Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Thriller Bờ Bên Kia (kỳ 11)

Lưu Thuỷ Hương

Chương 11: Đòn chân sát thủ

Năm mười sáu tuổi tôi thôi học judo, ghi danh vào võ đường karate, mặc cho mạ ca cẩm chuyện bếp núc và mặc cho ba chất vấn chuyện học hành. Tôi bước chân vào võ đường Yamaoka với cái quần jean lem luốc rách đầu gối và yêu anh Kiyoshi trong bộ áo gi trắng tinh thanh khiết. Yêu ngay từ buổi tập đầu tiên.

Rồi tôi trở thành một con người khác.

Không phải những cú đấm, cú đá ở võ đường chuyên nghiệp làm tôi giảm bớt sự hưng phấn, mà, bài học lễ nghĩa và sự dịu dàng của anh Kiyoshi làm tôi trở nên nhu mì. Kiyoshi hiện ra trong mắt tôi không giống như chàng hoàng tử mà tôi luôn mơ ước ở tuổi mười bốn. Sư huynh Kiyoshi, con trai võ sư Yamaoka, là một người đàn ông đã có vợ con và lớn hơn tôi mười lăm tuổi. Chưa bao giờ tôi cho phép mình nhìn thẳng vào mắt Kiyoshi hay bày tỏ thái độ lả lơi bất nhã. Trước mặt anh ấy, bao giờ tôi cũng cúi đầu giữ lễ và học cách ăn nói khiêm cung. Đứa trẻ tuổi lên năm với một quá khứ kinh hãi giờ đây tìm thấy sự bình an bên chiếc bóng lặng thênh của Kiyoshi. Ba mạ và những người đồng hương của họ sẽ chẳng bao giờ tin vào mối tình thánh thiện không nhục cảm của tôi. Mỗi khi nghĩ đến chuyện cả hội đồng hương người Việt lôi võ đường Yamaoka ra đàm tiếu là tôi nghẹn ngào chôn kín mối tình của mình xuống tận đáy lòng, nhưng chẳng vì vậy mà Kiyoshi biến mất khỏi giấc mơ thần thoại. Vì Kiyoshi mà tôi có mặt ở võ đường năm buổi chiều trong tuần, vì Kiyoshi mà tôi quyết tâm vào ngành pháp y tìm công lý, vì Kiyoshi mà tôi luôn bò dậy đi tiếp sau mỗi lần bị đánh gục.

Kiyoshi đang trong giờ tập với các võ sinh renshi ngũ đẳng huyền đai ở võ đường chính. Trái tim tôi thắt lại khi nhìn thấy dáng điệu khoan thai, khuôn mặt đẹp như tạc bằng đá của Kiyoshi.

Tôi giữ lễ cúi thấp đầu chào khi Kiyoshi đi tới. Anh cũng cúi đầu chào tôi:

"Chào Sachi."

Kiyoshi vẫn gọi tôi là Sachi, nó có nghĩa là niềm vui. Anh đặt tên này cho tôi khi tôi mới bước chân vào võ đường, những năm tháng đó, giọng cười thất thanh của Sachi thường làm các võ sinh trong phòng tập giật mình mất cảnh giác.

Kiyoshi đứng thẳng người nhìn tôi chờ đợi. Đó là cách của anh, karate ni sente nashi. Karate không ra đòn trước.

"Danshi mon o izureba hyakuman no teki ari." Bước chân khỏi nhà là gặp vô số kẻ thù. Tôi cúi đầu gượng cười, mượn lời của sư tổ Funakoshi diễn tả nỗi lo âu.

"Kokoro wa hanatan koto o yōsu." Cần phải để tâm trí thoải mái. Kiyoshi nhẹ nhàng đáp. Có lẽ, anh tưởng tôi nói đùa nên cũng đáp lại bằng một câu trong hai mươi điều lệ của sư tổ.

Tôi lùi lại chấp tay:

"Cảm ơn anh."

"Công việc của Sachi ra sao?"

"Vẫn vậy. Vì công lý."

Kiyoshi cười. Nụ cười êm đềm như dòng suối mùa thu.

"Sachi chuẩn bị ra sàn tập với Steven nhé."

Tôi gật đầu mà vẫn đứng lặng im cho đến khi Kiyoshi trở về sàn tập với các võ sinh. Trên sàn tập, Kai nhìn tôi nháy nháy mắt chọc ghẹo. Steven và Alex thân thiện vẫy tay chào. Tôi quen với Kai từ thời còn con nít đi học judo nhăng nhít ở các võ đường không chuyên nghiệp. Một tuần đến sàn tập một lần để vật lộn, để vui đùa và thọt lét nhau. Kai chán judo đổi qua học karate, ba năm sau hắn kéo tôi qua ghi danh ở võ đường Yamaoka, và trở thành sư huynh của tôi. Kai cao lớn, mạnh mẽ, tử tế, ra đòn thần tốc, thích ăn pizza và rất sợ sushi. Tôi toét miệng ra cười với Kai, vẫy tay lia lịa với Steven và Alex. Họ là những người bạn của một thời ngỗ ngáo, thỉnh thoảng tụi tôi hẹn nhau đi uống bia ăn pizza, thỉnh thoảng Steven lại nói vui: "Bao giờ em làm vợ anh thì anh sẽ chỉ cho em cách ra đòn tử tế."

