Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Bài Tưởng niệm anh Vũ Huy Quang

Hôm nay, Chủ nhật 12/2/2017 giờ Việt Nam tức Thứ Bảy 11 tháng 2/2017 giờ California Hoa Kỳ, Lễ cầu-siêu cho nhà văn Vũ Huy Quang cử hành lúc 11 giờ trưa tại Chùa Liên Hoa, 9561 Bixby Ave, Garden Grove, CA 92641.

Văn Việt xin đăng bài tưởng niệm của nhà thơ Thường Quán như một nén tâm hương thắp trước chân dung  nhà văn quá cố. Cầu chúc hương hồn nhà văn Vũ Huy Quang siêu thăng.

Văn Việt

 

Bài Tưởng niệm anh Vũ Huy Quang

Thường Quán

 

Đó là một căn nhà tiền chế thời 50 nằm sau những siêu thị và siêu xa lộ

anh dắt tôi về tay cầm một con cá mè

người mẹ đón anh hỏi, Con về rồi đó à!

anh nói, Con có bạn phương xa nên hôm nay con tính nấu ăn đây

Mẹ nói, Ngồi với bạn con đi

Anh nhấc chiếc phone màu đen quay ba bốn nơi

“anh Nhật Tiến, Khế Iêm, Nguyễn Hoàng Nam rồi sẽ cùng tới”

giữa đó anh khoe tôi trại sáng tác

một garage không xe, ngập sách

 theo trật tự nào giờ tôi không nhớ

sách anh dịch, viết, anh không khoe

chỉ miệng cười quái nghịch tặng khách

(nhiều năm sau sách của anh tôi phải mua ở một tiệm sách sót)

Tiệc bày ngoài hiên

Mẹ làm món gì nào, anh hỏi

Ôi thế thì như đang ngồi Liêu Dương

anh nói thế hay giờ tôi tưởng tượng

nhưng bữa rượu Hưng là có thực

như mắt anh cười, có đuôi, tinh luyện ròng rã

thứ ngày giờ bắt mạch, xem sao trời, đuôi sao chổi

quét hướng nào

để khởi thảo sáng ngày quang, chiều tối màu già

Chiếc xe hung hung nâu một ngựa rề rà của anh dưới tán cây

tâm ngẩm chờ một ý anh đề xuất:

Làm cái gì cũng phải đi tới nơi, tới tận nơi

Thấy, nghiền ngẫm, không phải chiêm bái

Văn sách chứ nào phải là kinh.

Ai nói anh không phục ai dưới mái nhà rầm gọi là cộng đồng

và anh là đệ Tứ

tôi nghĩ anh đệ Ngũ

thời mọi thứ đều sáng trưng

trên những hành lang, ngõ ngách thành phố.

Anh nhìn toàn bộ khách và nói anh vừa nẩy ra ý

hôm nào quán, nam, iêm, khiêm

bốn nhà thơ ra thượng cờ mới

giữa Bolsa

cờ thơ (không màu)

có được không ?

Anh hỏi bốn mà hiện diện chỉ có ba

làm sao có đồng thuận

Chúng tôi quanh mâm thảo lư tất cả đồng cười

Đó là bữa tiệc đột xuất vui nhất của chuyến thăm OC '95

sau này có dịp nhớ lại

vẫn nhớ chung một gói

cá mè siêu thị ta, gói trong giấy báo chợ

rượu Hưng trong chai không nhãn không niêm

tình chạy băng đường lộn xộn

giữa bao biểu ngữ chào hàng

dìu dập tựa vào trang nhì của Nguyễn Tiết Thanh Minh

& khi ra lấy xe ở car park

tôi có dừng lại một chốc

để ngó anh, không biết Tân Liêu Trai có thực

và khu nhà mô-bin nào diệu hữu Đường Lên Trời

và nhớ có tự ghi nhận

anh là đại biểu tối ưu của kinh ruột Bôn Sa

nằm ngoài những hiên chùa

(sẽ xây)

