Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Vài vấn đề xoay quanh cuốn Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút VN (1957-1975)

Nhật Tiến

clip_image002

Sau khi cuốn sách mới ra của tôi “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút VN (1957-1975)”, do nhà Huyền Trân phát hành ngày 15-8-2016 (và post lên online), tôi nhận được một lá thư của cô Nguyễn Tà Cúc, Tổng thư ký báo Khởi Hành do ông Viên Linh làm Chủ nhiệm, trong đó cô phản bác lại những ý kiến của tôi về việc ông Viên Linh bịa đặt sự kiện để nhục mạ hai vị tiền nhiệm rất có công với Trung Tâm Văn Bút trước 1975 là GS Phạm Việt Tuyền và LM Thanh Lãng.

Trong thư nói trên, cô Tà Cúc viết cho tôi rằng: “… nhân thể báo rằng sẽ là lá thư cuối Tà Cúc gửi cho anh. Phần anh, anh cũng khỏi gửi cuốn sách đó hay thư từ cho Tà cúc nữa…” Vậy thì để cô có thể đọc được những câu trả lời của tôi về những điều mà cô nêu ra trong thư, tôi không có cách nào khác là nhờ phương tiện của Internet.

Mặt khác, vì đây là những vấn đề liên hệ đến nhiều người, nhiều vị đã khuất, và nhất là đến danh dự của Trung Tâm Văn Bút VN, lại nữa những lời xuyên tạc của ông Viên Linh được trích dẫn từ cuốn sách của chính ông đã xuất bản rồi, như vậy chuyện phản bác qua lại không còn nằm trong lãnh vực cá nhân nữa mà đã trở thành vấn đề chung của những ai vốn hằng lưu tâm đến Trung Tâm Văn Bút V.N. nói riêng và Văn hóa miền Nam nói chung.

Vì thế mới có bài viết này của tôi. Gồm 2 phần:

1) Nguyên văn lá thư Cô Nguyễn Tà Cúc gửi cho Nhật Tiến.

2) Phần trả lời của tôi.

1. Nguyên văn lá thư Cô Nguyễn Tà Cúc gửi cho Nhật Tiến.

(những chỗ in đậm và gạch dưới là của chính người viết,cô Tà Cúc )

Ngày 21. 8 . 2016

Anh Nhật Tiến,

Tà Cúc vừa được một bạn gửi cho xem một đoạn anh viết về anh Viên Linh trong cuốn sách mới của anh. Đây là những điều Tà Cúc nghĩ và nhân thể báo rằng sẽ là lá thư cuối Tà Cúc gửi cho anh. Phần anh, anh cũng khỏi gửi cuốn sách đó hay thư từ cho Tà cúc nữa vì, cứ đọc một chương này, Tà Cúc đủ thấy nó không cần thiết cho sự nghiên cứu của Tà Cúc. Nay Tà Cúc nói đến phần anh viết về anh Viên Linh khiến dẫn đến quyết định chấm dứt của Tà Cúc:

-Anh đã không trích dẫn đầy đủ bài của anh Viên Linh, khiến gây cho người đọc cảm tưởng sai lầm rằng anh ấy VÔ CỚ tấn công Phạm Việt Tuyền và Thanh Lãng. [Không, Tà cúc không tin anh Viên Linh phải trả lời nếu có bao giờ đọc đến vì anh đã mất quyền được trả lời khi không trích dẫn đầy đủ.] Lẽ ra anh phải trích cho đấy đủ đoạn anh Viên Linh viết vì cốt tủy của đoạn này là sự im lặng của Thanh Lãng và Phạm Việt Tuyền về sự bị cầm tù rồi qua đời của Chủ tịch tiền nhiệm Vũ Hoàng Chương sau khi họ đã tranh đấu rất ồn ào và hiệu quả cho người Cộng sản nằm vùng Vũ Hạnh; nghĩa là họ cũng đã GÓP PHẦN VÀO SỰ LƯU TRUYỀN NHỮNG TIN TỨC XẤU XA VÔ BẰNG VỀ Miền Nam:

- "Anh Chương là Chủ tịch Văn bút Việt Nam, bậc tiền nhiệm của chủ tịch Thanh Lãng. Khi nhà văn Vũ Hạnh bị chính phủ quốc gia bắt giữ vì tình nghi là Việt cộng - mà đúng là Việt cộng thật - Linh mục Thanh Lãng và Tổng thư ký Văn Bút Phạm Việt Tuyền đã nỗ lực vận động Văn Bút Quốc Tế và Hội Ân Xá Quốc Tế can thiệp phóng thích. Chính phủ Quốc gia đã phải phóng thích, vì tôn trọng trò chơi Dân chủ, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc tôn trọng tự do phát biểu. Đến khi bậc tiền nhiệm của mình bị bắt, bị bắt về vấn đề tự do tư tưởng, tự do phát biểu, như Vũ Hạnh, nhưng ông Thanh Lãng đã im lặng. Ông đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ở Đại học Văn khoa; và Phạm Việt Tuyền thì bận rộn đặt côn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”, trước khi chịu đói không nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Strasbourg, Pháp. Trung Tâm Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống Cộng, cho kịp thời với Đại hội Văn Bút ở Tokyo vào năm 1957, lúc ông Phạm Trọng Nhân làm lãnh sự tại Nhật, cuối cùng đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền. Hơn ai hết, Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, trước cảnh tù ngục của bậc tiền nhiệm, phải quan niệm in lặng không phải là sự nhục nhã..." [Viên Linh, sđd, trang 73-75-Anh không trích những câu in ngả và gạch dưới.]

