Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Chuyện kể đêm Noel (kỳ 2)

ĐỨC THÁNH TỬ ĐẠO LÂM ĐÌNH TÚY

Kiều Duy Vĩnh

clip_image002

Thư Hiên Vũ

December 16 at 8:29am · 

Tiếp theo “KHỔ DÔI” VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐỨC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO ĐỖ BÁ LUNG , đây là lời chứng thêm về chế độ lao tù trong thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, cũng cùa Kiều Duy Vĩnh.
Bài dài, phải chia làm 2 phần.

PHẦN 1
Ảnh: hai người tù trại Phong Quang, Kiều Duy Vĩnh và Vũ Thư Hiên, gặp nhau năm 2001 tại Hoa Kỳ.

ĐỨC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO THỨ HAI MÀ TÔI ĐƯỢC GẶP

KIỀU DUY VĨNH

Đức thánh thứ nhất là tu sĩ Đỗ Bá Lung từ Ngọc Đông, Hưng Yên đã chết ở Cổng Trời còn đức thánh thứ hai này thì bị bức hại tàn ác dã man ở trại Phong Quang, Lao Kay.
Ngài tên là Lâm Đình Túy người Nam Hà, giáo dân địa phận Bùi Chu. Đức thánh này quyết liệt hơn, dứt khoát hơn, những điều mà Ngài Lâm Đình Túy làm thì chỉ có một không có hai, trước không có và sau này cũng không thể có.
Trước Ngài, chúng ta ai cũng ngả mũ cúi đầu kính cẩn nghiêng mình.

*

Tháng Năm năm 1972.

Mỹ bỏ bom lại miền Bắc Việt Nam. Ngày 10 tháng Năm, cầu Long Biên lại bị đánh sập. Đến chiều ngày 11 tháng Năm 1972, tôi lại bị bắt lần thứ hai với tội phản cách mạng.

Điều này không có gì là bất ngờ đối với tôi cả. Tôi đã chờ đợi nó từ năm 1971. Khi Tổng thống Mỹ Nixon cho trực thăng đổ bộ xuống trại tù binh Mỹ ở Sơn Tây để hòng cướp lại các phi công bị bắt tôi đã thấy tôi bị theo dõi từng bước. Luôn có một cái đuôi theo tôi.
Và đến năm 1976, khi cầm lệnh tha, tôi đọc thấy quyết định bắt tôi kể từ tháng Sáu năm 1971 thế mà mãi đến một năm sau tôi mới bị bắt kể cũng hơi muộn. Thiếu tá Công an Cường, thường gọi là Cường cao, trực tiếp tới bắt tôi ở quê ngoại tôi: thôn Đông xã Hội Xá, Gia Lâm nơi gia đình tôi chạy bom sơ tán về đó.

Lúc Công an xộc vào nhà, tôi đang sửa soạn đi tắm. Tôi cười, bảo với Cường cao là để tôi tắm xong rồi hãy bắt đi.
Cường cao rất tử tế bảo:
“Thôi, anh Vĩnh vào Hỏa Lò rồi hãy tắm.”
Tôi bảo:
“Vào đó phải đến ngày đầu tháng mới được tắm chứ.”
Cường cao bảo:
“Tôi hứa là sẽ để anh tắm trước khi vào xà lim.”
Mẹ tôi và vợ tôi gào lên:
“Tội tình gì mà lại bắt người ta. Sao mà tàn ác thế. Đã giết người cướp hết của cải rồi mà vẫn không buông tha.”
Cường cao ôn tồn bảo với vợ tôi:
“Chị bình tĩnh lại, yên tâm. Khi nào Mỹ chấm dứt bỏ bom chúng tôi sẽ cho anh ấy về.”
(Thế mà mãi đến năm 1976 sau khi chiếm được Sài Gòn một năm, họ mới tha cho tôi về).

Tôi mặc quần áo đi theo Cường cao, ra đầu làng lên xe vào Hỏa Lò, vào ngục Cửu U vì phải đi qua chín lần cửa mới tới xà lim giam tôi. Với tôi Hỏa Lò quen thuộc quá. Tôi đã trải qua tất cả các xà lim ở đó lần bị bắt trước. Giữ đúng lời hứa, trước khi tống tôi vào xà lim, Cường cao bảo Quản giáo cho tôi đi tắm cẩn thận không giục giã gì. Tôi vốn con nhà binh, nên rất bình tĩnh trước mọi hiểm nguy, lần trước cũng như lần này. Tắm xong tôi ung dung tự tại ngồi thở Yoga chờ cơm.

Vì đã được nghe kể và đã rút kinh nghiệm từ lần trước, ngay ngày hôm sau, vợ tôi thăm nuôi tiếp tế cho tôi, muối vừng rất mặn, kẹo bột và chè lam. Mấy ngày đầu tôi không đến nỗi đói, và đã có chiều dài thời gian 10 năm tù trước, đã từng ở Cổng Trời, sức chịu đựng của tôi đã được tôi luyện nên tôi cứ ngồi thở Yoga. Ba bốn ngày trôi qua, chả có ma nào hỏi cung mình cả. Cường cao nghe nói hắc xì dầu lắm, mà sao lại lịch sự tử tế với mình thế.

