Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

40 Năm thơ Việt Hải ngoại (53): Tô Thùy Yên

 

clip_image002[4]Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, là cựu học sinh Petrus Ký và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông dạy học, làm báo tại Sài Gòn và mang cấp bậc Thiếu tá trong quân đội miền Nam trước 1975. Sau 1975 ông bị giam gần 13 năm, từ 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị.

Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các hoạ sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ tự do" trên văn đàn miền Nam vào thập niên 60.

Tác phẩm: Thơ tuyển (1995), Thắp tạ (2004).



*

Trong thời kỳ hai mươi năm của thơ miền Nam, và giai đoạn kéo dài của nó, Tô Thùy Yên giữ một vị trí rất đặc biệt.

Đó là người khởi đi từ giai đoạn khai phóng đầu tiên, những năm 60, với sự nổi loạn chống ảnh hưởng của văn học tiền chiến. Nhà thơ của chiến tranh Việt Nam, của những suy nghiệm triết học, nhà thơ của những ngày tù tội cải tạo, và cuối cùng của giai đoạn lưu vong. Đời sống của ông đầy biến động. Tô Thùy Yên lúc nào cũng chăm chú sống cuộc đời mình, để tâm hồn rung lên theo nhịp điệu của thời thế. Nhưng đó không phải là thơ thời sự hay thơ trữ tình thế sự. Đó là một loại thơ trữ tình thực sự, tuy vậy mang dấu ấn lịch sử.

Trong khi tuân thủ nghiêm ngặt một số quy ước về vần điệu, sở trường nghiêng về thơ có vần hơn là về thơ tự do, Tô Thùy Yên vẫn sở hữu một ngôn ngữ vừa truyền thống vừa mới lạ. Sự chọn chữ, cách thiết lập câu thơ, âm điệu và từ vựng trong từng bài thơ, tạo nên phong cách riêng, một phong cách của tài hoa dụng ngữ.

Thơ Tô Thùy Yên có ba giai đoạn: trước năm 1975, sau năm 1975 ở trong nước và trong tù, và sau này khi ra hải ngoại. Giai đoạn thứ ba, thể hiện những cố gắng làm mới ngôn ngữ ở nhà thơ này, tuy vậy xét về thành tựu nghệ thuật, không thể nào sánh được với giai đoạn thứ nhất và thứ hai.

Là một tác giả được nhiều người biết tới và tìm đọc, có những bài thơ được phổ nhạc, nhưng Tô Thùy Yên vẫn là thi sĩ của giới trí thức, với bút pháp tinh lọc và sang trọng. Ông không thiết lập nên một thi pháp mới, và hầu hết thơ đều dựa trên những âm luật cũ, nhưng Tô Thùy Yên đẩy nghệ thuật dùng chữ đến mức tuyệt hảo. Sống trong thời binh lửa, ông mặc áo lính, đến các trận tiền, viết về cuộc chiến đấu bi thảm của một quân đội, đời sống thực của người lính, nỗi đau thương của quê hương bị tàn phá, sự nghĩ ngợi đầy tính triết học, nỗi u hoài Đông phương, tình yêu, sự lạc lối của tuổi trẻ, một thiên nhiên mù lòa cay đắng, những cây cỏ hiền hòa, tình yêu thuần hậu và bạo liệt.

Thơ Tô Thùy Yên là thơ nhân chứng. Bằng chính cuộc đời mình, ông sống qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Bài thơ của ông, với tất cả hình ảnh và chất liệu của chúng bao giờ cũng tạo nên một lực đẩy hướng tới sự kết thúc, tạo ra một phức hợp tình cảm ở người đọc. Trong khi người đọc chia sẻ cùng nhà thơ gánh nặng của lịch sử, của số phận, thì cũng hạnh phúc được sống trong nguồn suối ngọt ngào của tiếng mẹ đẻ, vui thú với nhạc điệu, thưởng thức khả năng nắm bắt ý nghĩa của tồn tại. Ẩn dụ trong thơ Tô Thùy Yên giàu có, chúng chứa đầy khả năng mới mẻ: giá trị tiên đoán.