Như các bạn đã chỉ ra và như Tà Cúc nhận thấy ngay lập tức, anh đã cắt bỏ 8 câu và để lại chỉ có gần 6 câu trong đoạn trên hầu không đề cập đến hai vấn đề tối quan trọng của Văn Bút trước 1975 mà anh có trách nhiệm trực tiếp. Trước hết, đó là sự trà trộn và lộng hành của cộng sản nằm vùng Vũ Hạnh với sự tiếp tay rất đắc lực của Chủ tịch Thanh Lãng cùng những câu vu khống vô cùng sai sự thực về Miền Nam. Sau nữa, chúng ta sẽ giải nghĩa ra sao về sự im lặng của Chủ tịch Thanh Lãng và đồng- sáng -lập-viên kiêm đồng- tạo-dựng-viên Phạm Việt Tuyền khi các sự bắt bớ tù đày này xẩy ra cho rất nhiều hội viên hay không-hội-viên Văn Bút và cho ngay chính cựu Chủ tịch Vũ Hoàng Chương sau 1975 [như Viên Linh đặt vấn đề] khiến người ta phải thắc mắc về sự có mặt của Đảng Cộng sản bên trong? Tại sao Vũ Hạnh lại có bài trên tạp chí của VBVN [nếu Tà Cúc không nhầm] để củng cố địa vị của hắn trong lúc có khi có người ngoài hội như Viên Linh phải đối phó với hắn công khai bằng một bài viết phản bác hắn trên Nghệ Thuật?

Hơn thế nữa, là một hội được nâng đỡ, trợ cấp tài chính, cung cấp phương tiện và còn lại được chính phủ Miền Nam cho phép tham dự một cơ cấu quốc gia để phát biểu, anh không nên kể lể công ơn cho Phạm Việt Tuyền hay bất cứ ai ở đây. Đó là bổn phận của các anh, của hội viên. Hay cố tình kéo ra ngoài vấn đề: Bất cứ ai cũng sẽ có quyền đặt câu hỏi về sự thành lập Văn bút Việt Nam trong bối cảnh Chiến tranh lạnh đó hay tại sao có mặt Vũ Hạnh hay tại sao có một ông Chủ tịch NHÂN DANH CẢ HỘI ngang nhiên tuyên bố những câu vu khống ngay giữa thủ đô Miền Nam mà hội viên xem ra im lặng? Bởi thế, một câu trả lời hữu hiệu trong hoàn cảnh này không phải là một sự chụp mũ người khác hay nhân danh các hội viên khác để chụp mũ mà nên lợi dụng các thắc mắc ấy để trình bày VỚI BẰNG CHỨNG. Vâng, để cho công bằng, anh rất cần áp dụng Tuyên ngôn của VBQT cho cả Chủ tịch Thanh Lãng và cũng nên hỏi tư cách như thế mà được cử làm Chủ Tịch Văn bút Việt Nam -- có cả trăm hội viên với nhiều thành tích văn hóa như anh đã kể -- thì đúng là loạn quá.

Bởi vậy, nếu dùng chữ "chất vấn", thì cũng chính anh sẽ bị chất vấn trước ai hết thảy và ngay lập tức về những hoạt động vu khống Miền Nam của Thanh Lãng và hoạt động của Vũ Hạnh. Anh biết gì về Thanh Lãng?! Về Vũ Hạnh? LÚC ĐÓ và SAU NÀY? Anh và Phạm Việt Tuyền ở đâu khi Thanh Lãng nhân danh Trung Tâm Văn bút Việt Nam tuyên bố trên tạp chí của Nguyên Sa vào đầu năm 1975, như sau:

-"NHÀ VĂN: Tết năm nay, linh mục chủ tịch và các văn hữu trong quý trung tâm ăn Tết như thế nào?

-“THANH LÃNG: Tết năm nay, đối với Trung tâm Văn bút Việt Nam là một cái tết "tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong "một nhà tù lớn, một chốn ly thân, trong thân phận vong thân. [Thanh Lãng, số Mùa Xuân, tháng 2. 1975, trang 115]

Nếu anh không biết một chuyện "búa tạ" như thế, nếu anh không biết chính anh đang "sống trong một nhà tù lớn, một chốn ly thân, trong thân phận vong thân" theo sự tuyên bố của chính ông Chủ tịch của anh, có lẽ anh đã mất tư cách "chất vấn" thiên hạ. Người bạn Tà Cúc có nói anh cũng cho in lại ý kiến của anh Mặc Đỗ và phần giải thích của Văn Bút Việt Nam trong cuốn sách mới này. Nếu đúng thế, Tà Cúc thành thực hy vọng anh cũng cho đăng lại lời tuyên bố của Chủ tịch Thanh Lãng vào năm 1975 kèm phản ứng --hoan nghênh hay bất đồng ý kiến--của anh nếu có, dù quá muộn, để khỏi mang tiếng thiên vị bạn đồng hội của anh đến nỗi có thể bị hiểu lầm là che dấu sự thực. Và cũng để người khác được quyền tự do đặt dấu hỏi về một hội nhà văn tuy được Chính phủ Việt Nam Cộng hòa bảo trợ nhưng lại có ngôn ngữ của một thứ tuyên truyền đậm chất Cộng sản. [Không, không nên chụp mũ Tà Cúc là động chạm đến cả Trung tâm VBVN vì người đụng chạm đến Trung tâm này cùng các văn hữu nhân dân Miền Nam chính là Thanh Lãng.]

