Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Thriller Bờ Bên Kia

Lưu Thủy Hương

Chương 10: Phần hủy

Tôi là Robert.

Em không nhận ra tôi sao?

Tôi đây.

Những bí mật của tôi nằm trong bóng đêm u uẩn. Những giấc mơ không tưởng nối kết vô thức cuồng loạn với thực tại khiếp nhược. Cuộc sống thường nhật bị cơn ác mộng xâm thực, nỗi ám ảnh như sóng tràn qua bờ ký ức thúc dục hành động. Tôi càng cố xua đuổi những hình ảnh trong giấc mơ thì chúng càng có cơ hội hiện diện, đâm những cái rễ dài ngoằng đầy gai nhọn vào vùng suy tưởng.

Mẹ có bao giờ bị ám ảnh bởi những giấc mơ không?

Em có hình dung ra sự đe dọa không?

Bà có nhìn thấy những cái rễ ma quái dị dạng của cơn ác mộng không?

"Một đêm nào đó, một đêm loạn tưởng, tôi sẽ giết chết bà bằng con dao cắt cà chua."

Bà Raskovic.

Tôi là gã hàng xóm ở tầng bốn.

Tôi sẽ giết chết bà bằng con dao cắt cà chua.

Tôi biết trước điều đó.

Tôi sẽ không để cho nó xảy ra.

Tôi cố giữ mình tránh xa tội ác đã được định sẵn. Mỗi buổi tối tôi tự giam mình sau cánh cửa có ba ổ khoá, cách ly với quá khứ. Nhưng cánh cửa có ba ổ khoá cũng sẽ không ngăn chận được giấc mộng giết người. Một đêm nào đó, tôi sẽ lần lượt mở từng ổ khoá, bước ra hành lang tối đen. Con dao cắt cà chua nắm chặt trên tay. Căn hộ của bà Raskovic nằm ở tầng trệt, nhìn ra khoảng vườn hẻo lánh. Thành ban công thấp, khuất giữa những bụi tuyết tùng xum xuê. Không phải tình cờ mà trong giấc mơ tôi chọn bà Raskovic. Căn hộ của bà goá rất dễ đột nhập, chỉ cần đi vòng ra sau bụi tuyết tùng, nhón gót đu lên thành sắt, đạp chân lên bờ tường. Từ trong ký ức xa xăm tôi cũng từng sống trong một căn hộ ở tầng trệt, có ban công nhìn ra khoảng vườn hẻo lánh. Trong những đêm mưa sụt sùi, thằng tôi bé nhỏ sợ hãi rúc mình trong góc giường. Nó nghĩ đến những người đàn ông hung tợn trèo qua ban công. Những người đàn ông thường nồng nặc mùi rượu, đi qua hành lang, chui vào phòng mẹ.

Chỉ cần đu người lên thành sắt, đạp chân lên bờ tường là tôi có thể leo lên ban công nhà bà Raskovic.

Tôi sẽ chọn một đêm mưa tầm tã để không ghi lại dấu vết, một đêm mưa nào đó, dữ dội và não nùng như đêm nay, như đêm qua, như những đêm kinh hoàng trong quá khứ. Khi những tia chớp sáng lập loè trên tấm cửa kính vừa tắt, tôi sẽ đu mình qua thành sắt. Bàn tay tôi mò mẫm lên tấm kính cửa sổ ướt đẫm. Bàn tay không thể xuyên qua lớp kính, chúng cứ trượt đi theo làn nước. Nhưng ánh mắt tôi có thể xuyên qua lớp kính, xuyên qua bóng đêm. Ánh mắt tôi tìm đến bên bà Raskovic. Người đàn bà ngủ say trên cái giường phủ khăn đỏ, bóng tối nhờ nhợ che lên khuôn mặt chảy phệ. Tôi thì thào gọi, bà Raskovic, bà Raskovic.

