Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Tiếng vọng từ Chernobyl (kỳ 20)

Svetlana Alexievich

T. Vấn dịch

Thay lời Kết

_____________________________

Tôi đã từng có dịp được chia sẻ nỗi thống khổ của rất nhiều người. Nhưng ở đây, tôi chỉ là một chứng nhân, như bất cứ chứng nhân nào khác. Đời tôi gắn liền với biến cố Chernobyl, như một phần của nó. Tôi sống ở đây cùng với tất cả những gì xẩy ra chung quanh biến cố đó.

Trên mảnh đất này, hiện có 350 quả bom nguyên tử. Chúng ta đã sống qua một cuộc chiến tranh nguyên tử – mặc dù khi cuộc chiến ấy bắt đầu, không một ai chú ý đến.

Hiện giờ, dân chúng đang đổ xô về đây để tránh những cuộc chiến tranh đang xẩy ra ở những nơi khác. Hàng ngàn dân tị nạn gốc Nga đến từ Armenia, Georgia, Abkhazia, Tajikistan, Chechnya – từ bất cứ nơi nào đang có tiếng súng nổ - Họ đến với mảnh đất bị bỏ hoang, những ngôi nhà không người ở mà những đơn vị đặc biệt đã không phá hủy đi rồi vùi sâu chúng dưới lòng đất. Với 25 triệu người thiểu số gốc Nga sống bên ngoài nước Nga – con số đủ để tạo nên cả một quốc gia – không nơi nào có thể dung chứa được họ ngoài mảnh đất Chernobyl này.

Đối với họ, những mối đe dọa như đất, nước, không khí ở mảnh đất này có thể giết họ chẳng khác gì một câu chuyện truyền thuyết chỉ để nghe. Họ vốn đã có chuyện phải ưu tư của riêng mình, chuyện rất cổ xưa, nhưng họ tin là có thật – câu chuyện người ta giết chóc lẫn nhau bằng súng đạn.

Trước đây, tôi nghĩ mình có thể hiểu rõ và biểu tỏ mọi chuyện. Chí ít cũng là hầu hết mọi chuyện. Tôi nhớ lúc đang viết quyển sách về cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Zinky Boys, tôi đã đến Afghanistan. Ở đó, người ta cho tôi xem những thứ vũ khí chế tạo ở nước ngoài mà họ đã tịch thu được từ quân đội Afghanistan. Tôi kinh ngạc trước sự hoàn hảo về hình dạng của chúng, sự hoàn hảo tuyệt đối của tư tưởng con người được biểu lộ qua những gì tôi thấy trước mắt. Một vị sĩ quan đứng bên cạnh tôi nói: “Nếu có ai đó dẫm lên bãi mìn chế tạo ở Ý mà bà đã khen trông đẹp như một cây Giáng Sinh được trang hoàng lộng lẫy, thì sau tiếng nổ sẽ chỉ còn lại một bãi thịt bầy nhầy, mà để hốt nó người ta phải dùng muỗng múc trên mặt đất.”

Khi viết lại những dòng này,lần đầu tiên tôi tự hỏi mình: “Có nên nói ra những điều như thế này không?”. Tôi được nuôi dưỡng từ nền văn chương Nga, vốn tin rằng người ta có thể đi rất xa trong khi diễn tả sự việc, thế nên tôi viết lại ở đây hình ảnh bãi thịt bầy nhầy ấy. Còn Khu Cấm – đó là một thế giới riêng biệt, một thế giới nằm trong phần còn lại của thế giới – thì quyền lực của nó lớn hơn bất cứ thứ gì văn chương có thể bàn luận tới.

Trong suốt 3 năm trời tôi đi đây đi đó đặt câu hỏi cho mọi tầng lớp dân chúng tôi đã gặp: các công nhân làm việc ở nhà máy hạt nhân, các khoa học gia, các cựu viên chức cán bộ đảng viên Cộng Sản, các bác sĩ, các quân nhân, các phi công lái máy bay trực thăng, dân tị nạn, dân tái định cư. Tất cả họ đều có những số phận khác nhau, nghề nghiệp khác nhau và tính khí khác nhau. Nhưng với tất cả họ, Chernobyl là nội dung chính trong thế giới mà họ vừa sống qua. Họ là những con người rất bình thường nhưng lại có thể trả lời những câu hỏi quan trọng nhất trong đời họ.

