Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Bờ kia (kỳ 7)

Nam Dao

*

Mọi người ngồi xuống, chia đều hai bên để bè thăng bằng, trừ bốn người chống sào, hai đàng sau, hai đằng trước. Nhà Chài đứng mũi bè, nhìn quanh, phất tay chỉ về phía bên kia bờ ra hiệu. Đám thanh niên cong người đẩy sào cắm sâu vào đất bùn ven sông. Bè nhích dần, chếnh choáng như say rượu. Tiếng bong bóng nước lục bục vỡ. Gió lặng dần, bè xa bờ, lặng lẽ trôi. Tiếng ếch nhái nhỏ đi, mơ hồ nhưng chừng thê thiết hơn trong đêm đen kịt.

Bè trôi được hai khắc thì có người thì thào:

- Chếch về phía trái tránh cái Cồn Tiên, xong thì cứ đi thẳng!

- Đi thêm bao lâu mới tới?

Tiếng đàn bà hỏi, giọng ấm ức chực khóc, nhưng chẳng ai đáp. Người nãy ra hiệu lên đường lát sau ậm ừ trong cổ:

- Độ hai trống canh… Tới nơi khoảng đầu canh ba, nếu cứ suôi nước thế này…

Bè chòng chành đổi hướng. Chẳng một ai thấy Cồn Tiên phía tay phải cho đến khi đom đóm hàng ngàn con không biết từ đâu bay tới soi sáng mặt sông nhấp nhô ánh nước. Cồn Tiên thấp thoáng như không có thật cho đến khi trận mưa đom đóm đổ lân tinh vào những chòm cây nhô cao.

- Bắt vài con bỏ vào lọ cho em, tiếng bé gái khẽ cất lên.

- Đom đóm trên sông thế này, anh bắt sao được!

Đứa bé gái bật khóc, thanh âm ậm ực trong cổ.

- Bao giờ sang Bờ Kia anh sẽ đền cho, nín đi… Tiếng con trai cất lên van nài.

Tiếng người lớn gằn giọng:

- Im, chúng mày im… Chúng nó mà nghe thấy thì chết cả nút bây giờ!

Lại chỉ tiếng chèo khuấy nước.

Một người lẳng lặng ra đầu mũi bè, ngồi xuống cạnh Chà. Tiếng sào chống nước đều đặn nhưng bè không di chuyển nhanh như khi sào chạm đáy sông khi còn nông. Bốn thanh niên cầm chèo thay sào chống, giang tay chèo, nhịp nhàng khuơ nước. Chà bảo, cứ thế, sắp đến giữa sông rồi. Cô Đồng đến cạnh Chà khẽ nói, giọng ngọt và mềm:

- Không thấy tàu tuần giang!

Chà bật cười:

- Mình mà thấy nó thì hẳn nó cũng thấy mình, ắt bắt và đưa mình vào trại học tập. Đã cẩn thận canh giờ tuần giang nên mình qua sông lúc bọn tuần giang không đi. Vả lại, cứ qua được giữa sông là yên, chúng nó chỉ kiểm soát bờ Bên Này thôi. Bên kia, chúng nó chẳng mấy khi qua!

- Ờ nhỉ… Em ngu thiệt! Tướng công đừng chê nghe… Cười khúc khích, cô Đồng hỏi, khi nào thì tới giữa sông?

- Nước lặng, chỉ chừng giờ sau - Chà dặng hắng, tiếp - Thôi, về chỗ ngồi đi!

Bè trôi lờ lững. Nhà Chài tươi tỉnh, vỗ vai Chà, nói:

- Trời thương, quả thuận dòng, êm chèo, mát mái!

Quay về phía những thanh niên chèo chống bè, Nhà Chài khuyến khích :

- Chỉ trăm thước nữa là đến giữa sông, sau đó thì ta ngơi tay được, rồi qua Bờ Kia thì nghỉ thả cửa!

