Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

TRƯỚC HOÀNG HÔN

Truyện

Nguyễn Đình Bổn

Năm giờ sáng. Chiếc xe “open tour” dừng trước văn phòng hãng. Nguyên cầm cái túi nhỏ theo hành khách xuống xe. Việc trước tiên của anh là tìm một cái quán cà phê cóc kiếm ly đen và hút một điếu thuốc lá. Ngày bắt đầu rạng. So với ba năm trước đây, khi Nguyên và gia đình từng đến trong một mùa hè, con đường dọc bờ biển đã thay đổi nhanh chóng. Phía bên kia đường, ngày xưa là chân đồi với nhiều cây dại nay đã thành những dãy ki ốt bán hàng lưu niệm san sát nhau, tất cả đều đóng kín cửa, những chiếc cửa sắt xấu xí, thô lỗ…

Hút hết vài điếu thuốc, thấp thoáng phía biển đã ửng hồng. Nguyên trả tiền, đi bộ dọc theo con đường, tiến về phía rặng dừa phía trước, nơi có một khách sạn quen mà anh từng lưu trú. Phía bãi biển, dày đặc những nhà nghỉ, khách sạn và những resort sang trọng. Mười phút sau Nguyên đã vượt qua khu vực có những cây dừa cao nhưng anh vẫn chưa tìm ra cái tên cần tìm. Đi thêm chừng vài trăm mét, Nguyên biết chắc mình đã vượt qua, anh quay lại, bắt đầu chú ý thật kỹ từng địa chỉ một và khi nhìn thấy tảng đá lớn nằm khuất vào bên trong sân, có khắc chữ “Suntan Hotel” thì anh biết mình đã tìm đúng địa chỉ. Nhưng cái bảng hiệu đâu rồi? Nguyên nhìn lên, thì ra bảng hiệu đã thay đổi nên trí nhớ anh bị đánh lừa và đi lướt qua. Giờ nó đã mang tên khác: “Before sunset Hotel”! Nguyên bước vào sân khách sạn. Mặc kệ, dù “rám nắng” hay “trước hoàng hôn” cũng là nó. Vô kiếm phòng cái đã!

Còn khá sớm, tiền sảnh vắng ngắt. Nguyên hắng giọng. Một cô gái, chắc là nhân viên tiếp tân ló đầu ra nhìn rồi bước ra, gật đầu chào anh: “Anh lấy phòng? Cho em hỏi anh có đặt trước không ạ?”. Nguyên: “Không, khách sạn này anh quen mà, chị Linh có ở đây không em?”. Cô gái: “Chị Linh đang ngủ. Vậy anh tìm chị Linh hay anh thuê phòng?”. Nguyên: “Anh thuê phòng. Gặp chị Linh sau cũng được. Cho anh cái phòng phía sau nghen”. Cô gái ngồi vào bàn, Nguyên đưa giấy tờ ra làm thủ tục, rồi nhận chìa khóa, bước theo hành lang, ra phía sau, mở cửa phòng. Sau những xung đột, suy tư, giờ Nguyên chỉ muốn ngủ. Anh vất cái túi nhỏ trên cái bàn thấp, cởi bỏ y phục và nằm ra giường, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ…

Khi Nguyên thức dậy, có vẻ đã về chiều. Anh nhìn đồng hồ treo tường, ngạc nhiên thấy mình đã ngủ một giấc khá dài. Sau khi tắm, Nguyên mở cửa ra ngoài. Khách sạn dù nhỏ nhưng vẫn có một không gian thoáng với vườn dừa cao và bãi biển phía sau nhưng có lẽ không có mấy khách lưu trú vì không khí vắng vẻ. Khi anh ra quầy bar nhỏ, ở đó chỉ có bốn người khách, hai khách nam tây ngồi chung bàn và hai người già châu Á ngồi sát quầy, hình như vợ chồng về hưu đi du lịch. Nguyên gọi cà phê, một đĩa mì, vừa ăn uống vừa nhìn ra biển. Nắng vẫn còn chấp chới trên những đầu sóng, thủy triều đang dâng, thấp thoáng những người tắm biển phía xa…

Linh là chủ khách sạn này. Nguyên quen cô qua một người bạn họa sĩ trong lần đưa gia đình đi nghỉ ba năm trước. Linh gốc miền Tây Nam bộ, sống tại Mỹ và đã qua thời xuân sắc. Không biết cô làm gì bên đó nhưng chắc có khá nhiều tiền nên về Việt Nam mua đất làm khách sạn và “sắm” luôn cho mình một chàng trai đẹp, nhỏ hơn Linh chừng hai mươi tuổi, đúng theo “mốt” mấy ông “Việt kiều” già ham vui. Quả là phong cách sống ở xứ tư bản, bình đẳng giới muôn năm!

