Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Nghĩ về một dự cảm thiên tài (Mênh mông thế sự 31)

Tương Lai

Khi đặt tay trên bàn phím để viết một cái gì đó vào những ngày giàu cảm xúc này chẳng hiểu sao trong đầu cứ ong ong lời nhắn gửi “Thôi về đi. Đường trần đâu có gì. Tóc xanh mấy mùa” (Phôi pha) để “chợt một chiều tóc trắng như vôi” (Cát bụi). Một thoáng u hoài, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

Trong ám ảnh nặng nề nỗi buồn “mênh mông thế sự”, niềm bi phẫn về buổi nhiễu nhương của sự bão hoà những lời nói dối và quá hiếm hoi những lời nói thật ngày ngày đập vào mắt, dội vào tai, thì chuyện người nghệ sĩ thiên tài ấy từ bỏ trần gian đúng vào “ngày cá tháng Tư – ngày nói dối”, vẫn cứ là một sự thật đau đớn cho cuộc đời vốn khát khao cái thật, cái thiện và cái đẹp.

Đó là nỗi khát khao cháy bỏng được “thấy trên lá khô một dòng suối” như người nghệ sĩ tài hoa ấy đã từng thấy. Thấy như anh đã từng cảm nhận và chuyển tải đến cho cuộc đời, cho những thân phận để “giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng đai tục luỵ” (Hồi ức. Thế giới âm nhạc. 3/1997)! Nói dối càng tràn lan, từ dưới đáy xã hội lên đến thượng tầng, khởi đầu từ sự dối trá lớn nhất kéo dài lê thê. Để rồi khi niềm tin bị bục vỡ, kéo theo nó là sự xuống cấp của văn hoá mà sự băng hoại của đạo lý là điều đáng sợ nhất, thì sự khát khao nói trên càng mãnh liệt. Như “Đêm chờ ánh sáng. Mưa đòi cơn nắng. Mặt trời lấp lánh trên cao. Vừa xa vừa gần” (Bốn mùa thay lá). Chính từ sự khát khao đó mà người ta tìm đến nhạc Trịnh. Người ta muốn tìm lại trong tim mình những rung động chân thực về cuộc đời, về con người, về thân phận… từ cảm hứng nhân văn “vừa xa vừa gần” ấy.

Cứ ngỡ như giai điệu và ca từ của người nhạc sĩ tài hoa ấy có “đôi tay thật dài, ôm quanh tình người” (Giọt lệ thiên thu), tiếp thêm nghị lực sống cho con người. Cho dù “đường trần đâu có gì”, ấy vậy mà “người nằm xuống [vẫn] nghe tiếng ru, cuộc đời có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng). Cho dù “Trời cao đất rộng. Một mình tôi đi. Một mình tôi đi. Đời như vô tận. Một mình tôi về. Một mình tôi về. Với tôi” (Lặng lẽ nơi này), cho dù “Đôi khi ta lắng nghe ta. Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du bay về” (Tình xa) thì khát vọng sống vẫn như mầm cây bật dậy từ những khô cằn của đất đá vùi lấp. Vì “trên những nụ cười [vẫn] còn rạng rỡ mặt trời” (Nghe tiếng muôn trùng).

Và vì “bên trời còn nắng, lá trời còn xanh” (Hãy cứ vui như mọi ngày), cho nên không “lên núi nằm xuống” (Tự tình khúc) nữa, không “về bên núi đợi, ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay” (Chiếc lá thu phai), mà “tìm về biển xanh, nói thầm về đời mình, ăn năn dấu rêu phong” (Lời của dòng sông), để mà khắc khoải, mà giục giã “Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi. Đừng xô tôi ngã dưới chân người… Biển sóng biển sóng đừng xô tôi. Đừng xô tôi ngã giữa tim người” (Sóng về đâu).

Quả như ai đó nhận xét, “Nhạc Trịnh viết về thế giới con người, đi qua cái một người đến với mọi người, một thời đến với mọi thời, một nơi nói đến mọi nơi. Với 600 ca khúc trong đó hàng trăm bài được mọi người thuộc và hát, hàng chục bài bất hủ, hoàn toàn có thể làm từ điển ca từ nhạc Trịnh với các trạng huống của con người, từ lúc chưa đẻ đến khi nằm xuống.” (Anh Ngọc)

Thôi thì tạm dừng lại một vài sự kiện đang diễn ra nhân kỷ niệm 15 năm người nghệ sĩ tài hoa đó nằm xuống. Tuyệt đối nằm xuống, chứ không chỉ là “một hôm buồn lên núi nằm xuống” theo tiếng gọi của thiên thu (Lời thiên thu gọi), không là “người đã đến và người sẽ về bên kia núi” để rồi chỉ “còn lại tiếng cười khóc giữa đời” cho “cỏ xót xa đưa” như tên của ca khúc!

