Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2017

Tháng mười hai đọc Tháng năm ở Đại Trại

Lưu Thủy Hương

 

Tháng năm ở Đại Trại bất ngờ xuất hiện trên văn đàn vào một ngày cuối năm dương lịch. Không ầm ĩ, không một tín hiệu báo trước, như những tác phẩm viết ngoài vòng kiểm duyệt khác, nó bình thản chấp nhận một hoàn cảnh ra đời hẩm hiu và lặng lẽ. Tác phẩm được chia làm năm đoạn đăng trên Văn Việt. Sự chia đoạn này có thể không nằm trong ý đồ viết một cuốn tiểu thuyết liền lạc của tác giả. Nhưng để tiện phân tích và theo dõi, tôi xin căn cứ vào năm phân đoạn này để trình bày.

Tháng năm ở Đại Trại là một sự chọn lựa khốc liệt của tác giả và những nhân vật trong truyện. Họ ở lại trên quê hương, tìm cách tồn tại trong cuộc sống ngục tù. Tác phẩm đã không được gửi ra những trang mạng ở Hải Ngoại, để chịu cảnh đời lưu vong (hay đi tìm tự do) thay cho người viết. Nó ở lại, ẩn nhẫn, kiên trì chờ đợi để rồi xuất hiện trên một trang mạng quốc nội, gửi đến người đời một thông điệp khác biệt:

"Giá trị của một tác phẩm nằm ở sức chịu đựng của tác giả và độc giả."

Sức chịu đựng của độc giả trong bầu không khí thriller

Đây là tác phẩm không đọc để mà tìm vui, để mà giải trí, để có những buổi chiều thanh thản bên trang sách. Giọng văn buồn bã chìm trong bầu không khí nặng nề vô vọng luôn tìm cách tấn công người đọc, làm họ hoang mang lo nghĩ rằng: tình hình và hoàn cảnh bi đát này sẽ không bao giờ dẫn đến một kết cuộc tốt đẹp. Sự sợ hãi, căng thẳng và đe dọa kéo dài suốt tác phẩm tạo nên một hiệu ứng thriller ngột ngạt tức thở, dù tôi đoan chắc rằng, tác giả không hề có ý định viết một câu chuyện thriller. Tác giả chỉ muốn đẩy những nhân vật của mình vào một trò chơi cút bắt trong bầu không khí trinh thám không có thám tử và công lý:

"Nếu tao nhắn tin trả lời, ngay lập tức họ nghĩ rằng tao tin điều họ nói. Và đó là tự mình nộp mạng cho họ. Là cùng với họ chơi trò chơi cút bắt."

"Thì tao đã nói, nghe như chuyện trinh thám mà."

Thoạt đầu "nghe như chuyện trinh thám", nhưng rồi không có yếu tố trinh thám dẫn đường.

Khi Bình xuất hiện, người ta chờ đợi Bình đóng vai thám tử, nhưng Bình lại là một người thụ động buông xuôi hơn ai hết. Dù cho Sơn (nhân vật) cứ tin tưởng rằng: "Mày có những suy nghĩ sát thực tế, có thể hướng dẫn người ta hành động. Tao cần mày lúc này là vì vậy", thì Sơn (tác giả) vẫn không cho Bình bất kỳ cơ hội hành động nào để chứng tỏ bản lĩnh của mình.

Hồng cũng vậy, dù cô là một nhân vật xuất sắc của tác phẩm (nếu không nói là nhân vật nữ sống động nhất của năm 2016). Những lời hứa hẹn ban đầu cùng cá tính quyết đoán, bộ óc biết phân tích suy luận, cộng thêm phong cách năng động, Hồng làm người đọc hy vọng và chờ đợi. Nhưng Hồng được xây dựng như một yếu tố gây bất ngờ, một nhân vật hoạt náo khuấy động bầu không khí tù đọng của những người đàn ông nhạt nhẽo thiếu cá tính. Hồng lại là người chủ trương sống bằng cảm tính. "Em nghĩ cảm tính là người hướng dẫn đáng tin cậy." Nên Hồng nắng mưa thất thường buồn vui lẫn lộn, từ sợ hãi chuyển qua bình thản chỉ cần vài giây, từ nước mắt chuyển qua ráo hoảnh có đâu một tích tắc. Bất ổn. Táo bạo. Tràn đầy nữ tính. Đáng ngại hơn nữa, Hồng là một nữ doanh nghiệp biết cách để sống còn, thích nghi cực tốt với những vấn đề tiêu cực của xã hội. Hình ảnh của Hồng càng lúc càng rời xa tiêu chí của một thám tử dẫn dắt bạn đọc đi tìm công lý, Hồng để lộ dần tính cách khôn ngoan lọc lõi để hướng tới một nhật vật phản diện: chấp nhận thỏa hiệp và dễ dàng chối bỏ tự do.

Không có người dẫn đường cho thể loại trinh thám, câu chuyện rơi vào bầu không khí thriller mông lung (*), nó hướng đến mục tiêu đe dọa, gây hiệu ứng sợ hãi, tra tấn tinh thần độc giả, mà thiếu vắng hoàn toàn một kết cuộc sáng tỏ và những người kiên quyết làm sáng tỏ một kết cuộc.

Khác hẳn với những truyện thriller được viết bởi những nhà văn xuất thân từ ngành luật – như John Grisham (Mỹ), Sebastian Fitzek (Đức), Rubem Fonseca (Brazil), Ferdinand von Schirach (Đức) ... nơi luật pháp vẫn là một phần nền tảng cho diễn biến câu chuyện – Tháng năm ở Đại Trại gần với dòng văn chương thriller của những nhà văn tạo dựng tác phẩm ngoài vòng luật pháp theo một thứ công lý tự xử án (Selbstjustiz), đề cao khả năng đấu tranh sinh tồn của chủ thể trong một bối cảnh đen tối – như Deon Mayer (Nam Phi), Stieg Larsson (Thụy Điển), Suzuki Koji (Nhật), Sidney Sheldon (Mỹ)...

Bằng một giọng kể đều đều mệt mỏi chìm trong vùng tự sự và ký ức của một người đàn ông trung niên, bằng một lối viết gần như không có đối thoại của những con người không còn trẻ nữa, tác giả đã tự loại một số người đọc ra khỏi danh sách độc giả của mình. Người ta thường dùng chữ "tìm đọc" để cho độc giả cái quyền lựa chọn tác giả cho riêng mình. Nhưng theo tôi, dựa vào cách quy chiếu về nguyên nhân đầu tiên của Descartes, chính tác giả mới là người lựa chọn độc giả. Cũng không phải một tác phẩm khi ra đời đã tự chọn cho mình một lượng độc giả nhất định, mà là, khi nhà văn đặt bút xuống trang giấy của mình anh ta đã tự chọn cho mình một đối tượng độc giả nhất định.

