Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Hồn cây

Văn Việt: Trong thời điểm việc chặt cây ở Thành phố Hồ Chí Minh đang nóng lên với nhiều cách phản đối khác nhau của người dân, mời các bạn đọc một truyện rất có tính thời sự từ một cộng tác viên gởi đến.

Truyện

Việt Dzũng

1

Rồi cái đám ma của gã Cừ, tổ trưởng dân phố cũng giải tán. Phù!... Bà con lối phố được một trận phơi mình giữa cái nắng ong đầu. Cũng bởi cái cây xà cừ mới bị chặt nên trước cửa nhà gã Cừ chẳng còn bóng mát. Mấy cái bạt không đủ che cho số người khá đông tới dự giờ mặc niệm. Bà chủ tịch phường đến cùng bộ sậu, có cậu bí thư đoàn lăng xăng bên cạnh che ô. Dù là “nghĩa tử nghĩa tận”, dân phố cũng nhiều người không đến vì nhà không sân, hè phố lại hẹp, trời thì quá nắng. Thật may, bài điếu văn cũng ngắn, súc tích cô đọng, và bà chủ tịch phường cùng đoàn tùy tùng cũng rút lẹ như khi đến vì... còn lo công việc của phường.

Gã Cừ chết do... hồn cây về báo oán. Là người ta đồn vậy. Họ còn nói cái cây xà cừ mới bị chặt thù gã vì chính gã khoe ngầm là đã chi cho bên Cây Xanh một khoản để họ... bứng cả gốc lẫn ngọn trong chiến dịch thay thế cây của Hà Nội vừa rồi. Có lẽ vậy.

Bà ngoại gã Cừ kể, gã bị đẻ rơi tại chính cái gốc xà cừ vỉa hè nhà gã. Hôm đó trời cũng nắng to như hôm nay. Số gã còn son vì trưa hôm ấy bà ngoại đã quét gom lá cây rụng thành đống từ sớm để “lấy cái đun thay củi”. Cũng nhờ đó, khi bà ngoại dìu mẹ gã ra đường chờ xích lô chở đi Cây Đa Nhà Bò đẻ thì mẹ gã, do không chịu nổi phải chờ quá lâu, lại đang giờ báo động nên đã... đẻ rơi gã lên trên tấm thảm lá đó. Bà ngoại nói khi nghe mẹ gã thét tướng lên, nhìn xuống đã thấy gã đỏ hỏn oe oe trên đống lá cây rồi. Gã tọt ra nhanh lắm, con rạ mà. Nếu không có đống lá xà cừ thì gã đã... vỡ sọ mà chết! Vì vậy, bà ngoại còn nói cây xà cừ là “ân nhân” của gã và đặt tên cho gã là Cừ.

Trong kí ức, gã Cừ chẳng thấy “ân nhân” phù hộ gì cho gã cả. Gã chỉ nhớ cứ đến độ nghỉ hè, tụi trẻ phố thường kê mấy cái cánh cửa dưới bóng mát để chơi bóng bàn rất vui. Còn sau này, cái cây chỉ giúp gã vịn tay vào để... tè mỗi đêm khi đi tuần về lúc đã say xỉn vì gần gốc cây là cái hố ga rất rộng.

Những năm kinh tế thị trường bung ra, vợ gã về nghỉ “một cục”. Sẵn tí vốn, nhà mở quán bán cà phê. Gã Cừ thuộc thành phần công nhân chậm tiến, bị thải hồi do lái xe bán trộm dầu, mặc dù hồi thanh niên gã đã từng tham gia nhóm “cờ đỏ cờ đen” của quận đoàn đi chặn đường rạch quần, xén tóc đám thanh niên ăn chơi “bít dít” theo chủ nghĩa sống “ hiện sinh” của lũ “ tư bản giãy chết”(!).

Từ khi mở quán cà phê, nhà gã Cừ sinh hoạt khá hẳn lên. Hai con gã tuy được ăn học đầy đủ nhưng lại sớm đua đòi ăn chơi kiểu “nhà mặt phố” nên chẳng đứa nào vào được đại học. Con gái mới hai hai tuổi đã tót đi lấy chồng, còn thằng con giai mắc nghiện từ những ngày nghiện game đêm ở các quán, sau đó cứ ở nhà ăn bám và... “chôm” tiền hít “bột”.

***

Gã Cừ được lên làm tổ trưởng dân phố chỉ vì ở cái phố này chẳng có ai chịu nhận cái chân “vác tù và “ ấy. Bà Lan phụ nữ, bạn chị gã đến nhà thủ thỉ nhỏ to thế nào mà gã lại nhận lời. Chắc bởi nhà có thằng nghiện, cứ ngày một ngày hai lại có cảnh sát khu vực tới hỏi thăm yêu cầu gia đình viết đơn xin đi cai. Mà có cai nổi đâu cơ chứ. Mấy hồi cai, mấy hồi về lại tái. Muốn con ở nhà vợ gã lại cứ phải nói chuyện “riêng”. Mệt lắm. Thế mà từ ngày gã làm tổ trưởng, gã và anh cảnh sát khu vực lại có vẻ rất thân thiện, ăn ý với nhau. Thằng con gã cũng mấy lần quậy ở quán net phố bên, bị tạm giữ đều được anh cảnh sát khu vực tới bảo lãnh cho về. Gã vẫn thầm phục bà Lan về cái tài “nhìn xa trông rộng”. Nhất là cái quán cà phê nhà gã, khách khứa để cả xe dưới lòng đường cũng vẫn vô văn tư. 

