Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh hay là chuyện về những “ngọn bút máu” và những “ngón tay thối”?

Nguyễn Trọng Bình

 

1. Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh ra mắt bạn đọc lần đầu với tên gọi “Thân phận của tình yêu” vào năm 1987. Thế nhưng, điều lạ lùng là kể từ ấy đến nay tác phẩm này vẫn chưa thôi gây tranh cãi giữa những “người trong một nước” với nhau. Đặc biệt là với những người đã và đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ nước nhà nói chung. Bằng chứng là mới đây, thêm một lần nữa, “Nỗi buồn chiến tranh” và cha đẻ của nó phải hứng chịu những lời chỉ trích, phản đối rất ghê gớm giống như thời điểm nó vừa ra đời. Điều đáng nói là những ý kiến như thế này vốn không nhiều, càng không phải là ý kiến của các chuyên gia về văn chương nghệ thuật nhưng lại có “sức nặng” rất đáng kể. Phải chăng vì vậy mà “Nỗi buồn chiến tranh” đã không thể vượt qua vòng bỏ phiếu sau cùng cho đề cử “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” năm 2016 từ Hội đồng thẩm định? Sự việc đã làm cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, độc giả yêu mến Bảo Ninh không khỏi ngạc nhiên và ngao ngán. Đến nỗi ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đương nhiệm phải làm đơn kiến nghị xin xem xét lại!?

2. Còn nhớ ngay sau khi Bảo Ninh nhận giải thưởng từ Hội nhà văn năm 1991, những ý kiến phản đối, chỉ trích ông đã xuất hiện. Cụ thể, thời điểm ấy, không ít người cho rằng Bảo Ninh viết tác phẩm này với dụng ý “xấu”. Vì theo họ, nội dung tư tưởng của “Nỗi buồn chiến tranh” đã “xuyên tạc cuộc chiến tranh chống Mỹ thần thánh”; “lộn ngược các giá trị lịch sử” của dân tộc... Cơ sở “lý luận” chủ yếu để những người đưa ra nhận định trên là câu “thần chú” “văn học phản ánh hiện thực” (duy nhất đúng lúc bấy giờ). Bám vào câu “thần chú” ấy, nhiều người đã máy móc và cố tình đồng nhất hiện thực trong “Nỗi buồn chiến tranh” (hiện thực trong tác phẩm văn chương) với hiện thực đời sống xã hội (hiện thực về lịch sử giai đoạn chống Mỹ giai đoạn 1954-1975) từ đó phê phán và chỉ trích Bảo Ninh. Không những vậy, không ít người còn tỉ mỉ, tẩn mẩn ngồi “cắt, tỉa” và “lôi” những câu nói, lời thoại của các nhân vật trong tác phẩm ra khỏi ngữ cảnh, bối cảnh của câu chuyện rồi phân tích, suy diễn, chứng minh cho phù hợp với “ý đồ” của riêng họ.

Thật ra, việc có những ý kiến không đồng tình, không thiện cảm từ người đọc về một tác phẩm văn học nào đó là chuyện chẳng có gì đáng để bàn. Vì nói cho cùng, bất kỳ cá nhân nào nếu biết đọc, biết viết hay biết gõ bàn phím máy tính đều có quyền đưa ra những cảm nhận, suy nghĩ của riêng mình. Tuy nhiên, một nền văn học mà những người quản lý chỉ tin và dựa vào những ý kiến đơn lẽ và “không chuyên” ấy rồi “nâng” lên thành “quan điểm” duy nhất để phán xét tác phẩm; lên án, kết tội tác giả cũng không thể nói là cách làm xuất phát từ “động cơ” tốt, vì sự tiến bộ và phát triển của văn học dân tộc. Kinh nghiệm cho thấy, trong trường hợp những tác phẩm nghệ thuật gây nên những tranh luận trái chiều, để có cái nhìn, sự đánh giá khách quan, xác đáng nhất, người khôn ngoan sẽ tìm đến đội ngũ những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp – tức những người được đào tạo bài bản, khoa học… để tham vấn. Có như vậy, may ra mới tránh được những cái nhìn, cách đánh giá cảm tính, chủ quan hay thậm chí lợi dụng văn chương để thỏa mãn thói háo danh và ích kỷ (từ những kẻ cơ hội, xu nịnh núp dưới danh xưng “nhà phê bình” văn học).

