Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Thư ngỏ gửi ông Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội

Thư ngỏ gửi ông Bằng Việt, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội

(Rút từ facebook của Văn Chinh)

 

Hà Nội ngày 31 tháng 10 năm 2016

Ông Bằng Việt thân mến!

Xin cùng nhau nhớ lại hơn 40 năm trước: 

Đại hội thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú (lần I) diễn ra vào tháng 3 – 1975 sau hơn 3 năm Ban Vận động do nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi làm Thường trực Ban có những hoạt động nổi tiếng lẫy lừng nửa nước – đúng hơn là cả nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Các vị Trưởng, Phó ban Vận động như Trần Quốc Phi, Nguyễn Chí Vượng mát mặt vì nhờ có ông Vợi, nên các văn nghệ sỹ TW và các tỉnh biết đến mình, đến Vĩnh Phú. Nhưng do thói GATO, các văn nghệ sỹ bất tài ghét ông Vợi, xúm nhau vạch lá tìm sâu, xắc mắc um lên ngay bên thềm đại hội ông Vợi là Nhân văn Giai phẩm, rồi việc bóp vú cô nọ cô kia.

Bằng cách ấy, ông Vợi bị gạt ra rìa. 

Bằng cách ấy, người ta gạt hoạt động văn nghệ thứ thiệt ra rìa.

Hồi ấy tôi còn ngây thơ cay đắng lắm: Tại sao văn nghệ sỹ mà cư xử với nhau trắng trợn và thấp hèn đến thế.

Lại nhân vì gần suốt đêm ấy anh em từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… ngồi với nhau than vãn về việc trên hội trường ban ngày. Ông Huyền Kiêu xin kiếu đi nằm sớm, rồi lần lượt các ông Trịnh Hoài Giang, Vương Trí Nhàn, Vũ Quần Phương đi nằm. Ông và tôi là 2 người đi ngủ sau cùng. Trước khi đi ngủ, còn rủ nhau ra nhà vệ sinh công cộng (khá xa) ông vừa đái vừa nói với tôi:

- Thế đấy Văn Chinh ạ, Đảng không bao giờ tin anh em văn nghệ sỹ.

Sớm hôm sau, tôi làm bài tứ tuyệt, ngồi hý hoáy chép lại tặng ông:

“Anh nói đúng, chả bao giờ họ tin văn nghệ sỹ

Là nhà văn, ta chỉ nên sống chết với nghề

Tin yêu thế thì càng đau đớn thế

Bão mưa chiều ập đến. Bão mưa đi”

Ôi cái dấu chấm (giữa câu) tưởng dứt khoát đoạn tuyệt mà rồi ra, 41 năm qua, phải đến mấy mươi lần tôi ngậm ngùi với câu Kiều: “Tiếc thay nước lã đánh phèn/ Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần.” Là bởi vì cái phẩm tố nghệ sỹ là tin yêu!

Về sau, ông dùng câu thơ của tôi (có chú thích) trong bài “Bè bạn một vùng đồi” rất hay của mình. Ông làm chứng nhân của lịch sử bằng thơ, ghi lại cái quá khứ huy hoàng của Ban Vận động Thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú. 

Ông không thể có được bài thứ hai về Hội VHNT Hà Nội, nơi đã hơn 30 năm ông gắn bó rồi lãnh đạo nó. Không, không thể. Vì hội của ông không thể có cái tinh thần của ban Vận động thành lập Hội VHNT Vĩnh Phú, nơi có ông Vợi làm Ủy viên Thường trực Ban. Cổ nhân nói: “Văn dĩ hội hữu, hữu dĩ hựu nhân” – Văn khả dĩ dùng để kết bạn, bạn khả dĩ giúp nhau Người hơn – đó là cái TINH THẦN HỘI mà tôi muốn nói, là tứ bài thơ “Bè bạn một vùng đồi” của ông. 

