Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Văn học miền Nam 54-75 (204): Võ Hồng (7)

THIÊN ĐƯỜNG Ở TRÊN CAO (KỲ 2)

Phần 4

Tình yêu làm mọi con người lúng túng. Anh Thiết yêu thầm chị Trâm đã

hai năm nay. Chồng chị là thiếu tá Đặng, chết ở mặt trận Quảng Trị. Trên cái đại lộ kinh hoàng đó, xác của Thiếu tá Đặng không biết vùi dập nơi nào. Chị Trâm đã can đảm dấn thân đi tìm xác chồng nhưng đành trở về tay không.

Sau khi chồng chết, chị về nhà cha mẹ mở cửa hàng bán sách. Vì vốn liếng eo hẹp và vì con đường không được thị tứ nên cửa hàng chỉ sơ sài có hai tủ kính đựng sách dựng sát hai bên vách. Những tạp chí thiếu nhi tô màu lòe loẹt và những bản nhạc vẽ vời rực rỡ, được kẹp treo trên hai ba đường dây kẽm giăng ngang. Bán chẳng được bao nhiêu, nhưng nhờ chúng mà người qua đường biết đây là cửa hàng bán sách. Y như cái trống cà rùng khua inh ỏi truớc cửa một rạp hát, thu hút sự chú ý của kẻ bàng quan. Thoạt đầu chị có nhận báo hàng ngày để bán lẻ, nhưng khi giá báo tăng đến 65 đồng một tờ thì cả khu phố không còn ai mua báo để đọc nữa. Tiệm sách nhỏ chỉ còn sống nhờ vào sách tiểu học bán cho học sinh, nhưng rồi đến lượt các giáo viên đi thẳng tới nhà phát hành địa phương mua sỉ sách, nhận huê hồng, rồi đem về bán lại cho học sinh trong lớp mình dạy. Phải kiếm thêm tiền một cách thiếu mã thượng như vậy. Các tiệm sách nhỏ càng trở nên vắng vẻ. Rốt cuộc chỉ còn bán được lai rai bút chì, lọ mực, cái tẩy, cái thước, tờ giấy bọc, tờ khai gia đình, giấy trích lục khai sinh, giấy trích lục khai tử...

Chị Trâm có nét đẹp buồn. Tôi chỉ mới quen biết chị khi chị góa chồng nên không hiểu hồi còn con gái nét đẹp của chị có vui hơn không. Đôi mắt đen khi nhìn thẳng vào ai như có mang theo tiếng nói ân tình. Cái nhìn êm ái đó chừng như được bọc nhung. Nhiều lần tôi nghe những bản độc tấu dương cầm, khi đàn dạo chậm, những nốt thấp tạo thành những tiếng thật êm, thật mềm, ta cảm thấy rõ ràng lớp nhung bọc lên cái guốc vừa chạm vào dây đồng căng thẳng. Và trái tim ta cũng rung lên theo. Đó, cái cảm giác khi tôi nhận cái nhìn của chị Trâm.

Nhiều người đàn ông có cảm tình với chị, có người biểu lộ kín đáo, có người trắng trợn sỗ sàng. Một lần chị bảo tôi:

- Khải để ý cái ông Đại úy hay đậu xe truớc cửa hiệu tôi vào mỗi trưa thứ bảy?

Đậu xe trước cửa hiệu của chị thì có quá nhiều ông, tôi không nhớ ông nào. Chị nhắc chừng:

- Cái ông đại úy lé lé.

- … lùn lùn?

Chị bật cười:

- Đừng giỡn.

- Ông đó, bạn của chị?

Tôi giả vờ hỏi vậy thôi. Xem cung cách chị giới thiệu, tôi đã biết ông ta đóng vai trò gì rồi.

- Một ông khách hàng thôi. Một ông khách hàng ỡm ờ.

- Chắc đến tán chị?

- Đại khái như vậy. Ông ta làm ở ngoài trường Bộ binh. Huấn luyện viên tác xạ hay vũ khí gì đó. Cứ xong buổi làm việc sáng thứ bảy, ông ta lái xe thẳng về đây. Rất đều đặn.

- Thế là một người tình chung thủy.

- Nhưng có ai là tình nhân của ông đâu?

- Có nhiều chớ. Trừ chị. Làm Đại úy, thời này cũng còn có giá trị lắm.

- Có lẽ ông ta cũng nghĩ như Khải vậy. A, xin lỗi Khải, cũng như mọi người vậy. Cho nên ông đinh ninh là tôi cảm mến ông lắm. Ông nói hoài, nói hoài, với cái giọng của đài phát thanh.

