Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Câu chuyện về chú Tiểu Yêu

Truyện

Yên San Thụy Miên

Chồng tôi bỗng đâu dẫn về một chú Tiểu Yêu.

Kể ra tôi cũng không ngạc nhiên gì lắm, chỉ thấy hơi lạ lẫm một chút vì trong nhà xuất hiện một chú Tiểu Yêu sinh động đến thế.

Chú cao chưa đến ngang hông tôi, tầm một đứa trẻ bốn tuổi. Chú chẳng mặc bất cứ một thứ gì có thể gọi là quần áo để che thân. Tôi nghĩ, điều ấy thật hiển nhiên vì chú có một làn da trông thì hồng hào, láng mịn và mỏng manh quá đỗi nhưng kì thực lại giống như một bộ áo quần liền bó sát, rất dày dặn, an toàn, đủ sức bảo vệ toàn thân thể chú. Nhìn chú như vậy, ai có thể bảo là khiếm nhã. Mà với điệu bộ lanh lẹ, nghịch ngợm của chú, thiết nghĩ một bộ quần áo theo kiểu chúng ta vẫn khoác lên người có khi thành ra thừa thãi. Thân thể và chân tay chú thì nhỏ nhắn thôi, nhưng quả chú Tiểu Yêu có một cái đầu với kích cỡ to khác thường. Khuôn mặt chú gần như một dạng thức của hình tam giác, nhỏ dần từ trán đến cằm. Phía dưới vầng trán rộng là hai con mắt tròn xoe sinh động, lấp lánh và vẻ lúc nào cũng vô cùng háo hức, dù chẳng ai biết chú có háo hức với riêng điều gì hay với tất cả những gì chú thấy, hoặc có khi là chẳng với gì cả. Chưa hết. Điểm thu hút nhất trên khuôn mặt chú phải kể đến đôi tai nhỏ như tai mèo ở hai bên đỉnh đầu, cũng nhẵn mịn như làn da nhưng hồng hào quá đỗi. Nét hồng hào đến độ phi thực ấy khiến đôi tai chú hồ như có sức sống riêng. Không phô mình như đôi mắt, nó lặng lẽ ẩn giấu một sức mạnh huyền bí nào đó mà chú Tiểu Yêu không muốn cho ai hay. Tôi thì thấy cái điểm kì cục ấy thật đúng là rất ăn nhập với toàn bộ thân thể chú. Thiếu đi đôi tai ấy chẳng khác nào viết một con chữ mà thiếu đi nét hất phớt nhẹ cuối cùng, không chừng nhìn vào lại thấy chướng mắt chướng mũi vô cùng.

Vừa bước vào nhà tôi, chú Tiểu Yêu không nói không rằng mà nhảy vòng quanh khắp nhà. Chú nhảy nhót quanh tôi. Lạ thế đấy, chú Tiểu Yêu và chồng tôi chẳng buồn đoái hoài đến nhau. Chồng tôi, như thường lệ, mở chiếc máy tính quen thuộc, ngồi chơi điện tử mải miết như đang làm một cuộc thánh chiến, chốc chốc nhìn chúng tôi cười vô thưởng vô phạt. “Vậy thì dẫn chú ta về đây làm gì để rồi bỏ mặc chú ta?”, tôi thầm tấm tức trong lòng. Tôi tấm tức thay cho chú Tiểu Yêu. Còn chú có vẻ chẳng hề hấn gì. Chú cứ tự nhiên mà vui đùa nhảy nhót, chẳng nói một lời. Tôi cũng không phải buộc mình làm quen với việc không hề nghe thấy tiếng nói của chú Tiểu Yêu. Việc ấy cũng như việc chú xuất hiện ở đây- trong nhà tôi- thắc mắc làm chi cho mệt.