Ba năm trước, khi gia đình Nguyên đến trong một dịp đưa hai đứa con đi biển, anh có gặp chàng trai đó. Anh ta cao ráo, rất đẹp trai, từng vào một vài vai diễn trong phim truyền hình. Anh ta kể, gặp Linh trong một hội chợ và sau khi quen biết họ yêu nhau. Gia đình Nhân, tên chàng trai, phản đối nhưng anh vẫn đến ở với Linh và hai người sống như vợ chồng tại khách sạn dù họ chưa kết hôn. Nhân có vẻ hiền, lời nói chân thật nhưng khi ấy Nguyên không tin Nhân yêu Linh, người phụ nữ lớn hơn anh hai mươi tuổi, đẫy đà, son phấn lòe loẹt… Nhân cũng từng nói, nếu không chịu nổi áp lực của gia đình và xã hội (Nhân kể ai đến đây thuê phòng mà biết anh là chồng Linh, đều nhìn anh với ánh mắt giễu cợt), anh sẽ ra đi.

Nguyên ra hiệu tính tiền, khi cô phục vụ đến, Nguyên hỏi: “Anh Nhân có ở đây không cháu?”. Cô bé phục vụ lắc đầu: “Dạ, cháu không biết ai tên Nhân”. “Cháu làm ở đây lâu chưa?” “Dạ, cũng một năm rồi”.

Vậy là Nhân đã ra đi, đúng như Nguyên từng dự đoán. Anh lại nhìn ra hướng biển. Ngoài xa, nhiều con thuyền đánh cá nhỏ xíu dập duyềnh, mất hút trong những cơn sóng, nắng chỉ còn sót lại trên những đọt dừa cao, màu nước biển đang ngã xám. Hai người đàn ông ngoại quốc đang uống bia nhưng họ nói chuyện với nhau rất khẽ, như thì thầm. Một cô gái trẻ từ phía trong đi ra, tay cầm hai cái bịch nylon lớn tiến đến chỗ hai người khách châu Á. Nguyên nghe họ dùng tiếng Anh cám ơn cô và đứng dậy, bước xuống những bậc thềm, ra phía bờ biển. Hai người đàn ông tây cũng đứng lên, đi lướt qua Nguyên. Họ dừng lại bên những chiếc ghế dài màu trắng kê sát nơi tiếp giáp bờ biển, cởi bỏ quần áo, chỉ còn mặc quần nhỏ và nắm tay nhau đi ra bãi cát.

Chỉ còn lại mình Nguyên. Cô phục vụ mang thêm nước cho anh, hỏi: “Chú có tắm không, cháu kêu lấy khăn cho chú?”. Nguyên cám ơn, nói không tắm. Bỗng nhiên cô phục vụ kể: “Hai vợ chồng già hồi nãy là hai người Nhật. Họ ở đây cả tuần rồi. Nhưng cháu không hiểu sao chiều nào họ cũng kêu lấy hai cái bịch nylon và đi dọc theo bờ biển lượm rác, mà rác ở xứ mình, biết chừng nào mới lượm hết”. Nguyên cười: “Vậy thì tốt chứ sao cháu”. “Nhưng cháu thấy lạ, người ngoại quốc quá khó hiểu, như hai ông họa sĩ kia, bà chủ nói là người Đức, là đàn ông mà họ yêu nhau lắm đó chú!”. Nguyên lại cười. Thì ra là vậy. Với người Việt, có khi không cần hỏi cũng nhanh chóng biết hết thông tin cá nhân những ai xuất hiện trước mắt mình. Nghe nhắc đến bà chủ, anh hỏi: “Bà chủ của cháu thức dậy chưa? Chú có quen cô Linh”. Cô phục vụ nhìn anh: “Vậy hả chú, nhưng cô Linh vô trong phố rồi, gần sáng mới về”.

