Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Minh triết phương Tây (kỳ 7)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Thời hậu cổ-Hy Lạp[1]

Nếu đầu thế kỷ thứ 5 TCN Hy Lạp chống lại được xâm lăng của Đế quốc Ba Tư thì chỉ trăm năm sau đã có chỉ dấu Đế quốc này là một ông khổng lồ chân đất sét. Xenophon[2] chứng minh rằng chỉ một số quân Hy Lạp nhỏ được chỉ huy và có kỷ luật có thể đương đầu với quân lực Ba Tư ngay trên lãnh địa của họ.

Với Đại đế Alexander, Hy Lạp bắt đầu đi chinh phục. Chỉ mười năm, từ 334 TCN đến 224 TCN, toàn bộ Đế quốc Ba Tư rơi vào tay vị Đại đế trẻ tuổi gốc Macedonia này. Từ Hy Lạp đến Bactria[3], từ sông Nile đến sông Indus[4], một thế giới nay nằm dưới uy quyền Alexander, kẻ tự cho mình có trách vụ phổ biến nền văn minh Hy Lạp. Và ông thành công. Không chỉ chinh phục, ông còn có đầu óc thực dân[5]. Chỗ nào quân ông đi qua, ông thiết lập ngay những thành phố điều hành kiểu Thành quốc Hy Lạp, khuyến khích lính người Hy và Macedonia lấy đàn bà phương Đông hầu hòa nhập với cư dân bản địa. Alexander làm những điều ông nói, cưới liền tay hai công chúa Ba Tư làm vợ.

Nhưng Đế quốc của Alexander khá phù du. Sau khi ông chết, đám đại tướng chia lãnh địa làm ba phần. Bên châu Âu, đế quốc Antigonid rơi vào tay người Rome chỉ chừng hơn trăm năm sau. Bên châu Á, vương quốc Seleucid bị cắt thành mảnh, Rome chiếm cứ phía tây, người Parthian phía đông. Ai Cập thời Ptolemies[6] phục tùng Đế quyền Rome trong tay Augustus[7]. Nhưng gieo rắc ảnh hưởng Hy Lạp, cuộc chinh phục của Alexander thành công tuyệt vời. Văn minh Hy tràn vào châu Á. Hy Lạp thành ngôn ngữ trong ngoại thương, hệt như tiếng Anh những thập niên trước. Khoảng 200 năm TCN, người ta có thể nói tiếng Hy từ hai cột Hercules[8] cho đến Ganges[9].

Khoa học, Triết lý và nhất là Nghệ thuật của Hy Lạp xâm nhập những nền văn minh cổ phương Đông. Kim tiền, đồ gốm, kiến trúc và điêu khắc là chứng cứ ảnh hưởng của nền văn hóa Hy. Ngược lại, phương Đông cũng ảnh hưởng lên phương Tây. Điều này, tuy nhiên, có những bước lùi. Chẳng hạn, chiêm tinh Babylonia, có thể gọi là non trẻ, lại có ảnh hưởng khá nổi trội. Ngoài những thành tựu khoa học và kỹ thuật, thời hậu cổ-Hy Lạp trở nên mê tín dị đoan hơn so với trước đó. Bước giật lùi này cũng diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Khi tôi (tức Bertrand Russell) còn trẻ, chiêm tinh là đất cấm của một số người kỳ quặc lập dị. Ngày nay, thói mê tín dị đoan lan tràn đến độ những người quản lý báo chí thông tin quần chúng đăng lên những cột báo chiêm tinh giành chỗ cho những vị tinh tú sắp đặt số mệnh con người. Có lẽ chúng ta cũng không nên lo ngại quá đáng. Bởi dưới thời Rome, giai đoạn mang ảnh hưởng Hy Lạp không được kiểm soát, chưa định hình, và có vẻ bất an. Đám loạn quân đánh mướn cho những phe phái lâu lâu lại xung đột. Về mặt chính trị, những thành phố mới thời Alexander thiếu tính ổn định của những khu cư dân cổ xưa giữ được liên hệ truyền thống với thủ phủ văn hoá. Không khí nói chung thời đó là thiêu vắng an ninh. Khi Đế chế tan rã, những kẻ kế thừa đấu đá tranh giành quyền lực, và điều này khiến thân phận con người phải đối mặt với những bấp bênh khó tiên liệu.

