Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

BÀI TÙY BÚT VIẾT VÀO LÚC HOÀNG HÔN

Đào Như

image

Con đường chiều ta đi có nắng hoàng hôn, có hàng liễu rũ, có hàng phong nhuộm đỏ mùa Thu. Con đường chiều ta đi, con đường lưu vong, của người tỵ nạn, có quê hương, có nhân loại có anh em trong mỗi bước chân đi. Hơn 40 năm ta tiếp tục bước trên Mặt Đường Khát Vọng. Và trước mặt là những triền dốc lên xuống đầy vơi. Ở tuổi vừa ngoài tám mươi, bất kể triền dốc nào cũng là những thử thách mà ta cần phải vượt qua với vô vàn cố gắng. Ta có thể ra đi vào cõi thiên thu sau giấc ngủ đêm nay. Và có thể nhìn thấy lại mặt trời ngày mai, nhân loại, anh em…

Việt Nam! Môt thời đoàn kết qua hai cuộc chiến. Đất Nước ta có một thời hài hòa đầm thấm. Chúng ta đã nắm tay nhau cùng vượt qua những ý thức hệ, những chiến hào, những tù ngục... như ai đã viết:“… Trong anh và em anh hôm nay/ Đều có một phần Đất Nước/ Khi hai đứa cầm tay/ Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm/ Khi chúng ta cầm tay mọi người/ Đất Nước trở lên vẹn tòan to lớn/… Ôi Đất Nước ở đâu?/ Đâu là Đất Nước/ Đất Nước trên miệng ta rồi/ Trong tim ta mang/ Trên chân ta bước/... Việt Nam hôm nay nằm giữa lòng thế giới/ Nằm trong tim nhân loại/ Nằm trên đường dẫn đến giá trị con người/… Ôi sông núi nghi ngàn dậm dất/ Có nghe tiếng chúng con xin có mặt/ Nguyện làm người xung kích của quê hương/ Đây tiếng hát chúng con/ Tiếng hát xuống đường/./.”. Ôi đẹp biết bao! Lời thơ tình tự quê hương của Nguyễn Khoa Điềm. Qua bản trường ca Mặt Đường Khát Vọng với bài thơ Đất Nước, viết vào những năm 69-70, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã một thời thổi vào hồn thanh niên Việt Nam tình yêu tố quốc và niềm kiêu hãnh là người Việt Nam…

Nhưng sao hơn 40 năm sau chiến tranh chấm dứt, Việt Nam vẫn chưa thấy hòa bình, hòa giải dân tộc, đoàn kết thống nhất anh em? Việt Nam hôm nay, một xã hội phân ly bởi những ý thức hệ ngoại lai, một xã hội đa dạng phức tạp, nhiều khác biệt về hệ tư tưởng, một xã hội thiếu vắng niềm tin. Có ai muốn làm người tỉnh thức giữa một Việt Nam ngổn ngang? Có ai dám lên tiếng đánh thức mọi người, chúng ta thoát thân từ bọc 100 trứng của mẹ Âu Cơ. Có kẻ lên non xây dựng Trường Sơn; có người xuống biển bồi đắp Biển Đông?

Từ khi viết nên bài thơ Đất Nước cho đến nay đã gần 50 năm qua, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từ chiến trường về, anh được gửi đi học Chính trị Cao cấp hệ Chính qui ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Sau đó anh về quê Thừa Thiên làm Giám đốc Sở Văn Hóa Trị Thiên Huế, rồi làm Bộ Trưởng bộ Văn Hóa Thông Tin, rồi được bầu vào Bộ Chính Trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung Ương, kiêm nhiệm tổng thư ký Hội Nhà Văn. Nguyễn Khoa Điềm nghỉ hưu vào lúc tuổi đời vừa tròn 65 tuổi-năm 2007(?)

Khi thôi hết các chức vụ, Nguyễn Khoa Điềm lại trở về nguồn của chính mình, một nhà thơ. Cũng như bao giờ, Nguyễn Khoa Điềm cũng lại là một nhà thơ yêu nước, một nhà thơ lo lắng cho vận mênh tương lai Đất Nước như anh đã từng viết. Anh là người tỉnh thức trước thân phận dân ta, trước tương lai của đất nước, trước một Việt Nam tụt hậu. Tháng Tư năm 2013 anh cho phổ biến bài thơ Đất Nước Những Tháng Năm Thật Buồn- Anh trăn trở thao thức: “Đất Nước những tháng năm thật buồn/ Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt/ Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành/ Như kẻ khát nước qua sa mạc/ Chung quanh yên ắng cả/ Ngoài đường nhựa, vắng tiếng xe lại qua/ Người giàu người nghèo đều ngủ/ Cả bầy ve vừa lột xác/ Sao mình thức?/ Sao mình mãi đeo đuổi mãi ngày mai tốt lành?/…Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta/ Trong không gian đầy sợ hãi/ Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh”/…