Khi người ta không yêu thì người ta có những nhận xét thật tàn nhẫn. Đến chị Trâm là một người tế nhị dịu dàng mà chị cũng phải đi đến những nhận xét tàn nhẫn như vậy. Tôi nói nghịch lại ý chị:

- Nhận định về một người thì phải cho toàn diện. Về hình thức thì ông Đại úy có những nhược điểm rõ ràng đó, nhưng còn phần nội dung. Coi chừng, nhà luân lý thường hay đem trái cây ra làm thí dụ so sánh. Trái dưa hấu vỏ xanh mà ruột đỏ, trái sầu riêng gai nhọn sù sì mà ruột vừa béo, vừa ngọt, vừa thơm.

- Đừng lý luận để cho có lý luận.

- Lạ chưa?

Chị giơ tay ngăn tôi:

- Không có gì lạ hết. Khải đã biết chắc là tôi có xét nội dung rồi, cho dù tôi chưa nói Khải nghe. Thôi thì bây giờ tôi nói. Hắn đã nói láo với tôi.

… Hắn nói hắn chưa vợ. Mà thực tế là hắn đã có một vợ ba con. Vợ hắn hiện ở Bình Dương.

- Sao chị biết rõ vậy?

- Một Thiếu úy ở cùng đơn vị với hắn mách cho tôi nghe.

- Bạn quen của chị?

- Chưa phải. Tình địch của hắn.

Nói xong, chị nhìn tôi cười. Từ khi được bi ết ngày giờ đi về của tên Đại úy tôi mới để ý đến hắn. Hắn có một lối lái xe và đậu xe dễ ghét. Chạy ào ào như điên rồi chợt lái xẹt qua bên trái nhanh như một mũi tên, rồi phanh đứng cứng ngắc trước cửa tiệm chị Trâm. Khi nói chuyện xong, hắn cho xe quay đầu cũng theo tốc độ sấm sét, bánh cao su rít xuống mặt đường, mũi xe chồm sát vào tường nhà người ta. Cả xóm đã để ý hắn, đã hồi hộp nhiều lần về hắn nhưng hắn không biết. Trong mắt hắn chỉ có chị Trâm và hắn cần trổ tài lái xe để góp phần chinh phục chị. Cho đến một hôm hắn quày xe vụng sao đó tông ngã luôn trụ cổng nhà một ông Trung sĩ đánh rầm một tiếng lớn. Hai ba đứa con nhỏ của ông Trung sĩ ngồi chơi gần đó, nhưng may quá, cái trụ cổng ngã không đè phải đứa nào. Nhưng ông Trung sĩ nóng nảy có tiếng, ông xăn tay áo bước ra. Hắn vừa xuống xe để coi xe có móp méo chỗ nào không thì ông Trung sĩ xông tới chụp tay áo. Hắn quát lên theo thói quen:

- Anh này...

- Anh này cái tiên sư cha mày. Mày lái xe vung vít suýt tí nữa đè chết con tao. Tao phải giết mày.

Vừa nói ông vừa đè đầu hắn xuống rồi ghì áo hắn kéo lui tới liên hồi. Ông Trung sĩ to cao gấp đôi hắn nên mọi phản ứng của hắn đều trở nên ngo ngoe buồn cười. Ban đầu hắn còn loạng choạng bước, cuối cùng hắn ngã xoài ra, đất cát dính tèm lem vào bộ áo rằn ri. Cái mũ có gắn ba hoa mai rơi bật ngửa xuống

đất.

Khi ông Trung sĩ thả hắn ra thì hắn cơ hồ đứng lên không nổi. Hắn phủi bụi quần áo, chụp mũ lên đầu rồi nhìn xung quanh để chọn một phản ứng. Xung quanh hắn nhiều người đàn ông cầm củi tạ, gậy, xà beng và cả dao phay nữa. Đó là những người họ hàng của ông Trung sĩ. Cả bốn năm nhà kề nhau đều là người cùng một tộc họ của ông ta. Hắn đành chọn giải pháp chót của mọi giải pháp. Chiếc xe rồ máy làm cho hắn đỡ ngượng. Và từ đó người ta không hề thấy hắn lảng vảng ở con đường này nữa.

Sau biến cố đó một hôm tôi bảo chị Trâm:

- Có lẽ chị phải chọn một người để làm bạn đời với chị. Cuộc đời chị còn quá dài mà.

- Tôi có suy nghĩ điều đó nhưng quả thật khó.

- Chị phải rút hẹp bớt những tiêu chuẩn.

- Cố nhiên. Nhưng đó chưa phải tất cả vấn đề.

- Tôi chưa hiểu.

Chị im lặng suy nghĩ, tay lật qua lật lại một xấp phong bì thư đặt ở trên bàn. Rồi chợt chị ngẩng mặt lên nhìn tôi:

- Khải có biết chị Ánh Nga? Tôi lắc đầu.

- Người đàn bà hay mặc sơ mi màu lúa chín thường dắt con đi qua lại con đường này vào buổi chiều.

