Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Ông Nguyễn Minh Cần, một nhân cách trong sáng

Đinh Quang Anh Thái

 

Tờ mờ sáng thứ sáu 13 tháng Năm, Nguyễn Văn Khanh đài RFA và Blogger Uyên Nguyên text: Anh Nguyễn Minh Cần mất rồi, lúc 5 giờ sáng giờ Moscow. Bật máy xem tin, RFI đã loan tin ông Cần mất.

Vẫn biết, trời đất mênh mang, ai rồi cũng chết, vậy mà vẫn buồn!

Năm 1997, trong chuyến công tác lúc còn làm cho RFA, từ California về lại Washington D.C, tôi đi cùng chuyến bay với ông Nguyễn Minh Cần. Lúc rời tòa soạn Người Việt, nhà báo Lê Đình Điểu, nay cũng không còn nữa, dặn dò, “anh Cần quốc tịch Nga, tên trên giấy thông hành là tên Nga và không nói được tiếng Anh, cậu giúp anh Cần thủ tục tại phi trường nhé.”

Trước đó, tôi đã có dịp trò chuyện và tìm hiểu về nhân vật từng một thời hy hiến tuổi trẻ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc này.

Ông Nguyễn Minh Cần chào đời năm 1928 tại Huế, tham gia Cách Mạng Tháng Tám, tổ chức và lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế và các vùng phụ cận Huế, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng như Uỷ viên Thường vụ Thành ủy Huế, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủyThừa Thiên, Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội.

Năm 1962, ông đi Tư Khoa để theo học ở Trường Đảng Cao cấp của Liên Xô. Ông có mặt tại “cái nôi” của Cộng sản Quốc tế trong bối cảnh lãnh tụ Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev chủ trương “xét lại” sau khi hạ bệ Stalin trong bài diễn văn đọc tại Đại hội 20 của Cộng sản Liên Xô năm 1956. Khrushchev cho rằng, không nhất thiết phải dùng bạo lực vũ trang mà vẫn có thể thắng “Đế quốc Mỹ” bằng con đường cạnh tranh kinh tế, khoa học và hòa bình.

Chủ trương của Khrushchev được ông Nguyễn Minh Cần và nhiều người nữa trong đảng Cộng sản Việt Nam tán đồng, trong số đó, có ông Hoàng Minh Chính, Viện trưởng Viện nghiên cứu Mác-Lê; ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư của Hồ Chí Minh; nhà văn Vũ Thư Hiên; thiếu tướng Đặng Kim Giang và nhiều nhân vật cao cấp khác của đảng…

Tất cả những người ủng hộ chủ trương của Khrushchev như vậy là đã đương nhiên chống lại Nghị quyết 9 của Lê Duẩn: Dùng tổng lực quân sự đánh miền Nam.

Mà chống Lê Duẩn vào thời điểm đó là “đụng cái vẩy ngược của con rồng” vì họ Lê nắm toàn quyền sinh sát trong đảng.

Hậu quả, những ông Nguyễn Minh Cần, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, Đặng Kim Giang và hàng trăm người nữa bị khép vào tội “xét lại chống đảng”. Tất cả đều bị bắt tù nhiều năm. Chỉ có một số ít lúc đó đang sống ngoài nước thì bị khai trừ khỏi đảng.

Ông Nguyễn Minh Cần không cần đợi bị khai trừ, chính ông tự quyết định ly khai cái đảng mà ông từng hết mực gắn bó với nó. Ông ở lại nước Nga, sống cuộc đời lưu vong.

Trong chuyến đi chung với ông Cần từ Quận Cam về D.C. Hơn 5 giờ bay ngồi cạnh nghe ông nói chuyện, tôi biết thêm và cảm được tấm lòng nhiệt huyết, chân thật, tử tế của ông.

Sống lưu vong ở nước Nga hơn nửa đời người, lấy vợ Nga, viết và nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ, ông làm tự điển Nga-Việt, dịch nhiều tác phẩm văn học của hai dân tộc và viết sách. Cả hai ông bà ăn chay, tu tại gia và có công góp phần xây một Thiền Đường Phật Giáo ngay tại Moscow. Những người từng đến thăm hai ông bà đều thích thú khi nhìn mấy chục con mèo hoang vô chủ được bà nhặt ngoài đường đem về nuôi nấng trong nhà. Ông Cần thường nói đùa, vợ ông quý đàn mèo hơn ông.

