Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Phỏng vấn Nina McPherson – Kỳ 1

Trần Vũ thực hiện

clip_image002

dịch giả của Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyễn Thị Ấm, Trần Vũ, Đỗ Phước Tiến, Trần Trung Chính, Võ Đình, Ngọc Khôi Nina McPherson được biết đến qua nhiều văn phẩm dịch thuật: Beyond Illusions [Bên Kia Bo Vọng], Paradise of the Blind [Những Thiên Đường Mù], Novel Without A Name [Tiểu Thuyết Vô Đ], No Man's Land [Chốn Vắng], Memories of a Pure Spring [Lưu Ly], The Dragon Hunt [Giấc Mơ Thổ], Savage Winds [Gió Dại], v.v..

Sinh 1961, tốt nghiệp đại học Yale môn sử Trung Hoa, tốt nghiệp cử nhân văn chương Việt Nam tại đại học Diderot-Paris, cử nhân tiếng Quan Thoại và giảng dạy Anh ngữ tại đại học Vũ-Hán, cố vấn Á châu cho ngân hàng Indo-Suez, Nina Mc Pherson từng bị trục xuất khỏi Trung Hoa trong thời gian làm phóng viên cho Pháp Tấn Xã khi bao sân biến động Thiên An Môn tại Bắc Kinh và cũng từng bị trục xuất khỏi Việt Nam lần về sau cùng. Hiện dạy Anh văn trong chương trình Princeton Prison Teaching Initiative.

--oOo--

Đã thật lâu văn học Việt Nam hoàn toàn không được biết đến trên lục địa Bắc-Mỹ. Ngoại trừ một vài dẫn nhập, đôi ba luận án, không mấy khi độc giả Hoa Kỳ cầm được một cuốn tiểu thuyết Việt Nam viết bằng tiếng Anh. Tình trạng đó đang dần thay đổi, do công sức nỗ lực của nhiều dịch giả mà Nina McPherson là một trong những người hăng say đầy nhiệt tình. Thành công đầu tiên của McPherson khởi đi từ bản dịch tác phẩm của Dương Thu Hương. Chính qua bản dịch Những Thiên Đường Mù mà quần chúng Hoa Kỳ bắt đầu khám phá gương mặt thật ẩn kín phía sau cuộc chiến Việt Nam: Gương mặt của con người.

Không chỉ thuần túy là một dịch giả, Nina McPherson thuộc thế hệ người Mỹ sau chiến tranh. Một thế hệ không biết đến bom đạn, hầm chông, kẽm gai, bẫy mìn hay thù hận trên đất nước Việt Nam. Một thế hệ mới. Nhưng họ là ai? Sẽ thật khó tìm câu trả lời. Nhưng nếu chúng ta dám khẳng định: Tất cả tuổi trẻ hôm nay dù ở nơi nào trên trái đất, ít vướng bận lý tưởng, chủ nghĩa, chỉ làm những gì họ thích; thì tuổi trẻ Hoa Kỳ có lẽ đầy đủ điều kiện hơn hết để sống những giấc mơ của mình. Nina McPherson cũng đã thực hiện ước mơ của cô. Cách đây vài năm cô sang sinh sống tại Trung Hoa, trong suốt 5 năm liền học tiếng Quan Thoại, rồi trở thành ký giả đã tận mắt chứng kiến thảm kịch Thiên An Môn. Từ giã Hoa Lục, Nina McPherson sang làm việc ở Pháp, cùng lúc lao mình vào công tác phiên dịch những truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam cho nhà xuất bản William Morrow. Mùa thu 93 cô đặt chân xuống Hà Nội tìm gặp nhà văn ưa thích: Dương Thu Hương. Đây là dịp để chúng ta gặp gỡ và khám phá những tác năng đã thôi thúc một dịch giả Hoa Kỳ tìm đến văn chương Việt Nam. Những tác năng của đam mê, cũng lẫn khát khao tìm kiếm một thế giới con người.

[Trần Vũ, tháng 3-1994]

--oOo--

Trần Vũ: Chào Nina. Cám ơn Nina đã dành nhiều thì giờ cho buổi nói chuyện hôm nay. Từ 2 năm trở lại đây, từ 1992 độc giả VN và đặc biệt giới đọc sách Hoa Kỳ đã có thể cầm trên tay một vài quyển tiểu thuyết nổi tiếng của Việt Nam trong ấn bản Anh ngữ. Là một trong những dịch giả chính, Nina có thể kể rõ về nghề nghiệp phiên dịch của mình?