Cho nên, cũng không, không chỉ một vấn đề Vũ Hạnh mà còn ông Chủ Tịch Thanh Lãng với sự im lặng của hội viên NHƯ ANH khi ông ta tuyên bố thượng dẫn. Và càng không, không chỉ sự kiện Trung Tâm VBVN tranh đấu cho Vũ Hạnh ra khỏi tù mà còn là một cuộc tỷ thí giữa nhà văn Quốc gia và nhà văn Cộng sản ngay trong một tổ chức chính thức của các anh. Nếu sau 40 năm nhìn lại, anh chỉ thấy quá đơn giản như anh đã viết là quyền của anh, nhưng cần có chứng cớ thuyết phục. Nếu không, anh sẽ rơi ngay vào luận điệu đã dùng để nguyền rủa người khác, mà đồng thời, rõ ra, không chịu nhận trách nhiệm của một hội viên. Nhất là khi anh lại giữ chức vụ quan trọng trong VBVN và không có cớ mà sai lầm về nội tình như người ngoài được.

Đó, đó mới là những vấn đề mà các thế hệ đi sau cần biết khi khảo cứu về Văn Bút: Hoàn cảnh thành lập của nó với thêm nhân chứng hay thêm văn bản và sự đối phó với hội viên CS nằm vùng như Vũ Hạnh hay một ông Chủ tịch Thanh Lãng. Cho tới khi anh đưa được văn bản hay nhiều nhân chứng để giúp chứng minh, hãy nên coi những nguồn tin đó là một thí dụ để đem lại công lý giản dị chỉ vì, cho tới khi có văn bản và nhân chứng khác, ý kiến của anh chỉ được coi là MỘT ý kiến, không hơn không kém. Nhất là sau khi anh đã không trích đầy đủ phần phát biểu của Viên Linh; hay ngoài ra, những phát biểu của anh về các hội viên Cộng sản trong Văn Bút Quốc tế cũng cần được xét lại [trước khi anh áp dụng loại tin tức này vào lý luận của anh], như các nước CS đều tham dự VBQT vv Trên thực tế Nga Xô chỉ gia nhập vào giữa thập niên 1980, không cùng khoảng thời gian với Trung Tâm Việt Nam, mà trước đó lại còn đóng xập Trung tâm của quốc gia Latvia khi chiếm đóng nước này vào năm 1940 vv...

Anh cũng cần nên nhớ rằng, hễ đã hoạt động công khai thì khi người khác có ý kiến, dù thế nào, cũng không nên nổi nóng. Đọc kỹ lại bài Mặc Đỗ, Tà Cúc nhận thấy vẫn còn những ý kiến anh ấy đưa ra chưa có trả lời thỏa đáng từ các anh. Nội cái việc anh ấy than phiền là không có sự góp ý của các nhà văn khác trước khi các anh đi tham dự hội nghị Văn Bút mà cứ "nhân danh nhà văn Việt Nam" [và hình như còn than van là các anh phải "hy sinh" khiến anh ấy khó chịu?], Tà Cúc chưa thấy các anh trả lời. Rồi các anh kể thành tích Trung tâm đã đem truyện ra dịch và gửi ra ngoại quốc dự thi nhưng cũng không nói rõ là các sáng tác đó được chọn trong vòng tất cả nhà văn hay chỉ trong vòng hội viên vv...[mà chắc lại nhân danh nhà văn Việt Nam?] thì cũng chưa đáp được một thắc mắc rất rõ ràng của anh ấy. 41 năm sau, phản bác Viên Linh, anh lại lôi Hiến Chương Văn Bút Quốc Tế ra dài dòng như đã làm với Mặc Đỗ. Để làm gì vậy? Hiến chương VBQT có giải thích được cái vụ các anh "nhất nhất đều nhân danh nhà văn Việt Nam" như Mặc Đỗ nêu câu hỏi nhiều lần hồi đó hay vụ Thanh Lãng & Vũ Hạnh như Viên Linh đặt vấn đề bây giờ không?

-Ngoài ra, với Tà Cúc, còn một yếu tố quan trọng nữa khiến Tà Cúc thấy nên chấm dứt: Anh vẫn đôi khi gặp anh Viên Linh mà không thấy anh hỏi anh ấy những chuyện này, cho anh ấy một cơ hội để giải thích hay suy ngẫm. Nay xuất kỳ bất ý tung ra một mảnh viết không đẹp về anh ấy, mà tung ra ngay trên một website từng gọi các anh là "nhà văn đô thị" khiến anh và anh ấy đã phải ra sức chống đỡ. Tà Cúc thì khác. Tà Cúc quan niệm rằng trừ phi biết chắc chắn có ác ý [như trường hợp Ngô Thế Vinh], Tà Cúc luôn tìm một giải đáp nếu có thể từ chính người đó. Tà Cúc đã không ngại hỏi Dương Nghiễm Mậu, anh, Đỗ Quý Toàn vv khi Tà Cúc thấy cần phải hỏi. Chúng ta đang có quá nhiều vấn đề với người Cộng sản, nếu thanh toán được thắc mắc nào với những người còn có thể coi là bạn thì cứ giải quyết trước. Không ai trong chúng ta là không lầm lỗi. Thanh Lãng--một người tự căn bản không ác độc lại rất tài hoa-- đã phải học một bài học đau đớn, trả một cái giá cho sự xẩy bước của mình đến nỗi cuối đời phải viết 40 trang sám hối, xin Chúa và anh em tha tội cho mình. Người như thế đáng thương dù chúng ta vẫn phải nhắc tới cái giá này vì nó liên quan đến lịch sử của chúng ta. Thế nên, nếu có cơ hội nói chuyện với nhau lại bật ra những chuyện khác soi sáng cho mình thêm, giúp mình tránh thêm lỗi lầm. Khi nào không giải quyết với nhau được, sẽ cứ thẳng tay trên con đường tìm thấy công lý cũng chưa muộn.