Thơ Tô Thùy Yên là loại thơ không những để đọc bằng mắt mà còn để đọc lớn lên, ngâm lên, giữa những người khác. Gần đây, sau tập thơ cuối cùng, không thấy Tô Thùy Yên viết nữa. Có lẽ công việc của ông đã xong. Sự thưởng thức và đánh giá là dành cho dư luận. Bất chấp khuynh hướng trừu tượng và khuynh hướng trí thức, sự dùng chữ tinh tế, khác thường, đó vẫn là một loại thơ mở lớn cánh cửa, tìm đến với người đọc, kêu gọi người đọc.

Một thứ thơ của ý thức tự do, của bi kịch lịch sử, của nhân phẩm, của lòng tin vào các giá trị căn bản của dân tộc. Thơ ông tạo nên một ảo ảnh nghệ thuật bằng chất liệu có thực của đời sống, một đời sống đã kinh qua hạnh phúc và bất hạnh, những vàng son và khổ nhục. Một loại thơ đôi khi siêu hình, đôi khi mênh mang kỳ bí, nhưng vẫn dung chứa xúc động chân thật. Đó có lẽ là một trong những bí ẩn sâu xa của thơ Tô Thùy Yên.

 

 

1. Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Giữa cánh đồng không, bên kia sông.
Trống trải hồn ta, cơn gió rã,
Tiếng tàn tàn rụng suốt mênh mông.

Hừng đông hùng vĩ và thanh thản.
Sương hứa nguyên ngày nắng rực say.
Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy,
Chân mây rách đỏ vết thương dài.

Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh,
Mầm cỏ ngoi ngoi lên rạo rực,
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh.

Ta ngồi cho đến khi trời trắng,
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng người.
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm.
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi.

Ở đây, ta có dăm người bạn,
Phúc tự tâm, không lý đến đời.
Ở đây, ta có dăm pho sách
Và một dòng sông, mấy cụm mây…

Dòng sông u hiển trôi vô lượng,
Dòng sông hiền triết chảy vô tâm
Mà ta ngưỡng vọng như sư phụ,
Mà ta thân thiết tựa tri âm…

Lòng ta vô sự, ta vui vẻ.
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ.
Mùa hạ tàn trôi trôi đốm lửa.
Dòng ngày tháng trắng chảy lơ mơ.

Quên quên, nhớ nhớ tiền sinh kiếp.
Thiên cổ mang mang, thế sự nhòa.
Trận lốc cười tròn trên quá vãng.
Ta làm lại cả tâm hồn ta.

Buổi trưa như buổi trưa nào đó,
Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi,
Điệu hát ầu ơ hoa cỏ lịm,
Nước mây buồn bã chợt quên trôi.

Ta thiếp trong vòm xanh đại thọ
Đời đời giương rộng lượng bao dung.
Ví dù ta ngủ không còn dậy,
Ắt hẳn lòng ta cũng dửng dưng.

Chuyện trần thế bấy lâu thanh thỏa,
Sống một ngày, ta rõ một ngày.
Thôi vướng mắc dài duyên với nợ,
Ân oán đời, phong kiếm rửa tay.

Còn lại chăng cây đàn lở tróc,
Gảy mình nghe đôi điệu xưa xưa.
Còn lại chăng chút u hoài mốc
Pha cùng rượu uống đến say thua.

Gặp buổi trời mưa bay phới phới,
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân.
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn,
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân.

Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá.
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm…

Gặp buổi trời trong dàn bát ngát,
Ngọn cây, ô! đã giát hoàng hôn.
Cơn gió mơn man bờ bụi rậm,
Kể dạo quanh vườn chuyện trống không.

Ta ngắm gốc cây nứt nở vỏ,
Gốc cây to đến mấy người ôm,
Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn
Trí ta không đủ lực đo lường.

