Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Những cái chết được báo trước của các dòng sông

Nguyễn Quang Thân

 

Cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng vì biển một số tỉnh miền Trung bị nhiễm độc do yếu tố con người (thực chất, nếu có thủy triều đỏ thì cũng là do con người gây ra ô nhiễm nguồn nước). Cá và rặng san hô chết hàng loạt chưa từng thấy gây ra hệ lụy của một thảm họa môi trường. Ngư dân úp thuyền, thị trường cá ế ẩm. Cuộc sống trở nên bất an hơn vì lo lắng ô nhiễm. Đã ló dạng những nghi can cộm cán và cơ quan pháp luật đang tìm cách lôi thủ phạm ra ánh sáng.

Nhưng không được quên, mọi con sông đều đổ ra biển và không chỉ biển mới là nạn nhân của sự vô trách nhiệm của con người. Chúng ta có trên 2000 sông suối. Cuộc sống, cuộc sinh tồn, phát triển của 54 dân tộc Việt đều diễn ra bên bờ hay trong lưu vực những sông suối ấy. Mỗi vùng đất đều có một con sông Mẹ. Những con sông ấy đã tạo nên đất đai, ruộng đồng, vườn tược, tóm lại toàn bộ cuộc sống. Đặc biệt HỒNG HÀ và CỬU LONG GIANG, hai con sông vĩ đại đã sinh thành nên hai vùng châu thổ bát ngát, hai bồ thóc nuôi sống không chỉ cả dân tộc mà còn góp mỗi năm 6, 7 triệu tấn gạo cho thế giới.

Nhưng hai ngàn con suối con sông ấy đang hàng giờ bị con người xúc phạm. Mỗi giọt nước mưa, trực tiếp hay có thấm qua đất cũng đều theo nước ngầm chảy vào suối vào sông. Đất thấm đẫm phân hóa học, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại do con người sử dụng. Bãi vàng và khai thác khoáng sản hào phóng trực tiếp thải thủy ngân và những chất độc hại chết người vào suối đầu nguồn vô phương kiểm soát. Và đặc biệt những đô thị hiện đại, những khu công nghiệp tập trung, những nhà máy nhỏ và vừa rải rác, tất cả đều bám sông bám suối. Sông suối cung cấp nước ngọt, nước lành, thường lại bị trả lại bằng nước ô nhiễm. Nhà máy thải hóa chất trực tiếp hoặc chỉ được xử lý qua loa. Các khu đô thị đại đa số đều không quan tâm xử lý nước thải. Người ta quên hẳn mỗi ngày có hàng chục tấn xà phòng gội đầu, tắm giặt của một thành phố trên 10 triệu dân như Sài Gòn, Hà Nội không hề được xử lý trước khi đổ vào sông Sài Gòn, sông Hồng. Con người vẫn vô tư xài mỗi ngày một nhiều hóa chất mà vẫn hãnh diện vì tưởng mình đang giàu có. Họ đang dùng hết trí thông minh để đầu độc ngay bầu sữa của mình là các dòng sông Mẹ.

Còn những khu công nghiệp? Có vẻ như hợp đồng đầu tư nào cũng nghiêm chỉnh về ĐTM (đánh giá về tác động môi trường), ông chủ nào mang tiền đến đây làm giàu cũng đều thề thốt "nghiêm chỉnh bảo vệ môi trường". Nhưng "cá trê chui ống, lời thề Sở Khanh". Vì họ giấu một điều ai cũng biết: chính vì thuế môi trường thấp, vì điều kiện môi trường dễ dãi, phí bôi trơn về môi trường xứ ta quá ngon lành mà họ mang vốn liếng và kỹ thuật đến đây.

Hãy nhìn qua từ Bắc vào Nam, những con sông đã chết đang chết và được báo trước sẽ chết.

Sông Cầu "nước chảy lơ thơ" trong lành, không còn nữa vì đang oằn lưng chịu đựng ô nhiễm từ "cái nôi gang thép" Thái Nguyên, các nhà máy giấy, các khu công nghiệp bên bờ. Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có ít nhất 8 điểm bị liệt vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Bắc Kạn, tỉnh đầu nguồn sông Cầu có rất nhiều mỏ khai khoáng nhỏ lẻ như mỏ quặng sắt Sỹ Bình, mỏ sét gạch ngói Khau Mạ, mỏ đá vôi Pá Chủ, v.v. Đây là các mỏ có công nghệ lạc hậu, chưa có hệ thống thu gom, xử lý triệt để nước thải, rác thải mà xả trực tiếp vào sông Cầu.