Nếu bà Raskovic đột ngột thức giấc, hình ảnh gã đàn ông đứng lù lù bên cửa sổ có làm bà hoảng sợ, có làm bà thét lên kinh khiếp hay không. Hay bà lại lặng lẽ chìm vào giấc ngủ vì nghĩ rằng, gã chỉ là hình ảnh của giấc mơ. Tôi không biết. Tôi không thể biết được điều gì xảy ra trong đêm mưa oan nghiệt đó. Chỉ có định mệnh mới biết rõ bộ mặt kẻ sát nhân.

Mưa lạnh từ phía sau thổi tới, xuyên qua làn áo ướt, đâm những cái rễ gai góc vào da thịt. Gió hồ u uẩn từ xa vọng về xao xác ngàn lau. Hồ nào ở đây, giữa lòng thành phố? Tôi đặt tay lên chốt cửa. Cánh cửa của người đàn bà cô độc run lên lỏng lẻo. Con mèo mướp to lớn nằm trong góc nhà bỗng cất giọng kêu buồn bã. Đôi mắt tím ngắt oán hờn độc địa đong đặc bóng đêm. Khi tia chớp vừa lóe sáng trên tán lá thù dù, hình ảnh tôi hiện ra trong đáy mắt con mèo. Tôi thấy mình dưới đáy nước xanh tím âm u, lá dương thụ vàng tan nát bủa vây. Nước mắt tôi trào ra, tiếng rên khàn đặc vướng trên cổ khô cứng lại. Có đàn thiên nga nào về ngang căn nhà cũ, nghe tiếng đàn lầm lạc Tschaikowsky. Có mùa mưa nào về ngang vườn cũ, buông giọt sầu lên những lùm hoa tím dại. Tôi lùi lại, lùi lại, cho đến khi lưng mình đụng vào thành quá khứ.

Dưới cơn mưa tầm tã tôi lại leo qua những lùm cây tuyết tùng. Bao giờ cũng vậy, khi ra đi tôi chỉ là thằng bé năm tuổi, khi chạy trốn tôi mang gánh nặng tội lỗi nghìn thu. Mưa vẫn còn rơi trên hồ năm cũ.

Tôi băng qua mảnh vườn đẫm nước, trở về lại cửa chính. Cái chìa khoá trượt đi nhiều lần trên ổ khoá. Bàn tay tôi ướt át run rẩy như không còn sức lực.

Tôi xô cửa bước vào hành lang, tiếng mưa ở lại phía sau, trôi tuột trong vùng tối đen. Bên trong nhà cũng tối đen. Bàn tay tôi lần mò tìm thành cầu thang phía bên trái. Mọi thứ đều quen thuộc, góc tường bên này, bậc thềm bên kia… phía bên trái cầu thang là con đường dẫn ra nơi đổ rác… phía bên phải cầu thang là hành lang dẫn vào căn hộ bà Raskovic. Phòng tôi nằm tầng bốn, tôi có thể đi thẳng một mạch lên đó mà không cần mở đèn. Nhưng đêm nay, cũng như bao đêm về trước, tôi dừng lại ở góc rẽ vào phòng bà Raskovic. Tôi đứng lặng ở đầu hành lang nhìn vào khoảng không gian đen đúa. Ánh đèn công tắc điện như một con đom đóm đỏ, sáng nhấp nháy ngay cạnh cửa căn hộ. Tim tôi thắt lại, có thể bà ta quên khoá cửa chính. Lạy Chúa, xin bà đừng quên chuyện hệ trọng đó. Đừng biến án mạng thành một câu chuyện tầm thường đã có đoạn kết.

Bà Raskovic cũng có thói quen lần mò đi trong bóng tối. Tất cả những người ngụ trong căn nhà này đều có thói quen đi trong bóng tối. Họ giống những bóng ma rơi rớt lại từ trong bom đạn và vùng đổ nát của chiến tranh. Những chùm đèn pha lê chạy dọc hành lang rung leng keng trong những ngày dông bão và cô đơn, dường như chúng chưa bao giờ được thắp sáng trở lại từ sau khi bị bom đạn đồng minh dội nát.