Nhà văn - nói cho cùng cũng là con người bình thường, tác phẩm của họ viết ra nếu xã hội không đồng cảm, không muốn trao giải để vinh danh thì cũng không ai được tự cho mình cái quyền lấy những lý do “ngoài văn chương” (nhất là lý do về chính trị, nhân danh đảng, chế độ… hay vì tư thù cá nhân) mà xúc phạm họ.

3. Nhìn từ phương diện lịch sử - văn hóa, có thể nói không ngoa rằng, văn học nước nhà kể từ sau 1975 đến nay, xét riêng ở mảng tiểu thuyết, nếu không có Bảo Ninh và “Nỗi buồn chiến tranh” sẽ buồn tẻ và nhạt nhẽo biết dường nào. Còn trong cái nhìn “vô thức tập thể”, ở phương diện nào đó “Nỗi buồn chiến tranh” chính là sự tiếp nối những trăn trở, dằn vặt, đớn đau của các nhà văn miền Bắc từ thời Nhân văn giai phẩm; là bằng chứng sống động, cho thấy những mệnh lệnh chính trị xơ cứng không bao giờ trói buộc được tư tưởng, tình cảm của những nhà văn - người nghệ sĩ chân chính.

Có thể vì thời cuộc, vì cuộc sống nên họ buộc phải kìm nén, phải giấu kín những “ham muốn” và “thôi thúc” của bản thân chứ trong sâu thẳm tâm hồn họ cũng thừa hiểu “văn chương minh họa” cho chính trị chỉ mang lại vinh quang nhất thời. Và nếu không khéo có khi còn là vết nhơ không thể tẩy xóa. Thực tế qua sự kiện “Nhân văn giai phẩm” và sự nghiệp văn chương của một số nhà văn quá cố cho phép chúng ta rút ra kết luận: có nhà văn ban ngày thì bàn về “bút pháp của minh họa” đêm đến lại rèn “bút pháp của ham muốn” (chữ dùng và tên quyển sách của GS Đỗ Lai Thúy); ngày làm thơ “chính ngạch”, đăng báo; đêm làm thơ “tiểu ngạch”, bỏ ngăn kéo khóa lại chờ đến khi qua đời đưa vô hồi ký hoặc con cháu làm di cảo (rõ nhất là trường hợp của Chế Lan Viên, Nguyễn Khải)...

Phải chăng cũng vì vậy mà tên gọi “Thân phận của tình yêu” không thể làm thỏa mãn cái nhu cầu cùng nỗi khát khao được giãy bày, được bộc lộ, được là chính mình của Bảo Ninh ngay khi có lệnh “cởi trói” cho các văn nghệ sĩ? Chỉ có tên gọi “Nỗi buồn chiến tranh” mới bao quát hết tất cả những điều ấy (mà trước hết, trong tư cách một người lính tham chiến nhà văn đã quan sát và trải nghiệm được). Từ đây, có thể nói chính Bảo Ninh chứ không phải ai khác đã không những giải oan mà còn giải thoát cho cả một thế hệ nhà văn miền Bắc Việt Nam trong một thời gian dài bị cưỡng bức về tinh thần mà đôi khi chính họ (vì lý tưởng của cuộc đời) đã nhầm lẫn hoặc không nhận ra. Còn đặt trong bối cảnh xã hội và tiến trình lịch sử văn học từ khi nước nhà thống nhất đến nay, “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm đã góp phần tôn vinh và làm nên giá trị người Việt trên bình diện tư tưởng và văn hóa.

Chiến tranh và chống xâm lược là vấn đề lâu nay được xem như một giá trị “truyền thống” – “thương hiệu” đáng tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước. Tuy vậy, trong văn học giá trị ấy mới được xem xét ở một vài khía cạnh bề nổi như: sự đoàn kết, gan dạ, anh hùngcủa người dân trong chiến đấu chống lại kẻ thù mà thôi. Với “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã mở ra góc nhìn khác – vấn đề lựa lựa chọn một thái độ, quan niệm trong hành xử, ứng xử của con người (dân tộc) Việt Nam ở hai thái cực: “cộng sinh” hay “loại diệt”? Đây có thể nói là sự lựa chọn thuộc về chiều sâu của tâm hồn mang tầm triết học và rất nhân bản!

