Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

BUỔI SÁNG CUỐI NĂM

Truyện

Nguyễn Lệ Uyên

Thị trấn kéo dài từ những dãy đồi thấp, thoai thoải đổ dần ra phía bờ sông. Phố xá, cửa tiệm tập trung trên hai trục đường cắt chéo hình chữ thập. Chợ và bến xe ở cuối một rạp hát bỏ trống, chỉ còn lại mấy mảng tường bị ngã đổ từng đoạn, trơ vơ quanh đám cỏ mọc xanh um. Các tiệm ăn, quán giải khát xếp thành dãy dài phía bên này đường, đối diện các công sở là những căn nhà ngói cũ kỹ, ẩm thấp. Trên đầu thị trấn ngó xuống, những nóc nhà lô nhô nép bên những hàng cây cao dọc đường lù mù trong lớp sương đục và bầu trời đen đậm. Thị trấn lúc này giống như một bức ký họa của người họa sĩ phác thảo lúc anh ta đang chếch choáng hơi men, ẩn hiện không rõ ràng.

Những ngày giáp tết, thị trấn bổng ồn ào hơn. Thấp thoáng có chút màu sắc của bông hoa, màu sắc của áo quần trẻ con và hàng hóa chất đầy trong tiệm. Một vài căn nhà được làm mới bằng những mảng vôi quét màu sặc sỡ viền ở những đường hoa văn trước mặt tiền. Trời âm u liên miên, không thấy hé ra chút nắng khiến những phụ nữ, những người đàn ông có tuổi luôn thấy mập hơn, to và lụng thụng mỗi khi xuất hiện trên đường.

Căn nhà người thanh niên đang trú ngụ nằm ngay dưới chân vách núi đá, chỗ cao nhất trong thị trấn. Ở đây có thể nhìn bao quát khắp một vùng rộng lớn bao quanh. Mỗi sáng thức dậy, anh thường ra đứng trước khoảnh sân hẹp nhìn mặt trời từ dưới sông nhô lên rực rỡ. Anh nắng loá sáng con đường đất đỏ, ửng màu mây đỏ trên những mái ngói xuôi dọc hai bên đường; ở phía tây, tít đằng xa là nóc nhà thờ chỉ còn trông thấy tháp chuông nhấp nhô trong những đám ruộng mía xanh màu ngọc bích. Đó là con đường đất chính nối các buôn làng với thị trấn, với những chiếc gùi nhỏ xíu trên lưng những người miền núi, có thể trông thấy từ xa … Giờ đang cuối mùa mưa, nhưng bầu trời chưa lúc nào lộ nắng để anh phải khốn khổ lơ mơ, tơ tưởng một chút nắng để thấy những con đường đất đỏ, những mái nhà ẩm rêu rực rỡ những ngày trước kia bớt vẻ lạnh lẽo trong những ngày cuối năm. Cái lơ mơ đột ngột bị đẩy bay ra ngoài, khi bên tai anh nghe vang lên giọng nói rành rọt:

-Chú có bận gì không?

Người đàn ông mặc áo len màu chì nhô hẳn đầu qua khung cửa, hỏi bằng một giọng thân mật; theo sau ông là con chó rẫy có bộ lông xám màu đá núi. Ông ta là người hàng xóm, thỉnh thoảng tạt qua nói vài câu vu vơ về chuyện con cái, thời tiết, mưa nắng rồi đột ngột đứng dậy ra về, không mục đích rõ ràng.

-Không. Hình như không bận gì!

Hình như anh đang nói dối với người đàn ông đang ngồi trước mặt mình. Kỳ thực anh chẳng phải rờ đụng chân tay vào công việc nào trong lúc này, để gọi là bận. Nhưng con mắt và đầu óc anh thì bận thiệt. Vì khi người đàn ông bước chân qua cổng cũng là lúc trời hửng lên. Một chút nắng hiếm hoi kéo thành vệt dài, thình lình rớt xuống khoảnh vườn trước sân nhà làm ửng lên màu vàng rực rỡ. Cả khoảnh vườn như sáng hẳn, nổi lên những đường viền màu xanh khép nép, và bên trên, nhô lên cao lô xô là những búp vàng mượt của mấy luống vạn thọ. Hiếm khi có màu sắc tuyệt vời như thế giữa tháng Chạp âm u mưa, âm u những đụn mây đen áp sát đọt cây…

-Thằng Doãn gửi lời thăm chú.

-Dạ vâng, Doãn.

