Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Cũng cần có nhau (chương chín)

Hoàng Xuân Sơn

N h ữ n g K i n h N g h i ệ m H ã i H ù n g

H Ồ N V Í A U M I N H

Có những kinh nghiệm suốt đời để lại trong chúng ta những dấu ấn khiếp đảm, hãi hùng. Của thế giới ảo, và thực. Khởi đầu là thế giới mộng mị chập chờn. Thế giới lượn lờ những hồn ma bóng quế.

Nhắc tới lời thiêng ứng vào vận bạn Ngô Vưong Toại nhà ta trúng đạn phải nằm viện mất mấy tháng trời, không thể nào không kể đến thế giới hoang đường trong khu vườn cỏ. Nơi đây, CPS/Quán Văn, chốn cư ngụ của bọn giang hồ tứ chiếng chúng tôi; xưa kia, thời Tây, là khám lớn cũ : nhà giam giữ và hành quyết tội đồ. Sau khi Tây bỏ đi, khu vực này trở nên hoang tàn, um tùm cỏ cây lau lách. Chu vi này chỉ được khai quang vào thời Đệ Nhất Cọng Hòa, làm nơi triễn lãm công cộng với những dãy nhà tiền chế như đã nhắc ở đoạn đầu. Bởi vậy, huyền thoại về một thế giới vưởng vất tà mị có khi trở nên là sự thật (!?). Không mấy ai tin thế giới hoang đường thần bí là có thật. Nhưng có những sự kiện và biến cố xãy ra không thể nào không đặt để một dấu hỏi lớn. Cho dù đối với người bình tâm nhất. Một vài anh em trong bọn tôi đã thấy ma và bị ma nhát. Phải chăng là sự thật hay chỉ là đắm hồn trong một cơn mê hoảng?

Người đầu tiên là Nguyễn Phùng (Phùng nhỏ). Một hôm nằm nửa mê nửa tỉnh, Phùng nghe tiếng xiềng xích khua loảng xoảng và mơ màng thấy có nhiều bóng người di động chung quanh giường bố. Mở mắt ra nhìn kỹ thì không thấy gì hết. Tiếng động cũng im bặt luôn. Nhưng hễ cứ chợp mắt là cảnh cũ tái diễn. Phùng sợ quá, thao thức trằn trọc cả đêm. Một lúc mơ màng thiếp ngủ, bỗng nghe như có người lay thức dậy. Phùng mơ hồ thấy hình dạng một phụ nữ bận áo dài hoa cao cổ, đeo chuỗi hạt lóng lánh, tóc chải phồng dợn sóng theo thời trang thập niên 50, đứng tựa cửa nhìn Phùng nhoẻn miệng cười. Phùng chết lặng người. Và mãi hôm sau nín thinh không nói năng gì. Chỉ thấy cu cậu lẳng lặng mua sắm hoa quả bánh trái về bày một góc phòng, lên nhang đèn, lâm râm khấn vái. Gặng hỏi. Phùng mới thuật lại mọi điều tai nghe mắt thấy cho anh em tỏ tường. Dù là giang hồ hảo hớn, nam nhơn vạm vỡ, nhiều đấng mày râu nghe xong chuyện ma cũng co rúm người lại. Chắc chắn tối nay có kẻ không thể ngủ yên. Là ai? Là ai ? Là . . . TÔI !!!!!!!

Cái đêm hôm ấy, dù không làm việc gì nặng nhọc trong ngày, không hiểu sao tôi bỗng lăn quay ra ngủ giấc mệt mề. Trong cơn mê ngủ chập chờn, ai đó rót âm nhạc vào bên tai, có lúc nghe êm đềm, có lúc nghe chát chúa. Giật mình mở mắt nhìn quanh chẳng thấy gì. Chỉ thấy các bạn đồng phòng đang cơn say ngủ. Nhắm mắt thiu thiu lại nghe tiếng nhạc chen lẫn tiếng cãi cọ rất ồn ào. Bắt đầu nghe lạnh gáy, cơn sợ thấm dần, trùm mền kín mít. Tiếng đôi co lớn dần . . . lớn dần và đột ngột chấm dứt bằng một hồi trống chiêng, phèng la rơi loảng xoảng. Một, hai, ba . . . đánh bạo kéo mền khỏi mặt, nhìn trừng trừng vào khoảng tối: Tất cả đều lặng thinh trừ tiếng thở kéo đều những giấc ngủ say. Sự kiện này chỉ xãy đến với tôi một hôm. Rồi thôi. Đồ rằng có anh em nào đùa dai, sử dụng máy phát thanh làm trò biến ảo. Vặn hỏi. Nhưng tất cả bộ mặt đều ngơ ngác. Không tìm thấy câu trả lời.