Nếp sống của chúng tôi từ khi có chú Tiểu Yêu hầu như chẳng mấy thay đổi. Vợ chồng tôi vẫn việc ai nấy làm, không ngỏ với nhau một lời nào về thành viên mới xuất hiện giữa hai người, coi đó như một sự hiển nhiên trên đời. Tôi thức dậy ngồi vào bàn làm việc từ sáng sớm, viết vài thứ tạp nhạp để kiếm sống, rồi nửa ngày còn lại chỉ lo chuyện nhà cửa, cơm nước hoặc ra ngoài nếu có việc; buổi tối, tôi lên giường từ thật sớm. Thì lúc ấy mới là “khung giờ” hoạt động của chồng tôi. Anh ngủ lúc ngày mới bắt đầu, đến khi bữa cơm trưa đã bày ra trước mặt mới lóp ngóp bò từ giường ra, ngáp ngắn ngáp dài. Sau bữa trưa anh mới bắt đầu “một ngày” làm việc với một phong thái uể oải, đến chừng giờ tôi đi ngủ thì “tinh thần anh mới tỉnh táo hẳn, đạt đến đỉnh điểm minh mẫn trong ngày và làm việc như trâu”- theo cách anh nói. Tôi chẳng bình luận được gì, chỉ nghe anh nói vậy, thầm nghĩ: “Lẽ nào anh làm việc trong tình trạng mộng du suốt từ đầu giờ chiều đến tận đêm?”. Và rồi cảnh tượng những đồ đạc trong nhà với đôi mắt lim dim ngủ và trôi lững lờ trong chân không cứ thế diễn đi diễn lại trong đầu tôi.

Nói qua nói lại, giờ giấc sinh hoạt của hai vợ chồng đúng như sao Hôm và sao Mai. Chúng tôi là hai sinh vật hoà bình, không xâm phạm lẫn nhau, cùng trú ngụ dưới một mái nhà. Chỉ có vậy mà thôi. Điều quan trọng là cả hai đều thấy dễ chịu.

Nhưng bỗng đâu, chồng tôi lại dẫn về một chú Tiểu Yêu.

Tôi chẳng phật lòng hay có ý phàn nàn gì về chú Tiểu Yêu cả. Chú tinh nghịch và chỉ làm mỗi một việc chẳng phiền lụy đến ai là nhảy nhót cả ngày. Đôi mắt chú linh lợi như những tinh cầu lơ lửng trong không trung, đôi tai chú thở những hơi thở ấm áp. Chỉ là, chính những điều ấy làm tôi bỗng thấy tấm tức mỗi khi nhìn tấm lưng chồng tôi đang mặt đối mặt với “công cụ làm việc” của anh, hay mỗi sáng bước vào phòng ngủ thấy anh lùm lùm như một cái xác, trong khi tôi tất bật chợ búa, cơm nước, nhà cửa và cả để tâm đến chú Tiểu Yêu nữa, dù không có ai trong hai người - chồng tôi hay chú - yêu cầu tôi điều ấy. Cảnh tượng mà tôi cho là “thông thường” bấy lâu chẳng biết từ bao giờ đã trở thành trái tai gai mắt.

Đã có ngày, tôi muốn nhảy chồm chồm trên tấm chăn mỏng phủ lên người anh trong lúc anh đang ngủ, như một lần nọ chú Tiểu Yêu bé nhỏ đã làm với tôi trong đêm. Khi ấy, tôi đã bực bội vô cùng. Cảm giác đầu tiên khi phát hiện ra cái sinh vật ấy đang nhảy thoăn thoắt trên người mình với đôi tinh cầu lấp lánh trong bóng tối, tôi chỉ muốn giơ cả hai tay ra tóm lấy cổ chú rồi quăng mạnh một cái ra ngoài cửa sổ như quăng một con mèo. Tôi thầm sung sướng khi áp cảm giác đó của mình lên cho anh, nếu giả tôi có thể làm thế. Suy nghĩ đó xuất hiện lúc vợ chồng tôi đang ngồi ăn cơm trưa. Tôi liền bật cười khanh khách. Vậy mà anh chỉ đưa đôi mắt lờ đờ nhìn tôi theo kiểu vô hại chẳng khác gì nhìn chú Tiểu Yêu kia. Thế là cơn bực bội chỉ còn nước trào lên tận cổ.

Tôi bắt đầu tìm cách tỏ cho chồng tôi biết rằng, tôi muốn anh dành một chút quan tâm cho chú Tiểu Yêu của chúng tôi - giờ thì tôi nghĩ mình có thể gọi như thế. Anh chỉ ậm ừ cho qua.