“Cộng sinh” nói nôm na là cùng chung sống, cùng tồn tại trong sự “hợp tác” không chỉ với “đồng loại” mà còn với “dị loại”. Còn “loại diệt” là loại trừ, là tiêu diệt cả “đồng loại” lẫn “dị loại” để mình độc tôn tồn tại. “Cộng sinh” gắn với cái thiện, cái tốt; “loại diệt” gắn với cái ác, cái xấu; “cộng sinh” gắn với hòa bình, nhân ái, vị tha; “loại diệt” gắn với chiến tranh, dã man, vị kỷ; “cộng sinh” gắn với niềm tin, tình yêu thương, sự thanh thản,“loại diệt” gắn với sự đố kỵ, lòng sân hận, nỗi bất an... Đã là con người có lẽ, ngay từ khi mới lọt lòng đều có hai “tính chất” hay “bản chất” này. Tuy nhiên, do môi trường, điều kiện sống, ý thức, truyền thống văn hóa khác nhau nên tính “cộng sinh” và “loại diệt” ở mỗi người cũng khác nhau; có người tính “cộng sinh” trội hơn có người tính “loại diệt” trội hơn.

Ở cấp độ cao hơn, bản chất “cộng sinh” và “loại diệt” của con người còn thể hiện trên phạm vi của một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia... Nhìn lại lịch sử của một số dân tộc, quốc gia trên thế giới trong những thời điểm nhất định sẽ thấy rất rõ vấn đề này. Dân tộc nào, quốc gia nào mà lịch sử thường hay phát động chiến tranh xâm lược nhằm thôn tính dân tộc khác, quốc gia khác; hay quốc gia nào, dân tộc nào mà nội bộ bên trong luôn là sự bất ổn, dân chúng bất bình, xảy ra nội chiến triền miên... thì đó là dấu hiệu và bằng chứng cho thấy tính “loại diệt” của dân tộc ấy, quốc gia ấy nổi trội và đang lấn át tính “cộng sinh”... Điển hình cho vấn đề này là trường hợp của đất nước Trung Hoa dưới thời “Xuân Thu Chiến Quốc”. Thời này, nhân dân Trung Hoa chìm ngập trong các cuộc chiến tranh liên miên do các tập đoàn phong kiến lúc bây giờ phát động nhằm thôn tính lẫn nhau. Chưa hết, các tập đoàn phong kiến này lúc nào cũng ôm mộng bá chủ, bành trướng lãnh thổ thông qua việc liên tục phát động chiến tranh xâm lấn bờ cõi của người Việt. Vì lẽ ấy mà phải chăng về sau chính nhà văn nổi tiếng Trung Hoa là Lỗ Tấn phải thốt lên rằng lịch sử dân tộc ông là lịch sử của một “dân tộc ăn thịt người” nhằm thức tỉnh dân mình? Truyện ngắn có nhan đề “Thuốc” trong đó kể lại chuyện một bà mẹ trị bệnh cho con trai mình bằng cách cho nó ăn “bánh bao tẩm máu người” là một ví dụ điển hình nói lên tư tưởng này của Lỗ Tấn.

Cho nên, một cá nhân nếu muốn có cuộc sống an lành hạnh phúc; một quốc gia, dân tộc muốn được phồn vinh, ổn định thì cần vun đắp, nuôi dưỡng làm cho tính “cộng sinh” nảy nở, sinh sôi; điều đó cũng có nghĩa là tính “loại diệt” sẽ bị chế ngự đến mức thấp nhất.

Trong ý nghĩa này có thế nói “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm đã đạt đến một tầm cao trong nhận thức mang tính bản thể của triết học về con người và thế giới.

Nhưng ngặt một nỗi, từ bấy đến nay “Nỗi buồn chiến tranh” chưa bao giờ là tên gọi nghe “thuận tai” và “hợp nhãn” những người quen nhìn văn chương bằng cặp mắt của chính trị ở xứ sở này. Không những vậy, trong hoàn cảnh mà tinh thần dân chủ trong xã hội là điều quá xa xỉ và xa lạ với đại bộ phận người dân nên các “nhà chỉ điểm chuyên nghiệp” (có người gọi là “phê bình chỉ điểm” nhưng tôi nghĩ rằng nếu đã “chỉ điểm” thì không còn là “phê bình”) đương nhiên không bao giờ bỏ qua cơ hội hiếm hoi này để tiến thân bằng hư danh. Những “ngọn bút máu” và những “ngón tay thối” lại được dịp tung hoành ngang dọc trên trang giấy lẫn bàn phím; những cái mồm chứa sẵn nọc độc và những cái lưỡi dài hơn cái tay cứ thế mà phun… Họ phun một cách ồ ạt, suồng sã đến nỗi dính vào mặt mình lúc nào cũng không hay!