Nina McPherson: Tôi cám ơn Vũ đã tạo cơ hội cho tôi trình bày về một đam mê của mình. Tôi thích đối mặt với những câu hỏi. Tính hiếu kỳ của Vũ giúp tôi tìm hiểu mình thêm một chút. Nhưng trước hết, Vũ cho phép tôi chữa những gợi tưởng không chính xác trong câu hỏi của Vũ. Đầu tiên, không nên cường điệu hóa tầm hiểu biết của độc giả Hoa Kỳ về văn học Việt Nam, cũng như những quan tâm thương mãi mà ngành xuất bản Mỹ dành cho nền văn học này. Hiện nay theo tôi biết, không có – như Vũ nói – một vài cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Việt Nam trong ấn bản tiếng Anh: Chỉ có một quyển tiểu thuyết Việt Nam duy nhất chuyển sang tiếng Anh phát hành tại Hoa Kỳ. Đó là cuốn Paradise of the Blind [Những Thiên Đường Mù]. Cuốn tiểu thuyết thứ nhì được phiên dịch là The sorrow of war [Nỗi buồn Chiến Tranh] của Bảo Ninh, vừa xuất bản ở nước Anh, cả hai do tôi cùng dịch với Phan Duy Đường. Nếu tính thêm bản dịch tuyệt vời “Kiều” của Huỳnh Sanh Thông, chúng ta cũng chỉ mới đếm được 3 tác phẩm thôi. Tình trạng ở Pháp rất khác, có nhiều dịch phẩm hiện được bày bán. Tôi cũng không dám tự nhận danh hiệu “một trong những dịch giả chính” mà Vũ dành cho. Trước hết, trên thế giới, số dịch giả, Âu Mỹ hoặc Việt Nam, đủ khả năng dịch văn chương Việt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tôi vừa kể tên hai người trong thiểu số đó: ông Huỳnh Sanh Thông, phần văn học cổ điển, và anh Phan Huy Đường, phần văn chương hiện đại. Gần đây, có vài tài năng mới tham dự: Greg Lockhart, ở Úc châu, đã dịch Nguyễn Huy Thiệp, và Peter Zinoman đã dịch Phạm Thị Hoài, cả hai đều nói trôi chảy tiếng Việt. Riêng tôi thì chưa. Tôi nghĩ mình là người dịch chung với một người bạn là anh Phan Huy Đường. Còn về sự nghiệp phiên dịch? Thông thường tôi không thích bàn về sự nghiệp. Sự nghiệp là một danh từ tuy rất Mỹ (career), nhưng đối với tôi không có ý nghĩa mấy. Đó là chữ dùng cho quý vị tổng giám đốc – trong những nghề nghiệp có thăng thưởng, ngạch trật, rõ rệt và đo lãi được, không thể dùng cho thân phận làm người. Tôi đã hành nghề ký giả lúc xưa, nhưng đối với đam mê dịch thuật, chữ “nghề” hoàn toàn phản. Chuyển ngữ một văn bản là cả một câu chuyện riêng tư, huyền bí. Chính ước muốn, khát khao mãnh liệt đưa tác phẩm vào một ngôn ngữ khác, mới thật sự quan trọng. Cảm thấy cần thiết, bắt buộc, hoặc không cảm thấy gì hết. Thiếu ham muốn, phiên dịch chỉ là một khâu kỹ thuật, không còn là văn chương nữa. Ước muốn tiểu thuyết Việt Nam trong tôi nảy sinh từ tình bạn, lòng trắc ẩn, sự trùng hợp ý thức và đạo đức, tình tri ân gần như xương thịt mà tôi cảm nhận – hoặc không cảm nhận – ở tiếng nói của Một Con Người Khác. Tất cả đã đến bất ngờ như thanh âm của một dàn nhạc giao hưởng trình tấu bất chợt, khai nở, soi mở, nhiều tiếng nói bất chợt của văn học Việt Nam xuyên đến tận tôi, bằng một tiếng nói duy nhất: bản dịch Pháp văn của Phan Huy Đường. Nhớ lúc đó, tôi khám phá Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài vào một ngày mưa xám tháng 3 năm 90, trong một hiệu sách. Dạo ấy tôi vừa đến Pháp. Á châu còn ám ảnh tôi như một nỗi đau câm. Đối với tôi, Thiên Sứ là một sự khám phá kỳ lạ. Tiếng nói của một thiếu nữ Việt Nam, cùng bằng tuổi với mình, kể thế nào là Sống ở vị thế một Người Đàn Bà, một Nhà Văn, một Con Người trong thế giới Cộng Sản. Tôi vừa rời bỏ Á châu sau khi đã sống 6 năm liền ở đó, với ba năm ở Hoa Lục giống “ếch ngồi đáy giếng”. Rồi tôi đọc bản dịch tiếng Pháp Thiên Sứ. Đùa cợt, trong suốt, mà quặn ruột. Thật sự thì đã có hai tiếng nói, tác phẩm - và bản dịch – cả hai đều đã đánh thức điều gì đó ẩn kín trong lòng tôi. Đời sống, đằng kia. Hoặc hố thẳm giữa những phần đất cách biệt, hoang lạ mà tôi mang trong mình. Tóm lại Thiên Sứ ào đến tôi như một cuộc giải thoát, một thứ lễ giác ngộ Gia-Tô, một xúc động trí tuệ. Tôi cần dịch Thiên Sứ như cần ăn. Tôi đã kiếm tên anh Phan Huy Đường trong máy Tiểu-viễn (minitel); gặp, và trở thành người dịch chung với anh ấy. Suốt một năm trời tôi đã dịch Thiên Sứ sang tiếng Anh, từ bản dịch tiếng Pháp của anh Đường. Nhưng đáng buồn là cả tôi và anh ấy đều không kiếm được nhà xuất bản, và không thích hợp được với Phạm Thị Hoài. Chính vào thời điểm đó, một tiếng nói khác vọng đến tôi từ Việt Nam: Tiếng nói của Dương Thu Hương. Anh Phan Huy Đường vừa hoàn tất bản dịch Những Thiên Đường Mù. Với tôi, tức khắc là một tiếng sét, nhưng lần này phát dậy từ bản năng sâu thẳm cùng đam mê vô vàn hơn. Vô điều kiện. Là một tình yêu thoát thai từ ngưỡng mộ không ngừng bồi đắp. Với bản dịch thứ nhì này, tôi tìm được một nhà xuất bản ở Hoa Kỳ, nhờ một người bạn thời sinh viên cùng trường đại học Yale, cũng yêu thích văn chương Á châu như tôi: Will Schwalbe làm việc cho nhà William Morrow. Chính Will, cũng ở tuổi 32, đã lấy quyết định mạo hiểm cho in Dương Thu Hương, lúc đó chưa ai biết đến ngoài cộng đồng Việt Nam.