Chưa hết . Sự kiện xãy ra bên dưới trụ sở Ca Đoàn Nguồn Sống (CĐNS) mới thực sự làm tăng mối sợ hãi của những kẻ cứng bóng vía, cho chuyện thần tiên ma quỷ chỉ là chuyện đùa, bịp bợm.

Ở một xế trưa đẹp trời chan hòa nắng, mọi người bỗng thấy một xe cứu thương đổ xịch ngoài đường Lê Thánh Tôn, có người khiêng băng ca vào văn phòng CĐNS. Ai nấy nhốn nháo. Hóa ra một ca viên của CĐNS bị ngất xỉu được xe cấp cứu chở đi bệnh viện. Sau khi người này hồi tỉnh, nguyên nhân được thuật lại như sau: Trưa hôm ấy, khi ngồi trực bàn trong văn phòng ca đoàn ( CĐNS có đông đảo anh chị em thành viên sinh hoạt, luôn luôn có quan khách và thân nhân thăm viếng ), anh bạn này tiếp một cụ già râu tóc bạc phợ mặc bộ đồ lụa trắng tới hỏi thăm một ca viên X nào đó. Anh bạn trả lời ông cụ rằng hôm nay ca viên X đi vắng. Xin cụ để lại danh tánh để báo cho người thân. Trong lúc lúi húi biên chép, nhìn trật xuống dưới bàn, anh bạn nhận thấy ông cụ vẫn còn đứng đấy. Nhưng chỉ với hai ống quần trắng phất phơ, không thấy bàn chân đâu cả!!! Anh bạn này sợ quá, lăn đùng té xỉu. Mọi người xúm lại vực dậy, gọi xe cứu thương cấp kỳ. Khiếp quá. Ma hiện giữa ban ngày ban mặt giời ạ!

Và đây mới là hiện tượng khủng khiếp nhất trong những hiện tượng ma nhát ở khu CPS:

Một buổi tối Quán Văn đông khách. Mọi người đang tâm tình nhỏ to bên ly cà phê tí tách giọt, bỗng nghe một tiếng thét thất thanh từ phía hậu liêu, dãy nhà vệ sinh, phòng tắm của CPS. Một bóng người trần truồng vụt chạy ra đứng giữa đám đông khách hàng, thở hỗn hễn, trên thân còn dính đầy bọt xà phòng. Hóa ra Nguyễn Huỳnh. Huỳnh toàn thân run lập cập, miệng lắp bắp: Ma . . . Ma . . . ! Tôi không tin con người hiền hậu, đứng đắn như Nguyễn Huỳnh phịa chuyện. Phải có một cái gì đó bất thường!? Sau một lúc hoàn hồn, Huỳnh cho biết lúc đang tắm, mắt nhắm, ngửa mặt lên vòi bông sen, khi nước chảy trôi hết thuốc gội đầu; Huỳnh mở mắt ra chợt thấy trên trần nhà một khuôn mặt người to bằng cái nia sàng gạo, đỏ ong như sáp nặn, màu máu tươi, nhếch miệng cười rộng tới mang tai !!!!!! Huỳnh sợ té đái, rú lên, cứ thế tông cửa nhà tắm chạy ra trần truồng như nhộng. Bọn tôi ai nấy đều run theo cái sợ của Nguyễn Huỳnh: Những khuôn mặt tái mét, cắt không ra một giọt máu.

