Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Nhìn ngắm lại Gái xuân của Nguyễn Bính

Đỗ Quyên

Image result for "Đỗ Quyên" vanviet.info

Em như cô gái hãy còn xuân,

Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,

Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Lòng xuân lơ đãng, má xuân hồng.

Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng,

Đôi tám xuân đi trên mái tóc.

Đêm xuân cô ngủ có buồn không?

*

Mùa xuân và thiếu nữ. Hai đề tài tuy hai là một. Khi viết về mùa xuân với nhân vật thiếu nữ, hay viết về thiếu nữ trong quang cảnh mùa xuân.

Hiếm thấy người làm thơ nào buông bút trước đề tài “hai trong một” muôn thuở này. Nhưng để được phong danh Thi sĩ mùa xuân-thiếu nữ, phải nói là hiếm. Và Gái xuân chính là một giấy chứng nhận cho thi hiệu Nguyễn Bính.

Về số lượng chữ, khó có thể bảo Gái xuân là bài thơ về xuân hay về… gái!

Tám câu thơ, tám chữ “xuân”. Tám câu thơ, tám chữ về thiếu nữ hoặc về cơ phận đặc tả người nữ (“em”, “cô gái”, “gái”, “thân”, “lòng”, “má”, “mái tóc”, “cô). Thật ra trong thơ, ăn nhau đâu nhờ dung lượng. Mà ở nội dung.

Từ tên bài cho đến nội hàm, ông tây bà đầm nào biết tiếng ta kha khá cũng thấy ngay đấy là bài thơ về một thiếu nữ đang phải mang tâm sự. Tâm sự lớn và nóng: chuyện vợ chồng í mà. Tứ thơ thân thuộc và dễ hiểu, nếu không nói là cũ, quen. Bài thơ ngắn, vuông vức trong hai khổ thơ bảy chữ mà chứa cả một kho tình tứ.

*

Cái hay dễ thấy là thi sĩ đã nhuần nhụy và rành mạch khi biến hóa hai đề tài vào một chủ đề. Nói về người nữ trong tâm thế và không khí xuân, và còn có thể lột tả cảnh xuân qua tâm trạng và hình thể nữ. Phép ẩn dụ mùa xuân-thiếu nữ không có gì phải giấu diếm.

Mà khổ lắm, làm sao giấu được cơ chứ? “Thân” thì “trong trắng chưa lấm bụi trần”. Đã “gái xuân” lại còn “giũ lụa trên sông Vân” thì thôi rồi. (Bạn đọc hãy kiên nhẫn, đoạn dưới sẽ thấy rõ “sông Vân” là cái gì?)

Của đáng tội “lòng xuân lơ đãng” đấy nhưng là “lơ đãng” hoặc theo kiểu “em chã”, hoặc rối trí bởi nhiều “lý do khách quan và chủ quan”! Nhìn kìa: “má xuân hồng”.

Thời xưa, và cả đến thời Nguyễn Bính, con gái chớm “đôi tám” là thành trái bom nổ chậm trong nỗi lo của đấng sinh thành. Còn với cô gái? Khối tâm sự khổng lồ như từng được quý phu nhân của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, vị giáo sư nức danh nước Nam dạo đó, thổ lộ: “Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh quyết chọn được người tài đức mới dám trao gửi thân... Thế là em đã được toại nguyện.”

Chưa tìm được ý trung nhân, mỗi “đêm xuân” ôm một nỗi buồn. Nói chi chuyện ngủ nghê! Biết rồi còn hỏi?!

Đêm xuân cô ngủ có buồn không?

Câu thơ có phần lộ, sượng. Phải không ạ? Nhưng rất Nguyễn Bính. Với thi nhân lãng tử có trường tình xuôi ngược Bắc - Trung - Nam, không cung bậc nào của tình yêu ở người nữ không bị phát giác!

Nhà thơ đương đại Trần Dạ Từ có câu tương tự. Cũng ở nhân vật tuổi trăng tròn, và cũng kết bằng câu hỏi. Hỏi, có sẵn “đáp án”:

Bài thơ từ thuở trăng mười sáu

Mười sáu trăng chờ em biết không.

*

Tám câu thơ, nói về kỹ thuật, không hề mang vết nhăn. Cả tám câu. Về ý tứ, riêng tôi thấy câu kết đọc nhanh thì thú mà ngẫm ra chẳng thích. Ang ác thế nào ấy. Như đã nói, Nguyễn Bính là vậy. Phải chịu thôi. Có bạo chút xíu, nhưng hóm. Vả lại, vào thời Tây các cụ ưa tặc lưỡi: “C’est la vie!” (Đời là thế!)

