Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Nhân bài viết “Cánh Buồm của ông Toàn”

(Đại diện trang Bauxite Việt Nam phỏng vấn nhà giáo dục Phạm Toàn – giữa hai người có một cái chai và hai cái ly nho nhỏ)

15625664_691497997685483_2716327445040910135_o

BVN - Anh Toàn thân mến, gọi là phỏng vấn cũng được, mà gọi là tâm tình cũng được… Tôi hỏi, anh đáp nhé… Trên báo Tiền phong mới đây, có bài “Cánh Buồm của ông Toàn” đầy thiện cảm với anh, và được tòa soạn giới thiệu trân trọng “Từ lúc mới xuất hiện, bộ sách Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ biên đã gây ra không ít tranh cãi trong giới làm sách”, xin anh cho một vài ý tổng quát về việc làm của Nhóm Cánh Buồm của anh.

PHẠM TOÀN - (cười) Làm gì có “tranh cãi”, thậm chí có “không ít tranh cãi”…? Và làm gì có cả cái “giới làm sách” (giáo khoa) nữa? Ở nước ta mới chỉ có những người “được biên chế” vào làm công việc viết sách giáo khoa trong những Dự án này nọ dưới sự chỉ huy của những “Tổng tư lệnh” hoặc những “Tư lệnh”, người nào cũng đáng tin cậy cả!

BVN - Cơ may nào đã đưa anh lao đầu vào làm công việc viết sách giáo khoa Cánh Buồm này vậy?

PHẠM TOÀN - Tôi năm nay 85 tuổi. Các chị gái và em gái tôi trong gia đình cũng hỏi tôi như anh vừa hỏi: sao không nghỉ ngơi mà lúc nào cũng cứ “bận lắm bận lắm”… Ai khiến?… Chẳng ai khiến hết!… Và đó là một công chuyện có quá trình khá dài…

BVN - Anh kể đi … Vì sao anh lao đầu vào làm công việc này?

PHẠM TOÀN - Nói cho thật ngắn gọn thì tôi là người học dốt, thậm chí rất dốt. Năm 1944, tôi thi Tiểu học xong, gia đình xin cho thi vào trường Bưởi thì không qua nổi kỳ thi tuyển “passage”. Vì tôi rất dốt Toán, nhất là Số học. Bài toán tiếng Tây cứ cái vòi chảy vào cái vòi chảy ra … rồi lại bài toán có những cái cây đầu đường… tôi không sao qua nổi, và thi trượt, phải học trường tư… Đã học hết “đít-lôm” đâu? Đến đêm 19 tháng 12 năm 1946 thì thành chú bé làm đủ việc ở cái Tiểu đội Tự vệ phố Hàng Gai, sau thành một Tiểu đội thuộc Trung đoàn Thủ đô với anh Hồng Lĩnh là Tiểu đội trưởng. Cái Tiểu đội ấy nay ngoài tôi ra chỉ còn ba phụ huynh xưa, anh Hoàng Quý Chương, anh Lê Sỹ, chị Lê Thi… Năm 2004, kỷ niệm hàng năm ở nhà tôi, anh Hoàng Quý Chương nhận xét độp giữa bà con thiên hạ “cái cậu Toàn này ngày xưa nó thộn lắm…”.

BVN - Ha ha … thế rồi anh thộn lại đi làm công việc cải cách sách giáo khoa?

PHẠM TOÀN - Thế đó! Đời là thế đó! Vì vào cuối năm 1951, tình cờ tôi thành học sinh Trường Sư phạm. Khi đó, tôi ở bộ đội, làm công tác địch vận, chỉ viết truyền đơn, in truyền đơn, viết báo… Mình xin thủ trưởng là ông Phan Nông cho ra đơn vị chiến đấu, bị ông ấy cười và bảo “nói cho cái mặt chú biết, chú mà ra đơn vị thì hôm trước hôm sau chú chết… Tôi cấm chú không được chết!”. Rồi ông ấy cho đi học. Rơi vào đúng Trường Sư phạm!

BVN - Thì nguồn gốc đấy chứ đâu?