Gã Cừ được phường xếp loại cán bộ mẫn cán. Cũng phải thôi. Đã gánh chức tổ trưởng dân phố, gã lại hăng hái nhận thêm chân bảo vệ ở phường. Do có tuổi, từng tham gia “cờ đỏ cờ đen” trên quận đoàn nên gã lại được tín nhiệm phân công làm tổ trưởng tổ bảo vệ phường, chỉ huy mấy tướng nghiện “tình nguyện” cũng đang ...”cai”. Có cái băng đỏ và cái dùi cui gỗ, tổ bảo vệ của gã là hung thần của mấy bà bán rong lỡ đi vào phố và mấy nhà bày bán hàng lấn chiếm vỉa hè. 

Phố nhà gã Cừ là một con ngõ khá rộng với những mái nhà tập thể cấp bốn. Cũng từ khi nhà nước theo kinh tế thị trường, cái phố mới đổi đời, nhà nhà xây cao tầng, mở cửa hàng buôn bán đủ kiểu từ đơn giản như nước chè đến mở quán Ka-ra-ô-kê. Ngày cũng như đêm, luôn đông vui nhộn nhịp. Nhà gã Cừ mở bán cà phê nhưng không được thuận lắm vì cái cây xà cừ trước cửa nhà to quá.

Theo phong thủy thì cái cây án ngữ gần hết phần mặt tiền. Đã có người trên phố đến uống cà phê nói, nếu không có cái cây này, giá trị cái nhà sẽ tăng lên thêm ba mươi phần trăm. Bởi nếu nhà này muốn xây lên bốn hay năm tầng thì phải chặt cây xà cừ đi mới xây được. Nghe vậy, từ đó hễ cứ nghĩ đến cái cây là trong Cừ lại nổi lên sự thù ghét ám ảnh. Hai từ “ ân nhân” gần như đã biến hẳn ra khỏi tâm trí gã. Gã đã ủ mưu triệt “ân nhân” bằng một “kế bẩn” là đổ dầu luyn vào gốc cây. Nhưng thật lạ, cái cây chẳng có dấu hiệu chết mà cứ xanh tốt như trêu ngươi. Có thể tại nó quá to đây mà. Nhưng cũng bởi nhà chưa đủ tiền để lên tầng nên âm mưu hãm hại “ ân nhân” của gã Cừ lại bị dìm xuống, dù thỉnh thoảng vẫn nổi lên mỗi khi có ai nhắc đến chuyện cải tạo hay xây nhà. Gã vẫn đều đặn, đêm đêm đi tuần về theo thói quen, đứng trước cửa nhà dưới gốc cây tè một bãi thật đẫy xuống cái hố ga bên dưới rồi mới chịu vào nhà.

***

Chuyện là mấy hôm trước có một người mặc áo xanh của công ty Công Viên Cây Xanh đến uống cà phê nhà gã Cừ. Chẳng nói chuyện với ai, anh ta cứ nhìn cái cây xà cừ. Gã Cừ thấy có linh tính mách bảo cơ duyên gì đây nên đến bắt chuyện. Người mặc áo xanh nói cái cây này mát thì mát thật nhưng không hợp “phong thủy” lắm. Được lời như cởi ruột gan, gã Cừ nhanh nhảu dạm dò:

- Nói thật với chú nhà tôi cũng có thích cái cây đâu. Nhưng cây là của nhà nước, có phải thích chặt là chặt được đâu. Phải không chú?

Người áo xanh lim dim mắt nhìn cây và mỉm cười. Đoạn anh ta thủng thẳng như nói một mình:

- Đúng là cây của nhà nước, nhưng nhà nước cũng có chỉ tiêu hàng năm phải thay thế cây già cỗi, cây nguy hiểm, cây cong vẹo gây mất thẩm mỹ cho phố phường.

Là một kẻ gian ngoan có hệ thống, gã Cừ nắm ngay cơ hội đến từ người này. Bóc bao “3 số” xanh bật nắp, gã đặt ngay ngắn cạnh ly cà phê người áo xanh rồi nhỏ nhẹ chuyển giọng:

- Mời em hút thuốc. Em làm gì ở bên công ty Công Viên Cây Xanh?

- Dạ, người áo xanh liếc nhanh gã, cầm bao thuốc rút một điếu châm hút rồi đặt lên cái sổ tay có cây bút gài, vui vẻ cười cười thân thiện rồi hạ giọng ý tứ đủ cho gã nghe - bọn em đi khảo sát cây xanh để lên phương án chặt hạ, thay thế trước mùa mưa bão. 

- Ôi, thế thì tuyệt quá. Gã liếc nhìn xung quanh rồi kéo ghế xoắn lại thì thầm sát tai người mặc áo xanh - Em cũng thấy đấy, cái cây nhà anh nó chẳng “phong thủy” tí nào. Em xem có gì lên “phương án” giúp nhà anh được không?

- Dạ, cũng còn phải trao đổi hội ý với cả nhóm nữa bác ạ. Quyết định chặt hạ hay không là phải có giấy của sếp kí bác ạ. Người áo xanh từ tốn.

- Thế trao đổi có lâu không em? Theo anh thì cứ “ bồi dưỡng” cho cả nhóm “trọn gói” em nhé? Gã Cừ sốt sắng.

- Dạ...

