Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Hồi ký Lê Phú Khải - Lời ai điếu

LỜI NÓI ĐẦU

img003Có lần, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện bảo tôi:

- Nhiều người khuyên Nguyễn Khắc Viện nên viết hồi ký. Nhưng tôi nghĩ, mình chưa một lần bị đi tù. Chưa một lần cầm súng ra trận thì có gì để mà viết hồi ký...

Cứ như lời ông Viện thì đời tôi, không đáng một xu, vậy có gì để mà viết hồi ký, hồi ức cho thiên hạ cười chê (!)

Nhưng bạn bè nhiều người lại khuyên Lê Phú Khải nên viết một cuốn hồi ký, không thì phí đi (!)

Chả là, trong lúc vui vẻ, tôi thường kể cho bạn hữu nghe những chuyện “cười ra nước mắt” của dòng họ tôi, hoặc những nhân vật mà suốt cuộc đời 40 năm làm báo tôi được tiếp cận, làm việc. Toàn là những “nhân vật lịch sử”, những chuyện đáng ghi lại. Mà những nhân vật đó lại không thích hoặc không có điều kiện để ghi lại. Bạn bè khuyên tôi nên viết lại những chuyện mà tôi biết…

Chẳng hạn, như chuyện ông nội tôi làm vaguemestre (nhân viên bưu chính) cho Toàn quyền Đông Dương như thế nào? Ông nội tôi theo Toàn quyền Maurice Long và vua Khải Định đi hội chợ Marseille năm 1922 và phiên dịch cho Khải Định trong chuyến đi ấy như thế nào? Hay là, chuyện chú tôi, tướng Lê Hữu Qua (Lê Phú Cường) có thời gian lái xe và làm garde-corps cho cụ Hồ những năm đầu Cách mạng Tháng Tám như thế nào? Hoặc, một người chú khác của tôi là nhà báo Lê Phú Hào làm phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ và Kissingertại hội đàm Paris như thế nào? Hoặc chính tôi, từng tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những chuyến đi công cán tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau này, ông Kiệt thường kêu tôi đến nhà riêng khi ông đã thôi làm Thủ tướng, để nói chuyện, tạm gọi là “tâm sự” như thế nào? Hoặc chân dung những nhà đấu tranh dân chủ mà tôi có dịp tiếp kiến, giao du như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sỹ Phu...

Những truyện trên không ai hay cả, nhưng là “những tư liệu quý” như bạn bè tôi nói, cần cho hậu thế đọc và suy nghĩ về một thời kỳ đáng nhớ của đất nước tươi đẹp nhưng đau khổ này! Bạn tôi, toàn những người khó tính, vậy mà họ lại thích thú nghe thì có lẽ cũng nên ghi lại thật. Và cũng chỉ người “quen tay” cầm bút mới đủ kiên nhẫn để ghi lại những trang viết này trong lúc thiên hạ đua nhau đi kiếm tiền bằng đủ mọi cách, kể cả các nhà văn chửi bới nhau để tranh một cái giải thưởng... vài trăm triệu lúc này! (5/2012)

Tôi thử kể một đoạn “hồi ký” dưới đây để bạn đọc yêu mến của tôi coi có được không? Bằng không thì hãy vứt ngay cuốn hồi ký này vào sọt rác...để khỏi rác nhà!

(...Trích)

… Tôi nhớ, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn vô thăm tỉnh Tiền Giang. Ban thường vụ tỉnh ủy lúc đó đứng đầu là bí thư tỉnh ủy Chín Hải (tức Lê Văn Phẩm), và chủ tịch tỉnh Sáu Bình (Nguyễn Công Bình) dẫn TBT Lê Duẩn vô thăm vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa phận Tiền Giang (90.000 ha). Đứng trước cánh đồng bao la bát ngát của vùng Đồng Tháp Mười, TBT Lê Duẩn chỉ tay về cánh đồng trước mặt, hỏi:

- Trồng những cây gì thế kia?

Bí thư tỉnh ủy Chín Hải lễ phép trả lời:

-Thưa tổng bí thư, đó là rừng tràm ạ. Bỗng mọi người sửng sốt khi nghe TBT quát:

-Ngu! Ngu! Sao không trồng lúa!!!

Trước cơn giận dữ của TBT vì sao tỉnh lại không trồng lúa ở Đồng Tháp Mười mà lại trồng tràm... thì mọi người chỉ còn biết chết lặng mà thôi. Ai dám cãi lại? Ai dám cả gan giải thích cho đồng chí TBT rằng, đất Đồng Tháp Mười là đất phèn nặng, chỉ trồng tràm là hợp nhất mà thôi. Từ lúc TBT quát tháo như thế, không khí của đoàn trầm lặng. Hầu như không ai nói gì cả. Khi TBT Lê Duẩn đi rồi, tôi nghe rõ tiếng than của bí thư tỉnh ủy Chín Hải:

-Ông Ba (tức Lê Duẩn) quay cờ rồi(!)

... Tướng Lê Hữu Qua là một người cương trực, mỗi lần tôi có việc gia đình phải lên Bộ Công An gặp ông, nhằm lúc ông vui vẻ, thường được ông kể cho nghe về những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, mà theo lời ông, lúc đó tình thế cách mạng “nghìn cân treo sợi tóc”!