Trước lúc vào xà lim, Cường cao bảo tôi:
“Anh chắc phải hiểu chứ, Mỹ lại bỏ bom. Vậy nên bắt lại anh là điều tất nhiên thôi. Chúng tôi buộc phải tháo cái ngòi nổ.
Thôi, cứ đi trại ít lâu dừng ném bom là về.”
Anh ta lại còn nói tiếng Pháp với tôi nữa:
“Chắc anh lại mỉa chúng tôi: La Raison du plus fort est toujours le meilleur chứ gì.”
Tôi im lặng vào xà lim không trả lời.

Một tuần trôi qua, rồi hai tuần. Cũng không ai hỏi han gì. Mà thực tình ra, còn gì nữa mà hỏi. Lần tù 10 năm trước khai báo ở ty Niết Bàn hết rồi. Lần này mới về được ít lâu thì bị bắt lại. Có gì để khai mà hỏi. Cũng mong đi trại cho nó yên một bề thế mà bỗng một hôm, được gọi lên hỏi cung. Mừng quá. Có dịp đi lại ra ngoài thở không khí.

Một cán bộ còn trẻ, ăn mặc chỉnh tề lịch sự. Hỏi toàn những chuyện đâu đâu: Bên Tây, bên Mỹ, bên Thái Lan và miền Nam. Tôi trả lời ấm ớ lửng lơ con cá vàng. Và rồi đột ngột, tôi bảo là quên hết tất cả rồi. Anh ta vẫn rất từ tốn, bảo tôi cố nhớ lại, giúp cho anh ta có thể đánh giá chính xác đúng những con người ở xa xôi đó.

Tôi bảo:
“Tôi đang đói đây, đang ho lao đây, đang mệt rũ ra đây. Bây giờ là gần 11 giờ trưa rồi, tôi chưa được một hớp nước, chưa được một miếng gì cho vào bụng nên tôi đói lắm, mà dạ dầy đói thì không có tai để nghe. Xin để cho đến chiều hoặc mai. Đưa tôi về xà lim nghỉ thôi.”
Tôi tưởng anh ta sẽ nổi cáu. Nhưng không:
“Thôi được, anh về, mai tôi sẽ gặp lại.”

Sáng mai, tôi được gọi lên. Sau khi ngồi vào ghế, anh ta rút trong cặp ra hai cái bánh mì Badega kẹp thịt, một gói thuốc ho Rimifon, một bánh xà phòng thơm đưa cho tôi:
“Anh ăn đi. Còn các thứ này để dùng khi đi trại.”
Giọng nói, ánh mắt đầy sự tử tế. Tôi ung dung ngồi ăn hết hai cái bánh mì và chờ đợi những câu hỏi hắc búa.

Nhưng không, thấy tôi ăn xong, anh nói:
“Tôi đã đọc kỹ hồ sơ lý lịch của anh rồi. Đọc kỹ, nhưng chưa đầy đủ bằng gặp chính con người của anh. Hôm qua gặp, thấy anh nói bị đói và bị ho nên hôm nay tôi đem đến cho anh ít thuốc. Thế thôi nhé. Anh có thể về được rồi.”

Và anh ta gọi quản giáo dẫn tôi về xà lim. Tôi hơi ngạc nhiên trước sự việc đó. Lúc ấy là tháng Năm năm 1972. Năm 1976 tôi được tha, đến năm 1979 tôi đang đạp xe đạp ở phố Lò Đúc thì thấy có người gọi:
“Anh Vĩnh, anh Vĩnh.”
Tôi quay lại không nhận ra ai. Anh ta cười bỏ mắt kính ra, tôi liền nhận ra anh: người cán bộ hỏi cung đã cho mình bánh mì và thuốc.
Tôi mời anh đi uống bia, anh từ chối và bảo:
“Tôi rất mừng là thấy anh trở về mạnh khỏe thôi, tôi xin lỗi vì có việc bận không đi uống bia với anh được. Chúc anh khỏe và gặp nhiều điều tốt lành.”
Tôi cố nài mời anh, anh nhất quyết chối từ, bắt tay xin lỗi và đi. Tôi có hỏi tên anh, anh vờ như không nghe thấy và không trả lời. Cảm ơn anh.

Sau câu chuyện hỏi cung trên, tôi đi trại Vĩnh Quang (thuộc tỉnh Vĩnh Phú). Gặp lại một số người quen cũ, tay bắt mặt mừng, cứ như là đi phép trở lại đồn vậy. Kể cũng nực cười. Và chính ở trại này, tôi gặp một vị thánh tử vì đạo nữa: Lâm Đình Túy, ngưười Nam Hà, giáo dân địa phận Bùi Chu.

Khi tôi lên trại Vĩnh Quang được ít lâu thì có một tu sĩ tên là Hiếu ở địa phận Thái Bình được thả về tự do. Nhưng chỉ độ ba tháng sau, lại thấy tu sĩ Hiếu bị bắt đem lên trại. Mọi người đều mừng mừng tủi tủi, và cũng coi như tu sĩ được đi phép về. Riêng giáo dân thì hồ hởi lắm. Hỏi ra thì mới biết là khi được tự do, Giáo hội đã phong tu sĩ Hiếu làm Linh mục và khi bị bắt lại linh mục Hiếu đã đem theo được “mình thánh” vào trại tù. Các tín đồ Thiên Chúa giáo một mực rất kính trọng Linh mục Hiếu, săn sóc, chăm nom cực kỳ chu đáo, có quà gì cũng đem biếu: một ấm chè ngon, một củ sắn luộc, vài cái bánh ngọt mới được tiếp tế.