Ôi chẳng biết đâu là sự thật! Có chăng một thế giới ma quỷ vô hình? Cho đến bây giờ, chuyện quỷ thần thiêng liêng lộng hành vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Bán tín bán nghi. Cũng lắm khi mình sợ bóng sợ vía. Thần hồn nát thần tính. Nhưng ngần ấy sự việc xãy ra chứng tỏ khu tứ giác CPS là một địa linh khác thường. Chúng tôi vẫn hằng tâm niệm nơi cư ngụ này là một vùng đất thiêng. Luôn có quỷ thần che chở cho người lành. Đôi lúc họ, những người thuộc thế giới bên kia chỉ hơi bông đùa một tí tị với những kẻ yếu bóng vía (bông đùa kiểu đứng tim chết người như chơi!). Nhưng bù lại, bạn hãy tin này nhé: Những người bị nạn bom đạn như Ngô Vương Toại, như Bùi Hồng Sĩ, như Hoàng Xuân Sơn . . . đều tai qua nạn khỏi. Hơn thế nữa, Việt Cộng vẫn thường pháo kích vào dinh Gia Long, dinh Độc Lập, đạn pháo rớt cả vào khuôn viên CPS nhưng chưa hề phát nổ. Có buổi sáng sớm anh em thức dậy sau một đêm dài chui rúc tránh đạn pháo kích (tránh vào đâu?!), ra vòi nước ngoài vườn đánh răng rửa mặt đã nhìn thấy nhiều trái đạn pháo cắm vào đất mềm, đuôi đạn còn lồi ra ngoài (hú vía!), phải báo cáo với cơ quan an ninh đến tháo gỡ.

Bây giờ, để tôi thử làm thầy bói mù một lần coi chơi: Đa số những anh chị em xuất phát từ mảnh đất thiêng liêng này dù là Văn Khoa, CPS, Nguồn Sống, Hội Họa Sĩ Trẻ v. v. đều thành danh và thành công trên đường đời. Chủ yếu phát về văn nghệ, chính trị và quản trị. Nhưng có một điều, nhìn lại quãng đời đã qua, ông thầy « sờ voi » này không khỏi giật mình khi nghiệm thấy rằng không ít anh chị em chưa bước qua ngưỡng cửa tuổi thọ đã lặng lẽ ra đi vì bệnh tật: Nguyễn Huỳnh, Hoàng Xuân Giang, Hoàng Ngọc Tuấn, Đỗ Ngọc Yến (Văn Khoa/CPS/Quán Văn) – Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Trịnh Công Sơn (CPS/Quán Văn) – Lưu Trọng Đạt, Ngô Văn Tính (?) ( Quán Văn/Quán Thằng Bờm) – Hoàng Cơ Trường (?),Đặng Tường Vy và còn ai nữa (Ca Đoàn Nguồn Sống) – Nghiêu Đề, Mai Chửng, Lê Thành Nhơn (Hội Họa Sĩ Trẻ ) . . . Trịnh Cung một lần sém bị! [1]

Âu cũng là luật bù trừ: Có phát, có tàn! Xin những bạn còn tại thế đừng run en! Nhiêu đó đủ rồi! Những anh em bằng hữu đã ra đi từ trước sẽ phù hộ cho chúng ta rong chơi nốt cuộc ải trần gian vui ít buồn nhiều này. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Sơn ơi!

C H Ạ M M Ặ T T Ử T H Ầ N

Ở đời, không có kinh nghiệm nào mà không phải trả giá. Nhưng kinh nghiệm mà phải trả bằng ngần tính mạng của mình thì quả là đắc giá. Và hãi hùng: Kinh nghiệm Ngô Vương Toại và viên đạn thù phía bên kia.

Cuối thu, đầu đông năm1967, nối tiếp sự thành công rực rỡ từ Quán Văn; Trịnh Công Sơn/Khánh Ly (TCS/KL) tái xuất hiện. Địa điểm lần này là Đại học Văn khoa Saigon (trường mới, ở đường Cường Để). Bằng vào sự thiết trí hệ thống âm thanh cực kỳ to lớn của những người bạn văn nghệ Đan Mạch (Cao SơnNguyễn Văn Tấn nhớ là của Juspao Hoa Kỳ?), đêm TCS/KL tại Đại học Văn khoa hứa hẹn nhiều pha hấp dẫn và sôi nổi. Sôi nổi là vì đêm sinh hoạt này nhằm hỗ trợ cho mùa tranh cử Ban Đại Diện Sinh Viên Văn Khoa niên học mới. Bạn Ngô Vương Toại nhà ta ứng cử vào chức vụ Phó Chủ Tịch Nội Vụ của một liên danh có nhiều khuôn mặt quen thuộc ở Văn khoa như Phạm Tài Tấn, Phạm Đông Bách,Bùi Bảo Trúc, Phạm Vân Bằng v. v. Toại kiêm luôn phát ngôn viên và người điều khiển chương trình tối hôm đó. Không khí thật là nhộn nhịp người lui kẻ tới, pha lẫn chút gì căng thẳng. Khán thính giả ngồi kín Giảng đường 1 (lớn nhất ở trường mới), đông ken, lan cả ra ngoài hành lang chung quanh. Thậm chí tràn cả dưới sân, nhấp nhô đầu người, tiếng nói cười lao xao. Bầu không khí yên lặng trở lại khi các bạn người Đan Mạch đồng ca một bài hát bằng tiếng nước mình. Nghe cũng kỳ thú. Và rồi TCS/KL tiếp nối. Lại say sưa hát, say sưa thưởng ngoạn. Lại những tràng pháo tay nổ ran. Và đêm trường, một lần nữa chứng kiến sự hòa nhập cao đỉnh của tuổi trẻ và lớp lớp con tim mang cùng nhịp điệu.

