nhìn vòm trời vàng đục như ám khói, bất chợt chị quay lại nhìn Sao đang đóng vạy vào vai con bò, cười khẩy.

- Sao à, Kham nó yêu em đấy.

- Chị Tơn…

- Chị không nói đùa em đâu. Đúng thế, em trẻ đẹp và tốt quá. Hắn là kẻ tàn ác, nhưng hắn không thể ác được với những người như em. Chị thèm được như em quá, Sao ạ.

Tơn cúi xuống dứt một ngọn cỏ lên nhấm, hơn tháng nay trông người chị khác quá, da tai tái như người bị bệnh sốt rét, dạo này chị ít ngủ, mỗi đêm phải ba lần chị trở dậy, cứ vật vã và chị luôn thở dài như người đang buồn phiền vì một chuyện gì đó. Chiều qua bắt gặp chị soi gương và mân mê đôi bầu vú của mình, Sao vội lánh đi, cô chợt nhớ đến chị Thân và những người phụ nữ không chồng khác, họ sẽ héo quắt, tâm tính trở nên thất thường và độc ác vì không sinh nở. Sao hốt hoảng buông chiếc vạy rơi xuống đất, cô bước tới bên Tơn, giọng lạc đi:

- Chị Tơn!

Tơn thở dài không đáp, chị lặng lẽ quay đi về phía khe Trám, Sao sững sờ cô không hiểu điều gì vừa xảy ra đối với chị ấy, cô đứng lặng nhìn theo bóng Tơn loãng dần rồi mất hút vào cái màu cỏ úa bạt ngàn của thung lũng. Đang mùa cỏ khô, chỉ ít ngày nữa thôi lửa đốt rừng sẽ lan tới đây, dẫu cố gắng mấy thì họ cũng không thể ngăn giữ được ngọn lửa hung ác sẽ thiêu đốt toàn bộ lớp cỏ kia. Hai tháng nay Sao và Tơn ra công cắt cỏ để dự trữ thức ăn cho đàn bò vào những ngày đông tháng giá mà họ không thể lùa bò ra bãi được. Kham cười gằn mỉa mai khi nghe Sao đưa việc chuẩn bị cỏ khô cho đàn bò: “ Xem ra cô đã yên tâm tính chuyện làm ăn lâu dài ở đây, còn tôi có lẽ qua mùa khô này tôi sẽ tếch khỏi đây thôi, báu gì cái chức Trại trưởng trại nuôi bò mà hám”. Tuy nói vậy, nhưng chính Kham đã tự tay đóng những chiếc xe quyệt này. Chuyến cỏ đầu tiên lẽ ra Kham phải đóng vạy và điều khiển bò, nhưng Kham giao cho Sao, những con bò vốn chỉ quen thả rông chúng lồng lên khi Sao vừa bắt vạy xong, cô bị chúng kéo tuột đi. Chưa một lần cưỡi ngựa, nhưng chắc chắn không giống với việc Sao bị mắc kẹt trên càng xe, mà con bò lại lồng lên như điên, mặt Sao xanh tái, đất trời bỗng chốc như bị đảo lộn, người Sao nảy tung lên như một trái bóng khi chiếc xe vấp phải gốc cây ném cô xuống đất như hòn đất. Sao không biết ai đưa cô về lều, nhưng cô cảm thấy ghê tởm nụ cười mủm mỉm đầy sự khiêu khích và mãn nguyện của Kham. Cô tự nhủ: “Cứ đợi đấy, để xem anh cười được bao lâu nữa?” Vài ngày sau Sao bắt những con bò to khoẻ tập kéo xe, cuối cùng chúng đã thua cô. Kham hậm hực vì không hành hạ được Sao, anh ta đổi Tơn sang cắt cỏ, Sao đánh xe chở cỏ về còn anh thả bò. Có tiếng bước chân người đi tới, Sao giật mình quay lại, Kham chọc chọc chiếc gậy đuổi bò xuống đất giọng rời rạc:

- Người ta vừa tin lên thằng Hưng chết rồi, lửa đốt rừng đã thiêu cháy nó cùng với bảy mươi ba héc ta rừng thông…