Hôm nay cạnh sách anh in Xuân Thu 1989, Đường Lên Trời

xin bái biệt anh, hẹn sau mây, chút tình khuấy mây nước phố phường trí tưởng tâm tưởng

 

kính mến

Thường Quán 

mồng Tám, Giêng Đinh Dậu

 

Một hậu từ

Một nhà thơ và biên tập viên thơ nhận được bài ‘Tưởng niệm anh Vũ Huy Quang’ hỏi thêm một chapeau, hảo ý ấy chắc là để biết đâu sẽ giúp độc giả bốn phương có thêm thức để đọc, chứ chapeau gọi kêu nhẹ nhàng kia tất không phải nhắm giúp gì cho chuyện hiển minh, soi rọi, bài đã gởi.  Cái này có vì có cái kia.  Vâng, nên xin thêm phần này, gọi là một hậu từ.

Hôm buổi sáng đang ngồi xuống cỏ, gốc chanh, có ba bông hướng dương gieo trước Giáng Sinh giờ mới nở hai - hai bông hoa cực sáng nhỏ nhắn, nhỏ nhắn tới nỗi khách bạn vốn yêu hoa cỏ hôm qua vào vườn dù trời chiều còn sáng đã không thấy; tôi, bấy giờ buổi sang, giữa lúc xoay qua tạm quên hướng dương, ngước lên trời, thì bỗng dưng ký ức tới, nó trở lại và tự động sắp xếp những hình ảnh như bài thơ đã tự trình bày.  Bắt đầu là căn nhà. Thực ra bắt đầu gặp anh là một căn phòng: thư phòng của anh Khánh Trường, gác độc gian tòa soạn Hợp Lưu mà tôi tới trọ đôi ngày ba bữa nhân cuộc viếng thăm ‘thủ đô tỵ nạn’ hồi cuối năm 1995, đầu năm 1996. Vừa bước vào phòng đã nhận ra anh, như là đã gặp tự thời nào, thời người ta đang in những trang đầu Sử Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, và Liêu Trai.  Anh Vũ Huy Quang vào chuyện như nối một câu chuyện dang dở, nhẹ nhàng, khinh khoái, ấm và trầm (chứ không phải thâm trầm.) Giờ nhớ lại thì câu chuyện có nhắc tới hai nhân vật, một là chị Dương Thu Hương, mà nửa năm trước đó bất ngờ trong chuyến về Hà Nội , qua giới thiệu của anh Trần Văn Thủy (nhà làm phim, tác giả của Chuyện Tử Tế, Hà Nội Trong Mắt Ai),  tôi đã được gặp,  gặp cùng hai anh Hoàng Cầm và Lê Đạt.  Mình đã gặp mà anh thì chưa,  và vì thế mà có lẽ thấy anh nhìn xa xăm, và cười.  Người thứ hai là Camille Paglia mà cả hai, chắc chắn, đều chưa gặp.  Anh thích thú vì bạn cũng có đọc người này.  Sự thích thú hiện rõ trên khuôn mặt điển trai của anh . Camille Anna Paglia đã gây hứng cảm hay chiều gọi bữa cơm, anh lập tức khởi xướng sự đi ra chợ. Anh Khánh Trường ngồi nghe nẫy giờ bận chuyện không chìu bạn, thế chỉ còn hai.  Ra khỏi ngõ Song Long nhà anh Khánh Trường và anh Mai Thảo là ngay một siêu thị Việt Nam cỡ vừa, anh vừa tìm kiếm thức để nấu vừa giảng giải, những sự tích… Sự vui của một nhà văn, người kiến thức, người yêu trần gian tôi thấy cũng nhiều, nhưng ở anh có một cái riêng, nó bát ngát hóm hỉnh. Ai bảo anh khó tính ? Thì cũng có thể là vậy, nhưng cảm giác buổi ấy là anh thung dung.  Anh thung dung và hào phóng, và dễ chịu. Căn nhà của anh đầy sách vở và toát ra một tình yêu văn chương, thứ tình thấy ở thêm vài căn phòng khác nữa trong chuyến đi ấy, hoặc ngỗn-ngang-sách, như của anh Khánh Trường; trật-tự-sách, như của anh Nguyễn Mộng Giác,  anh Trần Dạ Từ ; hay không-có-chỗ-cho-tàng-trữ-sách, như của anh Mai Thảo.  Nhớ anh Vũ Huy Quang là nhớ lại cả Bolsa một thời kỳ, thời kỳ còn bộn bề sách.