Báo chí đã đưa khá đủ những hoạt động kỷ niệm ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà Lạt và nhiều nơi khác trên khắp cả nước, đặc biệt là những sinh hoạt cộng đồng giàu tính tự nguyện, tự phát như buổi hơn 300 người ngồi gần suốt đêm 1.4 bên mộ nhạc sĩ của họ, hay buổi trình diễn trên Đường sách Sài Gòn các ngày 28.3 và 1.4 của phần lớn những ca sĩ nghiệp dư xen kẽ với những ca sĩ chuyên nghiệp trước đông đảo khán thính giả đường phố thật cảm động. Xem ra cũng không cần phải viết thêm nữa.

Có chăng chỉ xin chép lại đây một đoạn trong lá thư riêng từ Huế gửi vào Sài Gòn mà chắc là chưa tìm thấy trên báo chí về một “sáng kiến của Tạp chí Sông Hương, Bảo tàng Văn hóa Huế, nhóm Cựu Học sinh Huế” khiến cho “Những anh chị em yêu Trịnh Công Sơn ở Huế đã có một buổi chiều cuối xuân giàu cảm xúc khi ngồi bên sông Hương ngắm dòng nước trôi đi và nhắc lại những gì nhạc sĩ thân thiết và tài hoa của chúng ta đã để lại sau 15 năm đi xa. Đoàn nữ sinh áo trắng nay đã có tuổi hát những bản hợp ca của anh Sơn, xuất hiện lui tới từ đầu cho đến cuối như giàn đồng ca trong một vở bi kịch cổ điển, làm nền cho tâm hồn nhớ thương của Huế. Anh Bửu Ý… nói về tình yêu trong ca khúc Trịnh Công Sơn. Chị Thái Kim Lan mới từ Đức về nói về chất thiền học và chất Huế trong nhạc Trịnh. Và rất nhiều bài hát đan xen. Đến bài “Cuối cùng cho một tình yêu” (Túy Như) thì một người có tuổi như tôi cũng không cầm được nước mắt thương anh và cảm phục tâm hồn độ lượng của anh.

Chúng ta đã có nhiều cách giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng với cách giới thiệu anh Sơn do những anh chị em ở Huế đã làm thì anh Sơn thật thân thiết, gần gũi, tràn ngập cả đất trời quê hương những nuối tiếc, thương mến không nguôi”.

Rõ ràng Trịnh Công Sơn là một hiện tượng độc đáo trong đời sống đương đại. Ca khúc và giai điệu Trịnh đã đi vào tâm hồn của mấy thế hệ tính từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến hôm nay. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Càng không nên xếp hạng trên dưới của những cây đại thụ trong ngôi vườn âm nhạc Việt Nam. Vì, làm sao biết đủ độ rộng hẹp, nông sâu của những đại thụ đó đã rủ bóng xuống tâm hồn nhiều thế hệ Việt Nam. Cho dù thế, thì vẫn không thể phủ nhận được một sự thật là tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã và đang xác lập một vị thế ngày càng vững chắc trong đời sống tinh thần xã hội.

Một xã hội mà sự xuống cấp của văn hoá đang làm băng hoại từng mảng, từng mảng của hệ thống giá trị, đòi hỏi cần phải tìm một điểm tựa mà cố vực dậy. Liệu có phải, bằng sự lan toả kỳ lạ của sức rung cảm nghệ thuật ngày càng rộng càng sâu, vượt qua mọi rào cản, nhạc Trịnh đang góp phần tạo nên điểm tựa đó.

Nhà thơ Phùng Quán, người đồng hương của Trịnh từng bộc bạch “có những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ và đứng dậy”. Phải chăng, nhạc Trịnh cũng đang thực thi sứ mệnh cao đẹp đó. Lớp trẻ, đương nhiên không chỉ lớp trẻ, đang “vịn” vào nhạc Trịnh, vịn vào ca từ và giai điệu Trịnh mà đứng dậy, mà đi tới, mà đạp bằng mọi chướng ngại đang giăng ra trên từng bước chân của họ? Vì, ai bảo ca từ và giai điệu của Trịnh không là thơ?

