Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Cá chết, biển chết, và thơ… chết

Inrasara

 

Thơ chính thống đang chết, đúng hơn.

Nghệ sĩ nhạy cảm với phận người, với thời cuộc. Cá chết…

Khởi đầu là bài thơ đăng trên Facebook vào ngày 25-4-2016 của Trần Thị Lam, một cô giáo Trường chuyên THPT Hà Tĩnh sinh năm 1973. “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” mộc mạc, thật thà của một cây bút vô danh, đã gây xúc động cả cộng đồng rộng lớn lôi kéo hàng loạt bài thơ họa khác với hàng ngàn lượt share và vạn người like, tạo thành cơn “bão mạng”. Nó buộc an ninh vào cuộc. Và buộc Vietnamnet – báo mạng chính thống – đính chính: “Không kỉ luật cô giáo làm thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” (28-4).

Tiếp đến, nhóm nghệ sỹ Viet Art Space gồm Lê Nguyên Mạnh, Maxime Lacino (Pháp), Lý Trực Sơn, Nguyễn Văn Hè, Phạm Chí Líp… trình diễn tác phẩm "Nỗi đau của những con cá” trên đường phố Huế tạo nên cú sốc khác, cũng nhanh chóng bị đình chỉ (29-4).

Ngày “giải phóng” cận kề, mà xui xẻo thay, lũ cá cứ nổi lềnh bềnh lên chết. Xác cá đủ loại chết giạt tắp suốt bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, lan xuống tận Quảng Nam - Đà Nẵng…

Mọi con mắt hồ nghi đổ dồn về Formosa…

Không giống vụ Trung Quốc lấn chiếm vùng lãnh hải Tổ quốc nữa, vì dẫu sao với đại bộ phận nhân dân, tiếng Tổ quốc vẫn còn “mơ hồ”; ở đây cá chết tác động trực tiếp đến nồi cơm của hàng vạn ngư dân, gây lo ngại cho mỗi bữa ăn của hàng triệu dân Việt Nam, và xa hơn – lo âu về nguy cơ làm suy thoái nòi giống trên đất nước hình cong chữ S này.

Biển chết… Đã có rất nhiều tiếng kêu vang lên trên các mạng toàn cầu.

Baron Trịnh, Oregon, Cương Biên, Vũ Thị Phương Anh, Nguyễn Lân Thắng, Phan Quang Phóng, Lương Lan… Những người làm thơ không chuyên, chưa được biết đến nhiều trong làng thơ Việt, kêu cứu.

Không thấy đâu nhà thơ chuyên nghiệp, nhà thơ đang thủ trong túi áo thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Thơ Việt Nam vẫn đang ngủ, hay đúng hơn, đang chết lâm sàng. Dõi suốt trang thơ trên các tờ báo chuyên: Văn nghệ, Văn nghệ thành phố, Nhavantphcm.com.vn, Vanvn.net… không thấy đâu “cá”, “biển”, “Formosa”. Thì chủ trương văn học bám sát thực tiễn cuộc sống tiêu tán đường rồi còn gì!

Trong khi đó, trên đường phố Hà Tĩnh, Hải Phòng, Đà Nẵng, và nhất là Hà Nội, Sài Gòn rầm rập người xuống đường, kêu cứu. Những con người vô danh và không vô danh…

“Chuối Chín Cây”, nguyên tổng biên tập báo Gia đình; bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TPHCM; doanh nhân và là vợ của luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội khoá 13 đương nhiệm; Hương Tô - con gái của nhà báo Tô Hòa, Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng và mẹ là sĩ quan công an. Nhạc sĩ Tuấn Khanh, nghệ sĩ Thành Lộc, ca sĩ Mỹ Linh, MC Phan Anh, ca sĩ Mai Khôi, nghệ sĩ hài Vượng Râu… Rồi là Đào Tiến Thi, Huỳnh Thanh Phát, Nguyễn Trang Nhung, Nguyễn Nữ Phương Dung… có cả “phụ nữ và trẻ em” nhập cuộc. Lưu ý, đây là cuộc biểu tình ôn hòa, vì môi trường sống của dân tộc, trong đó có cả thế hệ con cháu của cánh an ninh, và những người đang điều hành đất nước.

Thế mà họ bị đẩy, đạp, đánh, đập, hốt, bị đuổi việc… như kẻ thù.

Và nhà thơ [chính thống] Việt Nam vẫn bình chân như vại: ngủ! Như chưa hề có điều gì xảy ra, ở nơi ấy. Cái cần lên tiếng thì họ câm điếc, còn điều không cần thì họ hùa vào lên tiếng.