Anh Giáo ôm vai Kiều. Khi vượt ranh giới chia hai phần đời, không một ai lại bình thản ngay khi con nước chỉ gợn lên chút hoài vọng những ngày đã qua. Chà cười, nay oang oang:

- Đây là giữa sông, chục thước nữa thôi thuộc giang phận Bờ Kia rồi. Chúng ta sắp vào bến Tự Do…

Bè lướt tới nhưng bỗng nhiên quay ngang, chòng chành, mất hướng. Nhà Chài nhảy tới chỗ cắm tay lái, hò đám thanh niên đồng tay chèo. Bè xoay vòng vòng, mặt nước xoáy như bị hút xuống phía dưới, bọt trắng nổi lều bều. Đám thanh niên nghe Nhà Chài hô, cùng nhau cắm chèo xuống giữ cho bè ngay ngắn. Nhưng cái sức xoáy kỳ lạ kia vẫn khiến chiếc bè xoay vòng vòng. Nhà Chài thét, chèo ngược lại. Bè nhắm hướng Bên Này, nhích tới. Chà nhẩy lại, hỏi:

- Chuyện gì thế?

Nhà Chài lắc đầu, nói không biết. Ông ta cởi quần áo, nhẩy tùm vào nước, rồi lặn xuống. Hai phút, ba phút trôi qua. Ông nhô đầu lên, nói lớn:

- Bè không thấy mắc vào cái gì mà xoay tròn tròn như vậy!

Một thanh niên không nói không rằng lao mình xuống, ngụp sâu trong lòng nước mầu tối sậm, vòng qua vòng lại kiểm tra. Lát sau, anh ta cũng trồi lên, lắc đầu, chẳng hiểu vì sao bè không vượt lên qua thẳng Bờ Kia mà cứ xoay vòng vòng ở lằn biên vô hình giữa sông.

Anh Giáo, Nhà Chài và Chà đã từng cùng nhau đáp vào Bờ Kia một lần, và không gặp cái hiện tượng bè xoay tròn ở ranh giới Bên Này. Nhà Chài hô bọn thanh niên thử lại, cùng chèo. Nhưng vô phương, bè vẫn trôi vòng vòng, không đâm thẳng vào Bờ Kia được.

Sắp đến giờ tàu tuần giang đi kiểm tra. Chà ra lệnh chèo bè ngược lại đâm vào Cồn Tiên. Thật lạ, bè không hề xoay vòng.

Anh Giáo lẩm bẩm, đi tìm tự do khó thế, thật chẳng có gì quí bằng!

Chà nghe thấy, cười khẩy rồi buông thõng:

- Trừ tiền!

*

Giấu bè ở Cồn Tiên xong thì tầu tuần giang đi tới. Thật mà nói, bọn lính tuần này ghen với Cảnh sát Giao thông đường bộ, tìm cách mãi lộ trên sông, nhưng những con mồi thường là ngư dân nghèo rớt mùng tơi, kiếm chác chẳng được bao nhiêu. Còn những con mòng lớn như bọn chặt rừng buôn gỗ lậu, “ăn được” phải là quan kha khá, cấp ủy trở lên mới có lộc.

Đom đóm vẫn sà xuống, lập loè chớp sáng một góc cồn. Bỗng dưng, chúng bay đi, mặt sông nay hết óng ánh trong đêm, thế giới nhuộm đen ngòm dọa dẫm. “Đom đóm bay đâu mất rồi?” đứa bé gái hỏi, rồi khóc thút thít. Nó nghẹn giọng: “Em sợ!”. Thằng anh thì thầm: “Mình khấn bố mẹ mình cầu cho đom đóm bay về nhé!”. Con bé ngần ngừ: “Bố mẹ mình chết rồi à?”. Thằng anh bảo, chắc thế. “Chết là thế nào?”, con bé hỏi. Thằng anh im lặng, lát sau, nó chắc giọng “… Chết là đi rất xa, không ai thấy nữa! Thôi, khấn đi!”. Nép vào anh, đứa bé gái run rẩy, tay kéo áo lên che cổ. Thời gian choãi ra dằng dặc. Thình lình, một con đom đó to bằng ngón tay trỏ lượn lại. Chỉ chừng ba phút sau, ánh đom đóm thấp thoáng rồi hàng ngàn con bay đến phủ mặt cồn chiếu sáng những lùm cây bụi cỏ. Giọng mừng rơn, thằng anh nhìn trời lập loè đom đóm, giọng đắc thắng: “Đấy thấy chưa, đã bảo mà, bố mẹ mình linh thật!”. Đứa bé gái níu tay anh, nói:

- Bắt cho em đi, nãy hứa rồi đấy!

- Ừ… Anh nó đáp, ngần ngừ - Chẳng biết bỏ vào đâu, mình không có lọ!