Tháng năm ở Đại Trại là một tác phẩm được viết cho một đối tượng độc giả hạn hẹp. Về mặt nội dung, nó loại ra toàn bộ những độc giả yên phận giun dế của thứ văn chương an toàn lề phải, những độc giả thời kinh tế đổi mới của thứ văn chương hiện sinh dỏm phấn son lòe loẹt hay những độc giả Hải ngoại kiên cường chống cộng và chống bất cứ thứ gì dính líu đến cộng... Về mặt kỹ thuật, với lối viết mang nhiều tính tự sự dàn trải lan man, nó loại ra đối tượng bạn đọc lười suy nghĩ, bạn đọc trẻ ưa thích tốc độ, bạn đọc trung thành với dòng văn học hiện thực XHCN, bạn đọc lớn tuổi ưa thích cấu trúc và đối thoại văn chương thuần nhất rõ ràng.

Bỏ qua một số lượng lớn độc giả đó, Tháng năm ở Đại Trại là món quà quý giá cho những người từ bao lâu nay vẫn chờ đợi một làn gió mới (từ một nơi không có gió thổi qua những ô cửa đóng kín). Cuốn tiểu thuyết không sử dụng kỹ thuật hư cấu, hình thức ẩn dụ để đặt ra những vấn đề tiêu cực của xã hội một cách gián tiếp như những tác phẩm ngoài luồng khác. Tháng năm ở Đại Trại sử dụng một giọng kể mang tính tự sự không rõ của anh hay của tôi, của Hồng hay của Bình, những mẩu đối thoại nằm trong mảng tối không rõ của nhân vật hay của tác giả, những suy nghĩ không rõ của ý thức hay vô thức – để vẽ ra dưới ánh sáng một bức tranh rõ nét và trần trụi của một xã hội bị tội ác khống chế. Với cách tạo đối trọng giữa bên tối - bên sáng này, tác giả buộc độc giả phải đối diện trực tiếp với vấn đề hiện tại, đặt ra cho độc giả những câu hỏi nhức nhối:

- Trong xã hội nào suy nghĩ con người ta bị đặt trong bóng tối?

- Trong xã hội nào tội ác thản nhiên nằm phơi ra giữa ánh sáng ban ngày?

- Bạn đứng chỗ nào trong bối cảnh xã hội bất thường này?

- Bạn nghĩ gì về tự do?

Sức chịu đựng của tác giả và giá trị tự do

"Tự do là gì? Nó có lớn lao đến độ anh quên đi sự thiếu vắng đứa con gái yêu thương của mình không?"

Câu hỏi thật đau lòng, khao khát tự do của một con người có lớn hơn niềm mong ước một sự bình yên cho người thân yêu của mình? Nhà cầm quyền chế độ độc tài luôn biết cách thêm bớt cán cân tình cảm này để buộc con người ta chấp nhận câm lặng chịu đựng ngục tù. Thêm vào bên họ một cân bạo lực, bên kia sẽ lặng lẽ bỏ ra một cân nhịn nhục.

"Ai mà không ngán bạo lực chứ!"

Người ta im lặng không phải vì sợ cho mình, người ta im lặng vì sợ cho người thân yêu. Không phải chỉ vượt qua nỗi sợ là đủ sức đứng lên. Tháng năm ở Đại Trại đặt ra một vấn đề mang tầm vóc khác. Đánh đổi sự bình an của gia đình mình, người thân mình để được một cái gì? Hay người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả những giá trị cao cả như tự do dân chủ để mưu cầu sự bình an nhỏ nhoi cho người thân.

Câu trả lời của người cha gần như rõ ràng:

"hiện giờ thì anh chỉ thiếu vắng điều duy nhất đó, và anh sẵn sàng đánh đổi tất cả để có nó, con gái anh"

Đó là một sự thật. Chính điều này đã giữ cho chế độ cộng sản tồn tại qua mấy mươi năm không lay chuyển. Nếu chế độ này có thay đổi, thì sự thay đổi đó chắc chắn phải đến từ một yếu tố nào khác chứ không vì cái mỹ từ luôn được đề cao: "TỰ DO". Vậy văn chương có cần sự tự do hay không? Theo tôi, có và không. Nhà văn trong nước dù không có tự do để sáng tác, họ vẫn có thể thành công, rất thành công, khi viết về cái sự không tự do của họ (Nguyễn Viện là một ví dụ tuyệt vời). Cái quan trọng trong văn chương là biết cách đặt vấn đề ra với xã hội, trong bất cứ hoàn cảnh sáng tác nào, chứ không nhất thiết phải có một điều kiện sáng tác tối ưu.

Cái giá phải trả cho tự do trong Đại Trại là một kết cuộc bi thảm. Kết cuộc vô hạnh này không chỉ đòi hỏi độc giả một sự chịu đựng, nó đòi hỏi trước tiên, sức chịu đựng của chính tác giả. Tôi không nói đến quan điểm câu khách dễ dãi hiện nay trên văn đàn Việt, bằng vào việc cố tình rót thêm nước mắm nước muối vào đoạn cuối. Tôi nghĩ, kết cuộc thật của một tác phẩm là cảm nhận tình cảm thật của tác giả vào thời điểm nỗi ức chế vừa được giải tỏa (qua quá trình viết). Về phương diện tư tưởng, nó mang tư tưởng quy ngã, nghĩa là đồng hóa văn chương với bản ngã. Tư tưởng quy ngã là một thứ tư tưởng vô quy tắc, tiềm ẩn trong suốt quá trình viết nhưng nó bị tư tưởng duy lý trấn áp qua các tình tiết, hành động, phát ngôn của nhân vật hay của chính tác giả. Thường chỉ ở trong giai đoạn cuối cùng, khi nỗi ức chế vừa được giải tỏa, trong trạng thái thăng hoa khoái lạc (**), cảm xúc vô thức mới đánh bại lý trí để cho ra đời một kết cuộc thường không nằm trong chủ trương cầm bút (ban đầu và có ý thức) của tác giả.

Đó là điều tôi tìm cách lý giải khi bất ngờ đọc đến đoạn kết của Tháng năm ở Đại Trại. Vì sao một tác giả bằng phong cách sáng tác, sự lựa chọn và ý thức tự do mãnh liệt đã viết ra một kết cuộc rất "phản tự do"?

"Tại sao phải phản kháng, hả con? Ba hoàn toàn không biết những con đường nào đã dẫn con đến kết cục thê thảm này. Nhưng chuyện này là của riêng con phải không? Nó như là hơi thở của con thì làm sao ba biết được, ngay cả khi con thở nặng nhọc. Giống như ba có hơi thở riêng và cô Hồng có hơi thở riêng vậy đó. Nhưng lẽ ra con không nên phản kháng dữ dội như vậy con ơi!"

Tại sao phải phản kháng? Lẽ ra không nên phản kháng dữ dội như vậy!

Một câu hỏi, một câu trả lời.

Một ngọn lửa, một bình xăng.

Đốt cháy tác phẩm.