Nguyên mua thêm gói thuốc, đứng dậy chào cô phục vụ nhanh miệng và cũng đi về phía bãi biển. Hai người đàn ông đã rời khỏi ghế dài, chắc xuống tắm dưới xa kia. Nguyên ngồi trên bậc tam cấp, nơi tiếp giáp phần sở hữu của khách sạn và bãi biển, bỗng anh nhìn thấy người phụ nữ bán hải sản nướng quen thuộc từ ba năm trước đang gánh hàng đi về phía mình. Người phụ nữ cũng đã nhìn thấy anh, chị bước nhanh thoăn thoắt, sau lưng là đứa bé gái gầy gò tay cầm mấy cái ghế thấp bằng nhựa đi theo. Đặt gánh hàng xuống trước mặt Nguyên, người phụ nữ mời: “Thầy Hai, ăn sò điệp nướng không thầy Hai?”. Nguyên đùa: “Ăn mực trứng nướng hà, chị có không?”. Người phụ nữ đen đúa ngước nhìn anh, hơi ngạc nhiên: “Dạ, vậy chắc thầy Hai đã đến đây rồi, tại em quên”.

Hai mẹ con nhanh chóng đốt lá dừa lượm ở bờ biển, nhóm lò than. Nguyên không còn thấy đói nhưng anh vẫn ăn để vui lòng người phụ nữ anh đã từng gặp trước kia vì biết chị hiền lành, chân chất, đồ ăn lại ngon mà rẻ. Nguyên lại nói: “Lần trước đâu có con bé này. Con gái chị hả?” “Dạ, thầy Hai đến đây lâu chưa?” “Ba năm trước”. Người phụ nữ vừa quạt than, vừa nói: “Hèn chi, lâu dữ rồi. Hồi đó nó còn nhỏ xíu, em mới cho nó đi theo chừng năm nay”.

Nguyên nói: “Ừ, lâu thiệt. Cái khách sạn cũng đổi tên làm tui kiếm mấy lần mới ra, mà sáng đến giờ chưa thấy bà chủ đâu”. Người phụ nữ thấp giọng: “Dà, tội nghiệp cô Linh lắm, cổ đổi tên khách sạn từ năm ngoái, khi cậu Nhân bỏ đi, bây giờ nghe nói tối nào cô Linh cũng đi đánh bài đến khuya, có khi hai ba ngày mới về, người ta còn đồn tùm lum, những chuyện khác…”.

Những con mực nhỏ bụng căng tròn trứng bắt đầu nở bung trên than hồng. Nguyên ăn thật chậm, nhỏ nhẹ thưởng thức cái hương vị ngọt bùi của biển. Hoàng hôn đã xuống thật sự, nước biển dần thẫm màu. Từ xa anh nhìn thấy hai vợ chồng già người Nhật xách túi rác đi dọc theo chân sóng, thỉnh thoảng họ cúi người xuống nhặt… Hai người khách Đức cũng đi từ biển lên, vẫn tay nắm tay, mình mẩy đẫm nước… Ăn xong mấy con mực, Nguyên ra hiệu người phụ nữ đừng nướng nữa, anh nói chiều mai sẽ ăn nhiều hơn, sau đó trả tiền, đi bộ dọc theo bờ biển…

Ra khỏi khu vực bãi biển có nhiều resort là nơi có những nhà trọ bình dân. Ở đây cực kỳ đông đúc, ồn ào. Nguyên cảm thấy vui vui với không khí náo nhiệt. Anh chọn một cái bàn nhỏ, kêu vài chai bia lạnh…. Trăng rất sáng, ngoài biển xa sóng gợn như những lớp vảy bạc như của một bầy cá khổng lồ. Mê mải theo đuổi những ý nghĩ của mình, Nguyên đã đi khá xa chỗ ở và ngồi lại khá lâu, khi anh quay về trời đã khuya. Anh không đeo đồng hồ và có lẽ trăng sáng quá làm quên mất thời gian nhưng cứ dần theo bờ biển mà về, bỏ lại sau lưng sự huyên náo của những hàng quán bình dân.

Qua những bãi biển dài vắng lặng của dãy resort là đến những khách sạn thiết kế như resort mini. Nguyên ngẫm nghĩ về cái cách đổi tên đầy hữu ý của người chủ khách sạn. Before sunset! Trước hoàng hôn ư? Có một cái gì đó tiếc nuối hay một sự chuyển giao? Anh nhớ đến một bộ phim cùng tên đã từng xem. Đó là một phim nặng tính quảng bá du lịch cho Paris nhưng lại khá hay. Hầu như chỉ có hai nhân vật mà nam chính là một tay nhà văn có cuộc sống tưởng chừng bình lặng mà đầy giông bão. Nhưng đó chỉ là thứ giông bão trong một mái nhà, nơi hôn nhân bắt đầu tẻ nhạt tại những đất nước ổn định. Còn anh, còn bạn bè, người thân, xung quanh anh… đời sống lúc nào cũng ngột ngạt như đang đối diện với một cơn giông, người có học thì đang đứng trước những lựa chọn giữa ngả ba, ngả tư đường…

Cái lắc đầu đầy ý nghĩa của cô tiếp tân cho biết chủ khách sạn vẫn chưa quay về. Nguyên về phòng mình, mấy ly bia làm anh mau chóng thiếp đi nhưng giấc ngủ không sâu và choàng tỉnh thấy mình nằm trong bóng tối. Phải mất cả phút sau Nguyên mới hiểu là khu vực này bị cúp điện và do máy lạnh ngừng hoạt động, anh bị ngộp nên thức giấc.