Trần Vũ: Trong một thời gian dài, tiểu thuyết VN hoàn toàn vắng bóng trên thị trường Hoa Kỳ, chắc Nina đã gặp rất nhiều khó khăn khi tìm cách thuyết phục các nhà xuất bản Mỹ tung ra thị trường “một sản phẩm mới”? Hôm nay mọi người đều biết Những Thiên Đường Mù trong ấn bản Anh ngữ được xem là một thành công thương mãi, tuy rất tương đối vì tính chất “thiểu số” cũng như văn chương Việt Nam chưa quen thuộc với độc giả Hoa Kỳ. Nhưng thành công dù tương đối, vẫn là một cá cuộc mà Nina đã thắng. Nina giải thích sao về cá cuộc kỳ lạ này?

Nina McPherson: Tôi đội lại chiếc mũ ký giả cũ để chỉnh Vũ một chút: Tiểu thuyết VN với một ấn bản duy nhất Những Thiên Đường Mù vẫn hoàn toàn vắng bóng trên “thị trường Hoa Kỳ”. Cũng không đáng ngạc nhiên: nhiều tiểu thuyết VN cũng vắng bóng trên “thị trường Việt Nam”! Hãy thử kiếm mua Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài hay Nguyễn Huy Thiệp ở Hà Nội hay Sàigòn. Đố tìm được, nếu không có một vài người bán sách can đảm trao vội vàng, lén lút những ấn bản cũ sang nhượng lại. Cũng không thể xem là Dương Thu Hương thành công thương mãi tại Hoa Kỳ. Đây là một cá cuộc mà mình khó lòng kiểm tra kết quả. Với nhà Morrow, nhà xuất bản lớn hàng thứ 5 trên đất Mỹ, lần đầu tiên họ thử nghiệm thể loại tiểu thuyết VN với lượng in giới hạn, khoảng mười ngàn cuốn, bán rất chạy, không ở những siêu thị sách nhưng tại các hiệu sách nhỏ. Chính những hiệu sách nhỏ này mới giữ vai trò quan trọng trong ý kiến của dư luận. Có rất nhiều bài phê bình khen ngợi trên phần lớn những tạp chí và diễn đàn văn chương Mỹ. Đặc biệt trên trang nhất của Los Angeles Times, Book Review, New York Times, New Yorker, Time, Wall Street Journal, v.v.. Gần đây hơn, Viking Penguin, nhà xuất bản sách bỏ túi lớn nhất trong các nước xử dụng tiếng Anh, đã mua lại quyền tái bản. Đại học Harvard, ví dụ, cũng đã hướng dẫn sinh viên học các trích đoạn của Tiểu Thuyết Vô Đề trong chương trình giảng dạy về chiến tranh VN. Đó là những gì kiểm tra được. Nhưng thật sự, thành công, với tôi, ít lớn lao hơn, nhưng trừu tượng hơn. Ngay việc in ấn, đã là một điểm son trong tình bạn. Tôi nghĩ, chuyện 4 người bạn, anh Phan Huy Đường, Will Schwalbe, Dương Thu Hương, và tôi – thuyệt phục được một cơ sở xuất bản lớn, khá thương mãi, chịu mạo hiểm in tiểu thuyết cho một người đàn bà Việt Nam ly khai, còn trong bóng tối, đã là một thành tựu. Dương Thu Hương đã cất được tiếng nói của mình trong thế giới tiếng Anh. Phải công nhận đã nhờ rất nhiều vào nỗ lực, khả năng thẩm định văn chương, tinh thần trách nhiệm của Will Schwalbe, quyết tâm in Dương Thu Hương giữa một rừng tác giả khác, và