***                                                       

Độ hơn tuần, dân phố thấy xe của công ty công viên cây xanh chở người đến chặt hạ một cây xà cừ đầu phố bên bị long gốc. Họ nói cây này nguy hiểm lắm, mùa bão năm nay dễ xảy ra tai nạn cho người đi đường. Ờ, mà nghe mấy ông “khoa học” nói có chủ trương thay cây xà cừ bằng cây khác vì rễ xà cừ ăn... nông (?!)

Rồi dân phố lại nghe nói con phố đẹp nhất Hà Nội đang bị chặt hết cây để thay thế bằng cây vàng tâm. Ừ, cái chủ trương này có vẻ được đấy. Vàng tâm là cây gỗ quí, độ vài chục năm sau là có cả một đường cây, khối của ý chứ.

Lại nữa, dân phố nghe nói hàng xà cừ cổ thụ đường Nguyễn Trãi- Hà Đông đã bị đốn sạch mà chẳng phải bởi ảnh hưởng chuyện thi công tuyến đường sắt trên cao. Dân phố ngạc nhiên nhưng thôi, kệ. Chẳng phải phố mình. 

Một buổi sáng, dân phố lại thấy cái cây xà cừ nhà ông tổ trưởng có đám người của công ty cây xanh đến chặt hết cành. Còn ngỡ ngàng chưa hiểu vì sao lại chặt nhiều cành thế thì đến trưa đã thấy cái cây bị cưa máy đốn hạ và phân ra thành ba khúc, ruột đỏ tươi như tứa máu, có cần cẩu tới cẩu lên xe chở đi. Chiều, có mấy người đến đào đốn sạch gốc và lấp lại san bằng hè phố. Nhanh thật, thời buổi làm ăn công nghiệp. Cắt cành, chặt cây, đốn gốc, san lấp chỉ trong ngày. 

Cây xà cừ nhà ông tổ trưởng bị chặt khiến cả một khu vực như quang đãng hẳn ra. Ai đi qua cũng thấy thiêu thiếu một cái gì. Người ta thắc mắc không hiểu sao lại phải chặt nó. Hỏi, gã Cừ cười nhe răng sỉ: “Thay cây theo dự án bà con ạ”.

***

Có lẽ gã tổ trưởng Cừ nói phải. Mấy hôm nay dân phố ngồi đâu cũng nghe nói chuyện Hà Nội có dự án chặt hạ 6.700 cây xanh. 

Dân phố lại được dịp nhỏ to bàn ra tán vào. Đồn rằng mỗi mét khối xà cừ cổ thụ có giá cỡ vài chục triệu đồng chứ chả chơi. Mụ Thoa, vợ gã Cừ ngồi bán hàng hóng chuyện cả ngày, nghe mà trong dạ thấy có phần buôn buốt. Tối về, ả thì thầm với chồng:

- Này ông, tôi nghe nói thành phố có quyết định chặt hết cây xà cừ để thay thế cây loại mới. Họ đang chặt xà cừ nhiều lắm. Thấy mọi người nói báo chí đăng Hà Nội như cái công trường khai thác gỗ để bán ông ạ. Nghe đâu mỗi mét khối cây có giá hàng chục triệu. Như cái cây nhà mình chắc phải gần trăm triệu ông nhỉ.

- Ừ, mả bố chúng nó. Ăn giày ăn cả bít tất! Gã Cừ chửi đổng- mất oan mấy chục triệu.

- Đúng thế. Mụ Thoa bần thần- mình có biết đâu là có dự án. Nếu biết, mình đâu phải chi đậm thế. Cà phê miễn phí cũng là quá lắm rồi. Cũng tại ông cứ vội...

Chán, biết tính ả, còn nằm thì còn phải nghe ta thán, gã Cừ dậy ra bàn pha ấm trà uống. Hôm qua, có lũ trẻ đi buộc nơ vàng vào thân cây, sáng sớm gã và mấy đệ tử đã có lệnh phải đi cắt tháo. Nghe kể lại vụ biểu tình hôm nay ở hồ Thiền Quang có cả ca nhạc của tụi sinh viên, gã cứ thấy ngan ngán. Cũng may không phải quận này. Gì chứ, cái việc đút tiền vào túi giả mặt làm ngơ cho đám hàng rong nó chửi sau lưng gã chịu được, nhưng để lũ sinh viên cười nhạo trước mặt, gã lại có cảm giác cứ thấy đau đau... Vẫn biết biểu tình là ảnh hưởng chính trị lắm nhưng có bức xúc họ mới biểu tình. Cánh sinh viên nó có học, không như lũ dân oan, nó biểu tình như đi hội, mặt mày cứ tươi hơn hớn ý chứ. Lại thích “tự sướng” cùng cánh phóng viên nhà báo nữa, mình đứng nhìn thì chỉ có mà... trơ ra cái mặt thớt.