Sau ánh lửa não nùng là sự thật như tro lạnh. Theo tôi, thành công đặc biệt của tác phẩm, ở đây, chính là sự can đảm đốt cháy tư tưởng. Nó diễn ra tự nhiên, chân thật sau những mất mát thương tổn nên hoàn toàn không mang tính trình diễn hay giáo điều. Nó làm người đọc bất thần bị đánh gục cùng với nhân vật. Trong nỗi đau bàng hoàng của bên thua cuộc, người đọc buồn bã đặt ngược lại cho tác giả những câu hỏi. Tại sao anh phủ nhận giá trị tự do, khi chúng ta đã cùng nhau đi qua một đoạn đường dài tìm tự do? Trong vùng tối tăm không ánh sáng đó chẳng phải chúng ta đã cùng nhau hy vọng hay sao? Tại sao? Tại sao anh làm như vậy?

Tại vì, từ trong vô thức, anh đã không còn xem tự do là lẽ sống còn. Như hàng triệu người Việt Nam cùng thế hệ, anh tồn tại bằng vào những giá trị hay phương tiện thầm kín khác.

Ký ức là phương tiện

Ký ức lãng đãng khắp nơi trong tác phẩm, trong suy nghĩ của mỗi nhân vật. Nó bắt đầu nơi thời điểm chiến tranh chấm dứt, bằng một sự ra đi cưỡng bức và một ngày trở về mất mát tan vỡ.

Ký ức thật là tàn nhẫn, sao nó có thể chứa đựng nhiều thứ buồn bã chết người như thế chứ?

Còn sống thì anh sẽ còn nhớ mãi những gì đã xảy ra cho anh cách đây hơn 41 năm liên quan đến chuyến đi của gia đình anh trong cái đêm hãi hùng đó.

Một đêm kỳ lạ, dài đăng đẵng nếu phải nhớ lại từng chi tiết, mà cũng ngắn ngủi như một tiếng sét đánh nếu chỉ nhớ lại hai khoảnh khắc bắt đầu và kết thúc của nó.

Đoạn mở đầu về ký ức đẹp như thơ làm tôi nhớ đến tác phẩm Nhịp đưa hơi thở (Atemschaukel) của Herta Müller - Nobel văn chương 2009.

Alles, was ich habe, trage ich beim mir.

Es war noch Krieg im Januar 1945.

Im Schrecken, dass ich mitten im Winter wer weiß wohin zu den Russen muss, wollte mir jeder etwas geben, das vielleicht etwas nützt, wenn es schon nichts hilft.

Tất cả những gì tôi có, tôi mang theo bên mình.

Tháng Giêng 1945 cuộc chiến vẫn còn đây.

Trong nỗi sợ hãi ngay giữa mùa đông tôi sẽ bị bọn Nga bắt đến đến một nơi nào đó đố ai biết được, mỗi người đều muốn trao cho tôi một thứ gì, nếu như không giúp được thì cũng có thể dùng được.

Cả hai nhân vật đều khoảng bằng tuổi nhau, vào thời điểm hòa bình cắt lìa tuổi hoa niên của họ. Trong nỗi hoang mang chia lìa, trong đêm bắt đầu một tương lai đen tối, họ phải tự chuẩn bị hành trang để ra đi. Trong mớ hành trang lỉnh kỉnh ngày ra đi đó, điều duy nhất gã thực sự mang theo bên mình, điều duy nhất đã giữ gã lại với cuộc sống chính là ký ức:

"Ich weiss du kommst wieder."

"Bà biết cháu sẽ trở về." Câu nói của người bà thân yêu mà gã không chủ đích mang theo, đã giúp gã sống còn và trở về.

Ngày trở về, gã con trai mười bảy tuổi đã trở thành một con người khác, những người thân của gã cũng trở thành những con người khác. Nhưng ký ức đó vẫn luôn hiện ra, đeo đuổi Sơn suốt đoạn đời còn lại:

Tôi nhớ mãi những phim cùng xem với bà: Vùng cấm địa, Tìm chồng trong động rắn, Mãnh lực đồng tiền, Tora, Tora!

Sau này tôi mới nhận ra tôi đã mất một người bạn thân là bà từ biến cố cuối tháng 3 năm 1975. Và đó là mất mát lớn nhất của đời tôi.

Khác với Sơn, ký ức của Bình lại là những cơn sóng ngầm lặng lẽ chết người:

Bình quyết định nhảy xuống biển tự tử, để rồi thấy mình tỉnh dậy trong nhà giam.

Chúng cướp hết tài sản của tao. Nhưng tao chỉ có thể mắc sai lầm một lần thôi. Ra tù thì tao phải là chính tao. Tao mất tất cả khi ra tù. Nhưng tao tự nhủ sẽ làm lại từ đầu.

Ký ức của Hồng là một giai điệu buồn:

Điệu nhạc lạ quá, buồn quá, em chưa từng nghe bao giờ.

Hồng như còn bị giai điệu do mình tạo ra cuốn hút, nên mất một hồi lâu mới trả lời người thanh niên:

Tôi chỉ biết mỗi một giai điệu này thôi, do hồi nhỏ thường nghe mẹ tôi thổi. Đoạn 4

Tình tiết này xuất hiện "bất thần không đúng lúc" - như nhận xét của Sơn, nó hợp với tính cách của Hồng nhưng không hợp với hoàn cảnh của những người đang lần mò trong trong bóng tối. Sự lạc lõng làm Sơn (nhân vật) khó chịu: "Em vui lắm hay sao mà đàn sáo?" Thoạt đầu tôi cũng nghĩ vậy, đàn sáo gì lúc này. Liệu những con người trong tận cùng nỗi đau khổ và hoang mang vẫn có thể thả hồn vào cõi mộng mơ lãng mạn? Nhưng ký ức của Hồng làm tôi "bất thần" nhớ đến cuốn tiểu thuyết mà khi ở tuổi mười sáu mười bảy tôi rất yêu thích, Cánh hoa chùm gửi của Quỳnh Dao:

- Thế ai dạy cô hát bài này.
- Mẹ tôi.
Một khoảnh khắc im lặng trống rỗng, đôi chân mày của hắn nhíu lại suy nghĩ rồi trở lại bình thường. Hắn vui vẻ cười nói:
- Tôi đã tìm được giải đáp rồi. Cô nghĩ xem phải không, mẹ cô và mẹ tôi hai người thương nhau như chị em ruột, thân thích nhau như thế thì lúc tôi được ba hay bốn tuổi gì đó, chắc mẹ cô đã dạy tôi hát nên bản nhạc đối với tôi mới quen thuộc như thế.