Sao quăng sợi dây thừng xuống đất, mắt cô tối sầm lại, đất trời chao đảo, cô sụp xuống rồi lại vùng đứng lên, tay chân bủn rủn, cô bước đi được vài bước rồi lại phải ngồi xuống. Con đường từ bãi cắt cỏ trở về lều thường ngày cô chỉ đi gần một giờ đồng hồ, vậy mà bây giờ cô tưởng phải đi hết cả đời mình mà vẫn chưa tới được. Túp lều của những người chăn bò cô đã nhìn thấy kia, mái mốc xỉn, mùa mưa vừa qua dột nhiều chỗ cô phải dặm thêm vài lá tranh y như tấm áo cũ vá những mụn vải mới, trông vừa vụng về vừa kệch cỡm. Sao không còn nhớ mình đã đi như thế nào, đôi chân cô mỏi rã rời lê lết trên mặt đường một cách khó nhọc để rồi cuối cùng cô cũng tới được lều, Tơn bước từ trong lều ra, Sao ôm chầm lấy chị, giọng khản đặc.

- Hắn chết rồi chị Tơn ơi! Hưng ấy, con người được tất cả chúng ta yêu mến. Em biết anh ấy yêu em, nhưng không dám ngỏ lời, vì anh ấy sợ. Anh sợ cái gì thì em không biết. Bây giờ thì Hưng không còn nữa, lửa đốt rừng đã nuốt mất anh ấy rồi. Sao anh lại ngờ nghệch như vậy, anh xông vào dập lửa để cứu lấy cánh rừng thông mà không để ý vòng lửa đằng sau đang ập tới. Những người dân thấy vậy bỏ chạy hết. Họ quên mất anh…Thế là hết, đời anh bây giờ chỉ còn là một nắm xương…

Sao gục đầu vào ngực Tơn mà khóc, mà kể lể, dường như chính mắt cô nhìn thấy trận cháy rừng khủng khiếp vừa qua. Sao không vào lều, cô đi lang thang trong thung lũng Hua Lanh, đêm sập xuống lúc nào không biết, suốt đêm ấy cô không tài nào ra khỏi thung lũng để đến cái nơi lâm trường Ta Khao chôn cất Hưng…

Sáng hôm sau Sao trở về lều, mặt trời vượt qua dãy Ta Khao chừng hai ba sải tay, vào giờ này mọi hôm họ đã lùa bò ra bãi, hoặc đang ở chỗ cắt cỏ, còn hôm nay các cửa chuồng còn đóng im ỉm, lũ bò đang đánh sừng vào các gióng chuồng lốp cốp, chị Tơn ngồi cúi rũ bên bếp lửa, Sao bước vào nhưng chị không thèm quay lại, căn lều bữa nay bừa bộn những nồi niêu, xoong chảo, ba lô của chị Tơn quăng ra giữa giường, đáy ba lô lộn lên, quần áo ném tứ tung, cái trên giường cái dưới đất, như ở đây vừa trải qua một cuộc lục soát. Kham không có nhà, chiếc ba lô của anh ta thường ngày vẫn treo trên vách bây giờ không còn ở đấy nữa, một vũng máu nhầy nhụa còn đọng lại trên giường, Sao rùng mình cô cảm thấy có chuyện chẳng lành. Đặt bàn tay lên vai Tơn, cô hỏi dè dặt:

- Anh Kham đâu rồi hả chị?

Tơn quay lại, ngước dôi mắt u tối nhìn Sao với sự thành thật hiếm thấy.

- Hắn đi rồi, đi từ hồi đêm, có lẽ bây giờ đã vượt qua đèo Ngam Kha…

Chị đứng dậy lôi từ dưới chiếu lên một gói nhỏ, đôi mắt ánh lên vẻ tàn ác, chị mở phanh cái gói đó ra… Sao rùng mình, trước mặt cô là một mẩu thịt xám ngoét, da xoăn xui nhây nhớp máu, trông tựa như của quí của đàn ông. Sao rùng mình lùi lại, cô thoáng hiểu cái gì đã xảy ra ở đây tối qua, mặt cô ngây độn như đắp bằng sáp, miệng há hốc cô định nói với Tơn một câu gì đó nhưng hai hàm răng cứng đơ, mặt cô bạc đi vì sợ hãi. Tơn bật cười khanh khách, tiếng cười của cô ta nghe vô cùng man dại.