Buổi chiều hôm đó, tôi ở lại võ đường, tập với Steven đến rã rời chân tay. Kiyoshi cũng không hỏi gì thêm, không hỏi vì sao hai năm nay tôi không đến võ đường, những kẻ thù đó là ai. Chỉ khi tôi nhờ Kiyoshi tập lại đòn chân sát thủ, anh mới nhìn tôi chăm chú và nói:

"Phải thận trọng, không được khinh suất."

Suýt nữa thì tôi khóc rống lên và kể hết sự tình cho Kiyoshi nghe, nhưng tôi lại nặn ra một nụ cười tươi tắn:

"Em nhớ rồi, thưa chưởng môn."

Kiyoshi bây giờ đã thành chưởng môn. Những rắc rối của tôi chỉ kéo võ đường Yamaoka vào một thảm hoạ khôn lường. Kiyoshi là người nghĩa khí, chắc chắn anh sẽ xả thân bảo vệ đồng môn. Kai, Steven và Alex cũng vậy. Nhưng đây không phải là cuộc chiến dành cho Kiyoshi và các võ sinh, một cuộc chiến ngay thẳng tuân thủ theo điều luật của giới thượng võ.

Tôi rời võ đường Yamaoka, cố quên đi lý do vì sao chiều nay mình tìm đến đây.

Đường về nhà chẳng xa chẳng gần. Tôi lái xe vòng vèo ra phố Kufürstendamm, bỗng rồi ngẩn ngơ thấy mình đang ở Savignyplatz. "Tại sao em cứ thích ra đây? Tất cả các con đường đổ về Savingyplatz đều mang tên đàn ông." Giọng nói giễu cợt của Nils bảng lảng trong một quán cà phê nào đó, trong một góc công viên nào đó. Ừ, tất cả các con đường quanh Savignyplatz đều mang tên đàn ông, hai ông triết gia Kant và Leibniz, mấy ông viết sử Giesebrecht, Niebuhr, Mommsen, Sybel, ông kiến trúc sư Schlüter, ông họa sĩ Bleibtreu...

Tôi buột miệng hỏi:

"Chẳng lẽ gọi đây là phố đàn ông?"

"Thật quá vinh dự cho bọn đàn ông." Nils cười ha hả.

"Thì gọi là phố đồng tính vậy."

Nils thôi cười nhìn tôi đăm đăm.

Ừ, thì tôi đoán vậy. Nils thuộc về "bờ bên kia", nói theo tiếng lóng của người Đức: vom anderen ufer. Bờ bên kia là thế giới của người đồng tính. Tôi quen Nils trong một homobar ở Kreuzberg, lúc đầu cứ xem Nils như bạn gái, yêu Nils lúc nào không hay.

"Phố đàn ông" ngày cũng như đêm luôn đặc kín xe cộ. Tôi mất ba mươi phút chạy vòng vèo tìm chỗ đậu xe, mất thêm mười phút đi bộ phất phơ để đến được quán ăn quen thuộc. Đó tiệm mì Ý nằm dưới gầm cầu xe lửa, Nils thường khen dầu xà lách chỗ này đúng gu Ý. Tôi lại có dịp chế nhạo Nils:

"Đồ ăn ngon thì phải đúng gu mình, tại sao lại cần đúng gu Ý hay gu Pháp."

Nils không phản đối, gật đầu khen tôi nói đúng. Gã khó tính nhưng tạp ăn.

Mấy quán ăn đều đã kín chỗ dù rằng thế giới ăn chơi sau mười giờ đêm mới bắt đầu nhộn nhịp. Anh bồi bàn đưa tôi vào tận góc nhà sau lò sưởi, giữa đám màng nhện bằng tơ nhân tạo và mấy cái đầu lâu bằng nhựa dẻo treo tòng teng. Tôi tiện tay tay bóp một phát, cái đầu lâu méo xẹo đi. Anh bồi bàn trợn mắt dọa:

"Cẩn thận. Coi chừng cả chùm màng nhện rớt xuống."

Chuyến lửa chạy rùng rùng bên trên trần nhà, mấy cái đầu lắc lư trong đám màng nhện cứ như sắp rớt xuống bàn. Tiếng nói của tôi chìm trong cường độ rung chuyển của gầm cầu. Anh bồi bàn đứng kiên nhẫn chờ cho chuyến xe chạy qua, vui vẻ hỏi lại:

"Món gì, thưa cô?"

"Một súp hành zuppa di cipolla. Một phần rau chiên fritto misto di verdure. Một dĩa mì spaghetti alla carbonara. Một tô sà lách cá thu. Một ly nước táo." Tôi khoan khoái đọc thực đơn.