Tôi vẫn thường có ý nghĩ rằng, một dữ kiện đơn giản, một dữ kiện thuần túy, nhiều khi chưa chắc đã gần với sự thật hơn một cảm giác mơ hồ, hay những tin đồn, kể cả sự tưởng tượng. Tại sao cứ lập lại dữ kiện – nó chỉ che đậy cảm giác của chúng ta. Chính khi những cảm giác phát triển, thay đổi, vượt qua giới hạn của những dữ kiện, là lúc chúng có khả năng quyến rũ, ít nhất là đối với tôi. Và tôi cố gắng đi tìm chúng, thu thập chúng, bảo vệ chúng.

Những con người ở đây đã nhìn thấy điều mà nhiều người khác chưa từng bao giờ thấy, biết. Tôi có cảm tưởng mình đang làm công việc ghi chép tương lai.

Svetlana Alexievich

Bạt

(Bản chuyển ngữ tiếng Việt)

_______________________________________

Từ thảm họa môi trường Chernobyl 1986 đến thảm họa môi trường Vũng Áng 2016

Tôi hoàn tất phần chuyển ngữ tiếng Việt tác phẩm “Tiếng Vọng từ Chernobyl” viết về vụ nổ ở nhà máy phản ứng hạt nhân Chernobyl (nước cộng hòa xô-viết Ukraine) của nhà văn đoạt giải thưởng văn chương Nobel 2015 Svetlana Alexievich vào những ngày đầu tháng 5 năm 2016. Cũng vừa đúng lúc thế giới tưởng niệm 30 năm thảm họa môi trường khủng khiếp nhất châu Âu mà hậu quả của nó cho đến nay mới chỉ khắc phục được một phần rất nhỏ. Những ngày tháng 5 ngột ngạt này, chẳng may cho dân tộc tôi, lại cũng là thời điểm khởi đầu cho một thảm họa môi trường khác, mà về tầm mức và quy mô thiệt hại, cho đến nay chưa thể lường hết được.

Cũng giống như vụ nổ ở Chernobyl, những ngày đầu tiên, người ta chỉ thông báo có vài người lính cứu hỏa thiệt mạng trong lúc chữa cháy. Và sau đó, đám cháy đã bị dập tắt. Chính quyền Xô–Viết kêu gọi người dân hãy trở lại cuộc sống bình thường trong lúc chờ giới chuyên môn đánh giá những thiệt hại.

Còn ở Vũng Áng, Việt Nam: “Khủng hoảng khởi đầu tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ngày 6.4, ngư dân xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh phát hiện cá nuôi lồng bè trên biển chết hàng loạt. Cùng ngày, hàng loạt cá tự nhiên chết dạt vào bờ, và  nhanh chóng bùng phát như dịch bệnh. Cả nước chấn động tin tức, hình ảnh video dồn dập, cá chết hàng loạt khủng khiếp dọc mấy trăm cây số duyên hải từ Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên-Huế, đến ngày 29.4 tới Đà Nẵng. Tỉnh Quảng Bình nặng nhất, tới ngày 29.4, thu gom được trên 100 tấn cá chết... (Thảm hoạ môi trường Vũng Áng - Một tháng khủng hoảng - TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức). Trước tình hình nói trên, chính quyền Cộng Sản Việt Nam kêu gọi người dân bình tĩnh chờ đợi các biện pháp thích hợp của nhà nước sau.

Ở Chernobyl, trạm hạt nhân phát nổ. Không ai không biết tầm mức tác hại khủng khiếp của hạt phóng xạ đến con người, sinh vật, môi trường, không phải chỉ hiện tại mà còn kéo dài cả trăm năm sau. Vậy mà các nhà nước Cộng Sản Xô Viết (Liên Bang Xô Viết, Ukraine, Belarus) vẫn trấn an dân rằng không có gì phải lo lắng.