Màu nắng và những búp vạn thọ như đang thì thầm, rủ rê, giống hệt mấy đứa trẻ con nhà hàng xóm í ới hẹn hò xuống phố đứng dán mắt trước các cửa tiệm, nhìn chăm chăm những tấm áo mới đủ màu xanh đỏ…. Những đứa trẻ chạy lăng quăng có vẻ như có một liên hệ báo trước những ngày tết đang cận kề.

Bộ mặt ủ dột, lấm láp những ngày mưa sắp bắt đầu xoá nhoà dần sau những ngày dài làm tình làm tội những con đường đất lầy lội, những lùm cây úng vàng và cả mùi ẩm mốc bám đầy những bức tường vôi chung quanh nhà…

-Nó gửi về chai rượu quí, tôi…

-Vâng, chai rượu…

Chai rượu trong tay người đàn ông thình lình làm bầu trời đứng sựng. Nắng biến mất đột ngột. Chút nắng vàng hiếm hoi ấy biến mất, bay vụt ra khỏi tầm mắt, cũng đột ngột như khi nó thình lình rớt xuống trước sân nhà. Một tảng mây đen khổng lồ trôi qua chậm chạp, từ từ liếm sạch màu nắng vàng khiến anh có cảm giác như nó sắp sửa đè bẹp khoảnh vườn rực sáng khi nãy, đè bẹp anh và người đàn ông và Doãn và chai rượu. Anh thất vọng ngó người đàn ông, từ đỉnh đầu tới ngang bụng, phần dưới cơ thể ông ta bị chiếc bàn che khuất, như thể ông là thủ phạm bưng chút nắng quý hiếm của anh trút vào trong chai rượu, hay giấu trong bụng áo ấm lấp bên nửa bàn bên kia. Anh ngó sững vào chai màu trắng giả đá để tìm kiếm sự ấp áp hình như ông ta đang giữ trong đó. Người đàn ông nhóng lên, quơ chai rượu chực rót ra ly.

-Nó kêu Mao Đài Tửu. Nó đi Bắc Kinh về.

-Vâng, Doãn đi Bắc Kinh…

Anh ngẩng mặt lên ngó chai rượu màu men sữa trắng đục. Nắng không thể bị nhốt vào trong ấy được. Vâng, có thể Doãn nào đó và cả Bắc Kinh của người đàn ông đang ngồi bên mép bàn bên kia đã mang đi chút nắng vừa mới nhìn thấy khi nãy. Anh nhìn vào chiếc chai giả đá và nghĩ không thể có giọt rượu nào để tìm kiếm chút nắng mong manh. Anh thẫn thờ đến đờ đẫn nỗi thất vọng, chán ngán. Những rạo rực ban đầu bị tắt ngấm bởi chai rượu đang nằm gọn lỏn trong tay người đàn ông, ở phần cổ, lùn tịt.

Khoảnh vườn âm u, xám màu mây đen. Những búp vạn thọ lẻ loi, run rẩy trên những cành lá xanh, hết còn rực rỡ khiến lòng anh nguội lạnh chen lẫn nỗi hoang mang tột cùng.

-Ta chào nhau buổi sáng, chú hỉ?

Và không đợi anh trả lời, người đàn ông với tới phía trước, kéo hai chiếc ly thủy tinh màu hồng nhạt đặt trong chiếc kệ ngang với mặt bàn, về phía mình. Ông ta từ tốn rót ra ly, từ tốn đẩy một chiếc ly về phía anh rồi thong thả nâng ly lên.

-Một ngày bình yên chú hỉ?

-Dạ, một ngày bình yên – anh đáp.

-Nhưng mà điệu này kéo dài, mưa lập dập, nắng lập dập âm âm u u như kiểu trời chuẩn bị sập thì tết chẳng có bánh mà ăn. Thằng Doãn kêu tráng cho nó năm trăm để mang về trỏng, biếu xén, ăn tết. Thiệt mệt. Trời đất kiểu này biết sao được. Không có bánh tráng thì còn gì là tết? Bà vợ tôi nói không nắng thì xuống chợ mua. Nhưng mà chú ơi, bánh tráng hong lửa thì khác xa với bánh tráng phơi nắng…

-Dạ, nắng. Chỉ có nắng mới làm ấm lên mọi thứ. Tất cả mọi thứ đều trở nên đẹp – Anh nói vội vã, y như rằng trước mặt lúc này nắng ấm đang đổ xuống sân.

-Chú văn nghệ quá – người đàn ông kêu lên – Có nắng bánh tráng ngon hơn gấp bội phần!