Cho đến nay, Hội VHNT có Tô Hoài, Vũ Quần Phương rồi có ông; cả ba ông với các cấp độ khác nhau, nhưng đều tài hơn ông Vợi. Chỉ có điều, ba ông đều không có một chút xíu cái mà ông Vợi có: Khát vọng vì một nền văn nghệ thứ thiệt. Chính vì vậy, VHNT Hà Nội không bằng TP HCM, Huế; chỉ là một thứ hội loàng xoàng văn nghệ quần chúng suốt từ ngày thành lập đến 2010.

Từ năm Phạm Xuân Nguyên làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, tôi thấy ông ta làm được nhiều việc hay: Trao Giải thưởng cho các cuốn sách quan trọng bậc nhất của nền văn hóa văn nghệ, đó là cuốn “Văn học cổ cận đại Việt Nam, từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” (Nguyễn Huệ Chi) và tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương.

Trao Giải cho ông Chi là Hà Nội thay mặt cả nước ghi nhận cả đời một con người khảo cứu văn học, chính trị, xã hội thời Lý Trần – là thời huy hoàng đệ nhất trong lịch sử nước Việt; trục vớt cái tinh thần sỹ khí quan trọng nhất của Hồn Việt đã bị chìm khuất sau cái thời khác làm náo hoạt quá mức và sau rất nhiều nhảm nhí của nền khoa học nhân văn mang tên “cut – paste.” Thời đại Hồ Chí Minh cũng đệ nhất huy hoàng, nhưng khác thời Lý Trần ở chỗ: Ta đánh thắng hai đế quốc to cùng với cả thế giới giúp vật chất và cổ vũ tinh thần; còn thời Lý Trần, nó đánh bại cả thế giới nhưng thua nhục nhã ở Đại Việt chỉ với dăm bảy triệu dân và lại chỉ tự lực cánh sinh...

Trao Giải cho ông Phương là một cách Hội Nhà văn Hà Nội làm sáng danh tinh thần cởi mở của Đảng, tinh thần ĐỔI MỚI của Đảng về mọi phương án tìm tòi sáng tạo văn chương của nhà văn trước quốc dân và bè bạn thế giới.

Tôi biết, có cách khác phụng sự Đảng. Nhưng kiểu những Nguyễn Văn Lưu chỉ là làm cho thế giới nhìn Đảng ta KHÔNG đổi mới mà thôi. 

Anh em có các ý kiến khác nhau là bình thường. Đây là thời không thể nhất nhất “cả nước cùng đọc thơ Phạm Tiến Duật, cả nước cùng đọc “Hòn đất” của Anh Đức”. Nếu khư khư như thế, tức là duy ý chí trì trệ đấy.

Xin hỏi ông, lúc ông đứng đái cùng tôi, ông nói thật hay nói dối? Nếu thật, vậy tức là ông coi Đảng khác ông và anh em ta. Thế rồi, gần 40 năm qua, ông làm lãnh đạo Hội VHNT Hà Nội, ông có làm KHÁC NHỮNG GÌ ĐẢNG CHỈ ĐẠO LÃNH ĐẠO KHÔNG?

Phạm Xuân Nguyên khác một số người, cả cấp trên lẫn đồng cấp; nhưng 5 năm qua, Nguyên có làm KHÁC NHỮNG GÌ ĐẢNG CHỈ ĐẠO LÃNH ĐẠO KHÔNG? Còn ông nói dối tôi cái lúc đi đái đêm tháng 3 năm 1975 ấy, thì hóa ra ông hai nhân cách à? Nếu ông cũng hai nhân cách thì khác đếch gì ông Nguyên?

Là người khác, tôi kệ.

Là ông, Hà Nội (tức là Đảng) coi ông là Nhân sỹ. Tức như sỹ phu xưa. Là sỹ phu thì phải coi trọng lẽ phải và sự công bằng. Là sỹ phu, y phải có bổn phận nói với vua cái lẽ phải và sự công bằng. 

Vả lại, ông là bạn tôi, nên tôi phải thưa cùng ông vài điều.

Chúc mọi sự tốt đẹp.