clip_image002
Alexander xung trận đánh Vua Ba Tư Darius III

Về mặt văn hóa, chúng ta ghi nhận khuynh hướng chuyên biệt ngày một mở rộng.Trong thời tiền-cổ, một người trong thành quốc có thể xoay trở với nhiều vấn đề khi tình huống bức bách. Thời sau, họ thường chuyên chú và thu hẹp vào một khâu, ngành nào đó.Trung tâm nghiên cứu khoa học chuyển từ Athens về Alexandria, thành phố có nhiều thành tựu nhất, nơi dung hợp những học giả và nhà văn mọi nơi trên thế giới. Erasthothenes, nhà địa lý, đã trong một thời gian là quản thủ của thư viện lớn nhất. Cũng như Apollonius, Euclid giảng dạy Toán học, trong khi Archimedes còn học ở Alexandria. Về mặt xã hội, cơ sở một cuộc sống ổn định dựa trên sự tăng trưởng của tập thể những người nô lệ. Môt công dân tự do khó có khả năng làm những việc giành cho nô lệ. Họ chỉ còn chọn lựa là đầu quân thành lính khi có cơ hội, và hy vọng thành đạt trong những dịp cướp bóc cưỡng đoạt. Trong khi văn hoá Hy Lạp có tầm ảnh hưởng rộng hơn thời Thành quốc Athens, thật lạ là không có một người nào hay một động cơ nào để tập hợp những tàn dư rải rác của thời đại Alexander Đại đế.

Bất ổn kéo dài đem đến tính bàng quan đối với những sự vụ cộng đồng và sự thoái hoá của sợi dây nối kết tri thức và đạo lý trong xã hội. Nếu người Hy Lạp trong thời tiền cổ điển không nêu lên được những vấn nạn chính trị thì những kẻ thời sau cũng chẳng làm được gì hơn. Cuối cùng, xã hội rơi vào thiên tài tổ chức của Rome, với khả năng tạo ra trật tự từ hỗn loạn, và chuyển tiếp cho những thời đại sau này nền văn minh Hy Lạp. Sau thời vàng son của những Thành quốc, sức sống và tính sáng tạo của thế giới Hy Lạp lụn bại dần. Nếu có một điểm sáng mà mọi triết gia Hy chia chung thì đó là sự lạc quan đối với đời sống. Thế giới này là nơi vui sống được, và Nhà Nước được chấp nhận không chút đắn đo. Aristotle, như ta đã thấy, đã chọn cách nhìn này như một lý tưởng.

Chính sự bành trướng của Macedonia thành Đế quốc đã xoá nhòa tức thì niềm tự mãn vừa nói. Khuynh hướng triết học Hy Lạp thời hậu-cổ này phản ánh sự bi quan và tính bất ổn. Chúng ta không còn thấy sự tự tin vững chãi của những công dân đặc tuyển như Plato.

Trong một nghĩa nào đó, cái chết của Socrates đánh dấu sự phân dòng của nền văn hóa Hy Lạp. Dầu công trình của Plato chưa xuất hiện, chúng ta đã xuôi về đồng bằng của nền văn hóa này. Trong triết học, một số phong trào bắt đầu trồi lên. Đầu tiên, là khuynh hướng do Antitisthenes, một trong những người học trò của Socrates, khởi xướng. Tên vị này liên quan đến một nghịch lý trong truyền thống Eleatic, theo đó ta không thể nào có được một đề xuất có ý nghĩa. A là A, đúng nhưng không có gì đáng nói. Hay A là B, nhưng bởi B không là A, và điều này hẳn là sai. Vì thế, Antitisthenes mất lòng tin vào triết lý. Những năm cuối đời, ông chối từ cuộc sống giành cho đẳng cấp cao, và sống như một người bình thường. Ông phản kháng những lề luật trói buộc thời ông, và ước muốn quay về một đời sống dân dã không bị những qui ước và ngăn trở cấm kỵ của tổ chức Nhà Nước.