Sau một chuỗi ca khúc TCS/KL lóng lánh sáng, trước giờ nghỉ giải lao, anh TCS mời Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang và tôi lên sân khấu cùng hát bài Đi Tìm Quê Hương. Dù đã xuất hiện trước đám đông nhiều lần, lần này tôi vẫn cảm thấy run en như thường trước một lượng khán thính giả quá đông đảo. Tất cả ánh sáng đều được giảm xuống độ mờ tối đa. Chỉ còn những hình nhân nến, lung linh , chao đảo theo từng lời ca.

Người nô lệ da vàng ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ

Ngủ quên , quên đã bao năm

Ngủ quên, không thấy quê hương

Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích nô lệ trói buộc hờn căm

. . . . . .

Người nô lệ bước đi, đi tìm giòng sông

Người nô lệ bước đi, đi về đồi non

. . . . . . .

Đi cho thấy quê hương. . . . . .

Hát. Nhắm mắt lại. Ngủ quên. Bước đi cơn đau dài du mộng. Thức dậy. Và đêm. Rồi cũng qua đi.

Mở bừng mắt. Quê hương vẫn đấy – người vẫn đây. Mà hồn chìm khuất tận cõi mơ hồ nào. Linh cảm một điều gì không hay sẽ đến? Người nô lệ – những giọt máu tuôn trên da vàng ?

Khánh Ly hát. Trịnh Công Sơn hát. Hát mãi. Như những mũi tên lao vút. Cho đến khi đèn bật sáng. Đã hết chưa cuộc bể dâu? Chưa hết đâu. Chỉ là trần gian nửa cuộc về. (Giây phút hãi hùng ấy sẽ đến. Sẽ đến? Sẽ đi về đâu? – “ Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời – chợt hãi hùng hoàng hôn trờ tới ”– Trầm Tử Thiêng ).

Giờ giải lao, xuất hiện một đôi nam nữ ăn bận khá lịch sự từ từ tiến lên diễn đàn. Nam: Quần màu sậm, sơ mi trắng, tay thọc túi quần. Nữ : Áo dài xanh lá mạ, đeo kính gọng xếch mắt mèo, tay ôm một chiếc cặp lớn, căng phồng. Ngô Vương Toại đang ở trên sân khấu nói qua về công việc bầu bán ban đại diện sinh viên văn khoa sắp tới.

Nam ngỏ ý xin được góp lời. Nữ đứng sát bên kéo khóa mở cặp. Và rồi trờ tới. Trờ tới nguyên văn: “ Xin tất cả anh chị em yên chí. Chúng tôi đã bố trí chung quanh cả rồi – Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm 7 năm thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam . . .” “Cái gì mặt trận?” Nam nói chưa dứt câu, Toại phản ứng lẹ như chớp; nhanh tay giật lại micro : “Ẩu nà, câm mồm … !”. Quát: “Đứng im!”. Và đoàng doàng, hai phát súng nổ liên tiếp. Tôi hoa mắt thấy thân hình Toại văng bật vào tường dưới bảng đen. Nhiều phát súng nổ liên tiếp sau đó. Nguyễn Văn Tấn tự Tấn Mốc cầm chiếc ghế nhào lên cứu bạn. Và rồi cũng ăn đạn vào chân té quỵ xuống bục.

Một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy trong đời! Những thân người chen lấn, đẩy xô núp đạn hòa trong tiếng la hét, khóc lóc rợn người. Đôi nam, nữ bình thản bước xuống bục sân khấu, rẽ đám đông. Và đi mất hút.