Sông Thương, "bên đục bên trong, nước chảy đôi dòng" nay chỉ còn một dòng đục. Hơn 20 năm nay, cứ vào cuối năm là Công ty Phân đạm Hà Bắc tiến hành rửa máy móc, thiết bị… làm nước ở sông Thương bị ô nhiễm nặng nề. Năm 2015 vừa qua, sông Thương chịu đòn đau nhất, ô nhiễm nhất, cá chết trắng sông chưa từng thấy trước đó. Chẳng thấy ai buồn một phút cho cái chết rất gần của “con sông nước mắt!”.

Sông Cầu, sông Thương và những con sông ô nhiễm khác đều chảy vào sông Hồng. Mẹ HỒNG HÀ lãnh đủ sự ngu muội của đàn con bất hiếu, cộng thêm sự vô trách nhiệm có chủ ý của ông bạn hàng xóm xả thải độc hại không cần chi phí và xin phép từ bên kia biên giới Lao Kai. Hai năm vừa rồi, nước sông Hồng đã có những hiện tượng kỳ lạ.

Và sông Đồng Nai, con sông quan trọng bậc nhất miền Đông Nam Bộ, quyết định sống còn với thành phố Sài Gòn cũng đang “hấp hối” vì nước thải. Hàng trăm nhà máy lớn thải nước xuống sông, tuy nhà máy nào cũng “xả đúng quy trình” như báo cáo. Nhưng hệ thống “Môi Tài” đã làm mất không ít niềm tin vào sự nghiêm minh qua vụ VEDAN giết sông Thị Vải. Người dân ven sông Đồng Nai, sông Bé, kể cả người ven sông Sài Gòn đang hồi hộp chờ ngày con sông mênh mông của mình biến thành kênh Ba Bò, sau 8 năm cải tạo vẫn ô nhiễm đến mức cỏ bên bờ không sống nổi.

Và không ai có thể dửng dưng với thảm họa môi trường đang giết chết sông Bưởi, một con sông hiền lành, vô tội miền quê Thanh Hóa. Không thể nào hiểu nổi, tại sao hai nhà máy đường và một trại chăn nuôi đầu nguồn thuộc tỉnh bạn Hòa Bình lại có thể “vô tư” và “tự nhiên như ruồi” xả nước thải mà chắc chắn họ biết là vô cùng độc hại vào sông Bưởi để giết chết con sông cùng cuộc mưu sinh của hàng trăm hộ nuôi cá? Ngu dốt và tham lam? Có thể cả hai!

Nhưng không chỉ là xả nước thải độc hại. Còn những cách khác mà con người, vì ngu dốt, vì tham lam đã đối xử tàn bạo và giết chết các dòng suối, con sông cũng như mọi nguồn nước. Hiện tượng lạ vừa xuất hiện trên SÔNG HẬU, đồng bằng sông Cửu Long cảnh báo một nguy cơ khủng khiếp với vùng đất trù phú có 20 triệu người sinh sống này. Nước sông Hậu, sông Tiền sau những trận mưa đầu mùa gần đây không đục ngầu phù sa mà trong như nước biển. Không có “lũ trứng” cá bột, không có “lũ son” với phù sa phì nhiêu hứa hẹn sản vật nước sinh sôi. Các nhà khoa học cho rằng lượng phù sa trên hạ lưu sông Mê Kong của nước ta chỉ còn một nửa so với trước. Không còn đủ lượng cát làm nền vững chắc và phù sa nuôi dưỡng cuộc sống sinh vật bề mặt thêm phong phú, cộng với biển ô nhiễm, đồng bằng sông Cửu Long đứng trước hiểm họa tan rã hoặc thành vùng đất chết. Tất cả là do con người. Thủy điện từ Trung Quốc, Lào. Thủy điện từ trong nước. Dự án vừa được sáng suốt đình lại muốn biến sông Hồng thành đường sông huyết mạch giúp Vân Nam vươn ra biển là một biểu hiện phản bội lại con sông Mẹ. Vì lợi nhuận trước mắt, chúng bắt mẹ HỒNG HÀ ngừng bầu sữa phù sa để làm phu kéo thuyền!

Vụ cá chết ngoài biển, trên sông Bưởi và nước sông Hậu không còn phù sa may ra có thể làm nhiều người tỉnh ra. Hy vọng họ hiểu ra rằng, nếu sông chết, biển chết thì chúng ta và con cháu dù có GDP ngất trời và bản thân họ kiếm chác được bao nhiêu cũng không thể tồn tại.