Nên ta phó mặc cho trời đất,
Trời đất vô ngôn lại bất nhân.
Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
Trong lãng quên xanh hút thời gian.

Đêm tối êm ru lời thủ thỉ.
Bên hè có tiếng dế ca ran.
Vầng trăng ta thấy thời thơ ấu
Mọc lại cho ta thuở xế tàn.

Hình như mọi sự đều như thế.
Kể cả lòng ta cũng thế thôi.
Các việc vô cùng làm miết miết,
Quên tiệt đời ta như nấm mai.

Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ.
Ta thức đêm nay chơi với trăng,
Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi,
Quanh mồ ta, trăng phải lang thang.

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ,
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa.
Trên dốc thời gian, hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô.

Xa nghe đợt gió lên cơn bão,
Nhân loại quay cuồng biến đổi sâu,
Bầy chó năm châu cắn sủa rộ,
Quỷ ma cười khóc rợn đêm thâu.

Cuộc cờ kỳ lạ không bày tướng,
Ăn sạch quân, trừ tính được thua.
Hỡi ai tráng sĩ mài dao nhọn,
Xin nhớ đời không mỗi sắc vua.

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ,
Tử tội mừng ơn lịch sử tha.
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ,
Ngày qua ngày cho hết đời ta.

7-1972

 

 

2. Tàu Đêm

Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi.
Lúc đó, sao trời đã ngủ mê.
Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy,
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi.

Thức dậy, những ai còn sống đó,
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này.
Tàu đi như một cơn giông lửa
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay.

Cảnh vật mơ hồ trong bóng đêm
Dàn ra một ảo tượng im lìm.
Ủ ê những ngọn đèn thưa thớt,
Sáng ít làm đêm tối tối thêm.

Bến cảng, nhà kho, những dạng cây…
Chưa quen mà đã giã từ ngay.
Dẫu sao cũng một lần tan hợp,
Chớ tiếc nhau vài cái vẫy tay.

Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc,
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai.
Ta gọi rụng rời ta thất lạc.
Ta còn chẳng đủ nửa ta đây.

Người bạn đường kia chắc chẳng ngủ.
Thành tàu sao chẳng vỗ mà ca?
Mai này xô giạt về đâu nữa?
Đất lạ ơi, đừng hắt hủi ta!

Đất lạ, người ta sống thế nào?
Trong lòng có sáng những trăng sao,
Có buồn bã lúc mùa trăn trở,
Có xót thương người qua biển dâu?

Tàu đi như một cơn điên đảo,
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau.
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau.

Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển dời xung xát bạo tàn,
Ta trở thành than, thành súc vật.
Tiếng người e cũng đã quên ngang.

Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc,
Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau.
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau.

Dường như ta chợt khóc đau đớn.
Lệ nóng cường toan cháy ruột gan.
Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt.
Nghẹn ngào đến cả tiếng than van.

Giá ta có được một hơi thuốc,
Dẫu chỉ là hơi thuốc mốc thôi.
Để phả cho hồn ấm tỉnh lại,
Để nghe còn sự sống trên môi.

Ta nhớ dăm ba hình ảnh cũ,
Lờ mờ như nhớ lại tiền thân.
Đời ta khi trước vui vầy thế
Bỗng thảm thương nghìn nỗi ngói tan.

Đem thân làm gã tù lưu xứ,
Xí xóa đời ta với đất trời,
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu,
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi.

Đã mấy năm nay quằn quại đói,
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo.
Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại,
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu.

Liệu còn một bữa cơm đầm ấm
Bên ánh đèn đoàn tụ vợ con,
Chia xẻ chút tình cay mặn cũ,
Miếng không ngon cũng lấy làm ngon.

Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép,
Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa.
Lịch sử dường như rất vội vã.
Tàu không đỗ lại các ga qua.

Ô, những nhà ga rất cổ xưa,
Dường như ta đã thấy bao giờ.
Đến nay, người giữ ga còn đứng,
Đèn bão đong đưa chút sáng mờ.