Ở Bộ Công An, tướng Qua là người ghét cay ghét đắng thứ trưởng Lê Quốc Thân. Theo ông, đây là một phần tử hèn nhát, cơ hội và gian manh. Chính ông Vũ Quốc Uy, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa đối ngoại của Việt Nam cũng từng nói với tôi về sự hèn nhát của Lê Quốc Thân mà ông được chứng kiến khi Pháp tấn công quân ta đang cố thủ trong nhà hát lớn Hải Phòng hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Uy kể: “Khi tất cả anh em tự vệ đang quyết chiến đấu với Pháp thì Lê Quốc Thân ngồi khóc và sợ quá... đái cả ra quần!” Vậy mà sau này ông ta leo lên đến chức ủy viên trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Công An.

Tướng Qua kể, lúc trúng ủy viên trung ương, thứ trưởng Lê Quốc Thân mỗi lần đến cục tôi làm việc (tức Cục Cảnh sát, Cục Trại giam mà tướng Qua từng làm cục trưởng) thường hoa chân múa tay nói huyên thuyên như “quan điểm” của tôi thế này, “quan điểm” của tôi thế kia... Lúc ấy, tôi nóng mắt lắm. Một hôm không chịu nổi nữa nhưng vẫn giữ sĩ diện cho “đồng chí thứ trưởng” nên lúc tan cuộc họp rồi, mọi người đã giải tán, chỉ còn tôi và thứ trưởng Thân do tôi mời lại. Tôi nói thẳng với ông ta: “Ngày còn ở An toàn khu khi thằng Đỗ Nhuận nó mới sáng tác được bài “Du kích sông Thao”, tối đến nó tập hợp anh em lại để hát thử. Khi nó xướng lên... “Hồng Hà”... thì mọi người ở dưới đều đồng thanh... “mênh mông”... Lúc đó anh chỉ bốc ngô rang ăn, đến nỗi thằng Đỗ Nhuận phải chỉ vào mặt anh nói Lê Quốc Thân “mênh mông” đi chứ, cứ bốc ngô mà ăn mãi thế!!! Chắc anh còn nhớ chuyện đó chứ...? Cái lúc anh bốc ngô rang trong chiến khu sao tôi không thấy anh có “quan điểm” gì... sao bây giờ mới được vô trung ương, anh lắm “quan điểm” thế! Lê Quốc Thân đỏ mặt rồi quay ngoắt đi thẳng. Từ đó y không bao giờ đến Cục tôi để nêu “quan điểm” nữa(!)”.

Tướng Qua là như thế. Tính nóng nẩy, cương trực, nên hay làm mất lòng cấp trên mặc dù công trạng đầy mình. Ông từng phá “Vụ án phố Ôn Như Hầu” nổi tiếng, cứu chế độ cộng hòa non trẻ sau CM Tháng Tám thoát hiểm trong gang tấc. Vậy mà sau này, từ chức vụ Cục trưởng Cục cảnh sát ông phải miễn cưỡng nhận chức Cục trưởng Cục lao cải - tức cục quản lý các trại giam, một chức vụ bị “cách ly” với các vấn đề an ninh ngoài xã hội, không còn liên quan đến toàn bộ hệ thống pháp luật, đến sự minh bạch, công tâm, trách nhiệm cao, thâm niên nghiệp vụ cao của người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia như chức vụ cũ của ông. Vậy mà cũng không yên. Tướng Qua kể khi ông Phạm Hùng làm phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công An, một lần ông đến Cục trại giam và ra lệnh cho tôi thả một nữ tù nhân đang mang án chung thân. Tôi thưa với đồng chí Bộ trưởng, đây là chuyện pháp luật, tôi không dám. Ông Phạm Hùng nói “pháp luật do ta làm ra chớ(!)”. Tôi đành thưa, xin phép để cho tôi họp Đảng ủy Cục, xin ý kiến Đảng ủy. Ông Phạm Hùng trừng mắt hỏi “đồng chí bao nhiêu tuổi?” Tôi biết không xong rồi, và sau giây phút suy nghĩ , tôi đã trả lời một cách kiên quyết, chấp nhận mọi hậu họa “tôi ít tuổi hơn đồng chí”! Thế là hơn tháng sau, tôi nhận được quyết định nghỉ hưu (!)

Ông Phạm Hùng từng là một người anh hùng như tôi đã biết. Ông từng bị thực dân Pháp kết án tử hình. Trong khám tử hình, ông tỏ ra vô cùng anh dũng, được kính nể. Vậy mà khi có quyền lực không giới hạn thì tha hóa như thế. Đó là con đường của tất cả các lãnh tụ trong một chế độ toàn trị, mà trường hợp Phạm Hùng chỉ là một ví dụ nhỏ. Cả dòng họ Lê Phú của tôi, chỉ có mình tôi là được biết về lý do bị cho nghỉ hưu đột ngột của tướng Qua, vì ông chỉ kể cho có một mình tôi nghe trong một chiều “gió tím mưa xanh”.

Cuốn sách này là những mẩu chuyện như thế!

Nguồn: Nguoi-viet Books