Có ánh đèn vừa lóe lên phía nhà lão Quân, đối diện bên kia đường. Cái lão này già rồi còn đú đởn. Lúc chiều, chủ tịch vừa thông báo cụm 4 có một thành viên nổi cộm trong đoàn biểu tình. Hỏi anh Duẩn cảnh sát khu vực, thì ra lão Quân cựu chiến binh tổ mình. Chả biết đêm khuya lão này thường làm gì mà đi tuần qua lần nào gã cũng thấy đèn le lói sáng. Anh Duẩn nói phải để ý lão xem có nhiều đối tượng đến chơi không. Chợt phì cười, ngày xưa chính lão Quân là tổ trưởng tổ cờ đỏ “ hắc xì dầu” nhất đấy. Ngày đó gã ít tuổi nhất nên chuyên bị lão Quân sai vặt đi mua thuốc lá với kẹo lạc về cho cả tổ. Rồi lão Quân đi lính tham gia mặt trận biên giới tây nam, còn gã con một nên được miễn nghĩa vụ quân sự, đi làm nhà nước. Chẳng thân nhau lắm vì lão Quân rất coi thường cái “trình độ văn hóa” lớp 7 bổ túc của gã. Kể cả khi gã đã làm tổ trưởng dân phố, gọi là có tí chức quan, rồi tổ trưởng tổ bảo vệ thét ra lửa, tình bạn cũng không được cải thiện. Đã có lần gã nghe thấy lão Quân nói với mấy lão bạn cùng phố: “Chỉ có mấy thằng cha ngơ ngơ và có “phốt” thì mới làm cái chân bảo vệ”. Đắng thật, nhưng lại rất đúng, gã thừa nhận. Đã mấy đời bảo vệ dân phố, có thằng nào ra hồn và không có “phốt” đâu, kể cả gã. Nếu làm bảo vệ ở cái phường đầy con nghiện và mua bán ma túy này phải xét lí lịch thì chắc chẳng có thằng nào được duyệt. Có đứa tử tế nào lại muốn rúc đầu vào cái chân này cơ chứ? Còn cái vụ cây xà cừ thì đắng thật. Nghe vợ lúc nãy nói, gã cứ thấy nhần nhận ngẹn nơi cuống họng. Đúng là loại ăn chặn tinh vi có thẻ nhà nước. Chúng nó lợi dụng cơ hội đi “rung trà cá nhẩy” để móc tiền của dân. Đời chó má thật!

***

- Có lệnh của chủ tịch thành phố dừng cặt cây rồi nhé. Chưa bước hết chân vào nhà, gã Cừ đã vội thông báo thông tin cho mụ vợ đang lúi húi pha cà phê.

- Ôi vui quá. Đúng là tin tốt lành. Mụ Thoa giọng hoan hỉ vừa nói vừa bưng ly cà phê đến cho lão Hạ cắt tóc đầu phố đang đọc báo.

- Lệnh từ hôm qua rồi. Lão Hạ lấy tay nâng kính trên mũi thũng thẳng - Cái đám biểu tình ấy họ la dữ quá. Không ra lệnh dừng mới lạ! 

- Thế hả, vậy là nhà em mù thông tin quá.

- Báo chí hôm nay đồng loạt đăng. Mà còn nhiều vấn đề thông tin về cây xanh lắm. Toàn là là tin mới, đọc mà ngỡ ngàng.

- Vậy hả bác, cho em “tám” tí. Hihiii...

- Toàn chuyện... thật như đùa. Ai đời lại nói “chặt cây không phải hỏi dân” rồi “không ngờ người Hà Nội yêu cây xanh thế”. Lão Hạ cười khầng khậc đưa tờ báo đang đọc gí sát mặt vợ gã Cừ.

Mụ Thoa dài cổ chống cằm tròn mắt ra chiều thích thú. Gã Cừ “e hèm...” lừ mắt liếc, ả cụt hứng bả lả:

- Nhà bác rỗi việc đọc báo cả ngày biết được nhiều thông tin chứ nhà em có báo chí gì đâu. 

Chợt lão Hạ giương mắt dướn lên trên cặp kính quay về phía gã Cừ rồi lấy tay vẫy nhẹ ra hiệu cho gã lại gần, thì thầm:

- Lại đây, ông xem lão này có phải lão Quân nhà mình không nhỉ?

Gã Cừ đến gần, cầm tờ báo lên nheo mắt soi:

- Chả lão ấy thì còn ai. Lại còn quân dung tươi tỉnh nữa chứ. Oai gớm. Chủ tịch cũng đã lưu ý rồi đấy. Không được đi biểu tình. Chuyện chính trị chẳng đùa được đâu.

- Chuyện riêng của người ta, mình dính vào làm gì ông ơi... – Mụ vợ gã Cừ nhắc khẽ.

- Dính là dính thế nào? – gã Cừ trừng mắt quát vợ, quay qua lão Hạ gã gằn giọng:

- Những người biểu tình này yêu cây xanh cũng có mà lợi dụng để biểu tình làm mất uy tín thủ đô cũng có. Đang chuẩn bị có IPU họp tại Hà Nội, bọn phản động lôi kéo, kích động để biểu tình đấy ông ạ.

Lão Hạ ngày xưa vốn nhát, sợ chính quyền. Chẳng là gia đình lão thuộc thành phần đen. Bố lão từng là lính Com- măng- đô cho Pháp. Chính vì thế mà tuổi trẻ của lão vất vả con đường ăn học, mặc dù lão học giỏi nhưng lí lịch không được xét đi thi đại học. Xin vào nhà nước lại càng khó. Rút cục lão học nghề cắt tóc, làm tại nhà, sống khép kín an phận. Từ ngày đổi sang cơ chế thị trường, lão mới mạnh dạn quan hệ rộng và ăn nói bỗ bã như để bù lại những ngày câm nín. Nghe gã Cừ nói vậy mặt gã đỏ lên. Cầm về tờ báo, lão lại cười khầng khậc:

- Tôi thì ai kích động... không biết chứ nếu biết có biểu tình hôm vừa rồi tôi cũng đi.