PHẠM TOÀN - Không ạ! Chuyện còn dài… Tháng 9 năm 1953, tôi cùng mấy anh em được về dạy Trường Phổ thông Lao động Trung ương, do ông Thứ trường Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm Hiệu trưởng. Trường dạy toàn những học trò oách hơn mình! Ở trường này, tôi kết thân với một học trò mà tôi coi như người anh lớn, là anh Nguyễn Linh, Trưởng ty Thông tin hay Tuyên truyền gì đó của tỉnh Quảng Trị ra Việt Bắc học… Hai chúng tôi còn liên hệ với nhau cả mấy chục năm sau nữa, cả khi anh đã nghỉ hưu và lui về sống ở quê cách thành phố Đông Hà hơn chục cây số. Anh Linh không hỏi han tôi nhiều về công tác giáo dục, mà hay hỏi “Châu Diên dạo này viết gì?”

BVN - Tức là…?

PHẠM TOÀN - Tức là rất có thể ông ấy biết tôi khó có thể là nhà giáo giỏi, thôi thì “xuống mà làm nhà văn đi”… Ha ha ha… Đùa đấy! Ông ấy thương mình lắm, ông ấy muốn mình lập nghiệp bằng mọi cách… Ông ấy cũng như anh Hoàng Quý Chương, biết mình thộn mà! Nhưng ông ấy hiểu: thế hệ học trò nhà mình, từ Hà Nội lên Việt Bắc và trưởng thành trên Việt Bắc, anh nào cũng có máu văn thơ, anh nào cũng muốn khắc tình cảm của mình vào tấm bia vàng tình cảm dân tộc… Lãng mạn lắm!

BVN - Sao rồi không thành nhà văn nhà thơ…?

PHẠM TOÀN - Nhiều duyên cớ lắm! Trong đó có duyên cớ mình gặp gỡ một chàng trai khác cũng quê Quảng Trị như ông bạn già một thời xưa của mình. Tôi đã gặp Hồ Ngọc Đại vào cuối năm 1978.

BVN - Nhà văn nhà thơ bất thành đã gặp một Tiến sĩ Tâm lý học giáo dục như thế nào?

PHẠM TOÀN - Trước khi gặp Hồ Ngọc Đại, tôi làm một công trình riêng về Dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc… Mười năm lang thang trên miền cao tỉnh Hà Tuyên. Mục đích khoa học một phần. Còn có cái tâm trạng tránh xa đất Hà Nội, nhìn cái gì cũng chán, gặp ai cũng ngấy, tiếp xúc với những niềm vui không có thật, sống trong những cảm xúc không chắc là thật… Sau đợt tham gia đoàn nghiên cứu ở xã Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu, do anh Lê Bá Vịnh dẫn đầu, đi bộ ba tháng, làm việc được hai tuần… thấy hé lộ một đề tài, thế là mình xin đi Hà Tuyên… Lên đó, mọi thứ vẫn còn trong veo. Tránh được bụi bặm phố xá cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có anh Nguyễn Trường, giáo viên Sử, chán dạy Sử, chán viết Sử, xin tôi cho đi cùng… dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Mấy năm liền, những cuốn sách in ra đều ghi Phạm Toàn và Nguyễn Trường. Tôi còn giúp anh hình thành và gần như hoàn thành luận văn Phó tiến sĩ, mong anh thành đạt để đi tiếp con đường quan lộ. Hai anh em đều được Huy hiệu Lao động sáng tạo năm 1981, năm 1984 còn được Giải thưởng hạng hai của UNESCO khu vực châu Á và Thái Bình Dương về sách tiếng Việt cho học sinh dân tộc… Anh Nguyễn Trường chết rồi. Tiền thưởng cũng hết rồi. Hư danh cũng không có gì to tát… Và tôi gặp anh Hồ Ngọc Đại.

BVN - Nghe nói anh sùng bái anh Hồ Ngọc Đại lắm? Dương Tường kể cho bà con nghe là nhà thơ Lê Đạt trêu anh làm dấu thánh thì miệng nói “Nhân danh Cha và Con và … Hồ Ngọc Đại”, đúng không?