“À, ra là thế đấy! Ai mới là người dẫn chú ta về nhà đấy nhỉ!?”, tôi thầm nghĩ trong cơn bực bội triền miên không dứt ngày này qua ngày nọ. Dần dà, mưa dầm thấm lâu, cơn bực bội đã biến thành nỗi giận dữ bám chặt mọi tế bào trong tôi, như những mạch nước ngầm róc rách trong lòng đất. Tôi còn biết làm gì được nữa. Tìm cách mà trút nó sang cái đối tượng đã khiến tôi không thể có lấy một giây phút dễ chịu kia ư? Cho đến lúc ấy, tôi không cách gì để hiểu mọi thứ đã bắt đầu từ đâu - từ anh hay từ chú Tiểu Yêu. Nếu là từ anh, sao trước nay tôi chưa từng cảm thấy, chỉ bắt đầu từ khi anh dẫn chú Tiểu Yêu về nhà mà thôi. Nhưng cũng không phải vì chú Tiểu Yêu. Chú thì có tội tình gì?

Thế rồi chính lúc ấy, một sự thay đổi bất ngờ diễn ra.

Một đêm nọ, tôi bị đánh thức bởi tiếng nhảy thình thịch đâu đó trong nhà. Tôi mở cửa phòng ngủ, không bật đèn mà dò dẫm với ánh sáng của đèn pin điện thoại trong tay. Nhận thấy ngay tiếng ấy phát ra từ phía phòng làm việc của anh. Tôi hết sức nhẹ nhàng, rón rén như một tên trộm đi đến cửa phòng. May thay, cánh cửa hé mở hờ hững. Tôi ghé mắt nhìn qua.

Ôi chao, cảnh tượng đập vào mắt khiến tôi suýt nữa thì bật cười khanh khách. May mắn thay tôi đã kìm lại được.

Trước mắt tôi là anh và chú Tiểu Yêu. Họ đang ở đó giữa gian phòng, cùng nhau nhảy nhót một cách điên cuồng. Nếu có thêm âm nhạc phụ họa hẳn phải làm bung cả nóc nhà mất thôi. Chồng tôi lắc lư cái đầu bờm xờm tóc từ bên này sang bên kia, uốn éo mình mẩy, hai cánh tay lúc dang ra lúc gập vào, hai cẳng chân khẳng khiu lúc khuỳnh ra lúc chụm vào trông chẳng ra một điệu bộ gì. Còn chú Tiểu Yêu chỉ có một dáng nhẩy “kinh điển”, ấy là cứ bật tưng tưng trên sàn nhà, theo một trục thẳng đứng từ dưới lên rồi rơi xuống. Ấy thế mà lại là một bộ đôi ăn ý cơ đấy. Màn hình máy tính to rộng của chồng tôi vẫn sáng một cách thờ ơ, chỉ có con chuột quang đang nhấp nháy chờ đợi trong mòn mỏi.

Tôi mỉm cười một mình, ngáp dài một cái rồi quay trở lại phòng ngủ. Tối đó, tôi chìm vào giấc ngủ ngon lành ngay sau khi đặt lưng trở lại giường. Chuyện hồi đêm thức giấc cứ như một cơn mơ.

Sáng dậy, tôi khoan khoái vươn vai. Và ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là: “A, có sự thay đổi đáng mừng rồi đây. Hôm nay là một ngày mới đấy nhỉ!”. Nhìn sang, tấm lưng anh đang quay về phía tôi, hướng vào trong bức tường.

Trưa hôm ấy, anh dậy sớm khác thường. Nhưng mắt anh chẳng có vẻ gì thâm quầng vì thiếu ngủ, hành vi cũng nhanh nhẹn hiếm thấy. Tôi gần như giật thót mình khi nghe thấy tiếng anh cùng hơi thở ẩm ướt áp sau gáy mình. Lúc ấy, tôi vừa đi chợ về và đang làm bếp.

- Trưa nay chúng mình ăn gì em nhỉ?

Tôi giấu bộ mặt ngạc nhiên và nở một nụ cười thật rạng rỡ chào anh.

- Ôi chao, hôm nay mặt trời đi vắng rồi hay sao?