Anh bồi vừa ghi vừa nhướng mắt nhìn tôi. Dường như anh nghĩ, một người đàn bà Á Châu làm sao ăn hết chừng đó thức ăn. Ha, đàn bà Á Châu cũng biết đói, cũng tham ăn như ai. Tôi khoái chí lòe thêm:

"Tạm thời bao nhiêu đó. Nếu còn đói thì kêu thêm."

Anh ta gật đầu:

"Dọn ra một lần hay từng phần?"

Tôi trả lời kiêu hãnh:

"Dọn ra một lần. Tôi đói lắm."

Tôi đói thật, bụng cồn cào nhưng thức ăn chỗ này làm hơi lâu. Từ sáng đến giờ tôi chỉ ăn có hai miếng bánh mì đen. Tôi kín đáo liếc sang bàn bên kia, con tôm hùm đầu bổ làm đôi nằm nghênh ngang trên dĩa sà lách. Hai con mắt giương lên lơ láo tìm nhau từ hai phía. Bụng tôi kêu réo "tôm hùm yêu thương, tôm hùm ơi". Tiếc quá, lẽ ra nên gọi món tôm hùm. Mạ nói tôm hùm chỉ chấm muối tiêu chanh là ngon nhất. Mấy tiệm ăn Tây bày vẽ sốt này sốt nọ mà làm mất hết mùi vị của tôm. Mạ vừa quê mùa vừa cực đoan. Tôi muốn dắt mạ đi ăn tiệm, muốn mạ đỡ vất vả trong bếp, nhưng mạ ra đường ăn gì cũng chê. Còn tôi, ra đường không có Mạ, ăn gì cũng thấy ngon. Về nhà Mạ, ăn uống phải đúng kiểu đúng vị, nhiều khi thấy mệt. Bánh bèo tôm chấy phải có nước mắm tôm luộc. Bánh bột lọc mở ra phải thơm mùi lá, phải chấm nước mắm ròng xắt ớt tươi. Con tôm đỏ nhỏ xíu nằm co ro giữa miếng bánh. Tôi rầu rĩ than, chết rồi mà còn co ro. Mạ nạt, con gái chi mà ăn nói vô duyên. Thì mạ nhìn coi, cứ mở một miếng lá chuối ra là có một con tôm chết nằm co ro. Lá chuối lại đen thui ủ rũ, thấy buồn gì đâu. Mạ lặn lội đi mua lá chuối đông lạnh ở tiệm Á Châu tận phố Steglitz, đem về tới nhà thì vừa tan hết đá. Mạ vắt từng viên bột nóng. Mạ tỉ mỉ sắp lên dĩa từng miếng tứ đức màu trắng gói kỹ trong lá. Mạ chạy xăng xáo tới trật quai dép. Mạ chạy từ nhà bếp ra phòng khách, phòng khách vô nhà bếp.

Những buổi chiều cuối tuần như vậy, ba làm ông tướng. Ba ngồi trên salon giữa đám khách khứa, hả hê hoa tay múa chân nói chuyện chính trị đại sự. Mạ đội cái mâm tam tòng lên đầu, mấy lon bia ướp lạnh khua lóc cóc. Khách khứa suýt xoa khen tụng chữ công dung ngôn hạnh của công nương dòng dõi Tôn Nữ. Mạ nở ra từng nụ cười tươi rói. Nụ cười của mạ trơn tru trên tấm lá chuối bóng mỡ. Thằng Cường khóc trong nôi. Con ơi, pha sữa cho em dùm mạ, bài vở để bữa khác học. Con Thuỳ con Thảo ôm chân mạ lè nhè. Con ơi, dẫn em đi chơi, con gái gì không đảm đang tháo vát, con gái gì cứ chúi đầu vô bàn học. Ba ngồi bên bàn nhậu vung tay hét oang oang, con gái gì mà công dung ngôn hạnh không lo học. Tiên học lễ hậu học văn, nhớ chưa?

Nhớ thì nhớ. Nhưng đó không phải là lẽ sống. Tôi bặm môi, cúi đầu trên trang giấy.

Những buổi chiều cuối tuần ba luôn làm tướng, ngồi bên bàn nhậu, vung tay hét oang oang. Mạ vẫn cười tươi rói, nụ cười vẫn trơn tru trên tấm lá chuối bóng mỡ. Con ơi, tra bài vở con Thùy cho mạ. Con ơi, ngày mai nhớ xếp đồ thể thao vô ba lô cho con Thảo mang theo. Con Thuỳ con Thảo mười tám tuổi lên đại học, mặc quần rách hở rốn ôm thằng con trai tóc vàng về gặp ba mạ. Ba vỗ bàn quát tháo xỉ vả. Hai đứa bỏ nhà đi luôn vô nội trú. Thằng Cường mười sáu tuổi nhơn nhơn dắt về nhà một con nhỏ quần rách hở mông. Hallo. Hai đứa nhâng nháo chào một tiếng rồi ôm nhau chui tọt vô phòng đóng xập cửa. Ba ngồi lặng trên salon, ba không chửi thằng Cường. Ba gầm lên chửi mạ, không biết dạy con, đẻ ra toàn một bọn mất gốc mất dạy. Mạ thút thít khóc, sợ nói ra một tiếng thằng Cường liệng luôn chữ tam tòng lại cho mạ rồi phủi áo đi. Mạ biết trước, thằng Cường sẽ phủi áo đi như ba.