2. Nhà thơ vốn nhạy cảm với thời cuộc. Và qua hình thức gọn nhẹ, họ đã từng có những phản ứng nhanh.

Nhớ, Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa 2007, riêng trang mạng Tienve.org, chưa trọn tháng, từ ngày 5-12-2007 đến 2-1-2008, 59 lượt với 64 bài thơ của các khuôn mặt đã hay chưa thành danh cấp tập xuất hiện, tạo nên một phong trào sáng tác tự nguyện vô tiền [khoáng hậu] về một chủ đề liên quan trực tiếp đến sự kiện chính trị xã hội.

Không thấy đâu bóng dáng nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam!

Mãi Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa 2007 kì hai vào năm 2011, khi “được phép”, họ mới ồ ạt “làm thơ yêu nước”. Mà yêu nước cũng đầy mơ hồ: không thấy đâu chữ “Trung Quốc”; còn bạt ngàn sự kiện và sự cố diễn ra trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn – họ hoàn toàn mù và câm.

Liên quan đến sự kiện cá chết, dù trên các trang mạng đã xuất hiện thơ của Hoàng Vũ Thuật, Trần Hữu Dũng, Lê Nguyên Tịnh, Lê Vĩnh Tài, Vương Ngọc Minh, Chu Thụy Nguyên… thế nhưng ngay thời điểm nóng bỏng này, chính Facebook mới là đất diễn của sự phản kháng của thơ. Đó chính là một khác biệt lớn không thể không ghi nhận.

Facebook phản ứng nhanh nhạy, nó không bị tường lửa, người viết làm chủ nội dung bài viết: post, link, share, sửa, mà không phải đợi ban biên tập; và quan trọng hơn cả là Facebook nhận được sự tương tác tự do qua comment của những người tham gia đọc và chia sẻ.

Và chính qua phương tiện này, các cá nhân đơn lẻ họp lại làm nên sự kiện trên các đường phố tại trung tâm thành phố lớn ba buổi Chủ nhật vừa qua. Ai dám bảo thơ vô tích sự, khi thơ biết chạm đến nỗi đau của con người!?

3. Thơ phát hiện, Vũ Thị Phương Anh:

Biển chết không xa, biển của nước Việt mình

Người đã chết vì lặn trong biển chết

Cá chết đầy bờ, nổi trắng xóa ngoài khơi

Dân nghèo ăn, ngộ độc mấy trăm người

Cá thối kia, người ta làm nước mắm

Hạt muối kia, chất độc rồi sẽ ngấm

Sẽ theo con vào tận mỗi bữa ăn…

Thơ ẩn dụ sâu cay, Lê Vĩnh Tài:

nếu bạn nghĩ: thơ là biển

nhắm mắt lại

biển đang chờ

bạn là mỏ neo

bạn là hạt cát

bạn là giấc mơ...

những tiếng thì thầm của biển

bạn coi chừng

hơi thở bị chết đuối

và lời cá thì thầm

là tiếng khóc của giấc mơ...

Thơ khóc than và kêu cứu, Nguyễn Lân Thắng:

Ai khóc giùm cho biển một lời không

Ai trả lời đi! Biển mình sao vậy???

Ai thấy gì không? Biển đang chết đấy!

Biển oằn mình, vọng mãi tiếng cầu van!

Thơ hỏi, Trần Thị Lam: “Đất nước mình rồi sẽ về đâu”, và thơ đau đớn trả lời:

Đừng hỏi anh, đất nước sẽ về đâu?

Mỗi lời em, như một đường dao cắt

Lưỡi dao ấy không bằng đồng, sắt

Mà thấu tận tim mình. . .

Hãy hỏi “đảng”

… nghe em

Thơ kêu đòi, Phan Quang Phóng:

Tổ Quốc tôi ơi! Hãy tỉnh dậy đi thôi

Dậy để nghe tiếng kêu cứu, vọng về từ biển cả

Để thấy Miền Trung quê tôi, trắng màu xác cá…

Và thơ thức tỉnh. Để, cuối cùng thơ nhập cuộc cùng nhân dân xuống đường. Nhưng rồi thơ cùng nhân dân bị đẩy, đạp, đánh, đập, hốt… như kẻ thù. Thơ không thể im lặng, thơ lên tiếng tố cáo, Nguyễn Trọng Tạo:

Nhân danh ai họ ra lệnh đánh dân

Những người dân tay không và biểu ngữ

… Nhân danh ai họ ra lệnh đánh Con

Họ đánh Mẹ

Họ đánh Cha

Họ đánh Em

Đổ máu

Họ ăn gì mà ngu hơn bò lợn

Bò lợn dân nuôi còn có ích cho người.

Nhân danh ai...

Cho dù ở nơi ấy, nhà thơ còn mê ngủ. Như thể thơ… đang chết.

Sài Gòn-TFN, 15-5-2016