Anh nhe răng cười khì rồi xăm xắn vào nhặt rau giúp tôi, coi như không nghe thấy lời châm chọc.

- Ái chà, hôm nay em đãi tiệc ai thế này?

- Hừm, ngày nào em chẳng nấu từng này thứ. Chỉ có anh cứ như người mơ ngày mới không biết đấy thôi.

Anh lại nhìn tôi cười khì. “Sao thế nhỉ? Liệu ‘bữa tiệc nhảy’ tối qua có ảnh hưởng gì đến đầu óc anh ấy không đây!?”.

Bữa trưa của chúng tôi diễn ra suôn sẻ, thoái mái. Tâm trạng tôi cũng vui vẻ quá chừng. Cả tôi và anh đều ăn nhiều hơn mọi khi, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả. Tôi mơ hồ kể với anh những câu chuyện thuở bé. Anh cười hưởng ứng và lại còn thêm vào mấy câu vui đùa, chốc chốc nhắc lại một vài kỉ niệm cũ ngày chúng tôi mới yêu đương. Chính lúc ấy tôi hồ như quên mất sự hiện diện của chú Tiểu Yêu. Khung cảnh như thoảng một làn khói mỏng manh của kí ức xa xăm. Có khi, hôm nay tôi mới là kẻ mơ ngày.

Sau bữa trưa, chúng tôi ân ái. Chuyện ấy diễn ra ngay trên sàn trong một góc phòng khách. Chính anh là người chủ động khơi gợi và mải miết tới độ tôi gần như cảm thấy không phải tôi đang ân ái với anh mà như với một người tình xa lạ. Tôi cũng bị cuốn vào sự hứng khởi của anh được chừng vài giây.

Thế rồi, chú Tiểu Yêu ở đâu lại hiện diện nhảy nhót trước mắt tôi như thể chú vẫn nhảy ở đó nãy giờ. Mà quả là thế thật. Vào cái chớp mắt ấy, tôi thấy chỉ còn mình trơ khấc trên cõi đời này. Chú Tiểu Yêu đang nhảy, xa xăm giữa các tinh cầu lơ lửng. Chồng tôi, anh đang chìm vào cơn cuồng hoan với một người tình xa lạ. Còn tôi, tôi đang rơi mãi xuống một hố sâu không đáy, tuyệt vọng nhìn tất thảy những thực thể kia rời xa tôi. Tôi cũng rời xa thân thể mình, chìm vào bóng tối hun hút cho đến khi không nghe thấy cả tiếng kêu của chính mình. Chồng tôi đâu biết gì. Trong lúc anh đang miệt mài đưa hứng thú của mình lên, đôi mắt thất thần của tôi chỉ còn biết mỗi một việc, ấy là nhìn trân trân vào chú Tiểu Yêu đang nhảy dưới chân mình. Chú chẳng tỏ vẻ gì trước việc làm kì lạ của chúng tôi. Chính tôi cũng không biết được chú từng hay chưa từng nhìn thấy những cảnh tượng như thế này. Một lát sau dường như hình hài chú ấy cũng biến mất khỏi cái nhìn của tôi. Chỉ còn đôi tinh cầu, đôi tai kì quái của chú cùng Tôi nào kia còn lửng lơ trong không trung.

Từ đêm ấy, tôi bắt đầu khó ngủ, rồi dần dà thành mất ngủ mỗi khi bị đánh thức bởi tiếng thình thịch. “Bữa tiệc nhảy” diễn ra hàng đêm như một thứ Dạ hội Quỷ mà tôi không cách nào can thiệp vào. Ngay từ đầu, tôi đã tự xác lập cho mình - hoặc cũng có thể là cam tâm chấp nhận - vị trí im lặng đứng ngoài bầu khí quyển của họ: anh và chú Tiểu Yêu. Còn với họ, ngay từ lúc bắt đầu, tôi đã không trở thành một mối bận tâm. Tôi bị loại bỏ (có thể không cố ý). Tôi - đơn giản là - không tồn tại vào những đêm ấy.