Đó là khi La Hạo Hạo tìm cách lý giải tình cảm gắn bó dành cho Ức My, cô em ruột. Hắn không hề biết rằng từ trong chốn sâu thẳm của con tim hắn còn lưu giữ những ký ức về người mẹ. Một bài hát trong ký ức đã vô tình đưa họ đến gần nhau. Tôi vừa tìm đọc lại cuốn Cánh hoa chùm gửi, cảm xúc bây giờ đã không còn như ngày trước. Chuyện tình trai gái không còn làm tôi xao xuyến nữa, nhưng thật bất ngờ, tình cảm ân cần của cô Ức My dành cho bà gia nhân Gia Gia ngớ ngẩn làm tôi rơi nước mắt:

Nhìn Gia Gia, thấy bà vẫn mặc chiếc áo cánh mỏng, tôi không lấy làm lạ tại sao tay chân bà lại lạnh cóng như thế. Không có ai chăm sóc áo quần cho bà sao? Cởi chiếc áo bông đang mặc, tôi đứng dậy khoác lên người bà, vỗ về:
- Cho Gia Gia chiếc áo này đấy, mặc đi kẻo lạnh!
Bà ngạc nhiên nhìn tôi, đưa tay nắm thân trước áo.

Những bài thơ đường, những cánh hoa mong manh, những con thú nhỏ tật nguyền... trong Cánh hoa chùm gửi làm tôi xúc động ngẩn ngơ. Tôi nhớ đến mẹ tôi, nhớ những năm tháng sau chiến tranh gia đình tôi phải rời thành phố về sống ở vùng quê nghèo, phải vật lộn với hoàn cảnh cơ khổ. Khi ấy, mẹ tôi vẫn thong dong viết những bài thơ Đường treo lên cánh cửa tre cho chị em tôi học, mẹ tẩn mẩn chăm từng con mèo con thỏ, mẹ nâng đỡ những người trong xóm còn nghèo hơn mình, mẹ xôn xao thấp thỏm chờ đợi đóa hoa hồng tỉ muội đầu tiên nở bên những luống khoai...

Tôi rời xa quê mang theo ký ức làm hành trang. Ký ức đó giúp tôi vượt qua những mùa đông lạnh lẽo nơi xứ lạ, giúp tôi bình thản tránh xa lòng đố kỵ của người đời để mà đi tới. Nó có vị trí rất quan trọng trong tâm hồn tôi, ở mỗi khoảnh khắc phiền muộn, nó xuất hiện như một tác dụng sinh lý có tính cách nâng đỡ.

Trở về với Tháng năm ở Đại Trại, tôi cho rằng, sự xắp đặt đan xen hiện thực - quá khứ có chủ ý của Sơn là một trong những thành công của tác phẩm về mặt tâm lý học.

Tình dục là phương tiện hay cứu cánh

Khác với những tác giả hiện nay đang sử dụng yếu tố sex như là cách chứng tỏ bản lĩnh, là một thứ thử thách quyết liệt hay là một nghệ thuật ẩn dụ cao siêu... tác giả Sơn hoàn toàn làm chủ ngòi bút và cảm xúc của mình. Tình dục trong Tháng năm ở Đại Trại bị tiết giảm tối đa đến độ có cũng như không, dù rằng, đối tượng tình dục (Hồng) xuất hiện dày đặc trong suốt chiều dài tác phẩm. Tệ hại hơn nữa, tác giả Sơn cho nhân vật Sơn bất lực luôn để vấn đề tình dục bớt tổn hao bút mực. Chưa đủ, Sơn thường xuyên mang chuyện chính trị lên giường để biến giây phút gần gũi thành những trận cãi vã, những lần chia tay.

"Chính trị ở đất nước mình đã nuốt chửng mọi mặt khác của cuộc sống. Nó hút hết cả tinh lực yêu đương của những người trung niên như anh." (Hồng)

Thật vậy sao? Sơn phủ nhận những suy diễn hồ đồ của Hồng: "Có vẻ như mục đích của cô là nói cho sướng miệng và tìm cách bịt miệng anh."

Có vẻ đúng và không đúng.

Sơn yêu Hồng hay chỉ chìm đắm vào nhục thể cô mỗi khi cần giải cơn đói khát? Không cần đọc hết tác phẩm, mỗi độc giả cũng vẫn hiểu được vấn đề theo cách của mình và trong vị trí đứng của mình. Sơn thường làm Hồng nổi điên vì: "anh cũng chỉ đến với cô thuần túy thân xác, như lái một chiếc xe vào một cái gara, đậu đó hồi lâu, rồi lùi ra, đi về. Anh không buồn tìm hiểu cô nữa, thậm chí không nghĩ cô có một chiều kích khác, một phương diện khác."

Hồng cũng làm Sơn nổi điên khi bảo anh là kẻ “tìm thấy sức mạnh từ khối mặc cảm câm nín trước mọi người; không biết trút vào đâu nên trút vào em”. Có đúng như vậy không? Những người đàn ông sống trong chế độ này, ngoài chuyện say sưa ngoài quán xá, chửi vu vơ những trang báo đưa tin, chạy trốn vào giường vợ... họ còn tỏ thái độ phản kháng nào khác, một cách sống tích cực nào khác?

Bởi vậy mà họ cần có đàn bà, cần tình dục như một phương tiện xả bớt dồn nén từ một tâm lý ức chế và thương tổn. Trong hoạn nạn họ xích lại gần người đàn bà của họ hơn, thôi tranh chấp, thôi giận hờn, thôi lý giải. Những kỷ niệm thân xác sống lại và an ủi tâm hồn họ. Nhưng tôi tin chắc rằng, qua cơn hoạn nạn họ sẽ lại là họ, những kẻ luôn tìm cách trốn chạy, chối bỏ vai trò làm đàn ông (nếu thực sự có cái vai trò này) trong một xã hội được gọi là Đại Trại.

Hoạn nạn tuy có thể là chất keo gắn kết tình dục, nó vẫn có một khả năng tàn phá khác. Nó biến tình dục thành cứu cánh, là mục đích cuối cùng để những kẻ nắm giữ quyền lực thỏa mãn thú tính. Tình dục trong tác phẩm dù có là phương tiện để đổi chác hay hối lộ nhân viên công quyền, là phương tiện để côn an côn đồ đàn áp, khủng bố, tiêu diệt tiếng nói phản kháng thì nó vẫn mang tính chất nguyên thủy: thỏa mãn nhu cầu của kẻ chủ động.

Những yếu tố tình dục dữ dội này chính là đỉnh cao hiện thực của tác phẩm, nó làm tăng thêm giá trị chịu đựng của độc giả.

Tác giả không hề đi quá xa. Và độc giả trong nỗi đau cũng có thể đồng cảm được. Một thực tế xã hội, khi những cô giáo bị nhà cầm quyền cưỡng bức thành những nàng Kiều phục vụ cho tầng lớp quan lại Hồ Tôn Hiến, tình dục là một món hàng để đổi chác và cưỡng đoạt, là mục đích cuối cùng cho ham muốn nhục thể.

Nỗi đau trong Tháng năm ở Đại Trại là nỗi đau của những người phụ nữ, khi những người đàn ông của họ bị biến thành những cái bóng vật vờ thụ động, bị quyền lực (của những người đàn ông khác) đẩy vào trong góc tối.