Ở Việt Nam, cá chết hàng loạt, trắng biển trắng đồng, kéo dài cả hàng mấy trăm cây số bờ biển đất nước, tất phải có nguyên nhân, mà người ít hiểu biết nhất cũng có thể biết đó là do môi trường sống (của cá, và của người) bị nhiễm độc. Vậy mà nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn khuyên dân chúng nên bình tĩnh, không có gì phải hốt hoảng, hãy cứ sinh hoạt bình thường. Có nơi, các chính ủy, viên chức đảng còn bày trò rủ nhau tắm biển, nướng cá bắt tại chỗ ăn.

Điều khiến tôi ngạc nhiên, và kinh hoàng, là sự giống nhau đến kỳ lạ của những “người” Cộng Sản, sống cách nhau khoảng thời gian là 30 năm và khoảng cách không gian là hàng nghìn, hàng nghìn dặm đường về cung cách đối phó với những biến cố có liên quan đến sự sống chết của người dân: Bưng bít, dối trá, độc ác, vô trách nhiệm. Và như lời một viên chính ủy của nước cộng hòa Xô-Viết Belarus khi nhớ lại sự việc Chernobyl: Chính quyền chỉ quan tâm đến quyền hành của mình chứ không quan tâm đến phúc lợi người dân. Với họ, nhân dân chỉ là con số không to tướng.

Tại sao thế? Có phải là do học thuyết Marxism-Leninism đã biến con người, những con người của một văn hóa nhân bản Slavic ở các nước cộng hòa Xô-Viết kia, và những con người Việt Nam, mang trên vai nền văn hóa đầy ắp tình người của bốn ngàn năm lịch sử, thành những con thú hai chân, bất chấp sự sống chết của đồng loại miễn sao giữ được quyền hành để duy trì nhà cao, cửa rộng, và tiền bạc tham nhũng để lo cho con cháu đi du học ở Mỹ, Pháp, Anh...

Những chương sách cuối cùng của “Tiếng Vọng từ Chernobyl” ghi lại tiếng lòng vừa ấm ức, vừa mang đầy mặc cảm phạm tội của viên bí thư thứ nhất đảng ủy khu vực Stavgorod. Giữa một thành phố phủ đầy những đám mây bụi phóng xạ, thay vì phải di tản dân ra khỏi thành phố, ông ta được được lệnh cấp trên bằng mọi giá đánh lừa dân, giữ dân không để xẩy ra hoảng loạn. Chính gia đình ông ta với đứa cháu ngoại vừa sinh ra được vài ngày, cũng phải ở lại, cũng phải chường mặt ra trên lễ đài ngày diễu hành kỷ niệm mừng chiến thắng (May Day), phía dưới là toàn bộ nhân dân thành phố vừa đi vừa vẫy cờ tung hô. Kết quả là đứa cháu ngoại của ông ta chết tức tưởi đau đớn vì nhiễm phóng xạ.

Tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh các quan chức ở Hà Tĩnh, Đà Nẵng rủ nhau xuống tắm biển và ăn cá nướng được chường ra trên khắp các phương tiện truyền thông của nhà nước, kèm theo lời khen ngợi của vị quan chức đứng đầu nhà nước: Phải chi lãnh đạo nào cũng được như vậy thì phúc cho dân biết mấy (ghi đại ý). Thật tội nghiệp! Họ được lệnh cấp trên phải làm như vậy để đánh lừa dân chúng, không cho hoảng lọan xẩy ra. Hậu quả ngày sau ra sao, không ai biết, nhưng không loại trừ khả năng sẽ giống như viên bí thư thứ nhất đảng ủy vùng Stavgorod trong phần ghi chép của nhà văn Svetlana Alexievich. Đánh lừa dân, để mặc dân bị nhiễm độc cho đến chết, mà bảo là phúc cho dân thì cái luân lý Cộng Sản này không còn gì để nói nữa. Y hệt như luận điệu của viên Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Belarus Nikolai Slyunkov, cương quyết gạt bỏ ngoài tai những lời góp ý chuyên môn và chân thành của Tiến Sĩ Vasily Borisovich Nesterenko, nguyên Giám Đốc Viện Năng Lượng Hạt Nhân thuộc Hàn Lâm Viện Khoa Học Belarus. Vì lương tâm một nhà khoa học, biết rõ rằng chính quyền đang đẩy cả một dân tộc vào hố diệt vong trước cung cách đối phó ngu dốt, thiển cận, sợ mất lòng cấp trên ở Moscow, sợ mất đặc quyền, đặc lợi của các giới chức lãnh đạo Belarus, Tiến sĩ Nesterenko đã hết sức tìm cách đề xuất kế hoạch khả thi, đồng thời kêu gọi lương tâm con người của nhóm lãnh đạo này. Nhưng vô ích, ông còn bị viên TBT đảng, và cũng là bạn của mình, cho thuộc cấp hăm dọa, ra lệnh tước đảng tịch (cho rằng tiến sĩ Nesterenko đã đánh mất phẩm chất đảng viên Cộng sản), rồi sau đó đưa ra tòa kết tội gây rối, gieo rắc sự hoang mang sợ hãi trong dân chúng