Nhưng thằng bé trai vẫn quơ tay chộp, bắt được một con, khum tay nhốt. Con bé ghé mắt nhìn, nhưng không thấy đom đóm lập loè, thất vọng kêu:

- Nó chết rồi!

Thằng bé mở tay thì con đom đóm bay vù lên. Anh Giáo ngồi xuống cạnh hai đứa bé, chậm rãi bảo chỉ đom đóm đực mới nhấp nháy để tìm con cái, và cứ làm tình xong thì chết. Làm tình là gì? hai đứa bé hỏi. Anh Giáo giải thích. Eo ôi, hai đứa bé thốt lên, thế thì làm tình chỉ khổ thân thôi! Kiều góp lời, làm để sinh con đẻ cái, là nhiệm vụ trời giao cho mọi sinh vật. Eo ôi, eo ôi, hai đứa bé vẫn trợn mắt hoảng kinh. Thằng bé trai đứng vụt lên, tuyên bố làm người sướng hơn làm đom đóm. Anh Giáo nhìn chung quanh, thầm nhủ, chưa hẳn chắc thế đâu.

Cắt đặt cho đám thanh niên đi canh những nơi có thể quan sát được tàu bè trên sông, Chà quay về chỗ trốn trên cồn. Câu hỏi trong đầu mọi người là cái xoáy nước đẩy bè bật ngược về phía Bên Này. Nó từ đâu ra? Tại sao nó ngăn không cho những con người đi tìm một chốn khác? Ma quỉ hay Thánh thần xui khiến nông nỗi này? Nhà Chài chép miệng:

- Ba mươi năm sông nước, nay tôi mới gặp chuyện này, lạ thật!

- Lặn xuống thì bác thấy gì? Chà hỏi.

- Nước đục, nhưng bình thường là thế… Đáy còn sâu, bè lại nổi, không vướng mắc gì. Còn cái xoáy nước thì từ dưới xoáy lên, càng lên càng mạnh! Bè chẳng phải nhẹ mà quay vòng vòng như thế thì đủ biết xoáy mạnh thế nào!

Chà lắc đầu, chửi một tiếng. Cô Đồng không nói không rằng, sửa soạn hương đèn, mặt căng cứng khẩn trương. Anh Giáo giắt tay Kiều đến ven bờ nước. Trầm tư một lúc lâu, Kiều cất tiếng, giọng buồn rầu:

- Nghiệp những người trên bè nặng quá hay sao ấy! Chở nghiệp Bên Này qua Bờ Kia thì phải làm thế nào đây? Hay là chuyện vô phương cứu vãn?

Anh Giáo thở dài:

- Mang tất tật những cái xấu Bên Này thì qua Bờ Kia cũng sẽ lại tái diễn cuộc xoay vòng lịch sử…

- Thế thì cái ước mơ hạnh phúc bình thường của em sẽ thế nào?

Ôm vai Kiều, Anh Giáo nói, giọng tha thiết:

- Phần mình, anh sẽ làm hết sức để em có cái hạnh phúc ấy. Nhưng còn những người khác. Và muốn thế được, mọi người phải biết mà trở thành những con người bình thường.

- Thế nào là bình thường? Kiều hỏi.

- Là những kẻ biết yêu người như yêu mình. Người như vậy không cần đè đầu bóp cổ ai, không đe dọa, áp bức, bắt kẻ khác rập một cái khuôn mình đặt ra, phần lớn là nhân danh những thứ xảo ngôn…

- Kiểu dzậy mà không phải dzậy! Kiều tiếp lời Anh Giáo, cố lấy giọng vui vui.

Mùi hương bay thoang thoảng trong gió sớm. Tiếng cô Đồng ré lên như đến từ một cõi khác. Tóc dựng trên đỉnh đầu như những chiếc kim nhọn chĩa lên trời, cô xoay vòng vòng, hai tay giang ra bắt quyết, miệng thỉnh thoảng lại khành khạch cười thành tiếng. Không biết từ đâu một đàn quạ đen con nào con nấy to bằng những con gà con bay tới. Chúng tung ngang liệng dọc, đôi khi sà xuống ngang đầu, kêu quàng quạc rồi lại vút lên cao. Thình lình cô Đồng đứng sững, ngửa mặt kêu giọng eo éo như trẻ con:

- Mẹ, mẹ đâu rồi hở mẹ?

- Mẹ đây, con ơi… cô Đồng hú dài.