- Em cũng đi! Em yêu cây xanh!... 

Tiếng lão Hạ chưa dứt thì có tiếng thằng Trung “gầy” gần nhà lão Quân vừa bước vào cùng mấy thằng bạn vang lên theo rất khẳng khái.

“Hừm”, gã Cừ lừ mắt nhìn thằng Trung rồi xuống giọng “đòn vọt” lão Hạ:

- Ông thì đúng là... cần gì phải ai kích động?! Quay qua thằng Trung gã bắt vở:

- Mày thì yêu “bát” yêu “đĩa” chứ yêu gì cây. Bố mày hôm qua biết rồi đấy. Cứ dẻo tay vào mà lắc các con nhé. 

- Dạ, con xin “bố”. Thằng Trung hinh hích cười, rồi đáo mắt qua mụ Thoa gọi cà phê cho lũ bạn.

Chợt mọi người tròn mắt ngạc nhiên khi thấy lão Hạ đứng lên, giọng dõng dạc cứ như trong hội nghị khiến cả đám bật cười.  

- Xin thật lòng báo cáo với quí ông Nguyễn văn Cừ, tổ trưởng tổ dân phố 32 kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ phường Pháo Đài. Tôi, công dân cắt tóc Nguyễn Hạ xin lĩnh hội ý kiến, quán triệt nội dung được trao đổi từ ông tổ trưởng, xin chấp hành nghiêm chỉnh ý chỉ không đi biểu tình vì phải ở nhà phục vụ cắt tóc nuôi vợ con, nhưng xin được hỏi ông tổ trưởng mấy ý… 

Gã Cừ trợn mắt ngạc nhiên, nhưng thấy cái dáng đứng khòng khòng, hai tay khoanh đằng trước cùng với cái bản mặt hom hem, đôi mắt sâu như cú vọ của lão Hạ đang hấp háy gã cũng phải bật cười.

- Ông hỏi gì hỏi đi, nhưng không đùa đâu ông nhé.

- Tôi không đùa mà, ông Hạ vẫn đứng giữ tư thế nghiêm chỉnh - Tôi xin hỏi ông tổ trưởng Cừ rằng ông có yêu cây xanh không?

- Ô, ông hỏi lạ. Ai mà chẳng yêu cây xanh. Cái cây xà cừ nhà tôi bị cắt đi, đứa cháu ngoại chiều hôm đó bỏ cơm khóc hết đêm đấy. 

- Vậy nếu Hà Nội chặt hết 6.700 cây xanh, phố mình toàn xà cừ chắc sẽ vào diện bị chặt hết, thay thế bằng những cái “cọc tiêu” như trên đường Nguyễn Chí Thanh, ông thấy có được không?

- Ơ... ơ... đó là việc của thành phố. Đã có chủ trương rồi.

- Nhưng tôi chỉ hỏi ý kiến ông thôi. Ông thấy thế nào?

- Ý tôi thì... để cây xanh vẫn hơn, nhưng thành phố đã có chủ trương thì ắt phải có tính toán.

- Vậy là ông cũng không muốn con phố mình như đường Nguyễn Chí Thanh, đúng không? Và tất nhiên cũng chẳng có người dân nào ở Hà Nội muốn nhìn thấy cảnh đó ở phố mình, đúng không? Có phải ai cũng muốn chặt cây trước nhà mình đâu. Việc họ biểu tình cũng chỉ do thế thôi, cần gì phải ai lôi kéo với kích động. 

“Chẳng ai muốn phố mình bị thảm họa như đường Nguyễn Chí Thanh đâu ông Cừ, ông Hạ ơi”; “ Họ biểu tình yêu cầu không chặt cây là đúng, mà dừng chặt cây là đúng rồi”; “ nhờ có biểu tình thành phố mới dừng chặt cây đấy”… Có mấy người lên tiếng. Gã Cừ biết mình đang đuối lí và lão Hạ đã đá xoáy gã vụ chặt cây xà cừ trước nhà. Biết kéo dài tranh luận sẽ không có lợi, gã từ tốn xuống giọng với lão Hạ: 

- Thì tôi cũng nói có người biểu tình vì yêu cây thật sự mà. Nhưng cũng có nhiều người bị lôi kéo kích động ông ạ.

- Thế báo đã đăng bắt được thằng phản động nào kích động chưa? Ông Hạ hỏi dồn.

- Tôi... chưa nghe thấy nhưng “trên” đã biết và khuyến cáo tới từng phường ông ạ.

- Phản động là chống lại nhà nước. Đã là phản động thì phải bắt. Mà dân không biết, không thấy, không báo chính quyền thì mới không bắt được thằng phản động nào. Thế ra bọn phản động nó... kích động từ “trên”, “trên” biết mà không bắt à? 

- Ơ... cái ông này. Phản động thì nó có ra mặt bao giờ. “Trên” họ nói là để ta cảnh giác. Thôi, ông uống cà phê đi. Tôi xin phép. 

Mọi người nhìn theo gã Cừ bỏ vào trong, nhìn nhau cười tủm tỉm. Đợi gã đóng cửa phòng, mụ Thoa mới khẽ khàng:

- Ông ấy mấy hôm nay vất vả lắm. Phường cho gọi liên tục, cả đêm. Không phải ngày trực cũng bị gọi, không được nghỉ nên hay cáu bẳn. Mọi người thông cảm nhé. 