-Dạ, đẹp và ngon cả hai đều như nhau. Hễ đẹp thì nhất định phải ngon, và ngon thì phải đẹp. nhưng mà chưa chắc… - anh bỏ lửng, sợ nói ra làm phật lòng người hàng xóm - cái gì hiếm đều trở nên quí giá cả – Anh đột nhiên hứng khởi.

Chiếc ly thủy tinh màu hồng nhạt nằm ghé trên đôi môi thâm đen của người đàn ông, hình như cũng ngạc nghiên vì những ý nghĩ bất ngờ của người thanh niên, cứ giữ nguyên vị trí như vậy một lúc lâu, trước khi ông ta dốc ngược ly vào miệng. Có tiếng “khà” kêu lên lẻ loi giữa buổi sáng lạnh giống buổi hoàng hôn, giống hệt tiếng thở dài tràn ứ nỗi thất vọng, vì không thể tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu mà ông mong đợi. Chiếc ly dành phần anh vẫn nằm nguyên trên mặt bàn, đầy rượu. Người đàn ông đẩy chiếc ly trống của mình tới, chạm nhẹ vào thành ly kêu đánh cốp một tiếng nhỏ khẽ khàng.

-Chú lại văn nghệ nữa rồi. Ai kêu mấy chiếc kiềng sắt, bình vôi giờ này không hiếm? Nhưng mà chú coi, có quý gì đâu?

-Dạ, có lẽ phải, đâu có gì kêu là quý.

Người đàn ông há hốc nhìn người thanh niên rồi bất ngờ ngửa cổ ra cười khà khà, một giọng cười biểu lộ chút ngạc nhiên  rất buồn cười về cách nói của anh, trong khi bàn tay phải ông ta vẫn giữ chặt chiếc cổ chai lùn tịt. Đến khi ông ngưng cười thì trên khoé mắt có chút nước ứa ra ngập ngừng. Ông đặt chiếc ly xuống bàn, dùng ngón tay trỏ quẹt chỗ nước mắt chảy ra đó, như cố giấu sự buồn cười có thể chảy ào ra lần nữa, mãnh liệt hơn.

-Chú thiệt “thắc cười”. Mới hồi nãy biểu đẹp là ngon, ngon là đẹp là quý, giờ kêu… Chú thiệt văn nghệ.  

Ông lại cười hích hích trong cổ họng, cố kềm giữ sự khám phá bất ngờ của mình đối với chàng trai trẻ đang ngồi trước mặt, rồi tự rót đầy ly nữa và ngửa cổ uống ực. Tới giờ, ông mới chịu buông tay ra khỏi cổ chai rượu, chiếc ly trống nằm trên mặt bàn, cạnh chiếc ly còn đầy rượu của anh, móc túi lôi ra gói thuốc lá và chiếc bật lửa. Ông rút một điếu cắm lên môi, nhưng không quẹt lửa mồi mà tiếp tục nói. Điếu thuốc bị kẹp chặt giữa hai môi thâm đen rung lên nhè nhẹ mỗi khi ông nói. Cả hai có vẻ khổ sở như nhau. Người đàn ông cầm chiếc bật lửa, nhưng vẫn không chịu quẹt cháy.

-Nói thiệt chú đừng giận, mấy chú văn nghệ như chú không làm sao mà hiểu nổi. May mà thằng Doãn nhà tôi chữ nghĩa ít, nhảy đi buôn bán chớ không thì…

Ông kịp nhận ra hình như mình sắp lỡ lời, có vẻ như mình sắp lỡ lời thiệt nên người đàn ông kịp dừng lại, chuyển sang chuyện rượu chè. Còn điếu thuốc vẫn nhảy tưng tưng trên đôi môi thâm đen.

-Không biết chú sao, chớ tôi thì chúa ghét mấy cha rượu chè be bét, uống chi mà tới say đớ lưỡi, say quắc cần câu mà cứ kêu lai rai giải sầu? Rượu chè cũng có năm ba đường hả chú? Tôi nghe nói tiên tửu, tục tửu, ngưu tửu chi chi. Thiệt mệt. Cứ như anh em ta, lâu lâu có rượu ngon, ngồi cà kê vài ly rồi mạnh chuyện ai nấy làm. Cù nhằng, cù nhùng mất cả thì giờ. Mà chú chưa vợ con chưa biết. Nhiều khi uống, lỡ say “nhỏng phao câu”, mò về tới nhà con vợ tôi kêu trời. Say nhưng cũng biết được mình quá là sai, nên phệu phạo bào chữa “nam vô tửu như kỳ vô phong”, rồi câu gì bữa chú đọc cho tôi nghe đó. Á, à, nhớ ra rồi “mùa này thiếu rượu anh hùng nhát gan”, khiến bả nổi sùng bỏ tôi một bữa để muỗi và tôi cùng nằm say bên nhau.

