Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Mai Khôi: tiếng hát tuổi trẻ & tiếng nói nữ quyền

Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh một cô gái trẻ, cầm guitar và có mái tóc nhuộm, thật khó tin đó có thể là hình mẫu của một nữ đại biểu Quốc hội tương lai. Ấy vậy, khi trò chuyện với Mai Khôi, bức màn của những điều tưởng tượng về một nhân vật được vén lên, những điều cô nói khiến người ta có thể ngạc nhiên. Hóa ra, Mai Khôi có một khuynh hướng “chính trị” nhiều hơn người ta nghĩ.

Nhiều năm nay cô vẫn theo dõi mọi thứ và chiêm nghiệm theo kiểu bộc trực và giản dị của mình. Những điều đó đã hun đúc thành câu chuyện bất ngờ không chỉ cho giới nghệ sĩ, mà cả công chúng nói chung: tháng 3.2016, Mai Khôi tự nộp đơn ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội Việt Nam, đơn vị tỉnh Khánh Hòa.

Dường như bước đi mới của Mai Khôi có vẻ tạo nên một niềm cảm hứng đặc biệt cho báo giới quốc tế. Chỉ trong hai tuần giữa tháng 3, hàng loạt các tờ báo như New York Times, Reuters, Japan Times, ABC News, Daily Mail... đã đưa tin Mai Khôi sẽ bước vào nghị trường. Trong bài viết của nhà báo Mike Ives trên New York Times, ông nhận xét rằng tính cách xã hội chính trị của cô ca sĩ 32 tuổi này thể hiện khá rõ từ lâu trong những bài hát của cô, chẳng hạn bài Việt Nam, với một mơ ước thật đẹp về tương lai của đất nước mình. Tờ Japan Times thì bày tỏ sự trọng thị, khi nhận được câu trả lời của Mai Khôi về hiện trạng ứng cử của cô - “Tôi mong rằng tôi sẽ được đánh giá qua sức mạnh ý kiến của tôi, hơn là dựa vào màu trên tóc của tôi”. Có vẻ như việc chuyển đổi mới mẻ này trong sự nghiệp và hình ảnh của mình, đã gây không ít thắc mắc cho bạn bè của Mai Khôi, cũng như người hâm mộ. Nhưng rõ ràng lượng người ủng hộ một ca sĩ ứng cử vào vị trí một dân biểu cũng không ít, cho dù đây là một chuyện hết sức mới mẻ tại Việt Nam. Cuộc trò chuyện với Mai Khôi dưới đây, có lẽ phần nào tiết lộ được những suy nghĩ của cô, với bước ngoặt của đời mình.

Việc ca sĩ Mai Khôi đột ngột xuất hiện với tư cách là một người quyết tâm bước vào nghị trường quả là một bất ngờ. Chị có thể cho biết điều gì đã thúc đẩy chị?

 

Lâu nay, tôi vẫn theo dõi các sự kiện trong xã hội, và nhận ra rằng có rất nhiều vấn đề mình muốn được góp tiếng nói để thúc đẩy sự thay đổi tích cực hơn. Rất may mắn là tôi tìm thấy sự khuyến khích của chính phủ trong việc mời gọi các ứng cử viên tự do vào vị trí đại biểu Quốc hội. Vốn là một người sống với đám đông khán giả, tôi muốn dùng sự ảnh hưởng của mình để tạo sự quan tâm của công chúng về những vấn đề xã hội cũng như muốn làm cầu nối, để giúp những người trẻ tuổi ý thức rõ về môi trường sống của mình.

Ca sĩ Mai Khôi

Công việc khá là đặc biệt này, hoàn toàn là quyết định riêng của chị hay có sự góp ý của gia đình, còn bạn bè chung quanh thì nghĩ gì về việc chị nộp đơn ứng cử?