Thế nên, không lạ gì việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang ra sức đàn áp những cuộc biểu tình đòi làm sạch môi trường và trừng phạt những kẻ gây ra thảm họa cá chết hiện nay. Cũng như nhà cầm quyền Cộng Sản Belarus 30 năm trước, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay sẽ không từ bất cứ thủ đoạn độc ác nào, để duy trì quyền lực của mình. Tổng Bí Thư Nikolai Slyunkov của đảng Cộng Sản Belarus đã bị nhân dân nước mình nguyền rủa, chắc chắn, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của đảng Cộng Sản Việt Nam không thể có được một số phận khá hơn, nếu không muốn nói là sẽ tệ hơn, vì tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng ông tiến sĩ lý luận đảng này dường như ma mãnh hơn, tham quyền cố vị hơn, và nhất là “lú” hơn.

Cũng nhân sự việc những người biểu tình ôn hòa ở trong nước bị bọn côn đồ tay sai chính quyền đánh đập tàn nhẫn, tôi không thể không liên tưởng đến hình ảnh một tên côn đồ Cộng Sản Belarus được khắc họa trong tác phẩm Tiếng Vọng từ Chernobyl. Đây là một hình ảnh người thật, việc thật, ngôn ngữ thật. Độc đáo hơn, tác giả vẽ hình ảnh tên côn đồ này bằng chính những gì thốt ra từ cửa miệng của y ta. Như chính những tên côn đồ Cộng sản Việt Nam đang tự tố cáo bản chất của mình bằng hành vi đấm đá đầy thù hận những người dân hiền lành vô tội.

" Bà đang viết cái gì đấy? Ai cho phép bà làm việc đó? Lại còn chụp hình nữa. Cất ngay cái máy chụp hình ấy đi. Nếu không, tôi sẽ đập nó vỡ nát bây giờ. Ở đâu đến đây, ghi chép linh tinh, tưởng hay ho lắm phải không? Chúng tôi đang sống yên lành ở đây. Thế rồi bà đến, đi xục xạo khắp nơi, lại còn gieo rắc ý tưởng vào đầu óc mọi người. Nói này nói kia. Những điều bà nói đến đều sai bét cả. Chẳng còn trật tự nề nếp gì nữa hết. Vác cái máy thu âm đi hỏi han linh tinh làm bà thích lắm hả ?

Đúng rồi đấy! Tôi đang bênh vực cho chính quyền Xô Viết đấy! Chính quyền của chúng tôi! Chính quyền của nhân dân! Dưới chế độ Xô Viết, đất nước chúng ta hùng mạnh, ai cũng nể sợ. Cả thế giới nhìn vào! Đã có kẻ sợ vãi đái. Đã có đứa chỉ biết ganh tị. Đệch Mẹ! (Nguyên văn trong bản Anh ngữ: Fuck! Người đọc có thể dịch là Địt Mẹ hay Đụ Má đều không sai) Giờ thì sao? Chúng ta được gì dưới thể chế dân chủ? Chúng nó gởi đến đây kẹo thừa, bơ cặn, quần áo cũ như thể chúng ta là những kẻ hoang dã vừa mới tụt từ trên những cành cọ xuống..."