Người đàn ông toan với chai rượu rót thêm một ly nữa để tự thưởng cho những lời nói ý nhị của mình, song nghĩ sao ông rụt tay về, ngó chằm chằm vào mắt anh thanh niên xa xôi ngoài khung cửa, hỏi:

-Mà tôi cũng lấy làm lạ. Chừng ấy tuổi, sao chú không chịu lấy vợ? Cỡ tuổi này, nếu có con gái đầu lòng thì đã sui gia rồi đó nha?

Anh bật cười mà không thể nhìn thấy đó là nụ cười tròn hay méo mó dị dạng, tìm cách nói cho người đàn ông yên lòng:

-Không phải là không muốn có một cô vợ bên cạnh. Chỉ tội một điều, họ nhìn thấy đời sống tôi nhếch nhác quá nên ai cũng ngại, quay lưng bước thẳng.

-Chú nói sao ấy chớ? Thời buổi gái thừa trai thiếu. Làm vợ chú như thể làm bà hoàng ấy chớ? Đã đành chú có đời sống văn nghệ, nhưng mà văn nghệ thì có sao đâu? Tôi thấy các cô chú ngày nay sống sao sao ấy, không như chúng tôi ngày trước! Rồi lại khi không chú bỏ cái thành phố đẹp đẽ ấy để về khép kín ở chốn khỉ ho cò gáy này, thì chắc là chú phải có tâm trạng?

-Dạ không, không có tâm trạng gì đâu. Chẳng qua tôi muốn yên ổn, muốn sống trong không khí tĩnh lặng để làm việc.

-Tôi đâu thấy chú làm việc gì? – Người đàn ông ngạc nhiên.

-Dạ

-Thôi, bữa nào thằng Doãn về, tôi biểu nó mời chú làm cố vấn cho nó. Hai anh em tha hồ bay nhảy.

-Cảm ơn chú. Chuyện đó tôi càng mù tịt, chẳng biết gì đâu!

Người đàn ông phẩy tay.

-Ui, dễ ợt đó mà. Như thằng Doãn đó, có học hành con khỉ mốc gì đâu mà nó vẫn làm được.

-Dạ.

Người đàn ông chấp chới trong mớ hiểu biết lẫn lộn với niềm tự hào hỗn độn về sự thành đạt của con, bèn chỏ tay qua phía anh, cười lớn.

-Chú mà giấu nổi tôi! Chú đừng có hòng mà giấu nổi tôi nhé.

Nói và ông cười to vừa đứng dậy. Tiếng cười khậc khậc quấn quít bên những bước chân chệnh choạng khi ông bước xuống từng bậc cấp với niềm vui như vừa khám phá được chuyện lớn, thật lớn.

Anh không tiễn ông như mọi khi, chỉ thấy ông rất hài lòng với những gì ông có được quanh mình, trong buổi sáng này như ông đã từng hài lòng về chuyện vợ con, những bữa rượu lẻ cùng những tiện nghi vừa đủ để mang ra khoe với mọi người chung quanh.

Con chó đi theo người đàn ông, nãy giờ lim dim nằm ngủ dưới gậm bàn chắc là đang mơ thấy ngậm khúc xương trong miệng, nên kéo dài niềm hạnh phúc bé bỏng của loài vật, quên mất những bước chân loạng choạng của ông chủ, vội nhổm dậy, ủng oẳng chạy theo sau. Đuôi có chùm lông dài ngoắc qua ngoắc lại phía sau chân ông, y như rằng chủ tớ là những người vừa thắng trận, đang trên đường ca khúc khải hoàn.

Người đàn ông bước đi, nhưng không lôi theo bầu trời nặng trình trịch cùng cơn mưa lâm thâm và ngọn gió bấc thổi se sắc trên đọt cau nhìn rất rõ. Ông cắm cúi bước, người đổ dài dưới con dốc như sắp ngã, con chó chạy lăng quăng bên chân, bỏ lại tất cả cho anh.

Trên bàn, một ly rượu còn đầy và một ly trống trơn không cân xứng. Anh bưng cả hai ly đặt lại chỗ cũ trên kệ. Lúc đầu anh định hắt ly rượu ra sân, nhưng nghĩ sao lại xé tờ giấy lịch, gấp làm tư và đậy lại, nom chiếc ly như cây trụ đỡ những tảng đá khổng lồ thành Babylone, thu nhỏ lại.