- Con là cái thai nhi được Thủy Thần sông này nhận làm con nuôi đây. Mẹ có phải là thứ phi Ngọc Trần của Đức Lê Thái Tổ không?

- Đúng đấy! Chúng nó dìm chết mẹ con mình để động viên lính tráng đánh giặc Minh, con ạ! Cái sách này sau có tên gọi là Tuyên truyền Giải phóng sách. Nhân tiện phế trưởng lập thứ, anh con là Nguyên Long được lên ngôi vua, tức Lê Thái Tôn sau đó… Nhưng ai là vua thì mẹ con mình cũng chết oan!

- Dẫu có là con nuôi Thủy Thần, con cũng chán lắm rồi! Không bè không bạn, suốt hai trăm năm chơi đùa với lũ cua, lũ cá, mẹ bảo thế có oải không cơ chứ…

Mẹ có thương con thì xin với Thủy Thần cho một người xuống Thủy cung cho con làm bạn, hoặc cho con lên trần làm người!

- Ấy chết, chớ lên trần gian đây bây giờ, không khí ô nhiễm, đồ ăn đầy độc tố, và lòng người thì chỉ tị hiềm tính toán, khi có tí của tư riêng đâm ra thờ ơ lãnh cảm, sống chết mặc bay!

- Thế thì mẹ chọn bạn cho con nhé!

Giọng eo éo độc thoại kéo dài trong gió của cô Đồng chợt ngưng lại. Cô quay sang nhìn trừng trừng vào đứa bé gái đang há hốc mồm kinh ngạc. Nó chưa kịp hiểu, nhưng thằng anh nó cảm thấy gì đó đe dọa, vòng tay ôm lấy em, nhìn Anh Giáo cầu cứu.

Bà Mệnh phụ hỏi Chà:

- Anh nghĩ sao về lời xin của con gái Thủy thần? Có lẽ phải thế thôi…

Gãi đầu, Chà chưa kịp trả lời thì bà tiếp:

- Quyết định tập thể là phải để cho mọi người bình bầu đấy nhé! Dân chủ mà!

*

Đứng lên, Chà đi vòng kiểm tra những điểm quan sát, lòng ngờ vực chuyện phải hiến người làm bạn với con gái Thủy Thần. Đi hết ba, đến điểm thứ tư, Chà không thấy chàng thanh niên con út của Nhà Chài. Gọi, không ai đáp. Chà sục sạo bụi bờ, cũng chẳng thấy bóng dáng đâu. Thốt nhiên, Chà chột dạ. Nó là một thằng xì ke ma túy, thật không bảo đảm một chút nào.

Chà quay lại, cô Đồng nay như tỉnh ra từ một giấc mê muội, uể oải ngước mắt nhìn. Bà Mệnh phụ lim dim ngủ. Anh Giáo và Kiều châu đầu chuyện trò với hai đứa bé. Nhà Chài thọc chân xuống nước, quẫy quẫy, tay vê thuốc lào. Phải thật bình tĩnh, Chà tự nhủ, và tránh gây hoang mang. Chà lay Bà Mệnh phụ và nói nhỏ. Bà đứng dậy đi theo. Hai người lần mò đến một khu đất đầy cỏ gai. Chỉ gốc một loại cây nhìn như cây hoa gạo, Chà kể thằng xi-ke trốn mất tăm, rồi vắn tắt:

- Tiền và vàng phải chôn thôi. Sang được Bờ Kia còn có khả năng trở về đây tìm, nếu cơ sự không may xẩy đến mà giữ của trong người thì mất hết!

Bà Mệnh phụ hiểu ngay, tay thò xuống hạ thể. Không nói thêm, Chà rút con dao găm đào một cái lỗ sâu chừng 30 phân ngay cạnh gốc cây. Đô và vàng đều để trong bọc plát-tích, không sợ mục. Để một ít phòng lúc cơ nhỡ, hai người vùi đất chôn hết. Nước mắt dài nước mắt ngắn, Bà Mệnh phụ lập bập:

- Có bao nhiêu ở đây là chỉ anh với em biết với nhau thôi… Nhớ đấy, đừng phụ lòng nhau nghen!