Linh mục Hiếu có dáng vẻ một trí thức nho nhã, trắng trẻo, đẹp trai, thông minh, trạc 35 tuổi. Một con người không có gì để chê trách, phàn nàn về mọi phương diện. Ăn ở, ứng xử với mọi người lúc nào cũng khiêm tốn, nhã nhặn tươi cười, hòa đồng với mọi lớp người trong tù không phân biệt chính trị hay hình sự.
Linh mục Hiếu lên trại Vĩnh Quang lần thứ hai thì được Phó Giám Thị Cự công bố với toàn trại tù là ông cha đạo Hiếu này chính là một tên lưu manh chuyên nghiệp. Mọi người cứ há mồm, ngớ ra không hiểu.

Cự giải thích như sau:
“Hiếu là một tên vốn lười biếng, thích ăn ngon mà không thích lao động, một tên ăn bám xã hội, trông mẻ người anh ta thì thấy ngay là loại ăn trắng mặc trơn, ăn ngon mặc đẹp nên đi tu, làm nghề tôn giáo, lừa bịp các giáo dân để kiếm ăn. Thử hỏi, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, những người yêu lao động có thể nào chấp nhận phần tử ăn bám đó. Trí thức như Hiếu, thì giá trị không bằng cục cứt (trích Mao Trạch Đông), mà trí thức gì cái anh ta: Học được mấy chữ “la tanh tưởi” đến nhà thờ rao giảng, lẽ thường ra khấn khứa thì cứ theo như lối Việt Nam ta: gần bay là xa bay bổng mời các cụ về hưởng lộc cho con cháu. Nhưng y lại không khấn khứa như thế, y nói: 'Ca tê riom, ca thế dran,' ra cái điều cao siêu bí hiểm, nó có cái quái gì là bí hiểm đâu, nó là: cá trê rán, cá trê om nói trệch đi, thế thôi. Đấy y lừa bịp các giáo dân như vậy đấy. Chỉ để kiếm miếng ăn như mấy lão thầy cúng chập chững ấy mà.
Lần thứ nhất đã bị bắt tưởng vào tù đã cải tạo được, nên tha cho về làm người lương thiện. Nhưng vẫn chứng nào tật ấy, ngựa theo đường cũ, lại tiếp tục hành nghề nên phải bắt lại lần thứ hai. Như thế là y đã tái phạm nhiều lần. Vậy thì y đích là tên lưu manh chuyên nghiệp rồi còn phải thắc mắc gì nữa.”

Phó Giám Thị Cự nói trơn tru láo liên như vậy với bộ mặt xám và lạnh, tù nghe không một ai dám cười. Còn tôi, tôi cứ ngớ cả người ra. Đến ngay cả ở trại Cổng Trời cũng chưa thấy giám thị, quản giáo nào dám giải thích như vậy cả.

Hắn nói gì thì mặc hắn, chúng tôi để ngoài tai. Nhưng với ông Lâm Đình Túy, thì những điều mà Phó Giám Thị Cự nói làm ông khó chịu. Và ông lại tỏ vẻ khó chịu hơn khi thấy các giáo dân cứ quây quần quanh Linh mục Hiếu để ăn uống, chè chén, quá chu đáo.

Thế rồi một ngày Chủ Nhật nghỉ, nhân lúc các tín đồ và Linh mục Hiếu đang ngồi ăn uống chuyện trò vui vẻ thì bác Lâm Đình Túy xuất hiện. Bác đứng trước mặt Linh mục Hiếu, chỉ tay nói với giọng giận dữ, Bác đọc một loạt những câu tiếng La Tinh ở trong Évangile (Kinh Thánh) cốt để cho Linh mục Hiếu nghe. Tôi không hiểu những lời nói đó có ý nghĩa mạnh mẽ ra sao, nhưng tôi thấy Linh mục Hiếu tái mặt đứng dậy bảo các con chiên giải tán, và từ đấy không thấy tập hợp nhau nấu nướng ăn uống gì nữa.

Sau chuyện này, cuộc sống ở trại Vĩnh Quang cứ lặng lẽ trôi. Có điều đối với riêng tôi, một đối tượng cần phải chuyên chính đàn áp thì mũi dùi của Phó Giám thị Cự luôn chĩa vào tôi. Vợ tôi lên thăm nuôi tiếp tế bị đuổi về không cho gặp và nhận.

Thỉnh thoảng tôi lại bị gọi lên lục vấn, chấn chỉnh đe dọa, và những buổi nói chuyện ở Hội trường đều bóng gió nói đến tôi: liệu hồn mà chịu phép cải tạo. Tôi được phân công vào toán già đan lát cùng với bác Lâm Đình Túy.