Tôi lại lắc đầu:

- Cũng không sao. Chồng chị tốt nghiệp kỹ sư nông lâm súc. Ở với nhau ba năm, sinh được hai đứa con. Khải phải thấy hai đứa con trai của chị. Xinh xắn, kháu khỉnh. Anh ấy động viên và chết ở chiến trường.

- Lại chiến trường!

- Chị ở vậy nuôi con. Đẹp như chị mà ở vậy nuôi con thật không phải là dễ. Nhưng chị cương quyết lắm.

- Vậy là người đàn bà đáng phục.

- Chưa hết. Khải đừng vội kết luận. Chị ở vậy được bảy năm. Sang năm thứ tám thì có một tên Trung úy chinh phục được chị.

- Chắc phải là một người đẹp trai, học giỏi, tâm hồn cao thượng...

- Tôi đồng ý là y đẹp trai. Các ưu điểm sau thì có cái đáng ngờ, có cái hoàn toàn ngược lại. Chị chung sống với y. Sau bốn tháng êm đẹp, mơ mộng, lý tưởng, y bắt đầu giở thủ đoạn đào mỏ.

- Đào mỏ?

- Nghĩa là có bao nhiêu vốn liếng dành dụm của chị, y tiêu xài thả cửa. Từ chối không được. Từ chối thì y giở trò vũ phu. Ngoài phương thức đấm đá thông thường, y đi đến dùng súng để hăm dọa. Y nói đại khái: Tao có đủ can đảm bắn chết mày trước rồi trở súng lại tự sát. Tao có một thân một mình, chết xong là hết. Còn mày thì chết không yên thân đâu. Vì mày còn có hai đứa con.

- Cái lý của y mạnh quá.

- Đúng vậy. Thành ra chỉ vì trách nhiệm với hai đứa con mà chị Ánh Nga bị bó tay. Nhiều lần chị than thở với tôi muốn chết nhưng chỉ vì hai đứa con mà không thể chết được. Bảy năm góa bụa dẫu có lạnh lẽo cô đơn nhưng mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Bảy năm kiên trì, bảy năm cố thủ, không ngờ một phút sa cơ...

- Có lẽ họ lấy nhau không có hôn thú?

- Đúng. Nhưng điều đó không dẫn đến một giải pháp nào tốt hơn. Vì lẽ...

Chị Trâm ngừng lại một giây. Rồi nói nhẹ như một hơi thở: - … Cô ta hiện có mang với y.

Tôi giận quá, nắm tay đấm mạnh vào không khí:

- Thật là đi đến tận cùng của sự bất hạnh. Một tên vũ phu vô hạnh như vậy cứ bám sát theo cuộc đời của cô ta, cho dù có pháp luật phân xử, bắt tách y ra khỏi cuộc đời của người đàn bà thì nàng cũng sẽ suốt đời đóng vai cô độc. Vì sau đó dù có một người đàn ông nào yêu nàng và nàng yêu lại thì người đàn ông đó cũng không dám đến gần nàng. Bởi ai cũng sợ cái họng súng trả thù của y.

- Hai đứa nhỏ con của chị Ánh Nga mới là nạn nhân đáng thương. Chúng bị bắt buộc phải kêu tên vô lại đó bằng ba, phải cung kính lễ độ trong khi chúng chứng kiến cảnh má chúng bị y đánh đập và mắng chửi tàn tệ.

Tôi không muốn nói với chị Trâm rằng tôi còn thấy xa hơn nữa. Hai đứa bé ấy không tìm được sự an vui trong gia đình mà chỉ thấy toàn tàn bạo bất công, chúng sẽ trở thành hoặc bi quan thụ động hoặc hung ác liều lĩnh sau này. Nhất định không hứa hẹn một tương lai tốt.

Tôi vụt nhớ đến người con gái của đêm dạ vũ. Rất có thể nàng cũng là nạn nhân của một thảm trạng gia đình tương tự. Có thể mẹ chết, cha đi lấy vợ khác. Có thể là cha chết mẹ đi lấy chồng khác. Chiến tranh hiện diện thường trực trong đời sống Việt Nam đã hơn ba mươi lăm năm nay rồi, chiến tranh đốn ngã những thân ng ười. Bom đạn không những phá tan thân xác, bom đạn còn phá nát những gia đình. Người còn lại vá víu những lỗ hổng đó, và chính những mảnh vá gây nên chứng ung thư trầm trọng. Nhưng không phải chiến tranh chỉ biết trực tiếp phá hoại, phá hoại ồn ào bằng chất nổ TNT có kèm theo tiếng nổ. Chiến tranh còn tàn phá âm thầm h ơn, toàn diện hơn, tinh vi hơn, êm ái ngọt ngào hơn ở ngay giữa đô thị yên ổn, ở ngay giữa thôn quê mộc mạc thanh bình. Một sự băng hoại tinh thần ghê gớm, một sự đam mê vật chất điên cuồng làm rã dần chất keo gắn bó trong gia đình, nhất là trong những gia đình thượng lưu.