Tôi cúi đầu nhẫn nhục ăn hết chỗ thức ăn của mình.

Mụ phù thủy già ngồi lê lết ở mấy bàn bên, chờ tôi ăn xong là xăng xái chạy qua.

"Cô muốn bói bài không?"

Tôi chưa kịp trả lời, mụ đã tự động kéo ghế ngồi xuống trước mặt. Bộ mặt già nua quắt queo, nhưng giọng nói rất trẻ, lại là giọng đàn ông. Chắc là mấy thằng sinh viên khoa tâm lý dỏm của đại học Humbolt, đám bạn bè của thằng Cường. Có lần thằng Cường cười sặc sụa kể tôi nghe chuyện đi lường gạt cảm xúc để kiếm tiền của tụi nó.

Tôi nghiêm khắc hỏi thằng nhóc ngồi trước mặt:

"Bà biết bói chuyện gì?"

"Chuyện tình yêu."

"Yêu ai thì biết rồi, cần gì phải coi bói."

"Biết thật không?" Mụ cười cười, bỏ xuống bàn bốn con bồi. "Cô hãy nghĩ đến bốn người đàn ông."

"Ha, bà giỡn chơi hay sao? Đàn ông chứ có phải tiền lẻ đâu mà bà đổ một đống xuống bàn biểu người ta đếm."

"Cô không cần đếm. Hãy nhìn bốn con bài và nghĩ đến bốn người đàn ông."

Thật là khó nghĩ. Chẳng lẽ có bốn người đàn ông mà vẫn chăn đơn gối chiếc.

Mạ ca cẩm hoài, sao hồi đó tôi không chịu lấy Thanh để mạ có cháu bồng. Thanh mê tôi như điếu đổ, mê ngay đơ từ lần gặp đầu tiên. Thanh nói, chưa gặp cô gái nào hiền dịu, thùy mị, duyên dáng như tôi. Tôi cúi đầu tủm tỉm cười. Nếu Thanh thấy tôi lên võ đài đá bể đầu gối đối thủ để giật huy chương, thì anh sẽ không mất nhiều công sức ngồi chờ tôi buột miệng nói ra vài câu báng bổ. Nhưng chưa bao giờ tôi nói với Thanh quá hai câu, bởi vì chẳng có chuyện gì để nói. Thanh gặp mạ thì tỉ tê chuyện phim tập, gặp ba thì rù rì chuyện xe hơi. Sinh nhật mạ, Thanh cho người mang bánh kem năm tầng tới tận nhà. Sinh nhật ba, Thanh tự quay heo sữa, khệ nệ khiêng sang chúc mừng. Mạ nói, con mà lấy thằng Thanh, con đỡ vất vả chuyện bếp núc. Tôi nghĩ thầm, tôi mà lấy Thanh, tôi thôi mổ xác trong nhà thương, về nhà mổ vịt cho Thanh quay. Gia đình Thanh có năm nhà hàng lớn và vô số tiệm ăn nhanh. Họ giàu có đình đám, nổi tiếng trên thương trường ăn uống ở Berlin. Chẳng hiểu vì sao Thanh lại chấm đũa trúng tôi, một người chỉ thích ăn chứ không thích vô bếp.

Nhà hàng chính của Thanh ở gần đây, trên đường Kant. Bốn năm theo đuổi tôi, mất hết bốn con heo quay, Thanh bỏ về Việt Nam cưới vợ. Tôi mang quà cưới đến thăm Thanh, theo lời yêu cầu thống thiết của mạ. "Con tới coi mặt con nhỏ đó cho mạ, nghe đồn nó là hoa hậu Bánh Trung Thu Đồng Khánh". Không biết mạ nghe ai đồn ác ý. Vợ Thanh quả thật có khuôn mặt tròn trịa như trăng rằm, dáng vẻ phúc hậu, nhưng không đẹp tới tầm hoa hậu. Loại đàn ông khôn ngoan ích kỷ như Thanh chẳng dại gì rước vợ đẹp sang đây.