Lão Hạ như chưa hết hăng, xả láng một hồi về nhân tình thế thái… Theo lão thò cái xã hội này đã đến lúc chẳng biết đâu mà lần. Lão cười khầng khậc cầm tờ báo ra về sau câu vuốt đuôi của mụ Thoa:

-  Bác lại nhà vui vẻ nhé.

***

Mấy hôm nay, phường có những cuộc họp đột xuất về an ninh. Tình hình “trên” đưa tin về, ngoài lão Quân cựu chiến binh còn có mấy con bé ở phường cũng hăng đi biểu tình lắm. Chúng nó chơi với nhóm gì đó yêu cây có “át chủ” ở trên mạng. chủ nhật nào cũng hẹn nhau đi biểu tình. Gã Cừ và anh Duẩn cùng các chi hội mặt trận, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên cứ phải chia nhau ra đến từng nhà tuyên truyền vận động không nên đi biểu tình. “Trên” còn cho biết ngày mai lại có biểu tình. Đêm nay, gã Cừ và đám “đệ tử” có nhiệm vụ phải cản trở bằng được lão Quân ở nhà.

Hồi chiều, gã và anh Duẩn đã đến nhà lão Quân cố gắng giải thích tuyên truyền nhưng không có kết quả. Lão Quân thuộc loại có học mà. Đi lính về, lão học tiếp chương trình đại học rồi ra trường làm kĩ sư thiết kế bên xây dựng. Thực ra, hồi còn bé gã rất ngưỡng mộ lão Quân. Ngoài cái tướng cao lớn lênh khênh ra, lão Quân còn rất đẹp trai. Ngày làm “cờ đỏ”, đi tới đâu Quân cũng được lũ con gái để ý. Đi theo lão Quân, gã rất khoái, thấy an tâm như được che chở và còn được cười góp và... ăn kẹo lạc. Lão Quân hơn gã những bốn tuổi và có tài ăn nói. Ngày bé gã lùn tịt, bị liệt vào hạng thấp bé nhẹ cân. Được đi theo nhóm đoàn viên hoạt động “cờ đỏ” là do lão Quân lôi theo, vì gần nhà để cho gã dạn lên và để... sai vặt. Mãi sau này lấy vợ, thế nào mà gã lại phát tướng. Làm chân bảo vệ toàn bị cánh dân chợ gọi là “quỷ lùn tréc- lơ- mo”. Mặc mẹ chúng nó. Chỉ dám nói sau lưng thôi, còn vẫn sợ mình một phép. Gã vẫn nghĩ vậy để an ủi. 

Quái... Đã gần 23 giờ mà mấy thằng “đệ tử” vẫn chưa đến. Gã Cừ sốt ruột. Vợ gã đã lục cục quét dọn để đóng cửa hàng. Đèn nhà lão Quân đã tắt. Hình như lão cố ý tắt đèn để quan sát bên ngoài? Đã có lệnh bằng mọi giá phải cản được lão Quân ở nhà. Gã đã nghĩ rất nhiều mưu mẹo và gã thấy chỉ có cách của phường bạn: “khóa cửa ngoài nhà đối tượng” là tối ưu. Đám “đệ tử” lát nữa sẽ mang đến một cái khóa. Lão đã giao nhiệm vụ này cho thằng Tự “lòng”. Thằng này tuy nhỏ con nhưng nhanh nhẹn. Dù biết là vi phạm luật nhưng cứ để một thằng “đệ” làm rồi bỏ chạy, nếu lão Quân biết thì cũng chỉ báo bên công an thôi chứ có làm gì được.

Có tiếng ồn ào gần lại. Ui, mấy thằng “đệ”. Có chuyện gì mà vui vẻ thế nhỉ. Vừa đi vừa hát lại còn múa may quay cuồng đá nhau. Tay giơ lên cái gì thế kia? Dưới ánh đèn đường loang loáng, Ôi... chai rượu. Tiên sư chúng mày, đi làm nhiệm vụ còn uống rượu. Ông thì ông cho mỗi đứa một vụt! Gã Cừ lầm bầm chửi thề. Mấy thằng “đệ” đến khom lưng chào gã rồi cung kính dâng chai rượu. 

- Bố ơi, hôm nay sinh nhật thằng Thung “lác”, bố con ta chúc mừng nó chai này nhé. Thằng Thắng “cò” xuýt xoa, chu mỏ cười cầu lộc.

Đang bực mình, nghe lũ “đệ” nói có sinh nhật, gã Cừ có vẻ hạ hỏa liền.

- Ô, thế hả. Vui quá. Tiên sư chúng mày, sao không báo ông trước. Được rồi, thực hiện nhiệm vụ xong, “Lẩu Lan” thẳng tiến.

- Dạ, thực hiện nhiệm vụ nhanh thôi bố ạ. Con mang đến đây rồi ạ. Thằng Tự “ lòng” vội vã chìa ra cái khóa Việt Tiệp chống trộm sáng lấp lánh.

- Được rồi, gã Cừ vít đầu thằng Tự “lòng” xuống, trầm giọng nho nhỏ - Mày đợi tao và cả nhóm đi đến cuối phố thì hãy thực hiện rồi chạy theo nhé.

- Dạ, con hiểu ạ.