Chà đi một vòng gọi ba thanh niên chèo chống về chỗ giấu bè. Đến nói nhỏ vào tai Nhà Chài, ông này lắc đầu, thở dài thườn thượt. Tính toán là nếu thằng xi-ke khai báo, chắc bọn tuần giang cũng phải mất ba bốn giờ mới huy động được lực lượng truy kích, Chà giục mọi người lên đường. Đến khúc giữa sông, phải đi hơn một giờ. Và làm thế nào qua sông được trước chuyến tuần tra 9 giờ tối là, như Chà nói, “hoàn thành nhiệm vụ”.

Mọi người xuống bè sau khi vội vàng ăn trưa. Nhà Chài nay thay chỗ thằng con bỏ trốn, Chà thế ông ta đứng đầu mũi bè lèo lái. Quyết định xuôi xuống hạ lưu 200 thước rồi mới đâm sang Bờ Kia, Chà tránh nơi bị nước xoáy tối hôm qua, hy vọng không phải đối phó với thứ sự cố không ai hiểu lý do. Bè trôi nhanh, nước sông êm ả. Cô Đồng thắp hương khấn Thủy Thần phù hộ độ trì, hứa rồi sẽ làm lễ tạ ơn khi an lành đến nơi đến chốn. Kiều và Anh Giáo ngồi cạnh hai đứa bé, chỉ mong cho xuôi nước thuận gió, nhưng vẫn sờ sợ chuyện phải tế người cho con gái Thủy Thần làm bạn.

Một giờ sau, bè bẻ lái đâm thẳng sang Bờ Kia. Khi đó đàn quạ đen xuất hiện, vù vù bay trên đầu như muốn kéo bè sang sông. Xa xa, bóng lau vờn gió bay trắng tầm mắt. Đến quãng giữa sông, người người cắm sâu chèo, hò nhau ra sức cùng đẩy mái, mạn bè bọt nước sùng sục sôi lên. Thình lình, nghe đâu đó có tiếng cười lanh lảnh. Bè quay ngang, chòng chành. Và rồi xoay vòng như một con bông vụ. Đàn quạ đen cũng bay vòng vòng, trồi sụp như chiếc bè trên mặt nước sông nổi xoáy. Chà thét, chèo đi, chèo nữa… Nhưng cái sức mạnh vô hình vô tướng vẫn đấy. Cô Đồng đứng bật dậu, tru tréo:

- Đây, hiến cho Thủy Thần một người đây!

Nhà Chài thình lình nhẩy tới chỗ đứa bé gái, nắm chặt lấy cánh tay. Thằng bé trai chồm đến nhe răng cắn vào bàn tay Nhà Chài, bị ông lấy tay kia đấm vào mặt, mũi sặc máu. Anh Giáo lao lại, nhưng Kiều giơ tay cản, thét lớn:

- Đừng… Để tôi thay!

Nhìn Anh Giáo, Kiều nói: “Em đi đây!” rồi lao mình vào dòng nước đang cuộn xoáy như hóa dại.

Chà còn ngơ ngẩn thì Anh Giáo nhẩy theo Kiều.

Tiếng thân người rơi vào cõi khác nghe đâu có khác gì một hòn sỏi quẳng vào chốn bềnh bồng không bấu víu được. Đàn quạ đen xà xuống mặt nước sủi bọt tính cứu vớt nhưng bất lực, lại bay lên, lượn thêm một vòng rồi vỗ cánh bay về phía chân trời xa tít tắp.

*

Lại phải chèo bè ngược về Cồn Tiên. Dẫu nay cô con gái nuôi của Thủy Thần có đến hai người bầu bạn, nước vẫn cứ xoáy tròn, và sau khi mọi người đều mệt lả mà không vượt được khúc giữa sông, bè lại quay đầu về Bên Này. Đến nơi thì bọn tuần giang được sự hỗ trợ của Hải quân ta đã chờ sẵn, súng ống lên đạn lách cách, quát tháo rầm rầm. Ai chủ mưu? Dĩ nhiên ai nấy đều khai là Anh Giáo và Kiều. Họ không còn ở chốn nhân gian, và tiểu thuyết này có thể kết rất hồn nhiên, là chết vì tình vẫn hơn so với sống mà vô tình. Kết thế là chém gió vô tư, nhưng chẳng mấy người tin kiểu nói dzậy, chắc chi đã dzậy!