Cha có nhân tình, có nhiều nhân tình và lén mẹ thuê nhà cho nhân tình ở. Mẹ cũng có nhân tình, bắt đầu chọn nơi những người bạn của cha đến anh thư ký, anh tài xế và xa hơn, đến những người đàn ông gặp gỡ ngẫu nhiên. Lục đục trong gia đình, xáo trộn trong gia đình và những đứa con là nạn nhân trực tiếp. Tôi trầm giọng nói:

- Những vết xe đổ như vậy chắc đã khiến chị rụt rè trong việc bước đi bước

nữa.

- Tôi không phủ nhận điều Khải nói.

- Nhưng đàn ông không phải ai cũng đều xấu.

- Khải cho rằng nghĩ như vậy là quá đáng?

- Thật quá đáng.

- Tôi thì thấy rằng nói vậy chưa đủ. Mà phải nói rằng tất cả mọi người, nghĩa là cả giới đàn bà nữa.

- Nhưng anh Thiết...

Tôi chợt dừng lại không nói tiếp. Không khí này hoàn toàn không thuận tiện để tôi đề cập đến mối tình của anh Thiết.

Phần 5

- Bắt đầu từ giây phút này, chúng ta đang đi vào bán đảo. Hai bạn hãy

hồi hộp đi. Vì nơi này có một giá trị lịch sử quan trọng, một giá trị địa lý đặc hạng và trong tương lai, khi hòa bình vãn hồi thì nó sẽ có một giá trị kinh tế vô song.

Đại úy Lực vừa nói to vừa ôm ghì tay lái, mắt chong ra đàng trướ c. Thân xe lượn uốn vòng thật gấp, thật ngặt qua những chướng ngại vật nơi cổng gác. Thức và tôi phải bấu chặt vào hông xe.

Những người lính ở trạm gác giơ tay chào và Lực giơ tay bàn tay trái lên đáp lễ. Trong khi xe vẫn không giảm tốc độ.

- Xin hai bạn đừng tưởng rằng vô đây dễ đó nghe. Dân sự như hai bạn càng phải làm thủ tục rắc rối dài dòng. Khi mọi thể thức đã hợp lệ đầy đủ, điều yêu cầu chót hết là bạn phải gởi căn cước của bạn lại trạm gác.

Thức phản đối:

- Nếu phải gởi căn cước thì moa bỏ về ngay.

Phản đối hăng quá, Thức thúc luôn cùi chỏ vào hông tôi. Lực cười hà hà...

- Thì xin mời bạn cứ về tự nhiên. Ai cấm? Họ có năn nỉ xin bạn ở lại đâu? Có nài mời bạn vô căn cứ ở đâu? Ở lại. Làm như họ... Đù mẹ thằng chó nào vác bỏ cái hòn đá chầm ầm ra giữa đường cái. Chơi nghịch cái kiểu Công-gô gì lạ vậy.

Tôi lưu ý đến những luồng gió thổi mạnh, thổi phần phật lùa thẳng vào xe, mang đầy hơi nước. Xe lướt qua một cái cầu dài.

- Đây gọi là cầu Long Hồ. Do ông Thủ tướng Lộc khánh thành, năm nào mình quên mất.

- Có tới hai ông Thủ tướng tên Lộc. - Thức nói.

- Ông Lộc sau.

Vượt qua khỏi cầu, xe chạy trên những con đường nhựa láng bon thẳng tắp. Những khu doanh trại nằm từng dãy mang nhiều kiến trúc khác nhau. Có khi là những dãy nhà hai tầng bằng gỗ sơn màu xanh nhạt, có khi là những dãy nhà vòm tiền chế hình bán khuyên, trông như nh ững con sâu khổng lồ. Có một số nhà gỗ đã ngã oẹp. Đại úy Lực liền có lời giải thích:

- Quân đội ta đến tiếp thu các cơ sở này của Mỹ để lại, nhưng quân số của ta ít không choán hết các ngôi nhà. Mà phàm nhà không có người ở thì mau hư hỏng lắm. Đã thế, có một số bị tháo gỡ ăn cắp. Ăn cắp vật dụng, ăn cắp ván lót, rồi gỡ cả mái tôn mà ăn cắp luôn.

Thức:

- Tại người lính của mình nghèo. Lực:

- Đó chỉ là một lý do trong nhiều lý do phức tạp khác. Như về tâm lý chẳng hạn. Nếu người cấp bậc lớn liêm khiết thì dù nghèo bao nhiêu, người cấp bậc nhỏ họ cũng cam chịu thiếu thốn một cách vui vẻ. Không có tệ nạn ăn cắp và nói láo nữa.