Nói như Trần Đăng Khoa, “Còn hơn thơ ấy chứ… Thậm chí có những ca từ của anh ấy bọn thi sĩ chúng tôi không viết nổi đâu. Chính vì thế mà Anh Ngọc, một nhà thơ và là một người lính đã viết về người nghệ sĩ của lòng mình: “Một trái tim quá yêu thương, đồng cảm với người khác, nên trái tim đó cháy sáng lên, như Maxim Gorky từng nói: “Đốt cháy trái tim lên thành trí tuệ”. Trái tim ấy luôn nhìn thấy hai mặt của cuộc đời này. Đẹp và buồn, yêu và đau. Nhạc Trịnh Công Sơn vĩ đại chỗ đó, phản ứng trung thực nhiều bình diện của cuộc sống. Có thể gọi đó là tập đại thành về cõi đời này”.

Thì Trịnh cũng đã nói đấy thôi: “Đường phố này một chiều tôi tới. Đi thong dong tôi chào vẫy mọi người… Đường rất tình, một đường rất tình. Đường rất gần một ngày xưa lắm. Khi chân qua bỗng nghe đầy tiếng chim. Đường trái tim” (Có những con đường).

Nhạc Trịnh Công Sơn là nhạc nói về quê hương, tình yêu và thân phận con người... đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực” đó là lời bình của nhạc sĩ Phạm Duy, một cây đại thụ trong vườn âm nhạc Việt. Quả đúng vậy, như ai đó đã đưa ra nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa: chúng ta có một Trịnh Công Sơn - họa sĩ đã ít nhiều giấu mình sau một Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ”. Và rồi, cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Duy có ý nghĩa như một đúc kết “Tầm vóc một con người được xác định bằng tầm vang của trái tim người ấy… Anh là người có tiếng vang vô tận – tiếng vang của trái tim thiên tài. Một thiên tài không có tuổi.

Đúng vậy. Trịnh Công Sơn đã có những dự cảm thiên tài. Khi cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ bắt gặp được nguồn mạch của đời sống dân tộc và thời đại, vượt khỏi những ràng buộc chật chội và đầy rẫy định kiến của ý thức hệ mang tính áp đặt, thì giá trị của tác phẩm do họ tạo ra đạt tới tầm vóc vượt xa dự định sáng tác của chính họ. Khi anh viết “Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ. Trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ. Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu. Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù” thì phải chăng đây là “chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu chờ tim người không còn nuôi những hờn căm”.

Đó là nỗi chờ mong từ hơn nửa thế kỷ trước đây và nay đã trở thành một khát vọng của dân tộc mỗi lúc mỗi nung nấu mãnh liệt. Và người nghệ sĩ ấy nói về sự đợi chờ ấy bằng một dự cảm trong “tiếng vang của trái tim thiên tài” như cảm nhận Nguyễn Duy: “Có điều gì bất tường đang chớm trong lịch sử” (Sài Gòn tháng 11.1972. Lời mở đầu Phụ khúc Da vàng). Đây không có bóng dáng của “Đợi chờ Godot” trong vở kịch lừng danh của Samuel Beckett nhà văn Pháp, giải thưởng Nobel, từng có tác động không nhỏ đến lớp nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn buổi ấy.

Beckett thuộc trường phái hiện sinh (existentialism), cùng với Camus, Sartre, Kafka, Dostoyevsky… có ảnh hưởng lớn đến giới trí thức và sinh viên Sài Gòn và các đô thị miền Nam. (Vắn tắt nội dung vở kịch như sau: Dưới gốc cây sồi, hai lãng tử nghèo khổ đang chờ đợi Godot. Godot là ai? Đó là một cái tên không tồn tại. Godot không đến. Và hai lãng tử cũng không rõ là Godot có hứa đến hay không nữa, cũng chẳng rõ mình chờ đợi ở Godot điều gì. Ngày hôm sau, cảnh chờ đợi lại tiếp diễn. Godot vẫn không đến và không bao giờ đến. Thế là họ đợi chờ trong nỗi khắc khoải bất tận).

Vở kịch nói về cuộc sống trống rỗng, vô nghĩa và không có lối thoát. Con người đang muốn gì cũng không rõ, muốn giải thoát ư? Thì lại không dám hành động... Samuel Beckett thúc giục con người phải giật mình, chiêm nghiệm lại cuộc sống và suy nghĩ lại cách sống của mình. Vở “Đợi chờ Godot” đã được trình diễn lần đầu vào năm 1953 và sau đó được dàn dựng ở hầu khắp sân khấu thế giới. Chắc là Sơn cũng đã đọc hoặc xem vở kịch hiện sinh đó.