Bác Túy gầy yếu xanh xao. Rất ít nói. Nhìn bác, tôi lại nhớ đến tu sĩ Đinh Hiền Lương, dòng tu ép xác Châu Sơn, tù ở Cổng Trời với tôi và đã chết. Đầu cũng cắt ngắn gần như trọc, cả ngày chả nói một câu chuyện, cứ ngồi yên lặng lẽ nhìn, nhìn đấy mà chả nhìn thấy gì cả. Nhưng có một điều rất khác. Rất khác là khi làm việc thiêng liêng, bất cứ vào thời điểm nào, ngay cả trong lúc đang làm việc ở ngoài đồng, ngoài trại, bao giờ bác cũng quỳ xuống, kính cẩn cúi đầu như ở trong nhà thờ làm lễ. Bác để hết tâm trí vào việc cầu nguyện, lúc đó coi nhưng không còn ai ở xung quanh, kể cả Giám thị trại, Quản giáo, lính coi tù, bác vẫn quỳ xuống nguyện cầu, ngang nghiên làm như thường. Mà có cái lạ nữa là những Giám thị và Quản giáo không làm gì để ngăn cấm bác cả.

Khi tôi lên trại Vĩnh Quang thì mọi việc đã diễn ra như vậy rồi, và vẫn tiếp tục diễn ra như vậy, mọi người đều cho đó là một chuyện bình thường làm tôi rất ngạc nhiên khi tôi đem so sánh với những chuyện đã xẩy ra ở trại Cổng Trời lần tù trước (1960-1970). Tôi có tò mò hỏi một giáo dân cùng quê cùng xứ đạo với bác Túy thì giáo dân đã cho tôi biết là từ khi bị bắt lên đến trại giam Nam Định bác đã làm như thế rồi. Giam mãi ở xà lim, cùm mãi rồi lại phải thả ra, bác vẫn cứ thế. Cuối cùng, các ban Giám thị ở trại dưới đành chịu thua bác, đành để Bác như vậy, cho đi cùm ở xà lim thì chính ban Giám thị lại mắc mưu của ông ta, ông ấy chỉ thích nằm xà lim thôi. Không bị ai quấy rầy, lại cơm bưng nước rót, cùm thì chân ông ấy chỉ bằng cái que tăm ấy, có cùm thì cũng như không. Thế là ban Giám thị lại lôi ra bắt đi làm. Ông đi ra, nhưng không làm gì cả. Đến chỗ làm là ông ngồi vào một góc rồi quỳ xuống cầu kinh. Xong thì lại ngồi im lặng nhìn. Rồi đi về trại. Thế thôi.

Chắc là họ đã họp lên, họp xuống nhiều lần lắm rồi, để tìm ra một đối sách trị ông. Kết quả: là cứ đành để mặc ông ta như vậy. Nếu không chỉ còn một cách là giết ông đi mà thôi. Thời điểm giết ông thì chưa đến. Nên mặc nhiên ông là người độc nhất trong trại được hưởng quyền ưu tiên như vậy.

Năm 1972 tôi lên trại Vĩnh Quang gặp ông, đã thấy ông như vậy. Cũng như tu sĩ Đinh Hiền Lương, ông rất ít nói, ông hay ngồi tĩnh lặng để nghe và nhìn, và chắc ông nhìn và nghe được nhiều điều lắm, nên ánh mắt ông nhìn tôi có rất nhiều thiện cảm. Chắc hẳn ông biết tôi đã đi tù nhiều năm, đã từng ở Cổng Trời, nên đôi lúc có trao đổi với tôi một vài điều, chứ không phải là một vài câu chuyện, tỷ như:
“Trước ông Vĩnh có ở Bùi Chu à?”
“Vâng, năm 1951-1952 tôi có đóng quân ở Hành Thiện ở cùng với Tiểu đoàn Công Giáo số 16. Tôi đã có hân hạnh được gặp Đức Giám Mục coi sóc địa phận Bùi Chu, Đức Cha Phạm Ngọc Chi.”
Lần sau ông hỏi tôi:
“Ông có ở tù cùng với cha Hân không?”
“Có, tôi có được gặp cha Hân và được chứng kiến cái chết của cha Hân ở trong tù.”
Lần sau nữa:
“Ông cũng có biết tu sĩ Đinh Hiền Lương dòng ép xác Châu Sơn à?”
“Vâng, tôi có ở tù cùng với tu sĩ Đinh Hiền Lương và tu sĩ Lương đã chết ở Cổng Trời rồi.”
Ông hỏi ngắn gọn có thế, và chỉ cần tôi trả lời có thế, và thế là đủ.

Đã là tù thì phần lớn đều phải thấy rằng:
Thứ nhất được tha, Thứ nhì tiếp tế, Thứ ba “có mều” (được ăn thịt). Được gọi ra tiếp tế, mừng ra mặt. Bồn chồn mong cho chóng đến lượt mình để được gặp người thân và được ăn no. Thế mà có lần tù ở phòng tiếp tế thăm nuôi vào gọi đích danh Lâm Đình Túy ra gặp người nhà. Ông ngước mắt nhìn lên không đáp lại. Người gọi là một tù hình sự nên anh ta văng ngay ra:
“Đ.m, còn chần chờ gì nữa. Nhiều lắm, thấy một gánh nặng cật lực. Nhanh lên đi.”
Ông lại ngước mắt nhìn, không nói năng gì. Và rồi ông không ra gặp người thân để nhận đồ tiếp tế. Ở đôi mắt hiền từ của ông, tôi thấy ánh lên một điều quyết định gì đấy, nó giống như ánh mắt của tu sĩ Đỗ Bá Lung ở Cổng Trời nhìn anh em trước khi đi xà lim và chết!