Xe chạy trên phi đạo. Đến mút cùng là bãi biển. Chúng tôi bước xuống xe. Sóng vỗ rì rào ở mép một bãi cát bằng phẳng. Thức bảo tôi:

- Bãi này gọi là bãi Dài. Có tài liệu nói rằng cá mập nơi vùng biển này là loại to nhất thế giới.

Thấy tôi đăm chiêu có vẻ hoài nghi. Thức vội tiếp:

- Tôi chưa trực tiếp đọc tài liệu đó, nhưng đã nghe nhiều người có thẩm quyền kể lại.

Lực:

- Điều chắc chắn nhất là vùng này rất nhiều cá. Nguyên do vì khi quân đội Mỹ đóng nơi đây thì thuyền đánh cá không được bén mảng tới. Cá tôm ở đây sống thảnh thơi, sinh sản đặc nước. Có một kỳ sóng đẩy một bè ruốc lên bờ, ruốc nằm chết ngổn ngang chồng chất lên nhau dài đến hai cây số và dày hàng tấc.

Tôi cười:

- Coi chừng! Hồi đó bạn theo sư đoàn ở Ban Mê Thuột.

- Đúng. Nhưng lũ bạn làm cho cơ quan quân sự Mỹ ở đây mét lại cho mình biết. Và cũng do miệng của tụi nó mà mình biết rằng tụi Mỹ sử dụng đoàn cá heo để canh phòng hải cảng này. Tụi nó gắn máy điện tử vào trán con cá heo và thả cho nó bơi lội dưới nước. Nếu có người nhái của bên kia lò dò lặn vô là được báo động liền. Hữu hiệu lắm. Chứng cớ là khi tụi Mỹ nó rút đi, mang đoàn cá heo về nước luôn thì lập tức người nhái bên kia xâm nhập. Vụ nổ kho đạn Alpha của Mỹ để lại với loại bom 500 ký nổ suốt đêm, người ta nghi...

Lực bỏ lửng câu nói. Chúng tôi lên xe và Lực đưa cho đi xem những nhà kho vĩ đại, những hầm chứa bom đạn, những nhà máy phát điện khổng lồ, những dãy xe vận tải đậu ngút ngàn. Cứ tưởng tượ ng rằng khi quân đội Mỹ còn ở đây thì cái bộ máy chiến tranh mới khổng lồ làm sao.

Xe chạy theo con đường vòng quanh bán đảo, qua Trung tâm Huấn luyện Hải quân, qua cầu tàu với những tấm bảng Pier 3, Pier 2. Xe vượt lên đồi, xe đổ xuống dốc. Những đồi cát mịn màu vàng thay thế cho những đồi cát trắng. Gió thổi làm gợn lăn tăn mặt đồi cát như làm gợn mặt nước. Tôi bảo Lực:

- Xin nhắc chừng ông Đại úy hào hoa là nhớ đưa chúng tôi đi tới Tiger Lake1 đó. Cứ nghe thiên hạ ca tụng cái hồ đẹp đó.

- Yên chí lớn. Chúng ta đang đi trên con đường dẫn tới hồ. Chỉ năm phút nữa thôi. Xổ xuống con dốc này là tới. Đồng bào mình gọi nó là Hồ Nước Ngọt.

Y như lời Lực, khi xe tới đầu con dốc, nhìn xuống chân dốc thấy óng ánh mặt nước hồ. Xe hăm hở lao đầu xuống, quành sang tay trái, đậu cứng ngắc kề gốc một thân cây cao. Không khí chợt im lặng, cái im l ặng cao cả làm tâm hồn thốt nhiên hoang vắng lạ thường. Chúng tôi ba người đi chậm rãi xuống men bờ nước.

Hồ dài ngót một cây số và bề ngang cỡ hai trăm thước. Nước xanh sẫm và sóng gợn nhấp nhô. Ở đằng xa đi lại có mấy người mặc thường phục. Thức hỏi:

- Chỗ này dân sự cũng vào thăm tự nhiên được? Lực:

- Đâu có. Phải có quen lớn, xin phép xin tắc đàng hoàng.

Đoàn người dân sự gồm cả thảy năm người, ba người đàn ông và hai người đàn bà. Khi đi lại gần, một trong ba người đàn ông kêu to lên:

- A, Đại úy Lực. Sếp lớn bữa nay rảnh?

Lực cũng la to:

- A, chào đại thương gia. Ngày lễ Hùng Vương, đại thương gia đi ngoạn cảnh đó hả?

Lực nói nhỏ với chúng tôi:

- Vĩnh Toàn Hưng. Thương gia đại bài gạo và xi măng. Thầu sắt, đồng vụn. Giàu tỉ phú.