Thoát được ra ngoài. Run như cầy sấy! Giang đâu rồi? Toại ơi! Chết? Chắc chết! Làm sao chịu thấu hai cú đìa-rếch vào người. Không dám nhìn. Chỉ còn nghe tiếng còi hụ xe cứu thương chở bạn mình đi khuất.

Trật tự tạm vãn hồi. Những kẻ chạy thoát ra ngoài, nhốn nháo nhìn vào bên trong giảng đường. Chao ôi là la liệt giày dép, nón áo, giấy tờ, sách báo. Ngổn ngang gò đống hệt một bãi chiến trường. Những người bạn Đan Mạch thu dọn đồ đạc, tháo gỡ hệ thống âm thanh, mặt mày ngơ ngác như vừa được xem xong một vở bi kịch lớn. Một vở kịch với nhiều diễn viên sống động . . .

Leo lên yên sau xe gắn máy của một bạn nào không nhớ. Đèo nhau về trạm Quán Văn bình yên. Đã thấy Trần Hiếu Lai đứng thở hỗn hễn. Hóa ra cu cậu chạy bộ từ văn khoa về nhà. Cái sợ đã làm động cơ thúc đẩy một kẻ bình thường trở thành lực sĩ vô địch điền kinh chạy việt dã!

Khuya tối hôm đó, TCS phải đi lánh nạn nơi khác. Bọn tôi nằm chờ sáng trong nỗi thấp thỏm, lo âu. Cái gì sẽ xãy ra tiếp? Nhưng ngày mai rồi thấy lại mặt trời. Mặt trời mặt trời đã lên – Còn nhìn còn nhìn thấy con người. Xế trưa, tin lành cũng đưa đến: Ngô Vương Toại không việc gì nguy hiểm tới tính mạng. Dù viên đạn quái ác đã xuyên qua năm bảy tầng tạng phủ. Đúng là mạng quá lớn bạn ơi. Bạn còn phải nằm viện điều trị lâu dài. [2]

Để kiểm chứng một khúc rẽ quan trọng. Và để rà soát lại trí nhớ tồi tệ của mình, tôi đã liên lạc với bạn Toại để cả hai cùng quay lại khúc phim thời sự gay cấn hãi hùng ấy.

Khi tôi viết những dòng chữ này, Ngô Vương Toại vừa mới hồi phục sau một cơn tai biến mạch máu não. Bạn ta còn phải tịnh dưỡng, tập tành nhiều để trở lại tình trạng sức khoẻ bình thường như trước. Cầu xin mọi điều an lành đến với bạn mình, người đã gánh chịu muôn ngàn khó khăn mà vẫn luôn luôn yêu đời, yêu người; lạc quan và bền chí.

Trong một thư riêng, chữ viết của Toại có hơi run rẩy, nhưng trí nhớ vẫn còn tốt. Sau đây là trích đoạn về nguyên nhân đưa đến cái giây phút hãi hùng để đời ấy của nạn nhân trực tiếp:

. . . “Sau khi bị ba lần stroke cuối năm ngoái, trí nhớ mình rất tồi, cái được cái quên, lẫn lộn và mấy ngón tay phải vẫn còn tê nên viết khó khăn, chữ xấu . Sẽ tập viết lại .

Sơn nhớ không, năm 1967 phe sinh viên thân Cộngtìm cơ hội phát triển hoạt động mạnh trong môi trường đại học để có thể sử dụng các cơ chế đại học mở mặt trận gây xáo trộn trong thành phố sau khi đã thành công trong việc bao vây nông thôn . Mình hợp tác với anh em sinh viên quốc gia tại Đại học Văn khoa, Luật, QGHC, Sư phạm . . .để chận sự bành trướng đó. Cách hay nhất ngăn làn sóng đỏ là giữ các ban chấp hành sinh viên.

Một liên danh gồm các sinh viên quốc gia được thành lập và để tạo cảm tình với sinh viên văn khoa, mình mời TCS và KL hát. Có hai lý do, vào thời kỳ này TCS và KL là hai nghệ sĩ được yêu mến nhất và mình muốn cho thiên hạ thấy rõ Miền Nam tự do nếu có phải can dự trong chiến tranh là vì tự vệ chứ không phải là phía cổ súy chiến tranh và có lý do để không ngại một loại nhạc chống chiến tranh . ” . . .