Thế nên, với quan điểm ấy, Tà Cúc không muốn dính dáng gì đến những nhân sự chỉ làm Tà Cúc thấy cuộc đời buồn nản, sân si thêm. Cách giải quyết của Tà Cúc là cắt đứt cái nguồn buồn nản sân si ấy để dành sức lực mà làm việc của mình và vui với những người bạn đồng ý hướng với mình/.

Nguyễn Tà Cúc

2. Phần trả lời của Nhật Tiến

Tôi xin trả lời từng luận điểm một, nêu trong lá thư kể trên của cô Nguyễn Tà Cúc và tô đậm hay gạch dưới những chỗ cần thiết :

1) Tôi đã không trích dẫn đầy đủ câu của Viên Linh, khiến gây cho người đọc cảm tưởng sai lầm rằng ông ấy VÔ CỚ tấn công Phạm Việt Tuyền và Thanh Lãng. Mà theo cô Nguyễn Tà Cúc thì “cốt tủy của đoạn này là sự im lặng của Thanh Lãng và Phạm Việt Tuyền về sự bị cầm tù rồi qua đời của Chủ tịch tiền nhiệm Vũ Hoàng Chương sau khi họ đã tranh đấu rất ồn ào và hiệu quả cho người Cộng sản nằm vùng Vũ Hạnh”.

Nguyên văn đoạn ấy của Viên Linh như sau:

"Anh Chương là Chủ tịch Văn bút Việt Nam, bậc tiền nhiệm của chủ tịch Thanh Lãng. Khi nhà văn Vũ Hạnh bị chính phủ quốc gia bắt giữ vì tình nghi là Việt cộng - mà đúng là Việt cộng thật - Linh mục Thanh Lãng và Tổng thư ký Văn Bút Phạm Việt Tuyền đã nỗ lực vận động Văn Bút Quốc Tế và Hội Ân Sá Quốc Tế can thiệp phóng thích. Chính phủ Quốc gia đã phải phóng thích, vì tôn trọng trò chơi Dân chủ, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc tôn trọng tự do phát biểu. Đến khi bậc tiền nhiệm của mình bị bắt, bị bắt về vấn đề tự do tư tưởng, tự do phát biểu, như Vũ Hạnh, nhưng ông Thanh Lãng đã im lặng.”

Tại sao tôi không trích đoạn này vào sách của tôi ?

Xin trả lời rằng vì tôi không muốn phô cho độc giả nhìn thấy cái ác tâm của ông Viên Linh qua đoạn văn này. Nó vừa có tính chất quá ấu trĩ về kiến thức đối với C.S vừa mang dấu tích của một thứ thủ đoạn "lập lờ đánh lận con đen" nhằm gây lạc hướng cho người đọc:

1)Tôi nói ấu trĩ là vì: ông Viên Linh đi từ năm 1975, nay ngồi ở California viết báo Khởi Hành, vừa tích cực chống Cộng, vừa dũng cảm bênh vực Vũ Hoàng Chương đã bị CS bắt giữ v.v… Còn hai vị Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, cũng như tất cả các văn thi sĩ kẹt lại sau 1975 thì không ai có thể can trường lên tiếng như ông Viên Linh đòi hỏi được.

Vào thời gian sau 1975 ấy, ở Sài Gòn khét lẹt bầu không khí khủng bố. Nhà văn, nhà thơ, ký giả, văn nghệ sĩ, người nào cũng hồi hộp chờ ngày bị Công an đến nhà còng tay lôi đi, thân mình còn như cá nằm trên thớt thì đòi lên tiếng cái nỗi gì? Và lên ở đâu? Gửi bài phản kháng cho báo “Nhân Dân” hay báo ‘Sài Gòn Giải Phóng” để đòi C.S thả Vũ Hoàng Chương chăng? Rồi phản kháng xong thì hy vọng CS cũng thả Vũ Hoàng Chương như ngày trước chính phủ V.N.C.H thả Vũ Hạnh chăng? Trình độ nhận thức ấu trĩ như thế mà cô Tà Cúc cứ nằng nặc “đòi đăng lại” thì quả là tinh thần đồng đội của cô quả có đáng kính nể thật.

2) Tôi nói : còn mang dấu tích của một thủ đoạn lập lờ đánh lận con đen là vì ông Viên Linh che giấu tư cách Chủ tịch Văn Bút của LM Thanh Lãng trước và sau 1975.

- Trước 1975, LM Thanh Lãng còn ở cương vị Chủ tịch Văn Bút nên ông có bổn phận phải lên tiếng khi Hội viên của mình bị bắt giữ. Lại nữa, trước 1975, VNCH là một chính thể tự do - dân chủ, việc đòi thả người là chuyện có thể xẩy ra và người đòi cũng chẳng ai hề hấn gì. Nhưng sau 1975, TT Văn Bút đã bị giải tán, LM. Thanh Lãng đâu còn tư cách Chủ tịch mà ông Viên Linh đòi LM. phải lên tiếng.