Sau hơn tám mươi năm (từ 1930) kiên định lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa, người phụ nữ Việt Nam càng bị đẩy xuống sâu hơn trong lớp bùn dơ của chế độ phong kiến.

Độc giả phái nữ đọc Tháng năm ở Đại Trại chắc sẽ thấy an ủi phần nào. Ít ra cũng có một tay bút nam giới viết về đàn ông một cách trung thực, viết về đàn bà bằng một sự cảm thông.

"Hồng ghét nói về chính trị, như rất nhiều phụ nữ khác."

Hoan hô Hồng!

Tình bạn là giá trị thật thật ảo ảo

Nếu không có Bình, liệu câu chuyện có khác đi không? Sẽ chẳng khác gì bao nhiêu. Không có Bình thì Sơn tự lái xe đến Công an phường, tự vô quán kêu cà phê, tự gọi điện thoại cho con, tự phát hiện ra nước trong toilet không chảy, tự mày mò với hàng đống câu hỏi mà không có câu trả lời... Nhưng có Bình thì tác phẩm có thêm nhân vật, có thêm tình tiết. Quán nhậu có thêm người khui bia. Đường phố có thêm người xách xe chạy rong. Đàn ông Việt Nam có thêm người "phụ vợ bán quán" và ai cũng đinh ninh rằng, nếu không có biến cố 75 đổ ập xuống thì tương lai anh sẽ rất huy hoàng.

Tôi thích nhân vật Bình vì tất cả những điểm đó. Tôi thấy Bình thân quen vì Bình giống mấy ông anh họ của tôi, hao hao như mấy ông anh ruột của bạn tôi, những ông anh thế hệ 1950 - 1955.

Bình là một nhân vật thành công của tác phẩm qua cách mô tả hết sức chân thật của Sơn. Người ta tưởng có thể gặp Bình ở bất kỳ chỗ nào trên đường phố Sài Gòn, dưới tàn lá me xanh, bên quán cà phê vỉa hè, trong tiệm tạp hóa nhỏ phủ đầy bụi. Bình khép kín an phận, chẳng làm phiền ai và cũng chẳng để ai làm phiền mình. Khi bạn bè cần, Bình cũng cố tạo ra cho bạn một hy vọng (hay một ảo ảnh) về một người hùng đầy bản lĩnh với những câu mà Bình nói ra chỉ nhằm mục đích đốt phong long: "Có chết tao cũng đem Thủy ra khỏi tay bọn khốn này." Nhưng mà thành công! Sơn thấy đỡ lo hơn, đỡ cô đơn hơn: "Bình vì thế thành ra một kiểu mẫu người, luôn dẫn anh đến một suy nghĩ."

Một trăm ông ngồi trong quán nhậu, một trăm ông cụng ly, một trăm ông đều tin tưởng rằng thằng bạn nhậu của mình là thằng đàn ông bản lãnh hơn người, dám xả thân vì bạn, dám tiêu tới đồng tiền cuối cùng với bạn. Nó (thằng bạn tui) thâm trầm mà cả quyết, lặng lẽ mà chí tình... Nhất! Bạn nhậu là số một. Bạn nhậu có (khề khà) một trăm câu sai thì cũng phải có một câu đúng. Vợ mình (lải nhải) một trăm câu đúng thì rõ ràng bả vẫn có một câu sai.

Trong cơn hoạn nạn kinh thiên, bạn dám tuyên bố những câu hoành tráng, dám chở anh đi suốt con đường bụi bặm hiểm nguy... sau đó là ngủ khò trong một thứ tình yêu nước thiết tha sâu thẳm:

"Tóm lại, lòng yêu nước thường được mọi người quan niệm là một cái gì rất ồn ào, chất chứa bùng nổ, chực chờ phá hủy. Không có lòng yêu nước thiết tha, sâu thẳm. Như Bình bạn anh ngồi đây. Không có lòng yêu nước của một kẻ cô độc. Như Bình bạn anh đang ngủ say đây."

Bạn có thể tấp vô bất cứ cái quán nào, bình thản ngủ yên trong lòng yêu nước, nhưng khi tỉnh dậy gặp tai nạn nhỏ nhặt, bạn thấy hoang mang liền:

"Bình từ trong toilet, có vẻ như anh ở trong đó quá lâu, nói vọng ra vẻ hoang mang:

Nước trong toilet không chảy, Sơn à."

Một chuyện quá khó hiểu đối với mấy ông, "nước trong toilet không chảy".

"Khi anh bước ra, thấy Hồng đang rảo bước đi khắp nơi trong nhà vặn mở tất cả thiết bị nước ở chậu rửa bếp, lavabo, bồn tắm trong toilet thứ hai, chỉ đế thấy sự khô kiệt đang hiện diện trong các đường ống, thậm chí một vài chỗ rò rỉ những giọt nước hình giọt lệ thường ngày cũng không còn nữa. Rồi cô quì mọp gần như nằm hẳn xuống nền nơi góc nhà, chỗ có cái đồng hồ nước, lật nắp đồng hồ nhìn chăm chú hồi lâu, rồi ngước lên nói lớn, Đồng hồ nước ngừng chạy rồi. Cô đứng dậy nhanh, vẻ mặt bình tĩnh, dường như nhận ra điều gì. Nước bị cúp hoàn toàn."

À thì ra là vậy. Nước trong toilet không chảy vì nước đã bị cúp. Một vấn đề kỹ thuật hình sự phức tạp, một chuyên án khủng bố trầm trọng như vậy chỉ có thám tử đàn bà mới khám phá ra.

Nữ thám tử bất đắc dĩ tuy "là đồ ngu ngốc, biết một mà không biết mười, kiến thức chắp vá, vụn vặt, không có hệ thống gì", "rất khó thuyết phục cô. Vì cô dễ dàng nhảy từ cái mâm phạm trù hay khái niệm này qua cái mâm khác bất chấp anh lắc đầu không hiểu vì sao cô suy luận theo kiểu đó", "hiện nguyên hình là một phụ nữ sinh ra để được yêu chiều và thỏa mãn"... thì cũng có một giá trị nào đó trong cơn hoạn nạn, như một cái phao cấp cứu nhỏ xíu cho hai người đàn ông dũng mãnh bám vào:

"Anh và Bình ngồi lặng lẽ, không nói gì với nhau, như thể cùng chờ đón Hồng quay lại, với một giải pháp nào đó cho sự bế tắc hai ngày nay."

Trái ngược với người bạn chung thủy chung tình dám đi với anh cùng trời cuối đất, người phụ nữ mà anh luôn chê bai bình phẩm đó đã dám bỏ anh, phụ tình anh để làm cái chuyện động trời: cống nạp thân thể đổi lấy tự do cho con gái anh.

Đau.