Tàu qua những ruộng đồng châu thổ.
Hiu hắt làng xa mấy chấm đèn.
Đêm ở nơi đây buồn lặng lặng.
Cái buồn trải nặng mặt bằng đen.

Hỡi cô con gái trăng mười bốn,
Đêm có nằm mơ những hội xuân,
Đời có chăng lần cam dối mẹ,
Nhớ thương nào giấu thấm vành khăn?

Có lúc tàu qua những chiếc cầu
Sầm sầm những nhịp động đều nhau.
Dưới kia con nước còn thao thức
Bát ngát dềnh lên bãi sậy sầu.

Có lúc tàu qua những thị trấn
Mà đêm đã gói lại im lìm.
Tàu qua, âu cũng là thông lệ,
Nên chẳng ai buồn hé cửa xem.

Ôi những nỗi sầu vô dạng ấy
Gọi ta về với những đêm vui…
Ở đâu đèn sáng như châu ngọc,
Đường phố người chen chúc nói cười.

Ở đâu mộng ảo vườn sao tụ,
Yến tiệc bày trong những khóm cây.
Ta rót mừng em ly rượu đỏ…
Mà thôi, chớ nhớ nữa, lòng ơi.

Mà thôi, hãy nuốt lệ còn nghẹn,
Tỉnh thức, lòng ơi, nhìn tận tường
Thời đại đang đi từng mảng lớn,
Rào rào những cụm khói miên man.

Người bạn đường kia chắc vẫn thức,
Mong tàu đi đến chỗ đêm tan,
Có nghe lịch sử mài thê thiết
Cho sáng lên đời đã rỉ han.

Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu,
Lay động những tầng mê sảng tối…
Loài người, hãy thức, thức cùng nhau.

1980

 

 

3. Ta Về

 

Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang.


Ta về – một bóng trên đường lớn.
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…
Sao vẫn nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay.

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu.
Mười năm, mặt xạm soi khe nước,
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.

Ta về qua những truông cùng phá,
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may.
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ,
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.

Chỉ có thế. Trời câm đất nín.
Đời im lìm đóng váng xanh xao.
Mười năm, thế giới già trông thấy.
Đất bạc màu đi, đất bạc màu…

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa.
Ai đứng trông vời mây nước đó,
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ.

Một đời được mấy điều mong ước?
Núi lở sông bồi đã lắm khi…
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động,
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?

Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa đã vì ta nở.
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa,
Làng ta, ngựa đá đã qua sông,
Người đi như cá theo con nước,
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng.

Ta về như lá rơi về cội.
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay.
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này.

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta.
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa.

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời.
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt.
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ.
Mười năm, người tỏ mặt nhau đây.
Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi,
Đành uống lưng thôi bát nước mời.

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh.
Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng?
Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?

Lời thề truyền kiếp còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra.
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ.
Mười năm, ta vẫn cứ là ta.

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên.
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách.
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền.

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ.
Nhà thương khó quá, sống thờ ơ.
Giậu nghiêng, cổng đổ, thềm um cỏ.
Khách cũ không còn, khách mới thưa…

Ta về khai giải bùa thiêng yểm.
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
Hãy kể lại mười năm mộng dữ.
Một lần kể lại để rồi thôi.

Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn,
Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà.
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu.
Mười năm, con đã già như vậy.
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu…

Con gẫm lại đời con thất bát,
Hứa trăm điều, một chẳng làm nên.
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn.
Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên.

Ta về như tiếng kêu đồng vọng.
Rau mác lên bờ đã trổ bông.
Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông.

Ta gọi thời gian sau cánh cửa.
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu.
Ta nghe như máu ân tình chảy
Từ kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em.
Đau khổ riêng gì nơi gió cát…
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm.

Cây bưởi xưa còn nhớ trăng hoa.
Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!
Tình xưa như tuổi già không ngủ,
Bước chạm khua từng nỗi xót xa.

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui.
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng.
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi.