Cho nên, cô Nguyễn Tà Cúc đòi tôi phải trích nguyên câu của Viên Linh:

“ -Anh đã không trích dẫn đầy đủ câu của anh Viên Linh, khiến gây cho người đọc cảm tưởng sai lầm rằng anh ấy VÔ CỚ tấn công Phạm Việt Tuyền và Thanh Lãng. [Không, Tà Cúc không tin anh Viên Linh phải trả lời nếu có bao giờ đọc đến vì anh đã mất quyền được trả lời khi không trích dẫn đầy đủ]. ”

Thì bây giờ, qua thư của cô Tà Cúc,Viên Linh đã được trích dẫn đầy đủ rồi đó.

Vậy xin ông Viên Linh hãy trả lời câu hỏi của tôi đã in trong sách (trang 23) rằng: “Xin ông Viên Linh cho biết GS Phạm Việt Tuyền đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy” tại địa điểm nào, thời điểm nào ở Sài Gòn và xin nêu vài tên tuổi nào của những “nhà văn Ngụy” đã trực tiếp ghi danh tại bàn giấy của GS. Phạm Việt Tuyền.

Như thế để cho cô Nguyễn Tà Cúc khỏi phải kêu ca giùm ông rằng: “Tà Cúc không tin anh Viên Linh phải trả lời nếu có bao giờ đọc đến vì anh đã mất quyền được trả lời khi không trích dẫn đầy đủ.”

***

2) Cô Tà Cúc bảo tôi không nên “kể công” trong đoạn cô viết: “… là một hội được nâng đỡ, trợ cấp tài chính, cung cấp phương tiện và còn lại được chính phủ Miền Nam cho phép tham dự một cơ cấu quốc gia để phát biểu, anh không nên kể lể công ơn cho Phạm Việt Tuyền hay bất cứ ai ở đây. Đó là bổn phận của các anh, của hội viên…”

Vâng, thưa cô Tà Cúc, một khi đã nhận nhiệm vụ thi hành một công việc dù là việc thiện nguyện (tất cả hội viên Văn Bút đều làm việc thiện nguyện, trừ cụ thư ký hành chánh không phải là hội viên) thì ai mà chẳng coi là bổn phận phải làm, cô khỏi cần nhắc nhở. Nhưng cô nói là chúng tôi kể lể công ơn thì sai hoàn toàn. Chúng tôi chỉ liệt kê những công việc đã làm để về sau nếu có ai nghiên cứu về Văn Bút sẽ có tài liệu mà tham khảo. Cũng như bên quân đội, các chiến sĩ VNCH thuật lại những chiến công là để ghi vào lịch sử, chẳng lẽ cô cũng cho là các vị ấy không nên kể lể công ơn hay sao ?

3) Cô Nguyễn Tà Cúc hỏi Tôi (Nhật Tiến) và Phạm Việt Tuyền ở đâu khi Thanh Lãng nhân danh Trung Tâm Văn bút Việt Nam tuyên bố trên tạp chí của Nguyên Sa vào đầu năm 1975, như sau:

Tết năm nay, đối với Trung tâm Văn bút Việt Nam là một cái tết "tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong "một nhà tù lớn, một chốn ly thân, trong thân phận vong thân.

Nếu anh không biết một chuyện "búa tạ" như thế, nếu anh không biết chính anh đang "sống trong một nhà tù lớn, một chốn ly thân, trong thân phận vong thân" theo sự tuyên bố của chính ông Chủ tịch của anh, có lẽ anh đã mất tư cách "chất vấn" thiên hạ.

Và cũng cô Tà Cúc viết:

“Tà Cúc thành thực hy vọng anh cũng cho đăng lại lời tuyên bố của Chủ tịch Thanh Lãng vào năm 1975 kèm phản ứng --hoan nghênh hay bất đồng ý kiến--của anh nếu có, dù quá muộn, để khỏi mang tiếng thiên vị bạn đồng hội của anh đến nỗi có thể bị hiểu lầm là che dấu sự thực.”

Xin trả lời ngay rằng tôi đâu có thiên vị bạn đồng hội để “che giấu sự thực” tức là giấu biến đi lời tuyên bố của LM. Thanh Lãng in trên báo của nhà thơ Nguyên Sa.

Nếu cô Tà Cúc trước khi hạ bút phê phán hãy chịu khó mở trang 184-185 trong cuốn sách của tôi thì sẽ thấy lời tuyên bố như trên của LM Thanh Lãng còn được tôi trích dẫn rành rành ra đó. Xin trích lại như sau:

“ Tôi tin rằng nếu những con người miền Nam khi đó có được ý chí chống Cộng sâu sắc và quyết liệt như bây giờ thì đã chẳng có những cuộc xuống đường biểu tình, xin thả những người như Vũ Hạnh, và do đó cũng chẳng nên lấy cái kinh nghiệm bây giờ để phê phán những con người ở thời điểm trước.

Cũng như vậy, hẳn LM Thanh Lãng đã chẳng phát biểu với phóng viên tạp chí Nhà Văn trong cuộc phỏng vấn nhân dịp đầu năm Ất Mão 1975 như sau:

NHÀ VĂN: Tết năm nay Linh mục Chủ tịch và các văn hữu trong quý Trung Tâm ăn Tết như thế nào?

THANH LÃNG: Tết năm nay, đối với Trung Tâm Văn Bút Việt Nam là một cái Tết tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn, một chốn ly thân trong thân phận vong thân. .

(tạp chí Nhà Văn, số Xuân Ất Mão, trang 115- Tài liệu của Nguyễn Tà Cúc)

“nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn”, đây là một lời “thậm ngôn” được phát biểu trong một tâm trạng bực bội, bất mãn không phản ảnh đúng với thực tế VN trước 1975. Và tuy là một lời nói hồ đồ, đáng trách nhưng cũng chỉ vì ý thức về hiểm họa CS khi đó còn hời hợt chứ không ai trong các Hội viên Văn Bút vì thế mà quy tội cho LM.Thanh Lãng là Cộng Sản cả !