Vốn có kinh nghiệm trong việc chăn dắt bọn “đệ” này, gã Cừ hiểu những ngày sinh nhật là rất quan trọng. Gã chả thèm nhớ nhưng cứ lũ “đệ” thông báo là gã tập trung cho một bữa ăn nhậu rất hoành tráng. Lão học được cái “đòn” này cũng từ lão Quân ngày xưa. Lão Quân nói, chỉ cần quan tâm đến ngày sinh nhật của các thành viên trong tổ, sẽ có được sự đoàn kết và gắn bó keo sơn còn hơn cả anh em ruột. Mặc dù ngày xưa tổ chức sinh nhật trong đội “cờ đỏ” chỉ có nước trà, kẹo lạc và thuốc lá, thêm tí hát hò cây nhà lá vườn, đơn giản nhưng rất vui và ấm cúng. Còn bây giờ, tổ chức sinh nhật là phải rủ nhau đi nhậu thịt chó hoặc ăn lẩu, no say rồi kéo nhau đi ka-ra-ô-kê- tăng 2 mới... đã. 

Đúng như kế hoạch, khi gã Cừ cùng đám “đệ” đi đến gần cuối phố thì thằng Tự “lòng” đã huỳnh huỵch chạy theo sau. Gã hỏi trong nhà có động tĩnh gì không, thằng Tự lắc đầu. Cả nhóm cười hô hố kéo nhau đi nhậu.

***

Ông Quân, ngay từ hồi chiều, sau khi gã Cừ tổ trưởng và anh Duẩn cảnh sát khu vực “thăm” ông ra về, ông đã có ý theo dõi nhóm bảo vệ. Lúc tối, ông cũng chủ động tắt đèn để dễ nhìn ra đường. Thấy bên nhà gã Cừ khách khứa đã vãn, nhưng gã Cừ cứ ngồi bên cửa để ý nhà ông, ông hiểu gã tổ trưởng có nhiệm vụ canh chừng ông. Thường thì đêm gã Cừ đi tuần chứ đâu ngồi nhà. Biết vậy, ông lên gác ba tắt đèn đi ngủ sớm. Đang nằm, ông nghe có tiếng ồn ào. Ra cửa sổ ngó xuống thấy đám “đệ tử” của gã Cừ kéo đến, cả hội bàn bạc vui vẻ lắm, lại có cả chai rượu. Ông cười, đêm thì canh ông làm gì, đúng là lũ “ăn hại đái nát”. Ông trở vào giường nằm. Mai có tuần hành bên hồ Hoàn Kiếm, ông sẽ tham gia. Biết là sức mình chẳng hô hào được gì nhưng đi cũng vui, nhìn mọi người bên nhau hô vang những khẩu hiệu ông lại nhớ đến thời thanh niên sôi nổi. Ngày thanh niên, tuy có những cực đoan như “rạch quần”, “cắt tóc” thanh niên nhưng cuộc sống có lý tưởng lắm. Sau này, chính ông cũng viết những bài nói về những sai lầm của đội thanh niên “cờ đỏ” ngày đó trên mạng. Ông nhận thấy những tư tưởng cuồng tín trong lớp trẻ ngày đó xâm phạm quyền con người. Nếu ở thời chiến thì còn hiểu được, nhưng khi đất nước đã hòa bình mà vẫn còn những hành động xâm phạm quyền con người kiểu đó thì thực sự là lạc hậu, cực đoan. Cũng may mà nhà nước đã chuyển hướng đổi mới, đi lên theo kinh tế thị trường, cởi mở được nhiều trong nhận thức văn hóa, quyền con người được tôn trọng hơn. Nhưng, ông vẫn không hiểu tại sao thủ tướng đã yêu cầu quốc hội thông qua luật biểu tình mà sao quốc hội cứ phải khất lần. Nếu cho trưng cầu ý kiến người dân về luật này, ông tin sẽ có gần 100% người được hỏi sẽ trả lời đồng ý. Thôi, có lẽ nên đi nghỉ để mai lấy sức cùng bọn trẻ đi bộ.

Đang mơ mơ màng màng, ông Quân chợt tỉnh giấc khi nghe tiếng léo nhéo dưới nhà. Chắc lại nhóm bảo vệ nhậu say đưa “bố” Cừ về đây mà. Ông cũng từng nhìn thấy cảnh này nhiều lần rồi. Nhìn trên di động, mới 2 giờ rưỡi, còn sớm quá. Mà sao tự dưng mình lại tỉnh ngủ nhanh thế nhỉ? Bất giác ông xuống giường đi đến bên cửa sổ nhòm xuống.

Gã Cừ đang lúi húi hai tay đằng trước, chắc đang móc của nợ ra tè… Lần nào đi nhậu say về chả thế. Mấy “đệ tử “đang liêu xiêu dìu nhau về, tay giơ lên bái bai nhập nhòa như một lũ ma trơi...

Gã Cừ đang tè thật. Một tay giữ của nợ, một tay giơ lên bai bai lũ “đệ” rồi bất giác, gã như chống hụt vào khoảng không, chỗ có cây xà cừ đã chặt và ngã đổ vật xuống...

Ông Quân ôm ngực nén một tiếng kêu. Không biết gã tổ trưởng có sao không? Mọi việc diễn ra trước mắt ông như một thước phim ngắn cực nhanh. Lũ “đệ tử” của gã Cừ vẫn liêu xiêu dìu nhau đi, không hề biết có chuyện xảy ra.

Đợi ít giây không thấy gã Cừ nhúc nhích, ông Quân mới hét toáng lên rồi lao vội xuống dưới nhà.