Cứ thủng thỉnh kể chuyện như vậy mà Sơn vẽ ra một xã hội Việt Nam trong mối quan hệ nam nữ vô phương thay đổi. Cái hay của Sơn là chỗ đó, không phân tích, không lý giải. Biến cố 75 đổ ập xuống thì sao? Những người phụ nữ thế hệ 1950 cũng vẫn phải tồn tại, hai chân bước đi trên đất, kiên cường mang vác cả một gia đình (và cả những người đàn ông có một quá khứ huy hoàng).

Tình phụ tử làm nên tác phẩm

Bằng một cảm xúc tinh tế, Sơn đưa người đọc đi suốt đoạn đường dài tìm con. Hình ảnh người cha trong cảnh gà trống nuôi con được ngòi bút của Sơn miêu tả chân thật đến độ gần như hoàn hảo. Ngay từ những trang đầu, người đọc có thể ngỡ ngàng về hình ảnh một người đàn ông ngơ ngác lúng túng gần như không biết gì về con gái mình, dù nó sống chung với anh trong một căn hộ hai phòng. Anh đang chuẩn bị đi xa với người yêu, một chuyến đi có thể là mãi mãi, để lại đứa con đã đủ lớn khôn và sống độc lập. Bỗng nhiên rồi đứa con bị bắt.

Những cố gắng tìm hiểu muộn màng về đời sống của con gái, từng bước từng bước, thật là cảm động: "Khi mở tủ quần áo của con, nước mắt anh bất chợt ứa ra. Không có nhiều màu sắc sặc sỡ đập vào mắt anh. Không có cái áo nào có hoa hay các mẫu pattern mỹ thuật nào. Tất cả đều trơn tuyền, màu lạnh, màu dịu."

Những mẩu đối thoại rời rạc của một người cha tưởng là lơ ngơ không ăn nhập đâu vào đâu lại làm người đọc muốn rơi nước mắt, vì nó giản dị và yêu thương quá.

Con có bị đánh đập gì không?

Con bị xô đẩy lên xe, bị bẻ ngoặt tay, và có ai đó kéo tóc con.

Hiện giờ con có đau đớn chỗ nào không?

Có vẻ như không. Chắc chỉ khi nào nằm xuống thì mới biết.

Con đang ngồi?

Dạ.

Con xin nằm một chút được không?

Không sao, ba. Con chưa có nhu cầu đó.

Con đang mặc quần áo gì? – Anh bất giác hỏi, và sau này anh nhận ra đó là lần đầu tiên anh để ý đến chuyện ăn mặc của con gái.

Quần jeans và áo pull trắng.

Nếu tôi bị bắt, chắc ba tôi cũng sẽ hỏi những câu lơ ngơ như vậy. Nếu bạn bị bắt, ba bạn cũng sẽ hỏi những câu lơ ngơ như vậy.

Bởi vì đây là câu chuyện đời thực, không phải là câu chuyện trinh thám. Người cha Việt Nam sẽ không hỏi những câu đại loại như một thám tử (Mỹ) truy tìm tung tích: "Từ chỗ con bị bắt, xe chạy về hướng nào?" "Có qua cây cầu cái chợ nào không?" "Nhà giam có đặc điểm gì?" Không. Anh sẽ không đột nhập vào trại giam để cứu con, anh sẽ không đưa con chạy trốn trên những con đường đầy nguy hiểm, anh sẽ không truy sát kẻ thù, anh sẽ không trưng ra một loạt bằng chứng đưa tội ác ra ánh sáng. Bởi vì văn học Việt Nam trong bối cảnh xã hội hiện nay hoàn toàn không có cơ hội cho ra đời một tác phẩm như vậy. Bởi vì thoát ra khỏi "tiểu trại" thì trốn vào đâu trong "đại trại".

Anh chỉ lặng lẽ nuốt nước mắt, cố kéo dài những giây phút bên con, và hỏi những câu:

Con có sao không? Con sẽ ngủ ở đâu? Con ăn uống, vệ sinh thế nào? Con có đang bị tobe không?

Câu hỏi cuối cùng là câu hỏi của một người mẹ. Ngòi bút tinh tế của Sơn, câu hỏi giản dị của Sơn, đã làm độc giả hình dung ra cảnh gà trống nuôi con suốt bao năm trường, hình dung ra tình cảm của một người vừa làm cha vừa làm mẹ.

"Anh nhớ một lần anh ngồi thật lâu trong phòng ngủ của con, lần đó nó bị bệnh nằm mấy ngày. Khi đứa em gái anh săn sóc nó xong, giao việc lại cho anh, anh mới nhìn rõ khuôn mặt nó, khuôn mặt dĩ nhiên có nhiều nét giống mẹ nó, nhất là cái mũi nhỏ thanh tú, và đôi lông mày xa nhau. Anh sờ tay lên trán nó. Anh nắm tay nó. Anh giữ khuôn mặt nó trong tay, nâng đầu nó lên, cho nó hớp nước. Nhưng tuyệt nhiên không nói gì. Hình như nếu nói bất cứ điều gì ra thì một trong hai người sẽ bật khóc. Vì mỗi người đều có chung một chất chứa không bao giờ dám thổ lộ, không bao giờ dám đối mặt: những kỷ niệm về một người đàn bà."

Bởi vì vậy mà Sơn nhẫn nhục biết kiềm chế khi đứng trước tai họa của con gái. Tình mẫu tử sâu thẳm giữ Sơn lại ở những suy nghĩ mang tính lý trí hơn là hành vi bạo động hay tiêu cực mà loại đàn ông thất thế thường mắc phải. Không có một người đàn bà chống lưng, Sơn không có dịp đập phá, say sưa, chửi bới... hay tuôn ra những câu thề thốt văng mạng.

"SAU MỘT ĐÊM SUY NGHĨ, anh quyết định không nhờ vả ai cả, tự anh sẽ làm hết sức mình để giải thoát cho con gái."

Chuyện anh làm thật ra cũng lơ ngơ như những câu anh hỏi, nhưng đó vẫn là những cố gắng đáng trân trọng. Gửi đơn lên Ủy ban phường và Công an quận, viết một thông báo đăng báo mà chẳng có báo nào đăng, đến trường học gặp ông thầy giáo của con, chở bao áo quần của con đi khắp thành phố...

Từng bước đầy cố gắng, anh mở dần cánh cửa bước vào đời sống riêng tư của cô con gái, khi mà một người đàn ông từng ở vai trò người mẹ đã không đảm đương nổi. Nhưng rồi anh cũng không thể hiểu nhiều về Thủy. Khoảng cách giữa hai thế hệ quá lớn, vết thương giữa chiến tranh và hòa bình quá sâu. Anh và thế hệ của anh đã chối bỏ xã hội hiện tại, tìm cách lùi vào quá khứ (dù cái quá khứ mỏng tanh đó chẳng đủ chỗ cho anh dung thân). Khi đó, Thủy và bạn bè mình vẫn tiếp tục sống với ngày hôm nay và họ chỉ có hai sự lựa chọn: chấp nhận mọi bất công để đổi lấy sự bình yên hay dấn thân vào sự không bình yên để lãnh lấy đòn thù của sự bất công.