Bà Raskovic mang khuôn mặt của chiến tranh, của đói khát, của hận thù và chết chóc. Tôi không chọn bà ấy mà sự hận thù của bà ấy đã chọn tôi. Một lần hay có lẽ nhiều lần, trong hiện thực tối tăm hay giấc mơ tăm tối, tôi bắt gặp bà Raskovic - hay bà Raskovic bắt gặp tôi. Khuôn mặt bà góa đột ngột hiện ra giữa vùng trăng soi xám loãng. Nó như bộ mặt người chết trôi bỗng trồi lên từ trong bóng tối đậm đặc lòng thù hận. Tại sao tôi không làm lơ bước ngang qua. Tại sao tôi lại đứng chết sững nhìn bà ta mà không rõ bà ta có nhìn thấy tôi hay không. Khoảng thời gian đó dài ngắn bao nhiêu, không rõ. Chúng tôi đứng đối diện nhau từ hai đầu bóng tối - dòng thời gian không ánh sáng chậm chạp trôi đi - bà Raskovic - mùi quế bay thoang thoảng - bà Raskovic vừa làm bánh ngọt - bánh táo có nho khô và rắc bột quế - Vi cũng rất thích ăn bánh ngọt - sao lại là Vi - sao lại là em - tấm khăn choàng cổ giả lông báo sáng nhờ nhợ lốm đốm, cắt ngang phần trăng soi và vùng bóng tối - trong bức tranh lem luốc đó, tấm khăn quàng cổ là cái đĩa tròn, trên cái đĩa là cái đầu của một người đàn bà chết trôi. Khuôn mặt tái nhợt bồng bềnh trên nước đen.

"Robert. Đó là Moni. Mày đã có mặt bên bờ hồ. Đúng không?"

Không. Tôi thì thào.

Không.

Tôi có chứng cớ ngoại phạm.

Tiếng thang máy bắt đầu khởi động, từ trên cao vọng xuống xè xè - chỉ vài khắc nữa, cửa thang máy sẽ mở toang, ánh sáng sẽ tràn ra xoá đi ảo ảnh - điều đó không xảy ra - không ai cho phép nó xảy ra - tiếng thang máy vẫn chạy xè xè không dứt, âm thanh kỳ dị cứa lên những sợi dây thần kinh đang căng cứng - khích thích kinh khủng - kinh khủng kích thích - tôi không lùi lại không bỏ đi - tôi tiến từng bước xuyên qua hành lang, đến gần bà ta - sự hận thù trong đôi mắt người đàn bà - miệng bà ta há ra như một cái lỗ thủng đen ngòm trên tấm giấy báo bèo nhèo - đôi tròng mắt xoay vòng muốn vọt thẳng về phía tôi - bà nhận ra tôi rồi sao - ánh trăng cũng đang soi trên mặt tôi một vùng xám loãng ghê rợn - nhưng tại sao bà không sợ hãi - tại sao bà không bật đèn lên - công tắc đèn nằm kia, ngay bên cạnh - con đom đóm đỏ nhấp nháy ngay bên cạnh - tại sao bà muốn tàn sát sự sợ hãi trong bóng tối khủng khiếp này - tại sao bà biết trước kết cuộc bi thảm mà sinh ra hận thù. Ý nghĩ thoáng qua làm tôi nghẹn ngào: bà Raskovic có cùng giấc mơ với tôi.

Tiếng thang máy vẫn chạy xè xè làm tôi mệt mỏi. Lạy Chúa. Bao giờ thì nó mới chịu dừng lại. Bao giờ thì nó mới thôi kêu xè xè.

"Bà Raskovic. Nhớ khoá cửa vào buổi tối. Nhớ cẩn thận khoá cửa vào buổi tối." Tôi lo lắng thì thào.

"Tôi sẽ nhớ." Bà ta nghiến răng.

"Khoá thật kỹ." Tôi thở hắt ra.

"Tôi sẽ khoá thật kỹ." Bà ta thở hắt ra thù địch.

"Khoá tất cả các cánh cửa, nhất là cửa ra ban công." Tôi nghẹn ngào.