Bé ơn, này những vui buồn cũ,
Hãy sống, đương đầu với lãng quên.
Con dế vẫn là con dế ấy,
Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen.

Ta về như nước tào khê chảy.
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ.
Thân thích những ai giờ đã khuất?
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa.

Người chết đưa ta cùng xuống mộ.
Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao?
Khóc người, ta khóc ta rơi rụng.
Tuổi hạc, ôi ngày một một hao.

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian, kiếm chính mình.
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh.

Ngồi đây, nền cũ nhà hương hỏa,
Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời.
Ai đó trong hồn ta thổn thức?
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi.

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua.
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta.

7-1985

 

 

4. Những Thành Phố Mà Ta Không Ghé Lại

Anh cũng như em đều từng trượt lỡ, trượt lỡ
Những cơ may
Thoáng vụt
Không chừng đã mở sáng cho ta
Những con đường khác hẳn
Đưa về những trạm cũng khác hẳn…
Nơi ta được chính mình
Như được bạc
Ở một nhà sòng cực cao sang.
(Nhà sòng đó cuối cùng phải đóng cửa).
Và ta đứng lên sừng sững rỡ ràng
Giữa trăm nghìn con mắt sửng lặng,
Đích đáng một lần trên trần gian.
Ôi những trượt lỡ thương tâm
Hoặc do mình hoặc chẳng phải do mình,
Thường khi không hiểu nổi
Như tính tình phản trắc của tương lai.

Ôi những thành phố mà ta đã băng qua
Trong một chuyến đi nào
Nhưng rồi không ghé lại.
Ôi những người tình mà ta đã yêu qua
Trên một giao lộ nào
Nhưng rồi không giữ lại.
Phải chăng định mệnh đuổi lùa ta,
Một con thú thuận tùy,
Trên cánh đồng chiều hôm sụp rất vội?

Những thành phố mà ta không ghé lại
Biết đâu chẳng có một con đường
Mà ta bồi hồi đi lại suốt đời ta
Như một người tri mệnh
Chẳng tưởng vọng gì hơn.
Những thành phố mà ta không ghé lại
Biết đâu chẳng có một con người
Mà ta yêu suốt đời ta thắm thiết mãi
Như một vầng trăng rời rợi cổ thi
Nghìn năm không xế lặn.
Hẳn em tin có những con người để cả đời mình miệt mài chuẩn bị
Một tình yêu,
Một tình yêu trác tuyệt
Trùm lấp thời gian,
Khuất phục vô thường,
Sau bao nhiêu là phác thảo lan man.

Em muốn lên rừng,
Muốn xuống biển…
Vì cớ gì chẳng thả mình đi
Như ngọn gió một lần sống kiếp gió
Hạnh ngộ mênh mông?
Sao phải tự giấu mình
Trong đám đông thường tục,
Gọi không nghe
Dẫu biết rõ chẳng thể nào hội nhập?
Sao chẳng đứng riêng ra,
Rực chất sáng của mình
Như khối tượng lân tinh
Ngời ngời tiêu hủy lấy
Dẫu phải làm cái đích ném tang thương?
Sao chẳng một lần ghé lại thành phố đã băng qua,
Ghé lại giấc mơ một đời chưa tỏ rõ?
Sao cứ phải ngồi trên thềm cửa tiếc thương,
Chờ tối đến với ngọn đèn thắp sẵn?

Và chuyến tàu đó vẫn băng qua thành phố đó
Thường trực chở theo em, một hành khách vô hình
Thờ thẫn từ ô cửa nhìn ra…
Anh yêu em bóng nhỏ đường dài
Đi lại thời con gái xa xôi,
Cỏ hoa bối rối,
Rừng tóc biếc chiêm bao
Ngan ngát hương đêm
Hay hương của những gì còn bay tản trong đời
Để rồi sẽ mất hẳn.
Anh yêu em vầng trán hắt hiu
Gợn mơ hồ nét tuổi
Như trang sách võ vàng nào
Khuya khoắt thức,
Hiển lộ những lần em vấp ngã,
Tan nát mọi nâng niu.
Anh đau đớn như chính mình vấp ngã.