Còn nhiều nữa những chi tiết giống nhau đến rợn người giữa những gì được nhà văn Svetlana Alexievich kể lại trong Tiếng Vọng từ Chernobyl và thực tế Việt Nam giữa những ngày hè nóng bức của thảm họa cá chết vùng biển miền Trung. Từ những thực phẩm trong vùng nhiễm phóng xạ được tuồn ra bán rẻ cho cả nước tiêu thụ với sự tiếp tay đầy ý thức tội ác của bọn quan chức chính quyền tham lam, hủ hóa. Đến những sự ăn chận ăn bớt đồ cứu trợ từ các nước phương Tây của các viên chức chính quyền lớn nhỏ, đến cả bọn côn đồ cướp bóc mà thời nào, ở đâu cũng có.

Đã 30 năm sau thảm họa Chernobyl. Đã có hàng chục ngàn người chết vì những chứng bệnh ung thư kỳ quái mà cho đến nay y học vẫn chưa hình dung ra được. Đã có hàng chục ngàn trẻ em sinh ra mang đầy dị tật trên người, không chân, không tay, không tai, không cả lỗ hậu môn, mắt lé, môi xệch, mặt vẹo vọ, còn về tinh thần thì nhẹ nhất là mắc bệnh chậm hiểu, thiếu sự phát triển não đến nặng hơn là những chứng bệnh tâm thần, điên loạn.

30 năm sau, vùng đất chết năm xưa vẫn không có vẻ gì khá hơn. Người ta vẫn tìm thấy di căn phóng xạ trong sữa lấy từ những con bò nuôi trong vùng. Khu vực vui chơi cho trẻ em được dự trù khánh thành vào đầu tháng 5-1986, nhưng sau khi vụ nổ xẩy ra đã bị bỏ phế. Đến nay, những cầu tuột, xe quay, các trang thiết bị khác, vẫn còn nằm ở chỗ cũ, phơi nắng phơi mưa phơi tuyết phơi sương trong suốt 30 năm quên lãng. Đúng hơn, bỏ phế, vì khả năng một quốc gia dù đã từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản gần 20 năm nay, vẫn không đủ sức tự lo liệu lấy cho mình trước một thảm họa qúa khủng khiếp. Nói chung, thành phố Pripyat, với dân số 45 ngàn người nằm cách trung tâm nhà máy hạt nhân 15 ki lô mét về phía Tây Bắc, vẫn còn là thành phố chết. Đó là chưa kể đến những con người mất rễ, phải sống lưu lạc khắp nơi, nay chưa hoàn hồn, hay vẫn còn mang trên vai gánh nặng quá khứ, những vết thương lòng không bao giờ lành lặn chỉ biết chờ ngày nhắm mắt chết đi, hay vẫn còn phải gượng sống để chăm sóc cho người thân, con, cháu, dị dạng, bệnh tật. Đã vậy, một số vùng đất thuộc hai lãnh thổ Ukraine, Belarus vẫn còn bị giới khoa học đánh giá không thể ngụ cư hay canh tác trong vài trăm năm nữa.

Ai không rùng mình khi “trông Chernobyl lại ngẫm đến Vũng Áng”?

Trong thư chung về vấn đề ô nhiễm môi trường của GM Nguyễn Thái Hợp, Giáo Phận Vinh có đoạn viết:

“... Hiện nay, dù các người hữu trách chưa đưa ra kết luận chính thức, nhưng mọi người vẫn đinh ninh rằng chất thải có chứa độc tố kim loại nặng từ khu công nghiệp là nguyên nhân của hiểm họa trên. Nếu thực sự như vậy thì hiểm họa môi trường này có mức độ lâu dài và nguy hiểm vô cùng to lớn. Chắc chắn phải mất nhiều thập niên nữa hệ sinh thái của thềm lục địa miền Trung mới khôi phục được. Về phương diện kinh tế tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng nhiều người cho rằng, thiệt hại do hiểm họa môi trường này gây ra vượt rất xa lợi nhuận mà một khu công nghiệp mang lại.

Hậu quả nhiễm độc kim loại nặng với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Khi con người tiêu thụ thủy sản, nước mắm, muối nhiễm độc, các độc tố này sẽ xâm nhập và tích lũy ngày càng nhiều trong cơ thể.