"Tôi sẽ khoá cửa ban công." Bà ta nghẹn ngào căm phẫn.

"Bà nên nuôi một con chó." Tôi muốn khóc òa lên.

"Tôi sẽ nuôi một con mèo." Ba ta thì thầm độc ác.

Con mèo. Tại sao lại là con mèo. Tôi quay mình phóng chạy lên những bật cầu thang quen thuộc, không hề vấp té. Trong phòng khách nhà mình, tôi vụng về té xấp lên chiếc sofa. “Mẹ, con muốn nuôi một con chó.” “Thằng điên, tao làm gì có tiền cho những thứ đòi hỏi ngu xuẩn của mày.” “Mẹ, con muốn có một con chó.” Bà ta sẽ giận dữ rút sợi dây nịt ra. Những khi say khướt như vậy bà ấy đều muốn đánh tôi. Không phải vì con chó, chỉ vì bà ấy muốn đánh tôi. Nếu có con chó, bà ấy sẽ đánh tôi và đánh luôn con chó, khi ấy cả hai cùng đau. Thật tuyệt vời nếu tôi có thể chia sẻ cùng ai đó một nỗi đau. Sao bà ấy còn chưa đánh. Đánh đi, đánh đi, mẹ còn chờ gì nữa. Đánh đi, con muốn một con chó. Tôi gục đầu trên thành sofa, lả đi trong nỗi đau.

Trong giấc mơ nào đó, tôi tìm được một con mèo hoang làm bạn. Nhưng con mèo là thứ xảo quyệt, nó chỉ đến để tìm hơi ấm của tôi chứ không bao giờ muốn chia sẻ với tôi nỗi đau. Nó trườn vào giường rên khừ khừ rồi giương móng vuốt ra. Nó không muốn chia sẻ, nó chỉ muốn chiếm đoạt. Nó mặc bộ áo ngủ màu đỏ chói. Tôi chạy trốn khỏi chiếc giường của mình, không bao giờ quay lại đó. Tôi nằm co rút trên ghế sofa, kiệt sức thiếp đi nhưng không sao giải thoát mình khỏi những nỗi ám ảnh, chúng đuổi theo tôi, dai dẳng, vào tận trong vùng tối của vô thức.

Tiếng thở khò khè của bà Raskovic, tiếng trở mình nặng nề trên chiếc giường lò xo cũ kỹ và dơ bẩn. Tiếng con mèo rên khừ khừ trong phòng ngủ. Mùi quế và mùi bánh ngọt lan toả. Tôi bò dậy, lập cập lấy bông gòn nhét kín hai tai, bỗng rồi sợ hãi biết rằng, những tiếng động kia không đi từ bên ngoài vào bên trong, không đi từ tầng trệt lên tầng bốn. Đó là những tiếng động nằm sẵn từ bao giờ trong tiềm thức đang lục đục bò ra. Lạy Chúa, những tiếng la hét khủng khiếp, tiếng vật lộn, tiếng ném chai lọ. Không, còn có cả những tiếng hát nhừa nhựa và tiếng cười sằng sặc của mẹ nữa. Một đêm náo nhiệt và điên loạn. Nồng nặc mùi bia rượu. Một buổi sáng tôi tìm thấy người đàn bà nằm chết trên giường. Mái tóc đen xoã rũ rượi. Con dao cắt cà chua cắm trên ngực. Tôi ôm thân hình lạnh ngắt của bà ấy mà kêu gào. “Mẹ. Mẹ ơi, con sợ, con cần một con chó.” Tôi sợ. Tôi thực sự sợ hãi. Cái chết hung ác lại hiện ra làm tôi sợ hãi. Nếu bây giờ tôi nhắm mắt lại thì bà Raskovic ở tầng dưới cũng sẽ nhắm mắt lại. Nếu bây giờ tôi ngủ thì bà góa cũng sẽ ngủ. Chúng tôi sẽ cùng mơ chung một giấc mơ chết chóc. Tại sao bà ấy không kháng cự, không chạy trốn số phận. Tại sao bà ấy cố tình buộc tôi vào sứ mệnh tên đồ tể. Như mẹ, như Moni. Đàn bà là giống vật độc ác và ngu xuẩn. Tôi cố không nghĩ đến những điều kinh khủng đó, cố chạy trốn những giấc mơ và quá khứ của mình. Tôi uống liên tục và trôi đi trong những cơn ác mộng rùng rợn khác.