clip_image004

Tượng Euclid

Một môn đệ của Antitisthenes là Diogenes, sinh ở Sinope, một người trong đám cư dân Hy Lạp ở Euxine. Với Diogenes, một phong trào mang tên là Khuyển Cách (Cynicism) xuất hiện. Diogenes sống hoang dã như một con chó, chính chữ cynic có nghĩa là ‘như-chó’. Theo truyền tụng, ông này sống trong một cái bồn khi Alexander thời trẻ đến thăm vì nghe tiếng. Alexander hỏi Diogenes nếu muốn gì cứ nói và sẽ được thi ân. “Đứng xích ra để đừng che ánh sáng của ta” là câu trả lời. Và Alexander, bị ấn tượng đến đỗi thốt lên rằng “Nếu ta mà không là Alexander thì ta sẽ là Diogenes”.

clip_image006 Archimedes

Phái Khuyển Cách quay lưng lại với mọi điều người đời gọi là tốt đẹp, và chỉ tập trung trên đức hạnh như chuyện duy nhất đáng được đạt đến. Đây rõ là một nét nổi cộm trong học thuyết Socrates. Nhưng đối với sự đời, học thuyết này thuộc thể loại tiêu cực. Đúng là nếu một liên hệ ta xem như không hệ trọng, sự thất vọng về nó sẽ ít tác động lên ta. Nhưng từ đó, còn niềm hứng khởi nào có được không. Học thuyết Khuyển Cách nẩy nở thành một truyền thống khá mạnh. Trong thế kỷ thứ ba TCN, nó được phổ biến rộng rãi và được quần chúng ủng hộ trong thế giới Hy Lạp. Nhưng với quần chúng, đó chỉ là học thuyết truyền tụng bị giảm giá trị và phản ánh những điều kiện xử thế thời bấy giờ. Nó rêu rao thái độ cơ hội trong đời, hai tay ôm lấy khi lấy được, không than van khi đói kém, vui đời khi vui được, và chấp nhận sự không may mắn với cái nhún vai coi thường. Từ thái độ xử thế đó, chữ cynical mang nghĩa xấu. Và học thuyết này, như một phong trào, không đủ nội hàm để tồn tại dài lâu. Về mặt đạo lý, nó sẽ bị cuốn hút vào trường phái Khắc Kỷ (Stoicism) chúng ta sẽ đề cập sau.

clip_image008 Diogenes

Một học thuyết khác trong thời triết học tàn lụn là học thuyết Hoài Nghi (Skepticism). Hoài nghi là không tin vào điều gì. Trong triết học, thuyết này lại trở thành một thứ giáo điều. Nó phủ nhận rằng chẳng một ai có thể biết gì một cách chắc chắn. Phiền một cái là chúng ta muốn hiểu làm sao những kẻ hoài nghi nắm được thông tin về cái chân lý này của họ. Làm thế nào họ biết điều họ rao giảng nếu như họ phủ nhận mọi khả năng hiểu biết? Phê phán này áp dụng ngay một khi sự ngờ vực biến thành một nguyên tắc. Nếu như một lời nhắn nhủ rằng chúng ta nên thận trọng trong nhận định, thì dĩ nhiên là chẳng có chi sai lầm cả.