PHẠM TOÀN - Có thế! Tôi yêu anh Đại. Tôi xả thân vì anh Đại trong hơn ba chục năm ở Trường Thực nghiệm. Tôi chịu ơn anh Đại nữa. Trên hết, vào năm 1978, tôi nhìn thấy ở anh Hồ Ngọc Đại một yếu tố mới lạ, một sinh khí cho nền giáo dục được anh Đại hô hào phải “Giỡ ra làm lại từ đầu”. Tôi được anh mời mà như một mệnh lệnh phải cùng anh xây dựng nền giáo dục khác hẳn cho đất nước. Tất cả những anh chị em còn sống hôm nay ở Trường Thực nghiệm xưa đều chứng kiến một sự hợp tác đầy tính kỷ luật dưới sự chỉ đạo của anh Đại. Trong cuốn sách tôi viết về Tâm lý học giáo dục, tôi coi cái trục Piaget – Vygotski – Hồ Ngọc Đại là thành tựu đương đại hóa tại nước ta…

BVN - Xin lỗi … tôi đã có lần trách anh không trung thực về khoa học khi đưa anh Hồ Ngọc Đại vào vị trí đó… anh thấy có đúng không?

PHẠM TOÀN - Đúng và không đúng. Đúng, vì ở nước ta chỉ có anh Đại là đã thực sự nói và làm. Không đúng hẳn, vì tôi đã cố ý tìm và nâng lên một ngọn cờ chưa từng có ai nâng. Ngọn cờ ấy cũng là ngọn cờ của tôi, tình yêu của tôi, sức lực của tôi.

BVN - Anh đưa anh Hồ Ngọc Đại vào vị trí đó… anh có thực lòng không?

PHẠM TOÀN - Vào cái lúc tôi hoang mang hết mực, tôi đã gặp cái tư tưởng giáo dục khác, đủ sức cứu dân tộc ta. Và anh Đại cho tôi cái quyền nghiên cứu, hiện thực nó, và thực hiện nó. Anh Lưu Nguyên và tôi đã cùng nhau suốt mấy chục năm từ năm 1984 đến cuối những năm 1990, đã đi mở trường thực nghiệm ở khắp 43 tỉnh và thành phố “cho anh Đại”. Và phải nói rằng hệ thống trường thực nghiệm ở các tỉnh đều là những trường tốt đẹp, học sinh học giỏi, giáo viên yêu nghề.

BVN - Nhưng bây giờ thì hệ thống Hồ Ngọc Đại đang bị đả kích tơi bời?

PHẠM TOÀN - Nếu không tung ngọn đòn hỏa mù đả kích hệ thống Hồ Ngọc Đại thì có người và có những người phải trả lời ít nhất là về hệ thống trường gọi bằng VNEN. Đơn giản vậy thôi.

BVN - Thế là thế nào? VNEN gì?

PHẠM TOÀN - Vậy anh nghĩ, chỉ có các ngành Ngân hàng, Công thương, Giao thông, Tổ chức cán bộ… mới có lợi ích nhóm thôi sao?

BVN - Anh nói nốt đi, VNEN như thế nào?

PHẠM TOÀN - Tôi không làm thay việc của những người khác. Tôi không “phản biện” (như cái thời hăng hái giương ngọn cờ phản biện bauxite Tây Nguyên với các anh) nữa. Tôi còn ít thì giờ, tám lăm tuổi rồi, tôi cần làm nốt cái gì tôi chưa làm xong, tôi đào tạo người của nhóm Cánh Buồm làm nốt những gì tôi còn tự thấy mình mắc nợ cuộc đời này.

BVN - Anh mắc nợ gì? Anh nghĩ chỉ mình anh mới mắc nợ chắc? Những thằng như chúng ta xem ra đến khi chết cũng chưa trả hết nợ đời đấy.

PHẠM TOÀN - Anh mắc nợ gì? Tôi mắc nợ gì? Anh có mắc nợ không? Tất cả chúng ta đang còn mắc nợ gì?