Nói lên điều này để hiểu sâu hơn tầm vóc của dự cảm Trịnh Công Sơn khi anh viết: “Đã thấy thấp thoáng dưới những trũng mắt sâu của tuổi trẻ chiến trường chập chờn những mối tư nghị… Không phải chúng ta thiếu lòng tin, nhưng tôi tự hỏi, chúng ta sẽ còn thấy điều gì trong những ngày sắp tớiNgười ta đánh bóng sự đổ vỡ và gọi đó là niềm bi tráng của phận người. Dự phóng càng lớn, càng dài càng xa cách con người. Và tất nhiên càng mở rộng hố thẳm. Đến lúc đạt được đỉnh cao thì chính là lúc kề cận nhất với vực sâu (Sài Gòn tháng 11.1972)….

Và nhà nghệ sĩ tài hoa ấy đưa ra một phán xét thật mạnh mẽ, dứt khoát: “Chưa bao giờ tôi nghe được một tiếng hát nói về sự sinh nở tốt đẹp của hận thù”. Vì vậy Anh quyết liệt đòi hỏi: “Hãy bắt đầu phá bỏ đấu trường. Phá bỏ sân khấu. Vở tuồng đã quá dài. Bao nhiêu năm nay, chúng ta đã nuôi nấng tình cảm nhân loại bằng tấn thảm kịch quá lớn. Không thể tiếp tục làm những diễn viên giác đấu nữa”!

Những lời tự sự của tác giả được trích dẫn ở trên cho thấy chiều sâu những dự cảm của người nhạc sĩ trẻ xứ Huế buổi ấy đã lòng tự nhủ lòng “Nếu đủ sức giương cung, hãy chọn mũi tên định mệnh” (nt, tr.41). Mũi tên ấy đã có sức bay xa đến cỡ nào? Sự đợi chờ, “chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu chờ tim người không còn nuôi những hờn căm”, một khát vọng của dân tộc được tuyên ngôn từ hơn nửa thế kỷ trước. Và rồi giờ đây khát vọng ấy càng được nhân lên theo cấp số nhân khi nó hoà làm một với khát vọng dân chủ.

Bằng dự cảm thiên tài đó, người nhạc sĩ trẻ tuổi buổi ấy đã dõng dạc cảnh báo: “Những thiệt thòi đã đủ lớn lao. Điều cần nhớ là đừng để cả một dân tộc bị hụt hơi vì vô vọng. (Sài Gòn 1973, Trịnh Công Sơn, Tôi là ai.. NXB Trẻ. 4.2011, tr.41-43). Tuyên ngôn quyết liệt ấy khởi nguồn từ những “Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm. Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong” (Nước mắt cho quê hương). Tình yêu quê hương đất nước kết đọng thành “giọt nước mắt trong tim, lai láng chảy vào hồn” người nghệ sĩ. Những giọt nước mắt ấy cũng “lai láng chảy” vào tâm hồn Việt Nam đang cháy bỏng khát vọng hòa bình, khát vọng hòa hợp dân tộc.

Có thể chính Trịnh Công Sơn cũng không dự liệu được hết tác động thật mãnh liệt, thật sâu lắng và cũng thật da diết của những ca từ và giai điệu của mình. Điều này chẳng có gì khó hiểu. Khi cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ bắt gặp được nguồn mạch của đời sống dân tộc và thời đại, vượt lên khỏi những khuôn thức sáo mòn dối trá, thì giá trị của tác phẩm do họ tạo ra có ý nghĩa vượt xa dự định sáng tác của chính mình. Nguồn mạch ấy không khởi nguồn từ một ý thức hệ mà vượt lên trên nó, nguồn mạch dân tộc. Vì thế nó bắt gặp được nhịp đập của trái tim Việt Nam, “trái tim dân tộc còn đâu những vết thương” (Chưa mất niềm tin. Phụ khúc Da vàng). Không chịu bất cứ một áp đặt nào ngoài nhịp đập tự do của trái tim người nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật đích thực sẽ tạo nên một đời sống riêng, có sức lay động dữ dội với sự cộng hưởng, lan toả ngày càng mạnh mẽ từ trái tim đến trái tim.

Phải chăng đó là nguyên nhân của hiện tượng Trịnh Công Sơn với những tác phẩm bất tử ghi đậm dấu ấn thiên tài, vừa thân thiết vừa độc đáo.

Sài Gòn ngày 2.4.2016