Triết gia phái Hoài Nghi đầu tiên là Pyrrho, công dân vùng Elis phía nam Hy Lạp, chứng kiến thế giới trong hàng ngũ quân đội của Đại đế Alexander. Chủ thuyết Hoài Nghi không phải là mới mẻ, sự ngờ vực về tính tin được của cảm nhận từng được nêu lên với trường phái Pythagoras và Eleatics. Những triết gia phái Biện Thuyết cũng đưa ra những khái niệm tương tự như cơ sở của tính tương đối trong xã hội và đạo đức. Nhưng không một ai đề xuất khái niệm này như tư tưởng trung tâm. Khi những triết gia thế kỷ thứ 17 và 18 nói về Pyrrho, họ đề cập đến hoài nghi trong ý nghĩa trên. Về Pyrrho, hầu như ta chẳng biết có gì thêm, nhưng môn đồ của ông là Timon, kẻ phủ nhận giả thiết tiên khởi trong diễn dịch và cho rằng điều này bất khả. Từ khi trường phái Aristotle tổng kết về cơ cấu khoa học dựa trên nguyên lý này, chủ thuyết Hoài Nghi tấn công trực diện vào quan điểm của họ. Điều này giải thích vì sao trường phái Kinh Viện (Scholasticism)[10] thời Trung Cổ kịch liệt đả phá triết học Pyrrho. Phương pháp dựa trên lấy giả thiết tiền đề làm cơ sở diễn dịch của Socrates lại không bị quan điểm hoài nghi công kích. Về mặt triết học, sự phục hưng ở thế kỷ 17 sau này là tách rời những luận cứ Aristotle để quay trở lại với Plato.

Sau Timon, chết năm 235 TCN, chủ thuyết Hoài Nghi không còn là một học phái độc lập. Chủ thuyết này hòa nhập vào Academy như một yếu tố trong gần hai trăm năm. Đây là một méo mó trong truyền thống triết giảng Plato. Thật ra, chúng ta có thể thấy những đoạn văn của Plato có vẻ như từ bỏ một số ý niệm của mình. Biện chứng trong “Parmenides” nhắc nhớ điều này. Nhưng đối với Plato, biện chứng tự thân không là cứu cánh. Chỉ một khi bị ngộ nhận như vậy, quan điểm Plato mới có thể bóp nặn theo quan điểm hoài nghi. Cũng phải nói trong một thời đoạn ngập lút trong mê tín dị đoan, triết gia phái Hoài Nghi cung cấp xã hội một cách tích cực qua sự lật tẩy những thói hư tật xấu. Thời đó, có nhiều người đua theo phong trào mê tín mà không tra vấn nội dung. Chính điểm tiêu cực này khiến học phái Hoài Nghi đã mang lại một số môn đồ “giễu dở” có thể rất liến láu, nhưng không thuyết phục. Trong thế kỷ 1, chủ thuyết Hoài Nghi trở thành một truyền thống độc lập. Lucian, nhà châm biếm thế kỷ thứ 2 TCN, và Sextus Empiricus, là những người theo triết thuyết Hoài Nghi. Sự phát triển của những điều có tính võ đoán của chủ thuyết Hoài Nghi khiến sớm muộn nó sẽ chẳng thể sống sót.

Khi so sánh công trình nghiên cứu triết học thời hậu-cổ Hy Lạp với thời Athens và trước đó, thời tiền-cổ Hy Lạp, ai cũng nhận ra sự rã rời mệt mỏi của giai đoạn suy đồi. Đối với những triết gia thuở trước, triết học là một cuộc phiêu lưu, đòi hỏi những kẻ tiên phong sự tinh nhậy và lòng can trường. Còn những triết gia thời hậu-cổ sau này, họ cũng can đảm đi tiếp hành trình, nhưng nay là sự kiên trường cam phận và sức nhẫn nại chịu đựng, chứ không phải là sự dũng mãnh của những người khám phá mở đường.

Trong thế thời mà xã hội cũ lụn đi, con người tìm an bình, và nếu không có được nó, họ khôn ngoan né sang một bên những khó khăn tránh được. Điều này thật không thể nào hiển nhiên hơn là với trường phái Khoái Lạc theo Epicurus (Epicureanism).