Bên ngoài bầu trời trở nên sáng trắng. Những đụn mây đen giờ xé vụn ra lam nham khiến trông thấy bầu trời cao hơn chút đỉnh, bớt vẻ âm u. Có tiếng chân loạc xoạc ngoài hiên thềm. Người đàn bà mặc bà ba đen, tóc búi củ hành, miệng nhai trầu nhóc nhách chà chân lạch bạch, giũ đất ở bậc cấp rồi bước hẳn vào trong.

-Uở, chú có nhà đây mà. Mạnh giỏi chú?

-Dạ, mạnh. Chào chị!

-Buổi sáng mà chịu khó ngồi nhà, không ngồi quán cà phê sao?

-Bác sĩ cấm cà phê.

Người đàn bà ngó nghiêng lên tấm lịch treo tường, cao hơn tầm mắt chị ta vừa nói:

-Cái tụi nhỏ xóm này không hiểu sao sáng nào cũng tụ tập ngoài quán. Ba đứa uống chung một ly cà phê, hút chung điếu thuốc đến chủ quán cũng phải phát buồn mà không biết nói sao!

Người đàn bà ngừng nói, miệng nhóp nhép nhai trầu chờ phản ứng của anh. Mỗi khi cử động, góc môi trên vêu lên như có cái mụt nhọt nấp trong ấy. Thấy người thanh niên không nói gì, người đàn bà tiếp lời:

-Hồi hôm cũng ở quán cà phê đó, tụi nó gây gổ, sém đánh lộn. Thanh niên bây giờ hư quá chú ơi!

Anh không mấy hào hứng khi nghe những chuyện không đâu phát ra từ miệng người đàn bà đang ngó anh vừa nhai trầu. Chị dường như cũng đoán ra ý nghĩ của người ngồi trước mặt, nên ngập ngừng chuyển sang đề tài khác, “thời sự” hơn.

-Chú tính ăn tết ở đây hay về dưới đó?

-Dạ chưa biết sao!

-Trên hóc xó này có gì mà vui chớ? Dưới đó thành phố lớn, người đông, nhộn nhịp. Mà cũng phải thôi, chú thấy không?

Người đàn bà nói và tiếp tục nhai trầu. Anh không hiểu bà ta đưa ra câu hỏi để hỏi anh hay chỉ là những nhận xét vu vơ, chờ người khác tán đồng? Chị không phải là người thường hay ghé nhà anh hỏi han chuyện này chuyện nọ. Là hàng xóm, cùng ngụ trong con phố nhỏ của thị trấn miền núi trước sau đều quen mặt nhau, họ hay dòm qua hàng rào cây xanh thưa thơt để thăm chừng đời sống của nhau một cách thận trọng. Trong trí nhớ , người đàn bà đang ngồi phía bên kia bàn, chỗ lúc nãy người đàn ông vừa ra về, là người hay ca cẩm về mọi sự khó khăn trong đời sống. Bà ta hay vu vơ về những khoản thiếu hụt của tất cả mọi người dân ở thị trấn miền núi nhỏ hẹp này, mà đáng ra phải khác hơn, phải giàu có như những người khác dưới thành phố.

-Bữa nay hăm hai rồi. Hễ đưa ông Táo về trời là coi như tết đến nơi. Mà này, chú một mình thế thì sống làm sao nhẻ? Ai lo ăn uống, giặt giũ cho chú, rồi còn tết nhứt nữa?

-Dạ, cũng bình thường thôi mà – Anh trả lời ngập ngừng.

Người đàn bà nheo mắt, chun mũi nhìn anh vẻ chế giễu:

-Bình thường là thế nào? Phải có bàn tay phụ nữ. Cái sự lấy vợ là rất cần thiết để bảo tồn nòi giống. Với lại ở cái xứ heo hút trong những ngày lạnh lẽo này chú không cảm thấy lạnh lẽo sao chớ? Để hôm nào tôi giới thiệu chú một cô, xinh đẹp, hiền hậu. Tết chú còn ở lại đây tôi sẽ dẫn đến thăm chơi.

Anh không biết phải lựa lời ra sao để từ chối lòng nhiệt tình của người đàn bà kia cho phải lẽ, đành nói nước đôi.

-Dạ, cảm ơn chị.

-Trời không chút nắng, lạnh thiệt. Hôm qua tôi ra chợ thấy hàng tết về nhiều quá, đẹp, rẻ ngặt cái không đủ tiền để mua sắm cho đã đời. Mấy đứa nhỏ cứ eo óc đòi mua cho bằng được những tấm áo ấm màu. Chúng đâu biết cảnh “cám tháng giêng, tiền tháng chạp”. Thiệt bực!