- Đây là cái của quí của thằng Kham. Con quỉ dâm đãng, thật khốn nạn cho những đứa con gái nào trót rơi vào tay nó. Chị cũng vậy, đã đau đớn, khổ sở vì nó. Thằng Kham vừa thô bạo vừa tàn ác, chị sẽ làm cho nó phát điên lên vì từ nay nó không thể trút được những nhục dục trong người cho bất cứ ai - Ném mẩu thịt vào thùng nước rác, Tơn bật khóc nức nở - Sao ơi, thằng Kham đã bỏ đi rồi, nhưng chị không trốn được nó đâu, nó đã cắm vào người chị cái mầm giống của nó. Em nhìn đây- Tơn vạch áo chỉ vào chiếc bụng và đôi bầu vú căng đầy - Chị có thai với nó bốn tháng rồi. Ôi, chúng ta đều là những kẻ khốn nạn, đừng nguyền rủa, đừng bỏ mặc chị ở đây một mình Sao ơi. Đến bây giờ thì chị không dám rời bỏ cái thung lũng khốn kiếp này được đâu. Hãy ra mở cửa gióng chuồng bò đi, xin em đừng nhìn chị như thế, đi đi em, lũ bò đang đói cuồng lên rồi đấy…

Sao bước đi như người mắc bệnh mộng du theo đàn bò ra bãi thả, buổi chiều cô lại theo lũ bò trở về, hôm sau lại như thế, cô ngớ ngẩn như người mất trí chẳng nhớ mình đang làm những gì. Phải hơn một tháng sau trí nhớ của cô mới được khôi phục, cô trở nên ít nói, hai con người lặng lẽ sống bên nhau lủi thủi như hai con rùa. Sao nhớ một hôm khi cô sang bãi thả bắt bò về kéo xe, Kham đỡ Tơn trèo lên lưng một con bò, mặt chị xanh tái nằm rạp xuống hai tay ôm chặt lấy cổ con bò, còn Kham cầm cây gậy vụt cho con bò chạy lồng lên.

- Hê! Hê! Hê!…

Con bò phè bọt mép chạy một hồi thì quỵ xuống, Tơn bắn ra khỏi lưng nó, chị vừa lồm cồm bò dậy Kham lại xốc nách chị đặt lên lưng con bò đang thở hồng hộc, bọp mép phè ra một cách khốn khổ. Sao lẩm bẩm: “Họ sắp điên cả rồi hay sao mà bắt bò chạy như ngựa thế kia?”. Con bò lại vấp ngã Tơn lại bắn ra lăn lông lốc trên mặt đất, Kham lại nhào tới… làm cả thung lũng huyên náo, đàn bò hoảng loạn chạy tan tác. Lần này thì con bò không thể đứng dậy được nữa, Kham giáng một cú thật mạnh vào đầu nó rồi đuổi bắt một con khác dắt tới chỗ Tơn đang nằm vật ra đất mặt mày nhợt nhạt vì sợ hãi, chị rít lên co cẳng đạp vào giữa mặt Kham khi anh ta vừa cúi xuống định xốc nách chị lên.

- Thằng khốn, hãy cút đi! Cút đi!…

Kham khựng lại, hắn vung cây gậy toan quật xuống đầu Tơn vừa lúc Sao chạy tới, cô kịp giật được cây gậy trên tay Kham, anh ta nhổ bãi nước bọt lầy nhầy máu về phía Tơn hầm hầm quay đi.

- Mụ biết đấy, chúng ta cần phải rời bỏ nơi đây, tao không thể sống mãi ở cái thung lũng chết tiệt này. Hơn một năm nay đàn bò đã sinh sôi thêm nhiều con nữa, đủ rồi chúng nó chẳng có lý do gì bắt tao ở lại đây, mụ Thân đã hứa với lão Mạnh sẽ đưa tao về đội ươm cây trong năm nay. Còn bây giờ nếu thòi cái của khỉ kia ra chúng có cớ để bắt tao ở đây thêm vài năm nữa, đổ vỡ hết. Không thể như thế được. Mụ muốn giữ hả? Được rồi, chính mụ phải chịu sự nhục nhã chứ không phải tao. Ai bắt được tao? Hả? Bản thân mụ một thời lăng nhăng nên người ta mới tống mụ lên đây chứ?

- Chị Tơn! Sao cúi xuống nắm lấy bàn tay khô gầy của Tơn - Có chuyện gì thế hả chị?

- Chẳng có chuyện gì đâu - Tơn nói giọng hoảng hốt.