Sinh năm 342 TCN, cha mẹ người thành Athens, năm 18 tuổi Epicurus rời Samos đến Athens rồi sau đó đi Tiểu Á học với triết gia Democritus. Khi vừa quá 30 tuổi, ông thành lập một trường học, hoạt động ở Athens từ 307 TCN cho đến khi ông chết năm 270 TCN. Trường của ông sinh hoạt kiểu cộng đồng nơi ông cư trú, tự cô lập và tránh chung đụng với thế giới hỗn tạp bên ngoài. Suốt đời, Epicurius ốm o bệnh tật nhưng điều này không làm ông chùn bước. Mục tiêu trung tâm của học thuyết ông rao giảng là lý tưởng làm sao tạo điều kiện sống không đụng chạm khuấy đảo để thực hiện sự an bình. Khoái lạc vui thích là đối tượng của Epicurius. Không có nó, cuộc đời là không đáng sống. Vui thích ở đây gồm cả khoái lạc Thân xác lẫn Linh hồn. Vui thích Linh hồn nằm trong sự chiêm ngưỡng sự khoái lạc thân xác, và điều này chẳng có gì cao cả hơn điều kia. Tuy nhiên, vì chúng ta có thể kiểm soát chiều hướng của hoạt năng trí tuệ, chúng ta có khả năng lựa đối tượng để chiêm ngưỡng trong khi khoái lạc thân xác thì không chọn được. Đây là điểm duy nhất khiến Linh hồn có lợi điểm so với Thân xác. Và từ tiêu điểm vui thích khoái lạc, kẻ hưởng lạc là người ngộ ra đạo lý ở đời.

Quan điểm của Epicurius cho thấy một cách nhìn về đời sống tốt đẹp khác hẳn với Socrates và Plato. Khuynh huớng của ông tách đời người khỏi hoạt động và trách nhiệm. Với Socrates, dĩ nhiên, đời sống lý tưởng là đẹp nhất, nhưng nó không thờ ơ cách biệt với mọi người. Ngược lại, nó có trách nhiệm hòa nhập và năng động trong công vụ của cộng đồng. Plato cũng vậy, ông thường nêu cao tinh thần này. Triết gia một khi ra khỏi đường hầm phải quay trở lại giúp những kẻ chưa giác ngộ nhìn ra chân lý. Và chính điều này là động cơ thúc đẩy Plato mạo hiểm đi Sicilia như ta từng nói qua.

Với Epicurius, ông phân biệt khoái lạc xung động và khoái lạc thụ động, cho rằng cái sau có phần hơn cái trước. Niềm khoái lạc xung động gặt hái mục đích dưới sự thúc đẩy của sự đam mê vật dục ta ham muốn. Một khi đã đạt được, niềm khoái lạc thành thụ động, và chẳng còn cái khoái lạc làm ra động cơ thúc đẩy nào khác. Đó là điểm tận cùng của khoái lạc, gây mê ở trạng thái bão hòa. Chúng ta có thể hiểu thể loại đạo lý thận trọng này trong thời buổi đời sống bấp bênh. Như kết toán cái gọi là Thiện, hay tốt đẹp, kiểu Epicurius đề xuất chỉ dừng ở một mặt. Nó bỏ qua, trong nhiều cái khác, sự kiện theo đó sự thiếu vắng cảm xúc và ham muốn là một tính cách của quá trình đeo đuổi một mục đích nào đó. Socrates hoàn toàn có lý khi cho rằng chính kiến thức là điều Thiện. Kiến thức vô lợi nhằm đến sự hiểu biết chúng ta có khả năng đạt đến thể loại cảnh giác vô ý thức mà Epicurus tìm kiếm.

clip_image010

Tượng Epicurius

Tính cách con người của ông khiến Epicurius không tương hợp hoàn toàn với quan điểm ông đưa ra. Ông đánh giá tình bạn là cao hơn mọi sự, mặc dầu đây không phải là thứ khoái lạc thụ động nào. Người theo học phái Khoái Lạc thành gương xấu với đời sống sang cả của họ, phần lớn vì sự mạ lị phỉ báng của phái Khắc Kỷ cùng thời, một học phái khinh miệt tất cả những gì họ coi là vật chất trong học thuyết của Epicurius. Đây là một sai lầm vì trong vòng những người theo học thuyết này đa số có một cuộc sống thanh đạm.