Ông Toàn Hưng tiến tới bắt tay. Lực giới thiệu chúng tôi và ông Vĩnh Toàn Hưng cũng giới thiệu hai người bạn trai đi cùng: ông Đoàn Chước, Giám đốc

clip_image001

Đông Phương Ngân hàng; ông Du, Giám đốc đại diện hãng Esso Vùng l chiến thuật. Hai người đàn bà đi chân trần lội xuống nước và cố ý đi chậm đàng sau để tránh cuộc giới thiệu. Cả hai đều mặc áo tắm hai mảnh.

Cuộc nói chuyện giữa Lực và ông Vĩnh Toàn Hưng sôi nổi liền. Lực có tài đó. Ông giám đốc Ngân hàng và ông đại diện Esso có vẻ không được thoải mái. Nói chuyện với chúng tôi mà mắt hay nhìn về phía hai người đàn bà. Vả lại câu chuyện cũng không thể có gì thích thú khi hai bên mới gặp nhau lần đầu và hai bên chỉ mới được thông báo về nghề nghiệp của nhau. Thức được giới thiệu là tốt nghiệp Cao học Triết, nhưng món sở trường của Thức lại không có liên quan chi hết với dầu lửa, dầu cặn và cũng không có hình tròn của đồng tiền Tín Nghĩa. Tôi được giới thiệu là Luật sư - Lực đã tự ý cắt bỏ chữ tập sự - nên tôi được có chuyện hầu tiếp hơn, đóng vai một thứ cố vấn pháp luật bất ngờ.

Hai người đàn bà cũng tỏ ý sốt ruột. Một người uyển chuyển đi lại gần Đoàn Chước. Mái tóc cắt ngắn bỏ lòa xòa à la garconne2 rất hợp thời trang cách đây mấy năm bây giờ vẫn còn hợp thời. Màu da rám nắng khỏe mạnh. Tưởng chừng mỗi lỗ chân lông chứa đầy muối mặn và đang thở ồn ào không khí của đại dương. Khuôn mặt tròn trặn no đầy với hai đường lông mày rậm đen vạm vỡ. Thật là mẫu người lý tưởng để hiện diện giữa sóng cát, trên bờ đại dương, miền đại dương nhiệt đới có nhiều ánh nắng và bóng dừa. Người đàn bà - phải nói là con gái thì đúng hơn, vì tuổi không quá 25 tuổi - đi lại gần Đoàn Chước nói nhỏ gì đó một hồi. Đoàn Chước trả lời lại ít hơn. Tức thì như nhận được mệnh lệnh, người con gái cất tiếng gọi to:

- Trinh ơi! Trinh ơi!

Vừa vẫy tay rối rít. Người mang tên Trinh rời bỏ chỗ đứng đi chậm rãi về phía chúng tôi. Áo tắm màu đỏ làm nổi màu da trắng. Thân hình hơi gầy, ngực nhô lên một cách rụt rè. Cặp đùi manh mảnh. Mái tóc chải dài, rẽ giữa buông xuống vai. Nàng cúi nhìn xuống chân, tinh nghịch đá những hòn sỏi, đá vào nước cho tung tóe trước mặt.

Khi đến gần chúng tôi, nàng ngẩng mặt nhìn lên, phác một nụ cười về hướng Đoàn Chước. Tôi lặng người tim đập rộn ràng: người đẹp của Trung tá Kỷ - con bướm âm u của đêm dạ vũ. - Sao mấy anh không tắm? Em đứng đợi hoài.

Đoàn Chước:

- Đợi nói chuyện một chút với mấy người bạn mới.

Đoàn Chước giơ bàn tay phác chỉ một vòng về chúng tôi.

- Còn Phượng. Phượng cũng bỏ mặc mình đứng một mình.

Người con gái tên Phượng không trả lời. Tôi đón ý những nhà tư bản đến đây không phải cốt để nói chuyện nên giơ tay ra dấu hiệu cáo từ. Năm người

clip_image001[1]

vầy đoàn đi xuống bờ nước, leo lên một cái plongeoir3 cao. Đoàn Chước ngồi kề Trinh. Phượng dựa vào lưng Du. Vĩnh Toàn Hưng đi đi lại lại.

Chúng tôi ba người chia nhau ngồi trên một cái băng gỗ đặt dưới gốc một thân cây cao. Gió thổi lá cây lao xao, thân cây màu nâu đậm răn nứt như vảy cá sấu. Không ai biết tên cây là gì. Nhiều bụi cây thấp, nhiều thân cây cao, đứng lúp xúp quanh đó, đứng ngạo nghễ quanh đó cũng chưa có tên. Thế giới thảo mộc còn giữ nhiều bí mật, loài người có tính hay coi thường những vật mà nó biết. Thành ra nhìn những cây vô danh, tôi chợt thấy chúng cao cả biết bao. Chúng như lạnh lùng khinh bỉ không thèm để ý đến chúng tôi.