Không kể năm câu còn lại có thể xem là tả chân rõ ý, tôi rất chịu tài của thi bá ở hai câu sau đây.

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.

Biết bao lần tôi tự hỏi: đó là câu thơ trời cho thi sĩ, hay chính chàng tự tìm thấy trong ký ức xa xăm hoặc hiện thực sờ sờ của mình? Chịu!

Có hai đối tượng, nếu bạn thuộc vào thế hệ a còng ai pát, dễ bỏ qua: “lụa” và “sông Vân”.

Biểu tượng lụa luôn gắn với phận người phụ nữ thời xa xưa cho đến giữa thế kỷ trước. Ca dao: “Thân em như tấm lụa đào…”

Và trở lại lần nữa cùng thi sĩ họ Trần trong cùng bài thơ đã trích dẫn:

Em mười sáu tuổi trăng mười sáu

Áo lụa phơi buồn sân gió xưa.

Còn “sông Vân”? Tôi đồ rằng, đó chính là sông Vân chảy theo hai quốc lộ 1 A và 10 cạnh thành Ninh Bình. Núi Thuý, sông Vân - hai nét đẹp thiên nhiên trao tặng xứ ấy. Cũng là tỉnh bên quê nhà Nam Định của thi nhân.

Sách dạy, có cả thảy sáu cây cầu bắc qua sông Vân: cầu Âu Vân, cầu Vân Giang, cầu Vòm, cầu cầu Lim, v.v… Ai mà biết “cô hàng xóm” – í lộn “cô hàng tỉnh” chứ – của Nguyễn từng ngồi “giũ lụa” bên cây cầu nào để hóa thành “Gái xuân” cho chúng ta thưởng lãm bao mùa xuân qua cho đến xuân Đinh Dậu nay.

Giũ lụa” là thao tác xử lý lụa với công đoạn dùng nước sông; ở đây là thái độ của cô gái bị chất chứa trong mình khối tâm sự. Giũ đi những gì u mờ, rắc rối để thảnh thơi nhận về cái mới. Mịn màng và trong suốt.

Chưa hết, tên cổ của sông Vân là Vân Sàng. Vân Sàng là gì vậy ta? Sông Vân vốn là địa chỉ oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống nhà Tống xâm lược dưới thời vua Lê Đại Hành (941 – 1005). Truyền thuyết thế này: sau khi Lê Hoàn đánh bại quân Tống, chàng trở về thành Hoa Lư - nơi Dương Vân Nga đã kê giường sẵn bên bờ sông đón vị vua anh hùng. Và khi cặp đôi trai tài gái sắc kỳ lạ số một trong lịch sử đang giao hoan, một đợt gió mạnh bất thần kéo thổi mây lan đến vùng trời soi rủ xuống dòng sông lững lờ như không biết gì! Từ đó con sông mang danh Vân Sàng (tức là giường mây). Hỏi có gì tình tứ và… phồn thực hơn thế! A, khi chàng Bính giao hoan cùng nàng Thơ mà sinh hạ thi phầm Gái xuân, liệu đã có hay chưa hai con đường mang tên Lê Đại Hành và Dương Vân Nga ở hai bên bờ sông, gần nơi tọa lạc đền Đồng Bến ghi nhận truyền thuyết ấy?

Đôi tám xuân đi trên mái tóc.

Tuyệt, kỹ thuật thả vần thảy chữ! Hình ảnh cụ thể lại trừu tượng. Bước chân nhẫn tâm của Ông lão Thời gian. Lời thơ vẫn mượt, trong cả ba cách nhấn nhịp: 2 / 2 / 3, hoặc 3 / 1 / 3, hoặc 3 / 2 / 2.

Ca khúc cùng tên do Từ Vũ phổ nhạc được ca sĩ Quang Lê hát ở cách đầu, hiền nhất: Đôi tám/ xuân đi/ trên mái tóc.

Tôi không biết ca hát, chỉ thích đọc câu thần thi theo cách thứ hai: Đôi tám xuân/ đi/ trên mái tóc.

Mạnh hơn, đau hơn khi mà động từ “đi” đi một mình. Bạn biết ngâm thơ, thử chọn cách thứ ba xem sao?

Vancouver, cuối tháng 12/2016

Đỗ Quyên

[Bản đầy đủ so với bản in trong tạp chí Đô thị & Phát triển số Tết Đinh Dậu 2017]