4. Nhân loại đã đi gần hết một phần tư của thế kỷ 21 và lẽ ra, theo quy luật vận động và phát triển của xã hội, nhận thức của con người phải thay đổi theo hướng tiến bộ và tích cực hơn. Ấy vậy mà không hiểu sao những người “cai quản” nền văn hóa văn nghệ nước nhà hôm nay vẫn “đóng khung” tư duy và nhận thức của mình; vẫn kiên quyết không chịu thay đổi để thích nghi với điều kiện mới của thời đại và đất nước? Vẫn là nỗi nghi ngờ thường trực dành do đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà khoa học chân chính trong lĩnh vực này; vẫn là sự tin dùng các “nhà chỉ điểm” cơ hội; thích nghe những lời “xàm tấu”, tâng bốc, bợ đỡ hơn là những lời thẳng thắn, tự trọng, có trách nhiệm...

Trước đây, vì những lý do khách quan của lịch sử đất nước, nên mệnh đề “văn học phản ánh hiện thực” là câu “thần chú” linh thiêng, là “kim chỉ nam” soi đường cho mọi hoạt động sáng tạo và thưởng thức văn học. Nhưng nay, với điều kiện mới, ngay cả những chuyên gia đầu ngành cũng đã nhận thức lại. Đây hoàn toàn không phải là “lộn ngược” hay “phản bội lý tưởng” gì cả mà đơn giản chỉ là đạo đức và bổn phận của người làm khoa học. Một khi sản phẩm và kết quả nghiên cứu của mình còn nhiều sơ hở và không phù hợp với thực tiễn thì việc điều chỉnh lại nhận thức và phương pháp làm việc là chuyện hết sức bình thường. Văn học trên thực tế là hoạt động xã hội rất đặc thù của con người. Có lẽ để tránh gây ra hiểu nhầm cũng như sự sơ lược máy móc, phải nói rằng: văn học là sự sáng tạo hiện thực thì sẽ xác đáng hơn chăng? Bởi cái hiện thực trong văn chương vốn chỉ diễn ra duy nhất một lần và không có sự lặp lại do chính nhà văn bằng trí tưởng tượng của mình đã thiết kế nên. Hiện thực ấy có thể trùng khớp hoặc không trùng khớp với hiện thực bên ngoài xã hội về một số sự kiện, chi tiết hay vấn đề nào đó là điều đương nhiên và rất bình thường.

Có thể thấy, cuộc chiến tranh đẫm máu và khốc liệt trên thực địa Việt Nam từ 1954 đến 1975 là do các nhà chính trị của các bên tham chiến gây nên, còn cuộc chiến tranh có bối cảnh tương tự nhưng diễn ra trên mấy trăm trang tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” lại là sản phẩm của duy nhất một người: nhà văn – người nghệ sĩ Bảo Ninh. Nhà nghệ sĩ và nhà chính trị đương nhiên khi nghĩ và “làm” chiến tranh sẽ rất khác nhau. Trong chiến tranh, nhà chính trị nhìn cái chết của con người bằng cặp mắt rất rạch ròi “phe ta” - “phe địch” nhưng người nghệ sĩ chỉ thấy đó là cái chết của ĐỒNG LOẠI, CÁI CHẾT CỦA CON NGƯỜI. Trước những cái chết ấy, nhà chính trị có thể nhanh chóng gạt qua hoặc thậm chí không quan tâm (nói như người xưa là “nhất tướng công thành vạn cốt khô”) nhưng với nhà văn, nhà nghệ sĩ thì không cho phép mình dửng dưng, vô cảm. Nếu mục đích cuối cùng của nhà chính trị là “loại diệt”“xóa bỏ” (tất cả những gì không giống với mình) thì “cộng sinh”“bao dung” lại là mục đích tối thượng của nhà văn.

Chuyện đúng ra chỉ có vậy nhưng không hiểu sao cho đến giờ các “nhà chỉ điểm” vẫn bất chấp tất cả; 30 năm qua rồi nhưng có người vẫn không chịu buông bỏ cái ý nghĩ dùng miệng lưỡi sắc hơn gươm đao của mình để hãm hại nhà văn? Nghe họ nói, có cảm tưởng chừng nào Bảo Ninh và “đứa con tinh thần” của ông vẫn còn sống thì họ vẫn sẽ tiếp tục “sự nghiệp chỉ điểm” của mình!?