Bà Nguyễn Minh Cần sinh ra, lớn lên và trải nghiệm những năm tháng kinh khủng của xã hội trại lính dưới bàn tay cai trị tàn bạo của Stalin. Bà cũng là nhân chứng sự sụp đổ của Liên Xô và nhận rõ bộ mặt độc tài mới của Putin. Chính bà đã sát cánh bên người chồng Việt Nam trong suốt những năm tháng ông chịu cảnh lưu vong nghiệt ngã sau khi từ bỏ chế độ Hà Nội. Và cho tới lúc ông ra đi, bà lúc nào cũng là người để ông tựa vào đứng dậy.

Gần một tháng sống với ông trong căn phòng nhỏ ở Virginia gần D.C, nhiều người nghe tiếng ông tìm đến thăm nghe ông trò chuyện. Một buổi tối, anh Nguyễn Mạnh Hùng mang thức ăn đến, ba anh em nói chuyện đến quá khuya. Những chi tiết ông Cần kể hôm đó rất hữu ích đối với một việc nghiên cứu và giảng dạy môn Chính trị và Bang giao Quốc tế như anh Hùng.

Anh Hùng về lúc nửa đêm. Khoảng 3 giờ sáng, tôi thức giấc vì nghe tiếng thì thào. Nhỏm dậy, tôi thấy ông Cần ngồi quay lưng vào tường, miệng kê sát cái máy thâu âm và đang nói rất nhỏ. Tôi hỏi, anh cần em giúp gì không? Ông bảo, xin lỗi làm chú thức giấc, tôi quên vài chi tiết trong lúc nói chuyện nên thức dậy thâu ngay để sáng bổ túc cho anh Hùng.

Ông Cần là vậy đó! Ở tuổi gần 70 mà sức sống như một người trẻ.

Lần thứ nhì ông sang Mỹ cuối năm 1998 và cũng đến trọ với tôi ở Virginia. Lúc đó có cả nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến. Trạc tuổi nhau, người sống ở miền Nam, người lưu vong bên Nga trong lúc cuộc chiến khốc liệt diễn ra trên quê nhà thời thập niên 60, hai ông trò chuyện thâu đêm suốt sáng.

Một người bạn tôi quý mến ông Cần nhờ tôi chuyển món quà 1 ngàn Mỹ kim biếu ông. Ông thẳng thắn từ chối. Ông bảo, chú giữ lấy để giúp người nghèo hoặc những người đấu tranh tại Việt Nam. Tôi ép mãi, ông đành nhận nhưng nhờ tôi gửi thẳng cho Thiền Viện Phật Giáo tại Moscow để “làm quỹ sinh hoạt cho Phật tử.”

Ông Cần là vậy đó! Đạm bạc. Trong sáng.

Có lần, tôi bị một người bạn phản ứng giận dữ khi tôi tặng anh cuốn “Vụ án Xét lại Chống đảng” do ông Cần viết. Người bạn lớn tiếng, “hết khôn dồn đến dại” hay sao mà lại giao du với cộng sản.

Rõ ràng, cộng sản vẫn là bóng ma ám ảnh con người Việt Nam.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, khi tôi báo tin ông Cần mất, anh nói, anh Cần là người có nhân cách đáng quý. Anh Nguyễn Xuân Nghĩa cũng thốt lên một câu tương tự khi nghe tin ông Cần.

Với tôi, ông Cần tiêu biểu cho một lớp người trong hàng ngũ cộng sản yêu nước thật sự, họ dấn thân vì đất nước chứ chẳng vì cái gì khác, và một khi họ thấy được bề trái nhếch nhác của cộng sản thì họ tự quyết định chia tay cái đảng tôn thờ chủ nghĩa duy vật này và vẫn tận tụy mưu tìm một con đường khác hòng đem đến no ấm hạnh phúc cho con người và đất nước Việt Nam.

Và cuối cùng, tôi thật ân hận vì nhà xuất bản Người Việt chưa kịp hoàn tất việc tái bản cuốn “Ðảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Cộng Sản Quốc Tế” (xuất bản lần đầu năm 2001) của ông thì ông đã vĩnh viễn ra đi.

Anh Cần ơi, em vốn không tin tôn giáo nào nhưng tin là anh đang thanh thản nơi cõi Phật!

Thai Dinh's photo.

Nguồn: FB Thai Dinh