Ồ, sao chẳng là người cũ của nhau
Gặp từ trước, tránh lỗi lầm phụ rẫy?
Hãy yêu nhau trọn vẹn một lần một,
Đền bù nhau cho kịp trước ngày mai.
Hãy yêu nhau trọn vẹn một lần một,
Bám víu từng khoảng khắc còn bên nhau.
Ôi hạt mưa sa ngoài bãi cháy,
Một lần thôi cũng tiếng là mưa.
Việc đời thường khi bất xứng ý…
Vinh quang cho người chọn được mệnh mình,
Dù với giá nào cũng khứng trả.
Anh muốn viết một bài thơ mới cho em
Trên trang giấy đã ố vàng quên lãng.
Anh muốn ngắt một cành hoa lạ cho em
Trên cuộc đất đã phơi trần hạn hán.

Mai ta đi rồi.
Mai ta đi rồi,
Họa chăng còn một ít tàn tro
Từ bếp lửa qua đêm ngoài quãng trống,
Gió thổi bay tan
Trong một thời khoảng luyến thương
Nghe chừng cũng ngắn ngủi.
Ôi những thành phố mà ta chỉ băng qua
Mãi còn mơ ước ghé.

Con chim bói cá trong tàn tối
Soi vĩnh hằng xanh rợn mặt hồ.
Hư ảnh lờn rờn tụ tán tụ,
Hoài công không định nổi chân như.

Trời đất thì buồn như xác rỗng.
Ta thì như gió, tuyệt bơ vơ,
Trăm năm, cửa khép hờ mưa nắng…
Mãi chẳng ai về qua gọi cho.

Ta đợi nghe chừng thiên cổ mỏi.
Hàng hàng thân trụ đứng hư hao.
Hoàng hôn, thần thánh bưng mặt khóc,
Ta chẳng buồn thăm hỏi tại sao.

Ôi đá địa cầu vần vụ mộng.
Ai xưa qua yểm lại tình sầu.
Thời gian rũ trắng xương làm nhớ,
Gió cát không nguôi khóc dãi dầu.

Chuyện trần thế nghe như thất thiệt.
Kẻ sống còn, tóc dựng kinh hoàng…
Vương tử, sao đời đến nỗi vậy?
Đất ta, ta giẫm mà ghê chân.

Thánh đế băng hà, thái miếu sập.
Trăng tà soi tịch lặng trường thành.
Mùa đông sắt thép rét như phỏng.
Quân rã, còn ai điểm trống canh?

Kẻ mới tới bày tòa giữa chợ,
Giải người ra, sỉ mạ ba đời,
Cho đeo bảng, dong đi khắp phố,
Bắn bỏ bên đường, cấm nhận thây.

Chĩa súng đuổi người ra khỏi đất,
Đày đi biền biệt miệt thiên thu.
Đuổi cả người chết ra khỏi mộ,
Cày nghĩa trang, trả vói thâm thù.

Quan lại sánh tày bão châu chấu
Ập xuống đồng, nghiến ngấu của dân…
Nhơn nháo chẳng cần che lấy mặt,
Mấy đời mới gặp dịp nên quan.

Những năm đó, làng ta đói kém.
Lúa gặt về, nhà nước trưng thâu.
Dân cùng ăn đến cả nhau đẻ,
Bán tình thâm mà mua gạo châu.

Con tố cha cầu được cất nhắc.
Cháu giết bà cướp nửa chỉ vàng.
Thiên hạ cùng mặt xanh, trắng mắt
Nhớn nhác dòm quanh, lén cả than…

Kể như mặt trời chẳng mọc nữa,
Thôi thì sống chết khác gì nhau…
Bạo chúa, ta ngươi cùng diệt vậy!
Nhiều nhà đóng chặt cửa mài dao.