Sau khi Toại ngã đạn, Trịnh Công Sơn đã sáng tác ca khúc Nhân Danh Ai, dành riêng cho Ngô Vương Toại. Bài ca lên án những ai dùng bạo lực để cố cướp lấy tính mạng của đồng loại. Mặt dù hồi đó thuộc nằm lòng ca khúc này, đã cùng với Khánh Ly và các bạn Giang,Tuấn, Tự đứng ca trước đầu giường bệnh của Toại đêm Giáng sinh 1967, giờ này tôi cũng chỉ nhớ lỏm bỏm được một câu: Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người – cho máu em cho máu anh tuôn trên da thịt này . . .

Hỏi Toại thì Toại cũng chỉ nhớ ngần này:

Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người

Lũ dơi trời đêm nay vùng biết nói

Nhân danh ai ? anh đến đây bắn vào người

Trong mắt anh, trong mắt em, hãi hùng đầy

Xin nhân loại một ngày, nhủ lòng thương mến nhau

thôi

Nhân danh ai, anh đến đây bắn vào người

. . . .

Trong tim anh, mẹ Việt nằm

Trên nôi chung một màu vàng

Một niềm tin, một giận hờn . . .

Ca khúc này cũng không thấy ghi trong danh mục sưu tập nhạc Trịnh Công Sơn sau khi anh qua đời. Toại cũng đồng ý với tôi họa chăng chỉ có Khánh Ly may ra nhớ được toàn bài. Cũng rất cần, để ghi lại làm chứng liệu. (Nữ Hoàng Sân Cỏ ở đâu đó ới giùm cho một tiếng!).

Bài Nhân Danh Ai chứng tỏ TCS không hề là người của riêng một phe phái. Anh lên án sự xiển dương cho bạo lực dù hành động bắn giết hành hạ đồng loại đến từ bất cứ phía nào.

Toại còn nằm viện dài dài cho đến lúc bình phục hẳn (cũng kéo dài khoảng vài tháng ). Hễ rảnh rỗi là bọn tôi đại Cái Bang Mai/ Giang / (Nhuệ Giang và Hoàng Xuân Giang) Tuấn /Tự /Sơn/ Lai /Tấn . . . vào Bệnh Viện Bình dân thăm viếng ủy lạo bạn ta, dìu chàng đi làm công tác vệ sinh, thay áo quần, đổ bô . . . và hát cho chàng nghe như buổi nào chúng mình vẫn ca hát với nhau. Ôi tình bạn thắm thiết dưòng bao!

Tưởng cũng nên nhắc lại, người điền khuyết chức vụ tranh cử trong liên danh của Ngô Vương Toại không ai xa lạ, chính là Nguyễn Ngọc Ngạn, một tên tuổi văn nghệ quen thuộc về sau tại hải ngoại.

Kể từ khi Ngô Vương Toại bị lãnh kẹo đồng của phía bên kia, tình hình chính trị trong các khuôn viên đại học có mòi căng thẳng, trầm trọng hơn. Chiến tranh nóng, lạnh giữa sinh viên quốc gia và VC nằm vùng đã thò hẵn bộ mặt hung tợn ra bên ngoài: Những vụ bắn giết, thanh toán nhau như cơm bữa đã lần lượt lên khuôn nóng các bản tin thời sự. Những sự việc cụ thể giữa chiến tranh Quốc/Cộng sẽ được thuật lại chi tiết hồi sau .

Viết thêm: Sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (1939-2001), rất nhiều cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài Việt Nam đã loan tin, đăng tải những lời chia buồn bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn người viết thơ ca tài hoa đoản mệnh này. Nhiều tuyển tập bài viết tưởng niệm TCS cũng đã được ấn hành. Tình cờ, một người bạn cho tôi mượn cuốn sách gồm nhiều người viết mang tựa đề TRỊNH CÔNG SƠN-Rơi Lệ Ru Người do nhà xuất bản Phụ Nữ thực hiện tại Hà Nội-Việt Nam. Trong tuyển tập này có một bài báo viết dưới tiêu đề: Trịnh Công Sơn - Người Hát Rong Trên Cõi Tạm, tác giả: Nguyễn Hồng Lam (từ trang 102 đến 124) trong đó có đoạn viết về cùng một khung cảnh, sự kiện xãy ra buổi trình diễn đặc biệt của TCS/Khánh Ly cùng thân hữu mà tôi đã lượt thuật bên trên, nhưng ngòi viết này đã hoàn toàn được bẻ quặt tới một chỗ bịa đặt hoàn toàn vô căn cứ.

Đọc bài báo, thoạt đầu tôi rất phẫn nộ vì tất cả sự thật đều bị bóp méo. Nhưng sau đó lại cảm thấy buồn cười và thương hại cho lối viết ngụy tạo sự kiện một cách trắng trợn, tuyên truyền rẽ tiền, thậm chí ngô nghê, ấu trĩ của một loại chuyên viên bồi bút nào đó. Xin quý bạn đọc vui lòng duyệt lại trích đoạn của tác giả Nguyễn Hồng Lam dưới đây để có thể so sánh và dưa đến một thẩm định đúng đắn :

. . . . . “Sau Sơn, có rất nhiều người hát nhạc của anh. Các ca sĩ Giao Ánh(?!), Thanh Thúy, Thanh Tuyền . . . đều thích hát nhạc Trịnh nhưng thành công hạn chế. Cuối năm 1967, qua bạn bè giới thiệu, Trịnh Công Sơn đã lên Đà Lạt và tìm được Khánh Ly,một ca sĩ phòng trà của xứ sương mù. Với Khánh Ly,nhạc Trịnh nhanh chóng đạt đến đỉnh cao của sự lay động, làm sôi sục lên một tâm trạng căm hờn chán ghét chiến tranh. Để đối phó với phong trào sinh viên phản chiến và tranh đấu, Nguyễn Cao Kỳ đã tung tay chân vào các giảng đường để chỉ điểm bắt bớ và phá hoại. tại Đại học Văn khoa, tên Ngô Vương Toại đã được Nguyễn Cao Kỳ chỉ định làm trưởng một nhóm “thanh niên trừ gian”, thực chất là một tập hợp những tên chỉ điểm mặc áo sinh viên, Toại đã tự đứng ra lập một “Quán văn” tại Đại học Văn khoa(?!), chuyên hát nhạc Trịnh để lôi kéo sinh viên, nhưng chỉ biểu diễn các tình khúc khá ủy mị và đầy nỗi đau thân phận Trịnh viết trước khi vào Sài Gòn tham gia tranh đấu. Để tẩy chay, Trịnh đã dứt khoát không một lần bước lên sân khấu của “Quán văn”, dù Toại nhiều lần cố công nài nỉ. Đêm 20-12-1967,Toại lại tổ chức một đêm ca khúc Trịnh Công Sơn tại “Quán Văn”do Khánh Ly hát. Bất đắc dĩ, Trịnh Công Sơn cũng đến dự đêm biễu diễn này(vì Khánh Ly nài nỉ). Bất ngờ khi NgôVương Toại vừa giới thiệu xong, một nữ sinh viên đã tiến lên cướp diễn đàn. Trước micrô chị dõng dạc: “ Thưa toàn thể anh chị em sinh viên, hôm nay là 20-12-1967, kỷ niệm 7 năm ngày ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam . . .” . Khán thính giả ồ lên, reo hò đã khiến mặt nạ “trừ gian” của Ngô Vương Toại rơi xuống. Y lộ nguyên hình là một tên Việt gian phản động, xách một chiếc ghế gỗ nhảy lên sân khấu quật xuống đầu chị nữ sinh. Nhưng anh sinh viên áo trắng đứng sau chị đã nhanh hơn đá văng chiếc ghế trên tay Toại. Điên tiết Ngô Vương Toại hụp xuống vén ống quần, định rút súng. Nhưng, hai phát đạn từ khẩu súng mới xuất hiện trong tay anh thanh niên đã găm thẳng vào bụng y, hất Toại ngã lăn ra sàn sân khấu. sau này, mọi người mới biết, chị sinh viên kia tên là Út Thanh, đã cùng một đội viên khác của Lực luợng vũ trang Thành Đoàn tiến hành phá âm mưu của những tên chỉ điểm. Ngô Vương Toại may mắn thoát chết, nhưng âm mưu lôi kéo sinh viên xa rời tranh đấu của y và quan thầy thì vỡ tan tành.” . .

____________________________________________________________________

[1] Xin đọc : Cái Huông Của Thời Quán Văn trong Phần Viết Thêm

[2] Sau khi Ngô Vương Toại bị bắn, VC đã tìm cách len lỏi vào bệnh viện Bình Dân để “thịt” Toại tiếp. Nhờ lanh trí, Nguyễn Văn Tấn cùng điều trị ở đây đã hô hoán cứu vãn an ninh kịp thời