Chàng trọc phú tên Thanh đang xốc chảo rổn rảng trong bếp, vừa nghe tôi hỏi tới đã lật đật chạy ra. Thanh lúng túng chùi tay lên cái trán hói bóng mỡ. "Em, em có khỏe không? Sao không nói trước với bồi để anh đừng bỏ cà chua vô cho em." Thanh trừng mắt nhìn sang cô vợ làm bồi. Vợ Thanh lùi lại, lọt thỏm sau quầy nước, trố mắt sợ sệt nhìn ông chủ. Tôi xốn xang nhìn xuống dĩa đồ ăn còn chừa lại mấy lát cà chua: "Thức ăn hôm nay ngon lắm, chỉ tại em hơi... đau răng nên ngại ăn chua." Thanh quay sang dõng dạc nạt vợ: "Khanh đâu, ra dọn bàn." Tôi lại tưởng như tiếng nạt nộ đó dành cho mình, phải cố gắng để đừng nhăn mặt. Vợ Thanh chạy ra cười toe, vừa hối hả dọn chén dĩa dơ vừa cười, vừa dọn phần ăn thừa của tôi vừa cười. Trong giây lát ánh mắt tôi và cô gặp nhau, người đàn bà trẻ vội vã quay đầu đi. Chắc là cô ấy biết hết, nhưng ở thân phận đó, hoàn cảnh đó có quyền gì mà ta thán.

Tôi cúi đầu mân mê mép khăn bàn, tránh ánh mắt Thanh đang chao đảo vì tiếc nuối. Chẳng hiểu Thanh tiếc nuối chuyện gì, có bao giờ Tôi hứa lấy Thanh đâu.

Chỉ từng định lấy một người, định bơi ngược dòng để lấy Jemes. Chàng kỹ sư miền đồi núi Aachen tóc vàng như lúa mạch, mắt xanh như nước biển, bờ môi sỗ sàng táo tợn. Tôi nhu mì nép mình vào vùng ngực Jemes tìm hơi ấm. Nhưng sao Jemes hút thuốc hôi rình. Tôi nín thở, len lén né đầu qua một bên. Cưới rồi bắt bỏ hút thuốc hay bắt bỏ hút thuốc rồi cưới. Trong thân phận nữ nhi này, cả hai thứ đều ngây ngô ảo tưởng như nhau. Mạ thì thào răn đe con gái phải biết giữ gìn, đàn ông chỉ mong ăn chùa xong là bỏ chạy. Mạ biết gì về đàn ông mà truyền đạt kinh nghiệm. Bàn tay Jemes ôm xiết không rời. Tôi trịnh trọng xúc muỗng tứ đức đổ lên bánh tráng, cẩn thận gói dúm tứ đức thành cái chả giò, âu yếm thả miếng tứ đức vô vạt dầu. Miếng tứ đức của tôi sôi lăn lộn. Tôi ôm chén dĩa chạy ra chạy vô, chạy trẹo quai dép. Có lúc tôi dừng lại ngẩn ngơ, cảm giác mình giống mạ. Rồi tôi lại cắm đầu chạy, chạy từ nhà bếp ra phòng khách, từ phòng khách vô nhà bếp. Tôi chạy được mấy bữa tiệc cuối tuần thì ba từ Việt Nam sang. Đòn hạ nhục của ba quyết liệt như Mỹ đánh Irag:

"Gia đình ni không làm sui gia với bọn ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Mời cậu ra khỏi nhà."

Trời Đất? Chuyện ma quỷ đó có liên quan gì tới tụi con. Ba xây tường ngang dọc như rứa, làm răng con gái lấy được chồng. Tôi gọi điện cho Jemes:

"Em sẽ ra đi với anh."

Jemes im lặng.

Tôi thổn thức níu kéo:

"Em xin lỗi, không ngờ ba em không ưa ba anh."

"Ba anh cũng không ưa ba em. Loại chống cộng mút mùa."

"Hả?"

Phải chi hắn nói, anh ghét em vì cái mông em quá tròn, anh chán em vì cái đầu gối em quá nhọn. Nói vậy thì còn đỡ đau. Đằng này hắn lôi quá khứ cũ sì của ba mẹ hắn ra để chia tay. Mursk! Lại mấy chuyện chính trị nghe rát tai. Ba Jemes là người Việt, mẹ là người Đức. Những sinh viên ưu tú người Việt được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho sang châu Âu du học, chẳng biết trúng gió gì mà lại phất phơ theo cộng sản. Hội đoàn chống cộng mút mùa của ba choảng nhau với chi bộ thờ ma cộng sản suốt hai mươi năm liền, bằng miệng, bằng chân ghế, bằng cà chua... Bây giờ thời thế thay đổi, tưởng hai bên đều đã vui vầy duyên mới, quên đi thù hận xưa. Không ngờ ba vừa bắn một phát, bên kia cũng lại bóp cò. Cuộc vui có thêm thằng con tóc vàng mắt xanh được giáo dục đúng chuẩn: tiền đồ giai cấp vô sản là trên hết.