Anh muốn bật cười khi nghe người đàn bà buông ra lời than “thiệt bực” y như người đàn ông lúc nãy kêu “thiệt mệt” khi trời không chịu bật nắng để vợ chồng ông tự tay tráng bánh, phơi dưới ánh nắng mặt trời gửi cho thằng con. “Thiệt mệt” và “thiệt bực” của hai người có con cái gia đình đề huề coi như những lời “gầm gừ” êm ái của những người ngay thẳng phải làm bổn phận bảo bọc mọi người thân chung quanh mình, như một niềm vui chưa thật trọn vẹn.

Có lẽ do người đàn bà nói quá thật, nên anh cũng cao giọng.

-Đó, chị thấy chưa. Có gia đình, con cái nó “thiệt bực” như vậy đó?

Người đàn bà chỉ cười, không trả lời những vặn vẹo tình nghĩa của người thanh niên ngồi trước mặt, có vẻ mặt đang thực buồn. Chị đưa tay lấy cục thuốc nằm vêu trong môi trên chà qua chà lại giữa hai hàm răng ám đen, định nói gì đó nhưng cục thuốc và bã trầu trong miệng đã giữ chặt lại.

Anh ngồi nghiêng ngó ra khoảnh vườn hẹp trước sân.

Một lát sau, giọng người đàn bà ngập ngừng:

-Nói thiệt với chú, vợ chồng tui kêu bán con bò, nhưng tụi lái biết mình cần tiền sắm tết nên trả giá rẻ mạt. Tụi nhỏ thì léo nhéo đòi cả ngày. Chú cho tôi vay một ít, bán được con bò tui trả chú liền. Mình hàng xóm, sớm tối có nhau.

Câu cuối cùng, giọng bà ta chùng xuống, buồn thật buồn y như bầu trời vẫn một màu mây đen chực sà thấp. Bộ mặt bà ta dần dần trở nên căng thẳng và thảm não. Cục thuốc chà răng được nhìn thấy bằng vệt vêu trong môi trên như chịu đựng sự u uẩn vì đám thương lái bắt chẹt bà ta trước những đòi hỏi hợp lẽ của lũ con. Một chút gì đó trên toàn bộ con người đàn bà lúc này, khiến anh hơi chạnh lòng.

-Nói thiệt với chị, tôi cũng còn một ít, chị có thể cầm tạm. Tôi chắc thể nào tuần này cũng có khoản nhỏ của mấy tờ báo gửi ra. Chị yên tâm – Nói và anh lôi chiếc bóp nhàu nát móc hết khoản tiền trong ngăn, không rõ được bao nhiêu, đưa cho người đàn bà. Bà ta thôi nhai trầu, cầm lấy tiền nhét vào túi áo và cũng không đếm là được bao nhiêu. Giọng ấm lên:

-Cảm ơn chú. Tụi nó mừng lắm đây!

Người đàn bà nói vừa sững sờ nhìn chàng thanh niên với một chút ngỡ ngàng, một chút cảm thương với những băn khoăn được khoả lấp khi kịp cất mớ tiền vào túi áo bà ba đen.

Cuối cùng người đàn bà cũng đứng dậy chào anh, ra về với cái bóng đen nhỏ thó đổ dài xuống con dốc, với dáng hấp tấp của những niềm vui mới mẻ bà vừa cầm chắc trong tay.

Bầu trời bên ngoài vẫn xám đục. Gió  cuối năm run rẩy lạnh, kéo thành vệt trên hàng cây co ro hai bên đường, chạy từ phía đồi cao xoãi ra bờ sông. Buổi sáng rung rinh nhè nhè trên luống vạn thọ sắp bật khóc vì bầu trời đùn đen cứ lê thê kéo dài. Người thanh niên xô ghế đứng lên, cắp phích vào ổ điện định bụng pha một ly trà thật nóng, thì bên ngoài tiếng còi xe toe toe vang lên. Người bưu tá gầy, cao dựng xe trước hàng rào chè tiêu, cầm xấp thư và mấy tờ báo bước vào nhà. Ông ta hỏi:

-Không định đi đâu sao?

-Trời lạnh thế này… – Anh  trả lời.

-Ừ, trời cữ này mà có dưa hành củ kiệu và rượu ngon thì thật tuyệt.

Người thanh niên với tay qua kệ, nhấc ly rượu đưa cho người bưu tá.

-Rượu cha Doãn mang tới hồi nãy.

Ông bưu tá nhấp nhấp từng ngụm nhỏ, thong thả:

-Rượu này chắc là ai biếu chi đây. Không phải rượu thường, mùi lạ lắm, như mùi trái nhàu chín?