Thế rồi tháng Mười Hai năm 1972, Mỹ bỏ bom B52. Tôi và một số phần tử nguy hiểm, trong đó có ông được lọc ra dẫn vào trại C sâu ở trong núi. Chúng tôi bị lùa tuốt vào một hầm ngầm đào sâu dưới lòng núi. Nếu bom Mỹ mà bỏ gần đấy, hầm sập là chết hết khỏi phải chôn. (Cái hầm này gần chỗ xà lim, giam phi công Mỹ, anh Phan Hữu Văn biết rất rõ vị trí này).

Được vài ngày, thấy tình hình quá căng thẳng, họ vội vã chuyển chúng tôi lên Lao Kay ở trại Phong Quang. Hết Vĩnh Quang rồi lại Phong Quang. Sao mà họ khéo đặt tên hay đến thế cho các nhà tù ở miền Bắc này. Nào là: Thanh Cầm Thanh Hóa: Đàn xanh, nào: Ba Sao Nam Hà: Ba vì sao sáng, nào: Hồng Ca Yên Bái: bài ca mầu hồng. Trại Ngọc: Ngọc ngà châu báu. Yên Hòa Phú Thọ: Yên vui hòa thuận. An Thịnh Tuyên Quang: An ổn và thịnh vượng.

Đi tù mà Vĩnh Quang, và ở chỗ Phong Quang thoáng mát, thì nhất rồi còn phải kêu ca phàn nàn gì nữa.

Nhưng thật ra cái nhà tù Phong Quang này ở tít trong cùng tận của rừng xanh, núi đỏ, sát biên giới Việt - Trung nơi tận cùng của đất nước mà lại là Phong Quang thì cái tài dùng “mỹ từ pháp,” tài lừa bịp đã đạt tới mức siêu đẳng rồi.

Chúng tôi được chuyển từ trại Vĩnh Quang lên Phong Quang, Lao Kay. Lên đến trại vào quãng nửa đêm. Trại ở sâu trong rừng và cũng phân ra A, B, C. Vì trại Cổng Trời được phong “Anh Hùng” nên các trại dưới đều phải học tập rút kinh nghiệm để noi theo.
Và nếu ta cho điểm Cổng Trời là 10 thì Phong Quang cũng được 7 hoặc là 8.

Ở đây cũng ghê lắm. Có một Quản giáo ác ôn tên là Tằng, người Thái Bình, mặt da tai tái, mắt ti hí mắt lươn lại hơi toét, to béo, khỏe mạnh, vũ phu, tướng của một tên côn đồ đứng bến xe, cười cười nói nói, chuyên gọi tù bằng thằng. Khi cần, môi mím lại, mặt tái dại hẳn đi, lúc ấy là có chuyện giết người đấy.

Chúng tôi đến trại được Quản giáo Tằng tiếp đón chu đáo: đèn pin dọi vào mặt từng người, tay thọc ngay vào hạ bộ chộp lấy sờ nắn, khám xét.
“Thôi được, vào ngủ đi. Sáng mai sẽ hay.” Hắn bảo thế.
Và sáng hôm sau, tôi được chứng kiến một điều mà hai lần tù gần 15 năm tôi chưa thấy bao giờ, trước không có và sau này cũng khó có. Một chuyện động trời.

*

Quản giáo ác ôn Tằng, cầm bản danh sách tù đi đầu, theo sau lưng là một tiểu đội súng ống và một lũ tù hình sự tay sai làm trật tự viên trong đó có một tên hung ác nhất tên là Nhạn, người Hải Phòng.

Theo thường lệ, tù được gọi đến tên, ôm đồ đạc ra trước mặt Quản giáo, rồi để những tù hình sự trật tự viên lục lọi khám xét. Lần lượt như vậy. Cho đến lúc gọi tên Lâm Đình Túy. Không thấy trả lời. Ác ôn Tằng cao giọng đến lần thứ ba rồi cáu quát:
“Nó đâu? Thằng Túy đâu. Câm hả.”

Trong lúc khám xét ai cũng lo lấy thân mình trông lấy đồ đạc của mình. Cũng chẳng biết ông Túy ở đâu để mà giúp đỡ cả. Lúc đó ông Túy đang quỳ ở một góc để làm việc thiêng liêng. Cũng như ở các trại dưới, như ở trong nhà thờ, ông quỳ xuống cúi đầu nghiêm chỉnh, đàng hoàng, đĩnh đạc cầu nguyện thành kính. Với ông lúc ấy không có ai ở chung quanh, không có chuyện gì xảy ra cả.

Vì mới đến hồi đêm, nên chưa kịp bàn giao những gì chi tiết, và cũng chưa có thì giờ để đọc hồ sơ lý lịch từng người nên hắn, Quản giáo ác ôn Tằng, cực kỳ giận dữ trước sự việc dám coi thường hắn đến như thế.
Hắn đã gọi, gọi đến ba lần mà thằng tù không thèm đáp lại. Lâu nay có thế này bao giờ đâu: hắn nói mọi người phải răm rắp tuân theo, bây giờ lại có một thằng tù chính trị dám coi thường hắn. Ác ôn Tằng lừ lừ đi đến. Sau này tôi mới được biết là tù ở đây sợ hắn như cọp, hắn đánh tù không tiếc tay, tự tay hắn đánh, mệt, hắn sai tù tay sai đánh tiếp cho hắn xem cho hả lòng ác độc và đánh cho đến chết. Có một tù hình sự còn trẻ, không biết lúc hắn đi qua, đùa với bạn, giơ tay giả làm súng bắn, miệng kêu: tằng, tằng, tằng. Thế là phạm húy, bỏ mẹ rồi. Hắn gọi ra cho ăn đòn và ít lâu sau ngấm đòn chết. Thành ra ai cũng sợ. Nhìn thấy hắn là sợ rồi. Con người hắn toát ra tử khí. Thế mà Lâm Đình Túy lại không biết điều đó.