Giả hư cấu, tiểu thuyết phóng sự này rất đúng tiêu chí người thật việc thật này chắc chẳng thuận buồm suôi gió dễ dàng đến tay bạn. Cái hy vọng mua vui không chắc được nửa trống canh e thế cũng khó thành. Có lẽ nó hiện thực quá, thế quyền hẳn không ưa. Để bạn đọc kiểm tra tính hiện thực vừa nói, chắc chắn phải kể đoạn tiếp của những nhân vật tiểu thuyết.

Trước tiên là Nhà Chài. Đơn giản, ông ta bị kết tội vượt biên, và vì nghèo xơ xác, ông ta bị cải tạo 3 năm, không gặp lại thằng con xì ke chết vì chích thuốc quá liều.

Phần cô Đồng, truân chuyên hơn. Vì có chứng nhận thương binh 3/5 từng phục vụ Tổ Quốc, thời gian cải tạo không mấy lâu, cô về thế giới dân sự vẫn với cái giới tính lưng chừng giữa nam và nữ. Nhưng hận bà Chúa Ngọc Trần cản trở chuyến sang Bờ Kia, cô tới Phủ Giày đầu quân cho bà Chúa Thượng Ngàn, bị hội Liên hiệp Đồng cốt truyền thống dè bỉu rồi đánh đuổi. Cô sang Hòa Bình, đành lễ đền thờ Bác Hồ, sáng tác một giá hầu đặt tên là Búp nõn Làng Sen, nhưng Ủy ban Văn hóa huyện đánh giá là mê tín dị đoan mang cốt cách phản cách mạng tâm linh, và quyết định trục xuất cô khỏi địa bàn văn hóa. Cô đành giạt lên Sơn La, nhưng cũng không tìm được đền hầu Mẫu, cuối cùng phải lê la ăn mày lộc Thánh trên tít Hà Giang. Nhưng thật bất công. Giá hầu do cô Đồng sáng tác nổi tiếng bị mất tác quyền, hiện khắc ở điện Hoàng Thiên Long thờ đạo Bác Hồ, tọa lạc tại huyện Ứng Hoà, Thành Phố Hà Nội. Con đường tâm linh mở sáng cho muôn dân được đúc kết như sau:

Nay hạ thần xin hoàn tất hồ sơ

sao y bản chính lời thơ thành sự thật

Vậy lòng người không trật

mà chữ bật hành tinh

nổi ứng là khắc linh

Chủ tịch Hồ Chí Minh cứu thế

Hồ chí Minh là ban y tế

nay Hoàng Thiên Long tiếp kế cứu trần…

Về phần Chà, sự thể ly kỳ hơn nhiều. Vẫn với chiêu bài bệnh tâm thần, Chà kể lể oán trách Án Đô vương Trịnh Bồng, nguyền rủa Đạt Hải Thiền Sư, và xung phong đầu Quân Giải phóng đi Nam đánh Mỹ. Lính Lam y cười, còn Mỹ đâu mà đánh? Chà nhăn nhở không đánh Mỹ thì đánh quân nhà Thanh, gom sức với Bắc Bình vương chặn đạo quân của Sầm Nghi Đống, quyết một trận giết sạch sành sanh, cho chúng biết “thế nào là lễ độ” phương Nam ta. Điên điên dại dại, Chà lại được xuất viện, nhưng không quay lại chùa Lọ mà đi tìm Bà Mệnh phụ. Bà vẫn còn giấu được tiền ở Hà Nội, đút lót và ra ngay, hồ sơ tạm giam biến không dấu vết như trò quỉ thuật. Nói ngay, Bà Mệnh phụ có tình với Chà, hai người lần mò đến Cồn Tiên tiếp thu tài sản đã được đào sâu chôn chặt. Với tài sản đó, Chà quyết định làm ăn trong khuôn khổ pháp luật, trở thành một thành viên nhóm lợi ích đầu tư trong khâu lâm nghiệp, đi khai phá rừng đất nước bạn, cả Lào lẫn Campuchia. Được tiếng là bản lãnh, thông thạo ngoại ngữ, và có học vị Tiến sĩ ở một Đại học tên Delaware chính hiệu USA không biết từ đâu mà ra, Chà được Ban Quản trị đề cử chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty hợp doanh Lâm nghiệp, phá rụi gần như 2/3 rừng hai nước anh em, được Mặt trận Tổ quốc nước ta vinh danh là Nhà Doanh nghiệp gương mẫu trong công cuộc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Về phần Bà Mệnh phụ, bà được đảng ta đề nghị ứng cử vào Quốc hội, thành đại biểu chuyên trách về những vấn đề phụ nữ trong thời buổi hội nhập với thế giới. Dĩ nhiên, cái vụ việc quá khứ về chuyện lỡ tay khi làm đẹp cho tiểu yêu ông chồng quan chức xưa không còn ai nhắc tới.