Thủy là một trong số rất ít người trẻ tuổi có sự lựa chọn thứ hai. Anh hiểu Thủy nhưng anh không tán đồng sự lựa chọn của con vì một lẽ rất bình thường mà bất kỳ người cha người mẹ nào cũng phản ứng như vậy. Đó là sự sợ hãi. Người ta có thể không sợ cho chính bản thân mình, nhưng người ta luôn sợ hãi cho cuộc sống và tương lai của con cái. Sơn mang nỗi sợ theo mình trong suốt quá trình đi tìm con, mà không biết tìm ở đâu, từ mấy cái quán bên đường, ra đến công an phường, vào tận trường đại học... loanh quanh trong thành phố quen mà lạ.

"Biến cố của Thủy khiến anh biến thành một người khác từ hai ngày nay, và anh nhận thấy một tâm thức, một bản ngã khác của anh từng phút, từng giờ thức dậy trong anh." Con người khác đó từ từ chui ra khỏi vỏ ốc, mạnh mẽ hơn, thực tế hơn. Nhưng cuộc lột xác không phải là không đau đớn. Quá trình thay đổi diễn đồng thời vời sự tự dằn vặt, tự buộc tội mình: "Anh có thể di truyền dòng máu phản kháng, nổi loạn kiểu gì đó cho con gái anh không?" Câu trả lời của tác phẩm là không. Sự phản kháng của Thủy là một hành động có ý thức, "một thái độ trí thức được hun đúc thành hành động chính trị theo thời gian".

Sơn thực sự không có dòng máu phản kháng nổi loạn như anh tự buộc tội trong lúc quẫn trí. Tác giả chủ ý xây dựng nhân vật Sơn vốn dĩ không can đảm gì và cũng không có một cá tính bạo liệt nào. Sơn (cũng như Bình) là hình ảnh chung chung của những người đàn ông miền Nam thế hệ 1950 - 1955. Ở tuổi đôi mươi, họ thụ động bước vào cuộc chiến rồi nhanh chóng thấy mình bị ném vào bên thua cuộc. Họ là một thế hệ mang tâm lý khác biệt vì ngay thời điểm lịch sử 1975, họ đã không thể xác định được vị trí đứng của chính mình: thuộc về quá khứ hay hiện tại. Họ chọn sự im lặng, lẩn tránh cuộc sống hơn là lên tiếng, trừ một vài ví dụ ít ỏi (và cũng viết rất ít) như Nguyễn Đặng Mừng (1953), Ngô Đình Châu (1952).

Hành động phản kháng chính trị mà Sơn từng có đã cách đây gần bốn mươi năm là tham gia những cuộc biểu tình của Phật giáo, là một trong những học sinh chuyên tổ chức bãi khóa, đem về nhà hàng đống truyền đơn, tài liệu chống đối chính quyền... Nhưng chuyện này hoàn toàn không nói lên lòng can đảm hay máu nổi loạn, vì anh cũng chỉ tham gia nửa chừng và trong giới hạn bị lôi kéo "thấy ai làm gì anh làm theo", tuyệt đối không từ một nhận thức chính trị rõ ràng (chưa nói đến quyết liệt). Nhận thức chính trị lơ mơ của anh dường như cũng không thay đổi gì theo thời gian, nó dừng ở mức quan sát hiện tượng hơn là đào sâu bản chất. Cách đây gần bốn mươi năm anh tin rằng: "ông thầy dạy triết, người cầm đầu, người cộng sản nằm vùng trong trường học mà sau này anh mới biết" là một nhân vật rất quan trọng có những ý kiến tối hậu, thì bây giờ anh cũng vẫn tin như vậy, ông thầy dạy triết của Thủy là kẻ nắm quyền sinh sát trong tay. Tôi không nói đến những cái vỏ chanh nằm vùng sau 1975 lần lượt bị ném vào sọt rác, tôi thấy ái ngại cho suy nghĩ của Sơn. Liệu một tên an ninh chỉ điểm trong học đường, một tên mật vụ cấp hạ tầng cơ sở có đủ là một hình tượng để diễn tả toàn bộ guồng máy cai trị tinh vi và kiên cố, từ một chủ thuyết độc đảng, từ một thể chế độc tài.

Nghệ thuật là hồn ai nấy giữ

Tôi nói ra đây những điều tôi thích còn tác giả viết những điều anh ấy thích.

Về nghệ thuật đặt tên tác phẩm, Sơn là cao thủ. Tháng năm ở Đại Trại mê hoặc tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nó kỳ vĩ, bí ẩn và gợi nên cảm giác về một vùng không gian khác lạ của thể loại dã sử hay kiếm hiệp. Đại Trại nằm ở đâu, bình nguyên, trung nguyên hay thảo nguyên?

Đó là cách đặt tên mà người đọc phải đi vào tác phẩm mới hiểu được, và dĩ nhiên mỗi người hiểu theo cách đọc của mình. Cũng giống như Atemschaukel của Herta Müller. Nếu có mười người dịch Atemschaukel ra tiếng Việt thì chắc chắn nó sẽ có gần mười cái tên. Dù chưa có một bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh, nhưng những cái tên Việt hiện có của nó đã rất phong phú và thú vị: Xích đu hơi thở (Thái Kim Lan - Da Màu), Tôi tự mang theo những gì tôi có (Lê Thị Huệ - Gió O), Hơi thở đong đưa (Nguyễn Thị Hải Hà - Da Màu), Nhịp thở chập chờn (Nguyễn Mạnh Trinh - VOA), Hơi thở nhịp nhàng (Hạnh Phương - vietnamnet), Đong đưa nhịp thở (Ngô Nguyên Dũng - Da Màu), Rung rinh hơi thở (Marcus)... Chỉ có một từ mà dịch ra biết bao cái tên. Nhưng ý nghĩa của nó, bản thân tôi phải đọc qua tác phẩm mới hiểu và cảm được: "Ich halte die Balance, die Herzschaufel wird zur Schaukel in meiner Hand, wie die Atemschaukel in der Brust." Tôi giữ thăng bằng nhờ vào cái xẻng hình quả tim đưa đẩy trong tay, giống như là cách đong đưa nhịp thở trong lồng ngực.

Không biết, người ta sẽ phải dịch Tháng năm ở Đại Trại ra tiếng nước ngoài ra sao.

Tôi hiểu nó như một câu chuyện tiếp nối sau khi tháng Tư kết thúc, những dấu ấn của quá khứ khép lại khi cánh của một trại tù vĩ đại mở ra. Và khi hiểu được như vậy, cái tên Đại Trại đã không còn thơ mộng hoang dã nữa. Nó u tối, buồn bã và không lối thoát. Tự điều này đã tạo nên một cảm giác mất mát. Với 5 đường kiếm (trác tuyệt), tác giả đã đả thương người đọc rồi.