Đến một lúc nào đó hàm lượng này vượt qua ngưỡng cho phép, chúng sẽ gây bệnh tật ung thư, tổn thương não và có thể gây dị dạng, quái thai cho các thế hệ sau.

Mặc dù tầm mức nguy hiểm của thảm họa to lớn như vậy, đã hơn một tháng nay, nhưng các nhà chức trách vẫn né tránh công bố nguyên nhân và thủ phạm đã gây ra thảm họa này. Bên cạnh đó một số người còn khuyến khích người dân tiêu thụ thủy hải sản một cách thiếu căn cứ. Trong khi đó thật khó hiểu khi nhà cầm quyền lại nặng tay đàn áp những người biểu tình ôn hòa đòi trả lại môi trường sạch cho người dân..."

30 năm trước ở Belarus không một ai, kể cả từ chính quyền đến nhân dân, tin những gì sẽ xẩy ra với mình như chúng đã xẩy ra và được kể lại trong Tiếng Vọng từ Chernobyl. Ngày nay, ở Việt Nam, có thực sự bao nhiêu người tin rằng những điều viết trong Thư Chung nói trên sẽ có khả năng xẩy ra. Còn chính quyền Việt Nam hiện nay,- hành xử y hệt nhà cầm quyền Belarus trước đây đổ tội tuyên truyền phá hoại cho các thế lực phương Tây,- đã không tin thì chớ, lại còn cho rằng những lời cảnh báo đầy tính khoa học ấy là âm mưu tuyên truyền phá hoại, nhằm lật đổ chính quyền của Việt Tân, của bọn xấu, của các thế lực thù địch.

Lịch sử 30 năm trước ở Chernobyl đang được lập lại ở Việt Nam. Đó là một kết luận thật đau lòng, nhưng chắc chắn không xa sự thực, một sự thực kinh hoàng và đang gây phẫn nộ ở những người chịu đựng nhất.

Dòng cuối cùng của quyển sách ghi lại lời kể của những nhân chứng sống ở Chernobyl, nhà văn Svetlana Alexievich viết: “Tôi có cảm tưởng mình đang làm công việc ghi chép tương lai.”.

Với tôi, một người đọc Việt Nam, trước những gì đang xẩy ra trên đất nước tôi, tôi bỗng thấy cả người lạnh toát trước câu nói đầy tính tiên tri của nhà văn. Chả lẽ , bà muốn ám chỉ những gì đang và sẽ xẩy ra trên một mảnh đất mang số phận còn tội nghiệp hơn số phận đất nước của bà? Đất nước của tôi và của bà mang cái ách Cộng sản trên đầu bao lâu nay vẫn chưa đủ đền tội tổ tông hay sao mà còn phải chịu đựng thêm oan nghiệt Chernobyl, oan nghiệt Vũng Áng?

Phát biểu trong buổi họp báo tại Minsk (thủ đô Belarus), sau khi được tin mình sẽ nhận giải Nobel văn chương 2015, nhà văn của chúng ta nói: “Điều duy nhất làm tôi luôn nhức nhối là câu hỏi: tại sao chúng ta không học được điều gì từ những nỗi thống khổ mà chúng ta đang phải gánh chịu ? Tại sao chúng ta không thể nói: tôi không muốn làm người nô lệ thêm một ngày nào nữa? Tại sao chúng ta cứ tiếp tục chịu thống khổ mà không hề phản kháng? Tại sao chúng ta cứ xem nó như là gánh nặng phải mang, là số phận phải cam chịu? Tôi không có câu trả lời. Nhưng tôi muốn những tác phẩm của mình gợi lên được những suy nghĩ từ người đọc, để từ đó, họ đi tìm câu trả lời cho chính mình.”

Xin mỗi người hãy đi tìm câu trả lời cho chính mình trong những ngày tháng gay go, khó ở này, để sau này còn có thể trả lời được những câu hỏi tương tự cho các thế hệ tương lai.

T.Vấn

Ngày 15 tháng 5 năm 2016

Svetlana Alexievich

Tiếng Vọng từ Chernobyl

Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press – Normal – London 2005.

©T.Vấn 2016

clip_image002