Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Thơ Trần Hoài Thư

clip_image001[4]

clip_image002[4]

 

Lão ngồi khâu di sản
Kim đâm mà không hay

 

 

Trần Hoài Thư, tên thật Trần Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt, hiện cư ngụ tại New Jersey, Hoa Kỳ.

1964: Giáo sư Trường Trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ. Truyện ngắn đầu tay: Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn.

Có khoảng trên 100 truyện ngắn của ông đăng trên: Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức, ...

1966: Nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức.

Trung đội trưởng thám kích Đại đội 405 TK/SĐ 22 BB.

Phóng viên chiến trường tại QĐ4.

1975: Tù "cải tạo" 4 năm.

1980: Vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ.

Kỹ sư trưởng hãng AT&T

Viết truyện đăng trên các tạp chí Nhân Văn, Hồn Việt, Dân Quyền, Diễn Đàn, Sóng, Văn Học, Quê Mẹ, Đời Mới.

Năm 2001 bắt tay thực hiện tập san Thư Quán Bản Thảo, một tạp chí văn chương không định kỳ (đến nay đã là năm thứ 15 và phát hành 66 số) với những chuyên đề về các nhà văn nhà thơ: Võ Hồng, Hoài Khanh, Dương Nghiễm Mậu, Bùi Đăng, Nguyễn Bắc Sơn,Y Uyên… và các số đặc biệt về các tạp chí Sáng Tạo, Trình Bày, Vấn Đề, Thời Tập, Bách KHoa, Văn, Khởi Hành, Hiện Đại v.v…

Chủ trương NXB Thư Ấn Quán, sưu tập in lại những tác phẩm văn học miền Nam đã bị tiêu hủy sau 1975, mà ông đặt tên là Di Sản Văn Chương Miền Nam, đa phần nhờ từ thư viện Cornell lưu trữ và bạn bè trong ngoài nước còn giữ lại, với cả trăm tác phẩm của các nhà văn nhà thơ miền Nam; có những bộ dày đến ngàn trang (Văn miền Nam 4 tập; Thơ miền Nam trong thời chiến 4 tập; Bảng lược đồ văn học Việt Nam, 2 tập; tạp chí Sáng Tạo bộ mới và bộ cũ; Cõi đá vàng của Nguyễn Thị Thanh Sâm…)

Tác phẩm của ông có gần 30, là truyện ngắn, truyện vừa, thơ, tạp văn… đã xuất bản, chủ yếu ở Hoa Kỳ.

Xin trân trọng giới thiệu một số bài thơ tiêu biểu của ông. (Nglu)

 

 

Một ngày tháng chín

 

Thôi cũng tạ từ nhau tháng chín
Tạ từ. Người có nhớ gì không?
Một lần sum họp rồi hai ngả
Hai nhánh sông xa đến não nùng

Tháng chín. Trời ơi là tháng chín
Để đồi vàng lá ở bên sông
Để sông hun hút bờ  vô tận
Để nhớ nhung nhung nhớ chập chùng

Mênh mông. Còn lại đây lòng lạnh
Dường như có những dấu chân êm
Dường như có cả mồ phong diệp
Trên bãi lòng ta đang ngủ yên

Tháng chín. Ừ. tháng này tháng chín
Ngày này như ngày khác. Thời gian !
Sao ta thì khác, ta thì khác
Mùa thu về ai tặng vết thương !

Tặng ta ánh nắng hoàng hôn lụa
Bờ vai gầy, đôi mắt nọ,  bờ môi…
Tặng ta cái bóng thời si dại
Tràn ngập lòng xe ấm chỗ ngồi

Giờ đây, tháng chín vàng bên ấy
Bên này, có kẻ lại bậng khuâng
Cầu xưa mấy nhịp dài sông nước
Có nối dùm ta nỗi nhớ mong

 

 

Đêm từ biệt VN                         

 

Lăn chiếc phuy dầu lên cá lớn
Trời ơi, ta từ biệt Việt Nam
Việt Nam. Đêm ấy đêm trừ tịch
Có những con người lại cách ngăn

Chào những đường thân, những lối quen
Những hàng cây rũ lá bên thềm
Chào cây cầu đá qua thành phố
Chào những bờ hiên, những cột đèn

Chào ai, lầm lũi trong đêm lạnh
Cơn gió giao mùa chớm lá xuân
Người về cho kịp đêm đoàn tụ
Ai lại lên đường. Ai lặng câm

Vẫn biết lần đi là bỏ hết
Là phủi tay. Cháy túi. Sạch trơn
Quay nhìn lại: Em còn bóng nhỏ
Ngọn đèn vàng lạnh một dòng sông

Về đi. Em nhớ đừng ôm mặt
Rồi thắp giùm anh một nén nhang
Con có hỏi anh. Em hãy chỉ
Mây dịu dàng trôi giữa mênh mông

Về đi để tiếp đời cô phụ
Tiếp mảnh hồn khô héo nhớ nhung
Mai mồng Một, cắn răng đừng nấc
May cuộc đời tươi đẹp mùa xuân

Về đi để trả bài ma quỷ
Những đau thương câm nín chất chồng
Em hãy lấy ngày này giỗ kỵ
Một ngày nào chim đã bặt tăm

Về đi, kẻo máy tàu đã nổ
Như những người ôm ngực con tim
Trong khoang chật, nghe chừng nín thở
Anh hùng đâu. Một nỗi lặng thinh
Gió trừ tịch hú dài Bãi Giá
Đập mạn thuyền, sóng vỗ buồn tênh
Đêm vượt thoát ai ngồi nín thở
Cả quê nhà, mờ nhạt hai bên