(ngưng trích- Từ Nhóm Bút Việt đến TTVB trang 184-185)

Phản ứng bất đồng ý kiến của tôi là như thế đó. Đâu có quá muộn và đâu có thiên vị bạn đồng hội của tôi để đến nỗi có thể bị hiểu lầm là che giấu sự thực như cô Nguyễn Tà Cúc mạnh miệng kết án khơi khơi như ở trên !

4) Về phần nói về các hội viên Văn Bút Quốc Tế, trong có cả các hội viên là quốc gia Cộng Sản, tôi viết:

“ Vả chăng việc thành lập Hội Văn Bút đâu có phải chỉ vì mục đích chống Cộng. Nhiều hội viên trong tổ chức Văn Bút Quốc Tế lại chính là các nước Cộng Sản như Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nam Tư….thì chống Cộng ở cái chỗ nào ?” (Sách đã dẫn - trang 21)

Cô Nguyễn Tà Cúc phản bác :

Trên thực tế Nga Xô chỉ gia nhập vào giữa thập niên 1980, không cùng khoảng thời gian với Trung Tâm Việt Nam, mà trước đó lại còn đóng xập Trung tâm của quốc gia Latvia khi chiếm đóng nước này vào năm 1940.. vv...”

Đúng ! Nga Sô chỉ mới gia nhập Văn Bút Quốc Tế từ năm 1988, nhưng những năm trước đó đâu có phải Văn Bút Quốc Tế vì chống Cộng mà không cho Nga Sô gia nhập !

Nguyên nhân chỉ là vì cái Hiến Chương của Văn Bút Quốc Tế do đã tôn trọng tự do cầm bút mà nhà nước Nga Sô không cho thành lập Hội Văn Bút trong nước này, cũng giống như nhà nước CSVN bây giờ, sau 1975, ở Việt Nam làm gì có Hội Văn Bút.

Hơn thế nữa, chính nhà văn Arthur Miller, Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế nhiệm kỳ 1966-1969 đã qua cả Nga Sô để vận động Nga vào Văn Bút mà cũng không có kết quả gì.

Trong trang nhà của P.E.N. International (http://www.pen-international.org/our-history/ có đoạn nói về vụ này:

“Arthur Miller also travelled to the USSR to meet with the Union of Soviet Writers, and was told bluntly that Soviet writers wanted to join PEN but for one major obstacle: the Charter”.

(Arthur Miller cũng đã du hành qua Nga Sô để gặp gỡ Hiệp hội các nhà văn Xô-Viết, và ông được nói thẳng thừng cho biết rằng các nhà văn Xô Viết muốn gia nhập Văn Bút nhưng có một trở ngại chính yếu, đó là Hiến Chương của Văn Bút.)

Như vậy, tôi khẳng định: việc thành lập Hội Văn Bút đâu có phải chỉ vì mục

đích chống Cộng.

5) Cô Tà Cúc viết:

Đọc kỹ lại bài Mặc Đỗ, Tà Cúc nhận thấy vẫn còn những ý kiến anh ấy đưa ra chưa có trả lời thỏa đáng từ các anh. Nội cái việc anh ấy than phiền là không có sự góp ý của các nhà văn khác trước khi các anh đi tham dự hội nghị Văn Bút mà cứ "nhân danh nhà văn Việt Nam" [và hình như còn than van là các anh phải "hy sinh" khiến anh ấy khó chịu?], Tà Cúc chưa thấy các anh trả lời. Rồi các anh kể thành tích Trung tâm đã đem truyện ra dịch và gửi ra ngoại quốc dự thi nhưng cũng không nói rõ là các sáng tác đó được chọn trong vòng tất cả nhà văn hay chỉ trong vòng hội viên vv...[mà chắc lại nhân danh nhà văn Việt Nam?] thì cũng chưa đáp được một thắc mắc rất rõ ràng của anh ấy.”

Xin trả lời:

a) Mỗi khi nhận được thư mời tham dự Hội Nghị Quốc Tế Văn Bút, Ban Thường Vụ đều thông báo cho các hội viên, và mở cuộc hội luận tại ngay trụ sở về đề tài của Văn Bút Quốc Tế đưa ra cho năm đó để Hội viên tham dự trao đổi ý kiến (và gọi là những cuộc hội thoại). Một thí dụ:

- Ngày 16-7-1969: GS Phạm Việt Tuyền hội thoại nêu vấn đề “Văn chương ở thời đại nhàn rỗi” là đề tài sẽ hội thảo ở Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế lần 36 ở Pháp.

- Ngày 26-10-1969: Thanh Lãng-Thanh Vân-Bàng Bá Lân-Phạm Việt Tuyền: Văn chương ở thời đại nhàn rỗi (đề tài đã thảo luận ở Văn Bút Quốc Tế lần 36 ngày 21-9-69 tại Menton- Pháp).