BVN - Xin lỗi anh… Những món nợ không thể gọi tên ra nhưng lúc nào cũng canh cánh. Anh vừa nhắc đến chị Lê Thi, hôm trước đi dự đám tang anh Lê Hồng Hà, nhìn anh ấy trong quan tài tôi cứ thầm nghĩ, những người như anh ấy, ở giây phút trước khi lìa đời chắc cũng cảm thấy thanh thản vì dù sao mình cũng đã làm tròn được một việc, một việc có thể nói là lớn. Còn chúng ta...

PHẠM TOÀN - Đúng là mắc nợ thì ai cũng mắc cả. Vấn đề là cách trả nợ. Tôi trả nợ theo cách của tôi.

BVN - Lập ra nhóm Cánh Buồm? …

PHẠM TOÀN - Không chỉ có thế! Tạo ra một cách làm gần đúng nhất, ít sai lầm nhất, sao cho có ích nhất. Với nhóm Cánh Buồm, đó là làm một công việc khó làm trong công cuộc giáo dục, để cả xã hội cùng có cái mốc trực quan, có những sản phẩm thị phạm, để có một thí dụ cụ thể cho sự thay đổi hay là chết của nền giáo dục quốc dân. Anh Hồ Ngọc Đại có ý tưởng “giỡ ra làm lại từ đầu”, nhóm Cánh Buồm cụ thể hóa ý tưởng đó bằng cách thức giỡ ra làm lại từ đầu…

Bắt đầu bằng cách “giỡ ra” những khái niệm cơ bản.

Giáo dục là gì? Cánh Buồm kiến nghị: Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc.

Trưởng thành là gì? Cánh Buồm kiến nghị: Trưởng thành là tự lập nhờ được tổ chức cách học và cách sống theo con đường tự học – tự giáo dục.

Đạo đức là gì? Đạo đức là quá trình trưởng thành trong một lối sống theo tình thần đồng thuận.

Đồng thuận là gì? Đồng thuận là cùng lao động, cùng tôn trọng giá trị tinh thần của rnhau, và cùng học cách tháo ngòi xung đột.

Tiểu học là gì? Tiểu học là giai đoạn học phương pháp học.

Trung học cơ sở là gì? Trung học cơ sở là giai đoạn dùng cách học đã được trang bị để tự tìm kiến thức và đủ năng lực vào đời.

Vào đời là đi đâu? Vào đời là tự lao động mà sống, hoặc là đủ sức học nghề để lao động đỡ vất vả hơn, và vào đời cũng có cách nữa là đi vào giai đoạn tập nghiên cứu, để lên Đại học là giai đoạn tập độc lập nghiên cứu và sau đó là giai đoan hoàn toàn độc lập nghiên cứu.

Môn học là gì? Bài học là gì? Tiết học là gì? Học Văn như thế nào? Học tiếng Việt như thế nào? Học ngoại ngữ như thế nào? Học Lịch sử như thế nào? Một lúc nào đó, tôi sẽ ngồi đây để anh cật vấn, và … phản biện tôi.

BVN - Nhóm Cánh Buồm đã làm gì theo hướng đó?

PHẠM TOÀN - Chúng tôi “xông vào” hai môn học khó nhất nhưng ai ai cũng nghĩ là dễ, là môn Tiếng Việt và môn Văn. Chúng tôi đã làm xong sách Văn và Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 9 có thể dùng ngay hôm nay. Chúng tôi đã xong sách Lối sống (giáo dục đạo đức) từ lớp 1 đến lớp 4. Chúng tôi cũng đã làm xong sách Tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 và sẽ hoàn thành nốt cho bậc tiểu học trong tương lai gần… Và vài thứ chưa xong khác, nhưng thôi, nói trước không bước được qua… mê tín tí cho vui!

BVN - Nhóm Cánh Buồm nghĩ gì về việc có người đề nghị cứ dịch sách nước ngoài mà dùng cho đỡ công nghiên cứu?