"Tháng năm ở Đại Trại" nên thơ và êm ái như một câu ngũ ngôn, nhờ vào hai chữ "tháng năm". Tại sao không là năm tháng mà là tháng năm. Tháng năm thì dài miên man vô tận. Còn tháng Năm là một dấu mốc.

Nghệ thuật Dòng ý thức (Bewusstseinsstrom) là một thử nghiệm thú vị của tác phẩm. Dù là một độc giả luôn chạy trốn các tác phẩm thuộc thể loại này, nhưng đọc Tháng năm ở Đại Trại tôi thấy mình đủ sức chịu đựng. Có thể vì tác phẩm không quá dài và ranh giới của hai bờ quá khứ - hiện tại khá rõ ràng (1975). Ở một số chương, câu chuyện hoàn toàn không có đối thoại, nó như một dòng sông miên man chảy đem theo những liên tưởng, suy tư, hồi ức, nội tâm tính bản ngã... qua một giọng kể mang tính tự sự không rõ của anh hay của tôi, không rõ của tác giả hay của nhân vật, không rõ đã biểu hiện ra bên ngoài hay còn nằm trong suy tưởng, không rõ là đối thoại ngoại diện hay đối thoại tâm thức... Độc giả vô tình bị cuốn vào dòng chảy để thấy gần gũi và dễ cảm thông với tư tưởng của tác giả hơn, đôi lúc độc giả còn vô tình tự đặt mình vào vị trí của nhân vật và hoàn toàn chấp nhận những hành động của anh ta. Thử nghiệm này rất rõ nét ở đoạn 1, không hiểu vì sao đến đoạn 2 thì mất dần đi. Những câu đối thoại rõ ràng có dấu: dấu "" bắt đầu xuất hiện. Ở đoạn 3 trở về sau, cường độ xuất hiện của đối thoại trực tiếp tăng dần lên, mạch truyện trở nên rõ ràng khúc chiết. Có thể đây là thử nghiệm khác của tác giả, nhưng tôi thấy tiếc.

Kết cuộc là gu của mỗi người

Tôi thích một kết cuộc mở, thích những tình tiết và tư tưởng thể hiện kín đáo một chút (một chút thôi) như cách tác giả tạo dựng nhân vật Bình. Sự kín đáo của tác phẩm mở ra cho người đọc khoảng không gian nho nhỏ để tự suy diễn. Những khoảng không gian bất ngờ này thú vị như một khoảnh khắc bất chợt nhấp ngụm cà phê và ăn một miếng bánh ngọt. Người ta dừng lại một chút để nghỉ ngơi và thưởng thức. Bởi vậy mà, dù tôi yêu thích thriller lại rất không ưa truyện trinh thám (krimi). Những cái kết cuộc rõ ràng mang tính lý giải (huỵch toẹt) thường lấy mất của tôi khoảng không gian suy tư mơ mộng. Sau khi gấp một cuốn sách lại tôi thích ngẩn ngơ một lúc nhìn ra cửa sổ hơn là khoan khoái đứng dậy (vì đã biết rõ thằng thủ phạm là ai). Nó cũng giống như đi xem phim trong rạp vậy, sau một cuốn phim hay, khán giả không xô ghế đứng ngay dậy chen chúc nhau ra về, người ta ngồi bất động nhìn vào màn hình, nghe lòng mình hoang mang xao động. Zorn der Engel (Rage of Angels) của Sidney Shelden là một ví dụ của thriller với những khoảng không gian trống và một kết cuộc mở. Tôi đọc nó rồi một tháng sau, một năm sau nhìn ra cửa sổ vẫn thấy lòng mình còn ngẩn ngơ ngậm ngùi.

Tháng năm ở Đại Trại có một kết cuộc dữ dội và tàn khốc. Nhưng tôi thấy hơi phản cảm một chút, vì kết cuộc này nhắm thẳng thừng vào ông thầy dạy triết. Ở khía cạnh giáo dục, việc diễn tả hành vi ông thầy dạy triết hiếp dâm tư tưởng nhiều thế hệ học trò thì có tính phổ quát hơn là diễn tả trực tiếp hành động hiếp dâm thể xác học trò (Thủy) hay dùng quyền lực để ép buộc sự hối lộ thể xác của đối tượng theo đuổi (Hồng). Sự kín đáo duy nhất ở đây là chừa cho độc giả một khoảng trống nhỏ tự tìm ra thủ phạm. Tôi tìm ra ngay thôi (mũi tôi rất thính, nghe mùi dầu thơm là hắt xì liền). Đó là khoảnh khắc thú vị mà tôi phải cảm ơn tác giả, vì ít ra tôi – trong tư thế độc giả – cũng có làm việc đôi chút chứ không hoàn toàn thụ động.

Về mặt nghệ thuật và tư tưởng, kết cuộc của Tháng năm ở Đại Trại thành công vì một màn action chung cuộc, vì tiếng thét phẫn nộ không còn gì kiềm hãm được đã bật ra, vì một cuộc chiến dùng dao đấu lại dao - vạch mặt kẻ chủ mưu. Nó làm độc giả ôm vết thương lặng lẽ ứa nước mắt.

Tháng Mười hai đọc Tháng năm ở Đại Trại, bên ngoài trời đông giá. Tháng Giêng, tháng Hai trời vẫn còn rét buốt. Nhưng mùa xuân rồi sẽ đến. Tháng Năm, khi hoa anh đào nở rộ dọc bên bờ sông buông những trận mưa hoa trắng xóa đất trời, nắng ấm sẽ tràn về, vạn vật thực sự đổi thay.

Berlin, 01. 2017

Chú thích:

*Không chỉ độc giả hiện đang lúng túng trước ba khái niệm: krimi - thriller - horror, các nhà nhiên cứu phê bình hay dịch giả Việt Nam cũng trộn lẫn lung tung ba khái niệm này. Các bạn có thể xem sơ qua khái niệm krimi (trinh thám) và thriller (truyện gay cấn):

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tnh-phan-dong-cua-truyen-ngan/

Rất tiếc, đây là một phân tích sơ sài không đầy đủ về thriller trong bối cảnh một bài phỏng vấn thiên về đặc tính của truyện ngắn. Trong văn chương, thriller gần gũi với krimi, nhưng trong điện ảnh thriller rất gần với horror. Có lẽ, điều này làm người Việt hay dịch thriller thành truyện kinh dị.

Bao giờ có thời gian, tôi sẽ có bài viết rõ ràng hơn về ba khái niệm: krimi - thriller - horror. Nhưng trước mắt tôi rất khó thu xếp được thời gian. Ai có thừa khả năng? Làm ơn giúp định nghĩa lại ba khái niệm này.

** Theo Nguyên tắc khoái lạc của Freud (Psychoanalyse) và Aristoteles (Nikomachischen Ethik): Khoái lạc là bổ túc bình thường của một hoạt động đã đạt được mục đích của nó.