Đoạn tạm kết cho Chà và phu nhân là kết có hậu, thậm chí hậu hĩ, vì họ là những người dám nghĩ dám làm ở giai đoạn Kinh tế thị trường có định hướng linh tinh trong một xã hội đạo tặc vô pháp. Khi chạm vào tình thế bức bách đến không còn dưỡng khí, dân gian tìm lối thoát qua huyền thoại. Người đời kể ở hạ lưu con sông phân lưu giữa Bên Này và Bờ Kia có hai cái xác, một nam một nữ, nắm tay nhay giạt vào bờ. Nhợt nhạt nhưng không trương phình như xác trâu bò rớt xuống sông chết đuối, hai các xác được đắp chiếu, và chưa kịp trình báo cho chính quyền xã thì gió thổi chiếu bay tốc lên, hai cái xác ngồi nhỏm dậy. Họ sống lại, đúng là phép lạ quả thật cần cho cuộc tồn sinh trong cơ hàn và áp bức. Đến tối, họ đi, nhẹ như một làn gió, không ai biết.

Blog Anh Giáo hoạt động trở lại, với những hình ảnh sống động trong vụ Ecopark ở Văn Giang. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng đưa máy xúc, xe ủi, côn đồ và công an đến phá tài sản và hoa mầu của dân ba xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan. Khiếu kiện từ 9 năm nay, dân tuyệt vọng, thề sẽ sống chết bảo vệ đất, và hẳn có người đã nghĩ đến những khẩu súng không chỉ là súng hoa cải của anh Vươn ở Tiên Lãng. Theo một nhà tư tưởng Mác-Lênin thuộc lề chính thống, lượng (dân oan) đến một giới hạn sẽ thành phẩm (tiếng súng), và chính vì thế an ninh là nhiệm vụ số một của một đất nước lầm than.

Về phần sư chùa Lọ, câu chuyện khá phức tạp. Sư hẳn liên quan đến chuyến sang Bờ Kia xuất phát từ chùa, và khi điều tra, công an biết là chùa từng đăng ký tổ chức dã ngoại ở phố Hiến để thăm dấu tích chùa Nhật chùa Tàu xây từ thế kỷ 17. Nhưng một phần tôn giáo là vấn đề nhậy cảm. Phần kia là chuyện dính dáng đến khoa học. Nghe khai báo về hiện tượng xoáy nước, Viện Địa chất của Bộ Tài nguyên Môi trường phái một đoàn lúc nhúc Giáo sư Tiến sĩ đến khảo sát xem “ta” có khả năng tạo thủy điện không. Chỉ phát động, Viện đã đệ đơn đòi kinh phí gần một tỉ đồng Việt Nam. Kết quả: không có gì vì chẳng ai ghi nhận được xoáy nước nào!

Như vậy, phải chăng xoáy nước là một kết hợp giữa thế giới tâm linh với vật chất? Nếu thế, quả nước “ta” là chốn địa linh, nơi đẻ con Rồng cháu Tiên, loại sinh vật siêu nhiên chẳng chốn nào có trên trái đất tí ti này. Để tìm hiểu, “trên” phái một ông Phó Ban Tôn giáo Trung ương xuống thẩm tra, dặn phải khéo léo tế nhị vì “ta” khá mang tiếng trên trưng quốc tế trong vấn đề tự do tín ngưỡng. Cuộc tọa đàm với sư rất thân mật. Ông phó nhỏ nhẹ:

- Bạch thầy, thầy nghĩ sao về hiện tượng xoáy nước khiến những kẻ vượt biên không sang được Bờ Kia?

- Nam mô A di đà Phậg… Xoáy nước nổi lên vì có những kẻ mang cái Tham, cái Sân, cái Si ở Bên Này qua sông! Qua mà thế, Bờ Kia rồi sẽ thành cái Bên Này mạt pháp vì không giữ được lượng từ bi mà thôi!