Tơn lật người úp mặt xuống cỏ khóc nức nở. Từ hôm ấy Sao lờ mờ đoán hình như có một cái gì đó đang giằng níu giữa hai con người kia, họ co kéo, giằng giật, người nọ bắt người kia phải làm theo ý mình. Bây giờ thì chuyện đã rõ rành, Sao cảm thấy như người bị mất thăng bằng. Cho đến một hôm Sao mới cuống cuồng bảo Tơn.

- Bắt đầu từ hôm nay chị không phải theo lũ bò ra bãi thả nữa, với số cỏ khô đã có như hiện nay chị em mình không phải cắt thêm, chị phải ở nhà, còn mấy nữa đâu là đến ngày chị sinh nở? Chúng ta hãy phá những bộ quần áo cũ may áo xống cho cu cậu đi thôi…

- Biết là cu hay là cún hả em? Tơn mỉm cười.

- Em đoán là cu, vì bụng chị lệch sang bên trái nhiều hơn. Mẹ em bảo bụng người chửa lệch sang trái đích thị là con trai, còn lệch sang bên phải là con gái. Chị định đặt cho cu cậu tên gì nhỉ?

- Quê chị các cụ đặt tên theo năm. Ví như: Thìn, Mùi hay Ngọ…

- Lối đặt tên cổ lỗ sĩ, em phản đối - Sao xua tay - Không được! Không được! Phải đặt cho cậu một cái tên thật kêu: Hoàng, Long hay là Ngọc?

Tơn cúi xuống nét mặt trầm ngâm.

- Tuỳ em chọn, nhưng theo chị chúng ta hãy tìm một cái tên nào đó gắn với mảnh đất dữ dằn này.

- Chẳng lẽ gọi cu cậu là Pa Cheo, Ta Khao, hay Huổi Mèn? Ôi, nghe buồn cười lắm - Sao cười ngất ngư - Thôi, ta cứ gọi cu cậu là Núi, Trần Xuân Núi.

- Nhỡ là con gái thì sao? Tơn hỏi lại vẻ băn khoăn.

- Thì cứ gọi là Núi, nghe càng ngộ chị ạ - Sao xoa xoa tay lên bụng chị Tơn giọng hết sức vui vẻ - Khi nào cu cậu biết đi là em bắt cưỡi bò, con bò đen cụt đuôi bây giờ nom hiền lành và khù khờ, thật tội nghiệp cho nó quá…

Bắt đầu từ hôm ấy hai người thường bàn tới chuyện sinh nở. Họ dồn tiền lương ba tháng của cả hai người gửi mua panh, kéo, bông băng, thuốc men… Gần tới ngày sinh Tơn càng yếu, chị gầy và xanh, đi lại khó nhọc hơn, mỗi bữa chị chỉ ăn được lưng cơm, chân lại bị phù, Sao nghe người ta nói những người chửa như vậy là nguy hiểm lắm, bởi thế cô không dám đuổi bò đi ăn xa, cô cho bò ăn quanh quẩn gần trại, lát lát cô đảo về ngó xem chị làm gì, thấy Tơn ngồi nhiều Sao lại kêu lên bắt chị đi đi lại lại đôi chút. Tơn cười hiền lành.

- Chẳng sao đâu, đừng lo cho chị nhiều thế em - Chị thở dài - Chị không thể mường tượng nổi đứa con của chị rồi đây cuộc đời nó sẽ ra sao. Nếu là con gái cầu trời cho nó đừng giống chị, nếu là con trai nó đừng độc ác, tàn nhẫn như thằng Kham. Sao ơi! - Đôi mắt Tơn bạc đi, chị níu lấy cánh tay Sao - Vài tháng trước Kham bắt chị cưỡi bò là hắn muốn cái thai trong bụng chị truỵ ra, nhưng khi ấy chị thèm có một đứa con nên chị cố giữ. Còn bây giờ? Ôi, chị sợ lắm! Không, đừng lo cho chị Sao ơi…

- Nhưng mà chị yếu lắm, da xanh như thế kia. Mẹ em kể ngày có mang em đến ngày sinh rồi mà bà vẫn còn đi cấy, hôm ấy nếu không chạy mưa bão thì bà đã đẻ rơi em ở ngoài đồng. Lạ thật, đến lúc sinh rồi mà bà vẫn chẳng đau đớn gì, chỉ thấy tưng tức ở cửa mình. Còn khi có mang mấy đứa sau em thì bà đau trệt hai bên hông, đau khốn khổ.

- Cũng tại máu mỗi người em ạ…

T.S.