Hắn lừ lừ đi đến. Hắn nắm gáy ông lôi đứng dậy, ông vốn nhẹ cân và gầy yếu.
“Mày là thằng Túy. Sao tao gọi mày không trả lời hả?”
Ông nhìn hắn, từ từ quay người đứng thẳng dậy trước mặt hắn. Và thật là bất ngờ đối với tất cả, ông giơ tay tát thật mạnh vào mặt tên ác ôn Tằng, rồi ông lại từ từ quay người quỳ xuống tiếp tục làm công việc thiêng liêng của mình.

Chắc chắn là đối với tất cả những người đi tù ở miền Bắc này, từ xưa cho tới lúc ấy chưa có ai, chưa có bao giờ một người tù dám tát vào mặt Quản giáo hay một người lính coi tù cả. Điều này xẩy ra ngoài sức tưởng tượng của ác ôn Tằng nên hắn phản ứng rất là chậm chạp. Hắn đứng yên, hai tay thõng xuống mặt nghệt ra.

Chúng tôi ngơ ngác bàng hoàng và chờ đợi. Đây là chuyện động trời ở trong trại tù. Tù đánh Quản giáo. Không phải là chuyện khi bị đánh thì chống lại, đánh lại mà ngang nhiên đánh tát vào mặt. 15 năm tù tôi chưa bao giờ thấy có chuyện ấy xẩy ra: Tù tát vào mặt Quản giáo ác ôn và Quản giáo đứng yên chịu trận. Đối với tù: Quản giáo là chủ nô. Đôi lúc tôi đã lẩn thẩn nghĩ rằng: Những kẻ nào bất tài, vô tướng, học thì dốt, đầu óc bã đậu, lại lười biếng thích ăn không thích làm nhưng lại muốn làm cha người ta, làm ông chủ người ta thì nên xin gia nhập làm ngành Công an làm Quản giáo coi tù. Làm Quản giáo sướng lắm chứ, có dưới quyền khoảng trên dưới 40 tên nô lệ. Gọi dạ, bảo vâng, sai gì làm nấy. Nếu láo xược, không nghe sẽ có ngay đòn trừng trị của chính Quản giáo, hay nếu không muốn ra tay thì đã có tay sai là mấy tên tù hình sự làm Trật tự viên. Ngoài ra còn có súng của mấy lính coi tù hỗ trợ nữa. Ngày ngày, cắp quyển sách, ngồi ghi ghi, chép chép, đi theo tù đến chỗ làm, chán thì đi tới đi lui bảo ban, sai phái. Hết giờ về, ăn cơm, ngủ. Mai lại thế. Vậy, hỡi ơi, hãy cho con cháu mình, người nhà mình, thằng nào mà ngu đốt đi làm Quản giáo.

Trở lại với ác ôn Tằng. Hắn đứng yên, mất đến gần một phút sau không có phản ứng gì. Lúc ông Túy tát xong, tôi sợ hãi chờ đợi một cuộc đánh đập trả thù tàn bạo. Nhưng không. Quản giáo ác ôn Tằng quay người đi ra cổng trại, theo sau là mấy tên tay sai trật tự viên.

Chúng tôi im lặng ngồi chờ. Độ nửa tiếng sau. Tằng quay vào, mặt tái đi vì giận dữ, cặp mắt ti hí mắt lươn hơi toét không nhìn vào ai. Đến trước mặt mấy cán bộ dưới quyền, h8s ra lệnh:
“Cho tất cả tù vào trại. Khóa cửa lại. Còn thằng Túy để lại cho tôi.”
Chúng tôi lại lếch thếch ôm đồ của mình vào trong nhà.

Còn lại một mình bác Túy, bác vẫn bình thản quỳ ở một góc cúi đầu cầu nguyện. Tằng chỉ tay, mấy tên trật tự xông vào khênh bác ra cổng trại.
Mãi đến chiều tối, những thằng ấy lại khênh bác về vứt vào một xó trong trại giam. Người bác rách nát. Nhưng mặt mũi không thâm tím, không chảy máu. Chỉ thấy bác nằm im, thoi thóp thở. Khi chúng quay ra, có mấy giáo dân người đồng hương đến chăm sóc cho bác.

Bác nằm im không nói, không ăn. Họ chạy chữa cho bác, và chúng tôi được biết bác bị đánh què chân và gẫy hai cái xương sườn.

Sáng hôm sau chúng tôi lại được lệnh ra sân tập họp sớm hơn mọi ngày.

Đến đây tôi xin ngắt quãng để kể một chút về một nhân vật thật đặc sắc mà tôi gặp ở trại Phong Quang này: Anh Hoàng Tiến Như người Nghệ An. Trong đoạn này tôi chỉ kể một chút ít về anh thôi, còn chúng ta phải đi nốt với Đức thánh tử đạo Lâm Đình Túy, người đã vác cây thánh giá của Chúa cực kỳ nặng nhọc và gian khổ này.

