Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Bao giờ em được mồ côi

Phạm Đình Trọng

 

Là người lính ngoài mặt trận trong suốt cuộc chiến tranh 30 năm, 1945 – 1975, nay ở tuổi ngoài 80, nhà văn Nguyên Ngọc lại là người đứng mũi chịu sào cho sự tồn tại và phát triển của một trường đại học lớn, Đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, một trường đại học tư có mặt trong đời sống văn hóa đất nước vì văn hóa, vì giáo dục chứ không vì lợi nhuận.

Lút trong công việc bề bộn, gấp gáp của Đại học Phan Châu Trinh, nhưng là nhà văn chân chính, Nguyên Ngọc còn là chủ soái, là linh hồn của Văn Đoàn Độc Lập. Những nhà văn gia nhập Văn Đoàn một phần vì lòng tự trọng không thể cam tâm làm thứ văn nô trong hội Nhà văn quốc doanh, hàng năm ngửa tay xin ngân sách nghèo của đất nước vài tỉ đồng làm giải thưởng ban phát cho những người biết chạy cửa trước, cửa sau, làm trại sáng tác viết sách ngợi ca cái không đáng ngợi ca còn cuộc sống thật của đất nước, con người thật của nhân dân thì mờ nhạt, vắng bóng. Phần quyết định hơn cả mà các nhà văn gia nhập Văn Đoàn Độc Lập là tình cảm yêu quí, kính trọng và tin tưởng ở chủ soái Nguyên Ngọc. Và điều quan trọng nhất trong những dịp Văn Đoàn họp mặt là chúng tôi được gặp vị chủ soái rất trí tuệ, rất uyên bác, rất kinh viện sách vở nhưng cũng rất xông xáo như một người lính trận năm xưa nay còn khỏe mạnh, minh mẫn, sắc sảo, là chúng tôi được gặp những tên tuổi, những nhân cách văn hóa mà mình kính trọng.

Từ khi ra đời, những cuộc họp mặt của Văn Đoàn Độc Lập đều diễn ra suôn sẻ, không bị cản trở. Nhưng sau khi ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng có lời nói bất hủ khẳng định rằng ở Việt Nam “Dân chủ đến thế là cùng” và Sài Gòn vừa có Bí thư mới trẻ trung, năng động, xông xáo thì cuộc gặp đầu xuân Bính Thìn 2016 của Văn Đoàn Độc Lập lại bị ngăn chặn quyết liệt.

Tôi nhận được email thông báo cuộc gặp mặt đầu năm của Văn Đoàn Độc Lập từ rất sớm còn nơi gặp thì được giữ kín đến sát ngày N mới tiết lộ. Tuy vậy sát ngày N, tôi lại nhận được hàng chục tin nhắn điện thoại liên tục thay đổi chỗ gặp. Đầu tiên định gặp nhau ở văn phòng của Tập đoàn Truyền thông Thanh niên đường Trần Hưng Đạo nhưng rồi “bị áp lực từ bên ngoài” nơi cho mượn văn phòng lại phải từ chối. Cuối cùng một nhà thơ phải mở rộng cửa căn nhà của mình mãi vùng làng hoa Gò Vấp đón các thành viên Văn Đoàn Độc lập đến gặp gỡ đầu năm với nhà văn Nguyện Ngọc chủ soái của Văn Đoàn Độc Lập từ Đại học Phan Châu Trinh, Hội An mới tất tả bay vào Sài Gòn.

Đúng ngày Văn Đoàn Độc Lập họp mặt đầu năm, 5 giờ sáng 3.3.2016, tôi xuống sân, liền đối mặt với hai hung thần giữ đảng trấn ngay cửa thang máy tầng trệt. Đi tiếp. Mảnh sân thoáng rộng còn tối mờ. Đèn cao áp rải những quầng sáng trắng xuống mặt đường trước hai khối nhà, tám block chung cư. Ở ngả đường bên trái chung cư, bốn hung thần của đảng đứng ngồi lố nhố bên chốt bảo vệ khu căn hộ. Giáp mặt tôi, một hung thần nói trống không: “Hôm nay không được đi đâu nhá!”. Tôi đếm được tám xe máy dựng hai bên vỉa hè. Như vậy còn hai hung thần nữa đang trấn cửa thang máy tầng hầm để ô tô, xe máy. Và ngả đường bên phải cũng phải một tốp năm, bảy hung thần nữa.

Trong cảm giác ngột ngạt, chán chường, tôi lại nhớ đến đoạn thơ Nhân Văn Giai Phẩm hơn nửa thế kỉ trước, hình như của nhà thơ phu chữ Lê Đạt:

Đời vẫn tráo trâng

Nghiêng nghiêng ngó ngó

Ta chưa có chỗ

Trong trái tim Người

Nên phải lặng ngồi

Trong bóng tối mùa xuân

Ngồi đó không yên

Có kẻ đuổi lên ghế đá

Lạnh lưng em quá mình ơi!

Cái phần riêng tư nhất của con Người, cái tự do tối thiểu của mỗi chủ thể Người cũng bị trâng tráo can thiệp, ngăn cấm. Tôi lại nhớ đến nỗi thèm khát "mồ côi chế độ” của những tâm hồn khát khao tự do Nhân Văn Giai Phẩm:

Thầy mẹ em mất rồi

Em có thầy mẹ mới

Đêm nay sao lặn góc trời

Bao giờ em được mồ côi!

Sao lại mong mồ côi? Thầy mẹ ruột thịt, yêu thương của em bị cưỡng bức chết rồi. Chỉ còn thầy mẹ ghẻ nanh ác. Mong mồ côi để mong thoát khỏi nanh ác của kẻ khác máu tanh lòng.

Trở về nhà, tôi liền phôn hỏi thăm cây bút viết kí sự và thơ chính luận Lê Phú Khải. Nhà kí sự và chính luận nhiều tuổi hơn cả tuổi ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng cũng than trời vì bị cả đám an ninh chặn cửa không cho ra khỏi nhà. Tôi lại đọc cho ông kí sự và chính luận nghe câu thơ Nhân Văn Giai Phẩm hơn nửa thế kỉ trước:

Đêm nay sao lặn góc trời

Bao giờ em được mồ côi