Mọi thứ đều là suy nghĩ riêng của tôi, có chút tham khảo nơi ý kiến bạn bè. Nhưng tự mình làm hồ sơ và nộp, là một quyết tâm rất riêng của tôi. Chỉ khi mọi thứ xong hết, tôi mới nói cho ba mẹ biết. Mẹ tôi là một phụ nữ hiền lành của miền quê, nên rất sợ hãi những gì thuộc về xã hội, chính trị. Từ mẹ tôi, tôi nhận ra rằng mối quan hệ của người dân và hệ thống công quyền vẫn nhiều xa cách lắm. Sự xa cách đó dẫn đến việc dân chúng chỉ quan tâm đến việc làm sao để sinh sống an lành mà thôi.

Mặc dù tôi về nhà và nói rằng “con làm việc này một cách hợp pháp theo lời kêu gọi của chính phủ đó mẹ”, nhưng mẹ tôi vẫn hết sức lo lắng. Đó là một ví dụ khiến tôi càng quyết tâm hơn vì tôi không muốn mình, hay con cháu mình mai sau cũng như mẹ, luôn lo ngại mơ hồ và xa cách với đời sống xã hội. Riêng ba tôi thì do am hiểu luật pháp nên ủng hộ tôi. Còn bạn bè thì có người phân vân, có người ủng hộ. Quả thật, chuyện đâu có phải là dễ dàng gì để làm quen, phải không? (cười)

Còn chị, có dễ dàng với chị không?

Tôi đắn đo suốt hai ngày trước khi quyết định làm hồ sơ. Những ngày đó, tôi tìm đọc nhiều tài liệu và những bài phân tích về việc tự ứng cử. Tôi biết mình sẽ gặp khó khăn, và cũng sẽ có sự ủng hộ. Cuối cùng, tôi quyết định vì nghĩ rằng điều mình làm, có một động cơ quan trọng nhất là mình muốn nói cho những người khác, cho xã hội, chứ không phải cho riêng mình.

Hãy nói về các mối quan tâm xã hội khiến chị muốn mình bước vào nghị trường, liệu đó có phải là một suy nghĩ lâu dài và chín chắn của chị, hay chỉ là một cách hưởng ứng phong trào - như nhiều bình luận gần đây?

Nhiều năm nay tôi chứng kiến rất nhiều điều khiến mình tự hỏi rằng làm sao để có thể góp phần thay đổi. Đó là chuyện bạo lực gia đình, bạo lực xã hội ngày càng nhiều. Bên cạnh đó là vấn đề nữ quyền và bình đẳng giới. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, và tôi có thể vào Quốc hội, thì tôi tin rằng mình sẽ góp những tiếng nói mạnh mẽ để thúc đẩy những thay đổi tích cực.

Tôi nhận thấy bạo lực trong xã hội ngày càng tăng, đặc biệt phái nữ là người chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Một thống kê mà tôi biết, thì cứ ba phụ nữ Việt Nam, đã có một người từng trải qua vấn nạn bạo lực. Đáng buồn là nhiều sự việc khởi đầu từ chồng hay người yêu của họ. Bản thân tôi cũng từng chứng kiến những việc như vậy quanh mình. Tôi muốn thúc đẩy việc luật hóa, cũng như vận động các ý thức xã hội về việc giảm thiểu bạo lực trong gia đình và cả trong xã hội nói chung.

Ở vị trí một người cổ vũ cho quyền - vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, tôi thấy con số phụ nữ Việt Nam gánh chịu bạo lực như vậy là một điều không thể chấp nhận được. Một xã hội văn minh không chỉ là phát triển giàu có, nhưng lại ẩn chứa quá nhiều sự tổn thương về con người như vậy.

Gần đây, khi tôi nhận được những thông tin về việc chê bai, khiêu khích những người tự ứng cử là nghệ sĩ hay nữ ca sĩ... tôi càng nhận ra mình phải quyết tâm hơn nữa, vì chính những hành động đó là sự kỳ thị, bày tỏ rõ ràng nhất về sự bất bình đẳng và hạ thấp vai trò nữ quyền trong thói quen suy nghĩ của một số người.

Nhưng nếu nói về những tiêu chí của chị, thì Quốc hội lâu nay vẫn có các tiểu ban chuyên trách như vậy rồi?