Tập họp ngồi đầy đủ ở sân trại. Ban Giám thị và Quản giáo, lính coi tù lục tục kéo xuống. Mọi lần bình thường thì không có ban Giám thị, chỉ có Quản giáo và lính coi tù xuống nhận tù đi làm thôi. Vừa mới xuống đến nơi, chúng tôi đã thấy tiếng quát tháo ầm ầm ở phía hàng trên chỗ gần cổng trại. Rồi mấy tay tù trật tự tay sai xông vào đánh đấm lôi một người ra khỏi hàng. Khi người ấy đứng dậy, thì tôi thấy anh cởi truồng... thỗn thện. Cả trại cười ầm lên như vỡ chợ. Hỗn loạn. Đầu thì trọc, mặc một cái áo ngắn cộc rách tơi tả, cởi truồng, vừa đánh trả, vừa chạy vừa chửi. Anh cứ chạy quanh sân trại làm bọn tay sai mãi mới bắt được anh, lôi anh đi vào xà lim. Anh dẫy dụa, lăn ra đất, chửi bới om xòm với giọng Nghệ An:
- Đù cha chúng bây, choa có sợ cái củ c. choa đây này.
Anh tên là Hoàng Tiến Như người Nghệ Tĩnh, vốn là Đại uý Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Anh Hùng. Anh ở binh chủng Pháo Binh, đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoạt động cách mạng từ năm 1945 đã từng chỉ huy cướp chính quyền ở tỉnh Nghệ An.

Thế thì tại sao anh lại đi tù? Anh bảo: “Tại vì tớ lấy vợ. Vợ tớ là con nhà địa chủ, lại là người theo đạo Thiên Chúa nữa cho nên chi bộ Đảng, cấp trên, chính quyền không cho lấy. Nhưng tớ yêu vợ tớ quá đi mất thôi. Không lấy thì không thể chịu được. Thà chết, thế là tớ cứ lấy. Bị kỷ luật ra khỏi quân đội, tớ theo vợ về xứ đạo, tớ theo vợ tớ thôi chứ tớ không theo Chúa, không theo đạo. Ấy thế mà bị bắt vào đây đấy.” Anh kể với tôi về anh như vậy và vỗ vai tôi bảo: “Cậu cũng Đại uý, tới cũng Đại uý, hai thằng 'huề' nhé.”

Vào tù anh gặp một người bạn chiến đấu cũ làm Phó Giám thị trại giam. Nghĩ lại tình cảm xưa cũ, Phó Giám thị cho anh làm vệ sinh quét dọn trên nhà ban Giám thị trại, và được hưởng quyền ưu tiên của tù tự giác, được đi lại tự do, được đun nấu, ăn uống đầy đủ. Nhưng có một hôm, một cán bộ Quản giáo sai anh làm một công việc gì đó, anh thấy bị xúc phạm, anh cầm chổi ném vào mặt Quản giáo và quát:
- Choa đấm c. vào cái mặt mày. Choa về trại tù đây.

Anh bỏ về trại, không lên ban giám thị quét dọn nữa. Về trại, anh không làm gì cả. Cứ ngồi nhà, đun nước pha chè uống, đến bữa, xuống nhà bếp lấy cơm lên ăn no rồi chửi đổng. Không ai làm gì anh cả. Kẻ cả ác ôn Tằng cũng tránh mặt làm ngơ.

Đôi lúc anh nổi cơn lên như hôm nay, anh ra xếp hàng thật sớm, cởi truồng ngồi ngay hàng đầu, cầm cái nón rách che hạ bộ, chờ đến lúc ban Giám thị xuống thì anh bỏ cái nón ra để cho các vị ấy xem.

Và câu chuyện đã xẩy ra ầm ĩ như trên. Xong rồi cũng yên, nhưng không khí trang nghiêm thì không còn nữa. Ác ôn Tằng xuất hiện. Hắn giận lắm, giận lắm đấy. Không rào trước đón sau gì. Hắn đọc:
“Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc. Lệnh kỷ luật: Lâm Đình Túy.

“Cùm một chân. Ăn chín cân.”
Lý do: Dựa vào ho ra máu vài lần.
Dù trói trăn giáo dục đã nhiều lần.
Lao động vẫn ù lì không chịu
(Thơ Nguyễn Chí Thiện)

Chắc hắn còn định làm một cái gì đấy để hòng trấn áp mọi người, nhưng bị Hoàng Tiến Như phá đám hắn không làm được, nên hắn đọc nhanh lệnh kỷ luật cho xong việc.

Thế là Lâm Đình Túy đi xà lim. Nhưng cho ông đi xà lim là lại mắc mưu của ông như ở các trại dưới: ông chỉ mong có thế. Ác ôn Tằng nhận ra ngay. Chỉ mấy ngày sau, hắn lôi ngay ông ra khỏi xà lim, tay chân hết hạn cùm xiềng. Hắn bắt ông đi làm. Tất nhiên là ông không đi. Ông cứ nằm. Các giáo dân chăm sóc thuốc thang cho ông, ông dần dần tỉnh lại, có thể ngồi dậy làm việc thiêng liêng.