Mạ rụt rè nhắc khéo, răng dạo này không có ai tới chơi. Tuần ni mạ giã chả Huế. Tuần ni mạ nấu bún bò. Tuần ni mạ gói bánh nậm… Vị thuốc lá của Jemes còn đắng nghét trên môi. Một năm, nỗi đau vẫn còn cựa quậy. Hai năm, nỗi đau nằm im thoi thóp. Ba năm, nỗi đau chết lạnh trong xó nhà. Jemes đột ngột gọi điện cho tôi. Tim tôi mềm đi thảng thốt. Bàn tay quờ quạng níu lấy cạnh bàn, sợ mình không đứng vững.

"Vợ anh vừa mất vì tai nạn xe hơi."

"Chia buồn với anh." Tôi cúp máy.

May phước cho tôi chưa. Mạ cũng hết hồn, thằng đó có số sát thê, may mà mi không lấy nó.

Tôi dúi cho mụ phù thủy hai mươi euro:

"Tôi chỉ mới nghĩ tới hai người, đã thấy nhức đầu lắm rồi. Lẽ ra mụ phải trả tiền thuốc aspirin cho tôi. Thôi, mụ biến đi cho tôi nhờ."

Mụ già cười toe nhét bốn thằng đàn ông mắc dịch vô túi quần rồi lủi ra cửa. Ngoài kia có hơn mười người khách đứng xếp hàng chờ. Chàng bồi người Ý đẹp trai lượn qua lượn lại nháy mắt nhìn tôi cười. Quả thật khi ăn no rồi tôi mới nhận ra anh ta đẹp trai. Nhưng chẳng có lý do gì để ở lại đây lâu hơn, trừ khi nháy mắt ra hiệu rằng: "Tôi đang cô đơn lắm đây."

Tôi tiếc rẻ trả tiền, nhường chỗ ngồi ấm cúng lại cho người khác. Cả buổi chiều ở võ đường làm cho thần trí tôi bớt hoảng loạn, nhưng tôi vẫn chưa biết mình phải làm gì. Giờ đây ăn no, lười nhếch nhác, đầu óc bần thần chuyện yêu đương, tôi mất hết khả năng phản kháng. Tôi lái xe về nhà mà như chạy trong cơn mộng du. Cái màu đỏ trên tường trắng hiện ra đâu đó dưới ánh đèn đường. Thật khủng khiếp. Tại sao tôi mua cái loại son đỏ lòe loẹt đó làm gì. Mà hình như trong tủ trang điểm của tôi cũng chỉ có độc một loại son đỏ. Chưa bao giờ tôi thấy cần phải che giấu đôi môi căng đầy khiêu khích của mình. Lẽ ra nên khiêm tốn một chút. Nhưng nếu hình vẽ trên tường màu cam hay màu tím thì sự đe dọa có bớt đi không? Tôi muốn hét lên, nguyền rủa sự ngớ ngẩn của mình. Chiếc xe phía sau bấm còi thất thanh. Tôi giật mình nhìn lên, đèn đường màu đỏ đã hóa xanh từ bao giờ.

Cần phải tĩnh tâm, kokoro wa hanatan koto o yōsu. Cần phải tĩnh tâm. Chiếc xe lăn bánh từ từ vào bãi đậu. Tôi tắt đèn, ngồi im trong bóng tối, cố quan sát tình hình bên ngoài. Từ bãi đậu xe nhìn lên, căn hộ của tôi trên tầng hai chìm trong màn đêm. Cây thông già choàng bóng lên tường thành những vệt đen loang lổ. Lần đầu tiên tôi thấy hối hận vì đã chọn căn hộ ở tầng hai, mà không ở tầng năm hay tầng sáu. Nếu cách đây một ngày, có ai nói với tôi điều đó thì tôi sẽ cười rú lên.

Tôi chỉ nghĩ được tới đó là thấy chán. Chẳng lẽ tôi ngồi trong xe cả đêm cho thằng điên nào đó vẽ lem nhem lên tường vài hình ảnh khủng bố nữa. Ừ thì thằng điên nào đó! Biết đâu là Chấn. Bao tử tôi thắt lại khi nghĩ tới gã. Nhưng kỳ lạ làm sao, ý nghĩ thẳng thừng đó lại làm tôi đỡ sợ hơn phải nghĩ tới một kẻ thù xa lạ nào khác. Không biết Chấn dọa tôi chuyện gì. Hay gã muốn khai thác tin tức của viện Pháp Y. Nhảm nhí. Đám tội phạm người Việt bên Đông chỉ ức hiếp tàn sát lẫn nhau, làm gì đã dám đụng tới bộ máy chính quyền Đức.

Kokoro wa hanatan koto o yōsu. Cần phải tĩnh tâm

Tôi lảm nhảm câu thần chú rồi bò ra khỏi xe.

Kokoro wa hanatan koto o yōsu. Chiếc chìa khóa tra vào ổ gọn gàng không gặp trở ngại nhỏ nào. Tôi định mở khóa thật nhẹ, nhưng ý nghĩ phải bước vào căn phòng có người làm tôi đổi ý. Tôi nhấn chuông ầm ĩ, đập chùm chìa khóa rầm rầm lên cửa. Căn hộ bà Gobert đối diện có những tiếng động nhỏ. Tôi đoán bà hàng xóm đang rón rén ghé mắt nhìn ra. Lần đầu tiên tôi thấy mình may mắn vì ở cạnh bà già nhiều chuyện.