Buổi sáng nặng nề kéo tôi thức dậy. Bàn tay tôi vấy máu, con dao cắt cà chua nằm bên cạnh. Không rõ trong giấc ngủ tôi vô tình cứa phải mép răng cưa hay đó là máu của con mèo, máu của ai đó. Tôi nằm trong phòng khách hoang mang rã rời, không nhớ nổi mình đã giết ai. Không biết ai vừa chết đêm qua. Bà Raskovic hay Vi. Hay là mẹ.

Gã đàn ông trong gương hốc hác nhìn tôi. Đôi mắt thâm quầng. Nước da tái xanh nhợt nhạt. Ánh mắt tội lỗi. Diện mạo kẻ giết người. Tôi vốc nước lạnh tạt vào mặt gã. Cảm giác xa lạ ập tới, bắt đầu bằng muôn nghìn mũi kim chích trên mặt. Lạnh, nước lạnh quá. Những thứ vón cục trong đầu tôi giãn dần, mềm như cái bánh bông lan. Tôi dúi miếng bánh nóng hổi thơm mùi va ni xuống vòi nước lạnh. Cảm giác tê tái luồn vào da đầu, thấm sâu tận chân tóc. Máu rần rật chảy đi phá toang những rào cản. Tôi lắc mạnh đầu, những giọt nước văng tung toé, xoá mờ hình ảnh thằng người trong gương. Những giấc mơ quái đản đã ở lại bờ bên kia.

Đồng hồ chỉ bảy giờ hai mươi sáu. Tám giờ tôi phải có mặt ở studio.

Ở khúc quanh tầng trệt, suýt nữa tôi xô vào người bà Raskovic. Bà ấy đứng chờ sẵn từ bao giờ nơi góc hành lang tối tăm. Con mèo nằm trong lòng bà ta đôi mắt tím ngát, trong suốt như thuỷ tinh. Nó cất tiếng kêu “ngao” nhạt nhẽo. Trên cổ nó thắt sợi dây nơ màu đỏ sẫm. “Chào buổi sáng.” Tiếng nói xa lạ bật ra, không rõ từ miệng tôi hay miệng bà góa.

"Robert. Chào buổi sáng."

Khuôn mặt lạnh lùng không biểu cảm của bà Raskovic lướt qua, nó hoàn toàn khác biệt với khuôn mặt hận thù trong giấc mơ ban đêm. Mùi sữa va ni thoang thoảng. Chắc bà ta vừa làm bánh phô mai. Tôi đứng ở bậc cầu thang, nhìn về góc hành lang bên phải. Ánh sáng ban ngày tràn qua khung cửa kính phía sau lưng tôi, soi một khoảng sáng mờ lên bức tường hẹp. Cánh cửa phòng bà goá ở cuối hành lang chìm trong bóng tối, nơi ánh sáng bên ngoài không thể nào mò đến được. Đêm qua tôi thấy ánh trăng soi trên khuôn mặt bà ấy.

"Ánh trăng nào chứ. Làm sao ánh trăng có thể vào tận nơi tăm tối đó?"

Tim tôi thắt lại và tôi hiểu rằng, những hình ảnh của đêm hôm qua sẽ không bao giờ trở lại hoàn hảo. Những giấc mơ đưa tôi đến với nạn nhân của mình sẽ nằm trong những tình huống khác nhau, những thị giác - thính giác khác nhau và những phản ứng tiềm thức khác nhau. Điều đó có nghĩa là, tôi sẽ không bao giờ đoán biết được điều gì sẽ xảy ra.

Trong trò chơi của số phận, tôi luôn là kẻ bị động.