PHẠM TOÀN - Cái cách đi study tour học dăm bữa nửa tháng rồi định đem nền giáo dục nước ngoài về dùng là cách rất sai. Văn hóa và giáo dục là những điều tuyệt đối phải mọc lên từ mảnh đất dân tộc. Ngay việc nhập kỹ thuật sản xuất cũng phải “nhập gia tùy tục”, mà cái khó nhất là thái độ lao động với dây chuyền sản xuất, cái thái độ lao động đó đó không nhập được, phải chữa cái mảnh đất tiểu nông dần dần thì mới có một nền sản xuất hiện đại với những tâm hồn và lối sống lao động hiện đại. Chưa kể là …

BVN - Chưa kể là gì nữa…?

PHẠM TOÀN - Chưa kể là cái cách “nghiên cứu” theo lối nhặt nhạnh kinh nghiệm nước ngoài thì vẫn chỉ là cách sống của người nguyên thủy. Nhà tâm lý học Gaston Bachelard trong sách “Tư duy khoa học” (La pensée scientifique) đã nói rằng: người nguyên thủy đã biết thao tác quan sát, thống kê, sàng lọc… Con người tự xưng hiện đại mà vẫn dừng ở mức độ đó thì e rằng… hơi bị nhầm chỗ đứng.

BVN - Câu hỏi nữa, xin anh cho biết … tình hình tài chính của Cánh Buồm ra sao?

PHẠM TOÀN - Chúng tôi được hỗ trợ từ nhiều nguồn. Giáo sự Hoàng Tụy gọi đến giúi cho cái phong bì vài triệu và dặn “đem về mua mực in…”. Có biên tập viên và soạn giả như anh Bùi Văn Nam Sơn, chị Phạm Chi Lan… đã không lấy nhuận bút, còn cho nhiều chục triệu (nói khẽ: hai bác ấy cho chin chục triệu VNđ đấy!). Một Kỹ sư dầu khí về hưu ở Vũng Tàu cho 100 triệu và rất nhiều khoản tiêu “lặt vặt” đếm không xuể. Có doanh nhân ở Hà Nội cho hai lần được 240 triệu. Bà Nguyễn Thị Bình in sách xong, đóng thuế xong, còn hai chục triệu cũng gọi đưa cho. Quỹ của gia đình anh Phùng Liên Đoàn ba năm nay năm nào cũng cho 10 ngàn đô la Huê Kỳ. Nhiều khoản tiền nữa. Nhưng những động viên tinh thần thì không kể nổi. Anh thương binh hỏng mắt ở mặt trận Quảng Trị Trần Thế Tôn đã “đọc” bằng cảm nhận tất cả các sách Cánh Buồm và luôn luôn gọi điện hỏi thăm công việc. Và sự hào hứng của những cộng tác viên soạn sách… cũng có sức động viên ghê gớm. Cụ nguyễn Thế Anh, 91 tuổi, viết già nửa cuốn Văn lớp 9 Cánh Buồm. Giáo sư Vũ Cao Đàm tuy không biên soạn nhưng lại tổ chức cuộc gặp giữa nhóm với Đại học Quốc gia Hà Nội, cả cuộc báo cáo trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội. Nguồn động viên tinh thần đó thật vô cùng cao quý – các vị đó động viên nhóm Cánh Buồm chắc chắn không vì lợi ích nhóm hoặc vì Cánh Buồm là sân sau của ai đó…

BVN - Câu hỏi cuối rồi, nhưng xin câu nữa: anh có tấm hình nào thú vị xin cho BVN một tấm.

PHẠM TOÀN - Có đấy! Tặng luôn kẻo lại bị chê là chảnh! Mình dự giờ lớp 1 ở một trường Cánh Buồm mới “đặt chân” vào. Hết tiết, cô giáo nói “Thầy này soạn sách cho các em đấy”. Thế là các em ùa vô … và cô giáo chớp luôn. Các bạn xem ảnh thấy răng mình bị thiếu, xin đừng nhầm mình với lứa tuổi rụng răng kia nhé!

BVN - Cảm ơn nhà giáo Phạm Toàn.

“Thiếu nhi cụ” Phạm Toàn được các em vây quanh tíu tít

Huệ Chi thực hiện.

Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/46058