-Tôi cũng không rõ

-Cậu chưa uống.

-Chưa.

-Một ly thôi sao?

-Dạ, một ly. Ông cụ qua kêu tôi uống, nhưng mới sáng bảnh mắt!

-Ờ, cũng phải, nhưng giá có thêm vài ly nữa thì ấm bụng.

Ông ta có vẻ ngẩn ngơ như tiếc rẻ mùi rượu ngon quá ít, dòm vào chiếc ly không rồi đứng lên:

-Chừng nào cậu về?

-Chưa biết ngày.

-Thôi tôi đi.

Người bưu tá nổ máy, chạy đi xuống cuối con dốc rồi quành ra phía bờ sông.Cái  dáng cao khều mất hút cuối dãy nhà ngói cũ kỹ, mái lợp  âm dương.

Người thanh niên thong thả lật coi địa chỉ gửi đi của từng lá thư, theo thói quen rồi để sang bên. Cái mà anh mong đợi hiện ra, dưới bức thư của một toà báo. Nét chữ mỏng manh, gầy như bộ ngực quen thuộc của người gửi bức thư cho anh, như những ngón tay thon dài nắm chặt tay anh cùng ánh mắt xa xăm trên số nhà quen thuộc bên góc trái. Anh nghe thật gần bước chân nàng, hơi thở nàng và đôi mắt ngấn nước của nàng khi anh lầm lũi bước ngược trên con đường trước mặt nhà. Những dấu nhật ấn trên bao thư như tự nó có một hơi thở dồn dập của hai người ở một khoảng cách xa. Ngày gửi và ngày nhận chỉ cách nhau ba ngày. Ba ngày để vượt hơn sáu trăm cây số sẽ mang đến cho anh niềm vui ấm áp trong buổi sáng cuối năm này. Phích nước sôi kêu thành tiếng như lời thúc giục, khiến anh không thể để những cảm giác tha hồ bay nhảy tự do. Bao thư bóc ra. Sáu tờ giấy chi chít một kiểu chữ mỏng manh gầy ốm. Anh lôi chiếc ghế xích đu đặt ngang cửa ra vào hứng chút ánh sáng mờ đục bên ngoài, nằm ườn ra ghế và bắt đầu đọc:

Anh,

Sự chờ đợi quá lâu, xa như chỗ anh ở nối tới đây  bằng sợi chỉ dài, rất dài. Nhiều bữa trời đang nắng, chợt đổ mưa ầm ầm, rồi đột ngột chấm dứt, làm như không hề có chuyện gì xảy ra làm em không thể không nghĩ đến anh, liên tưởng về những hành động kỳ quặc của anh. Nhiều khi em tự hỏi, cái thành phố này có điều gì khiến anh không vui? Hay anh không vui vì em? Hay anh muốn thử thách em như một chuyện đùa bỡn? Giờ, cứ mỗi ngày qua đi, em càng ít hiểu về anh hơn. Anh như người xa lạ vậy !

Hôm kia, trong bữa cơm tối, tía má em có hỏi sao lâu không thấy nó tới chơi? Nó tức là anh đó, là một thành viên đang được chấp nhận từ từ, chậm rãi một cách e dè, dò xét. Em chống đũa tìm câu nói dối hợp lý nhất, nhưng sao nó cứ như sợi dây thun bị kéo căng để cuối cùng em nói bừa: Hình như ảnh nhận thêm những công việc gì đó, bận bịu lắm. Tía má em tiếp tục dùng bữa, không hỏi gì thêm. Riêng em “những công việc gì đó” của anh giống như sự trông đợi một cách thờ ơ. Ai cũng trông nhau mà chẳng dám “liều mạng”(chữ anh nói hôm hai đứa mình ở đầu mỏm sông, chỗ vườn mận đó, nhớ ra chưa?). Liều mạng làm sao mà trên sáu trăm cây số hun hút là dài? Thư trước anh biểu tết ra ăn tết với anh. Một ý tưởng thật vĩ đại. Còn nếu như em nói: Tết anh về ăn tết với em thì anh nghĩ sao? Em đâu phải là những nhân vật của nhà văn Hector Mailot, là con bé “vô gia đình” để anh ra tay cứu vớt rồi biến thành nhân vật của anh?