(trong sách đã dẫn-trang 50)

Nhà văn Mặc Đỗ không phải là Hội viên Văn Bút nên Ban Thường Vụ dĩ nhiên không hề có bổn phận phải tường trình với ông mỗi khi đi dự bất cứ Hội nghị Quốc Tế nào.

b) Phái đoàn Văn Bút Việt Nam đến dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế thì xưng danh là “Phái đoàn Việt Nam” chứ còn danh từ nào khác? Chẳng lẽ phải xưng lên rằng “Phái đoàn Văn Bút trụ sở ở số 36/59 đường cô Bắc Sài Gòn” thì mới làm nhà văn Mặc Đỗ và cô Tà Cúc vừa lòng hay sao ?

c) Cô Tà Cúc viết: “Rồi các anh kể thành tích Trung tâm đã đem truyện ra dịch và gửi ra ngoại quốc dự thi nhưng cũng không nói rõ là các sáng tác đó được chọn trong vòng tất cả nhà văn hay chỉ trong vòng hội viên vv... ...[mà chắc lại nhân danh nhà văn Việt Nam?]”

Đem truyện ra dịch và gửi ra ngoại quốc dự thi là một trong nhiều sinh hoạt nội bộ của Văn Bút. Vì thế nếu có dịch truyện của Hội viên rồi gửi đi dự thi thì đó là quyền của Hội, có điều gì sai trái đâu mà cô Tà Cúc chê trách? Mà đôi khi Hội cũng không chỉ chọn toàn tác phẩm của Hội viên. Có các nhà văn không phải Hội viên Văn Bút mà vẫn được tuyển chọn, như Chữ viết của người tử tù của Nguyễn Tuân, Ma Đậu của Bùi Hiển, Nhà mẹ Lê của Thạch Lam.

Với những nhà văn ấy chẳng nhân danh nhà văn Việt Nam thì biết gọi là “nhà gì” (??) bây giờ, thưa cô Tà Cúc.

6) Cô Tà Cúc viết: Anh vẫn đôi khi gặp anh Viên Linh mà không thấy anh hỏi anh ấy những chuyện này, cho anh ấy một cơ hội để giải thích hay suy ngẫm...”

Chuyện này giống y hệt như chuyện Nguyễn Hữu Nhật ngày xưa, đả kích tôi ròng rã trong nhiều năm trên trang báo Làng Văn của Nguyễn Hữu Nghĩa. Vậy mà tôi không hay biết vì tôi rất kỵ tìm đọc những trang báo của phường bất chính.

Riêng Viên Linh cũng vậy. Tôi đã không là độc giả dài hạn của tạp chí Khởi Hành trong ròng rã nhiều năm. Chuyện Viên Linh hạ nhục GS Phạm Việt Tuyền, L.M Thanh Lãng và cả Hội Văn Bút trước 1975 tôi hoàn toàn không hay biết. Cho tới tháng 6-2016 nhân lục tìm tài liệu để viết cuốn “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút” tôi mới phát hiện ra chuyện động trời này nhờ những trang nhà trên Internet.

Cô Tà Cúc muốn tôi : “cho anh ấy một cơ hội để giải thích hay suy ngẫm...”

Thưa cô, tôi đâu có quyền cho hay không cho ông Viên Linh giải thích hay suy ngẫm, về bất cứ chuyện gì của ông ấy.

Bài viết của ông ấy đã in thành sách và post trên nhiều trang mạng toàn cầu. Những ai đã đọc đến hẳn sẽ nghĩ trong đầu rằng những lời tố cáo của ông Viên Linh là đúng đắn và vì thế hẳn đã nẩy sinh sự khinh miệt đối với những người mà ông Viên Linh tố cáo. Nay tôi phản bác lại những luận điệu bịa đặt ấy của ông Viên Linh thì việc giải thích hay suy ngẫm là việc của ông ấy chứ. Ông ấy làm lúc nào mà chẳng được, nếu ông ấy muốn. Cô khỏi cần lên tiếng đòi hỏi.

Còn việc của tôi chỉ là nhân danh một Hội viên đã từng gắn bó lâu năm với Văn Bút lại biết rõ sự thực bên trong của Hội, nên trước những gì sai trái tôi phải lên tiếng để bảo vệ uy tín Hội cũng như trả lại danh dự cho những vị đã khuất núi, không còn cơ hội để thanh minh cho chính mình nữa.

7). Nguyễn Tà Cúc viết: Không ai trong chúng ta là không lầm lỗi. Thanh Lãng--một người tự căn bản không ác độc lại rất tài hoa-- đã phải học một bài học đau đớn, trả một cái giá cho sự xẩy bước của mình đến nỗi cuối đời phải viết 40 trang sám hối, xin Chúa và anh em tha tội cho mình. Người như thế đáng thương dù chúng ta vẫn phải nhắc tới cái giá này vì nó liên quan đến lịch sử của chúng ta.

Phải nói rằng tôi rất phẫn nộ khi đọc tới đoạn này. Bởi vì:

- Một là nó chẳng liên hệ gì tới chuyện Văn Bút để “đến nỗi cuối đời LM. Thanh Lãng phải viết 40 trang sám hối, xin Chúa và anh em tha tội cho mình”!

- Hai là sự hiểm độc của đoạn văn muốn dẫn dắt người đọc đi tới ý nghĩ rằng LM. Thanh Lãng đã làm nhiều điều xằng bậy ở Văn Bút để đến nỗi cuối đời ông phải sám hối. Chữ “anh em tha tội cho mình” không ám chỉ bất cứ văn hữu nào trong Hội Văn Bút hết mà chỉ là những người đồng Đạo với LM. Thanh Lãng thôi.

Như thế, chuyện sám hối của LM. Thanh Lãng hoàn toàn nằm trong lãnh vực tôn giáo, không phải văn chương, qua đó vì trung thành với ý nguyện ban đầu của Vatican mà ông chống đối Đức Giám Mục Nguyễn văn Thuận nhưng về sau chính ông lại hối tiếc về chuyện này nên đã cất lời sám hối.

