Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Bổn phận ấy chữ quốc ngữ e khó lòng gánh vác nổi!

Nguyễn Đức Dương

 

Hôm 04/07 mới rồi, báo Thanh Niên có đăng một bài gần nửa trang của nhà báo Trinh Nguyễn (xin x. Thanh Niên, s.186, tr.9) nhằm giới thiệu cùng bạn đọc xa gần một đề nghị đầy ‎thiện ý của PGS-TS Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán Nôm): hãy dùng chữ quốc ngữ thay vì chữ Hán để viết các hoành phi, câu đối, ngỏ hầu giúp mọi người Việt đọc và hiểu được những gì người viết muốn nhắn gửi cho đời. Bài báo còn cho biết thêm: đề nghị trên đã được PGS-TS Đinh Khắc Thuân (cũng Viện Hán Nôm) hết sức tâm đắc. Nhất là đối với các ngôi chùa mới/hoặc sắp xây tại các vùng biên giới, hải đảo, …

Nhưng theo lời vị PGS này, với các “ngôi cổ tích danh lam” [sic !!!] (= các ngôi chùa cổ nổi danh [?]) thì “nên giữ lại” (khoan hẵng thay vội!), bởi lẽ “[nếu] muốn ai cũng có thể đọc hiểu được và [cảm] thấy gần gũi, ta có thể phiên dịch những nội dung viết trên các hoành phi, câu đối ấy ra chữ quốc ngữ rồi ghi thành một bảng riêng, đặt kế bên.

Tiếp theo, tác giả bài báo còn cho biết thêm một sự thật: đích thân PGS Nhí cũng buồn lòng thừa nhận rằng “trào lưu ấy” (tức trào lưu dùng chữ quốc ngữ để viết các bức hoành phi, câu đối tại các đình chùa đang toạ lạc trên địa bàn châu thổ sông Hồng) hiện vẫn “chưa được xã hội [tức cộng đồng cư dân bản địa] chấp nhận”. Bởi lẽ, như PGS-TS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nêu rõ, các hoành phi, câu đối ấy chính “là một phần trong tổng thể các giá trị văn hoá, mĩ thuật, kiến trúc của các di tích đã có”…

Để bức tranh thật hoàn chỉnh, có lẽ còn phải ghi nhận thêm điều này: ý kiến của PGS Thông cũng đã được KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn Di tích) hoàn toàn sẻ chia.

… Sở dĩ chúng tôi phải trình bày khá dài như trên chung quy chỉ vì muốn giúp những ai ít có thì giờ theo dõi báo chí nắm được đầy đủ những gì xoay quanh đề nghị của PGS Nhí cùng những người ít nhiề̀u ủng hộ ông trước khi chuyển sang bàn các ý kiến phản bác, lắm khi khá gay gắt, chẳng hạn như ý kiến của tác giả Trần Thuần (Đại học Postdam, CHLB Đức), trong một bài viết hết sức ý vị vừa được Tia Sáng giới thiệu ngay sau ngày xuất hiện bài của Trinh Nguyễn đâu như chỉ có hai hôm (xin x. tạp chí Tia sáng [bản điện tử], ngày 06/07/2016).

Trong bài phản bác này, sau khi nêu rõ vai trò trước đây của tiếng Hán tại các quốc gia Đông và Đông–Nam Á cùng dăm câu chuyện rất ý vị liên quan tới tiếng Hán mà chính ông từng chứng nghiệm, tác giả Thuần đã đi đến nhận định: “[…] thay các hoành phi, câu đối bằng chữ Hán sang chữ Quốc ngữ ở các công trình tôn giáo, văn hóa, lịch sử, như đền chùa, miếu mạo, v.v. là “một việc làm thiếu suy nghĩ, [nếu không nói là] tốn kém [và] vô ích”; thậm chí “hoàn toàn sai trái” và “có nguy cơ một lần nữa chặt đứt dòng mạch văn hoá, lịch sử của dân tộc” nếu “nhìn từ góc độ văn hóa-lịch sử”. 