- Nếu có xoáy nước thì Việt Nam ta có một nguồn thủy điện phát xuất từ tâm linh…

- Từ cái Ác - Sư ngắt lời, miệng tủm tỉm nhưng rồi mếu xệch.

Sư thì thào tiếp, giọng ngậm ngùi:

- Xin các ngài chớ tiếp tục tạo Nghiệp. Nó đã đè trên mảnh đất này hơn năm mươi năm rồi!

Ông phó Ban Tôn Giáo không còn kiên nhẫn, hỏi dồn:

- Bạch Thầy, làm sao biết được có cái xoáy nước?

- Dễ thôi, bằng thực chứng. Cứ thử cho đám cảnh sát giao thông, đám dân phòng, bọn côn đồ “quần chúng tự phát” vượt sông xem sao!

Đề nghị của sư được nghiêm chỉnh tiến hành. Và đúng lời sư, xoáy nước xuất hiện, quay vòng và nhận chìm cả một cái giang hạm chất đầy dục vọng. Để thưởng cho sư cái công tìm ra một nguồn năng lượng mới mà thế giới chưa hay biết, Ủy ban Tôn giáo đề nghị một vị sư quốc doanh tuổi mới sấp xỉ 40 vào giúp Phật sự cho chùa. Ngay sau đó, vì nghi Bà Mệnh phụ giấu của trong chùa, công an huyện đưa xe xúc, xe ủi đến cào đất sân chùa tung tưởi khiến thiện nam tín nữ phải mất cả tháng đến giúp chùa sang sửa lại. Tự do tôn giáo ở chùa Lọ được duy trì, báo lề phải đến chụp hình quay phim, phỏng vấn rôm rả, đưa chiếu trên TV.

À, còn chuyện hai đứa bé bị bố mẹ vì nghèo đói không có cái để mà ăn nên phải bỏ rơi chúng ở cổng chùa Lọ năm xưa. Chúng cũng bị bắt trong chuyến sang Bờ Kia, nhưng bắt thì phải nuôi, công quyền đâu có của đâu mà phí phạm thế. Một sáng, sáng mùa xuân, một chiếc xe jeep sơn xanh xịch đậu trước cổng chùa. Hai đứa bé vừa xuống xe thì con Vằn trong chùa chạy ra vẫy đuôi, sủa oăng oẳng. Đứa bé gái nói:

- Mẹ Vằn sủa được rồi! Chắc nó không còn sợ bọn trộm chó như xưa, anh nhỉ!

Vào đến sân, hai đứa bé nghe con sáo ríu rít rồi lanh lảnh “mô phật”. Vằn lại sủa. Con bé bảo: “Mẹ Vằn hết sợ thật rồi!”. Thế còn chúng ta? Còn sợ không? Sợ gì và sợ ai? Hay rốt cuộc, chỉ sợ ma giữa ban ngày khi cái sợ thành quán tính mang truyền thống một dân tộc lúc chưa đến bị đẩy vào đường cùng! Tiếng kinh tụng ngày nào vẳng lại, thời gian bỗng đóng băng, không sau không trước. Chỉ có hiện tại trong sự sống của từng tế bào, trong từng hơi thở, với tự do là điều kiện tiên quyết của sinh tồn.

Vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đ….

Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua…

Mẹ Vằn thôi kêu hích hích, tiếp lời:

- Gâu gâu… gâu, ha ha ha… .

Lạ chưa, mẹ Vằn vừa cười tiếng người.

Chắc hẳn con người nay cũng như mẹ Vằn, không còn sợ nữa. Đó là điều kiện cần trên con đường trước mặt đi đến dành lại tự do và phẩm giá.

Và đó là điều kiện để làm người.

Dĩ nhiên.

Làm sao có thể khác được!

Nam Dao

Quebec 29.7. 2013 -7.5.2014

Bờ Kia

5.5" x 8.5" (13.97 x 21.59 cm)
Black & White on Cream paper
154 pages

ISBN-13: 978-1515295211
BISAC: Literary Collections / Asian

Mua sách: Mua qua Amazon.com ( USA) hoặc Amazon.Europe (tìm theo tên Nam Dao hoặc tên sách Bo Kia)

Mua qua nhà xuất bản Thi Văn, giá giảm 20% và miễn cước phí, xin đặt tại nxb.thivan@gmail.com. Nếu bạn ở Việt Nam, để có sách online dạng PDF miễn phí, xin liên lac với nxb.thivan@gmail.com