Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

NHẢY MÚA ĐỂ CHẾT (kỳ 4)

Tiểu thuyết

Nguyễn Viện

Hành trình một

Sự kiếm tìm mang màu sắc của đạo. Và hắn đang đứng lại cho một cuộc chia tay vĩnh viễn với dâu bể là dâu bể và cho dâu bể. Hắn bàng hoàng nhận ra dâu bể nôm na cũng là những biến động từ vựng và nó làm thay đổi cốt cách con người. Làm thay đổi sinh mệnh lịch sử. Thay đổi tận căn cơ sự đối mặt với các thành lũy văn hóa.

Hành trình hai

Hắn đứng trước cô hai và khẩn cầu: “Cửa ơi, hãy mở”. Nhưng cô hai đã mặc xong quần áo và nói: “Chìa khóa trong tay anh”. Hắn biết rằng tự thân hắn sẽ không bao giờ mở được cánh cửa đó. Chiếc chìa khóa sẽ không có giá trị gì nếu cánh cửa đã tự khóa. Chỉ có sự mặc khải mới phá vỡ được cánh cửa đã hoen rỉ kia. Nhưng sự mặc khải chỉ đến cho những ai chờ đợi nó trong thầm lặng. Cửa. Ơi. Hãy. Mở. Không bao giờ. Không bao giờ có một ẩn ngữ hay mật ngôn thay thế cho toàn bộ tiếng nói. Nhưng tiếng nói vẫn cần một chìa khóa để mở ra cái diễn ngôn toàn triệt.

Và một con chim bị thương

Tất cả mọi triết gia trên mặt đất đều cho rằng sự im lặng mới là cái diễn ngôn tối thượng của tiếng nói. Trong một vài trường hợp cũng có thể đúng. Sướng mà không rên. Đau mà không nói. Nhắm mắt cho cảm giác tập trung vào một chỗ. Suốt một buổi sáng, qua một buổi trưa, và hết cả một buổi chiều, con cu của hắn liên tục được cọ xát bởi tất cả mọi thứ có thể của cô tư. Và cho đến tối, con cu của hắn đã phồng giộp. Mất sướng đến gần một tháng để cho con cu mọc da non lại.

Mặt đất

Hắn muốn kêu lên: “Mặt đất. Mặt đất…” khi cô hai cưỡi trên người hắn phi ngựa. Cảm giác không một nơi bám víu mới chông chênh làm sao. Cô hai bảo: “Sắp tới rồi”. Hắn không thể biết “tới” là tới đâu trong khi cô hai vẫn vó nhịp hải hà trên người hắn. Mọi giấc mơ của con người dường như cũng chỉ hồ đồ thơ dại trong một vài ngôn từ cảm thán trong trận tiền sinh thể. Rất bình dân như “sướng quá”, “chết mất”…

& mặt chuột

Không cháy nhà cũng ra mặt chuột. Trong thời của chuột, chuột có tính tập đoàn. Đã tập đoàn thì tất nhiên phải đoàn kết. Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết. Chuột cũng có họ có hàng, có chú có bác, có cô có cậu, có anh có em… Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết. Thế là chuột thống lãnh nhà mèo.

Cái đồ mèo

Chỉ được cái mẽ.

Nhưng dù thế nào, em vẫn yêu anh

Hắn viết:

“Cách tân văn chương (hay cách mạng xã hội) đích thật không bao giờ là thay đổi một khuôn mẫu này bằng một khuôn mẫu khác, mà chỉ có thể là gợi ý cho những khai phá không bao giờ ngừng nghỉ”.

Cô hai bảo hắn không biết làm chính trị. Vì hắn không biết sử dụng chiêu bài. Nhưng đấy cũng là điều làm cho cô hai yêu hắn.

Nhắm mắt chỉ thấy…

Chết mẹ rồi. Quanh háng hắn mọc đầy đồi mồi.

Cô tư nói: “Anh đã già tới cái cuối cùng”.

Cô ba bảo: “Vẻ đẹp của thời gian”.

Cô hai chỉ thở dài.

…toàn khẩu hiệu

Đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ, không chỉ ở những câu cảm thán đơn sơ và tràn đầy cảm xúc, mà còn ở những khẩu hiệu đầy máu lửa. Không thể đếm hết các xác chết đã chồng chất quanh các khẩu hiệu như “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”, “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “Tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”… Thời buổi kinh tế thị trường, hắn cũng tự tìm cho mình một cái slogan bên cạnh các loại giày dép, nước giải khát, băng vệ sinh phụ nữ…

Đây là slogan của hắn: “Cứ thử thì biết”.

Người đàn ông đích thực

Cô ba bảo: “Không cần thử em cũng biết anh thế nào”. Hắn nói: “Ừ. Anh chỉ là một cọng bún”. Cô ba tiếp: “Một cọng bún thiu”. Hắn thừa nhận: “Ừ. Từ lâu rồi”. Cô ba lại bảo: “Ăn bún thiu đau bụng”. Hắn nói: “Ừ. Đừng ăn”. Cô ba đột nhiên đổi giọng: “Nhưng lúc nào nằm với em, anh cũng xuất tinh được là sao”? Hắn cười: “Bí mật của chủ nghĩa duy ý chí”. Cô ba bảo: “Em không tin”. Hắn lại cười: “Đã gọi là chủ nghĩa duy ý chí thì em tin làm gì”. Cô ba vẫn thắc mắc: “Hiện trường hiện thực là cái gì”? Hắn không trả lời.

& công nghệ làm hàng giả

Hắn viết:

“Chính trị là một công nghệ làm hàng giả đẻ ra mọi thứ công nghệ làm hàng giả khác”.

Cô hai bảo: “Tinh trùng của anh không mùi”.

Cô ba nói: “Tinh trùng của anh không phải màu trắng”.

Cô tư dường như có kinh nghiệm hơn: “Tinh trùng của anh không có tính nhân dân”.

Một lần khác, hắn viết:

“Không thể tìm thấy sự thật khi con người có tính đảng”.

Cô hai bảo: “Không mùi là một vấn nạn của bản sắc dân tộc”.

Cô ba nói: “Không phải màu trắng thì có thể là bất cứ màu gì”.

Cô tư khẳng định: “Không có tính nhân dân nhất định là phản động”.

Một cách nhạy cảm

Thi sĩ các loại bảo tên hắn “nhạy cảm”, không thể xuất hiện trên sách báo in trong nước. Vì thế, văn đàn nội địa chỉ còn toàn bọn “lãnh cảm”.

Về lãnh cảm

Rất mực lề phải (nhân văn và cao cả) trong cả việc làm tình.

Hắn viết:

“Vì thế, tôi đã kéo con chim của mình lên ngọn cột cờ cho nó tập bay. Dù sao, con chim cũng bay được tí chút vì nó là giống có cánh. Nhưng cũng như một số phận tôi đòi, con chim của tôi chỉ bay được loanh quanh trong phạm vi giới hạn của khúc dây mà tôi đã buộc vào chân nó. Tất cả những cô gái hàng xóm của tôi đều bảo: “Con chim của anh giỏi lắm”. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, con chim sẽ tự biết cách cắt dây bay đi mãi mãi”.

Cô hai bảo: “Anh còn một con chim bị thương trong quần”.

Hắn nói: “Đó là một số phận không bao giờ được giải thoát”.

Chạy cũng không thoát

Hắn bắt đầu tập chạy. Và hắn nhận ra chạy không chỉ là một động tác thể dục tốt cho cơ thể, mà chạy còn giúp cho tinh thần luôn ở một trạng thái sẵn sàng biến mất. Cách mà binh pháp gọi là “tẩu vi thượng sách”. Cô tư bảo: “Thật ra, người ta có hai cách chạy. Một là “chạy chọt”, nhằm đi tới giải quyết một vấn đề; hai là chạy đi, bỏ của lấy người”. Hắn nói: “Sự vặn vẹo chữ nghĩa là một trò chơi của trẻ con”. Cô tư bảo: “Nhưng cứ chạy như anh cũng không thoát”. Hắn nói: “Đấy chính là sự hàm hồ của chữ nghĩa và sự đa đoan của con người”.

Cô ba hỏi: “Sao anh không tập bò hoặc đi bộ có phải là chắc cú với tình trạng tim mạch của anh không”? Hắn nói: “Bò hay đi bộ cũng chết. Nhanh hay chậm cuối cùng cũng đến một chỗ. Lúc nào thích thì nhanh, không thích thì chậm”. Cô ba bảo: “Hình như bây giờ đang có phong trào sống chậm. Em thấy nó hợp lý hơn. Chậm và chắc”. Hắn nói: “Chẳng có gì chắc, khi nó là một phong trào”.

Cô hai đã lên núi. Gần mây và nhiều gió, cô hai bị sổ mũi vì không kịp thích ứng. Cô hai nhắn tin: “Phải chi có anh ở bên”. Hắn nói: “Anh đã chạy lên tới tầng chín. Và có thể sẽ chạy tiếp”.

Mơ hồ & cụ thể

Có người bảo chống Cộng bây giờ lỗi thời rồi. Có còn Cộng sản nữa đâu mà chống. Nhãn mác xã hội chủ nghĩa chỉ để lừa những thằng ngu. Đây là một chế độ tư bản man dã. Hắn bảo: “Chống Cộng cũng chỉ là một cách nói. Thật ra, người ta trước hết chống lại sự trống rỗng, đồng thời chống lại cái đầy ắp. Và chống lại tác nhân của sự trống rỗng và đầy ắp đó”.

Cô ba nói: “Đây là vấn đề chính trị, không phải triết lý”. Hắn bảo: “Phải. Nói chính xác, phản kháng là chống lại chính quyền. Kẻ đã tước đoạt mọi yếu tính và tạo nên tình trạng trống rỗng. Đồng thời áp đặt quyền kiểm soát không giới hạn tạo nên cái đầy ắp chật chội”. Cô ba nói: “Có thể đó là vấn đề của anh. Nhưng người ta tranh đấu vì những điều cụ thể”. Hắn bảo: “Và người ta cũng chết vì những điều mơ hồ”.

Cô hai nhắn tin: “Sao anh không chúc em ngủ ngon”?

Nhưng vẫn cứ phải chạy

Khi còn ở trong tù, hắn đã tập chạy tại chỗ. Hắn nhớ lại mình đã bỏ chạy như thế nào khi mới bị bắt về đồn công an phường và nghĩ sẽ đến lúc phải chạy thật sự. Người tù già ăn chung với hắn khuyên: “Cần luyện tập để giữ gìn sức khỏe. Muốn làm gì cũng cần phải tồn tại cái đã”. Sau này, các anh công an văn hóa tư tưởng cũng thường xuyên nhắn nhủ: “Muốn viết thì việc trước tiên là hãy giữ gìn mạng sống”. Nhưng cô hai lại bảo: “Nếu không làm được điều mình muốn thì thà chết đi còn hơn”.

Hắn nghĩ, có những việc không thể chờ. Mặc dù những việc làm đó không giải quyết được gì ngoài chính cái ý nghĩa của nó. Chạy là một giải pháp giải tỏa ức chế. Chạy là biến một khao khát trở nên khát khao hơn. Chạy là phủ nhận thực tại này đến một thực tại khác. Chạy là vượt qua giới hạn. Chạy để tự tử.

& chạy nhanh vẫn hơn

Quản giáo vào phòng giam gọi tên từng phạm nhân và bảo chuẩn bị đồ đạc để chuyển trại. Ngay tức khắc, hắn và một số tội phạm hình sự khác được chuyển đến một trại lao động cải tạo cưỡng bức. Lán trại làm bằng lá. Mỗi lán trại khoảng trên dưới một trăm người. Nằm trên sàn cây đầy mấu mắt. Không có điện. Tất cả phạm nhân đều được phân chia tự canh gác lẫn nhau cả ngày lẫn đêm. Cũng giống như khi còn bị tù giam, tại trại cải tạo hắn cũng chơi riêng với một số người. Trong số này có hai người là bạn của học trò hắn. Họ thường được cắt cử đi lao động chung với nhau. Hai người này bày tỏ ý định trốn trại với hắn. Hắn bảo: “Chờ thời cơ thuận lợi”. Dịp may cũng đến, đội của hắn được yêu cầu cử ba người đi làm cỏ cách trại hai cây số. Trong số ba người được phân công có hai người bạn trẻ. Và họ dễ dàng đi một hơi về thành phố. Để lại một chút phiền lụy cho mọi người.

Cán bộ quản giáo bảo: “Các bạn hãy hát thật to lên”. Và họ đã hát thật to. Thật vang. Đêm ở đồng hoang mênh mông. Có bao nhiêu người cảm thấy chua chát? Có bao nhiêu người muốn quên đi sự đày ải? Có bao nhiêu người muốn được yên vui? Hắn không biết. Ngồi ở hàng cuối, hắn nắm tay cô y tá của trại. Thì thầm bằng những cái bóp nhẹ.

Từng người trong đội của hắn bị lôi ra đánh bằng những cây tre, có khi bằng báng súng.

Nhưng không có bằng chứng nào về việc trốn trại có tổ chức.

Một ngọn nến

Lớp học xóa mù chữ do trại tổ chức. Hắn được phân công làm thày giáo. Ok, cũng tốt. Học trò khoảng mười cô cậu trộm cắp, bụi đời. Hắn bảo: “Các em ráng học để ít nhất có thể đọc được các bảng cấm”. Ngoài việc dạy chữ, đôi khi, hắn cũng kể cho học trò nghe những câu chuyện cổ tích về đạo làm người. Đám học trò không tỏ ra quan tâm. Bọn chúng đi học để trốn lao động, thế thôi.

Nhưng cô y tá ở phòng bên cạnh bảo: “Em đã nghe anh nói”. Hắn nói: “Anh cũng không biết anh nói gì. Mặc dù anh biết, anh đã nói cho em”. Cô y tá bảo: “Nghe giọng và cách anh nói, em hiểu. Và em thấy vui”. Hắn cười bảo: “Ừ, ở chỗ heo hút này, cần đốt lên một ngọn nến”. Cô y tá cũng cười: “Sến”.

Việc giao du với cô y tá chỉ có thể xảy ra khi khám bệnh. Mà cơ hội khám bệnh thì không nhiều. Cho nên, ngọn nến đốt mãi không sáng.

Mùa phục sinh

Vào mùa xuân, mặc dù nắng khô hạn, nhưng phía sau núi có một dòng suối và cây cỏ tươi tốt. Cô hai lùa đàn dê xuống thung lũng và dựng một cái chòi. Đàn dê được thả rông phóng túng và chúng vui sướng với lá xanh và nước. Cô hai đã cảm thấy từ sâu thẳm niềm hưng phấn trở lại. Những mạch máu thắm tưng bừng. Những dòng sữa xanh tuy chưa xuất hiện nhưng cũng đã rộn ràng trong hai bầu vú. Và nước nhờn dưới háng thì luôn luôn ẩm ướt. Đây là thời gian của cô. Những mảnh rời của thân thể cũng được sắp xếp vào đúng vị trí của nó. Những ký ức được hồi phục. Cô hai nối lại quá khứ với tương lai tạo nên sự thông suốt trong hiện tại. Và tâm linh rực sáng. Cô hai nói: “Em đã sẵn sàng”. Đây là mùa của dâng hiến. Máu sẽ gọi máu. Và sữa sẽ hòa trộn. Thời gian không là khoảng cách. Thung lũng tràn hơi sương. Dù ở tận trời cao hay ngập sâu trong lòng đất, tiếng lục lạc thầm kín nhớ nhung vẫn vang vọng. Và cô hai để mình tuôn trào trên ngọn cây.

Cho những ai tin vào thượng đế

Cô y tá cấp cho hắn tờ giấy về thành phố khám bệnh. Thế là hắn ung dung chuồn khỏi trại tù. Không tốn sức chạy. Nhưng hắn vẫn tự nhủ, chạy là một giải pháp thượng thừa cho những kẻ vô gia cư tìm sự an lạc. Và cần phải tiếp tục tập chạy. Nhưng dù sao, ở một nhà tù rộng lớn hơn thì cũng sẽ ít điên hơn. Hắn hài lòng về điều đó. Cũng không bao giờ quên điều đó. Một tù nhân mãi mãi.

Đối thoại với trời xanh

Hừ… hừ…. Hừ. Hừ… hừ… hừ… hừ… hừ… hừ… hừ… hừ… hừ… hừ… hừ… hừ… Hứ… hứ… hứ… hứ…. hứ… Hự. Hự. Hừ…...................................................................

Hứ. Hự. Hừ…………………………………………………………………………….

Và cuối cùng chỉ còn những tiếng thở thoi thóp.

Làm thế nào để sống trong một cái thùng?

Những người bạn hắn nói: “Cứ gõ vào bất cứ chỗ nào trên cái thùng. Ít nhất chúng ta cũng nhận được tín hiệu của mình”. Hắn cười bảo: “Chẳng phải là chúng ta đã luôn luôn nói chuyện với đầu gối”? Những người bạn lại nói: “Đó là biện pháp chống ngủ gật”. Hắn bảo: “Thật ra, không thể chống lại cơn buồn ngủ. Vì tất cả mọi người đều đã ngủ”. Những người bạn vẫn tiếp tục: “Chỉ cần một người không ngủ, sẽ không ai ngủ được”. Hắn cười: “Thực tế, người ta vẫn đang ngủ”. Những người bạn kiên nhẫn: “Thì đánh thức họ dậy”. Hắn bảo: “Không ai đánh thức được ai khi người ta không tự thức”. Những người bạn bắt đầu nổi nóng: “Dân nào chính quyền ấy. Đáng chết”. Hắn lại cười: “Ừ. Người ta đã chọn như thế”.

Và hắn nhận ra để có thể tồn tại trong một cái thùng thì yêu cầu trước tiên là phải biết cách vặn vẹo ngôn ngữ để không phạm vào lỗi lầm “lợi dụng tự do dân chủ”.

Dấu ấn thời đại

Đó là quyền thể hiện mình trên mạng thông tin toàn cầu. Hắn không biết ai là tác giả của cụm từ “nhà báo công dân”. Nhưng quả thật, nhà báo công dân đã xuất hiện. Anh ta chính là dấu ấn của thời đại, đặc biệt trong các xã hội độc tài toàn trị. Sự có mặt của anh ta, trước hết xóa mọi mặc cảm, mọi sợ hãi nơi chính anh ta, đồng thời khẳng định sự dấn thân và tính cộng đồng trong tư cách nhà báo. Anh ta là mặt trái của thông tin chính thống, nhưng là lẽ phải của xã hội. Anh ta có mặt mọi nơi mọi lúc. Chặt đầu này, anh ta mọc đầu khác. Anh ta bất tử. Và anh ta khai tử mọi chế độ độc tài. Bởi anh ta là sự thật.

Chân dung một nhà báo công dân

Hắn gặp cô một vài lần trong những ngày cao trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Hòang Sa – Trường Sa. Cô có vẻ điềm tĩnh khác hẳn những bài viết sắc và mạnh trên blog của cô và nhóm các nhà báo tự do như cô. Cả hai lần gặp với ý định biểu tình đều thất bại. Nó bị trấn áp bởi một chính quyền được coi là có truyền thống chống xâm lược. Cô hỏi mọi người: “Liệu chúng ta có thể tiếp tục biểu tình mà không bị bắt hay không”? Không ai trả lời. Cô hỏi tiếp: “Liệu chúng ta có được mọi người hưởng ứng tham gia không”? Ai cũng biết câu trả lời là gì. Và cô nói: “Trong lúc chờ cho thời cơ chín mùi. Tôi nghĩ điều có thể làm được hiện nay là mỗi người hãy tự biến mình thành một nhà báo…”. Hắn cảm nhận được những chân dung “nhà báo công dân” với ý thức tự do và phẩm cách con người nổi dậy trên mạng. Họ làm chứng cho chân lý và cho chính họ. Hắn cũng cảm nhận về cô như một con người không khoa trương nhưng có thể quyết tử cho sự lựa chọn của mình. Sự lựa chọn mang đến nhiều hệ lụy. Cô bị làm khó dễ trong việc cư trú, đi lại và làm ăn. Bị bắt giữ tra hỏi. Những áp lực đủ kiểu trong cuộc sống. Để thực thi quyền công dân của mình trong một chế độ độc tài đòi hỏi người ta không ít dũng cảm.

Bình thường & không bình thường

Cô hai hỏi: “Nhân vật nữ nhà báo công dân mới xuất hiện là ai vậy”? Hắn nói: “Đó chỉ là một biểu trưng của lương tâm”. Cô hai không giấu sự ghen tuông: “Ngay cả một nhân vật mang tính biểu trưng như thế, anh cũng xác lập một giới tính nữ”. Hắn nói: “Phụ nữ đang lên trên tất cả mọi lãnh vực và ở tất cả mọi nơi”. Cô hai ậm ừ. Hắn nói tiếp: “Không phải chỉ vì yêu phụ nữ, mà anh nghĩ rằng, phụ nữ thật sự là biểu tượng cho sự an bình, lương tâm và tha thứ”. Cô hai bảo: “Chung quanh anh có quá nhiều phụ nữ”. Hắn nói: “Chỉ là những nhân vật”. Cô hai bảo: “Anh không bình thường”. Hắn hỏi lại: “Tại sao lại cứ phải bình thường mới được”?

Nhân vật

Cô hai nói: “Em không thể chịu đựng nổi ý nghĩ là một nhân vật của anh”. Hắn bảo: “Bất cứ ai cũng có thể là một nhân vật và thực tế bao giờ cũng là một nhân vật”. Cô hai nói: “Em không là một trong số những nhân vật của anh. Em là em”. Hắn bảo: “Tất nhiên, em không thể là ai khác. Mặc dù thế, chẳng ai thoát được là một con số trong danh mục nào đó. Vua cũng có danh mục”. Cô nói: “Biết vậy. Nhưng thà em không tăm tích”. Thật ra, không hẳn là ghen tuông, cô hai luôn cảm thấy mình vượt qua dãy thống kê, cô thuộc về một bản thể sâu thẳm. Nó đày ải cô vào sự sống và dự phóng một số phận phi thường. Nhưng ngay cả như thế, cô vẫn là một nhân vật. Và hắn chọn cô làm chủ đề trung tâm với vòng xoay ngôn ngữ.

Của lời

Mặc dù cô hai không làm thơ, viết văn hay bất cứ thứ gì liên quan đến chữ nghĩa, nhưng những gì cô hai nói đều bao hàm một ẩn ngôn lộng lẫy và mê hoặc. Có thể vì cô hai quen tiếp xúc với đất trời cây cỏ và đàn dê nghễnh ngãng mà cô đã nói được thứ tiếng nói khác. Thứ tiếng nói của máu và linh hồn. Thứ tiếng nói đã biển đổi cô thành nắng cháy và cát bỏng. Hắn đã nghe được thứ tiếng nói đó từ cô với lòng thành khẩn của kẻ khát. Và hắn nhận được ơn cứu độ từ một ngọn núi rất xa.

Vô tận

Buổi chiều trong thung lũng. Cô hai gọi đàn dê về bằng cách quơ cây gậy trên không và hú một tiếng dài. Cỏ lá đã làm cho đàn dê no nê. Và cỏ lá cũng làm cho đàn dê buồn ngủ.

Còn biết bao dặm đường hoảng hốt về vô tận. Cô hai đi nhặt ít củi rồi ra suối với một con dao.

Có hai thằng nhóc đang tắm. Cô mặc nguyên quần áo nhảy xuống suối. Một thằng nhóc nói: “Ba em bảo chị gan dạ”. Cô hai cười: “Không, chị nhát lắm. Có chuyện gì cứ bay lên trời là xong”. Thằng nhóc kia nói: “Dóc tổ”. Cô vẫn cười: “Tụi mày tập bay cũng được mà”. Cô nhớ lại lời hắn: “Khi hai người ôm nhau thì họ có thể bay lên được”. Nhưng thằng nhóc nói tiếp: “Chị bay thử đi”. Cô nói: “Không cần thử”. Thằng nhóc hỏi: “Chị có người yêu không”? Cô hai hỏi lại: “Sao lại hỏi chuyện đó”? Thằng nhóc: “Muốn biết vậy thôi”. Cô hai bảo: “Có cả một đàn dê yêu chị”. Thằng nhóc hỏi: “Chị làm tình với chúng à”? Cô hai bảo: “Không cần”. Thằng nhóc vẫn cắc cớ: “Thế sao chị bảo chúng yêu chị”. Cô hai bảo: “Thì cũng giống như thế”. Một thằng nói: “Không hiểu”. Thằng kia nói: “Tao biết rồi”. Thằng nhỏ hỏi lại bạn: “Mày biết sao nói nghe coi”? Cô hai lừ mắt nhìn hai thằng nhóc: “Cấm nói bậy”. Thằng nhỏ vẫn giục bạn: “Nói đi mày”. Cô hai trở lên bờ, về chòi.

Trong lúc cô hai ăn cơm, thằng nhóc lớn đến. Nó đã thay quần áo tươm tất và đem đến cho cô một con cá nướng gói trong lá chuối, bảo: “Em bắt được dưới suối”. Cô hai nói: “Ngồi xuống đi. Ăn luôn”. Thằng nhóc ngồi xuống nhưng không ăn, nó bảo: “Dành cho chị”. Nó nhìn cô và đôi khi lúng túng. Cô nói: “Lúc nào thích thì cứ đến chơi. Bây giờ về đi”. Không nói gì, nó về.

Trưa hôm sau, thằng nhóc lại đến trong lúc cô ngủ trưa. Nó ôm cô. Cô để yên. Bất ngờ cô xoay người dí con dao ngang cổ nó, hỏi: “Mày sợ không”? Nó nói: “Không”. Cô cắt một chỏm tóc trên đầu nó bảo: “Cảnh cáo”. Nó lủi thủi ra về. Nhưng ngày hôm sau nó vẫn đến và mang cho cô một nải chuối xanh, nó bảo: “Giú ít ngày sẽ chín”. Cô hỏi nó: “Muốn uống nước không”? Nó nói: “Không”. Rồi về.

Trưa nào cũng đến, nó giúp cô làm vài thứ lặt vặt. Cô bảo: “Ở đây chị thờ ma. Cho nên đứa nào lộn xộn là bị ma vặc cổ đó”. Thằng nhóc cười: “Người còn không sợ, sợ chi ma”. Cô hai hỏi: “Tại sao mày không sợ chị”? Nó nói: “Vì tôi yêu chị”.

Cô hai bảo: “Ngày mai cấm đến”.

Kẻ sát nhân

Cô hai không cấm được ngày mai. Hắn đã từng viết ở đâu đó: “Ngày mai là một phạm trù của hy vọng”. Bởi thế thằng nhóc đã đến từ trước khi ngày mai đến. Nó chui vào mùng cô và nhất định không chịu chui ra. Nó cương quyết nói: “Chị cứ cắt cổ tôi đi”. Nhưng cô hai không phải là kẻ giết người. Tuy nhiên, sáng hôm sau, người ta thấy xác thằng nhóc bị đàn dê cắn nát.

& mùi

Từ lúc trời còn tờ mờ, mùi cô hai đã tỏa tràn thung lũng. Đàn dê lồng lên. Chúng kêu be be vang động đến tận những hang sâu. Và chúng hít thở bầu không khí nồng nàn dâm dục ẩm ướt ấy từ vành tai đến móng chân. Và cũng như mặt đất hồi sinh, chúng băng lên sườn núi và tiếp tục kêu la. Và cỏ lá cũng chung niềm phấn khích, hân hoan và tươi mới trong sương sớm.

Cô hai thay quần áo và cầm cây gậy trên tay. Mùi dê hăng hắc đầy trời. Cô hít một hơi và thở ra trở lại. Không khí bỗng trở nên êm dịu và chen lẫn vào đó là hương của hoa, mùi ngai ngái của lá, hơi mát của dòng suối và một chút khí lạnh của núi.

Cô nói với hắn: “Một ngày mới an lành cho anh”. Và cô đi theo đàn dê lên sườn núi. Cô nghe rõ tiếng kêu vang lừng của chúng và cô mỉm cười.

Phục sinh

Các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ ở Việt Nam hầu như chưa đủ khả năng vận động qui tụ quần chúng. Dầu vậy, cô nhà báo công dân đã đến nhà thờ ngày Chúa phục sinh. Và dân của Chúa đã nhận ra cô giữa vòng vây của quỉ dữ. Và họ đã bảo vệ cô. Cũng như cô đã nhận được ánh sáng phục sinh từ Chúa.

Của lửa

Gần một chục công an xông vào nhà cô nhà báo công dân. Họ ngang nhiên lục sóat nhà và thu giữ máy tính, máy chụp hình, điện thọai di động, tòan bộ giấy tờ, tiền bạc.

Công an: “Mời chị theo chúng tôi về cơ quan làm việc”.

Cô nhà báo: “Có giấy mời không”?

Công an: “Không cần giấy mời”.

Cô nhà báo: “Không có giấy mời tôi không đi”.

Công an: “Chúng tôi nói lần cuối, nếu chị không đi, chúng tôi sẽ cưỡng bức”.

Cô nhà báo: “Các anh không có quyền”.

Một công an bẻ tay cô, hai người khác kè hai bên và họ đẩy cô lên xe.

Tại đồn công an, họ viết cho cô cái giấy tạm giữ với một lý do không thể xác định “Làm rõ một số vấn đề”.

Công an: “Chị cho biết quan hệ với những ai”?

Cô nhà báo: “Quan hệ với ai là chuyện cá nhân của tôi. Tôi không có nghĩa vụ phải trả lời”.

Công an: “Nhân vật “Hắn” trong các email của chị là ai”?

Cô nhà báo: “Là một nhân vật hư cấu”.

Công an: “Các cô hai, cô ba, cô tư là ai”?

Cô nhà báo: “Đó là những nhân vật hư cấu của hắn”?

Công an: “Tại sao chị lại chọn ngày lễ phục sinh để đến nhà thờ”?

Cô nhà báo: “Tôi không chọn mà đó là nghĩa vụ và niềm vinh dự của các tín hữu”.

Công an: “Tại sao chị lại chọn nhà thờ đó”?

Cô nhà báo: “Tôi không chọn nhà thờ mà Chúa chọn tôi”.

Công an: “Chị âm mưu gì với các ông cha ở nhà thờ đó”?

Cô nhà báo: “Không thể nói đi lễ nhà thờ là âm mưu”.

Công an: “Tại sao chị không đi nhà thờ khác”?

Cô nhà báo: “Đó là quyền của tôi”.

Công an: “Chị đã nói gì với họ”?

Cô nhà báo: “Chúng tôi đã nói với nhau bằng lời cầu kinh giữa nhà thờ”.

Công an: “Số tiền hơn một ngàn đô trong túi chị, do tổ chức nào cung cấp”?

Cô nhà báo: “Đó là tiền công lao động của tôi”.

Công an: “Chị làm cái gì”?

Cô nhà báo: “Viết báo tự do”.

Công an: “Viết cho những báo nào”?

Cô nhà báo: “Các anh đi tìm mà đọc”.

Công an: “Ai móc nối cho chị làm việc”?

Cô nhà báo: “Lao động kiếm cơm là phạm tội à”?

Công an: “Tôi hỏi ai móc nối giới thiệu cho chị”?

Cô nhà báo: “Tôi không cần ai tìm việc cho mình”.

Những câu hỏi tương tự được lập đi lập lại bởi nhiều công an khác nhau trong năm ngày liền. Trước khi được thả về, họ yêu cầu cô cam kết không được tiếp xúc với các linh mục. Cô từ chối điều ấy và nói: “Các anh không có quyền cấm tôi làm những việc pháp luật không cấm”.

Khúc ruột thừa

Cô tư nộp sổ xin tạm trú tại Công an phường đã ba ngày vẫn chưa thấy đồng chí cán bộ công an nào có ý kiến gì. Thời hạn Visa ba tháng một cũng chỉ còn 5 ngày nữa là hết. Không có giấy phép tạm trú, không thể xin gia hạn Visa. Cô tư nói: “Chắc vài hôm nữa anh phải đi Campuchia với em”. Ra khỏi nước rồi quay trở lại, bắt đầu một thời hạn Visa ba tháng khác, đó là cách cuối cùng để cô tư chứng minh mình là khúc ruột nghìn dặm của quê hương. Hắn nói: “Sao em không chi cho thằng công an khu vực ít tiền để nó lo liệu”? Cô tư bảo: “Em không chịu nổi cái kiểu phải hạ nhục mình như vậy”. Hắn nói: “Nhưng anh không đi với em được. Con cu bị giộp đi lại cọ xát rất đau”. Cô tư hỏi: “Vậy phải làm sao? Em không muốn đi Campuchia một mình”. Hắn nói: “Em bỏ vào phong bì 200 ngàn, đưa cho thằng công an khu vực bảo nó làm giùm”. Chẳng đặng đừng, cô tư đi tìm công an khu vực và xem ra mọi việc cũng đơn giản hơn cô nghĩ.

Chất bôi trơn

Hắn viết:

“Chất bôi trơn có nhiều loại, thông thường người ta sẽ nghĩ ngay đến các loại dầu nhớt cho xe cộ và các loại máy móc, 20% người được hỏi cho biết ý kiến. 5% số người được hỏi lại nghĩ ngay đến kem bôi trơn để làm tình chỗ hậu môn hay dùng cho phụ nữ khô âm đạo. Nhưng có đến 70% số người được hỏi đã liên tưởng đến việc hối lộ. Trong trường hợp này, chất bôi trơn là tiền và có thể áp dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau.

Một xã hội như Việt Nam, không thể vận hành được nếu không có chất bôi trơn này trong toàn hệ thống”.

Đôi khi cũng mắc kẹt ở đâu đó

Một chữ tìm không ra. Một hình tượng không rõ rệt. Một ý nghĩ sương khói. Một cảm thức mù kín. Một hốt hoảng. Một chần chừ. Và tất cả những điều ấy dồn đẩy cô ba vào một cái khe bải hoải. Và cô xếp bằng ngồi tọa thiền trước giá vẽ. Phía ngoài mí mắt khép, hiện lên một vầng sáng màu đỏ. Khối màu đỏ lớn dần cho đến lúc nó bao trùm hết không gian. Ở sát mặt đất, màu nâu đen cựa quậy và nó bắt đầu cuộc tranh chấp với màu đỏ. Nhưng màu đỏ vẫn đè bẹp nó xuống. Màu nâu đen tìm cách bốc hơi và nó biến thành màu khói. Màu khói di chuyển theo các đường rãnh của sớ vải và nó tạo ra các vết lốm đốm rêu mốc. Màu đỏ bị phân hủy nhưng vẫn để lại các xá lợi lóng lánh. Cần phải tiếp tục, cô ba tự nhủ. Nhưng đâu là cái cốt lõi, đâu là bối cảnh? Đột nhiên những xá lợi từ từ chuyển động và nó móc nối trở lại với màu đỏ, màu nâu đen, màu khói và cả những vết lốm đốm rêu mốc.

Một con chuồn chuồn

Cô ba đã vẽ một con chuồn chuồn mà không bắt đầu bằng một ý niệm về chính con chuồn chuồn. Cũng không bắt đầu bằng ý tưởng về đôi cánh hay sự bay. Mà về sự chuyển động của màu sắc. Bởi thế con chuồn chuồn của cô ba không phải một con chuồn chuồn theo hình dạng bên ngoài của nó hay theo đặc tính của nó, mà đó là con chuồn chuồn của sự đặt tên. Nghĩa là nó có thể là bất cứ con gì. Nhưng tại sao cô ba gọi tác phẩm đó là con chuồn chuồn thì hẳn nhiên phải có một mối quan hệ nào đó giữa nội dung tác phẩm và cái tên. Có lẽ cô ba cũng không thể giải thích điều gì. Tuy nhiên, cô ba nói: “Đôi khi cũng mắc kẹt ở đâu đó một con chuồn chuồn”.

Về phương diện lý thuyết

Hắn viết: “Chỉ những kẻ ngớ ngẩn mới tin vào thuyết chính danh”.

Nói chuyện với đầu gối

Có một bên là lề phải, dù đáng vất. Có một bên là lề trái, cũng không phải là tất cả. Con chuồn chuồn hỏi hắn: “Có lề giữa không”? Hắn trả lời: “Có cái ở giữa, nhưng không gọi là lề. Có khi đó là cái khe, cái rãnh, hoặc lòng đường. Vâng, một lối đi chung”. Con chuồn chuồn lại hỏi: “Sao ông không đi chung”? Hắn bảo: “Chân của tôi đã bị chặt mất rồi”. Con chuồn chuồn: “Không đi thì bò”. Hắn bảo: “Thật ra, đi hay bò cũng không khác gì nhau”. Con chuồn chuồn hỏi: “Ông muốn gì”? Hắn bảo: “Tôi muốn con chuồn chuồn chết đi”. Con chuồn chuồn lại hỏi: “Tại sao ông muốn nó chết”? Hắn bảo: “Vì nó đang mắc kẹt ở đâu đó”. Con chuồn chuồn nói: “Tôi sẽ tặng ông đôi cánh”. Hắn bảo: “Cánh chuồn chuồn không dùng được cho con người”. Con chuồn chuồn: “Tôi sẽ tặng ông một bầu trời thênh thang”. Hắn bảo: “Bầu trời là một khái niệm đã bị đánh tráo”.

N.V.