Những năm về sau có dịp đi ghé qua Quận Cam nhiều hơn thì tiếc, anh đã dời lên Bắc Cali. Không chỉ đổi chỗ ở, anh còn làm như vắng mặt giữa mọi người. Hỏi, ít ai biết anh đã qui ẩn cho rõ ràng một nơi chốn nào. (Qui ẩn thì làm sao mà rõ ràng?) Anh đã thấy đầy đủ chuyện con người, hay anh đã tìm ra được một con người? Sự ấy có ngoài văn sách. Không thể đòi hỏi con người này một đóng góp nào hơn. Nói theo kiểu chuyện Tân Liêu Trai của anh, có lúc khách đi qua làng vắng, chỉ nghe tiếng nói không thấy ai, đi xa nữa thôi tiếng nói, chỉ gió; xa hơn nữa yên mặt gió, chỉ một bầu khí ánh sáng chứa sự phong nhiêu, tịch mịch, đây kia, trên nẻo khuất những bóng thấp thoáng, là người, là tiếng, là hương, là phong vị, nhưng mà xa lắm.

Gần gũi hơn, xin ghi lại tiểu sử nhà văn Vũ Huy Quang như sau đây:

 

Tiểu sử nhà văn Vũ Huy Quang

(theo Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngọai, NXB Đại Nam, 1995)

 

Gốc Làng Kìa huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định

Sinh năm 1942 tại Hải Phòng.

Di cư vào Nam 1954.

Các bút hiệu khác: Diệu Phong, Tam Trương, Thăng Long Văn Sĩ

Viết cho một số báo và tạp chí tại hải ngoại: Làng Văn(Canada),

Thời Luận, Chuông Việt, Độc Lập, Người Việt, Diễn Đàn Tự Do Hoa Thịnh Đốn, Đồng Nai, Văn Học, Hợp Lưu (Mỹ, Thiện Chí, Cánh Én(Đức), Diễn Đàn(Pháp)...

Tác phẩm:

 - Nơi Trại Trừng Giới (dịch của nhiều tác giả, Văn Nghệ 1988)

 - Đường Lên Trời (dịch của nhiều tác giả, Xuân Thu 1989)

 - Nhục Bồ Đoàn (dịch, Xuân Thu 1990)

 - Mười Truyện Tân Liêu Trai (Tân Thư 1991)

 - Câu Chuyện Triết Lý (1992)

 - Chín Truyện Ngắn (1992)

Sau cùng là một bài thơ viết vào sách Đường Lên Trời, nhiều năm vẫn nằm cùng trang lót của tập sách,  chưa đánh máy lại, và chưa gởi cho anh, hay báo nào.  Nay xin được dịp đính kèm đây, và cảm ơn nhà biên tập yêu sách một chapeau.

 

 

Vẽ ,  2/5, 2003

  tặng anh Vũ Huy Quang

 

Vẽ, ngày xám lòng mang buồm dương

 cả lặng

Rủ sương, đường im cây dáng dấp

   đá cảng vừa

Xô một cảnh trí  gì, một buột cột

Từng đã ghì độc gian nhà cổ

    tuổi trời săn

 

Bắt con chim, con cá, rong chiều tất tả

Lửa bếp kinh thành phế hoại cũng xong

 

Tháp trụ thô chống niềm không không, thôi

 khỏi đỡ, giở

giang,  suy vấn,  mãi cũng mấy rặng

      búi cỏ tầm tầm

 

Liêu Dương khách lữ hay vườn cam trái trĩu

áo chàm cặm cụi,  vẽ,  tùy thanh.