Ngoài ra, tác giả của những dòng phản bác gay gắt trên còn khẳng định thêm: “Có người lập luận rằng dùng chữ Quốc ngữ là để cho người thời nay hiểu. Thật ra, điều này chỉ đúng chưa được một nửa. Ví dụ, thay hai chữ 眞如 bằng chữ quốc ngữ chân như, chưa chắc đã giúp người đọc hiểu [được nội dung hai chữ này], ngay cả khi nó “đã được diễn dịch rõ thêm, nếu họ thiếu kiến thức về Phật học”.

Đọc những gì chúng tôi vừa lược tóm, chắc hẳn ai cũng có thể dễ dàng đồng tình ngay với tác giả Trần Thuần. Tuy vậy, có lẽ sẽ ít có ai cảm thấy hoàn toàn bị thuyết phục bởi họ vẫn chưa thấu hiểu được những lí do sâu xa ẩn đằng sau những phản bác ấy. Nói cách khác, họ chưa thể tự trả lời những câu hỏi như:

(1) Vì sao dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán khi viết các hoành phi, câu đối là một “việc làm thiếu suy nghĩ”, “chỉ đúng chưa được một nửa” hay “hoàn toàn sai trái, nếu nhìn từ góc độ văn hóa-lịch sử”? và

(2) Vì sao việc làm ấy hiện vẫn “chưa được cộng đồng cư dân sinh sống trên địa bàn hữu quan) hồ hởi đón nhận”?

Muốn có lời giải thật thuyết phục, có lẽ chúng ta cần nghiệm thêm một nhận định hết sức sắc sảo và cũng hết sức xác đáng sắp dẫn dưới dây của nhà ngữ học bậc thầy Cao Xuân Hạo: “Nhược điểm của chữ quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm âm vị học[1], mà chính là ở chỗ nó chỉ có tính chất thuần tuý ghi âm và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương”. Thậm chí ông còn nhấn thêm: “Bỏ chữ Hán[2] và chữ Nôm là một tai hoạ không còn hoán cải được nữa, nhưng ta còn có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn học bắt buộc ở trường phổ thông… Người Việt sẽ không thể giỏi tiếng Việt nếu không thấu đáo nghĩa của các từ Hán–Việt, vốn chiếm hơn 70% trong vốn từ tiếng Việt”. (Báo cáo đọc tại Hội nghị “Chữ quốc ngữ và sự phát triển của văn hoá Việt Nam”, Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM., 1995).

Năng lực biểu [hiện] nghĩa quá ư eo hẹp của chữ quốc ngữ với tư cách một hệ văn tự chắc hẳn là lí do chủ chốt khiến viên toàn quyền Pháp Bonard đưa ra nhận xét: “ […] học chữ Quốc ngữ thì nhanh biết chữ thật, nhưng chỉ tạo ra những con vẹt” (dẫn theo Vương Trí Nhàn) và có lẽ cũng đã dẫn học giả Pháp Philippe Devillers tới chỗ phải chép lại tại tr. 289 cuốn “Việt Nam và Pháp: bạn hay thù?” của ông những lời giảng giải của một người Pháp có tên là Luro về sự khác nhau giữa việc học chữ Hán và học chữ quốc ngữ:
“Biết đọc và biết viết, trong tiếng Trung Hoa, có nghĩa là đã để vài năm ở tuổi thanh niên của bản thân dừng lại trên những cuốn sách đạo lý, lịch sử, đã nghiên cứu và thấu hiểu các cuốn sách đó. Như vậy là đã nhận được cả học vấn lẫn sự giáo dục […]. Còn với hệ thống của chúng ta [tức với chữ quốc ngữ mà chúng ta đang dạy], con trẻ ra khỏi trường sẽ chẳng hề có chút kiến thức nào về đạo lý, tức chẳng hề được giáo dục gì cả”.


[1] Tức đảm bảo ghi âm sát sao hết thảy những gì người bản ngữ có thể phát âm ra khi phát ngôn.

[2] Vốn là một trong những nhân tố hệ trọng thúc đẩy sự tiến bộ của Nhật Bản, Đài Loan, Hương Cảng, Hàn Quốc, Singapore, như khẳng định của học giả Pháp tên tuổi Léon Vandermeersch từng khẳng định trong một cuốn sách nổi tiếng, cuốn Le nouveau monde sinisé (Thế giới Hán hoá ngày nay): sở dĩ Nhật Bản, Đài Loan, Hương Cảng, Hàn Quốc, Singapore đã hoá rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán.