Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

NGƯỜI KHÔN NGOAN

Truyện

Phùng Thành Chủng

Hôm đó tại nhà riêng của mình , ông giám đốc tổng công ty Trịnh Phò phải tiếp một người khách khá đặc biệt. Đó là một thanh niên khoảng ngoài hai mươi tuổi, ăn vận lịch sự, đúng mốt. Sau khi được mời vào, câu đầu tiên anh ta nói với ông:

“Xin lỗi ! Tôi không nhầm nhà chứ ạ? Ông… là Trịnh Phò…?”.

Thấy cách “đặt vấn đề” của anh ta như vậy, ông giám đốc tổng công ty không khỏi cảm thấy khó chịu. Thay vì phải trả lời, Trịnh Phò hỏi lại:

“Anh gặp tôi có việc gì?”.

Không để ý đến thái độ của Trịnh Phò, anh ta dõng dạc:

“Thứ nhất, tôi đến yêu cầu ông bố trí tôi về công ty ông làm việc. Thứ hai- anh ta nhấn mạnh - với chức danh: tôi sẽ là phó giám đốc công ty…”.

Chỉ cần một chút thiếu bình tĩnh, Trịnh Phò đã mời anh ta ra khỏi nhà, nhưng ý nghĩ “Nếu không phải là một kẻ mắc bệnh tâm thần thì cũng thuộc diện đầu gấu” thoáng nhanh trong óc ông tổng giám đốc . Nhìn từ đầu tới chân anh ta, ông mỉm cười diễu cợt:

“Trình độ học vấn của anh?”.

Anh ta thản nhiên:

“Dở dang trung học”.

“Lý do không học tiếp?”.

“Không thích!”.

“Trình độ ngoại ngữ?”.

“Không!”.

“Trình độ chuyên môn ?”.

“Không!”.

… Cứ sau mỗi câu trả lời của anh ta, ông giám đốc tổng công ty Trịnh Phò lại gật gật đầu. Rồi, như bỗng sực nhớ ra, Trịnh Phò đột ngột chuyển hướng:

“À, xin lỗi! Họ tên anh là gì nhỉ? Tôi chưa có hân hạnh đựơc biết quý danh!”.

Anh ta lặng lẽ lấy ra từ túi áo ngực bên trái một chiếc phong bì, đặt lên bàn và lạnh lùng bảo Trịnh Phò:

“Trong này là tất cả những gì mà ông muốn biết về tôi…”.

“Thì ra là một kẻ hợm của” - Trịnh Phò nghĩ thế! Nhưng, ông không ngờ anh ta lại có thể hợm đến mức trắng trợn như vậy.

Không cần chờ xem phản ứng của Trịnh Phò ra sao, anh ta đã đứng dậy và tiếp:

“Tôi cho một đêm nay để ông suy nghĩ. Hẹn ông đúng bảy giờ sáng mai, cũng tại đây, tôi sẽ đến để được biết ý kiến của ông. Tạm biệt”.

Đến nước này thì ông giám đốc tổng công ty Trịnh Phò thật sự không còn tin ở mắt, ở tai mình nữa. Tất cả những chuyện vừa xảy ra với ông mà nghe cứ như bịa. Phải mất một lúc lâu sau đó, ông mới lấy lại được thế cân bằng như người vừa bước ra từ một giấc mơ…

Thấy chỉ còn một mình chồng ngoài phòng khách, Trịnh phu nhân vội vàng bước ra. Trịnh Phò cầm lên chiếc phong bì không đề tên người gửi, được dán kín, đưa cho vợ:

“Thử xem thằng này nó định mua tôi với chiếc ghế phó giám đốc bao nhiêu? Vàng lá, đô hay là tín phiếu?”.

Trịnh phu nhân ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, tay run run mở phong bì trong khi Trịnh Phò rút một điều thuốc lá, định mồi để tìm cho mình phút thư giãn thần kinh nhưng lại không thấy bật lửa. Vừa lúc đó chuông điện thoại réo vang. Đầu dây đằng kia không phải ai khác- chính là thằng “mất dạy” vừa ở đây ra - chính hắn!

“Tôi nghe” - Trịnh Phò muốn tỏ cho anh ta biết qua giọng nói, sự khó chịu của mình. Nhưng, ông nghe thấy từ đầu dây đằng kia:

“Xin được thông báo: Trong khi chờ biết ý kiến của ông, tôi đã tạm thời giữ hộ ông chiếc bật lửa. Mong rằng ông sẽ chọn cho mình một quyết định đúng đắn. Và cũng xin được trả lời câu hỏi cuối cùng của ông: Tôi - Nguyễn Thiên Tử…”.

“Lại thế nữa!”- Trịnh Phò giận dữ cúp máy.

Vừa lúc đó Trịnh phu nhân hốt hoảng chìa cho Trịnh Phò chiếc phong bì:

“Này mình…”.

… Trái với dự đoán của Trịnh Phò, trong phong bì không có vàng, đô, tín phiếu gì hết, mà chỉ là một tờ giấy học sinh với hai gạch chéo đè lên trên một hình vẽ trông vừa như chiếc bánh quấn thừng vừa như lá bùa của các thầy pháp (phù thuỷ) và một dấu chấm hỏi (?) có tính chất như một biếm hoạ nặc danh. Bên dưới, nơi vẫn thường dành để ghi lạc khoản là dòng chữ:

“Chào thân ái,

Người gửi: Nguyễn Hoàng Thiên”.

“Phải báo ngay cho công an mình ạ! - Trịnh phu nhân lên tiếng - Bằng chứng là bút tích của nó còn đây…”.

Thấy chồng vẫn đứng lặng như trời trồng, Trịnh phu nhân tiếp:

“À, nó có hẹn với mình bảy giờ sáng mai nó đến. Hay là…”.

“Đồ… lưu… ma…anh…” - Trịnh Phò giận dữ rít qua hai kẽ răng. Nhưng, chừng như sực tỉnh, ông thảng thốt lắc đầu và xua tay ra hiệu còn mồm thì ú ớ như bị cấm khẩu.

***

Chuông đồng hồ điểm 23 giờ. Trịnh phu nhân thức giấc thấy chồng vẫn chong đèn ngồi trước bàn làm việc. Quay mặt vào tường, Trịnh phu nhân thở ra khe khẽ và lại thiếp đi…

Chuông đồng hồ ngân nga buông năm tiếng, Trịnh phu nhân choàng dậy. Trịnh Phò vẫn ngồi trước bàn làm việc. Trời mờ mờ sáng. Vốn quen phục tùng và đã biết tính chồng, Trịnh phu nhân lặng lẽ đi chuẩn bị bữa sáng rồi lại bên chồng dịu dàng:

“Mình thức trắng đêm sao?”.

Trịnh Phò ngẩng lên âu yếm nhìn vợ và chỉ cho Trịnh phu nhân một dòng chữ trong cuốn sách mở sẵn để trước mặt. Đó là trang có vần K (xếp theo thứ tự chữ cái A, B, C…) của cuốn từ điển Tiếng Việt phổ thông. Theo tay Trịnh Phò chỉ, Trịnh phu nhân đọc được hai từ: KHẨU KHÍ. Thấy chồng vui vẻ, Trịnh phu nhân thở ra nhẹ nhõm. Như vậy có nghĩa là Trịnh Phò đã tìm được giải pháp tối ưu và đã có chủ ý.

Trịnh phu nhân nhẹ nhàng:

“Em đã dọn bữa sáng, mình nghỉ tay rồi đi ăn, kẻo nguội…”.

Suốt bữa ăn, cũng như sau đó khi ngồi ở phòng khách, Trịnh phu nhân không hỏi và Trịnh Phò cũng không thông báo cho vợ biết gì về quyết định của mình.

Đúng bảy giờ, người khách bất hảo xuất hiện.

“Như đã hẹn, tôi đến để được biết ý kiến của ông”- Anh ta lên tiếng với một thái độ bất cần.

Câu trả lời như đã được chuẩn bị sẵn, buột ra khỏi miệng Trịnh Phò:

“Tôi chấp nhận”.

“Và với chức danh phó giám đốc?”.

“Phó giám đốc” - Trịnh Phò lặp lại như một cái máy!

“Như vậy là ông tỏ ra biết điều. Bây giờ…”- Anh ta lấy chiếc bật lửa ra để lên bàn - “… Xin gửi lại ông”.

Trịnh phu nhân hoàn toàn bất ngờ trước thái độ và cách xử sự của chồng. “Chẳng lẽ…”.

... Nhưng sau đó khi chỉ còn có hai vợ chồng, Trịnh Phò đã ôn tồn giải thích:

“Không để mất chiếc bật lửa của mình. Đó là cách xử sự của một người khôn ngoan”.

***

… Ba tháng sau, kể từ ngày Nguyễn Thiên Tử nhậm chức phó giám đốc công ty, Trịnh Phò nhận quyết định thăng lên chức vụ trưởng. Thay thế Trịnh Phò, không ai khác là Nguyễn Thiên Tử.

Nhân dịp này, vợ chồng Trịnh Phò tổ chức một cuộc chiêu đãi tại nhà riêng. Trong số quà tặng tân vụ trưởng hôm đó có một chiếc hộp gồm một tá - mười hai chiếc bật lửa, kèm theo một mảnh giấy với dòng lạc khoản:

“Chào thân ái và quyết thắng

Nguyễn Hoàng Thiên”.

Không hề ngạc nhiên về món quà đặc biệt đó, Trịnh phu nhân nói với chồng:

“Mình… quả là một người khôn ngoan!”.

Đáp lại, Trịnh Phò cũng mỉm cười nhìn vợ:

“Và cưng, cưng cũng đã trở thành… một người khôn ngoan!”.