chọn Những Thiên Đường Mù, chính vì tác phẩm này không đề cập đến chiến tranh. Vũ cũng biết là đối với nhiều người Mỹ, “Việt Nam không được nhìn như một đất nước, nhưng đồng nghĩa chiến tranh”. Nếu Vũ muốn hiểu, có thể xem như nhiệm vụ của cả 4 người – chị Hương, anh Đường, và đặc biệt với tôi và Will, những người tương đối lý tưởng – muốn phá vỡ bức tường chối từ, lòng mù quáng, những ẩn ức mà chúng tôi xem như “Chứng bệnh Việt Nam”. Bản dịch Những Thiên Đường Mù mang đến cho độc giả Hoa Kỳ một hình ảnh khác về Việt Nam, xuyên qua đôi mắt và tiếng nói của một người đàn bà, một tiểu thuyết gia, đầy xót xa lẫn dấn thân trọn vẹn. Đối với chúng tôi, Dương Thu Hương thể hiện linh hồn Việt Nam, từ làng quê, hương lúa, các món ăn, đến những người đàn bà nông thôn còn nhuộm răng đen, đến các phố phường Hà Nội. Dương Thu Hương mở ra cho người Mỹ cánh cửa phơi bày một xứ sở, một thế giới ít bị hủy diệt bởi chiến tranh (mà trong một thời gian dài nước Mỹ đã liên đới, coi như cuộc chiến của mình) hơn là bị hủy hoại bởi một hệ thống mang tên Cộng Sản, và bị sức nặng của một nền văn hóa còn cực kỳ Phong kiến là Khổng giáo đè nén. Một khía cạnh “thành công” khác của Những Thiên Đường Mù, mà đối với tôi khá bất ngờ, dù hiển nhiên: Lòng tri ân của thế hệ Việt kiều trẻ, không thông thạo tiếng Việt, nhưng vẫn cảm thấy mình là người Việt Nam. Họ đọc bản dịch, như tìm lại văn hóa Việt, và cùng lúc khám phá văn chương Việt. Những bức thư của họ, làm tôi vô cùng xúc động. Cuối cùng về mặt “thị trường”, như Vũ thích bàn đến, thì đối với tôi, đối với nhà xuất bản, còn có một góc độ khác, lôi cuốn trong tác phẩm của Dương Thu Hương. Đây là tiếng nói của một người đàn bà, kể về thân phận đàn bà ở Á châu. Tại Hoa Kỳ, “các dân tộc thiểu số châu Á” đang trở thành khối lượng độc giả có tri thức và mỗi ngày một tăng. Nhu cầu đọc sách đề cập kinh nghiệm phụ nữ, những đấu tranh cho nữ giới ngày càng tăng. Tất nhiên, nhãn hiệu “thiểu số” hoàn toàn phi lý. Nhưng đối với Tây phương, thân phận của người đàn bà Việt Nam – chưa nói đến sự ly khai chính trị của Dương Thu Hương – càng thiểu số gấp bộ. Những Thiên Đường Mù trước nhất là cuộc đời của ba người đàn bà, ba số phận phụ nữ biểu trưng cho điều kiện nữ giới tại Việt Nam. Đây là tiếng nói phê phán của người đàn bà Việt Nam đối với cơ chế Cộng Sản, đối với nền văn hóa Khổng-Mạnh. Và sau hết, Những Thiên Đường Mù là một cuốn tiểu thuyết hay, buồn và nhiều xúc cảm mà chỉ một người như Dương Thu Hương mới kể được.

(Còn tiếp)

Trần Vũ thực hiện bằng Pháp văn và phiên dịch, tháng 3-1994

Bản in lần đầu trên tập san Hợp Lưu số 17 phát hành tháng 6-1994