Quả đúng vậy, nhưng tôi chưa thấy những kết quả cần có cho đời sống xã hội trong nhiều năm qua. Thật không dễ dàng đạt được những điều mà tôi suy nghĩ, nhưng tôi thấy Quốc hội đã không có những nỗ lực mạnh mẽ, và liên tục cho các tiêu chí mà tôi vừa nói. Điều chứng minh dễ thấy nhất là tình trạng bạo lực ngày càng tăng, giá trị phụ nữ dễ bị xúc phạm, ngay cả trên các mặt báo hay truyền hình.

Tôi không muốn vào Quốc hội để thụ hưởng vị trí hay chỉ lắng nghe. Điều tôi mong mỏi là đem tiếng nói hiện thực của người dân vào nơi cần được quan tâm, kêu gọi hành động cụ thể và cần thiết.

Mai Khôi: ”Tôi sẽ được ủng hộ từ những người có thể không phải là khán giả của tôi”. Ảnh C.T.V

Chị có nghĩ rằng việc bước và nghị trường sẽ khiến cho chị trở nên cô đơn hơn, thậm chí mất khán giả của mình?

Mọi thứ xấu nhất có thể sẽ đến, nhưng tôi tin là nếu tôi làm đúng pháp luật, tôi mang những thông điệp thực tế của người dân đến Quốc hội, tôi sẽ được ủng hộ từ những người có thể không phải là khán giả của tôi. Nếu phải mất đi một điều gì đó để gióng lên những yêu cầu đứng đắn cho xã hội, tôi cũng chấp nhận.

Còn ở quê nhà của mình, chị có nghĩ mọi người sẽ ủng hộ chị?

Cam Ranh là quê nhà của tôi. Tôi tin mọi người ở đó sẽ ủng hộ tôi vì đơn giản là tôi yêu họ. Và tôi nghĩ khi tôi bước đi cho sự việc này, với mục đích vì mọi người, thì chắc sẽ không ai từ chối tôi.


Ngày 11.3, nữ ca sĩ người Khánh Hòa đã công bố quyết định tự ứng cử Quốc hội khóa XIV để góp tiếng nói đại diện giới trẻ, giới văn nghệ sĩ về nhiều vấn đề trong xã hội.

“Nếu được là đại biểu Quốc hội, tôi vẫn giữ phong cách của mình như từ trước nay vốn vậy. Vì tôi nghĩ rằng mình là đại diện cho giới trẻ, mình cần thể hiện những gì mà giới trẻ đang thể hiện. Một xã hội phát triển là một xã hội chấp nhận sự khác biệt. Phong cách của tôi là phong cách phù hợp với giới trẻ và không quá lố lăng”, nữ ca sĩ sinh năm 1983 bộc bạch.

Mai Khôi bước chân vào làng nhạc khoảng 15 năm nay, là một ca sĩ có khả năng sáng tác. Năm 2013, cô kết hôn với một người Úc làm việc trong tổ chức phi chính phủ về phòng chống bạo lực và bất bình đẳng giới.

Mai Khôi cho rằng sáng tác - trình diễn âm nhạc là cách để phục vụ cộng đồng, thì việc tự ứng cử cũng là một cách phục vụ cộng đồng. Và lý do để cô đưa ra quyết định này là để góp phần truyền cảm hứng cho những người trẻ về việc tham gia vào các công việc phục vụ cộng đồng, xây dựng, lãnh đạo đất nước; góp phần trẻ hóa Quốc hội.

Trên facebook cá nhân của Mai Khôi, cô còn cho biết nếu là đại biểu Quốc hội, cô sẽ lên tiếng đưa ra những giải pháp để xoá bỏ thực phẩm độc hại đến từ Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường Việt Nam. (T.A)


Tuấn Khanh thực hiện

Nguồn: http://nguoidothi.vn/vn/news/nguoi-tre/chan-dung/10160/mai-khoi-tieng-hat-tuoi-tre-tieng-noi-nu-quyen.ndt