Người con gái tên Trinh vẫn ngồi nép bên cạnh ông Giám đốc ngân hàng, mái tóc lòa xòa gác lên vai. Ông này quàng tay ôm ngang lưng nàng. Tôi lại có niềm xót xa của đêm dạ vũ. Nàng là ai? Sao lại lăn gọn gàng từ cánh tay Trung tá sang cánh tay tài phiệt?

Tấm thân mảnh mai nhỏ nhắn như còn thở mùi giấy vở học trò, Trung tá hay Giám đốc ngân hàng đều có mùi giấy bạc. Những tờ giấy năm trăm loại mới màu đỏ đã có mùi hôi tay. Những tờ giấy một ngàn đã mang chằng chịt nhiều lằn xếp.

Con sơn dương bé bỏng! Sao không nhảy nhót chơi giữa thảm cỏ điểm hoa tím hoa vàng mà lại chạy nép mình vào cái chuồng hôi thối những thực phẩm hóa học? Con sơn dương xinh xắn? Nướ c suối trong và mát, những cọng dương xỉ, cọng dã tiển mềm và ngọt nơi đầu lưỡi. Và mọi lá rừng, mọi hoa rừng đều có mùi thơm thanh khiết. Con sơn dương ngây thơ đã biết như vậy mà!

Bên tai tôi gió thổi vi vu. Tiếng của Đại úy Lực thoang thoảng mơ hồ:

- Đúng vậy, hồi xưa Bộ Tư lệnh Mỹ cấm quân nhân Mỹ không được bơi qua hồ này tới hai vòng. Đã có mấy trường hợp chết đuối nên mới có lệnh cấm như vậy.

Tiếng Thức:

- Có mãnh lực vô hình nào gây ra chăng? Chắc không có đâu? Thời đại này mà còn tin như vậy thì quá yếu.

- Có một lối giải thích như thế này, - lời Lực - đáy hồ không bằng phẳng mà có thể có những gộp đá tạo thành hang hốc. Người đi bơi hay có tật lặn xuống sát đáy, di chuyển sát đáy và khi trồi lên mặt nước thị bị cái vách trần của hang đá giữ lại. Không tìm được lối ra, ngút hơi, chết luôn.

Con sơn dương mảnh mai uyển chuyển? Chân em thon và gót chân em nhỏ,

thoắt một cái em đã đứng gọn trên gộp đá màu xám cheo leo. Em...

- Thôi, đi chớ. - Bàn tay Lực kéo mạnh cánh tay tôi. - Hay còn muốn ngồi đây nữa. Nhìn đã đủ chưa? Nhìn kỹ lại đi: núi cao, rừng cây, tảng đá lớn, mặt hồ có sóng...

Tôi uể oải đứng dậy. Hình như không ai để ý đến con sơn dương bé bỏng của tôi.

Xe trèo lên dốc:

- Chúng ta lên cái đồi nhỏ kia, ghé thăm biệt thự dã chiến của Tổng thống Johnson.

Vừa nói Lực vừa cho xe chạy quặt lên đồi không cần Thức và tôi có đồng ý hay không. Xe quẹo hai vòng rồi đậu ngay trước cổng vào. Chúng tôi leo lên bậc.

Sân không được săn sóc nên cỏ xơ xác vàng mặc dù ở trong góc sân có để nằm một cái máy xén cỏ. Cửa đóng kín, nhưng từ trong nhà có tiếng nhạc thánh thót đưa ra. Thật là buồn, thật là cô quạnh, giữa một buổi trưa nắng vàng vắng lặng tiếng nhạc thổn thức một mình. Lực gõ cửa và chúng tôi đợi chừng năm phút. Cánh rèm hé mở, một khuôn mặt hiện ra. Thấy Lực là người quen, cánh cửa mở nhẹ nhàng. Lực bắt tay người Thượng sĩ:

- Mạnh giỏi?

- Cám ơn Đại úy.

Chúng tôi bước vào phòng khách. Tường lót mi ca có vân màu gụ. Thảm êm dưới gót giày. Màn cửa rộng màu nâu sậm. Chúng tôi bước qua phòng ngủ. Màu thảm, màu tường và màu màn cửa hòa hợp với nhau một cách êm ái. Bước sang phòng ăn. Phòng tắm. Phòng làm việc. Nơi nào màu sắc cũng dịu dàng. Màu sắc ấm áp xoa dịu thần kinh, màu sắc dẫn dụ sự nghỉ ngơi, màu sắc làm trầm lắng tâm tư. Lực nói:

- Năm 1967, Tổng thống Johnson từ Honolulu hay ghé bán đảo Cam Ranh thăm các binh sĩ Mỹ. Ông ghé lại đây có một ngày nhưng Bộ Tư lệnh Mỹ đã huy động phải làm xong biệt thự này trong 24 tiếng đồng hồ để làm nơi nghỉ ngơi cho ông.