Sao thế này, sao ai lại khóa cửa nhà ông thế này??? Chắc nhóm bảo vệ rồi, đúng “mưu hèn kế bẩn” đây. Ông đấm mạnh vào cánh cửa và hét toáng lên:

- Mấy thằng súc sinh, mở cửa cho ông ngay. Bố Cừ chúng mày nguy rồi.

Không có ai nghe ông cả. Chỉ có tiếng vợ con ông đang bật dậy, hốt hoảng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. 

- Nhanh lên mấy thằng súc sinh... Bà con ơi, có ai nghe thấy không? Ông Cừ bị ngã đang nằm kia kìa...

Chợt một ý nghĩ vụt đến, ông Quân chạy ngược lên gác ba, mở cửa sổ trèo ra, tụt xuống ban công tầng hai rồi bám vào cành dâu da xoan, nhảy đại xuống. Một tiếng rắc nhẹ, cành dâu da xoan đã bị gãy, nhưng ông Quân đã xuống được mặt phố. 

Mấy thằng “đệ tử” nghe tiếng hét của ông Quân cũng giật mình quay lại, Lúc ông Quân chạy đến, chúng đã bế gã Cừ lên vỉa hè chỗ cây xà cừ bị chặt. Mụ vợ gã Cừ đang lạch xạch mở khóa cửa nhà. Ông Quân kêu lũ đệ soi đèn pin, sờ vào động mạch cổ gã Cừ để kiểm tra. Máu vẫn đang ri rỉ. Nguy rồi, vết thương ở chỗ “phạm”. Ông bão lũ đệ gọi ngay xe cấp cứu… Bất chợt, gã Cừ mở mắt nhìn ông Quân, phều phào:

- Bá... c... đư… a... gi…úp e... m... v... ào... nh...à...

Mụ vợ gã Cừ đã chạy ra, ôm lấy gã khóc thất thanh... Nhìn vào mắt gã Cừ qua ánh đèn pin, linh tính mách bảo ông Quân dấu hiệu chẳng lành. Từng gặp cảnh này ở chiến trường nên ông biết, ông cùng lũ “đệ tử” bế gã Cừ vào đặt giữa nền nhà. 

- Sao nhà em lại ra nông nỗi này hả bác ơi, mụ Thoa vừa nắm tay chồng vừa khóc.

- Chú ấy chắc bị gió nên ngã ở chỗ gốc cây xà cừ đấy. Ông Quân không nói hết những gì mình trông thấy. 

- Khi nghe tiếng bác hét trên gác, chúng cháu quay lại thì thấy “bố” đã nằm, đầu bê bết máu rồi. Hu hu…uuu... Thằng Thung “lác” vừa nói vừa nức nở.

Chợt gã Cừ mở mắt và mấp máy môi, tay giật giật tay vợ. Mụ vợ không hiểu chuyện gì, khi thấy ngón trỏ của gã cứ chỉ vào túi quần. Ông Quân nói “Bà xem có cái gì trong túi ông ấy không”. Gã Cừ nhắm mắt rồi lại mở mắt như ra hiệu đúng rồi. Mụ vợ thọc tay vào túi gã, lôi ra một đôi chìa khóa mới tinh. Thằng Tự “lòng” ấp úng:

- Dạ... đây... là... là... hai cái chìa của cái khóa ở nhà bác Quân đấy ạ. 

Có hai giọt nước mắt đục lờ chảy ra từ đôi mắt của gã tổ trưởng đang nhìn ông Quân. Ông bật khóc:

- Chú Cừ, tôi chẳng giận gì chú đâu. Lúc nào tôi cũng coi chú như chú em ngày xưa luôn đi theo tôi mà… Trong ràn rụa nước mắt, ông Quân kéo lại khóa quần cho gã tổ trưởng. Ông cảm thấy thân nhiệt gã đang lạnh dần. Đôi chân gã trắng nhợt, do bị mất máu khá nhiều, đã có dấu hiệu cứng…

Chợt có tiếng khóc toáng lên của thằng út “nghiện” từ đâu chạy bổ vào nhà. Nó sụp xuống trước mặt gã Cừ, nước mắt như mưa. Gã Cừ cố mở to đôi mắt lờ đờ nhìn thằng con giai và vợ rồi nghẹo cổ sang bên, nhắm mắt…

- Chú ấy đi rồi, Ông Quân bàng hoàng nói với vợ gã Cừ và mọi người. 

Tiếng của vợ gã Cừ và thằng con giai khóc rống lên hòa vào tiếng còi xe cấp cứu đang đỗ trước cửa nhà. Hai bác sĩ bước vào. Một người vội giở đồ nghề để nghe tim. Trong giây lát, bác sĩ khẽ lắc đầu nói với mụ Thoa: “Ông ấy đã đi rồi”. Rồi họ lại vội vã ra xe, rời khỏi nhà.

Ông Quân bảo mụ Thoa mang chậu nước ra lai mặt lau người và thay quần áo cho gã Cừ. Ông bảo lũ “đệ tử” lấy cái nệm ra đặt giữa nhà và bế gã Cừ lên. Ông căn dặn mụ Thoa nhớ đắp chăn và đặt đầu gã Cừ quay vào trong, trong khi chờ làm các việc cần thiết. Đoạn, ông xin phép cầm hai cái chìa khóa ra về.

***

Hôm nay, trời nắng đẹp. Bên Tháp Bút bờ hồ, các bạn ông Quân lát nữa sẽ có mặt để cùng nhau đi diễu hành ôn hòa, với mong muốn có một Hà Nội màu xanh trong tương lai. 

25/ 4/ 2015