Lăn chiếc phuy dầu lên cá lớn
Trời ơi, ta từ biệt Việt Nam
Việt Nam. Một vệt mờ xa thẳm
Một chút rưng rưng bật xé lòng

Việt Nam. Tối quá, không đèn lửa
Ta ở trên thuyền ngực vỡ toang
Một nỗi buồn như đông đặc lại
Một nỗi vui oà vỡ cả hồn

Là lúc biết mình như thoát nạn
Sáng chân trời, hồng rực vầng dương
Là lúc, thấy mình như bất hạnh
Sắp làm người không có quê hương

Là lúc lòng dửng dưng chờ đợi
Nỗi dửng dưng buồn bã lạ lùng
Như thể trong một trời chuyển động
Một giọt sương cô độc tận cùng  (*)

 (*) Khi thấy con tàu CS đuổi theo, nghĩ đến một lần tự tử, nhìn xuống biển. Không thấy biển mà chỉ cảm nhận một con người Việt Nam bị săn đuổi bị bủa vây, bị hành hạ, bị tròng vào cổ mà kéo như con thú , và cuối cùng, là một lần nhắm mắt, cô độc như một giọt sương…

 

 

Đêm ra biển

 

Đêm ra biển,  đêm dậy đàn. Đêm tuyệt mộ
Đêm lạy Trời lạy Phật lạy Ba Ngôi
Đêm lên thiên đàng hay địa ngục, đêm ơi
Đêm chới với lằn ranh miền sống chết
Đêm rất lặng mà đêm tru thảm thiết
Đêm hiền từ mà đêm nổ lòng ghe
Đêm sóng gào mà đêm lại nín khe
Đêm gió dữ mà bình an nhắm mắt
Đêm nước mặn mà ngọt ngào nỗi chết
Đêm quá dài mà ngắn chớp tử sinh
Đêm ơi đêm, một cõi u minh
Đêm bật khóc nhìn chúng tôi tự sát…

 

 

Đi về

 

Đi về biết chở gì theo
Chở theo vạt nắng bên đèo vào xe
Đi về, tôi chở mình ên
Bạn đường đã bỏ sau triền cận sơn…

 

 

Ngày vàng

 

Còn lại hai vợ chồng già. Xa lộ
Đi về, buồn ngủ, đường lại xa
Vợ tiếp chồng
lái cho chồng ngủ
Gió lộng ngoài
gió lộng u u

Mắt ta vẫn ráo, sao không ngủ
Xe vẫn lao vào chốn tối đen
Trong cõi vô cùng như nín thở
Em cất lời,  tiếng hát lênh đênh

Đêm vẫn đêm dài đêm không ngủ
Người vẫn đi về cùng cõi mông mênh

 

 

Gốc nhớ

Sân nhà ta cỏ mọc hoang vu
Những gốc dại cứ kiên trì bám đất
Như  nỗi nhớ cứ bám vào trí óc
Muốn nhổ hoài càng nhảy ngọn xanh um

Mà vườn nhà thì quá đỗi mênh mông
Bầu trời xám, quạ gọi bầy đi ngủ
Cầm chiếc cuốc, cuốc hoài gốc cỏ
Làm sao bứng hoài gốc nhớ trong ta ?

 

 

Lính tiền phương

 

Khi ra trận ta là thằng chết trước
Tổ quốc ghi ơn,  lãnh tụ đẹp lòng
Khi tìm vợ, ta là thằng chạy chót
Nên khó lòng ấp vợ đẹp trong chăn…

 

 

Kinh nghiệm

 

Ở một nơi có quá nhiều anh hùng
Tay lãnh tụ thường là tay sợ chết
Ở một nơi có quá nhiều kẻ chết
Kẻ xúi nhiều thường là kẻ sống lâu

 

 

Thời gian ơi đừng vội

 

Thì mỗi ngày vẫn lối cũ đường quen
Những bánh lăn của cuộc đời chưa mỏi
Thong thả nhé thời gian ơi đừng vội
Ta chưa về thăm hết những thân sơ
Quà đất trời còn dư dật, no nê
Cuộc đời vẫn đầy những bất ngờ lý thú
Vẫn lóng lánh như một trời tinh tú
Vẫn đam mê như nhựa sống hồi xuân
Những con bồ câu vẫn nhảy tung tăng
Những nhịp sắt vẫn reo dòn dưới bánh

Thì buổi sáng ta chào tay buổi sáng
Thì hoàng hôn ta chào lại hoàng hôn
Chào cuộc đời khi trời đã chớm thu
Thong thả nhé thời gian ơi đừng vội !

 

 

Khi qua Cai Lậy

 

Chắc mẹ gọi em về nhà ăn cơm
Em mải mê theo cánh diều đồng cỏ
Em đợi gió. Cả một trời  nín thở
Gió ơi gió về đẩy cánh diều lên
Cho thân diều nâng với mây bay lên
Bay lên nữa, vào tận cùng trời đất
Chặt dây nhé kẻo diều bay vuột mất
Thả cho vừa sợ gió đập diều đau
Mắt ngập trời xanh, mây trắng phiêu du
Tóc bay xõa như đuôi diều rối rít
Tội nghiệp em, giữa cánh đồng – cõi chết
Chú học trò còn nấn ná ham vui…