- Sao không chuẩn bị trước mà phải làm gấp gáp? - Thức hỏi.

- Vì phòng gian bảo mật. Một ông Tổng thống Hoa Kỳ dấn thân vào vùng có chiến trận, sự kiện đó đặt ra bao nhiêu vấn đề phức tạp hơn mình tưởng.

clip_image001[2]

Ông Johnson đã từ trần năm 1973. Tôi đọc báo thấy nhắc đến cái ám ảnh đen tối nhất trong cuộc đời chính trị của ông là việc ông bị sa lầy trong chiến cuộc Việt Nam. Ông gởi sang miền Nam Việt Nam đến nửa triệu quân Mỹ, chiến phí hàng ngày lên đến hàng tỉ bạc Việt Nam và muốn rút chân ra khỏi Việt Nam mà không được. Cảm thấy mình không thể là vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ bị thất trận, ông ra lệnh oanh tạc Bắc Việt và thế giới lên tiếng.

Tôi mở cửa ra đứng nơi hiên. Nhìn dãy núi trước mặt, nhìn mặt hồ dưới chân. Rừng núi một màu xanh tối, những tảng đá nâu sẫm và nước hồ xanh đậm. Thật là một khung cảnh u trầm hùng vĩ, phù hợp với những tâm hồn trĩu nặng ưu tư.

Bộ áo tắm màu đỏ của Trinh hiện rõ, tung tăng ở bãi cát ven hồ. Tôi nhìn vào ống dòm. Nàng như vụt đứng kề tôi năm thước, nụ cười tươi nở làm hàm răng trắng ngời. Hai hàng lông mày dài. Những hột nước tròn long lanh ánh sáng đậu rải rác trên da mặt, trên da cánh tay. Bỗng nàng đổi sang thế chạy lúp xúp và chợt có đôi cánh tay đàn ông đưa ôm chầm lấy nàng, siết mạnh và nàng ngã người vào đôi cánh tay rắn chắc đó. Cái sơ mi Montagut màu xám nhạt hiện rõ trong ống dòm, và trong ống dòm, khuôn mặt người đàn ông cúi xuống kề khuôn mặt nàng: Đoàn Chước. Họ sắp hôn nhau. Tôi bỏ ống dòm xuống. Tôi bước vào nhà, bảo Lực:

- Thôi, mình có thể giã từ nơi đây.

Buổi trưa, chúng tôi qua làng Cam Ranh để ăn trưa. Thị trấn nhỏ này được xây cất vội vã để sống bám vào lính Mỹ. Đường phố hẹp và lún cát. Những tiệm tắm hơi khoa trương nghệ thuật quảng cáo: tân tiến, theo phương pháp khoa học, đầy đủ dụng cụ máy móc tối tân... Cốt để lừa những du khách Việt Nam lạc bước tới đây, vì người lính Mỹ không đọc được chữ đó. Mà cho dẫu có đọc được, họ cũng không tin, bởi máy móc là sở trường của họ. Vả chăng cái thứ máy móc mà họ đòi hỏi nơi các Steam bath này là... những cô gái Việt Nam. Thứ máy móc đó có thiệt và có d ư. Nhiều hàng cold drink, cafeteria. Khá nhiều tiệm uốn tóc. Ở cuối bãi có một ngôi đền phát hành quẻ bói, xăm cầu tài, cầu duyên. Nơi cầu nguyện của những cô gái bán bar, nhân tình của lính Mỹ.

Đời sống bềnh bồng của cái thị trấn nhỏ này dựa vào sự hiện diện của những người lính Mỹ. Năm 1973 khi người lính Mỹ ở cuối cùng rút đi thì sinh hoạt thu gọn lại còn một phần năm.

Buổi xế, chúng tôi đi thăm một đỉnh núi cao ở cực nam bán đảo. Núi toàn đá dựng đứng sừng sững, đá màu trắng nhạt như vôi. Sóng biển gào thét dưới chân, sóng dựng ngược bổ ì ầm vào những tảng đá lớn. Đá nằm chằng chịt quấn quít vào nhau, chồng chất lên nhau, im lìm thản nhiên. Sóng vẫn nhẫn nại xô đuổi nhau chạy tới, đập đầu vào đá, gào thét tưng bừng, tan rã tơi bời.

Bất ngờ, khuôn mặt người con gái tên Trinh hiện ra trên nền sóng, nơi tôi dõi mắt chăm chú nhìn. Mái tóc xõa dài đôi má thon thon của tuổi mười tám. Tôi lắc đầu, lắc đầu. Tôi không muốn nhìn thấy cái hôn kề đó sắp sửa xảy ra.

---------------

Chú thích: 1Tiger Lake: Hồ con cọp.

2 Kiểu tóc ngắn, chải lòa xòa, giống con trai.

3Cầu ván cao.