Trăm họ lần lượt bỏ xứ trốn.
Biển thì hung hãn, thuyền mong manh.
Ta nghe kể lại: xác lên bãi
Nằm dài dài như lúc chiến tranh.

Đuốc tàn cháy xuống tay cầm đuốc…
Phượng, phượng hề, sao chẳng về đi?
Cố quận mai già tơi rả rụng,
Đòi nghe quang quạnh, gió suy vi…

Ngửa mặt khóc cười ba tiếng lớn,
Giận thân sao đã khứng ra đời,
Bỏ đi, khinh bạc nghiêng trời đất,
Gặp đá bên đường, cúi hổ ngươi.

Quán mộng, dăm ba người khách lạ
Bên đèn ngờ ngợ nỗi buồn quen.
Xưa nào hẳn cũng từng sum họp…
Chuyện dở dang thành tiếp dẫn duyên.

Chia tay chẳng hẹn, chẳng cần hẹn…
Voi nhớ xa xăm nghĩa địa nhà.
Một sáng ta về qua bãi sụp,
Thấy tàn tro váng biết là ta.

Hỏi ai, ai có là tri kỷ?
Ai có buồn chớp bể mưa nguồn?
Ta khóc, chẳng qua là khóc lại.
Lệ nào, ôi chẳng của tiền nhân?

Cát bụi, sao quên mình cát bụi,
Đành hanh nhau tàn khốc máu xương.
Mấy mươi năm chiến tranh, tù rạc,
Cười rộ vô thường một tiếng suông.

Đời động. Đồng rừng rêm tiếng mõ.
Ai người rao giảng điển long hoa?
Láng giềng bị bắt lúc trời tối.
Lật bật rồi cũng đến lượt ta…

Hỡi ôi, hiền sĩ lạc ma trận
Tám hướng không tìm thấy cửa sinh.
Hồn thời gian phơ phất lưới nhện…
Ta đào hư địa mà chôn danh.

Thân dại, áo chằm, chỗ gió thốc,
Thương mình thôi cũng thể thương vay.
Nhặt tàn thuốc cũ se thành điếu,
Gẫm lại đời ta chút khói cay.

Thảo hoa trường tại bế thiếu thất.
Thầm thầm vách lõm bóng ngồi yên…
Giữa khuya có tiếng chim ai oán
Tạt hỏi thăm thần trí bỏ quên.

Ta đợi mơ hồ như chẳng đợi.
Rừng vô minh chợt thức canh gà,
Con đường duỗi sáng như dao bén
Rọc điếng hồn đêm chẳng kịp la.

Đợi đến bao giờ còn đợi được.
Đời vui bát ngát mưa đền cây,
Ta ra sông cái giặt lèo mũ,
Rủ bác chài xưa một bữa say.

Đợi đến bao giờ không đợi được.
Lửa tàn, khuya lụn, chuyện như xong.
Đi rồi, để lại lòng thương tưởng…
Đá bạc rền tan nước mắt hồng.

Sài Gòn, 1988
Saint Paul, 1994

 

 

5. Đường Trường Đêm

 

Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn

Anh không còn muốn tự định liệu

 

Tốc độ cao gài cố định mặc

Đường trường lái băng đêm

Như tự nguyện thất giạt…

 

Bất biển nản trước đầu xe thầm thầm mỗi khúc

                          đường ngắn, rất ngắn

Như ta thấy đời ta từng quãng, quãng gần

Phải ráp nối mệt thành một liền lạc bất nhất.

 

Vượt bạt mờ những vũng sáng kỳ bí lạc loài rờn ánh trên nền mây

Chỉ dấu những quần cư nào ở mặt đất

Có khác chi chăng, nơi chưa từng đến ấy?

 

Vui lóe lên với những chấm đèn leo heo phía trước

Với những luồng đèn đi ngược xô lòa

Nghe phả ấm loáng thân tình giữa những con người

                                     cùng lúc ở trên đường

Không thấy biết nhau…

Rồi nghĩ lan qua những tình cờ giao chập trong đời

Cũng chóng vánh đến phũ phàng

Như một ảo dịu mịt mùng của định mệnh

Mãi còn vô vọng với về sau.

 

Thả trôi hồn theo một khúc tấu chừng quen

Dềnh dạt về những quá khứ bỗng ngoi nổi.

Nhớ lại, cố nhớ lại những người bạn bặt tin, những

                     người thân tứ tán…

Ngày tháng rung rùng nối rượt nhau

Máng rớt thất thần

Những âm bóng tàn vong ngờ chưa từng có thực…

Chuyến sinh tử cao tốc chạy văng mạng

Lôi hung tàn ký ức bứt đầu, tay

Những chực tấp xe nơi vệ đường,

Mặc tình khóc cho tan ta.

 

Ghé lại một trạm xăng, một hàng fast food hay một rest area

Đây là đâu?

Đây cũng là đâu đó vậy

Dấp nước đầu, cổ, mặt,

Tỉnh, tỉnh lại với đời…

Và trong những khoảnh đèn khoét đọng lẻ quạnh,

Nhìn chút đỉnh những con người,

Nhìn cuộc sống còn nửa thức nửa ngủ.

Hỏi lại mình: lòng ngất tạnh khuya

Tìm đâu một chốn ấm hơn đời?

 

Chạy rề qua những cổng toll way

Ném dúm đồng tiền vào rổ đợi

Nghe lăn nhanh chuỗi âm thanh va bạt hoang mang

Thoáng cõi đời như mơ hồ…

Hoặc giả nhìn vẻ mặt người thu tiền uể oải

Hờ hững tiếng cám ơn

Chừng nỗi đời khá nhạt nhẽo.

 

Ở những mối đường tẽ ba tẽ bảy phân vân,

Muốn xuống xe, làm như kẻ lang thang xưa,

Tung cao may rủi một đồng tiền hay một cành cây

Nhờ tình cờ định hướng hộ.

 

Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn

Anh không còn muốn tự định liệu.

 

                                               8-1998.

 

 

6. Thắp Tạ

tặng Huỳnh Diệu Bích


Một mình nàng lên núi chan chứa
Hỏi tìm cho gặp đá tiên tri
Về sau, đời có ra sao nữa
Cũng đã đành tâm sẵn một bề

Đá, chẳng đá nào lên tiếng với...
Nàng đi thôi đã nát chân hồng
Nghe con vượn ẩn thân khóc hối
Một lần lỡ bỏ chuyến lìa non

Một mai nàng vô rừng u ẩn
Nhặt trái nưa về nhuộm dạ sầu
Thấy trăm họ cỏ cây chen quấn
Nương náu nhau mà tội nợ nhau

Con loan, con phượng bay đâu lạc
Đến nỗi nào, sao chẳng gọi bầy?
Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay

Một mai nàng qua cầu cam mặc
Mưa nắng gì thôi cũng một thì...
Rau hạnh, rau vi từ lúc có
Chưa từng nguôi biếc bãi Kinh Thi

Cửa đẩy lầm, vô lường cuộc diện...
Ba ngàn thế giới đã nhà chưa?
Lâu ngày, thân thế rách như gió
Thấy lại mình như kẻ đáng ngờ...

Một mai nàng đến thành hoa gấm
Hát một chiều, tiền thưởng ngập chân
Vui nốn náo trời, thốc tới biển
Một lần, thử đổi bỏ chân thân

Gà nửa khuya gáy xộ trăng muộn
Ai hồ nghi lộn kiếp bên này?
Con chó khóc tru ngoài địa giới
Ngờ ngợ người góc biển chân mây

Một mai nàng ra bãi vô định
Nhìn sông đổi lòng, nhìn núi chuyển chân
Mây bay bay như những vẫy biệt
Nàng đứng cho tàn như một nén nhang

Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương
Biển Đông đã một ngày xe cát...
Đắm giạt, mơ lai kiếp dã tràng