Nguyên ngồi dậy, mở cửa phòng. Trăng vẫn còn rất sáng. Có vẻ anh chưa ngủ được bao lâu. Nguyên mặc thêm áo và bước ra vườn, đi về phía mấy chiếc ghế dài. Bỗng Nguyên dừng lại, anh vừa nhìn thấy có hai thân thể gần như trần trụi đang nằm áp sát vào nhau trên chiếc ghế đôi. Hình như họ đã lim dim ngủ, cánh tay người này vươn ra làm gối cho người kia. Cả hai đều là phụ nữ mà một trong hai người Nguyên vừa nhận ra là Linh, chủ khách sạn. Nguyên định hút một điếu thuốc nhưng anh kịp dừng lại…

***

Rất ít khi ngủ trên xe đò nhưng không hiểu sao lần này anh cảm thấy ngà ngật và lim dim gần như suốt cả chặng về. Xe đã chạy gần hai giờ. Bất ngờ chiếc xe thắng gấp làm Nguyên choàng tỉnh. Ngồi ở hàng ghế gần phía trước nên Nguyên có thể nhìn qua kính trước xe. Trước mắt anh hàng hàng lớp lớp xe đò, xe du lịch đang ùn tắc. Hành khách trên xe cũng ngạc nhiên nhìn ra. Nhiều người phán đoán: “Chắc có tai nạn…”

Chiếc xe khách dừng hẳn. Mặt trời đỏ ối đang xuống dần chiếu qua kính xe làm chói mắt. Tài xế càu nhàu: “Vụ gì đây, về đến thành phố chắc khuya luôn”. Bỗng nhiên từ bên hông xe, từng đoàn người đi về hướng phía trước. Nguyên và nhiều khách ngạc nhiên ló đầu ra nhìn. Những người đi phía dưới phần lớn là phụ nữ và thiếu niên, chỉ có ít thanh niên. Họ ăn mặc tuềnh toàng, áo quần đầy bụi. Họ có vẻ rất vội tiến về trước. Nguyên chụp cái túi của mình, rời khỏi ghế. Người tài xế liếc qua anh nhưng không nói gì, Nguyên mở cửa, xuống xe.

Nguyên hỏi một thiếu niên có vẻ xăng xái đang đi trong đoàn: “Có chuyện chi phía trước vậy em?”. Cậu nhỏ nhìn Nguyên: “Tụi em đi biểu tình, người Tàu khai mỏ ở đây, lấy hết đất của bà con, lại làm hư hết ruộng vườn”. Rồi cậu nhỏ nhìn anh: “Anh là nhà báo hả? Ra trước chụp hình viết bài đi anh”. Nguyên cười như mếu: “Không, anh chỉ là khách du lịch, thấy bà con đông nên xuống coi”. Cậu nhỏ có vẻ không quan tâm câu trả lời, nói tiếp: “Em đi trước đây!”, nói xong cậu xông lên phía trước, vung tay hô vang: “Trả đất cho bà con, bọn Tàu cút về nước!”.

Vượt qua những hàng xe đang kẹt, Nguyên nhìn thấy phía trước bà con đang đứng thành hàng, rất đông. Đối diện họ là cảnh sát cơ động với khiên và nón sắt, áo giáp. Bà con xông tới và hàng ngũ cảnh sát lùi dần. Tiếng xúp lê inh ỏi không át được tiếng hét của những người dân mất đất. Nguyên dừng lại, bà con phía sau xô đẩy anh vào đám đông của họ. Bỗng nhiên Nguyên nhớ một câu thơ dịch, đọc từ hồi sinh viên mà giờ anh đã quên mất tác giả: “Khi nhân dân ngẩng đầu đi đến lao tù, là thời khắc tự do sắp điểm!” .

Bây giờ chỉ mới trước hoàng hôn, nghĩa là hoàng hôn đang đến và cái đêm trước đó, chắc chắn không còn xa xôi nữa!

6/2014