Bài thơ Đất Nước Những Tháng Năm Thật Buồn không chỉ nói lên tâm trạng của riêng anh, của riêng của những nhà thơ nhà văn Việt Nam mà bài thơ còn thể hiện được tâm trạng của toàn dân Việt Nam, cũng như những người Việt tỵ nạn cộng sản đang sống lưu vong ở xứ người.

Phải chăng hai bài thơ Đất Nước đã bao quát một đời thơ; hai cột mốc lịch sử của sự chuyển hóa tư tưởng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, một hóa thân của định mệnh tổ quốc Việt Nam?

Thật ra Đất Nước chúng ta có những tháng năm thật buồn từ lâu rồi, từ lúc nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm ở trên điẻm cao chói lọi, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Tư Tưởng Trung Ương, Bộ Trưởng Văn Hóa Thông Tin, anh xa cách nhân dân xã hội bình thường. Tôi muốn nói rất tiếc anh viết bài thơ Đất Nước Những Tháng Năm Thật Buồn vào tháng Tư-2013, một thời gian khá lâu sau khi anh về vườn, sau khi anh anh giáp mặt với thực tế xã hội Việt Nam đã tan nát vì những đứa con của Chủ nghĩa Mac Lênin, những đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, tham nhũng, nhu nhược, đã đánh mất một phần lớn chủ quyền của ta ở Biển Đông. Nhưng dù sao bài thơ Đất Nước Những Tháng Năm Thật Buồn đến với chúng tôi hơi trễ. Nhưng dù có trễ cũng chưa phải là muộn. Phải không anh?

Cũng như anh, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vội vui niềm vui lớn sau ngày 30-4-75. Nhưng sau đó anh thấy cảnh chia cắt phân ly dân tộc, Ngụy và Cách mạng, do Bên Thắng Cuộc chủ xướng, niềm vui của anh phụt tắt như buổi chiều vội ngả màu tím. Có lần anh chia sẻ với nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ, người bạn đời của anh: “Anh hái cánh phù dung trắng/ Cho em niềm vui cầm tay/ Màu hoa như màu ánh nắng/ Buổi chiều chợt tím mà không hay…”/ Có mấy ai ngờ câu kết của bài thơ nghe thật buồn, buồn như kết quả quá bất ngờ không một ai muốn của Mùa Xuân Đại Thắng.

Mười bảy (17) năm, trước bài thơ của anh, nhà thơ nữ của Trị Thiên Huế - Ngô Thị Ý Nhi - đã nói lên được rất sớm những trăn trở thao thức của riêng mình về tình trạng tụt hậu của quê hương và Đất Nước qua bài thơ “Viết Vào Lúc Hoàng Hôn” đuợc phổ biến trên báo Tuổi Trẻ hôm Chủ Nhật ngày 7 tháng Tư năm 1996: “Những câu thơ viết vào lúc hoàng hôn/ Cũng tội nghiệp như tàu rời sân ga chuyến cuối/ Trước mặt mình là bóng tối/ Vẫn ra đi…/ Những câu thơ quay quắt điều chi/ Mà vùng vẫy tận đáy lòng quặn thắt/ Dòng chữ trào ra từ ngòi bút/ Khao khát bừng lên nhịp thở riêng mình/ Những câu thơ cũng muốn mình xanh/ Vậy mà gặp hoàng hôn/ Hoàng hôn lại tím/… Viết lúc hoàng hôn/ Câu thơ như vệt nắng cuối cùng còn sót lại/ Hóa thân thành ngàn sao thao thức mãi/ Đợi ngày mai thắp sáng lại mặt trời/….

Từ môt buổi hoàng hôn cuối Thu ở Arlington Heights, một làng của tiểu bang Illinois, Mỹ, tôi viết những dòng này gửi đến các anh chị em ‘bên ni bên nớ’. Tôi hy vọng những dòng chữ này hàn gắng những năm tháng phân cách chia ly chúng ta. Và hy vọng làm ấm lòng chúng ta những chiều cuối năm./.

Đào Như

Arlington Heights, Illionois-USA

Giáng Sinh 2016