5. Nếu nói đời người bất quá chỉ 60 mươi năm thì “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã trải qua ít nhất hai thế hệ bạn đọc. Thế hệ thứ nhất là những người cùng thời với tác giả và thế hệ thứ hai cũng đã bắt đầu bước vào “tam thập nhi lập”. Cho đến nay, cả hai thế hệ đều đã đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh nhưng chẳng có bằng chứng nào cho thấy họ bị tác phẩm của nhà văn “đầu độc” làm cho hư hỏng. Ngược lại, có không biết bao nhiêu bài viết, công trình nghiên cứu; các luận văn, luận án của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trên giảng đường đại học khắp cả nước bàn về tác phẩm này trong sự ngưỡng mộ và ngợi ca.

Riêng với thế hệ trẻ hôm nay, dù đọc hay không đọc “Nỗi buồn chiến tranh” thì trong tim họ vẫn cháy bỏng niềm tự hào về lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông mình; vẫn ý thức được trách nhiệm của họ đối với quê hương dân tộc. Đây là điều mà chúng ta có thể cảm nhận được. Nói điều này để thấy, những ý kiến cho rằng chủ đích của Bảo Ninh khi viết “Nỗi buồn chiến tranh” là để “xuyên tạc”,“lộn ngược lịch sử”, “gây nguy hại các thế hệ bạn đọc (nhất là thế hệ trẻ)”hoàn toàn không có cơ sở cả về lý luận lẫn thực tiễn.

***

6. Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, tôi được một người Thầy đáng kính (xin phép không nêu tên ở đây) đọc và giảng giải cho tôi nghe câu nói của nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Nga - R. Jakobson – như sau:

“Chỉ khi nào một thời đại hoàn toàn diệt vong và khi sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các thành tố của nó không còn nữa; chỉ khi ấy giữa cái “nghĩa trang” nổi tiếng của lịch sử, vươn lên trên đủ loại đồ cổ là những “tòa lâu đài” thơ ca.”

Hiểu theo nghĩa rộng thì tác giả của câu nói trên muốn bàn về một quy luật có phần rất nghịch lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung ở bất kỳ xã hội nào (đặc biệt là những xã hội chuyên chế, độc tài, độc quyền về tư tưởng). Quy luật ấy là, đôi khi những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lại bị chính những con người cùng thời với nó lướt qua hay thậm chí quay lưng, ruồng bỏ, rẻ rúng... Chỉ sau khi thời đại ấy qua đi, con người trong xã hội ấy không còn nữa thì những cái bị rẻ rúng năm nào mới hiện ra như những “tòa lâu đài” nguy nga, sừng sững và độc đáo.

Vì vậy, khi biết được thông tin “Nỗi buồn chiến tranh” trượt vòng bỏ phiếu cuối cùng tôi chợt nhớ đến lời giảng của Thầy tôi năm nào! Rồi lại nhớ đến các cuộc Hội nghị, Hội thảo về văn chương nghệ thuật cấp quốc gia trước đó với những phát biểu chỉ đạo của những “người có trách nhiệm”. Trước hết, họ lên tiếng “than phiền” văn học nước nhà “không có tác phẩm đỉnh cao” sau đó thì huấn thị: “các văn nghệ sĩ phải làm sao sáng tạo ra tác phẩm xứng tầm”, “Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng và ủng hộ” v.v

Không biết người khác nghĩ gì về những phát biểu đại loại như trên, riêng tôi, mỗi khi nghe những lời lẽ ấy chỉ thấy có gì đó rất trơ trẽn và lố bịch.

Thử hỏi, cũng đã mấy mươi năm rồi chứ ít lắm sao?

CT, 10/9/2016

-----------

Nguồn tham khảo:

1. Nỗi buồn của tác giả “Nỗi buồn chiến tranh”. Xem tại: http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/noi-buon-cua-tac-gia-noi-buon-chien-tranh-20160717213224852.htm

2. Người Mỹ nghĩ gì về: “Nỗi buồn chiến tranh”? Xem tại: http://www.tienphong.vn/van-nghe/nguoi-my-nghi-gi-ve-noi-buon-chien-tranh-192883.tpo

3. “Người Trung Quốc viết gì về Nỗi buồn chiến tranh?”. http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/309515/nguoi-trung-quoc-viet-gi-ve-noi-buon-chien-tranh.html

4. “Nỗi buồn…Bảo Ninh”. Xem tại: http://www.tienphong.vn/van-nghe/noi-buon-bao-ninh-1028316.tpo