Thư này đến tay anh chắc là còn kịp để về đón ông Táo. Trong dân gian, ông Táo là một người không có mặt mũi rõ ràng, nhưng lại đầy ắp trong tâm thức của mọi người. Ai cũng hiểu rằng, ông Táo là người duy nhất giữ lửa, hơi ấm cho mọi gia đình sum họp. Vậy thì tại sao anh không mang chút lửa ấy về, lửa trong người anh để sưởi ấm cho em? Hoá ra, anh chỉ muốn giữ lửa cho riêng mình anh thôi sao? Còn em? Câu hỏi này cứ dằn vặt em mãi, nó loay hoay trong đầu như thể con dế hồi nhỏ em bỏ trong chiếc hộp giấy. Nó bò tới bò lui, lăng quăng tìm lối ra mà nào có ra cho được? Rồi em lại chợt nhớ đêm giao thừa ở dưới quê, ngồi thức canh nồi bánh tét, lửa nhảy nhót đỏ đít nồi; còn bên trong thì nước cứ sôi ùng ục. Bà nội ngồi gần bên nói: ông Táo đang cỡi con ngựa mang về với chúng ta kịp đón giao thừa. Tiếng ùng ục đó là vó ngựa gõ trên lớp mây. Em không thấy, nhưng tin lời bà, nghĩ ông Táo đang cỡi ngựa trở về thật và em mong làm sao để được gặp mặt ông, coi dung nhan có giống với những bức tranh vẽ thằng em em sưu tầm đâu đó dán la liệt trên vách. Em sẽ nói những điều ao ước của mình để ông hoá phép. Chờ đợi đến mỏi mòn, để hai mí mắt sụp xuống lúc nào không hay, ông Táo trở về lúc nào không hay. Mãi mãi điều ao ước không thành sự thật. Như giờ này, em ước chi anh có bên em đã không thành sự thật vậy!?

Mà cũng thiệt lạ, anh thích thú, say mê nỗi gì ở miền đất heo hút đó? Lúc anh mới ra, anh kêu nhà anh ở dưới chân vách núi đá. Từ đó có thể nhìn xuống thị trấn nhỏ như bàn tay xoè, phía dưới bị con sông chặn ngang, có những ngôi nhà cổ xưa cũ kỹ, có những con đường đất đỏ ngắn hơn một hơi thở dài cùng với những người dân hiền lành, nhẫn nại… Và anh nói: mỗi sáng có thể nhìn mặt trời từ lòng sông nhô lên, đỏ ối như quả cầu lửa rực rỡ. Nếu vậy, chắc quả cầu lửa đó có bà tiên anh mơ tưởng, chứ không phải trên đầu mõm sông lúc hai đứa ngó những giề lục bình trôi dập dềnh những chỏm bông tím? Những bà tiên bé bỏng xinh đẹp kia đã níu giữ chân anh rồi?

Thư này em viết trong buổi sáng thực yên tĩnh. Có một chút gió heo heo rất lạ, không ngừng thôi thúc sự nhớ nhung bâng quơ, cái xao xuyến đón đợi, ngóng trông. Chỗ anh ở có loại gió này không? Em chắc là không. Vì nếu có thì anh đã lên tàu rồi. Em biết anh còn ngóng đợi bà tiên trong quả cầu lửa rực rỡ mỗi sáng, bước ra và nhẹ nhàng đến bên anh? Còn em thì đang ở rất xa anh để không thể chia sẻ niềm hoan lạc cùng anh. Tiếc thật.

Em muốn viết thêm nữa, thiệt dài; dài bằng với đoạn đường từ ô cửa nhỏ này tới ngôi nhà bên vách núi đá, từ chiếc bàn gỗ quen thuộc này đến quả cầu rực lửa của anh… Nhưng phỏng có ích chi? Anh đâu còn mùa xuân bên em. Anh chỉ còn những buổi sáng của riêng anh  thôi.

Nói vậy, chớ em vẫn nhớ anh luôn, vẫn chờ anh.

Gửi anh nụ hôn gió xa xôi đến anh, biết anh có cảm được?

Em của anh, Nga.

Người thanh niên xếp lá thư, cho vào bì. Lúc này, anh không thấy khoảnh sân phía bên ngoài, không thấy thị trấn mờ đục phía dưới kia cùng chỏm tháp chuông nhà thờ nhấp nhô khuất trong những ruộng mía âm u… Anh nằm trên chiếc ghế quay vào gian thờ, chỉ thấy lờ mờ những chân đèn thau, lư bát cắm nhang và tấm nghi treo trên cao bị chuột cắn lủng vài chỗ. Những sợi chỉ lòng thòng không đủ dài để nối căn nhà dưới vách núi đến tận ô cửa trong xa kia để anh níu theo bay về phương nam ngay lập tức.

(tháng 11/ 1989)