Mặc cho tôi vật vã mình mẩy trên giường, cơn buồn ngủ cũng không thèm đoái hoài đến tôi. Mỗi lần - khi hiếm hoi ngủ lại được nếu dùng thuốc ngủ - tôi lại chìm vào những cơn mộng mị không dứt. Ở đó, tôi đang nhảy nhót cuồng loạn với chính tôi. Cơn mộng ấy bám riết tôi từ đêm nay qua đêm khác. Dầu cho có ngủ lại được, sáng dậy mắt tôi vẫn thâm quầng, hai má hốc hác, hình hài tiều tụy như vừa trải qua một trận kịch chiến trong đêm.

Ấy vậy mà ban ngày chồng tôi vẫn thản nhiên dậy sớm, làm việc nhà giúp tôi rồi bất cứ khi nào rảnh lại nhảy tưng tưng với chú Tiểu Yêu. Anh thậm chí không nhìn ra sự mệt mỏi kiệt quệ của tôi. Anh đã không còn đầm mình trong những “cuộc thánh chiến” ảo. Thay vào đó, lại là với chú Tiểu Yêu. Mong muốn cháy bỏng bấy lâu nay của tôi dường như đi xa quá sức tôi tưởng tượng. “Giờ thì mình phải làm thế nào đây? Phải làm thế nào đây?”. Những tiếng nói vang lên loạn xạ trong đầu tôi, rền rĩ, van vỉ cả ngày, ngay cả trong lúc làm tình với anh. Phải nói thêm là, từ cái buổi trưa hôm ấy, cứ đều đặn sau bữa cơm trưa, chúng tôi lại vần vò nhau dưới sàn phòng khách trong lúc chú Tiểu Yêu tiếp tục công việc vô mục đích của mình: nhảy. Tôi quá đỗi bơ phờ đến độ chẳng phản ứng gì nổi trước sự hăng hái thái quá của anh. Tôi để mặc mọi sự diễn ra như thế. Và vẫn nhìn chú Tiểu Yêu trong lúc làm tình với anh bằng đôi mắt thâm quầng đờ đẫn.

Ngày nối ngày rút dần rút mòn chút sinh lực yếu ớt trong tôi. Đến lúc, tôi không còn biết phản ứng ra sao trước một việc mới - nếu có thể gọi là mới.

Vào lúc nào chẳng rõ, chú Tiểu Yêu ra đi trong lúc theo chồng tôi ra ngoài, lặng lẽ không báo trước cũng như khi đến. Quả cũng không lấy gì làm đột ngột với tôi. Đó là một sáng cuối tuần. Khi thức dậy trong nhà, tôi đã thấy anh đang lau dọn nhà cửa với một vẻ chăm chú kì lạ. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra sự thiếu vắng của một cái gì quen thuộc. Đó là khoảng trống vắng do sự vắng mặt của chú Tiểu Yêu. Chú đã đi rồi. Tôi đoán thế, vì không bao giờ còn thấy chú trở lại nữa. Ai mà biết chú đã đi đâu, chuyển đến nhà nào khác, hay đã tan biến vào không khí. Tôi chẳng muốn cảm thấy gì nên để mặc mọi sự diễn ra như vậy.

Một ngày nọ, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, tôi nhận ra một kẻ đang nhảy nhót trước mặt mình, cùng với cây chổi lau nhà. Cái kẻ ấy uốn éo thân mình, hai cánh tay chấp chới chuyển động mềm mại trong không trung, mái đầu với khuôn mặt nhợt nhạt giá băng lắc chầm chậm như trong một cuốn băng tua chậm; cây chổi lau nhà nhảy tưng tưng theo trục thẳng đứng từ dưới lên đúng như điệu nhảy “kinh điển” của chú Tiểu Yêu.

Mái đầu kẻ ấy đang đưa qua đưa lại mà đôi mắt thì cứ ở nguyên một chỗ, nhìn tôi chòng chọc. Đôi mắt kia ánh lên tia nhìn vừa xa xôi vừa sắc lạnh. Tôi nhìn lại kẻ ấy. Hóa ra, đó chính là tôi với cây chổi lau nhà đang phản chiếu trong tấm gướng lớn choán hai phần bức tường.  

Mà kì lạ thay, tấm gương ấy có ở trong nhà tôi từ bao giờ vậy nhỉ?

HN- 18/10/2013