Tôi làu bàu vài câu, nguyền rủa những từ không rõ nghĩa, rồi mở cửa ra. Ánh sáng yếu ớt trên hành lang không xua đuổi được bóng tối tĩnh mịch đang ngự trị bên trong. Tôi vội vã bật đèn trong nhà, cảnh vật quen thuộc hiện ra. Bỗng dưng rồi tôi dựng tóc gáy.

Có một cái gì xa lạ trong bầu không khí, nhưng không rõ là cái gì. Cái tivi đen vẫn nằm lù lù trong phòng khách. Trên bộ salon trắng vẫn có hai chồng báo. Bên phải là báo ngày. Bên trái là tạp chí. Bức tranh Châu Phi hoang dã treo ngay ngắn trên tường. Căn phòng quen thuộc gợi lên cảm giác: đây không còn là nơi trú ẩn bình yên. Tôi đóng cửa chính lại, bật hết các công tắc đèn trong phòng khách. Cảm giác lo sợ đó đuổi theo tôi vào tận phòng ngủ. Ánh đèn bên trong phòng vừa sáng lên tôi liền biết có chuyện bất thường.

Tủ áo quần của tôi bị lục tung tóe. Ba ngăn tủ ngang bị kéo banh ra, mấy cái áo lót quần lót nằm vắt vẻo nửa trong nửa ngoài. Có kẻ nào đã đột nhập vào đây và sờ mó đồ đạc riêng tư của tôi. Ý nghĩ đó làm tôi ghê tởm. Chỉ có những thằng điên, những thằng bệnh hoạn mới mò mẫm áo quần phụ nữ. Có khi hắn còn mặc thử và soi gương. Mấy cái áo lót Hunkermöller và áo nịt thể thao Ergee mới mua còn nằm trong bao cũng bị lục tung ra.

Tôi ngồi bên mép giường thẫn thờ nhìn quang cảnh bừa bộn. Lúc này tôi chỉ muốn phôn cho Max. Gã sẽ phóng ngay đến đây với cái áo khoác rộng thùng thình, bên trong là bộ đồ ngủ. Gã sẽ phái hai xe cảnh sát quần thảo khắp khu nhà, đóng chốt những con đường xung quanh, lùng xục trạm xe điện ngầm kế cận. Gã sẽ phát tín hiệu phòng chống khủng bố và cô lập nguyên khu phố. Tôi cố không nhìn đến cái điện thoại, cố không nghĩ đến Max, lặng lẽ ôm hết áo quần lót vào nhà vệ sinh. Máy giặt máy sấy nằm trong đó. Tôi không thể khoác lên người những thứ đã bị bàn tay kẻ bệnh hoạn nào sờ mó.

Trong nhà vệ sinh, vết son đỏ chói vẫn còn nằm trên tường, báo hiệu một mối nguy hiểm chết chóc. Tôi thả đống áo quần xuống sàn rồi lấy giấy vệ sinh lau sạch vết son.

Mười hai giờ đêm, tôi gọi điện thoại cho phòng vé Spreebogen nhờ tìm chỗ ở bờ biển Địa Trung Hải. Giờ ma quỷ này, văn phòng du lịch đã đóng cửa từ lâu. Mặc kệ. Tôi đứng bên cánh cửa sổ mở rộng thỏa thuận giá cả với cái điện thoại kêu u u. Nếu thằng ôn dịch nào đứng rình bên dưới thì hắn sẽ có được vài thông tin. Số điện thoại văn phòng cùng địa chỉ khách sạn Mallorca cũng được ghi nguệch ngoạc lên cuốn sổ trên bàn làm việc. Vậy là xong bước thứ nhất. Tôi đóng cửa sổ lại. Phải khó khăn lắm tôi mới gom góp đủ can đảm để tiếp bước thứ hai: phôn cho mạ.

Giọng mạ lạc đi vì giận dỗi:

"Mạ mi có là cái chi mô."

"Con phải đi vắng vài tuần. Mạ cứ ra IKEA đường Spadauer Damm, chỗ gần chùa Linh Thứu. Mạ lựa bếp và đặt họ chở tới nhà. Con chuyển tiền vô nhà băng cho mạ. Thường phải mất trên bốn tuần mới có. Khi đó con đã về rồi."

"Nhưng mạ mi có nói được tiếng Đức mô mà ra đó?"

Tôi thở dài, ừ, mạ đâu nói được tiếng Đức. Tay tôi bấm nhanh lên bàn phím, IKEA. Trang katalog của IKEA hiện ra trên màn hình.