Theo thuyết Nguyên Tử của Democritus, Epicurius có thể được coi là duy vật. Tuy nhiên, ông không chấp nhận rằng chuyển động nguyên tử tuân theo một qui luật cứng nhắc. Chúng ta từng lược qua rằng khái niệm qui luật này được rút ra từ bối cảnh xã hội và mãi về sau người ta mới gán chúng cho thế giới vật thể. Tôn giáo, cũng vậy, là một hiện tượng xã hội, và với khái niệm về sự bức thiết, hai quan điểm nói trên hình như có một điểm chung. Thần linh tạo ra luật lệ. Epicurius bác bỏ tôn giáo nên ông buộc phải phủ nhận qui luật cứng nhắc về sự bức thiết. Vì vậy, theo Epicurius, nguyên tử có thể có sự độc lập nào đó của chúng, nhưng sau khi tiến trình khởi phát rồi thì chúng cũng quay vào thể loại chuyển động có qui luật như Democritus đề xuất.

Còn về Linh hồn, đây đơn giản chỉ là một vật thể đặc biệt, những phân tử của nó trà trộn vào những nguyên tử tạo thành cơ thể. Cảm giác được giải trình như thể thức phát xạ từ đối tượng vật chất vào những nguyên tử phần hồn. Khi cái chết đến, những nguyên tử này mất liên kết với cơ thể, phân tán và sống sót như nguyên tử nhưng không còn khả năng cảm nhận. Trong thế cách này, Epicurius cho rằng sợ sự chết không có lý lẽ gì, bởi cái chết là gì đó mà chúng ta không thể trải nghiệm. Dẫu ông ta phản kháng tôn giáo rất quyết liệt, Epicurius vẫn cho là những thần linh hiện tồn. Tuy nhiên, theo ông, sự tồn tại này chẳng khiến chúng ta được gì trong cuộc sống của mình. Những thần linh này, ông tin, đều theo học thuyết Epicurius, và họ chẳng màng tới số phận loài người. Họ chẳng phân phát ban bố thưởng phạt. Tóm lại, họ hành xử như thế nên con người chúng ta cần theo cách ứng xử hài hòa với mục tiêu đạt đến một trạng thái cân bằng ở thể tĩnh, trong đó khoái lạc là đấng tối cao và là đấng cả của mọi thần linh.

Không giống như những học thuyết khác, học thuyết Khoái Lạc không khai triển một truyền thống khoa học nào. Phong cách tự do và tinh thần phản biện đối với những hành vi dị đoan mê tín nhận được sự ủng hộ cổ vũ của một thiểu số những nhà quí tộc trong tầng lớp cao của Đế chế Rome, mặc dầu sau đó thuyết Khoái Lạc bị thuyết Khắc Kỷ thế chỗ. Một khuôn mặt sáng rạng trong truyền thống Epicurius là nhà thơ Rome tên Lucretus sống từ 99 đến 55 TCN. Trong trường ca “De rerum natura”, nhà thơ này đã linh hoạt tóm gọn học thuyết Khoái Lạc.


[1] Từ khi Alexander chinh phục BaTư rồi mang văn hóa Athens đi phổ biến, ảnh hưởng của văn hoá thời cổ-Hy Lạp tỏa rộng và được gọi là Hellenism, văn hóa hậu cổ-Hy Lạp.

[2] Nhà thơ, sử gia, và là chiến sĩ, người cùng thời với Socrates.

[3] Ngoại biên phía Đông Ba Tư, nay là một phần của Afghanistan.

[4] Sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, dài 3180 km, chảy dọc Pakistan rồi đổ ra biển Arabian.

[5] Đầu óc thực dân là một thuộc tính châu Âu khi họ đi chinh phục những thuộc địa từ thế kỷ 17.

[6] Người Ai Cập, làm tướng cho Alexander Đại đế.

[7] Gaius Julius Caesar là Hoàng đế đầu tiên của Đế chế Rome, từ năm 27 TCN cho đến năm 14.

[8] Ở hai bên Gilbraltar, tận cùng phía Tây, hai đỉnh núi được gọi là hai cột Hercules, tên một vị á thần Hy Lạp.

[9] Sông Hằng, chảy qua Ấn Độ và Bangladesh.

[10] Trong những đại học thời Trung Cổ (1100-1500), phái này dùng phương pháp biện chứng để kiểm nghiệm và giải quyết những mâu thuẫn, tách ra khỏi cách giảng dậy trong những tu viện.