Vụ việc xẩy ra từ năm 1974, khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã vận động với Tòa Thánh La Mã để bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Thuận về làm Tổng Giám Mục Sài Gòn.

Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận là một người chống Cộng quyết liệt, nhưng lập trường của Vatican khi đó lại rất rõ ràng: thông qua Đức Giáo Hoàng Phao-lồ Đệ Lục, Vatican kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, gián tiếp chống lại quan điểm của người Mỹ và chính quyền VNCH.

Nhưng tới đầu tháng Tư 1975 thì tình thế có thay đổi.

Trong bài viết “Vụ giáo sĩ làm mật vụ”, ở đoạn “Nhìn về Việt Nam”, nhà báo Lữ Giang đã viết:

(trích theo nguồn www.honnho.org/20080827/1157)

“Chúng tôi nhớ lại, vào tháng 4 năm 1975, khi đoán biết miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản, ngày 23.4.1975 Tòa Thánh đã cử ĐGM Nguyễn Văn Thuận làm TGM Phó Tổng Giáo Phận Saigon với hy vọng sự khôn ngoan của ngài có thể đưa Giáo Hội Việt Nam vượt qua những cơn khó khăn sắp đến.

Nghe tin này, ngày 8.5.1975, một nhóm Linh mục đã gởi đến Đức TGM Nguyễn Văn Bình một kiến nghị yêu cầu hoãn bổ nhiệm ĐGM Nguyễn Văn Thuận làm TGM Phụ Tá. Kiến nghị này do các Linh mục sau đây ký tên: Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm, Hoàng Kim, Huỳnh Công Minh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Đinh Bình Định, Nguyễn Thiện Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Nghị.

Mặc dầu có sự phản đối nói trên, ngày 12.5.1975 Tòa Giám Mục Saigon vẫn thông báo cho các giáo xứ trong Giáo Phận biết ĐGM Nguyễn Văn Thuận đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM Phó Giáo Phận Saigon. Ngay lập tức, các Linh mục Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm và Hoàng Kim đã đến Chủng Viện Thánh Giuse ở đường Cường Để Sài Gòn, chất vấn Đức TGM Nguyễn Văn Bình và yêu cầu Đức Phó TGM Nguyễn Văn Thuận từ chức.

Ngày 15.8.1975, Công an đến bắt Đức TGM Nguyễn Văn Thuận đưa ra giam ở xứ Cây Vông thuộc xã Diên Sơn, Huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

(ngưng trích)

Số phận của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận từ đó trở nên bi đát. Ngày 1-12-1976, ngài cùng nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam được C.S đưa xuống tầu Trường Xuân để chuyển ra Bắc. Tại miền Bắc, ngài đã bị biệt giam trong 9 năm ở nhiều trại tù khác nhau, và bị quản chế 3 năm. Mãi tới năm 1988, ngài mới được trả tự do và chỉ định nơi cư trú là Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Chính sự tù đầy cực kỳ gian khổ này của Ngài mà L.M Thanh Lãng đã tỏ ra ăn năn và viết lời sám hối.

Nguyên văn lời sám hối của LM. Thanh Lãng là như sau:

Tôi xin công khai sám hối với Chúa và Hội thánh Toàn cầu và Việt Nam.

Lạy Chúa xin tha thứ cho con mọi lầm lẫn và ban cho con lòng tin, lòng trông cậy và ơn tha thứ.

Tôi xin công khai sám hối xin lỗi Đức cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa giữ gìn và trả công cho Đức cha.

Tôi xin công khai sám hối xin lỗi tất cả và tình anh em linh mục mà tôi vô tình hay cố ý, làm mất lòng.

Tôi xin công khai và xin lỗi toàn thể dân Chúa mà tôi hối tiếc là chưa được phục vụ trong Mục vụ.

Tôi xin mọi người tha tội cho tôi để Hội Thánh và Chúa tha tội cho tôi”.

Ngày 28-11-1988,

Đinh Xuân Nguyên, Thanh Lãng

(DCVOnline.net). http://motgoctroi.com/StLichsu/LSCandai/BachDienTS/BatSVVietCong.htm

Non một tháng sau khi viết lời sám hối này, LM. Thanh Lãng qua đời vào ngày 17.12.1988.

Một thái độ rất trí thức đầy can đảm và chân thành như thế đã không khiến cho cô Tà Cúc ngưỡng mộ hay mủi lòng mà cô lại còn dùng nó như một võ khí hiểm độc đánh vào danh dự của người đã khuất.

Mà việc Sám hối đâu chỉ có riêng một mình LM. Thanh Lãng đã thể hiện.

Trên bia mộ Đức Giám Mục Jean De Cassaigne (1895-1973) - một vị Giám Mục vĩ nhân của những người Cùi ở vùng Tây Nguyên VN - có khắc hai dòng chữ sau đây:

"Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi."

"Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi đã nêu gương xấu, hãy tha lỗi cho tôi"

Đấy cũng là những lời sám hối của một tâm hồn cao cả trước khi nhắm mắt lìa đời.

Là một kẻ hậu sinh quá non trẻ so với các bậc tiền bối, cô Nguyễn Tà Cúc hãy biết ngước nhìn lên để thấy có nhiều điều cao thượng hơn cô tưởng và do đó cô không thể cứ nhẫn tâm chắp nối sự kiện này vào sự kiện kia để dễ dàng hủy hoại danh dự của người đã khuất.

Nhật Tiến

8/2016