Thấy ông ngồi dậy được, ác ôn Tằng ra lệnh cho Quản giáo Cát phụ trách toán già đan lát, người khu 5 Bình Định tập kết ra Bắc, phải bằng mọi cách bắt Lâm Đình Túy đi lao động. Nhưng gọi ông, ông không ra tập họp. Sau khi nhận tù xong, Quản giáo Cát vào nhà giam, túm cổ lôi ông dậy. Kéo đi làm. Được một quãng, hắn mỏi, nghỉ tay, ông liền ngồi xuống không đi. Chúng tôi toán già lại ngồi xuống chờ. Hết mệt, Quản giáo Cát lại đến lôi ông dậy, ông không đi. Cứ thế lằng nhằng mãi đến hai tiếng đồng hồ sau mới đến chỗ làm.

Quản giáo Cát mệt nhoài vào buồng nghỉ. Ông ngồi yên ở sân. Quản giáo Cát hết mệt; cầm một con dao, một thanh tre đến trước mặt ông bảo ông cầm dao chẻ nan. Ông không nhìn và cũng không trả lời. Hắn đặt dao xuống và đi vào nhà.

Sang đến sáng ngày hôm sau, rút kinh nghiệm hôm trước, hắn đưa toán ra chỗ làm rồi mới quay về trại lôi ông Túy đi. Cũng phải mất độ hai tiếng sau, hắn mới lôi được ông tới. Trời nắng nóng sớm, hắn mệt mồ hôi lã chã. Nhưng lệnh trên bắt hắn phải làm bằng được là: bắt Lâm Đình Túy lao động. Hắn lại cầm ra cho ông một con dao và một thanh tre. Ông vẫn cứ ngồi im. Hắn đặt trước mặt ông và đi vào nhà. Chắc hắn chán cái trò này lắm rồi. Vừa tức vừa mệt.

Đến hôm thứ ba. Dẫn toán ra chỗ làm xong, hắn quay về cùng với Toán trưởng, và cũng phải đến hai tiếng đồng hồ sau hắn mới lôi được ông đến chỗ làm. Giúp hắn làm được việc đó, ngoài Toán trưởng, lại có thêm một trật tự viên. Nhưng mà mệt
quá. Hắn vào bàn giấy ngồi thở. Hắn cứ để ông ngồi ngoài sân cho mặt trời thiêu đốt, không đem dao và tre ra nữa. Chờ cho đến lúc gần trưa nắng thật gắt. Hắn đi ra chỗ ông, tay cầm một bó nan to, hắn để nắm nan xuống đất trước mặt ông. Hắn bảo:
- Thế này nhé. Anh Túy. Tôi được lệnh là bắt anh phải lao động. Lệnh như thế. Bây giờ đây tôi đưa anh nắm nan này, anh dùng tay đãi mỏng nó ra phơi nắng. Có thế thôi, xong việc anh vào trong nhà có bóng mát mà nghỉ. Ai lại cứ ngồi phơi nắng mãi thế.

Rồi hắn đứng chờ xem phản ứng của ông ra sao. Túy vẫn không nhìn hắn và không trả lời. Nắm nan vẫn y nguyên nằm trước mặt ông.

Đứng một lúc, hắn chán, chán lắm, và cái nắng thì nắng quá. Hắn chịu thua đi vào bàn giấy ngồi. Chiều đến, chả là ở chỗ lán làm việc có trồng chuối, có một buồng chuối chín hắn sai cắt ra phát cho tù mỗi người một quả, chính tay hắn, cầm một quả to, chín ngon nhất đến để trước mặt ông bảo:
- Thôi ăn đi vậy, rồi mà về.
Ông cũng không nhìn hắn và cũng không đáp lại. Đến lúc ra về quả chuối vẫn nguyên để đấy.

Sang đến hôm thứ tư. Sáng sớm đã thấy hắn xuống, vào tận nhà giam vẻ mặt hồ hởi bảo:
- Thôi từ hôm nay cho anh Túy nằm nhà.

Có lẽ hắn đã báo cáo lên Ban Giám thị về tình cảnh như vậy, không tài nào khuất phục nổi ông Lâm Đình Túy, ngoài chuyện giết ông. Và thế là Quản giáo Cát chịu thua. Nhưng chỉ riêng Quản giáo Cát chịu thua thôi, chứ tên ác ôn Tằng, cán bộ CA sao lại có thể chịu thua Lâm Đình Túy được. Cứ chờ đấy. Cứ đợi đấy. Rồi sẽ biết.

Ít lâu sau, tôi thấy ngày nào, ác ôn Tằng cũng đảo qua, nhìn vào chỗ bác Túy nằm. Bác thì bác không nhìn thấy hắn, không nhìn thấy gì cả. Có đôi lúc hắn đứng hẳn trước mặt bác. Hắn đứng rất lâu. Bác vẫn không nhìn thấy hắn. Chắc là hắn muốn bác nhìn hắn lắm. Hắn tái mặt, đi tiếp.

Tôi cảm thấy có một điều gì đấy sẽ xẩy ra. Tôi chờ. Tôi lại thấy không khí im lắng, vắng lạnh của Cổng Trời những năm của thập kỷ 60 lởn vởn xuất hiện ở đâu gần đây. Cái mùi báo hiệu Thần Chết sắp đi qua.

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10211321832145356&set=a.10200170791816317.194729.1347076837&type=3&theater