"Vậy con đặt thẳng qua internet cho mạ bây chừ. Bếp hình chữ L, chiều dài 3 x 2 mét, một lò nướng hẹn giờ, bốn bếp điện từ, hai bể rửa chén tráng men cao cấp, mặt bàn đá trắng - xám, tủ màu mận tím cực bóng. Tủ lạnh 150 lít, có 3 ngăn đá, tha hồ cho mạ đóng bao bún bò Huế."

"Ừ, rứa. Khi mô có?"

"Con chuyển tiền ngay bây chừ, đặt trong năm tuần, cho rộng rãi thời gian. Họ sẽ chở tới nhà mạ, sáng thứ năm ngày 3 tháng 12, mười giờ. Mạ nhớ đừng đi đâu, chờ nghe chuông cửa thì hỏi: IKEA? Küche? Không trả tiền gì thêm. À, con đặt tiền cho họ lắp ráp thẳng vô cho mạ, tới khoảng buổi chiều thì xong. Con chuyển luôn vô nhà băng cho mạ năm trăm euro sắm áo quần và vật liệu nhà bếp."

"Ừ, rứa." Mạ cười khúc khích. "Để mạ kêu cô Xuân tới chờ chung cho đỡ sợ. Nhà cô Xuân mới thay bếp, e cũng biết cách. Hay khi nớ mi về rồi thì chạy qua nhìn chừng giùm mạ."

"Con sẽ cố chạy qua." Tôi nói như sắp khóc vì biết mình đang hứa liều với mạ. "Hay kêu con Thảo qua với mạ?"

"Con Thảo bận lo con cái, có rảnh mô." Mạ gạt ngang. Bao giờ mạ cũng bênh vực và nuông chiều mấy đứa tụi nó.

"Ừ thì khỏi kêu nó." Tôi chạnh lòng, chỉ biết nói theo.

"Giá bao nhiêu tất cả?"

"Mạ hỏi làm chi? Con đặt loại tốt nhất cho mạ."

"Thì mạ phải biết để tâm sự với bạn bè. Chắc trên mười ngàn, hỉ?" Mạ cười nhỏ. "Hay nói với thiên hạ hai mươi nghìn. Con gái là bác sĩ chứ răng. Nhưng mà mi đi mô?"

"Con đi câu cá." Tôi nghẹn ngào nói lời tạm biệt, bỗng nhiên rồi sợ không bao giờ gặp lại mạ. "Con chuyển luôn một ngàn vô tài khoản mạ."

Mạ vội vã hỏi:

"Bao nhiêu lâu?"

"Con đi bốn tuần."

"Không, mạ hỏi bao nhiêu lâu thì tiền vô nhà băng của mạ."

"Khoảng ba ngày, bốn ngày."

"Răng mà lâu dữ rứa. Chừ mạ phôn cho cô Diễm, cô Xuân. Cúp máy, hỉ"

Tôi lo lắng thì thầm:

"Mạ..."

Nhưng mạ đã cúp máy.

Một giờ đêm, tôi xem lại toàn bộ cửa sổ, khoá chặt cánh cửa phòng ngủ, mở đèn, mở tivi. Trên màn hình là khuôn mặt quen thuộc của Liam Neeson. Tôi mệt mỏi thiếp đi khi Neeson bước qua cửa khách sạn. Gã nắm tay tôi hối thúc: "Đi. Chúng ta đi ngay đêm nay." Tôi nhìn ra bên ngoài, trời đang mưa mịt mùng. "Em phải vào nhà bếp lấy ít đồ. Anh cầm hộ chiếu và giấy tờ."

Buổi sáng đến cùng tiếng xe kéo lịch kịch của những người công nhân đổ rác dưới sân. Giấc ngủ dường như không hề có, tôi thấy mỏi mệt như cả đêm thức trắng. Bắp cơ đau nhừ vì buổi tập võ chiều hôm qua. Cái bụng trống rỗng kêu rồn rột làm tôi thèm có một tô bún bò Huế. Mạ có cho mấy bao bún bò đông đá, chỉ cần hâm sôi, bỏ thêm tí hành lá. Tôi bò khỏi giường lò mò tìm đôi dép, chẳng biết nó biến đi đằng nào. Tối hôm qua tôi để nó cạnh giường. Bắp cơ đùi tôi đau ê ẩm vì mấy đòn tập đá, tôi không thể cúi xuống sàn tìm dép, đành đi chân không vô bếp.

Gian bếp màu trắng toả hơi lạnh buổi sáng.

Một tấm giấy nằm trên bàn ăn. Tôi phóng tới, nhìn vào đó và hét lên.

Tấm giấy nghỉ phép của tôi bị ghim lên mặt bàn gỗ bằng con dao cắt cà chua. Trên đó ai đã vẽ hình trái tim bị dao đâm. Trái tim bằng son đỏ chói. Cánh cửa sổ nhà bếp khép hờ. Gió lạnh từ khe cửa lãng đãng lùa vào. Tối hôm qua, tôi đã đóng kín mọi cửa sổ.

Cây son đỏ mở nắp nằm lăn lóc trên sàn nhà.